CHÍNH SÁCH THUẾ, HẢI QUAN CỦA VIỆT NAM RẤT LINH HOẠT

(HQ Online)- Trước đề nghị của Hiệp hội DN châu Âu (Eurocham) về việc, Chính phủ Việt Nam cần linh hoạt hơn nữa trong các quy định về thuế, hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, chính sách thuế, hải quan của Việt Nam hiện nay đã rất linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN NK hàng hóa và phù hợp với các thông lệ quốc tế.

CBCC Hải quan Hải Phòng hướng dẫn DN làm thủ tục hải quan. Ảnh: H.Nụ

Eurocham mong muốn, Chính phủ Việt Nam tiếp tục cải thiện việc thực thi các quy định hải quan. Trong đó, cần linh hoạt hơn nữa trong các quy định về hải quan, hạn chế truy thu thuế của những kỳ thuế đã đóng đối với trường hợp nghiêm trọng nhất.

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Văn Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2016, Quốc Hội đã ban hành Luật số 106/2016/QH13, Luật thuế XNK số 107/2016/QH13. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành các Nghị định 100/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 và Nghị định 134/2016/NĐ- CP ngày 1/9/2016 theo hướng tạo thuận lợi cho DN.

Ví dụ chuyển một số hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế sang đối tượng miễn thuế như: hàng NK để sản xuất XK, hàng có trị giá hoặc số tiền phải nộp dưới mức tối thiểu; máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bộ phận, phụ tùng NK phục vụ cho hoạt động in, đúc tiền; hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập trong thời hạn nhất định.

Ông Vũ Văn Hải nhấn mạnh, chính sách thuế, hải quan của Việt Nam hiện nay đã rất linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN NK hàng hóa và phù hợp với các thông lệ quốc tế.

Ông Vũ Văn Hải cho biết thêm, đối với việc truy thu thuế (ấn định thuế) đã được quy định cụ thể tại Điều 39 Luật Quản lý thuế. Do đó, đề nghị Eurocham, cộng đồng DN có các vướng mắc liên quan có thể tìm hiểu và thực hiện theo đúng quy định. 

Đảo Lê

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

BIẾN TƯỚNG BUÔN LẬU QUA LOẠI HÌNH HÀNG QUÁ CẢNH – BÀI 1: TÁO TỢN PHÁ NIÊM PHONG, TUỒN HÀNG VÀO NỘI ĐỊA

(HQ Online)- Thay vì vận chuyển hàng hóa theo loại hình quá cảnh đến cửa khẩu xuất để thực hiện thủ tục xuất khẩu theo quy định, một số doanh nghiệp đã có hành vi tự ý phá niêm phong hải quan, tuồn hàng vào nội địa tiêu thụ, trốn thuế.

Lô hàng xe máy, điện tử đã qua sử dụng ẩn trong lô hàng quá cảnh do cơ quan Hải quan phát hiện tại cảng Cát Lái ngày 5/5/2017.  Ảnh: T.H.

