KÉO GIẢM THỜI GIAN THÔNG QUAN HÀNG XUẤT KHẨU 70 GIỜ

(HQ Online)- Đây là một trong những mục tiêu cụ thể được Tổng cục Hải quan đặt ra để thực hiện Nghị quyết 19-2017/NQ-CP  của Chính phủ.
Ngành Hải quan đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để giảm thời gian thông quan hàng hóa XNK. Trong ảnh, hàng hóa XNK tại cảng Nam Hải Đình Vũ, Hải Phòng. Ảnh: T.Bình.
Theo thông tin được Tổng cục Hải quan phát đi vào hôm nay 17/5, trên cơ sở mục tiêu được đặt ra trong Nghị quyết 19, Tổng cục Hải quan đề ra các chỉ tiêu cụ thể trong lĩnh vực Hải quan.

Các chỉ tiêu đáng chú ý được Tổng cục Hải quan đặt ra là: Phấn đấu hết năm 2017, rút ngắn thời gian thông quan còn 70 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu và 90 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu; đến hết năm 2020, thời gian tlần lượt xuống dưới 60 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 80 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu.

Đồng thời, hết năm 2017, cải thiện vị trí xếp hạng về thời gian thực hiện giao dịch thương mại qua biên giới từ thứ hạng 93 về thứ hạng dưới 82 (theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới).

“Trong năm 2017, 100% dịch vụ công của ngành Hải quan được cung cấp trực tuyến tối thiểu mức độ 3; 70% dịch vụ công thuộc các lĩnh vực cốt lõi của ngành Hải quan được cung cấp trực tuyến mức độ 4”- thông tin từ Tổng cục Hải quan chỉ rõ.

Theo Tổng cục Hải quan, trên cơ sở mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cụ thể nêu trên, ngành Hải quan đã tổ chức rà soát toàn bộ các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao để đề ra 11 nhóm nhiệm vụ, 29 giải pháp gắn với 39 sản phẩm đầu ra cụ thể trong Kế hoạch hành động ban hành kèm theo Quyết định số 737/QĐ-TCHQ (ngày 8/3/2017 về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP).

Một số nhiệm vụ, chỉ tiêu như: Tiếp tục hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực Hải quan; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; đẩy mạnh thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN…

Thái Bình

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

59 DOANH NGHIỆP ƯU TIÊN ĐÓNG GÓP 94 TỶ USD KIM NGẠCH XUẤT NHẬP KHẨU

(HQ Online)- Tính trung bình mỗi doanh nghiệp ưu tiên có giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu gần 1,6 tỷ USD.
Biểu đồ: T.Bình.

Đây là thông tin đáng chú ý được Tổng cục Hải quan chuẩn bị phục vụ Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 (ngày 17/5).

Theo Tổng cục Hải quan, thực hiện chế độ doanh nghiệp ưu tiên là một trong những giải pháp quan trọng để tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.

Lợi ích cụ thể mà cộng đồng doanh nghiệp được thụ hưởng (theo quy định của Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn) khi được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên như: Miễn kiểm tra chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc kiểm tra ngẫu nhiên để đánh giá sự tuân thủ pháp luật.

Đồng thời doanh nghiệp được làm thủ tục hải quan bằng tờ khai hải quan chưa hoàn chỉnh hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan…; được ưu tiên khi thực hiện thủ tục về thuế đối với hàng hóa theo quy định của pháp luật…

Theo Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan), đơn vị chủ trì thực hiện Chương trình doanh nghiệp ưu tiên, tổng số doanh nghiệp ưu tiên hiện nay của cả nước là 59 doanh nghiệp. Trong năm 2016, tổng trị giá kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp này đạt 94 tỷ USD.

Như vậy, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp ưu tiên chiếm đến 26,8% tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước trong năm ngoái (cả nước đạt 350,74 tỷ USD).

Trong số các doanh nghiệp đang được công nhận có 24 doanh nghiệp trong nước, 13 doanh nghiệp vốn của Nhật Bản, 9 doanh nghiệp vốn của Hàn Quốc và một số doanh nghiệp thuộc các quốc gia, vùng lãnh thổ: Hoa Kỳ, Thụy Sỹ, Đan Mạch, Hồng Kông, Đài Loan, Italy, Singapore, doanh nghiệp liên doanh.

Thái Bình

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

HẢI QUAN TP.HCM: ĐỐI THOẠI THÁO GỠ VƯỚNG MẮC CHO DN NGÀNH BÔNG, SỢI

(HQ Online)- Ngày 15/5, Cục Hải quan TP.HCM đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong hoạt động XNK cho các DN ngành bông, sợi; đồng thời bàn giải pháp ngăn chặn hiện tượng gian lận trong việc NK vải, sợi tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa các DN. 

Đại diện các DN bông sợi phản ánh khó khăn tại hội nghị. Ảnh: T.H

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Trưởng Thuế XNK- Cục Hải quan TP.HCM, ngày 31/3/2017, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam và 9 DN chuyên kinh doanh sản xuất mặt hàng bông, xơ, sợi đồng kiến nghị gửi Cục Hải quan TP.HCM về hiện tượng gian lận thương mại qua giá tính thuế và mã số hàng hóa. 

Trong đó, các DN bông sợi cho rằng, có hiện tượng nhiều DN nhập khẩu khai báo tính thuế chỉ bằng 1/3 giá thực nhập, phá giá thị trường, trốn thuế GTGT và thuế Thu nhập doanh nghiệp mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng. 

Từ phản ánh của DN, Cục Hải quan TP.HCM thống kê có 57 DN NK bông, sợi khai báo giá quá thấp dưới 0,8 USD/kg  và 8 DN khai báo giá thấp. Đối với những DN này, Cục Hải quan TP.HCM đã chỉ đạo các chi cục rà soát để thực hiện kiểm tra sau thông quan. 

