VAI TRÒ QUẢN LÝ HẢI QUAN ĐƯỢC NÂNG CAO QUA CÔNG TÁC PHÂN LOẠI HÀNG HÓA

(HQ Online)- Nâng cao hiệu quả quản lý khai báo mã số hàng hóa là một trong những biện pháp mà ngành Hải quan đã triển khai trong thời gian dài vừa qua để phòng ngừa và chống thất thu thuế qua khai báo phân loại hàng hóa. Không chỉ có thế, điều này còn giúp tạo điều kiện lành mạnh hoá môi trường cạnh tranh trên thị trường nội địa và quốc tế của các DN Việt Nam.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Thái Nguyên, Cục Hải quan Bắc Ninh. Ảnh: T.Trang​​​

Phân loại hàng hóa XK, NK là việc căn cứ vào tên gọi, mô tả về tính chất, thành phần, cấu tạo, công dụng, quy cách đóng gói và các thuộc tính khác của hàng hóa để xác định, sắp xếp hàng hóa vào một mã số nhất định theo Hệ thống hài hóa mô tả và mã hóa hàng hóa, Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Đây là một khâu rất quan trong trong hoạt động XNK của DN và hoạt động quản lý hải quan.

Thực tế Việt Nam đã tham gia Công ước HS từ 1998 và có hiệu lực vào ngày 1/1/2000, qua thời gian triển khai thực hiện, công tác phân loại hàng hóa theo HS đối với hàng hóa XNK đã có những sự thay đổi đáng kể.

Xác định được tầm quan trọng của việc hoàn thiện, nâng cao hiệu quả công tác phân loại hàng hóa, đảm bảo thu đúng, thu đủ, đơn giản, dễ thực hiện, nâng cao uy tín của cơ quan Hải quan trong cộng đồng DN là hết sức cần thiết. Vì vậy, ngành Hải quan đã từng bước nội luật hóa các quy định phân loại của Hải quan thế giới, đồng thời cũng chuẩn hóa cách phân loại theo quy định của quốc tế.

Đó là việc Hải quan Việt Nam đã triển khai áp dụng Công ước hài hoà mô tả mã hoá hàng hoá của Tổ chức Hải quan thế giới (HS) thay cho việc áp dụng danh mục hàng hoá XNK của khối SEV ngay từ những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ XX. Bên cạnh đó, Hải quan Việt Nam đã cử đại diện tham gia xây dựng, đàm phán, triển khai áp dụng Danh mục thuế quan hài hoà ASEAN (AHTN) để thực hiện Nghị định thư về việc thực thi AHTN, xây dựng Danh mục hàng hoá XNK Việt Nam theo chuẩn hóa quốc tế.

Thực tế, trong quá trình hoạt động quản lý nhà nước về hải quan, tình trạng DN khai sai mã số hàng hóa để hưởng mức thuế thấp hơn là một hình thức gian lận khá phổ biến. Đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế phát triển với đa dạng về các chủng loại hàng hóa, sự xuất hiện của những mặt hàng đa chức năng, đa công dụng. Vì vậy, công tác phân loại của cơ quan Hải quan gặp không ít khó khăn, bởi nhận thức về bản chất hàng hóa có nhiều ý kiến khác nhau và nhân lực của cơ quan Hải quan làm công tác phân loại hàng hóa còn hạn chế.

Song, với mục tiêu xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách về phân loại hàng hóa, để có một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hoàn chỉnh Ngành Hải quan đã xây dựng, thu thập, cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu về phân loại hàng hóa đầy đủ, có độ tin cậy cao, tích hợp với các hệ thống cơ sở dữ liệu khác của ngành Hải quan, phục vụ đắc lực cho quản lý rủi ro và thủ tục hải quan điện tử; kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực của cán bộ, công chức làm công tác phân loại hàng hóa chuyên nghiệp, chuyên sâu, tập trung, thống nhất tại ba cấp Tổng cục- Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố- Chi cục… Qua đó, góp phần thu đúng, thu đủ cho ngân sách nhà nước, khắc phục tình trạng phân loại hàng hóa không thống nhất, giảm và hạn chế đến mức thấp nhất việc truy thu thuế, khiếu nại, khiếu kiện, tranh chấp trong công tác phân loại hàng hóa, xác định mức thuế.

Theo Cục trưởng Cục Thuế XNK (Tổng cục Hải quan) Lưu Mạnh Tưởng, hiện quy trình phân loại hàng hóa của ngành Hải quan đã thống nhất được các quan điểm phân loại hàng hóa khác nhau giữa các đơn vị trước khi ban hành thông báo kết quả phân loại hàng hóa. Đồng thời qua đó, hình thành được hệ thống phần mềm MHs lưu giữ kết quả phân tích phân loại trong toàn ngành. Từ đó giúp DN dễ dàng tra cứu các kết quả phân loại hàng hóa, và cũng giúp DN thuận tiện hơn trong việc áp dụng vào việc phân loại hàng hóa của chính DN bởi những thông báo kết quả phân loại đều được Tổng cục Hải quan công khai trên website của ngành.