Bắt nóng nhiều vụ

Liên tục từ cuối năm 2016 đến nay, các đơn vị Hải quan phía Nam đã phối hợp với cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển hàng quá cảnh đã tự ý phá niêm phong hải quan, lấy hàng trong container tuồn vào thị trường nội địa. Cuối năm 2016, Cục Hải quan TP.HCM phát hiện nhiều lô hàng quá cảnh đã làm thủ tục ra khỏi cửa khẩu nhập nhưng không được vận chuyển đến cửa khẩu xuất. Điển hình là trường hợp Công ty TNHH Vận tải Thương mại dịch vụ Triệu Hiển (557B, quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP. HCM) mở tờ khai vận chuyển tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để quá cảnh lô hàng 180 chiếc điện thoại iPhone 7 và iPhone 7 Plus sang Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài- Tây Ninh. Tại cửa khẩu Mộc Bài, cơ quan Hải quan nghi vấn nên kiểm tra thực tế hàng hóa, đã phát hiện chỉ còn 1 chiếc điện thoại iPhone 7, 1 chiếc điện thoại iPhone 7 Plus và có thêm 16 thùng kem đánh răng, 2 thùng dầu gội đầu. Như vậy, 178 chiếc điện thoại iPhone 7 và iPhone 7 Plus đã không được quá cảnh sang Campuchia mà bị thẩm lậu vào Việt Nam. Liên quan đến vụ việc này, Cục Điều tra chống buôn lậu- Tổng cục Hải quan đã khởi tố vụ án hình sự, chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an TP.HCM tiếp tục điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Theo Đội Kiểm soát Hải quan- Cục Hải quan TP.HCM, lợi dụng miễn kiểm tra thực tế hàng hóa quá cảnh, một số DN khai báo chung chung là hàng quá cảnh thông thường nhưng thực chất là hàng phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền. Một số DN lợi dụng quy định tự quản lý, tự vận chuyển hàng hóa quá cảnh qua các cửa khẩu đường bộ để tuồn hàng vào nội địa tiêu thụ trốn thuế. Có những trường hợp lô hàng vừa vận chuyển ra khỏi cổng cảng, các DN đã tìm mọi cách để đánh tháo hàng. Thậm chí có DN sau khi rút ruột đã không vận chuyển hàng đến cửa khẩu. Điển hình là tờ khai vận chuyển số 500050661061 do Công ty TNHH TM DV XNK quốc tế Bình Chánh vận chuyển, mặt hàng khai báo là dụng cụ nhà bếp, máy lạnh, máy nóng lạnh, máy lọc nước, mới 100%, đã được Chi cục  Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 phê duyệt vận chuyển đến cửa khẩu xuất. Tuy nhiên, DN không vận chuyển lô hàng trên đến cửa khẩu Hoa Lư – Bình Phước theo đúng tuyến khai báo để xuất khẩu, mà tuồn hàng vào nội địa để tiêu thụ trái phép. Điều đáng chú ý, khi tiến hành điều tra xác minh tại địa chỉ đăng kí hoạt động của DN này, Đội Kiểm soát Hải quan phát hiện đây là DN “ma”.

Không chỉ có vụ việc trên, trước đó, ngày 5/8/2016, từ dấu hiệu nghi vấn, Đội Kiểm soát Hải quan- Cục Hải quan TP.HCM theo dõi lô hàng quá cảnh thuộc tờ khai vận chuyển số 500050552120 do Công ty TNHH Giao nhận hàng hóa dịch vụ T.A. vận chuyển, mặt hàng khai báo là bìa carton, vận chuyển từ Tân Cảng- Hiệp Phước đi cửa khẩu Mộc Bài- Tây Ninh. Đội Kiểm soát Hải quan phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ- Công an TP.HCM phát hiện chiếc xe vận chuyển container hàng quá cảnh nêu trên đến kho hàng tại Cần Đước – Long An. Qua khai thác nhanh tài xế chiếc xe trên, ông này khai nhận trước đó có vận chuyển container hàng quá cảnh thuộc tờ khai vận chuyển 500050552120 đến kho này và “xuống” hàng tại đây, sau đó chèn 1 lớp carton vào đầu container vận chuyển đến cửa khẩu Mộc Bài để xuất đi Campuchia.

Đối tượng chuyển hướng

Sau khi liên tiếp phát hiện nhiều vụ lợi dụng hàng quá cảnh qua cảng Cát Lái để buôn lậu, lãnh đạo Tổng cục Hải quan chỉ đạo Cục Hải quan TP.HCM tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, phối hợp với các đơn vị hải quan địa phương kiểm soát chặt chẽ tuyến đường này. Tuy nhiên, sau đó, một số đối tượng đã chuyển hướng lợi dụng luồng hàng quá cảnh qua cửa khẩu cảng Cái Mép- Vũng Tàu.

