HOÀN THIỆN PHÁP LÝ ĐỂ MỞ RỘNG KẾT NỐI HẢI QUAN VỚI DOANH NGHIỆP KHO, BÃI, CẢNG

(HQ Online)- Song song với việc hoàn thiện hệ thống CNTT, Tổng cục Hải quan sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý phục vụ việc mở rộng trao đổi, kết nối thông tin giữa cơ quan Hải quan với doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng phục vụ công tác giám sát hàng hóa XNK.

Đối tượng hàng hóa được phối hợp giám sát sẽ mở rộng thêm hàng rời, hàng lỏng. Trong ảnh: Hàng hóa nhập khẩu tại cảng Hoàng Diệu, Hải Phòng. Ảnh: T.Bình​​​.

Việc phối hợp, kết nối hệ thống CNTT giữa cơ quan Hải quan với doanh nghiệp kinh doanh cảng để giám sát hàng hóa XNK được Tổng cục Hải quan thực hiện từ tháng 9/2015 tại cảng Nam Hải Đình Vũ (Hải Phòng). Đến nay, có 9/14 cảng khu vực cảng biển Hải Phòng và cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), Cát Lái (TP.HCM) thực hiện nội dung này. Đối tượng đầu tiên được Tổng cục Hải quan lựa chọn triển khai kết nối để phối hợp giám sát hàng hóa XNK là doanh nghiệp kinh doanh cảng biển với đối tượng hàng hóa được vận chuyển bằng container. Sắp tới, Tổng cục Hải quan sẽ mở rộng đối tượng doanh nghiệp kết nối (thêm doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi) và đối tượng hàng hóa (hàng rời, hàng lỏng).

Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) Âu Anh Tuấn đánh giá, quá trình triển khai vừa qua đạt kết quả khả quan nhưng vẫn phát sinh một số vướng mắc về CNTT và cơ sở pháp lý. Đơn cử, mỗi cảng biển, doanh nghiệp kinh doanh cảng có đặc thù khác, mặt hàng, cũng như CNTT và chỉ tiêu thông tin quản lý khác nhau… Vì vậy, hệ thống CNTT, các chỉ tiêu thông tin áp dụng tại cảng này chưa chắc phù hợp hoàn toàn với cảng khác, áp dụng đúng với đặc thù mặt hàng này chưa chắc đúng với mặt hàng khác…

Mặt khác, cơ sở pháp lý quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng biển trong giám sát hải quan (giám sát hàng hóa XNK) đã được hướng dẫn cụ thể tại Điều 34 Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Điều 52 Thông tư 38/2015/TT-BTC. Tuy nhiên, quy định về chỉ tiêu thông tin sẽ trao đổi giữa cơ quan Hải quan và doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng còn chung chung, chưa cụ thể.

Ông Cao Hồng Phong- Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Nam Hải Đình Vũ (doanh nghiệp đầu tiên thực hiện phối hợp giám sát với cơ quan Hải quan) cho biết, quá trình phối hợp kết nối vừa qua giữa doanh nghiệp với Hải quan Hải Phòng diễn ra thuận lợi. Giải pháp này đã từng bước khẳng định hiệu quả trong đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian thông quan hàng hóa XNK, góp phần giúp cảng Nam Hải Đình Vũ tăng được sản lượng hàng hóa thông quan cảng từ 400.000 container năm 2015 lên 550.000 container năm 2016 và hết quý I/2017 đạt 200.000 container và dự kiến kết thúc năm nay là 750.000 container. Tuy nhiên, ông Cao Hồng Phong cũng bày tỏ băn khoăn thời gian tới hàng hóa được phối hợp giám sát sẽ mở rộng (hàng rời, hàng lỏng) là thách thức cho cả cơ quan Hải quan và doanh nghiệp, đòi hỏi phải có cơ sở pháp lý đầy đủ, rõ ràng, hệ thống CNTT đảm bảo cho việc kết nối.

Theo ông Âu Anh Tuấn, để mở rộng hoạt động phối hợp giám sát, thời gian tới, bên cạnh việc hoàn thiện về hệ thống CNTT, Tổng cục Hải quan tiếp tục hoàn thiện về cơ sở pháp lý phục vụ việc kết nối, trao đổi thông tin để giám sát hàng hóa XNK giữa cơ quan Hải quan và doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng được thực hiện thuận lợi. Đồng thời, cơ sở pháp lý đang được hoàn thiện sẽ xây dựng theo hướng mở rộng việc áp dụng cho tất cả cảng biển, cảng hàng không và các cảng nội địa (ICD), kho ngoại quan, kho hàng lẻ (CFS), kho hàng không kéo dài, địa điểm tập kết hàng hóa XNK… trên toàn quốc. Theo ông Âu Anh Tuấn, các nội dung trên sẽ được đưa vào Thông tư sửa đổi Thông tư 38/2015/TT-BTC.