Liên quan đến nội dung trên, ông Nguyễn Bình An, đại diện Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cho biết, Cục Hải quan TP.HCM rất nhiệt tình, trọng thị khi tổ chức cuộc họp này để gặp gỡ nhằm đưa ra giải pháp hỗ trợ các DN ngành bông sợi.

Theo ông An, hiện nay hầu hết nguyên liệu bông sợi là nhập khấu, chiếm 99,9%, trung bình mỗi năm NK từ  4-4,1 triệu tấn và con số này còn sẽ tăng mạnh trong các năm tới. Trong khi các ngành khác đang gặp không ít khó khăn thì bức tranh ngành sợi đang trên đà tăng trưởng rất mạnh. 

Do ảnh hưởng từ thuế chống bán phá giá sợi từ thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, các DN Việt Nam không thể xuất hàng, nên  90% sợi XK của Việt Nam đều phải xuất sang Trung Quốc, do có lợi thế về giá nguyên liệu NK, chênh lệch mức thuế NK nguyên liệu sợi giữa Việt Nam và Trung Quốc khoảng 40% . Đây là rủi ro lớn cho các DN Việt Nam.

“Trong thời gian vừa qua, các DN sản xuất bông sợi còn phải đối mặt với tình trạng một số thương gia Trung Quốc chào bán giá vải, giá sợi rất thấp tại thị trường TP.HCM. Hiện tượng cạnh tranh về giá xảy ra cục bộ trên địa bàn TP.HCM”- ông Nguyễn Bình An nhất mạnh. 

Tại hội nghị, đại diện các DN bông sợi Việt Nam đều cho rằng, do các đối tượng chào bán giá quá thấp đã làm cho các DN mất khách, mất nguyên mảng thị trường trong nước. 

Đại diện các DN bông sợi Việt Nam đều cho rằng, có 3 yếu tố tạo nên giá thành sợi, gồm: nguyên liệu, máy móc, nhân công. Trong đó, giá điện chiếm khá cao.Tại Việt Nam giá điện để sản xuất chỉ bằng một nửa giá điện của Trung Quốc; lương bình quân của công nhân cũng thấp hơn nhiều; máy móc trong ngành sợi hiệu suất đầu tư như nhau, Việt nam có lợi thế rất nhiều, nhưng không hiểu lý do vì sao giá vải, sợi của Trung Quốc lại được chào bán quá thấp!  

Ngoài mất thị trường, ông Nguyễn Quốc Bảo, đại diện Công ty CP dệt Đông Quan còn cho rằng, hiện nay đang xuất hiện tình trạng làm nhái sản phẩm sợi của các DN trong nước.

Trước thực trạng trên, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Nguyễn Hữu Nghiệp nhấn mạnh, cơ quan Hải quan luôn tạo thuận lợi thương mại, DN và cơ quan Hải quan cần gắn kết để nếu có nguồn thông tin. Theo đó, DN cung cấp cho cơ quan Hải quan để xem xét, xử lý; ngược lại cơ quan Hải quan sẽ cung cấp cho DN những thủ đoạn gian lận mới để DN biết phòng tránh, để cùng nhau tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Trước mắt, Cục Hải quan TP.HCM sẽ cử cán bộ làm đầu mối thu thập tin từ hiệp hội và các DN. Thông tin về vấn đề hóa đơn cơ quan Hải quan sẽ được cung cấp cho cơ quan Thuế địa phương để xử lý những vấn đề liên quan đến trốn thuế nội địa; cơ quan Hải quan sẽ xem xét tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan.

Đối với hàng trong thông quan, các chi cục lưu ý, tăng tỷ lệ kiểm tra xác suất đối với lô hàng được hệ thống phân luồng Xanh, những DN nào có thông tin vi phạm cụ thể thực hiện kiểm tra luồng Đỏ. Liên quan đến giá, các cửa khẩu cần tăng cường kiểm tra mức giá khai báo mặt hàng này.

Lê Thu

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn

NHỮNG THAY ĐỔI TRONG QUY ĐỊNH NHẬP KHẨU THỦY SẢN TẠI MỘT SỐ THỊ TRƯỜNG

(HQ Online)- Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), đến nay có 6 nước bao gồm Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ả rập Xê út, Mexico và Brazil hoặc là đã tạm dừng nhập khẩu tôm chưa qua nấu chín hoặc sẽ áp dụng việc lấy mẫu xét nghiệm các bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn dịch bệnh đối với các lô tôm chưa qua nấu chín của Việt Nam. Điều này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến việc xuất khẩu tôm của Việt Nam. 

Xuất khẩu tôm của Việt Nam đang đối mặt với hàng rào kỹ thuật khắt khe từ các nước nhập khẩu Ảnh: Nguyễn Huế.

Được biết, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang 6 nước này khoảng trên 2 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu tôm đạt trên 800 triệu USD. Do đó, các biện pháp mà các nước này đưa ra đã gây ảnh hưởng rất lớn đến việc xuất khẩu tôm của Việt Nam. 

Vì vậy, để giúp các đơn vị nắm được các yêu cầu, có định hướng và chủ động trong sản xuất nhằm có được các sản phẩm phù hợp với yêu cầu các thị trường nhập khẩu thủy sản, vừa qua, Cục Thú y đã tóm tắt và cung cấp thông tin về những thay đổi trong quy định nhập khẩu thủy sản của một số nước đã có thông báo cho Việt Nam.

Theo đó, đối với thị trường Úc, theo quy định pháp luật hiện hành của Úc, tôm được phép nhập khẩu vào Úc theo các dạng được tóm tắt như sau:

Đối với tôm chưa qua nấu chín: Tất cả tôm và các sản phẩm của tôm phải có nguồn gốc từ quốc gia, vùng lãnh thổ được Cơ quan có thẩm quyền của Úc công nhận là sạch các bệnh: Đốm trắng, đầu vàng, Taura,  hoại tử gan tụy do vi khuẩn và bệnh hoại tử gan tụy cấp tính. Hoặc tôm phải được bỏ đầu, bỏ vỏ và tẩm ướp, chế biến theo các quy trình đã được cơ quan có thẩm quyền của Úc chấp nhận để sử dụng làm thực phẩm cho người. Hoặc tôm phải được bỏ đầu, bỏ vỏ, đông lạnh trước khi xuất sang Úc và phải được lấy mẫu từng lô hàng khi đến Úc để xét nghiệm khẳng định không có mầm bệnh đốm trắng và đầu vàng.

