TÍNH PHỤ PHÍ CIC TÍNH VÀO TRỊ GIÁ HÀNG NK

(HQ Online)- Trước thắc mắc của một số DN về việc tính phụ phí CIC (phí mất cân bằng vỏ container) tính vào trị giá hàng NK, Tổng cục Hải quan đã trả lời về vấn đề này.

DN làm thủ tục tại Chi cục Hải quan cảng Cái Lân. Ảnh: T.Trang.

Về việc điều chỉnh cộng phí CIC, Tổng cục Hải quan cho biết, căn cứ quy định tại Điều 5 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính thì trị giá hải quan là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên và được xác định bằng cách áp dụng tuần tự 6 phương pháp xác định trị giá hải quan.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư số 39/2Q15/TT-BTC thì các khoản điều chỉnh cộng phải cộng vào trị giá hàng NK nếu đáp ứng đủ các điều kiện: Do người mua thanh toán và chưa được tính trong trị giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán; Phải liên quan đến hàng hóa NK; Có số liệu khách quan, định lượng được, phù hợp với các chứng từ có liên quan.

Và quy định tại điểm g khoản 2 Điều 13 Thông tư số 39/2015/TT-BTC thì chi phí vận tải và chi phí có liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa đến cửa khẩu nhập đầu tiên là khoản phải cộng vào trị giá hàng NK.

Đối chiếu quy định nêu trên, trường hợp phí CIC có liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa và đáp ứng các điều kiện nêu trên thì được xem xét là khoản điều chỉnh cộng vào trị giá hàng nhập khẩu.

Riêng về việc thu thuế GTGT phụ phí phí CIC của hãng tàu, Tổng cục Hải quan cho biết, vấn đề này thuộc chức năng, thẩm quyền quản lý của cơ quan thuế nội địa. Do đó, các DN liên hệ với cơ quan thuế nội địa để được hướng dẫn cụ thể.

Thu Trang

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

KHAI THÁC CHUYẾN BAY QUỐC TẾ TẠI CẢNG HÀNG KHÔNG THỌ XUÂN-THANH HÓA

(HQ Online)- Cơ quan Hải quan sẽ bố trí CBCC hải quan phù hợp để làm thủ tục cho khách XNC, khi có các chuyến bay quốc tế tại Cảng hàng không Thọ Xuân-Thanh Hóa.

Cảng hàng không Thọ Xuân (Thanh Hóa). Ảnh: Internet

Cảng hàng không Thọ Xuân là cảng hàng không nội địa hiện đang được khai thác các chuyến bay Thanh Hóa-TP.Hồ Chí Minh, Thọ Xuân-Cam Ranh; Thọ Xuân-Buôn Mê Thuột và sắp tới sẽ mở thêm tuyến Thọ Xuân-Đà Nẵng; Thọ Xuân-Cần Thơ và ngược lại.

Để phát triển du lịch, thúc đẩy giao thương, hợp tác đầu tư, hiện nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đang chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện các thủ tục liên quan để đưa vào khai thác chuyến bay quốc tế charter (thuê riêng cho từng chuyến) từ Thanh Hóa-Băng Cốc (Thái Lan), dự kiến khai thác trong tháng 6/2017. 

Dự kiến Công ty cổ phần du lịch và tiếp thị GTGT Việt Nam (Viettravel),sẽ thực hiện khoảng 20 lượt bay quốc tế vận chuyển hành khách du lịch đi/đến giữa Thanh Hóa-Băng Cốc trong thời gian từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 9/2017.

Đáp ứng yêu cầu trên, Tổng cục Hải quan đã đồng ý phương án của Cục Hải quan Thanh Hóa giao Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Thanh Hóa thực hiện việc kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định khi Bộ Giao thông vận tải cấp phép khai thác chuyến bay quốc tế. Căn cứ theo thông báo về lượng hành khách XNC để bố trí cán bộ phù hợp, được đào tạo về nghiệp vụ soi chiếu hàng hóa, hành lý. 

N.Linh

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

CÁC NHÓM HÀNG PHẢI LÀM THỦ TỤC TẠI CỬA KHẨU NHẬP LÀ HÀNG CÓ RỦI RO CAO

(HQ Online)- Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 15/2017/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 ban hành Danh mục hàng hóa NK phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập bao gồm 17 nhóm mặt hàng nhạy cảm có rủi ro cao trong quản lý (như quản lý thuế, quản lý chuyên ngành, ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, môi trường…) cần tăng cường kiểm soát tại cửa khẩu. Quy định mới này sẽ khiến cho việc làm thủ tục hải quan của các DN thay đổi như thế nào?

Hoạt động XNK hàng hóa tại cảng Đà Nẵng. Ảnh: N.Linh.

Đảm bảo công tác quản lý

Theo quy định tại Điều 22 Luật Hải quan thì địa điểm làm thủ tục hải quan là nơi cơ quan Hải quan tiếp nhận, đăng ký và kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải. Trong đó: Địa điểm tiếp nhận, đăng ký và kiểm tra hồ sơ hải quan là trụ sở cục hải quan, trụ sở chi cục hải quan; Địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa bao gồm: (a) Địa điểm kiểm tra tại khu vực cửa khẩu đường bộ, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế; bưu điện quốc tế; cảng biển, cảng thủy nội địa có hoạt động xuất khẩu, NK, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; cảng xuất khẩu, NK hàng hóa được thành lập trong nội địa; (b) Trụ sở Chi cục Hải quan; (c) Địa điểm kiểm tra tập trung theo quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan; (d) Địa điểm kiểm tra tại cơ sở sản xuất, công trình; nơi tổ chức hội chợ, triển lãm; (đ) Địa điểm kiểm tra tại khu vực kho ngoại quan, kho bảo thuế, địa điểm thu gom hàng lẻ; (e) Địa điểm kiểm tra chung giữa Hải quan Việt Nam với Hải quan nước láng giềng tại khu vực cửa khẩu đường bộ; (g) Địa điểm khác do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định trong trường hợp cần thiết.