Cùng với đó, quy định về xác định trước mã số hàng hóa, xuất xứ của hàng hóa được Tổng cục Hải quan triển khai nhằm giúp DN chủ động tính toán trước hiệu quả kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, đồng thời giúp cơ quan Hải quan tăng hiệu quả quản lý. Hầu hết hồ sơ gửi đến đều được Cục Thuế XNK giải quyết trong thời hạn 30 ngày, những trường hợp hàng hóa phức tạp cũng được giải quyết trong thời hạn tối đa 60 ngày.

Việc thực hiện quy định xác định trước mã số hàng hóa mang lại lợi ích cho cả Hải quan và DN. Đó là, cơ quan Hải quan nâng cao năng suất và hiệu quả quản lý nhờ đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa, phân bổ nguồn lực hợp lý vào các giai đoạn trước, trong và sau thông quan. Về phía DN sẽ căn cứ vào những thông tin được cung cấp trước có tính rằng buộc pháp lý để nghiên cứu thị trường, lập kế hoạch kinh doanh và tính toán lợi nhuận. Điều này làm tăng độ chắc chắn và có thể dự doán được cho các DN khi tham gia các giao dịch thương mại quốc tế.

Đặc biệt, với việc Bộ Tài chính ban hành Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam (kèm theo Thông tư 65/2017/TT-BTC) theo Danh mục AHTN 2017, Biểu thuế MFN và các Biểu thuế FTA, các danh mục quản lý chuyên ngành theo AHTN 2017 đã đảm bảo đồng bộ và hợp nhất, hỗ trợ cho công tác phân loại hàng hóa được thuận lợi và chính xác. Cùng với đó là Danh mục quản lý rủi ro về phân loại được Tổng cục Hải quan xây dựng và triển khai trong toàn ngành, trong đó bao gồm khoảng 380 mặt hàng cấp độ 8 chữ số và 7 nhóm hàng cấp độ 6 chữ số bao gồm cả hàng NK và XK được thường xuyên cập nhật và thay đổi…, là tài liệu quan trọng, là công cụ quản lý trong công tác phân loại hàng hóa của cơ quan Hải quan trong cả khâu trong và sau thông quan. Đây cũng là những văn bản quy phạm pháp luật quan trọng giúp ngành Hải quan hoàn chỉnh hệ thống chính sách về phân loại hàng hóa.

Chỉ riêng trong công tác phân loại hàng hóa, năm 2016 Tổng cục Hải quan đã ban hành hơn 4.620 thông báo kết quả phân loại hàng hóa, xử lý gần 260 đơn đề nghị xác định trước mã số hàng hóa. Tình trạng tranh chấp giữa Hải quan và DN liên quan đến mã số hàng hóa và thuế suất ưu đãi đã giảm đáng kể. Năm 2016, chỉ có 4 đơn khiếu nại chủ yếu tập trung vào những mặt hàng phức tạp, dễ nhầm lẫn. Kết quả DN khai bổ sung hoặc ấn định lại thuế riêng trong công tác phân loại hàng hóa là trên 87,2 tỷ đồng và DN đã nộp trên 57,5 tỷ đồng vào NSNN.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Tổng cục Hải quan đã ban hành hơn 745 thông báo kết quả phân loại hàng hóa, xử lý 108 đơn đề nghị xác định trước mã số hàng hóa theo đề nghị của tổ chức, cá nhân.

Thu Trang

3 NHÓM HÀNG XUẤT KHẨU CHỦ LỰC MANG VỀ THÊM GẦN 9 TỶ USD

(HQ Online)- Từ đầu năm đến trung tuần tháng 8, 3 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta là điện thoại và linh kiện; dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã tạo thêm giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng tới 8,783 tỷ USD so với cùng kỳ 2016.
Biểu đồ so sánh trị giá kim ngạch xuất khẩu 3 nhóm hàng lớn so với cùng kỳ 2016 (tính đến 15/8), đơn vị tính “tỷ USD”. Biểu đồ: T.Bình.

Dựa vào thông tin Tổng cục Hải quan mới công bố cho thấy, đến 15/8, trong 3 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực kể trên nhóm hàng có tốc độ tăng trưởng cao và con số tăng thêm lớn nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Cụ thể, đến 15/8, nhóm hàng này đạt tổng trị giá kim ngạch 14,635 tỷ USD, tăng tới 4,322 tỷ USD so với cùng kỳ 2016, tương đương tốc độ tăng trưởng 41,9%.