Tất cả các loại tôm, sản phẩm tôm chưa qua nấu chín phải được cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu xác nhận là phù hợp làm thực phẩm cho người; đã được chế biến, kiểm tra và phân loại tại các nhà máy đã được kiểm soát và phải không có dấu hiệu lâm sàng của bệnh truyền nhiễm. Đối với tôm đã được bỏ đầu, bỏ vỏ và tẩm ướp theo các quy trình đã được cơ quan có thẩm quyền của Úc chấp nhận khi xuất khẩu sang Úc sẽ được cơ quan có thẩm quyền của Úc kiểm tra ngẫu nhiên.

Đối với tôm đã nấu chín: Cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu phải xác nhận là tôm và các sản phẩm tôm đã nấu chín phù hợp để làm thực phẩm cho người; tôm và sản phẩm tôm phải được nấu chín tại các nhà máy đã được phê duyệt và dưới sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu để bảo đảm thời gian và nhiệt độ nấu chín là phù hợp, không còn thành phần chưa nấu chín lẫn vào các sản phẩm.

Đối với thị trường Hàn Quốc, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm thủy sản quốc gia thuộc Bộ Thủy sản Hàn Quốc quy định: Tất cả các loại thủy sản nuôi và hoang dã khi nhập khẩu vào Hàn Quốc phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch do Cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu cấp, bao gồm cả tôm đông lạnh và ướp lạnh ngoại trừ tôm bóc vỏ, bỏ đầu; hàu, nhuyễn thể đông lạnh, kể cả hàng xách tay. Cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc sẽ lấy mẫu ngẫu nhiên các lô hàng thủy sản (thông qua hệ thống tự động truy xuất thông tin nhập khẩu) để xét nghiệm các loại mầm bệnh theo quy định của OIE (bao gồm các bệnh: Đốm trắng, đầu vàng, Taura, hoại tử cơ, hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu). 

Tại thị trường Trung Quốc, yêu cầu của Trung Quốc đối với việc giám sát và lấy mẫu xét nghiệm các loại mầm bệnh trên tôm sú sống vẫn tiếp tục được thực hiện trong tương lai. 

Ngoài ra, một số thị trường như Ả rập Xê út, Brazil, Mexico, Liên bang Nga, Armenia,…cũng có các quy định cụ thể đối với việc nhập khẩu thủy sản, sản phẩm thủy sản liên quan đến vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh…

Xuân Thảo

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

“ĐAU ĐẦU” XỬ LÝ NỢ THUẾ

(HQ Online)- Bên cạnh những khoản nợ khó thu đã tồn từ nhiều năm nay, hiện cơ quan Hải quan đang phải xử lý nợ thuế chuyên thu quá hạn cho tờ khai đã thông quan do ấn định thuế từ công tác kiểm tra sau thông quan.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Thái Nguyên, Cục Hải quan Bắc Ninh. Ảnh: T.Trang​​​.

Dù đã rất tích cực và quyết liệt, nhưng cơ quan Hải quan đang gặp không ít khó khăn do công tác phối hợp với các cơ quan chức năng và do những quy định liên quan chưa bao trùm hết được những tình huống xảy ra trong thực tiễn.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng số nợ thuế chuyên thu quá hạn cho tờ khai đã thông quan tính đến thời điểm 30/4/2017 của toàn ngành Hải quan là 5.542,9 tỷ đồng, tăng 64,7 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2016 (5.478 tỷ đồng), giảm 233,8 tỷ đồng so với thời điểm 31/3/2017 (5.776,7 tỷ đồng). Nguyên nhân tăng nợ chủ yếu là do ấn định thuế từ công tác kiểm tra sau thông quan.

Trước đó, đến thời điểm 31-12-2016, tổng số thu hồi nợ thuế của toàn ngành Hải quan là khoảng 555,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính tổng số nợ thuế chuyên thu quá hạn đối với các tờ khai đã thông quan đến thời điểm 31-12-2016 là 5.527,6 tỷ đồng, tăng 1.095,6 tỷ đồng so với thời điểm 31-12-2015. Theo phân tích của đại diện Cục Thuế XNK (Tổng cục Hải quan), trong tổng số 1.095,6 tỷ đồng nợ thuế tăng thì có 157,7 tỷ đồng nợ thuế chờ xóa, xét miễn thuế; 139,4 tỷ đồng là nợ khó thu và 798,4 tỷ đồng là nhóm nợ có khả năng thu.

Sở dĩ nhóm nợ khó thu tăng là bởi tại một số cục hải quan tỉnh, thành phố sau khi thực hiện xác minh tình trạng của DN đã phân loại lại nợ thuế, xác định không có khả năng thu hồi, vì vậy đã chuyển số nợ thuế này từ nhóm có khả năng thu sang nhóm khó thu. Bên cạnh đó, nhóm nợ có khả năng thu tăng là do ấn định thuế từ công tác kiểm tra sau thông quan.

Thời gian vừa qua, ngành Hải quan đã rất tích cực và quyết liệt trong công tác xử lý và thu hồi nợ. Tổng cục Hải quan thường xuyên thực hiện tổng hợp, phân tích, đánh giá tình hình nợ thuế, xác định rõ nguyên nhân tăng giảm nợ thuế tại các cục hải quan địa phương; đối với chỉ tiêu nợ thuế thu hồi đã giao cho các đơn vị đôn đốc, chỉ đạo thu hồi đúng theo chỉ tiêu được giao. Qua đó, yêu cầu các đơn vị thực hiện gửi báo cáo số liệu nợ thuế đầy đủ, đúng thời hạn để kịp phục vụ công tác chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ thuế.