Như vậy, trong thời gian qua, trừ một số trường hợp hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành được quy định phải làm thủ tục tại cửa khẩu nhập theo luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn thì DN được lựa chọn địa điểm để làm thủ tục hải quan phù hợp với quy định tại Điều 22 nêu trên. Về cơ bản, các Luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn không quy định về cửa khẩu phải làm thủ tục NK, trừ những trường hợp sau: Một là, Nghị định số 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định rượu chỉ được NK vào Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế (Nghị định 94/2012/NĐ-CP được ban hành căn cứ  Luật Thương mại và Luật An toàn thực phẩm). Hai là, Thông tư số 19/2009/TT-BCT của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BTM-BGTVT-BTC-BCA hướng dẫn việc NK ô tô chở người dưới 16 chỗ đã qua sử dụng theo Nghị định số 12/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Ô tô đã qua sử dụng chỉ được NK về Việt Nam qua các cửa khẩu cảng biển quốc tế: Cái Lân Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu. Thủ tục hải quan được thực hiện tại cửa khẩu NK”. Ba là, Thông tư liên tịch số 25/2010/TTLT-BCT-BGTVT-BTC của liên Bộ Công Thương, Giao thông vận tải và Tài chính quy định: “Ô tô chở người chỉ được NK về Việt Nam qua các cửa khẩu cảng biển quốc tế: Cái Lân-Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu. Thủ tục hải quan được thực hiện tại cửa khẩu NK”. Bốn là, Thông tư số 37/2013/TT-BCT ngày 30/12/2013 của Bộ Công Thương quy định NK thuốc lá điếu, xì gà quy định: “Thuốc lá điếu, xì gà chỉ được phép NK vào Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế”.

Riêng đối với mặt hàng phế liệu thì Thông tư số 41/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường trong NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất quy định thủ tục kiểm tra điều kiện về bảo vệ môi trường, kiểm tra thực tế lô hàng phế liệu NK để thông quan được thực hiện tại cơ quan Hải quan cửa khẩu nhập, không quy định về địa điểm NK phế liệu.

17 nhóm hàng trọng điểm

Ngày 21/1/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, theo đó tại khoản 2 Điều 4 quy định: “Căn cứ tình hình xuất khẩu, NK trong từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ quyết định Danh mục hàng hóa NK phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập”. Căn cứ Luật Hải quan năm 2014, Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP dẫn trên, Bộ Tài chính đã báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2017/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 ban hành Danh mục hàng hóa NK phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập, bao gồm 17 nhóm mặt hàng nhạy cảm có rủi ro cao trong quản lý (như quản lý thuế, quản lý chuyên ngành, ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, môi trường…) cần tăng cường kiểm soát tại cửa khẩu.

Các hàng hóa này bao gồm: (1) Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm; (2) Rượu; (3) Bia; (4) Xe ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi; (5) Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3; (6) Tàu bay, du thuyền; (7) Xăng các loại;  (8) Điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống; (9) Bài lá; (10) Vàng mã, hàng mã; (11) Hàng hóa phải kiểm dịch động vật theo Danh mục do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định; (12) Hàng hóa phải kiểm dịch thủy sản theo Danh mục do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định; (13) Hàng hóa phải kiểm dịch thực vật theo Danh mục do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định; (14) Tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ theo Danh mục do Bộ Công Thương quy định; (15) Hàng hóa có ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng theo Danh mục do Bộ Công Thương quy định; (16) Phế liệu theo Danh mục do Thủ tướng Chính phủ quy định; (17) Hàng hóa áp dụng biện pháp thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp theo quy định của Bộ Công Thương.

Đối với hàng hóa thuộc các nhóm hàng từ (1) đến (10) tại Danh mục được ban hành chi tiết tên hàng kèm theo mã số HS. Đối với hàng hóa thuộc các nhóm hàng từ (11) đến (17) áp dụng mã số HS theo Danh mục do Thủ tướng Chính phủ và các Bộ quản lý chuyên ngành công bố, ban hành.

Quyết định cũng đã quy định rõ trường hợp hàng hóa có nhiều chủng loại (thuộc Danh mục và không thuộc Danh mục), chung vận đơn thì phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập.

Tuy nhiên, với mục đích nhằm khuyến khích DN phát triển sản xuất và tạo thuận lợi đối với một số trường hợp hàng hóa NK vì mục đích đặc biệt, Quyết định cũng đã quy định hàng hóa NK thuộc Danh mục được lựa chọn làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập hoặc tại các địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu nhập trong các trường hợp sau:

Một là, thiết bị, máy móc, vật tư NK để xây dựng nhà máy, công trình được làm thủ tục hải quan tại cơ quan Hải quan nơi có nhà máy, công trình hoặc kho của nhà máy, công trình. Hai là, nguyên liệu, vật tư, thiết bị, máy móc, linh kiện, phụ tùng để phục vụ gia công, sản xuất được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất. Ba là, hàng hoá tạm nhập để dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm được làm thủ tục hải quan tại cơ quan Hải quan nơi có hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm. Bốn là, hàng hoá NK vào cửa hàng miễn thuế được làm thủ tục hải quan tại cơ quan Hải quan quản lý cửa hàng miễn thuế. Năm là, hàng hoá NK vào khu phi thuế quan được làm thủ tục hải quan tại cơ quan Hải quan quản lý khu phi thuế quan. Sáu là, hàng hóa NK phục vụ yêu cầu cứu trợ khẩn cấp theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Hải quan được đưa về địa điểm nơi xảy ra thiên tai, dịch bệnh hoặc yêu cầu cứu trợ khẩn cấp. Bảy là, hàng hóa chuyên dùng NK phục vụ an ninh quốc phòng theo quy định tại khoản 2 Điều 50 Luật Hải quan được làm thủ tục hải quan tại cơ quan Hải quan theo đề nghị của người khai hải quan. Tám là, xăng được đưa từ kho ngoại quan đến các địa điểm làm thủ tục hải quan nơi thương nhân có hệ thống kho xăng dầu. Chín là, hàng hóa NK đóng chung container đưa về địa điểm thu gom hàng lẻ được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan quản lý địa điểm thu gom hàng lẻ. Mười là, các trường hợp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan Hải quan tăng cường kiểm soát đối với các hàng hóa NK có rủi ro cao trong quản lý, đảm bảo yêu cầu về quản lý thuế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chất lượng hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa NK phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2017.