Tại Hội thảo “Triển khai giải pháp quản lý, giám sát hàng hóa XNK qua khu vực kho, bãi, cảng biển” do Tổng cục Hải quan tổ chức tại Hải Phòng tuần qua, để ghi nhận ý kiến đóng góp của các đơn vị hải quan địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, lãnh đạo Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết: Việc sửa đổi Thông tư 38 liên quan đến nội dung trên được thực hiện theo hướng, quy định trách nhiệm của tất cả các đối tượng tham gia vào quá trình vận chuyển, lưu giữ, giao nhận hàng hóa XNK đang chịu sự giám sát hải quan tại cảng, kho, bãi, địa điểm tập kết hàng hóa XNK. Đồng thời quy định rõ nguyên tắc kết nối, trao đổi thông tin và những thông tin cần trao đổi giữa cơ quan Hải quan và doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng…  

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh:

Kết nối, trao đổi thông tin giữa cơ quan Hải quan và doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng để quản lý hàng hóa XNK là giải pháp quan trọng đang được ngành Hải quan tập trung thực hiện. Bởi thực tế việc ứng dụng CNTT phục vụ kết nối giữa cơ quan Hải quan với doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng vẫn còn hạn chế cần được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Việc kết nối giữa cơ quan Hải quan với doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng sẽ giúp giảm thời gian thông quan hàng hóa và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan. Để thực hiện việc kết nối, thời gian qua Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan Hải Phòng thực hiện Đề án “Kiểm tra, giám sát hàng hóa qua khu vực kho, bãi, cảng Hải Phòng trên Hệ thống điện tử”.

Nhằm thực hiện việc kết nối trong thực tiễn được thực hiện một cách hiệu quả, Tổng cục Hải quan tổ chức Hội thảo nhằm ghi nhận ý kiến đóng góp rộng rãi của các đơn vị hải quan, nhất là từ cộng đồng doanh nghiệp.

Ngoài ý kiến đóng góp tại Hội thảo, quá trình chuẩn bị doanh nghiệp có phát sinh thêm ý kiến đóng góp có thể gửi về Cục CNTT và Thống kê Hải quan; Cục Giám sát quản lý về hải quan; Cục Hải quan Hải Phong; Báo Hải quan…

(Phát biểu tại Hội thảo “Triển khai giải pháp quản lý, giám sát hàng hóa XNK qua khu vực kho, bãi, cảng biển”)

Thái Bình

THU GIỮ HÀNG TRĂM MÁY LẠNH ĐÃ QUA SỬ DỤNG NHẬP KHẨU QUA CẢNG CÁT LÁI

(HQ Online)-Khui container hàng nhập khẩu từ Nhật Bản về cảng Cát Lái, cơ quan Hải quan phát hiện hàng trăm máy lạnh cũ nát chứa đầy container. 

Hàng trăm máy lạnh được khui ra từ container hàng nhập khẩu.

Ngày 9/5, tại cảng Cát Lái, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Đội 3)- Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã chủ trì phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 thực hiện Quyết định khám xét số 09/QĐ-D93 đối với 1 container hàng nhập khẩu, phát hiện chứa toàn hàng cấm.

Trong đó, phần lớn số hàng chứa trong container là máy lạnh đã qua sử dụng, nhiều chiếc bị gỉ sét, cũ nát. Ngoài ra, trong container hàng còn chứa hàng chục nồi cơm điện, quạt máy, loa thùng… tất cả đều đã qua sử dụng, thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu.

Lô hàng nêu trên do Công ty TNHH Phát triển Thương mại Dịch vụ XNK Thanh Thanh Bình (121 Chu Văn An, phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM) đứng tên trên vận đơn nhận hàng. 

Khi lô hàng cập cảng Cát Lái, phát hiện có nghi vấn, Đội 3 đã phối hợp với Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 thực hiện giám sát trọng điểm và tổ chức xác minh. 

Theo kết quả xác minh của Đội 3, doanh nghiệp này không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh. Chính quyền địa phương cũng xác nhận tại địa chỉ nêu trên không có biển hiệu cũng như hoạt động của Công ty TNHH Phát triển Thương mại Dịch vụ XNK Thanh Thanh Bình.

Đáng chú ý, trong công văn gửi hãng tàu từ chối nhận lô hàng nêu trên, ông Nguyễn Văn Long, đại diện pháp luật cho Công ty TNHH Phát triển Thương mại Dịch vụ XNK Thanh Thanh Bình vẫn lấy địa chỉ giao dịch nêu trên để gửi công văn.

Trước đó, ngày 5/5, tại cảng Cát Lái- TP.HCM, Đội 3 cũng đã thực hiện quyết định khám xét  2 container hàng trung chuyển từ Nhật Bản về Việt Nam để xuất khẩu đi Campuchia, phát hiện chứa rất nhiều hàng lậu, hàng cấm là xe máy, thiết bị văn phòng, âm ly… đã qua sử dụng.