Đồng thời, để giảm nợ thuế, Tổng cục Hải quan còn chỉ đạo rà soát các khoản nợ tại các đơn vị, thực hiện nghiêm túc việc đôn đốc thu hồi nợ thuế, áp dụng đầy đủ các quy định về thời hạn nộp thuế, trình tự thanh toán tiền nợ thuế và các biện pháp để thu hồi hết các khoản nợ có khả năng thu; Kiểm tra, rà soát các DN đóng trên địa bàn còn nợ thuế, nợ phạt, làm việc với UBND tỉnh, thành phố đề nghị có ý kiến chỉ đạo đối với các cơ quan, ban, ngành có liên quan để thu hồi nợ thuế.

Công tác thu hồi nợ thuế thời gian qua đã gặp không ít khó khăn do việc đánh giá, phân loại của địa phương đối với từng khoản nợ chưa chính xác; do hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn không tìm được đối tác, đa số DN làm ăn thua lỗ dẫn đến bỏ địa chỉ kinh doanh, ngừng hoạt động và trây ỳ không nộp thuế. Nhiều DN bị phá sản, tài sản bị ngân hàng tịch thu và phát mãi nhưng chưa ai mua nên khó khăn cho cơ quan Hải quan trong việc thu hồi được nợ đọng thuế.

Theo phản ánh của Hải quan các tỉnh, thành phố, hiện công tác quản lý nợ thuế đã được các đơn vị thực hiện theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật. Việc phân loại nợ và theo dõi đôn đốc thu hồi nợ thuế được thực hiện theo Quy trình quản lý nợ thuế, nợ tiền chậm nộp, nợ phạt đối với hàng hóa XK, NK. Đối với các khoản nợ khó thu, các chi cục hải quan đã thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế nhằm thu đúng, thu đủ các khoản nợ thuế phát sinh. Đồng thời, tích cực đưa ra các giải pháp thu đòi nợ đọng; tổ chức, theo dõi, quản lý các đối tượng nợ tiền thuế, tiền phạt; thường xuyên phân loại đối tượng nợ, các khoản nợ để đôn đốc, thu nợ trước thời điểm áp dụng các biện pháp cưỡng chế.

Tuy nhiên, công tác quản lý nợ, thu hồi nợ đọng các đơn vị hải quan địa phương cũng gặp không ít khó khăn do công tác phối hợp với các cơ quan chức năng và do những quy định liên quan chưa bao trùm hết được những tình huống xảy ra trong thực tiễn.

Hiện nay, hầu hết các khoản nợ đọng trong diện quản lý của cơ quan Hải quan là nợ đã quá 10 năm của các DN bỏ trốn, mất tích, cơ quan Hải quan không thể thực hiện được các biện pháp cưỡng chế như quy định. Vì vậy, đối với những khoản nợ này, cơ quan Hải quan không thu được và cũng không đủ điều kiện xóa vì không áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế.

Theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thì các khoản nợ quá 10 năm kể từ ngày nộp thuế phải áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế theo quy định của Luật mới được xóa nợ. Đây là điều kiện rất khó để cơ quan Hải quan thực hiện xóa nợ bởi các khoản nợ phát sinh khá lâu, DN nằm rải rác ở nhiều tỉnh, thành nên việc gửi văn bản và tổ chức xác minh mất nhiều thời gian và không đem lại hiệu quả.

Đây là vướng mắc chung của hầu hết Hải quan các tỉnh, thành phố.  Không chỉ khó khăn trong việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ, Hải quan các tỉnh, thành phố còn gặp khó trong công tác thu hồi và xóa nợ vì thiếu sự phối hợp của của cơ quan chức năng. Phản ánh về cơ chế phối hợp với các cơ quan chức năng khác, nhiều đơn vị hải quan cho biết, cơ quan Hải quan đã có công văn đề nghị Cục Thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Ngân hàng, Ủy ban nhân dân phối hợp thực hiện các biện pháp cưỡng chế như thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh… song nhiều trường hợp không có phản hồi, nên gây khó khăn trong công tác hoàn thiện hồ sơ xóa nợ.

Khắc phục những bất cập trong công tác quản lý nợ thuế, triển khai công tác thu hồi nợ đọng năm 2017, Cục Thuế XNK đã đặt ra mục tiêu đưa công tác kế toán thuế đối với hàng hóa XNK vào nề nếp, kiểm tra báo cáo kế toán với các báo cáo nợ và thu hàng tháng. Phân loại các khoản nợ chính xác theo từng loại nợ thuế, đưa ra những biện pháp cụ thể đối với từng khoản nợ. Tiếp tục rà soát, kiểm tra báo cáo kế toán với báo cáo nợ và thu hàng tháng, đồng thời phân loại các khoản nợ chính xác theo từng loại nợ thuế, đi sâu phân tích những khoản nợ khó đòi để đưa ra những biện pháp cụ thể đối với từng khoản nợ…
Thu Trang

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

HẢI QUAN TP.HỒ CHÍ MINH: PHÁT SINH NỢ TỪ HẬU KIỂM

(HQ Online)- Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, nhưng hàng trăm tỷ đồng tiền thuế nợ đọng do phát sinh từ công tác kiểm tra sau thông quan (hậu kiểm) đang khiến Cục Hải quan TP.HCM khó có khả năng thu hồi.

Công chức Hải quan cảng Sài Gòn KV1 kiểm tra hàng NK. Ảnh: T.H.