Ngày 8/2/2017, Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài (Cục Hải quan Tây Ninh), Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Cục Điều tra chống buôn lậu- Tổng cục Hải quan) và Chi cục Hải quan cảng Cái Mép (Cục Hải quan Bà Rịa- Vũng Tàu) phối hợp kiểm tra thực tế lô hàng quá cảnh, phát hiện hàng lậu trị giá  ước tính khoảng 8 tỷ đồng. Số hàng này thuộc tờ khai vận chuyển độc lập của Công ty TNHH Tiếp vận XITLO (trụ sở tại P.7, Q.3, TP.HCM) do ông Lê Minh Phương đại diện đăng ký tại Chi cục Hải quan Cảng Cái Mép (Cục Hải quan Bà Rịa – Vũng Tàu) ngày 14/1/2017. Lô hàng được vận chuyển đến cửa khẩu Mộc Bài để xuất đi Campuchia nên được đưa vào khu vực giám sát của Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài ngày 17/1/2017, nhưng sau đó không có người đến làm thủ tục xuất khẩu lô hàng. Qua công tác giám sát, lực lượng Hải quan phát hiện tình trạng niêm phong chì tàu biển đã bị đục có thể tháo rời, niêm phong của Hải quan có dấu hiệu làm giả. Kiểm tra lô hàng, lực lượng Hải quan phát hiện hàng hoá thực tế trong container trên gồm 1.257 chai nước hoa, 58 chai rượu ngoại, 607 điện thoại iPhone, 100 đồng hồ đeo tay hiệu Apple, 86 máy tính bảng… Tất cả đều không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trước đó, vào cuối tháng 1/2017, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (Bộ Công an) phối hợp với Công an Bình Dương, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) triệt phá một đường dây buôn lậu lợi dụng việc chuyển hàng quá cảnh để tuồn hàng lậu vào Việt Nam. Lô hàng này được nhập khẩu từ Singapore qua cảng Cái Mép, quá cảnh ở Việt Nam và xuất khẩu sang Campuchia. Tuy nhiên, khi qua địa bàn Bình Dương, chiếc container được chở thẳng vào đậu trong kho hàng của một doanh nghiệp tư nhân (Đại lộ Bình Dương, TX.Thuận An, Bình Dương) để cắt niêm chì, lấy hàng hóa, sau đó đưa các thùng nhựa vào. Kiểm tra tại chỗ, lực lượng chức năng phát hiện hơn 1.000 thùng rượu ngoại, gần 600 thùng sữa ngoại, cùng hàng trăm thùng bài tú lơ khơ. Chủ lô hàng trên là Công ty TNHH Thương mại T.T có địa chỉ tại TP.HCM. Tất cả hàng hóa đều không có hóa đơn chứng từ, với tổng giá trị gần 10 tỷ đồng.

Quá cảnh hàng hóa là hình thức “mượn đường” để tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ và là phương thức kinh doanh, vận tải phổ biến theo thông lệ quốc tế. Nhưng gần đây, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện nhiều trường hợp lợi dụng loại hình này để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại.
Lê Thu

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

KIẾN NGHỊ GIẢM KIỂM TRA CHUYÊN NGÀNH TRONG THÔNG QUAN

(HQ Online)-Tổng cục Hải quan vừa có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương kiến nghị đưa nhiều mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan sang kiểm tra sau thông quan.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội. Ảnh: N.Linh

Theo đó, Tổng cục Hải quan tiếp tục kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đưa các mặt hàng NK như: Sữa bột, bánh kẹo, sản phẩm dinh dưỡng có chứa sữa… ra khỏi danh mục hàng hóa phải kiểm dịch tại khâu thông quan nêu tại Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT. 

Tại mục 3 Phụ lục I Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT thì “Sữa tươi, sữa chua, bơ, pho mát, sữa bột, sữa bánh và các sản phẩm từ sữa” là sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch. Danh mục hàng hóa kèm Thông tư này không có mã HS nên các sản phẩm được chế biến từ sữa, như sữa hộp hoặc có chứa sữa, như bánh kẹo và sản phẩm dinh dưỡng có chứa sữa… đều thuộc đối tượng phải kiểm dịch.

Theo Tổng cục Hải quan, các mặt hàng đã qua chế biến sâu như sữa hộp, các sản phẩm có chứa sữa đã phải kiểm tra an toàn thực phẩm thì không nhất thiết phải kiểm dịch động vật nữa. Trong năm 2016, Tổng cục Hải quan cũng đã từng có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao đổi về vấn đề này. Tuy nhiên, đến nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chưa tháo gỡ vướng mắc cho DN.

Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm rà soát, công bố mới Danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch, có chi tiết theo mã HS.

Cùng với kiến nghị gửi tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan cũng có văn bản gửi tới Bộ Công Thương đề nghị chuyển thời điểm kiểm tra hiệu suất năng lượng trong giai đoạn thông quan sang kiểm tra sau khi hàng hóa đã được thông quan theo đúng tinh thần tại Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng đề nghị Tổng cục Năng lượng-Bộ Công Thương làm rõ các quy định dán nhãn năng lượng và kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu đối với các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng.

Cụ thể, tại Quyết định số 78/2013/QĐ-TTg và Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg của Chính phủ quy định không được phép NK và sản xuất các phương tiện, thiết bị có hiệu suất năng lượng thấp hơn hiệu suất năng lượng tối thiếu. 

Theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 36/2016/TT-BCT, quy định về dán nhãn năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng không áp dụng với các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng sau: 

“- Hàng hóa, vật tư, thiết bị tạm nhập – tái xuất; hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu;

– Hàng hóa DN trong nước sản xuất, gia công phục vụ XK (không tiêu thụ trong nước);

– Hàng hóa thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng, bí mật quốc gia, an toàn bức xạ hạt nhân;

– Hàng hóa NK phi thương mại (…)”.

Căn cứ quy định nêu trên, Tổng cục Hải quan đề nghị Tổng cục Năng lượng làm rõ trường hợp không phải dán nhãn năng lượng như tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 36/2016/TT-BCT thì có phải kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu hay không? 

N.Linh

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

CÔNG KHAI DANH TÍNH 13 DOANH NGHIỆP UAE CÓ DẤU HIỆU LỪA ĐẢO

(HQ Online)-  Trong số 13 doanh nghiệp nhập khẩu trái cây tại UAE, có nhiều doanh nghiệp từng bị kiện ra tòa với lý do không thanh toán tiền cho bên xuất khẩu.

Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần lưu ý danh sách các doanh nghiệp này. Ảnh internet.

Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại UAE mới có thông báo đến tất cả các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh mặt hàng trái cây xuất khẩu sang Dubai danh sách một số doanh nghiệp nhập khẩu trái cây có dấu hiệu lừa đảo tại UAE.

Danh sách 13 doanh nghiệp này gồm: Green Belt Food Stuff; Diamond Empire General Trading; Vintage International F.Z.C.; Mohammad Mehdi General Trading; Onion Food Stuff Trading; Khushi Trading; Olwen International FZC; Red Fort Trading; Season Food Stuff Trading; Lassani Food Stuff Trading; Mahak Gulf Trading; Takbeer Trading và công ty Floral Fruit.

Trong số 13 doanh nghiệp, có nhiều doanh nghiệp đã bị kiện ra tòa với lý do không thanh toán tiền cho bên xuất khẩu.

Trước đó, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại UAE cũng đã nhận được rất nhiều các khiếu nại và đề nghị hỗ trợ từ các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm trái cây của Việt Nam sang UAE đối với một số công ty nhập khẩu tại Dubai. 

Theo đó, các hình thức lừa đảo, gian lận thương mại được thực hiện theo từng bước. Trước tiên, doanh nghiệp giao dịch với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và thuyết phục ký hợp đồng xuất khẩu trái cây như chanh, chuối… với phương thức thanh toán là 50% trả tiền sau khi nhận bản scan chứng từ gửi hàng và 50% thanh toán sau khi nhận được hàng đúng chất lượng (thậm chí là sau khi nhận hàng 15 ngày), viện lý do đây là thông lệ kinh doanh của mặt hàng trái cây, rau quả tại Dubai (người bán cho người mua nợ tiền).

Sau khi nhận bản scan chứng từ,công ty UAE gửi thông tin cho doanh nghiệp Việt Nam để lấy chứng từ gốc, sau đó liên tục lấy lý do trục trặc ngân hàng để lấp liếm việc phát hành thanh toán giả, trì hoãn việc thanh toán (thậm chí là cả khoản 50% đầu tiên). 

Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bị chậm trả lên đến 6 tháng đến 1 năm, thậm chí sang tận nơi để đòi tiền nhưng cũng không giải quyết được do doanh nghiệp UAE cố tình lẩn tránh hoặc dùng thủ đoạn câu giờ.

Bước tiếp theo, khi nhận hàng, công ty UAE cũng dùng thủ thuật tráo hàng chất lượng kém, khiếu nại doanh nghiệp Việt Nam mà không có bất cứ giấy tờ giám định chất lượng hàng.

Phan Thu

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

HÀNG KIỂM TRA CHUYÊN NGÀNH Ở HẢI PHÒNG CÓ CHIỀU HƯỚNG GIẢM

(HQ Online)- Tỉ lệ tờ khai hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành trên tổng số tờ khai xuất nhập khẩu tại Cục Hải quan Hải Phòng đang có chiều hướng giảm.

Ô tô nhập khẩu là hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành (thủ tục đăng kiểm). Trong ảnh, ô tô tải nhập khẩu về cảng Hoàng Diệu, Hải Phòng. Ảnh: T.Bình.

Theo Cục Hải quan Hải Phòng, năm 2015, toàn Cục giải quyết thủ tục cho gần 1,1 triệu tờ khai xuất nhập khẩu, trong đó tờ khai thuộc diện kiểm tra chuyên ngành chiếm tỉ lệ 17,2%, tương đương 183.362 bộ tờ khai.