Một số hình ảnh khám xét: 

Container chứa đầy máy lạnh
Toàn bộ máy lạnh đều cũ nát
Hàng chục chiếc quạt máy, nồi cơm điện đã qua sử dụng
Phần lớn là máy lạnh cấm nhập khẩu

  

Lê Thu

ĐỂ ĐẠT CHỈ TIÊU, BÌNH QUÂN MỖI THÁNG HẢI QUAN PHẢI THU 24.800 TỶ ĐỒNG

(HQ Online)- Để hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN năm 2017 là 285.000 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng ngành Hải quan phải thu 23.750 tỷ đồng và để đạt được chỉ tiêu phấn đấu 290.000 tỷ đồng, 8 tháng cuối năm 2017 ngành Hải quan phải thu 198.336 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng còn lại phải thu 24.800 tỷ đồng. Đây là một áp lực không nhỏ.

Hoạt động nghiệp vụ tại chi cục Hải quan Yên Bình, Cục Hải quan Bắc Ninh. Ảnh: T.Trang.

Trong khi đó, sau khi số đạt số thu NSNN tăng vọt trong quý I/2017 so với cùng kỳ các năm trước thì sang đến đầu quý II, số thu NSNN của toàn ngành lại có chiều hướng giảm.

Cụ thể, số thu NSNN của toàn ngành trong tháng 4/2017 đạt: 22.133 tỷ đồng, tương đương giảm 20% (tương đương giảm 5.576 tỷ đồng) so với tháng 3/2017 (27.709 tỷ đồng). Trong đó, giảm thu chủ yếu từ các mặt hàng như: ô tô giảm khoảng 808 tỷ đồng; xăng dầu giảm khoảng 186 tỷ đồng; linh kiện, phụ tùng ô tô giảm 185 tỷ đồng; than đá giảm 290 tỷ đồng, máy móc thiết bị giảm 543 tỷ đồng… Ngoài ra, tháng 4 chỉ có 19 ngày làm việc cũng là nguyên nhân giảm thu NSNN tháng 4/2017 so với tháng 3/2017. Lũy kế đến 30/4/2017 đạt 91.664 tỷ đồng, đạt 32,2% dự toán, tăng 15,3% so với cùng kỳ 2016.

Tuy nhiên, tính tổng 4 tháng đầu năm 2017 thì số thu NSNN của Hải quan tăng hơn so với cùng kỳ năm 2016, kim ngạch XNK có thuế đạt 29.668 triệu USD tăng 22% so với cùng kỳ 2016 (24.247 triệu USD). Nhìn chung 4 tháng đầu năm các mặt hàng đều đạt mức tăng trưởng tốt, nhưng số thu tăng chủ yếu vẫn ở các mặt hàng chủ lực như: ô tô và linh kiện ô tô, xăng dầu, sắt thép, máy móc thiết bị (chiếm khoảng 50%/tổng thu), cụ thể:

Dẫn đầu trong các mặt hàng là ô tô nguyên chiếc nhập khẩu: số lượng xe NK trong 4 tháng đầu năm là 33.198 chiếc tăng 15,2% (tương đương tăng 5.046 chiếc) so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên trị giá giảm 11,7% so với cùng kỳ 2016. Nguyên nhân kim ngạch NK ô tô giảm nhưng số thu tăng là do kim ngạch NK ô tô dưới 9 chỗ tăng 83% về lượng, tăng 42% về trị giá làm tăng thu từ mặt hàng này khoảng 1.500 tỷ đồng.  

Cùng với đó là các mặt hàng: Linh kiện phụ tùng ô tô: đạt 1.036 triệu USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2016; xăng dầu: kim ngạch NK (có thuế) đạt 3,2 triệu tấn, trị giá 1.690 triệu USD, giảm 3,9% về lượng và tăng 35,9% về trị giá so với cùng kỳ 2016; Sắt thép: Kim ngạch NK có thuế đạt 4.879 triệu tấn, trị giá 2.673 triệu USD, giảm 12,6% về lượng, tăng 37,3% về trị giá so với cùng kỳ cùng kỳ năm 2016; Máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng: Kim ngạch NK có thuế đạt 5.801 triệu USD tăng 10,6% so với cùng kỳ 2016. 

Cũng trong 4 tháng đầu năm, một số cục hải quan tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ thu NSNN trên 50% như: Gia Lai – KonTum (126%); Đắk Lắk (59%); Nghệ An (55%); Hà Nam Ninh (54%); Quảng Ninh (54%); Hà Tĩnh (52%); An Giang (52%)… Nguyên nhân: do chính sách mở cửa rừng của Lào nên tăng lượng gỗ tại Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum; Đắk Lắk. Do tăng kim ngạch xăng dầu NK bao gồm giá và lượng nên làm tăng thu cho Cục Hải quan Quảng Ninh, Nghệ An; đối với Cục Hải quan Hà Nam Ninh do tăng lượng NK linh kiện ô tô của Công ty Thành Công (số thu của Công ty này chiếm 55%/tổng thu của đơn vị).