Theo tìm hiểu tại các chi cục hải quan phát sinh số nợ thuế, nguyên nhân chính là do các DN nhập khẩu ồ ạt nhiều lô hàng, khai báo giá thấp, từ chối tham vấn giá. Khi cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra sau thông quan theo quy định, doanh nghiệp không hợp tác, nhiều trường hợp bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất Trần Ngọc Anh cho biết, số nợ của Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất phát sinh 10 tỷ đồng, có đến 7 tỷ đồng phát sinh do ấn định thuế từ kiểm tra sau thông quan, nhưng doanh nghiệp đã bỏ trốn, khó có khả năng thu hồi nợ thuế. Trong đó có trường hợp Công ty TNHH Thương mại Phát triển Phú Phát nhập khẩu linh kiện điện tử, thẻ nhớ, khai giá thấp rồi “né” tham vấn giá để thông quan. Khi cơ quan Hải quan kiểm tra sau thông quan, ấn định thuế các lô hàng gần 5 tỷ đồng, DN mất tích luôn. Xác minh thành viên đại diện cho DN này là 2 cô gái 19 và 21 tuổi. Nhưng cả 2 cô này đều cho biết, không hề hay biết gì đến DN, có thể người ta đã lợi dụng hồ sơ xin việc của 2 cô này để thành lập DN, NK hàng hóa trốn thuế.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 Lê Văn Nhiễn cho rằng, trong gần 100 tỷ đồng nợ thuế phát sinh tại đơn vị trong thời gian qua chủ yếu do ấn định từ kết quả kiểm tra sau thông quan đối với hàng hóa nhập khẩu, nhưng doanh nghiệp không chấp hành nộp thuế. Chỉ trong tháng 6 và tháng 7/2016, Công ty TNHH vật liệu xây dựng Gia Hưng Thịnh và Công Ty TNHH xây dựng Phúc Giang (cùng ở địa chỉ 63 Nguyễn Bá Huân, phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM) đã mở hàng chục tờ khai hải quan NK mặt hàng gạch lót sàn qua cảng Cát Lái, khai báo giá thấp, từ chối tham vấn giá để được thông quan theo quy định. Khi cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra sau thông quan, DN không hợp tác, không hoạt động tại địa chỉ đăng kí kinh doanh… để lại khoản nợ trên 3,4 tỷ đồng tiền thuế do cơ quan Hải quan ấn định.

Tương tự, trong tháng 8 và tháng 9/2016, Công ty TNHH Nguyễn Phụng (17 Hồ Bá Kiện, P.15, quận 10- TP.HCM) mở 17 tờ khai hải quan NK thực phẩm đông lạnh, gồm chân, cánh, đùi gà đông lạnh; khoai tây đông lạnh và chân lợn có xuất xứ từ Úc, Brazil, Ba Lan…khai báo giá thấp, chỉ nộp trên 324 triệu đồng tiền thuế.  Phát hiện giá khai báo bất hợp lý, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đề nghị tham vấn giá, DN không đồng ý, nên cơ quan Hải quan phải giải quyết thông quan theo quy định, đồng thời chuyển hồ sơ cho Đội Quản lý thuế thực hiện kiểm tra sau thông quan, ấn định thuế trên 3,7 tỷ đồng. Như vậy, so với số thuế DN thực nộp tại thời điểm thông quan (324 triệu đồng), DN còn phải nộp bổ sung gần 3,4 tỷ đồng, nhưng hiện nay DN này đã bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng kí kinh doanh. 

Tháng 5 và tháng 6-2016, Công ty TNHH Gấu Đỏ mở 28 tờ khai hải quan NK mặt hàng đông lạnh là cánh, chân, đùi gà; đầu cá hồi đông lạnh khai báo giá tính thuế hàng NK rất thấp. Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 kiểm tra sau thông quan, ấn định thuế tăng hơn 4,7 tỷ đồng. Hay như trường hợp của Công Ty TNHH Văn Thịnh và Công ty TNHH Asia Join đều được cấp phép vào tháng 5/2016, có địa chỉ tại  475D, Lê Trọng Tấn, phường Sơn Kỳ, Quận Tân Phú, TP.HCM nhập khẩu hàng chục lô hàng thịt gà đông lạnh, khai báo giá thấp để thông quan hàng hóa như những trường hợp trên, cả hai DN cũng đang để lại số nợ thuế trên 10 tỷ đồng, sau khi hải quan thực hiện kiểm tra sau thông quan và ấn định thuế.

Theo Cục Hải quan TP.HCM, mặc dù quy định của pháp luật là nộp thuế trước khi thông quan, giải phóng hàng nhưng số liệu nợ thuế luôn tăng qua các kỳ báo cáo. Tính đến ngày 28/2/2017, số nợ thuế phát sinh so với cùng kì năm 2016 gần 809 tỷ đồng. Nguyên nhân phát sinh số thuế nêu trên do các chi cục ấn định thuế sau thông quan, doanh nghiệp không chấp hành, khiếu nại, có trường hợp doanh nghiệp bỏ trốn, đóng mã số thuế không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh; Phát sinh nợ thuế do ấn định thuế hàng sản xuất xuất khẩu đối với doanh nghiệp không đến thanh khoản hợp đồng; Hàng an ninh quốc phòng miễn thuế, chờ quyết định miễn thuế. Một số trường hợp tờ khai chờ hủy, nộp nhầm đơn vị thụ hưởng chờ điều chỉnh.