Bước sang năm 2016, dù tổng lượng tờ khai toàn Cục tăng lên gần 1,3 triệu bộ, nhưng tổng số tờ khai phải kiểm tra chuyên ngành chỉ còn 166.160 bộ, tượng đương tỉ lệ 12,82%.

Trong quý I/2017, tỉ lệ tờ khai thuộc diện kiêm tra chuyên ngành tiếp tục giảm xuống 9,27% với 31.198 tờ khai trong tổng số tờ khai toàn Cục là 336.375 bộ.

Đáng chú ý, không chỉ số lượng tờ khai giảm mà thời gian giải quyết thủ tục của cơ quan quản lý chuyên ngành cũng đang được kéo giảm. Cụ thể, năm 2015, thời gian thông quan trung bình đối với tờ khai phải kiểm tra chất lượng (từ khi đăng ký đến khi nhận được kết quả) là 14,39 ngày; đối với tờ khai phải kiểm tra an toàn thực phẩm là 16,46 ngày. Nhưng đến năm 2016, thời gian trung bình giảm xuống còn khoảng 12 ngày.

Mặc dù trên bình diện chung hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành có chiều hướng giảm, nhưng hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành ở một số chi cục thuộc Cục Hải quan Hải Phòng lại có chiều hướng gia tăng.

Đơn cử như tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực III, năm 2016, lượng tờ khai nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành chiếm hơn 41% tổng số tờ khai nhưng sang quý I/2017 tỉ lệ này tăng lên 51%…

Thái Bình

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

THU GẦN 50 TỶ USD, DOANH NGHIỆP FDI ÁP ĐẢO VỀ XUẤT KHẨU

(HQ Online)- 49,398 tỷ USD là tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiếm khoảng 71% tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu cả nước. Đây là trị giá kim ngạch xuất khẩu tính đến 15/5, theo thông tin mới từ Tổng cục Hải quan.

Sản xuất điện thoại tại Samsung Bắc Ninh. Ảnh: T.Bình.

Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm ngoái, tỉ trọng về giá trị kim ngạch của doanh nghiệp FDI đã tăng thêm 1 điểm phần trăm (cùng kỳ chiếm khoảng 70%).

Với tốc độ tăng trưởng 19%, giới doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đạt mức tăng cao hơn tốc độ bình quân chung cả nước (cả nước đạt 17,6%).

Sự tăng trưởng mạnh về doanh nghiệp FDI là điều dễ hiểu khi giới doanh nghiệp này đang nắm thế áp đảo ở những lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của nước ta như điện thoại và máy vi tính, hàng điện tử…

Mặt khác, như ở Chương trình doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực Hải quan (dành cho doanh nghiệp xuất khẩu lớn, uy tín) cũng có đến 35/60 doanh nghiệp là doanh nghiệp FDI.

Biểu đồ tỉ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI trong cơ cấu xuất khẩu chung của cả nước tính hết 15/5. Ảnh: T.Bình.

Hoặc ở nhiều địa phương xuất khẩu lớn hiện nay như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bình Dương, Đồng Nai… trị giá kim ngạch hầu hết phụ thuộc vào giới doanh nghiệp FDI.

Đơn cử như trường hợp của Thái Nguyên, trước khi có sự xuất hiện của Samsung, địa phương này gần như không mấy tên tuổi trên “bản đồ” xuất khẩu của nước ta.

Nhưng hiện nay, Thái Nguyên đã vươn lên mạnh mẽ thành địa phương đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố cả nước (sau TP.HCM) về trị giá kim ngạch xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hảo- Trưởng Phòng quản lý xuất nhập khẩu và Hội nhập kinh tế quốc tế (Sở Công Thương Thái Nguyên) cho hay, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực ở Thái Nguyên là điện thoại, linh kiện điện thoại, máy tính bảng của Tập đoàn Samsung…

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hảo, sự lên ngôi ngoạn mục trong hoạt động xuất khẩu của Thái Nguyên những năm gần đây chính là nhờ hiệu quả trong hoạt động đầu tư của Tập đoàn Samsung.

“Các lĩnh vực xuất khẩu truyền thống của địa phương cũng có sự cải thiện, tăng trưởng nhưng không thể tạo được sự đột phá như vừa qua nếu không có sự góp mặt của Tập đoàn Samsung”- lãnh đạo Phòng quản lý xuất nhập khẩu và Hội nhập kinh tế quốc tế, chia sẻ.