Theo phân tích của Cục Thuế XNK (Tổng cục Hải quan), dự kiến tốc độ tăng thu NSNN quý II/2017 sẽ chậm hơn so với Quý I/2017 (do quý II/2016, chính sách tăng thuế TTĐB  đối với ô tô dưới 9 chỗ ngồi nên các DN đã NK ồ ạt).

Có thể thấy, dự báo trong năm 2017 đi ngược với quy luật các năm- số thu những tháng cuối năm sẽ giảm dần có khả năng sẽ thành hiện thực. Vì vậy, phải tiếp tục nỗ lực, chủ động thực hiện mọi biện pháp để đạt nhiệm vụ được giao, phải quản lý và khai thác tốt nguồn thu- là nhiệm vụ mà các cục hải quan địa phương cần phải thực hiện.

Thu Trang

NHẬP SIÊU GẦN 1,89 TỶ USD

(HQ Online)- Kim ngạch nhập khẩu tăng cao hơn khiến nước ta vẫn bị thâm hụt thương mại lớn.

Máy móc thiết bị đang là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của nước ta. Trong ảnh, máy xúc được nhập khẩu về cảng Hoàng Diệu, Hải Phòng. Ảnh: T.Bình.

Theo thông tin Tổng cục Hải quan vừa công bố chiều ngày 9/5, tổng giá trị kim ngạch XNK cả nước trong tháng 4/2017 đạt gần 34,91 tỷ USD, giảm 1,9% so với tháng trước. Qua đó, nâng tổng tổng trị giá XNK hàng hoá đạt tính hết 4 đầu năm đạt 126,1 tỷ USD, tăng 20,4% so với cùng kỳ 2016.

Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 62,11 tỷ USD, tăng 16,8% và tổng trị giá nhập khẩu đạt gần 64 tỷ USD, tăng 24%. Như vậy, tính hết tháng 4, Việt Nam đang nhập siêu gần 1,89 tỷ USD.

Theo Tổng cục Hải quan, một số nhóm hàng nhập khẩu có sự biến động đáng chú ý (tăng, giảm) trong tháng 4 vừa qua có thể kể đến như: Máy móc thiết bị tiếp tục tăng 5,7% so với tháng trước, với trị giá kim ngạch đạt 3,44 tỷ USD và lũy kế hết tháng 4 đạt 11,505 tỷ USD và đây là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của nước ta.

Trong khi đó, mặt hàng gây được nhiều sự chú ý là ô tô nguyên chiếc các loại tiếp tục có chiều hướng suy giảm với việc giảm 38,1% về lượng và giảm 7% về trị giá. Trong 4 tháng qua, cả nước nhập khẩu 33.404 ô tô nguyên chiếc các loại, với tổng giá trị kim ngạch đạt hơn 663 triệu USD.

Ở chiều xuất khẩu, điện thoại và linh kiện vẫn là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất với trị giá kim ngạch đạt 12,148 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dệt may dù vẫn đứng ở vị trí thứ 2 (đạt 7,478 tỷ USD) nhưng đã bị nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện bám sát với khoảng cách chỉ còn 128 triệu USD…

Thái Bình
Bao Cong thuong

KIỂM TRA LẠI MÃ SỐ KINH DOANH HỢP LỆ VỚI CỤC QUẢN LÝ THỰC PHẨM VÀ DƯỢC PHẨM HOA KỲ

Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ khuyến cáo các công ty xuất nhập khẩu hàng thực phẩm và đồ uống cho người và động vật vào thị trường Hoa Kỳ cần kiểm tra mã số kinh doanh có còn hợp lệ hay không. 

Không đăng ký lại cơ sở sản xuất và người đại diện, hàng thực phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp Việt không thể vào Hoa Kỳ

Theo quy định của Luật Hiện đại hóa an toàn vệ sinh thực phẩm (FSMA), cứ hai năm một lần, nghĩa là vào các năm chẵn, các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam đang xuất hàng thực phẩm và đồ uống cho người và động vật vào thị trường Hoa Kỳ phải đăng ký lại cơ sở sản xuất và người đại diện tại nước này với Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) để được cấp mã số kinh doanh hợp lệ mới. Tất cả các công việc này đều cần phải hoàn tất trước khi xuất hàng.