Lê Nguyễn Việt Hà (Phó Trưởng Phòng Giám quản 1-Cục GSQL về hải quan)

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

BUÔN LẬU CHƯA BAO GIỜ HẾT “NÓNG”

(HQ Online)- Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại biên giới một số tỉnh phía Bắc vẫn diễn biến khá phức tạp, các lực lượng chức năng đang dồn lực lượng để tiến hành đấu tranh phát hiện sai phạm song do khó khăn từ nhiều phía nên hiệu quả vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.

Ông Đàm Thanh Thế phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: DN

Ngày 19/5, tại Cao Bằng, Ban chỉ đạo 389 quốc gia phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức giao ban công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quý I/2017 với một số tỉnh trọng điểm biên giới phía Bắc.

Tại Hội nghị, ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả luôn được Thủ tướng Chỉnh phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm. 

Do đó, hàng loạt các văn bản chỉ đạo được phát đi từ Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã được các lực lượng thành viên: Hải quan, Biên phòng, Công an, Quản lý thị trường, Cảnh sát Biển cụ thể hóa bằng hàng trăm nghìn vụ việc đã được xử lý. 

Cụ thể, số vụ việc phát sinh, số thu nộp vào ngân sách Nhà nước qua công tác này năm sau luôn cao hơn năm trước. Theo đó, những tháng đầu năm công tác thu ngân sách Nhà nước đạt gần 22.000 tỷ đồng, xử lý gần 6.000 vụ vi phạm, nộp ngân sách 6.128 tỷ đồng, tăng 19,28% so với cùng kỳ năm 2016.

Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ như trên, nhưng ông Đàm Thanh Thế cũng thẳng thắn nhìn nhận: Công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn chưa tương xứng với thực tế. Đáng chú ý, tình trạng buôn lậu thuốc lá, xăng dầu, vấn đề gian lận thương mại, hàng kém chất lượng vẫn được bày bán công khai, gây nhức nhối trong dư luận. 

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: D.N

Bên cạnh đó, hoạt động của các đối tượng buôn lậu cũng tinh vi hơn, xuất hiện nhiều phương thức thủ đoạn mới, có tổ chức. Hàng hóa vi phạm cũng khá đa dạng, tập trung nhiều vào các nhóm mặt hàng cấm, hàng hóa có thuế suất cao, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng tiêu dùng thiết yếu…

Còn theo đại diện Cục Quản lý Thị trường, Bộ Công thương, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ tập trung chủ yếu vào mặt hàng may mặc, thiết bị điện tử, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng, thực phẩm chức năng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… vẫn còn hoành hành. 

Bên cạnh đó, thủ đoạn của các đối tượng kinh doanh hàng giả ngày càng tinh vi. Các đối tượng sử dụng mánh khóe tìm mua hàng hóa, nguyên liệu bán thành phẩm giá thành rẻ, không rõ chất lượng, nguồn gốc và bao bì, nhãn mác nhái các thương hiệu nổi tiếng, sau đó tổ chức đóng gói thủ công hoặc sử dụng dây chuyền, máy móc thô sơ để gia công, pha trộn, dán nhãn và cung cấp ra thị trường.

“Nhằm đánh lừa người tiêu dùng, các sản phẩm giả mạo được bán trà trộn với hàng thật, một phần nhỏ đưa về vùng sâu, vùng xa tiêu thụ không chỉ gây hại cho sức khỏe con người và làm tổn hại đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn chân chính”, vị này cho biết. 

Về khó khăn trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, theo đại diện Cục Phòng Chống tội phạm về buôn lậu, Bộ Công an cho biết, ngoài những nguyên nhân khách quan như địa bàn phức tạp, chồng chéo trong hệ thống văn bản quy định… sự hạn chế của công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan.

“Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quyết liệt, có lúc, có nơi thiếu quan tâm, kiểm tra, đôn đốc… Đáng chú ý một bộ phận cán bộ chiến sỹ thừa hành công vụ thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu rèn luyện phẩm chất đạo đức dẫn đến tha hóa, biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả”, vị này chỉ rõ.

Theo đại diện Ban chỉ đạo 389 TP. Hà Nội, tình hình gian lận thương mại cũng diễn ra phổ biến, lợi dụng quy trình thủ tục hải quan để gian lận, trốn thuế như khai báo sai mã hàng, số lượng, chủng loại so với khai báo. Đặc biệt là lợi dụng chính sách quà tặng để NK trái quy định hàng hóa có giá trị cao. Có trường hợp DN khai NK một mặt hàng nhưng khi lực lượng Hải quan kiểm tra phát hiện nhập tới chín mặt hàng. Đối với một số mặt hàng có thuế NK cao như: Rượu, thuốc lá, vải ngoại, hàng điện tử… có hiện tượng hình thành đường dây buôn lậu được phân chia công đoạn từ nhập lậu, vận chuyển đến tiêu thụ.

Trước tình hình số vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả gia vẫn diễn biến phức tạp, theo đại diện Cục Phòng chống tội phạm ma túy, Bộ Công an, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, thể hiện rõ vai trò trong chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, chính quyền các cấp, các lực lượng chức năng tại cơ sở đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát tại các địa bàn thành phố, thị xã, các phường, xã, huyện biên giới trọng điểm; các cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường hàng không… 

Đại diện Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan kiến nghị, các lực lượng chức năng cần bám sát diễn biến thực tế, xác định rõ tuyến, địa bàn, lĩnh vực, các lực lượng chủ động xây dựng kế hoạch tập trung đánh mạnh vào phương thức thủ đoạn hoạt động, đối tượng chủ mưu, nhóm mặt hàng, cũng như đề ra phương án, giải pháp đấu tranh; phân công, giao chỉ tiêu cho các cấp chính quyền cơ sở và lực lượng chức năng trực tiếp quản lý địa bàn theo hướng tăng các cuộc thanh tra, kiểm tra, số vụ phát hiện, bắt giữ, xử lý hành chính, hình sự… 

“Song song với đó, các bộ, ngành địa phương cần tập trung thanh tra, kiểm tra, đấu tranh mạnh, kiểm soát chặt nhóm hàng cấm, hàng có thuế suất cao; các mặt hàng tiêu dùng là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống nhân dân, ảnh hưởng đến sản xuất, môi trường”, đại diện Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương nêu.