Thái Bình

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

INFOGRAPHICS: CƠ CẤU HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU 4 THÁNG NĂM 2017

(HQ Online)- Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng/2017 với kim ngạch đạt hơn 12,44 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước; EU (28 nước) là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 với kim ngạch 11,41 tỷ USD, tăng 9,6%. Thị trường Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam và có mức tăng trưởng mạnh nhất 40,8% so với cùng kỳ năm trước; thị trường Hàn Quốc đứng thứ 4 và cũng có mức tăng mạnh 31,5%;…

 
Trần Ánh- Mạnh Hùng

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

CỬA KHẨU KIM THÀNH- LÀO CAI: THÔNG QUAN HÀNG NÔNG SẢN, THỦY SẢN ĐẾN 22 GIỜ

(HQ Online)- Cơ quan Hải quan sẽ kéo dài thời gian thông quan các loại nông sản, thủy sản đến 22 giờ hàng ngày, qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai), không để ùn tắc ở cửa khẩu.

Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành. Ảnh: Thu Trang

Trước đó, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý cho phép triển khai thực hiện thí điểm kéo dài thời gian thông quan các loại hàng nông sản, thủy hải sản đến 22 giờ hàng ngày, không phân biệt loại hình XNK sang Trung Quốc, qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành, Lào Cai (Việt Nam)-Bắc Sơn (Trung Quốc). Việc chính thức kéo dài thời gian thông quan hàng hóa sẽ được thực hiện sau khi có sự thống nhất với phía Trung Quốc.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu Cục Hải quan Lào Cai chỉ đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai thực hiện thí điểm kéo dài thời gian thông quan các loại nông sản, thủy sản đến 22 giờ hàng ngày, không phân biệt loại hình XNK sang Trung Quốc, qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành. Đặc biệt, ưu tiên thực hiện XK hàng hóa sản xuất trong nước, không để ùn tắc ở cửa khẩu.

Thời gian qua, để góp phần giải quyết tình trạng ứ đọng, ách tắc hàng hóa qua biên giới (nông sản, thủy hải sản) tạo thuận lợi cho thông quan hàng hóa tại cửa khẩu, Thủ tướng Chính phủ nhiều lần chỉ đạo kéo dài thời gian thông quan hàng hóa tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai).

Hiện tại, thời gian làm việc tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành từ 7 giờ đến 19 giờ các ngày trong tuần, kể cả ngày thứ Bảy, Chủ Nhật, ngày lễ, ngày Tết (trừ trường hợp có quy định khác).

N.Linh

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

RÚT NGẮN THỜI GIAN LÀM THỦ TỤC VỀ HOÁ ĐƠN

(HQ Online)- Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế trong lĩnh vực sử dụng hoá đơn, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 37/2017/TT-BTC, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014/TT-BTC và Thông tư số 26/2015/TT-BTC.

Thời hạn giải quyết của cơ quan Thuế từ 5 ngày xuống còn 2 ngày làm việc trong việc tạo hoá đơn tự in của DN mới thành lập. Ảnh Internet.

Theo đó, quy định rút ngắn về thời hạn giải quyết của cơ quan Thuế đối với một số thủ tục về hoá đơn của người nộp thuế, cụ thể như sau:

Thông tư sửa đổi, bổ sung về thời hạn giải quyết của cơ quan Thuế từ 5 ngày xuống còn 2 ngày làm việc trong việc tạo hoá đơn tự in của DN mới thành lập. Theo quy định mới, DN mới thành lập có văn bản đề nghị sử dụng hóa đơn tự in và được cơ quan Thuế quản lý trực tiếp xác nhận đủ điều kiện. 

Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản đề nghị của DN, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp phải có ý kiến về điều kiện sử dụng hóa đơn tự in của DN .Trường hợp sau 2 ngày làm việc cơ quan quản lý thuế trực tiếp không có ý kiến bằng văn bản thì DN được sử dụng hóa đơn tự in.

Về thời hạn ra thông báo của cơ quan Thuế, Thông tư sửa đổi, bổ sung về việc sử dụng hoá đơn đặt in từ 5 ngày xuống còn 2 ngày làm việc, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp phải có Thông báo về việc sử dụng hóa đơn đặt in. Trường hợp sau 2 ngày làm việc cơ quan quản lý thuế trực tiếp không có ý kiến bằng văn bản thì DN được sử dụng hóa đơn đặt in.

Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn gửi thông báo phát hành hóa đơn và hóa đơn mẫu đến cơ quan Thuế trước khi bắt đầu sử dụng hóa đơn từ 5 ngày làm việc xuống còn 2 ngày; đồng thời bỏ quy định về thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký thông báo phát hành hoá đơn phải gửi thông báo đến cơ quan Thuế.

Ngoài ra, Thông tư bỏ quy định về việc kiểm tra tình hình sử dụng hoá đơn, tình hình kê khai nộp thuế của người nộp thuế đối với các lần mua hoá đơn sau. 

Cụ thể: Cơ quan Thuế bán hóa đơn cho tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh theo tháng. Số lượng hóa đơn bán cho tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh lần đầu không quá một quyển năm mươi số cho mỗi loại hóa đơn. 

Trường hợp chưa hết tháng đã sử dụng hết hóa đơn mua lần đầu, cơ quan Thuế căn cứ vào thời gian, số lượng hóa đơn đã sử dụng để quyết định số lượng hóa đơn bán lần tiếp theo. Đối với các lần mua hóa đơn sau, căn cứ đề nghị mua hóa đơn trong đơn đề nghị mua hóa đơn, cơ quan Thuế giải quyết bán hóa đơn cho tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh trong ngày, số lượng hóa đơn bán cho tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh không quá số lượng hóa đơn đã sử dụng của tháng mua trước đó.

Trường hợp hộ, cá nhân kinh doanh không có nhu cầu sử dụng hóa đơn quyển nhưng có nhu cầu sử dụng hóa đơn lẻ thì cơ quan Thuế bán cho hộ, cá nhân kinh doanh hóa đơn lẻ một số theo từng lần phát sinh và không thu tiền.

Thông tư số số 37/2017/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 12/06/2017.

Minh Anh

NHỮNG NHÓM HÀNG NHẬP KHẨU CHÍNH 4 THÁNG NĂM 2017

(HQ Online)- Kim ngạch nhập khẩu của 10 nhóm hàng lớn nhất trong 4 tháng/2017 đạt 41,96 tỷ USD, chiếm 65,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước, và tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.

Cơ cấu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 4 tháng/2017

Trong đó, đạt kim ngạch lớn nhất là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 11,51 tỷ USD, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng xăng dầu các loại là nhóm hàng có mức tăng về trị giá là lớn nhất 41,8%; sắt thép các loại đạt mức đứng thứ 2 với 10,9%;…

Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng: Trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 4 là 3,44 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước, nâng trị giá nhập khẩu trong 4 tháng/2017 lên 11,5 tỷ USD, tăng 39,3% so với 4 tháng/2016; trong đó khối các doanh nghiệp FDI nhập khẩu 7,22 tỷ USD, tăng 60,1% và khối các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu 4,28 tỷ USD, tăng 16,1%.

 

Hàn Quốc đã thay thế Trung Quốc, trở thành thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam trong 4 tháng/2017 với trị giá là 3,79 tỷ USD, tăng 135%; tiếp theo là các thị trường: Trung Quốc: 3,4 tỷ USD, tăng 31%; Nhật Bản: 1,39 tỷ USD, tăng 7,4%; Đài Loan: 408 triệu USD, giảm 3,4%…

 

Máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện: Nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 4/2017 đạt 2,85 tỷ USD, giảm 4,7% so với tháng trước, qua đó đưa kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng/2017 đạt 10,44 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước.

 

Các thị trường cung cấp máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cho Việt Nam trong 4 tháng/2017 chủ yếu gồm: thị trường Hàn Quốc với 3,84 tỷ USD, tăng 39,2%; thị trường Trung Quốc với 2,09 tỷ USD, tăng 26,1%; thị trường Đài Loan với 1,06 tỷ USD, tăng 15,4%;…

 

Điện thoại các loại và linh kiện: Nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong tháng đạt 1,08 tỷ USD, giảm 5,2%. Qua đó, đưa kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng/2017 đạt 4,02 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước.