Tuy nhiên, theo thống kê gần đây của FDA, trước thời gian cho phép đăng ký lại, Việt Nam có tổng cộng 1.485 cơ sở sản xuất được FDA cấp mã số kinh doanh hợp lệ nhưng con số này hiện giảm xuống chỉ còn 806. Như vậy, có tới 679 cơ sở sản xuất tại Việt Nam đã bị hủy mã số kinh doanh do không tiến hành đăng ký lại hoặc có tiến hành đăng ký lại với FDA, nhưng không đúng thủ tục hiện hành.

Xin lưu ý, kể từ năm 2017, FDA đã thay đổi phương pháp thẩm tra để cấp mã số kinh doanh mới và quy định thêm: Sau khi được các cơ sở sản xuất chỉ định và đăng ký với FDA, Người đại diện tại Hoa Kỳ bắt buộc phải có thư hoặc văn bản gửi cho FDA xác nhận đồng ý làm Người đại diện tại Hoa Kỳ cho cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Nếu FDA không nhận được thư hoặc văn bản này thì việc đăng ký lại coi như chưa hoàn tất và mã số kinh doanh sẽ bị hủy.

Các cơ sở sản xuất tại Việt Nam do không biết mã số kinh doanh với FDA đã bị hủy và không còn giá trị vẫn cứ xuất hàng vào Hoa Kỳ sẽ bị từ chối không cho giao hàng hoặc tàu chở hàng bị từ chối không cho cập cảng. Hơn nữa, việc không có mã số kinh doanh hợp lệ của FDA mà vẫn cứ tiến hành giao hàng sẽ cấu thành tội “bị cấm nhưng vẫn làm” và có thể bị xử lý hình sự hoặc bị phạt rất nặng theo Đạo luật về Thực phẩm, Thuốc và Mỹ phẩm của nước này.

Đào Trần Nhân – Tham tán Công sứ Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ

Nguồn: http://baocongthuong.com.vn/

Bao Cong thuong

ĐỒNG NAI GIỮ NHỊP ĐỘ TĂNG TRƯỞNG XUẤT KHẨU VÀ XUẤT SIÊU

Trong 4 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai đã đạt gần 5,3 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2016; nhập khẩu đạt 4,78 tỷ USD, Đồng Nai tiếp tục duy trì vị trí xuất siêu. 

Các DN dệt may của Đồng Nai giữ vị thế tăng trưởng xuất khẩu trước nhiều áp lực cạnh tranh 

Theo báo cáo của Sở Công Thương Đồng Nai, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như giày dép, dệt may, xơ sợi dệt, sản phẩm từ gỗ đều có mức tăng trưởng cao trong 4 tháng/2017. Đặc biệt với mặt hàng dệt may trung bình hàng tháng các DN trên địa bàn xuất khẩu được khoảng trên 150 triệu USD. Tuy nhiên, theo các DN dệt may, xuất khẩu ngành này đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước trong khối ASEAN tại những thị trường lớn, như Hoa Kỳ, châu Âu. Để ổn định đầu ra, nhiều DN dệt may đã tìm cách mở rộng thị trường sang các nước Việt Nam đang có lợi thế hơn như Hàn Quốc, Nhật Bản…

Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu như hạt điều, cà phê, cao su giá xuất khẩu tăng đáng kể. Cụ thể, giá xuất khẩu hạt điều đang ở mức 9.147 USD/tấn; giá cà phê ở mức 2.209 USD/tấn; giá cao su ở mức 1.872 USD/tấn, tăng 46,7% so cùng kỳ năm 2016… đã góp phần làm tăng chung kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh.

Để duy trì nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu cao các DN xuất khẩu trên địa bàn đã tiếp tục khai thác tối đa thị trường truyền thống. Trong đó, thị trường Hàn Quốc tăng gần 88%; Nhật Bản tăng gần 13%; Pháp tăng hơn 9%; Hoa Kỳ tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2016.

Tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu các DN cần tiếp tục tìm nguồn nguyên liệu trong nước để làm hàng xuất khẩu, đồng thời khai thác triệt để những thị trường Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hàn Quốc, Nhật Bản… để hưởng các ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu. Ngoài ra, các DN Đồng Nai liên tục cải thiện quản trị, sản xuất để giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh.

Để hỗ trợ DN giữ đà tăng trưởng xuất khẩu, lãnh đạo tỉnh cho biết, sẽ tiếp tục hỗ trợ DN tổ chức các đợt xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để có thể tìm thêm những khách hàng, đơn hàng mới; Kết nối DN công nghiệp hỗ trợ trong nước với các DN sản xuất để có thể cung ứng nguyên phụ liệu cho nhau nhằm giảm nhập khẩu, dễ dàng hưởng được các ưu đãi về thuế khi xuất sang các thị trường Việt Nam đã ký các FTA. Các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư tiếp tục được thực hiện, đặc biệt là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho DN phát triển sản xuất kinh doanh.