Về phía Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Chánh văn phòng Đàm Thanh Thế cho biết, Văn phòng đã yêu cầu Ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 41/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời triển khai các kế hoạch đấu tranh đối với các mặt hàng trọng điểm như thuốc lá, thực phẩm chức năng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… 

“Mặt khác, cần kiên quyết xác định, xử lý trách nhiệm cụ thể đối với từng cán bộ công chức, sỹ quan quản lý, phụ trách địa bàn, lĩnh vực và người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả phức tạp, kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân”, Chánh Văn phòng thường trực, Ban chỉ đạo 389 quốc gia nêu.

D.Ngân

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

KHỞI TỐ NHIỀU VỤ BUÔN LẬU QUA ĐƯỜNG HÀNG KHÔNG

(HQ Online)- Thời gian gần đây nhiều vụ buôn lậu qua đường hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã bị cơ quan Hải quan phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Trong đó, cơ quan Hải quan đã khởi tố hình sự 4 vụ.

Đối tượng vận chuyển 3 tấm da báo gấm và hơn 4 kg sản phẩm ngà voi bị bắt giữ.

Vận chuyển trái phép động vật hoang dã

Liên tục trong một tháng gần đây, Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện 4 vụ vận chuyển trái phép sản phẩm động vật hoang dã, trị giá khoảng 10 tỷ đồng. Ngày 14/5/2017, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, tạm giữ một phụ nữ 62 tuổi, quốc tịch Việt Nam nhập cảnh trên chuyến bay từ châu Phi về Việt Nam, vận chuyển trái phép gần 4kg ngà voi đã được cắt khúc, 9 cái đuôi voi, nhiều loại móng vuốt và đặc biệt còn có 3 bộ da của loài báo gấm châu Phi. Đây là loài động vật quý hiếm nằm trong sách Đỏ cần được bảo vệ; trị giá tang vật ước tính hơn 2 tỷ đồng.  Người phụ nữ  này đã cất giấu rất tinh vi số hàng trên trong hành lý cá nhân và vật dụng gia đình nhằm qua mắt lực lượng chức năng. Hiện Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đang phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra làm rõ đường dây, hành vi vi phạm của đối tượng.

Trong số các vụ vận chuyển trái phép động vật hoang dã bị phát hiện, Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã khởi tố hình sự 2 vụ, nhiều vụ đang hoàn tất hồ sơ để khởi tố. Cuối tháng 4/2017, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (C74)- Bộ Công an và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46)- Công an TP.HCM phát hiện, tạm giữ 2 hành khách, gồm 1 đối tượng nữ 34 tuổi và 1 đối tượng nam 21 tuổi  nhập cảnh từ châu Phi về Việt Nam, vận chuyển trái phép 7 khúc sừng tê giác với tổng trọng lượng gần 5kg. Đây là sừng của loài tê giác hai sừng châu Phi rất quý hiếm, giá trị tang vật ước tính khoảng hơn 6 tỷ đồng. Các đối tượng này đã cất giấu số sừng tê giác trên trong hành lý cá nhân, dụng cụ gia đình và thùng loa vi tính nhằm qua mắt lực lượng chức năng. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ trinh sát và thu thập thông tin, cơ quan Hải quan đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn vụ việc trên. Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã tiến hành khởi tố vụ án, tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra làm rõ đường dây, ổ nhóm, hành vi vi phạm của các đối tượng.

Trước đó, vào đầu năm 2017, Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự nhập lậu 1.000 tấm da trăn khô qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Lô hàng này do Đội Kiểm soát Hải quan- Cục Hải quan TP.HCM phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất thực hiện quyết định khám xét lô hàng NK, phát hiện vào cuối năm 2016. Theo khai báo của chủ hàng, hàng nhập khẩu là dây viền bằng cao su dùng trang trí túi xách gồm 9 kiện, trọng lượng 348 kg (cuộn 215m), hàng mới 100%, xuất xứ Malaysia.

Trong đầu tháng 5/2017, Chi cục tiếp tục phát hiện 2 vụ vận chuyển trái phép sản phẩm động vật hoang dã tạm giữ một nam hành khách 20 tuổi quốc tịch Việt Nam nhập cảnh trên chuyến bay từ châu Phi về Việt Nam, vận chuyển trái phép 3 khúc sừng tê giác với tổng trọng lượng gần 1,5kg mang theo trong hành lý cá nhân. Đây là sừng của loài tê giác hai sừng châu Phi (Diceros bicornis) rất quý hiếm, giá trị tang vật ước tính khoảng 2 tỷ đồng.

Lô hàng thiết bị y tế NK không có giấy phép bị Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện. Ảnh: L.T.

Buôn lậu thiết bị y tế

Cuối tháng 4/2017, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tội “buôn lậu” xảy ra tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất liên quan đến việc NK thiết bị y tế của Công ty TNHH Khoa học và Kỹ thuật Olympic, địa chỉ tại số 1/54 Lữ Gia, phường 15, quận 11, TP.HCM do ông Nguyễn Kiến Hưng (sinh năm 1987, có hộ khẩu thường trú tại: 423 Ấp 1, thị trấn Gia Rai, huyện Giá Rai), tỉnh Bạc Liêu làm Giám đốc. Công ty này đã nhập khẩu lô hàng thiết bị y tế là 50 máy đo điện tim, khai báo sai tên hàng nhằm trốn tránh việc xin giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế, trị giá lô hàng hơn 500 triệu đồng.

Theo khai báo trên tờ khai hải quan, hàng NK là đầu kiểm tra cho máy điện tâm đồ, số lượng 1 bộ, hàng mới 100%, xuất Ba Lan, trị giá gần 20.000 EUR. Tuy nhiên, kiểm tra thực tế lô hàng, công chức hải quan phát hiện toàn bộ hàng thực nhập sai so với khai báo hải quan. Cụ thể, bao gồm 50 máy đo điện tim, mới 100%, trị giá trên 550 triệu đồng. Theo quy định, khi NK số máy móc thiết bị này phải có giấy phép NK theo quy định tại Thông tư 30/2015/TT-BYT ngày 12/10/2015 của Bộ Y tế. Tuy nhiên, đại diện DN cho biết, chưa có giấy phép NK này.