Theo Phó Chi cục trưởng Lê Văn Nhiễn, chi cục đã áp dụng các biện pháp thu hồi nợ theo Luật Quản lý thuế, trừ 2 biện pháp khó áp dụng: Kê biên tài sản doanh nghiệp; phối hợp với Cục Thuế địa phương tạm ngừng sử dụng hóa đơn, nhưng đều không hiệu quả, do các hầu hết những DN này đã bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh. Để kịp thời có biện pháp thích hợp nhằm thu hồi nợ thuế cho ngân sách nhà nước, hiện Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã  rà soát danh sách 17 DN nhập khẩu mặt hàng thực phẩm đông lạnh và gạch men trong năm 2016, khai báo giá thấp để thực hiện đôn đốc thu hồi nợ thuế. Đối với các trường hợp DN cố tình không nộp thuế, kết quả xác minh phát hiện DN không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, cơ quan Hải quan sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an để hỗ trợ truy tìm giám đốc DN

Nêu khó khăn về thủ tục để được xóa nợ thuế, ông Lê Chiến Thắng, Phó Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4, hiện nay số nợ không có khả năng thu phần nhiều của các doanh nghiệp không hoạt động sắp phá sản. Việc xóa nợ chỉ áp dụng được với doanh nghiệp nhà nước giải thể, phá sản, chưa có cơ chế áp dụng đối với các công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân… khiến công tác xử lý, thu hồi nợ thuế của đơn vị cũng gặp không ít khó khăn. 

Để công tác thu hồi nợ thuế đạt hiệu quả, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Nguyễn Hữu Nghiệp chỉ đạo thành lập Tổ đôn đốc thu hồi nợ đọng từ cấp cục đến các chi cục; các chi cục lên danh sách các doanh nghiệp nợ đọng, tên giám đốc, địa chỉ thường trú của giám đốc, số thuế nợ đọng gửi cho Phòng Thuế XNK  để sàng lọc công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Một số trường hợp nợ thuế lớn phát sinh gần đây, Cục Hải quan TP.HCM sẽ xem xét chuyển cho cơ quan Công an để phối hợp truy tìm giám đốc DN, thu hồi nợ đọng.

Lê Thu

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

NEW ZEALAND CHÍNH THỨC THÔNG QUA TPP

(TBKTSG Online) – Hôm nay 11-5, New Zealand chính thức thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trở thành nước thứ 2 sau Nhật Bản thông qua hiệp định này.

Thủ tướng New Zealand Bill English. Ảnh: The Star Online

Theo trang web Radio New Zealand, Bộ trưởng thương mại New Zealand Todd McClay hoan nghênh quyết định trên của nội các nước này, đồng thời nhấn mạnh TPP vẫn có giá trị cả về kinh tế lẫn chiến lược.

Ông McClay cho biết New Zealand sẽ tích cực nghiên cứu các phương án thay thế cho TPP và hy vọng các đối tác khác trong TPP cũng sẽ thông qua hiệp định này trong những tháng tới.

Động thái trên diễn ra chỉ vài ngày trước khi Thủ tướng New Zealand Bill English thăm Nhật Bản 3 ngày, từ ngày 16-5, với mục đích tăng cường quan hệ thương mại và kinh tế song phương.

Ông McClay sẽ tháp tùng Thủ tướng English thăm Nhật Bản.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng English sẽ hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Nhật Bản là nước đầu tiên hoàn tất các thủ tục phê chuẩn TPP trong nước, vào tháng 12-2016, bất chấp Mỹ rút khỏi hiệp định này.

New Zealand và Nhật Bản là 2 trong số 11 nước thành viên còn lại vẫn duy trì các cuộc đàm phán về tương lai của TPP, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận này vào tháng 1-2017.

Một số nguồn thạo tin cho biết một số nước tham gia ký kết TPP, trong đó có Nhật Bản và New Zealand, đang thảo luận về khả năng để đưa TPP đi vào hiệu lực mà không có sự tham gia của Mỹ.

Mỹ và 11 nước đối tác đạt được thỏa thuận TPP vào tháng 10-2015. Thỏa thuận này đang trong giai đoạn chờ quốc hội các nước thành viên phê chuẩn. Tuy nhiên, TPP rơi vào tình trạng khó khăn sau khi Tổng thống Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận thương mại mang tính bước ngoặt này.

Hiện, các nước tham gia TPP gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn

PHẢI SỬ DỤNG HÓA ĐƠN ĐIỆN TỬ TỪ NĂM 2018

(HQ Online)- Mục tiêu ngành Tài chính đưa ra đó là, đến năm 2020, cơ bản thực hiện hóa đơn điện tử với khoảng 90% số DN hoặc 90% lượng hàng hóa được mua bán (lưu thông) bằng hóa đơn điện tử thì lộ trình thực hiện từ năm 2018.

Hoạt động nghiệp vụ tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh Thùy Linh.

Đó là quy định tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ vừa được Bộ Tài chính hoàn thiện.

Theo đó, từ ngày 1/1/2018, các đối tượng sau sử dụng hóa đơn điện tử/hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế cho hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ: Các DN, đơn vị sự nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử kể từ khi có mã số thuế và định kỳ thực hiện kết chuyển dữ liệu hóa đơn cho cơ quan thuế (DN được thành lập theo quy định của pháp luật trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao; DN, ngân hàng có mức vốn điều lệ từ 15 tỷ đồng trở lên…); các DN, tổ chức sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế (một số DN mới thành lập; các DN, tổ chức đang mua hóa đơn của cơ quan thuế như DN vi phạm về quản lý, sử dụng hóa đơn; DN có rủi ro theo thông báo của cơ quan thuế và tổ chức, DN khác thuộc đối tượng mua hóa đơn của cơ quan thuế trước ngày 1/1/2018 phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo Thông báo của cơ quan thuế).

Từ ngày 1/1/2019, sẽ áp dụng đối với 30% các tổ chức, DN còn lại. Từ ngày 1/1/2020, sẽ áp dụng đối với 80% các DN, tổ chức sử dụng hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế. Đồng thời, bắt đầu triển khai Hóa đơn điện tử cho các hộ kinh doanh có doanh thu/năm từ 3 tỷ đồng trở lên.

Được biết, ngành Thuế đã đẩy mạnh việc kê khai, nộp thuế điện tử thông qua việc kết nối hệ thống ứng dụng ngành thuế với các nhà cung cấp dịch vụ kê khai thuế qua mạng Internet (T-VAN). Kết quả là tính đến hết tháng 3/2017, trong số 581.875 DN đang hoạt động thì có 576.056 DN (chiếm tỷ lệ 99%) thực hiện khai thuế điện tử và 565.099 DN (chiếm tỷ lệ 97%) đã thực hiện đăng ký nộp thuế điện tử tại các Ngân hàng thương mại.