Thanh Thanh

Nguồn: http://baocongthuong.com.vn/

PHÁT HIỆN CONTAINER CHỨA ĐẦY HÀNG CẤM TẠI CẢNG CÁI MÉP

(HQ Online)-Ngày 5/5, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép chủ trì phối hợp với C74, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cái Mép và Đội Kiểm soát Hải quan – Cục Hải quan Bà Rịa- Vũng Tàu kiểm tra, phát hiện 1 container hàng điện tử đã qua sử dụng- thuộc diện cấm nhập khẩu.

Hàng điện tử nhập lậu do Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép bắt giữ ngày 5/5/2017

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép, lô hàng nêu trên do Công ty TNHH Thời trang Minh Đạt đứng tên trên tờ khai nhập khẩu. Công ty này mở tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan Chơn Thành- Cục Hải quan Bình Phước, khai báo hàng nhập khẩu là vòng bi công nghiệp bằng thép, đã qua sử dụng, được nhập khẩu từ từ Nhật Bản.

Khi lô hàng cập cảng Cái Mép để làm thủ tục chuyển cảng về Bình Phước, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép phát hiện có dấu hiệu nghi vấn hàng nhập khẩu không đúng với khai báo hải quan nên đã ban hành quyết định tạm dừng đưa lô hàng qua khu vực giám sát và chủ trì kiểm tra thực tế lô hàng.

Kết quả phát hiện, toàn bộ hàng hóa trong container là hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng- thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu.

Được biết, đây là lô hàng lậu thứ 5 do Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép điều tra, phát hiện kể từ đầu năm 2017 đến nay.

Một số hình ảnh hang cấm nhập khẩu:

Công chức Hải quan cảng Cái Mép kiểm tra số seal trước khi mở kiểm tra hàng
Hàng chục chiếc lò nướng cũ nát
Nhiều chiếc  âm ly hoen ố
Những chiếc máy lạnh cũ kĩ
Tủ lạnh xuất xứ Nhật Bản
Lê Thu

DOANH NGHIỆP MONG THỦ TỤC THÔNG QUAN THÔNG THOÁNG HƠN

(HQ Online)- Mặc dù ngành Hải quan đã đạt được nhiều kết quả về cải cách thủ tục và tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức hải quan được cộng đồng DN ghi nhận, đánh giá cao, song vẫn còn những vướng mắc trong quá trình thông quan hàng hóa liên quan đến các bộ ngành, DN mong muốn được giải quyết thấu đáo.

Giám sát hải quan tại kho hàng không kéo dài (khu công nghiệp Yên Phong- Bắc Ninh). Ảnh: Thu Trang​​​.

Tăng phối hợp

Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 đặt ra yêu cầu rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục thông quan hàng hóa qua biên giới còn 70 giờ đối với hàng hóa XK, 90 giờ đối với hàng hóa NK.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội DN logistics Việt Nam (VLA) thống kê năm 2016, thời gian làm thủ tục hàng hóa XK vẫn còn cao, lên tới 108 giờ và 138 giờ đối với hàng hóa NK. Thời gian vẫn còn cao rõ ràng không hoàn toàn thuộc về ngành Hải quan, bởi thời gian thực hiện thủ tục hải quan đối với một tờ khai/lô hàng tại cơ quan Hải quan chỉ chiếm khoảng 28% thời gian thông quan và không quá 1 ngày làm việc. Thời gian còn lại thuộc về DN và các cơ quan liên quan, trong đó các cơ quan quản lý chuyên ngành chiếm đến 72% thời gian thông quan hàng hóa.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký VLA cho rằng, để giảm thời gian thông quan, việc cải thiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành là vấn đề mấu chốt, nếu không các cố gắng của ngành Hải quan sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Một chuyên gia về thương mại còn cho rằng, trong công tác kiểm tra chuyên ngành, có cơ quan, bộ, ngành còn ra “oai” bằng việc đưa ra danh sách dài thủ tục, gây ảnh hưởng tới thủ tục hải quan.

Trong Báo cáo “Đánh giá cải cách thủ tục hành chính hải quan: Mức độ hài lòng của DN năm 2016”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, một số DN cho rằng về vấn đề kiểm tra chuyên ngành hiện có quá nhiều văn bản chồng chéo, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Hải quan và cơ quan quản lý chuyên ngành, có nhiều giấy phép con… Chính vì thế, không ít DN phản ánh những bức xúc như: Hàng hóa bị kiểm tra mất thời gian, chi phí khi sản phẩm DN mua về phải mang đi một lượng để kiểm tra, lấy mẫu, số hàng hóa còn lại không đủ cung ứng theo hợp đồng. Hoặc có DN cho hay, thông tin yêu cầu đăng ký không rõ ràng, khiến DN mất nhiều thời gian khai đi khai lại… Đây là những tồn tại lâu năm của DN đối với việc kiểm tra chuyên ngành cần được các cơ quan ngồi lại và phối hợp chặt chẽ với nhau hơn nữa.