Cũng liên quan đến nhập lậu thiết bị y tế, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cũng đang xem xét khởi tố vụ nhập lậu thiết bị y tế cấm NK qua hàng quá cảnh. Vụ việc bị phát hiện vào cuối tháng 4/2017, do Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phối hợp cùng Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan, C74 – Bộ Công an và PC46 – Công an TP.HCM theo dõi phát hiện lô hàng thiết bị y tế là máy chụp CT cắt lớp đã qua sử dụng (khai báo là hàng mới 100% có xuất xứ Nhật Bản) gồm 10 kiện, trọng lượng 5,7 tấn, trị giá khoảng trên 3,2 tỷ đồng. Được biết, lô hàng này do Công ty Cổ phần Giao nhận Vận tải Con Ong có địa chỉ tại 39B Trường Sơn, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM do ông Đinh Hữu Thạnh, sinh năm 1975 có hộ khẩu thường trú tại Khu 4, phường Cẩm Thượng, TP.Hải Dương làm Giám đốc đứng tên vận chuyển. Khi làm thủ tục quá cảnh sang Campuchia (qua cửa khẩu Xa Mát- Tây Ninh), công ty này đã khai báo lô hàng nhập khẩu mới 100% nhằm trốn tránh việc xin giấy phép của Bộ Công Thương.

Bên cạnh đó, một số đối tượng còn giấu hàng hóa có giá trị cao, hàng cấm trong người. Vào đầu năm 2017, Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất bắt giữ một nam hành khách, giấu trong người 18 chiếc iPhone bằng cách quấn quanh bụng. Vụ việc đã được khởi tố vụ án hình sự.

Hiện các vụ việc trên đang được cơ quan Công an điều tra làm rõ.

Lê Thu

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

VẪN CÒN NHIỀU VƯỚNG MẮC VỀ KIỂM TRA CHUYÊN NGÀNH

(HQ Online)- Ngày 18/5, tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Viện Quản lý kinh tế Trung ương về công tác kiểm tra chuyên ngành (KTCN), Cục Hải quan TP.HCM đã phản ánh và kiến nghị nhiều nội dung bất cập, ảnh hưởng đến thời gian thông quan hàng hóa XNK.

 

Công chức Hải quan TP.HCM kiểm tra hàng NK. Ảnh: T.H
Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Đinh Ngọc Thắng cho biết, liên quan đến những bất cập trong công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, Cục Hải quan TP.HCM đã chủ động tập hợp các vướng mắc báo cáo, kiến nghị với nhiều cấp có thẩm quyền. Trong đó, báo báo thực trạng KTCN và kiến nghị với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trong buổi làm việc với Cục Hải quan TP.HCM vào tháng 8/2016.

Tháng 9/2016, báo cáo chuyên đề về thực trạng KTCN đối với hàng hóa XK, NK tại thành phố với Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM để kiến nghị đến các cơ quan chức năng sớm điều chỉnh, bổ sung những quy định bất cập về KTCN; Tháng 11/2016, tham mưu cho UBND thành phố ban hành văn bản 6566/UBND-KT ngày 16/112016 chỉ đạo các cơ quan có liên quan trên địa bàn thành phố tăng cường phối hợp thực hiện KTCN đối với hàng hóa XNK tại TP.HCM. 

Ngoài ra, Cục Hải quan TP.HCM và các chi cục hải quan trực thuộc thường xuyên và định kỳ tổ chức gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp. Từ tháng 2/2017, đã thực hiện kế hoạch gặp mặt 400 doanh nghiệp lớn có kim ngạch XNK và nộp ngân sách nhà nước lớn để lắng nghe phản ánh của các doanh nghiệp về những khó khăn, bất cặp liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá, trong đó có vướng mắc về kiểm tra chuyên ngành, để có biện pháp tháo gỡ nếu thuộc phạm vi thẩm quyền và kiến nghị lên các cơ quan chức năng nếu không thuộc phạm vi thẩm quyền…

Theo Cục Hải quan TP.HCM, mặc dù đã kiến nghị nhiều, một số cơ quan quản lý chuyên ngành đã ghi nhận, có sự thay đổi cơ chế chính sách, tuy nhiên quy định về KTCN chưa được điều chỉnh để làm thay đổi căn bản phương thức KTCN như yêu cầu của Nghị quyết 19/2016 và Nghị quyết 19/2017 của Chính phủ, như: Danh mục hàng hóa phải KTCN trước khi thông quan vẫn còn quá nhiều; Chưa thực hiện nguyên tắc quản lý rủi ro trong KTCN; Chưa công nhận kết quả KTCN của các nhà XK nổi tiếng tại nước xuất khẩu, chưa công nhận kết quả kiểm tra, phân tích của các nước tiên tiến; Vẫn còn tình trạng một mặt hàng phải qua nhiều cơ quan KTCN…

Hiện nay, có quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và KTCN gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và cơ quan Hải quan. Kết quả rà soát tính đến tháng 4/2017 có đến 414 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý và KTCN. 

Thực trạng KTCN nói trên đối với hàng hoá nhập khẩu, ngoài việc làm kéo dài thời gian thông quan, thực sự đã trở thành gánh nặng chi phí cho các doanh nghiệp và nếu tính cả chi phí cơ hội của doanh nghiệp, chi phí của các cơ quan, tổ chức có liên quan phải bỏ ra, thì tổng chi phí xã hội dành cho KTCN đối với hàng hoá XNK là cực kỳ lớn, nhưng kết quả KTCN phát hiện vi phạm lại rất ít, chỉ khoảng 0,035% – 0,47%.

Cục Hải quan TP.HCM sẽ tiếp tục cùng với các cơ quan KTCN, cơ quan kinh doanh cảng nâng cao và mở rộng 2 địa điểm KTCN tập trung hiện có về quy mô cũng như về chất lượng hoạt động, hoàn thiện cổng thông tin KTCN nhằm đảm bảo các yêu cầu về quản lý và tiếp tục cắt giảm bớt thời gian thông quan ở những khâu có thể để tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp.