Như vậy, với gần 100% DN áp dụng kê khai thuế qua mạng, là cơ sở để ngành Thuế nhanh chóng đẩy mạnh ứng dụng hóa đơn điện tử. Thời gian tới Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để thuê dịch vụ công nghệ thông tin với các nhà cung cấp dịch vụ nhằm mở rộng ứng dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan Thuế.

Việc sử dụng hoá đơn điện tử mang lại nhiều lợi ích. Đến nay trên phạm vi cả nước đã có 656 DN thực hiện hoá đơn điện tử với số lượng hóa đơn điện tử đã sử dụng khoảng 277,98 triệu hoá đơn. 

Các DN sử dụng hóa đơn điện tử hiện nay là DN có số lượng hóa đơn sử dụng bình quân/tháng lớn (trên 3 triệu hóa đơn), đã có hạ tầng công nghệ thông tin và thuộc các nghành nghề, lĩnh vực quan trọng. Đây là các DN lớn (nằm trong Top 500 DN lớn của cả nước) cung cấp trực tiếp hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng

Theo đánh giá của cơ quan Thuế, cơ bản các tỉnh, thành trên cả nước đều đã có DN sử dụng hóa đơn điện tử, tuy nhiên tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và là các DN lớn hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, có hạ tầng công nghệ thông tin phát triển, ít rủi ro.

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ DN lớn, Tổng cục Thuế: “Trong giai đoạn đầu thí điểm, hóa đơn điện tử đã nhận được sự ủng hộ của nhiều DN hoạt động trong các lĩnh vực: Hàng không, Ngân hàng, Điện lực, Viễn thông…  Hiện nay, cơ quan Thuế có cơ chế khuyến khích DN sử dụng để về lâu dài mở rộng trong phạm vi cả nước. Và đến một giai đoạn phát triển nhất định sẽ bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử thay cho việc sử dụng hóa đơn giấy”.

Nhận định chung của nhiều DN qua các cuộc đối thoại với cơ quan Thuế cho thấy, việc triển khai hóa đơn điện tử, không những DN nhận được những giá trị hữu hình như việc tiết kiệm chi phí, thời gian, mà còn có thể nhận được những giá trị vô hình khác không thể quy đổi thành tiền, đó là giá trị cơ hội khi cung cấp cho khách hàng dịch vụ hiện đại, tiện ích, nhanh chóng, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu của DN.

Từ năm 2014, Bộ Tài chính đã khuyến khích một số doanh nghiệp sử dụng nhiều hóa đơn giấy, đã có hạ tầng công nghệ thông tin, tuân thủ pháp luật thuế để áp dụng hóa đơn điện tử như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) và Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn Hà Nội.

 

Minh Anh

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

VIỆT NAM NK TRỞ LẠI MỘT SỐ MẶT HÀNG NÔNG SẢN TỪ ẤN ĐỘ

(HQ Online)- Từ ngày 10/5/2017, các mặt hàng nông sản từ Ấn Độ bị tạm ngừng nhập khẩu trước đây sẽ được tiếp tục nhập khẩu vào Việt Nam. 

Các mặt hàng nông sản từ Ấn Độ bị tạm ngừng nhập khẩu trước đây sẽ được tiếp tục nhập khẩu vào Việt Nam Ảnh: Internet.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) vừa ban hành Quyết định số 1644/QĐ-BNN-BVTV về việc tiếp tục nhập khẩu các mặt hàng có nguy cơ cao mang theo mọt lạc serratus từ Ấn Độ. Các mặt hàng nông sản bao gồm: Lạc (Arachis hypogaea), hạt muồng (Cassia spp.), hạt ca cao (Theobroma cacao), hạt đậu cô-ve (Phaseolus spp.) và quả me (Tamarindus indica).

Cục Bảo vệ thực vật thông báo cho cơ quan có thẩm quyền về kiểm dịch thực vật của Ấn Độ tăng cường kiểm dịch thực vật nhằm đảm bảo ngăn chặn triệt để đối tượng kiểm dịch thực vật trên hàng xuất khẩu sang Việt Nam.

Đồng thời, tăng cường các biện pháp kiểm dịch thực vật nhập khẩu đối với nông sản nêu trên từ Ấn Độ nhằm đảm bảo không để đối tượng kiểm dịch thực vật xâm nhập vào Việt Nam.

Trước đó, ngày 1/3, Bộ NN&PTNT đã có văn bản số 558/QĐ-BNN-BVTV tạm ngừng nhập khẩu các nông sản trên do nguy cơ nhiễm mọt Caryedon serratus Olivier, loại mọt có thể gây tổn thất lớn cho các loại nông sản bảo quản trong kho, gây hại lạc, hạt muồng, hạt ca cao, đậu cô-ve và quả me

Xuân Thảo

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

GẦN 25,5 TỶ USD KIM NGẠCH, VIỆT NAM BUÔN BÁN NHIỀU NHẤT VỚI TRUNG QUỐC

(HQ Online)- Tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục tăng cao. Đáng chú ý, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với nhập khẩu.

Hoạt động XNK tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn- địa bàn xuất khẩu nông sản quan trọng của Việt Nam sang Trung Quốc. Ảnh: T.Bình.

Xuất khẩu tăng gần 41%

Với tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 25,469 tỷ USD (theo số liệu cập nhật của Tổng cục Hải quan đến hết tháng 4/2017), Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của nước ta. Kết quả này có mức tăng trưởng trên 23% so với cùng kỳ năm 2016.

Đặc biệt, xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm có sự tăng trưởng mạnh mẽ gần 41%, đạt tổng giá trị kim ngạch 8,324 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Hoa Kỳ).