Tăng phục vụ

“Định hướng cải cách thủ tục hành chính của ngành Hải quan đang đi đúng hướng, nhưng vẫn còn một số văn bản, quy định liên quan đến thông quan hàng hóa do chưa được DN tham gia góp ý đầy đủ nên có những vấn đề chưa sát với thực tế, dẫn đến tiêu cực, gây bức xúc cho DN”, ông Đặng Thế Lưỡng, Tổng thư ký Hiệp hội DN quận Hải An (Hải Phòng) cho hay.

Đại diện một DN hoạt động XNK vật liệu xây dựng tại Nghệ An cho biết, mặc dù việc thông quan đã áp dụng khai báo điện tử nhưng vào thời gian cao điểm, hệ thống này trở nên quá tải, từ đó phát sinh những khó khăn. Bên cạnh đó, mặc dù thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã có nhiều chỉ đạo về cải cách thủ tục hành chính, nhưng xuống tới các cục, chi cục và trực tiếp người thực hiện thì lại xảy ra vướng mắc, nhất là thái độ làm việc của công chức đối với DN, vẫn còn trường hợp chưa coi DN là đối tác.

Từ những vướng mắc này, ông Phan Thông, Tổng thư ký Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam cho rằng, bên cạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các bộ phận, ngành Hải quan nên có cơ chế giám sát chặt chẽ, nâng cao năng lực, trình độ và nhận thức của cán bộ, công chức toàn Ngành. Chi tiết hơn, vị này còn kiến nghị nên tăng chế độ lương thưởng cho cán bộ, công chức Hải quan bởi họ có khối lượng công việc nhiều, phải trực đêm, làm vào những ngày nghỉ, lễ Tết.

Cùng với vấn đề trên, bà Đặng Thị Bình An, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tư vấn thuế C&A cho biết, việc xử lý khiếu nại của DN cần được cải thiện hơn, cần có sự tách bạch để kiểm tra, tăng tính minh bạch và khách quan. Việc trả lời văn bản giải đáp cho DN được nhanh chóng và thường xuyên hơn.

Có thể thấy, những nỗ lực của ngành Hải quan cần được củng cố hơn nữa để đáp ứng nhu cầu và yêu cầu của DN, để DN thực sự đồng hành, là đối tác, là đối tượng để phục vụ. Tất nhiên, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sự quyết tâm chính trị của ngành Hải quan thì các DN cũng cần sự thay đổi trong hoạt động với sự minh bạch, hồ sơ, giấy tờ được rõ ràng, sẵn sàng đứng lên đấu tranh trước những hành vi sai trái khi thực hiện thủ tục hành chính.

Hương Dịu

MỸ DUY TRÌ THUẾ CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ TÔM THÊM 5 NĂM

(HQ Online)- Thông tin từ Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ (ITC) đã ban hành kết luận đối với cuộc rà soát hoàng hôn lần thứ hai đối với thuế chống bán phá giá tôm nhập khẩu từ một số nước trong đó có Việt Nam.

ITC kết luận rằng việc dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá tôm sẽ dẫn tới khả năng tiếp tục hoặc tái diễn thiệt hại gây ra đối với ngành sản xuất Mỹ. Ảnh internet.

Theo đó, ITC kết luận rằng việc dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá tôm sẽ dẫn tới khả năng tiếp tục hoặc tái diễn thiệt hại gây ra đối với ngành sản xuất Mỹ.

Trước đó, ngày 1/3/2016, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã khởi xướng cuộc rà soát hoàng hôn lần thứ 2 (thực hiện 5 năm/lần) để xác định liệu việc dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá với tôm nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam (thuế chống bán phá giá tôm đã được Hoa Kỳ áp từ năm 2005) có dẫn tới khả năng tiếp tục hoặc tái diễn hành vi bán phá giá hay không.

Ngày 30/1/2017, DOC đã ban hành kết luận cuối cùng khẳng định việc dỡ bỏ lệnh áp thuế sẽ dẫn tới việc tiếp tục hoặc tái diễn việc bán phá giá. Kết luận này dựa trên biên độ phá giá trên mức không đáng kể trong các đợt rà soát hành chính gần đây của Việt Nam (POR8, 9, 10, 11) cũng như lượng nhập khẩu có sự suy giảm so với giai đoạn 1 năm trước khi khởi xướng vụ việc điều tra.

Ngoài ra, DOC cũng căn cứ vào mức thuế suất toàn quốc, vẫn duy trì ở mức 25,67% kể từ cuộc điều tra ban đầu cho đến nay để cho rằng vẫn tồn tại doanh nghiệp bán phá giá và việc tiếp tục hoặc tái diễn bán phá giá có thể lên tới 25,67%.