Theo đại diện của Viện Quản lý kinh tế Trung ương, từ những kiến nghị của Cục Hải quan TP.HCM về KTCN, các bộ chuyên ngành đã tiếp thu và sửa nhiều nội dung có liên quan. Tuy nhiên, trên thực tế, DN vẫn còn gặp khá nhiều vướng mắc về quản lý chuyên ngành. Đây cũng là nội dung mà Chính phủ rất quan tâm và đã đưa ra trong nội dung chỉ đạo tại Nghị quyết 19. 

Tại buổi làm việc, đoàn công tác tiếp tục ghi nhận nhiều bất cập, vướng mắc trong công tác KTCN do Cục Hải quan TP.HCM kiến nghị. 

Lê Thu

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

SỬA BIỂU THUẾ MFN: CẦN ĐIỀU CHỈNH MỨC THUẾ MỘT SỐ MẶT HÀNG ĐỂ TRÁNH GIAN LẬN

(HQ Online)- Để giảm tình trạng gian lận, trốn thuế, gây khó cho cơ quan Hải quan và DN trong việc phân loại, áp mã hàng hóa…, Hải quan một số tỉnh, thành phố cho rằng, Biểu thuế XK, NK ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế (MFN) để thực hiện từ năm 2018 cần có sự điều chỉnh về mức thuế một số nhóm mặt hàng…

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Yên Bình, Cục Hải quan Bắc Ninh. Ảnh: T.Trang.

Đề xuất điều chỉnh với một số nhóm hàng

Theo Cục Hải quan TP.HCM, Biểu thuế MFN áp dụng từ năm 2018 cần điều chỉnh thuế suất thuế NK ưu đãi đối với một số mặt hàng để tránh gian lận trong khai báo.

Đưa ra ví dụ phân tích cụ thể, Hải quan TP.HCM cho biết, mặt hàng cá hồi Thái Bình Dương khác NK mã số 0303.12.00 thuế suất NK 12% nên áp bằng mức thuế nhóm 0302.13.00 (thuế suất NK 10%) và nên có mức thuế bằng nhau để tránh việc DN khai báo theo mã số có mức thuế suất thấp và cơ quan Hải quan cũng không thể phân biệt được các loại cá này có những đặc điểm gì khác nhau vì tất cả các mặt hàng này đều đã được bỏ đầu và nội tạng.

Tương tự, với mặt hàng cá hồi vân (cá hồi nước ngọt) mã số 0305.43.00, thuế NK 20% và mặt hàng tôm shimps, tôm pawn nước lạnh mã số 0306.16.00, thuế NK 3%… cũng cần được quy về mức thuế với mặt hàng tương tự vì cơ quan Hải quan không thể phân biệt được các loại cá này có những đặc điểm gì khác nhau, và cũng sẽ tạo cơ hội cho DN lợi dụng khai báo vào mã số hàng hóa có mức thuế suất thấp hơn.

Một mặt hàng nữa cũng được Hải quan TP.HCM kiến nghị sửa đổi mức thuế là các sản phẩm không dệt, đã hoặc chưa ngâm tẩm, tráng phủ hoặc ép lớp- loại khác nhóm 56.03, hiện tại biểu thuế chia thành 2 nhóm theo chất liệu của vải nhưng thuế suất 2 nhóm này quá chênh lệch (0% khi có C/O mẫu E đối với loại có chất liệu từ sợi Filament nhân tạo và 20% đối với loại khác) nên đã có tình trạng DN lợi dụng để khai báo vào nhóm có thuế suất thấp để trốn thuế.

Cùng có kiến nghị sửa đổi mức thuế, Cục Hải quan Hà Nội và Hải Phòng đã liệt kê một loạt mặt hàng có chung đặc điểm với mặt hàng khác, dễ gây nhầm lẫn nhưng lại có mức thuế suất khác nhau.

Cụ thể, mặt hàng camera truyền hình, mã HS 8525.80.50 có mức thuế NK 10%, dễ nhầm lẫn với mặt hàng camera kỹ thuật số khác có mã số 8525.80.40, có thuế suất thuế NK là 0%. Hoặc mặt hàng nhôm ở dạng thanh, que và hình thuộc nhóm 76.04 (thuế suất thuế NK từ 5 đến 10%), tuy trong chú giải đã giải thích các khái niệm thanh, que và hình nhưng khi khai báo DN dễ nhầm lẫn các dạng thanh, que và hình nên cần đưa chung vào 1 mức thuế suất.

Cùng với đó là mặt hàng sắt hoặc thép không hợp kim, thép cốt bê tông, nhóm 7213.91.20, thuế suất thuế NK 20% rất khó phân biệt với mặt hàng có cùng đặc điểm mã  HS 7214.20.31 và 7214.20.51 có thuế suất thuế NK 15%.

Phản ánh vướng mắc từ thực tế phát sinh, Cục Hải quan Hải Phòng cho biết, hiện nay, không có căn cứ, tiêu chuẩn để phân biệt mặt hàng nhôm chưa gia công dạng thỏi và loại khác, chú giải chi tiết HS cũng chỉ liệt kê chung chung, không giải thích cụ thể (do đây là dòng hàng của Việt Nam). Do đó, cần có quy định cụ thể về mặt hàng này và thống nhất chung về 1 mức thuế.

Hay như các chế phẩm làm sạch da dạng lỏng hoặc dạng kem nhóm 34.01 và 33.07 là các sản phẩm có cùng bản chất, công dụng, chỉ có khác biệt nhỏ ở dạng kết cấu dạng lỏng, kem và dạng khác nhưng có mức thuế chênh lệch từ 20% đến 27%. Bất hợp lý nữa là sản phẩm mã 3307.30.00 thường dùng trong các SPA lại có thuế suất thấp hơn các loại thường dùng trong gia đình.

Nên đưa về cùng một mức thuế

Trong quá trình áp dụng Biểu thuế XNK, theo phản ánh của các đơn vị hải quan địa phương, có những mặt hàng rất dễ nhầm lẫn trong việc phân loại, bởi những tiêu chí phân loại, và mức thuế suất lại căn cứ vào mục đích sử dụng của hàng hóa… nên rất khó xác định khi DN NK hàng hóa. Vì vậy, những mặt hàng này cần đưa về cùng chung một mức thuế suất.