Sự tăng trưởng cao về xuất khẩu vào Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu cả nước nói chung những tháng đầu năm có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường này cao gấp gần 2,5 lần mức bình quân chung của cả nước cũng là một điều cần được ghi nhận (tăng trưởng xuất khẩu cả nước 4 tháng đầu năm đạt 16,8%).

Hiện Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với một số mặt hàng quan trọng của Việt Nam, nhất là lĩnh vực nông sản hay một số mặt hàng điện tử.

Đối với mặt hàng rau quả, 4 tháng đầu năm 2017, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc lượng hàng hóa trị giá 759 triệu USD, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm tới 74,3% tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả của cả nước.

Thêm một thông tin đáng chú ý là hết tháng 4, nước ta đã có mặt hàng xuất khẩu “tỷ USD” đầu tiên sang Trung Quốc, một điểm mới so với cùng thời điểm này năm 2016. Đó là mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với trị giá kim ngạch đạt gần 1,8 tỷ USD, tăng tới gần 108% so với 4 tháng đầu năm 2016 và chiếm gần 24,4% trị giá kim ngạch xuất khẩu cả nước…

Biểu đồ: T.Bình.

Cần tăng sự chủ động trong sản xuất, xuất khẩu

Hoạt động XNK giữa Việt Nam và Trung Quốc đang có những dấu hiệu khởi sắc, nhất là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, trong quan hệ giao thương với Trung Quốc, Việt Nam vẫn bị phụ thuộc lớn.

Đánh giá về hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, PGS-TS Phạm Tất Thắng- nghiên cứu viên cao cấp (Bộ Công Thương) cho rằng, một thực tế không thể phủ nhận là Việt Nam tiếp giáp một thị trường có dân số lớn nhất thế giới với sức mua vô cùng lớn. Nhưng Trung Quốc cũng là công xưởng lớn nhất nhất thế giới. Vì vậy, Việt Nam vừa có thuận lợi trong xuất khẩu hàng hóa, nhưng cũng phải chịu nhiều áp lực trong quan hệ giao thương với quốc gia láng giềng này (về nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc).

 
“Chúng ta chỉ mới đưa hàng lên biên giới, còn khi hàng sang bên kia, vào kênh phân phối nào, đến đối tượng tiêu thụ nào… chúng ta chưa nắm đươc, dẫn đến có những mặt hàng sản xuất ra không phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân Trung Quốc. Và thiệt hại lại rơi vào người nông dân, các nhà sản xuất”- PGS-TS Phạm Tất Thắng.
 

PGS-TS Phạm Tất Thắng phân tích, lợi thế của Việt Nam là có thể đưa được những mặt hàng mà nước ta có thế mạnh và phù hợp với thị trường Trung Quốc, nhất là các mặt hàng nông sản. Mặt khác, thị trường Trung Quốc cũng có yêu cầu về chất lượng không quá khắt khe như nhiều thị trường lớn khác.

Đồng thời, Việt Nam cũng có điều kiện thuận lợi để xuất khẩu thông qua đường tiểu ngạch.

Nhưng những lợi thế kể trên có thể sớm mất đi. Bởi “Trung Quốc đang siết lại các tiêu chuẩn trong hoạt động XNK theo quy định của WTO, đặc biệt là hạn chế việc nhập khẩu qua đường mòn, lối mở. Đồng thời điều tiết luồng hàng hóa XNK theo nhu cầu phát triển của nước họ. Và như vậy, hàng hóa của Việt Nam vào Trung Quốc sẽ khó khăn hơn”-  PGS-TS Phạm Tất Thắng nói.

Chính vì vậy, dù hoạt động xuất khẩu của nước ta đang có sự tăng trưởng cao vào Trung Quốc nhưng vẫn chưa tạo được sự bền vững. Bởi có không ít thời điểm, Trung Quốc tăng mua ồ ạt một số mặt hàng nhưng sau đó ngừng mua đột ngột đẩy Việt Nam vào thế bị động, lúng túng và phải đi giải cứu.

Nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công Thương lấy ví dụ việc giải cứu mặt hàng thịt lợn gần đây là một điển hình. Nhưng theo ông, đề nghị Trung Quốc giúp “giải cứu” là không hề dễ dàng vì khi đó đối tác sẽ có những điều kiện đổi lại để chúng ta phải tiêu thụ những hàng hóa của họ.

Theo PGS-TS Phạm Tất Thắng, những bất lợi nêu trên xuất phát từ một số nguyên nhân cơ bản. Trước tiên là chất lượng, mẫu mã hàng hóa của Việt Nam còn hạn chế nên chưa đến được nhiều thị trường tiêu thụ khác trên thế giới. Và khi bị phụ thuộc lớn vào một thị trường thì việc xuất khẩu luôn bị động.

Một điểm yếu khác được chuyên gia đề cập là, Việt Nam chưa nắm bắt được hết quá trình tiêu thụ hàng hóa của mình ở thị trường Trung Quốc. “Chúng ta chỉ mới đưa hàng lên biên giới, còn khi hàng sang bên kia, vào kênh phân phối nào, đến đối tượng tiêu thụ nào… chúng ta chưa nắm đươc, dẫn đến có những mặt hàng sản xuất ra không phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân Trung Quốc. Và thiệt hại lại rơi vào người nông dân, các nhà sản xuất”- PGS-TS Phạm Tất Thắng chia sẻ.

Để khắc phục được những hạn chể nêu trên, tận dụng tốt lợi thế ở gần thị trường tiêu dùng lớn bậc nhất thế giới là Trung Quốc, PGS-TS Phạm Tất Thắng cho rằng, vấn đề cốt yếu của Việt Nàm là tổ chức lại hoạt động sản xuất, công tác quản lý, điều hành, xúc tiến thương mại một cách bài bản, chủ động, hiệu quả gắn với nâng cao mẫu mã, chất lượng hàng hóa, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Thái Bình