Như vậy, do cả DOC và ITC đều đưa ra kết luận khẳng định, lệnh áp thuế chống bán phá giá tôm sẽ tiếp tục được duy trì thêm 5 năm nữa đối với Việt Nam.

Phan Thu

NHẬT BẢN VƯƠN LÊN DẪN ĐẦU NHẬP KHẨU TÔM CỦA VIỆT NAM

(HQ Online)-Do ảnh hưởng của thuế Chống bán phá giá khiến XK tôm của các DN Việt Nam sang Mỹ giảm mạnh, trong khi nhu cầu của Nhật Bản tăng do đồng Yên tăng giá thu hút DN tôm chuyển sang thị trường này và đang vương lên dẫn đầu. 

Chế biến tôm xuất khẩu.

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biế và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, XK tôm Việt Nam 3 tháng đầu năm 2017 có xu hướng chững lại với 618 triệu USD, trong khi năm 2016, kim ngạch XK tăng gần 7%.

Giá tôm nguyên liệu tăng mạnh, thuế Chống bán phá giá khiến XK tôm sang Mỹ giảm mạnh, trong khi nhu cầu của Nhật Bản tăng do đồng Yên tăng giá thu hút DN tôm chuyển sang thị trường này. XK sang một số thị trường khác như EU, Hàn Quốc phục hồi tích cực bù đắp cho sụt giảm tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc và Australia.

Trong quý 1/2017, Việt Nam XK tôm sang 68 thị trường, tăng so với 64 thị trường của cùng kỳ năm 2016. Top 10 thị trường chính bao gồm Nhật Bản, EU, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, ASEAN, Đài Loan và Thụy Sỹ, chiếm 95,4% tổng XK tôm Việt Nam.

Vị trí của top 10 thị trường NK tôm lớn nhất có sự thay đổi trong 3 tháng đầu năm nay: Nhật Bản vươn lên là thị trường lớn nhất thay cho Mỹ, Mỹ tụt xuống vị trí thứ 3. Canada vươn lên vị trí thứ 6, Australia nhường chỗ cho Canada và đứng ở vị trí thứ 7.
XK tôm sang Nhật Bản bắt đầu phục hồi từ tháng 8/2016 và tăng trưởng liên tục đến tháng 3 năm nay. Nếu như cả năm 2016, XK tôm sang Nhật Bản chỉ tăng 2,7% thì 3 tháng đầu năm nay, tỷ lệ tăng trưởng đạt 29,6% với giá trị XK 135,4 triệu USD.

Trong quý 1 năm nay, Nhật Bản là thị trường nổi bật nhất vì đã giành được vị trí số 1 từ Mỹ nhờ mức tăng trưởng tốt 29,6% trong NK tôm từ Việt Nam. EU vẫn ổn định ở vị trí thứ 2 tăng 6,4%. XK sang Trung Quốc sau khi tăng trưởng tốt trong năm 2016, trong quý đầu năm 2017 đảo chiều đi xuống. XK sang Hàn Quốc tăng trưởng tốt nhất nhờ những ưu đãi từ FTA giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Top 5 thị trường chính gồm Nhật Bản (chiếm tỷ trọng 21,9%), EU (chiếm 19,2%), Mỹ (18,1%), Trung Quốc (15,1%),  Hàn Quốc (10%). Trong top 5 này, XK sang Nhật Bản, EU, Hàn Quốc tăng trưởng tốt trong đó XK sang Hàn Quốc tăng mạnh nhất 30,8%; XK sang Mỹ, Trung Quốc giảm trong đó Mỹ giảm mạnh nhất 26,3%.

XK tôm sang Mỹ sau khi tăng trong 3 quý đầu năm, đảo chiều đi xuống trong quý IV/2016. Bước sang quý I/2017, XK tôm sang thị trường này tiếp tục xu hướng giảm. XK trong cả 3 tháng của quý I đều giảm từ 22-28% so với các tháng cùng kỳ năm 2016. Kim ngạch XK tôm Việt Nam sang Mỹ 3 tháng đầu năm nay đạt gần 112 triệu USD; giảm 26,3% so với cùng kỳ năm 2016. Do tăng trưởng âm nên Mỹ tụt xuống vị trí thứ 3 trong top các thị trường NK tôm chính của Việt Nam trong quý đầu năm nay.

Biến đổi khí hậu như hạn hán và xâm ngập mặn có thể vẫn xảy ra và tác động đến sản xuất tôm nước lợ trong năm 2017. Dự báo sản lượng tôm nguyên liệu năm 2017 sẽ tăng nhẹ đạt 660 nghìn tấn trên 700 ha diện tích nuôi. XK tôm năm 2017 dự báo sẽ đạt 3,4 tỷ USD, tăng 9%. Trong đó, tôm chân trắng đạt khoảng 2 tỷ USD, tăng 8%, tôm sú trên 900 triệu USD, tăng 2%.

Lê Thu