Theo Cục Hải quan Đồng Nai và Bà Rịa- Vũng Tàu, Biểu Thuế MFN áp dụng từ năm 2018 cần điều chỉnh thuế suất thuế NK ưu đãi đối với một số mặt hàng để tránh gian lận trong khai báo. Cụ thể, đó là các mặt hàng: Dầu các loại mã số 2710.19.90 tăng từ 3% lên 5%, Chế phẩm bôi trơn loại khác mã số 3403.19.19 giảm từ 18% xuống 5%, Chế phẩm bôi trơn mã số 3403.19.90 từ 10% xuống 5%, Chế phẩm bôi trơn loại khác- loại khác mã số 3403.99.90 từ 10% xuống 5% vì mặt hàng tương tự với các mặt hàng trong nhóm 34.03 và nhóm 27.10, cần đưa về cùng 1 mức thuế suất để tránh gian lận.

Bên cạnh đó, Hải quan Đồng Nai kiến nghị, cần gộp mặt hàng thanh và que thép không gỉ được cán nóng, dạng cuộn cuốn không đều mã 7221.00.00 (thuế suất thuế NK 0%) và dây thép không gỉ mã 7223.00.00 (thuế suất thuế NK 10%) về cùng 1 mức thuế suất là 10%, bởi theo Hải quan Đồng Nai, 2 mặt hàng này có cùng bản chất, công dụng dễ lẫn, khó phân loại hoặc cùng 1 mặt hàng có thể được khai tại mã số khác nhau (chỉ có thể phân biệt được qua giám định) trong khi đó thuế suất NK chênh lệch từ 0% đến 10%. Vì vậy, cần quy định lại về cùng 1 mức thuế suất để tránh gian lận.

Đối với mặt hàng thép cốt bê-tông sắt, thép không hợp kim thuộc nhóm 7213 đến nhóm 7215 có mức thuế chênh lệch rất lớn từ 0% đến 20%, Cục Hải quan Đồng Nai đề nghị, đây là các hàng hóa có cùng bản chất, cấu tạo, công dụng như sử dụng cho các mục đích khác nhau, trong khi đó cơ quan Hải quan rất khó có thể xác định mặt hàng có thể dùng để làm thép cốt bê-tông hoặc dùng cho mục đích khác. Vì vậy, việc áp thuế mặt hàng này không nên dựa vào mục đích sử dụng của hàng hóa mà nên phân loại, áp thuế theo phi thép là phù hợp và nên đưa các mặt hàng này về cùng 1 mức thuế suất.

Đưa ra một số vướng mắc tại đơn vị, Hải quan Hải Phòng cho biết, mặt hàng đồ nội thất NK có những mức thuế chênh lệch khác nhau, nhưng lại được phân loại theo mục đích sử dụng: Đồ nội thất bằng kim loại được sử dụng trong văn phòng, mã HS 9403.10.00, thuế suất NK 20%; Loại khác, mã HS 9403.20.90, thuế suất 10%; Đồ nội thất bằng gỗ được sử dụng trong văn phòng, mã HS: 9403.30.00, thuế suất NK 20%… Việc xác định tỉ lệ, trọng lượng, trị giá để xác định chất liệu cấu tạo chính rất khó định lượng trên thực tế, điều này gây khó cho cả cơ quan Hải quan và DN, vì vậy những mặt hàng này cần đưa về chung 1 mức thuế.

Kiến nghị về nội dung này, Hải quan Bình Dương phân tích, hiện tại Biểu thuế thì mặt hàng khoai tây chiên mã HS 2005.20.91 thuế suất 18% và bánh lát khoai tây mã HS 2005.20.11 thuế suất 20%. Tuy nhiên, DN thường khai báo khoai tây chiên nhưng thực tế là bánh lát bằng khoai tây, bởi bánh làm bằng khoai tây có thuế suất cao hơn. Vì vậy, 2 mặt hàng này cần đưa về chung 1 mức thuế suất.

Tương tự, một mặt hàng khác được Hải quan Bình Dương đưa ra là Bảng điều khiển có trang bị bộ xử lý lập trình mã HS 8537.10.12 thuế NK 0% dễ được các DN sử dụng để áp mã cho mặt hàng Bộ điều kiểm logic có khả năng lập trình cho máy tự động để di chuyển, kẹp giữ và lưu giữ khối tinh thể bán dẫn cho thiết bị bán dẫn mã 8537.10.30, thuế suất NK 10%. Do đó, theo Hải quan Bình Dương, cần đưa 2 mặt hàng này vào cùng 1 mức thuế suất bởi có cùng 1 chức năng và công dụng.

Thu Trang

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

XUẤT KHẨU THỦY SẢN DỰ KIẾN ĐẠT 7,4 TỶ USD

(HQ Online)- Xuất khẩu thủy sản cả năm được dự báo tăng trưởng vào khoảng 5% đến 6%, với trị giá kim ngạch đạt khoảng 7,4 tỷ USD.
Biểu đồ tỉ lệ (%) về thị trường xuất khẩu thủy sản tính hết tháng 4/2017. Biểu đồ: T.Bình.

4 tháng qua, xuất khẩu thủy sản- ngành hàng xuất khẩu lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp đạt mức tăng trưởng khá 10,1%, với trị giá kim ngạch 2,15 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng này cao hơn mức 5,3% của cùng kỳ năm ngoái.

Phân tích về tốc độ tăng trưởng vừa qua, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho rằng, kết quả xuất khẩu những tháng đầu năm chưa phản ánh được nhiều về bức tranh xuất khẩu thủy sản của cả nước vì đây chưa phải là thời điểm chính vụ.

Năm 2016, thủy sản xuất khẩu đạt trị giá kim ngạch 7,043 tỷ USD, tăng 7,3% so với năm 2015.

 Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng vừa qua cũng rất đáng ghi nhận. Theo ông Trương Đình Hòe, sự tăng trưởng nêu trên cho thấy đơn giá bình quân năm nay cao hơn cùng kỳ năm ngoái (vì sản lượng xuất khẩu không tăng nhiều).

“Đơn giá bình quần tăng cao có thể do yếu tố doanh nghiệp tăng sản phẩm có hàm lượng gia trị gia tăng; do yếu tố giá nguyên liệu đầu vào tăng nên tăng giá sản phẩm bán ra; hoặc trường hợp nguồn cung trên thị trường thế giới không đạt như dự báo cũng có thể là yếu tố để tăng giá sản phẩm”- Tổng Thư ký VASEP nói.