 

Các thị trường cung cấp điện thoại các loại và linh kiện cho Việt Nam trong 4 tháng/2017 chủ yếu gồm: Trung Quốc với 2,13 tỷ USD, tăng 6,3%; thị trường Hàn Quốc đạt 1,43 tỷ USD, tăng 31,5%;…

 

Sắt thép các loại: Nhập khẩu sắt thép các loại trong tháng 4/2014 đạt 1,44 triệu tấn, trị giá 866 triệu USD, giảm 2,3% về lượng và giảm 0,8% về trị giá. Đưa lượng nhập khẩu sắt thép các loại trong 4 tháng/2017 đạt 5,64 triệu tấn, trị giá 3,23 tỷ USD, gảm 8,3% về lượng, tuy nhiên tăng 40,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

 

Thị trường cung cấp sắt thép cho Việt Nam trong 4 tháng/2017 chủ yếu gồm: Thị trường Trung Quốc với 2,76 triệu tấn, trị giá 1,53 tỷ USD, giảm 16,8% về lượng nhưng tăng 33,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; thị trường Nhật Bản với 747 nghìn tấn, trị giá 447 triệu USD, giảm 10,2% về lượng và tăng 32,4% về trị giá; thị trường Hàn Quốc đạt 535 nghìn tấn, trị giá 383 triệu USD, giảm 5,6% về lượng và tăng 38,4% về trị giá;…

 

Xăng dầu các loại: Lượng nhập khẩu trong tháng là hơn 1,05 triệu tấn, trị giá là 543 triệu USD, giảm 19,1% về lượng và giảm 18% về trị giá so với tháng trước. Tính đến hết 4 tháng/2017, tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước là 3,98 triệu tấn, giảm 3,2%. Đơn giá nhập khẩu bình quân tăng tới 46,5% so với cùng kỳ năm trước nên trị giá nhập khẩu là gần 2,15 tỷ USD, tăng 41,8% so với 4 tháng/2016.

 

Trong 4 tháng/2017, Việt Nam nhập khẩu xăng dầu chủ yếu từ các thị trường: Singapore: 1,65 triệu tấn, giảm 9,5%; Hàn Quốc: 986 nghìn tấn, gấp 2 lần; Ma-lai-xi-a: 770 nghìn tấn, giảm 24,1%; Trung Quốc: 344 nghìn tấn, giảm 16%… so với cùng kỳ năm trước.

 

Than đá: Lượng nhập khẩu trong tháng là 1,02 triệu tấn, giảm mạnh 48,8% so với tháng trước nhưng gần tương đương với mức trung bình của năm 2016 (1,11 triệu tấn/tháng). Đơn giá trong tháng giảm 20,2% dẫn đến trị giá nhập khẩu than đá tháng 4/2017 giảm mạnh 59,3% so với tháng 3/2017, đạt 88,2 triệu USD. Tính trong 4 tháng/2017, lượng than đá cả nước nhập về là 4,63 triệu tấn, trị giá là 498 triệu USD, giảm 0,2% về lượng nhưng tăng 71,3% về trị giá do đơn giá nhập khẩu tăng cao (tăng 71,6% so với cùng kỳ năm 2016).

 

Than đá nhập khẩu vào Việt Nam trong 4 tháng qua từ Ôxtrâylia là gần 1,4 triệu tấn, giảm 3,8%; In-đô-nê-xi-a: 1,6 triệu tấn, tăng 93,4%; Liên bang Nga: 762 nghìn tấn, giảm 45,9%… so với 4 tháng/2016.

 

Ô tô nguyên chiếc các loại: Lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu trong tháng 4/2017 là 6,96 nghìn chiếc, giảm 37,8% so với tháng trước. Trong đó, giảm chủ yếu ở nhóm hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống, nhập khẩu trong tháng là gần 2,5 nghìn chiếc, trong khi đó con số này của tháng trước là hơn 6,7 nghìn chiếc. Tính đến hết tháng 4/2017, cả nước nhập khẩu 33,4 nghìn chiếc ô tô nguyên chiếc các loại, tăng 15,6% (tương đương tăng 4,5 nghìn chiếc) so với cùng kỳ năm trước.

 

Ô tô nguyên chiếc các loại trong 4 tháng/2017 chủ yếu được nhập khẩu từ các thị trường Thái Lan vớ 12 nghìn chiếc trị giá 219 triệu USD, tăng 18,7% về lượng và 19,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; thị trường Inđônêxia với gần 6 nghìn chếc trị giá 102 triệu USD, tăng 5,3 lần về lượng và 7,6 lần về trị giá; thị trường Ấn Độ với gần 5 nghìn chiếc, trị giá 22 triệu USD, tăng 1,1 lần về lượng nhưng giảm 3,5% về trị giá;…

Hà Nhi

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/