Về cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, lĩnh vực thủy sản đang dựa chủ yếu vào 3 mặt hàng chính là tôm, cá tra và các mặt hàng hải sản khác.

Với thực tế hiện nay và quy luật nhiều năm qua, ông Trương Đình Hòe dự báo kết quả xuất khẩu cả năm của ngành hàng này tăng khoảng 5% đến 6% và đạt 7,4 tỷ USD.

Một điểm đáng chú ý được Tổng Thư ký VASEP thông tin là ở thị trường Hoa Kỳ- một trong những thị trường xuất khẩu truyền thống quan trọng của ngành hàng thủy sản, sản phẩm của Việt Nam đang gặp nhiều bất lợi như sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các quốc gia Ấn Độ, Indonesia…; các rào cản thương mại của Hoa Kỳ, nhất là việc áp thuế chống bán phá giá.

Trong một thông tin liên quan, theo Tổng cục Hải quan, hết tháng 4, cả nước có 4 thị trường xuất khẩu thủy sản đạt trị giá kim ngạch 100 triệu USD trở lên. Trong đó, Hoa Kỳ đạt 361 triệu USD, Nhật Bản đạt 360 triệu USD, Trung Quốc đạt 230 triệu USD và Hàn Quốc đạt 200 triệu USD.

Thái Bình

Nguồn:http://www.baohaiquan.vn/

PHÁT HIỆN CONTAINER HÀNG CHUYỂN CẢNG TẠI CÁI MÉP CHỨA ĐẦY HÀNG CẤM

(HQ Online)-Ngày 17/5, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép – Cục Hải quan Bà Rịa- Vũng Tàu chủ trì phối hợp với C74 – Bộ Công an khám xét lô hàng chuyển cảng từ Nhật Bản về cảng Tân cảng Cái Mép phát hiện chứa đầy hàng cấm.

Cả trăm chiếc máy lạnh đã qua sử dụng.

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép, lô hàng trên do Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ XNK Phương Nam (số 92, đội 3, ấp 4, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) đứng tên chủ hàng, trên manifest thể hiện tên hàng nhập khẩu là máy móc đã qua sử dụng.

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép, qua công tác kiểm tra, giám sát phát hiện container hàng nhập khẩu nêu trên cập cảng Cái Mép từ đầu tháng 4/2017, lô hàng nhập khẩu chuyển cảng đến cảng đích tại Bình Dương. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng, công ty này vẫn không đến mở tờ khai làm thủ tục chuyển hàng về cảng đích.

Phát hiện container hàng này nghi vấn chứa hàng lậu, nên Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép đã áp dụng biện pháp khám xét theo quy định để kịp thời ngăn chặn ngay hành vi vi phạm.

Qua kiểm tra, Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép phát hiện toàn bộ hàng hóa chứa trong container là hàng điện lạnh, điện tử, như: máy lạnh, tủ lạnh… đã qua sử dụng (thuộc diện cấm nhập khẩu).

 

Container chứa đầy hàng điện lạnh.
Những chiếc máy lạnh cũ kỹ.
Nhiều chiếc bung nắp tả tơi.
Lê Thu

CHÍNH PHỦ CHỈ ĐẠO XEM XÉT MỨC THU PHÍ CẢNG BIỂN Ở HẢI PHÒNG

(HQ Online)- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo UBND TP.Hải Phòng rà soát, đánh giá việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển.
Hàng hóa nhập khẩu ở cảng Hoàng Diệu, Hải Phòng. Ảnh: T.Bình.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, ngày 16/5 Văn phòng Chính phủ phát đi văn bản số 5036, gửi các bộ ngành, UBND TP.Hải Phòng và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng cảng biển Hải Phòng.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo: UBND TP. Hải Phòng tổ chức rà soát, đánh giá việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp và trình Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng tại kỳ họp gần nhất để cân nhắc, xem xét điều chỉnh mức thu phí, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật phí, lệ phí và pháp luật khác có liên quan, phù hợp với khả năng đóng góp và tính cạnh tranh của các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam theo như chỉ đạo của Chính phủ tại các Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 và số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016.

Bộ Tài chính thường xuyên theo dõi, giám sát các địa phương trong ban hành quy định về phí và lệ phí; kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Đồng thời chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và cơ quan liên quan thường xuyên tổ chức họp báo, cung cấp các tài liệu, báo cáo về chính sách và việc thực hiện các quy định của pháp luật phí và lệ phí kịp thời, đầy đủ đến các cơ quan báo chí để thông tin rộng rãi tới doanh nghiệp và người dân.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí trong thông tin, tuyên truyền về chính sách phí và lệ phí nói chung và chính sách thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch  vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu nói riêng, bảo đảm đúng với quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

Như Báo Hải quan đã có nhiều tin, bài phản ánh, phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng được thực hiện từ ngày 1/1/2017 theo Nghị quyết 148/2016/NQ-HĐND của HĐND TP Hải Phòng.

Điểm mới trong Nghị quyết 148 so với trước đây là bổ sung đối tượng thu phí liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thông thường thông qua khu vực cảng Hải Phòng. Theo đó, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu sẽ phải chịu mức phí 250 nghìn đồng/container 20 feet; và 500 nghìn đồng/container 40 feet; đối với hàng rời, hàng lỏng mức phí là 20 nghìn đồng/tấn. 

Trong khi đó, mức phí đối với các loại hàng hóa liên quan đến tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan, quá cảnh, chuyển cửa khẩu vẫn duy trì theo mức thu của năm 2016.

Theo quy định của Luật Phí và lệ phí có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, “Phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu” thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định.

Được biết, UBND TP.Hải Phòng bắt đầu thực hiện việc thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng từ tháng 12-2013. Đối tượng thu từ năm 2013 đến 2016 chỉ liên quan đến hàng hóa tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan, chuyển cửa khẩu, quá cảnh. Số thu trong tháng đầu tiên của năm 2013 đạt 29 tỷ đồng. Sang năm 2014 số thu tăng lên 281 tỷ đồng và đến năm 2015 là 462 tỷ đồng, và theo số liệu cập nhật đến hết tháng 10/2016, số thu phí này của Hải Phòng được gần 550 tỷ đồng.

Thái Bình

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/