Trong khi đó, nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của nước ta là điện thoại và linh kiện cũng mang về thêm 3,299 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái, nâng tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến 15/8 lên 24,258 tỷ USD.

Với 1,162 tỷ USD tăng thêm so với cùng kỳ 2016, ngành hàng dệt may đạt được trị giá kim ngạch xuất khẩu 15,375 tỷ USD và đang đứng ở vị trí thứ 2 trong số các ngành hàng xuất khẩu của nước ta.

Với tổng trị giá kim ngạch đạt 54,268 tỷ USD, 3 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực kể trên đang đóng góp tới gần 43,8% tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu cả nước trong cùng thời điểm.

Một số mặt hàng xuất khẩu lớn khác đáng chú ý của nước ta có thể kể đến như giày dép đạt trị giá kim ngạch 8,944 tỷ USD; thủy sản đạt 4,749 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,544 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 4,288 tỷ USD…

Thái Bình

NHIỀU ĐỔI THAY Ở CỬA KHẨU MỘC BÀI

(HQ Online)- Chúng tôi đến cửa khẩu Mộc Bài vào những ngày cuối tháng 8. Sau hơn một năm (từ 10/1/2016) di dời hoạt động về siêu thị Công ty Thế Kỷ Vàng (Siêu thị GC) nằm trên đường 75A để sửa chữa, Trạm Kiểm soát liên hợp Mộc Bài đã về lại vị trí cũ nhưng nay đã khoác lên mình “bộ cánh” mới khang trang, hiện đại hơn với đầy đủ trang thiết bị đảm bảo tốt công tác giải quyết thủ tục hải quan cho hành khách XNC và hàng hóa XNK qua cửa khẩu.

Khu vực làm thủ tục XNC cửa khẩu Mộc Bài được cải tạo khang trang, thông thoáng.Ảnh: T.D.

Thủ tục thông thoáng

Trạm Kiểm soát liên hợp Mộc Bài được đưa vào sử dụng từ tháng 2/2005, với các đơn vị làm nhiệm vụ như Chi cục Hải quan, Đồn Biên phòng, các Trạm Kiểm dịch y tế quốc tế, Kiểm dịch động vật, Kiểm dịch thực vật và Trạm Quản lý xuất- nhập cảnh Công an Tây Ninh. Qua hơn 10 năm hoạt động, trạm đã xuống cấp, UBND tỉnh đã quyết định sửa chữa, cải tạo, nâng cấp lại các hạng mục, phòng chức năng phù hợp với công việc của mỗi đơn vị. Tổng kinh phí sửa chữa công trình trị giá 47 tỷ đồng, trích từ nguồn thu phí các phương tiện qua lại cửa khẩu này.

Cửa khẩu Mộc Bài vào tầm trưa, lúc này đang là giờ cao điểm, tấp nập xe container chở hàng hoá XNK và hành khách XNC. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài Võ Thành Ngoạn cho biết, trung bình mỗi ngày cửa khẩu quốc tế Mộc Bài có khoảng 40 doanh nghiệp đến làm thủ tục hải quan, với khoảng 150 đến 200 lượt xe chở container xuất cảnh và khoảng 80 đến 100 lượt xe chở container nhập cảnh. Bên cạnh đó, hàng ngày có khoảng trên 500 xe bus liên vận, vận tải và đầu kéo qua lại cửa khẩu, với lượng hành khách XNC lớn.

Vì thế, một ngày làm việc của công chức Hải quan cửa khẩu Mộc Bài bắt đầu từ 6 giờ sáng và kết thúc vào lúc 22 giờ. Khối lượng công việc nhiều, lực lượng lại mỏng nên tại khu vực luồng XNK công chức làm việc không có giờ nghỉ trưa, anh em phải thay phiên nhau, tranh thủ 15 phút chỉ kịp để ăn bữa cơm trưa. Tại Chi cục cửa khẩu Mộc Bài cũng không có khái niệm ngày nghỉ cuối tuần. Thay vào đó, các công chức thay phiên nhau nghỉ một ngày trong tuần để đảm bảo công việc được thông suốt.

Thế nhưng, khác với trước đây, những đoàn khách du lịch và hàng dài xe container không còn phải chịu cảnh xếp hàng chờ làm thủ tục qua cửa khẩu. Khu vực cửa khẩu đã được mở rộng, thông thoáng hơn rất nhiều. Tại luồng làm thủ tục XNC, đã có 4-5 cửa được bố trí công chức hải quan tiếp nhận làm thủ tục cho hành khách thay vì 2 cửa như trước đây. Chị Nguyễn Liên Hoa, ngụ tại huyện Củ Chi, TP.HCM cho biết, mọi năm vào những dịp gần lễ 2/9, lượng khách du lịch qua cửa khẩu Mộc Bài rất đông, làm thủ tục XNC phải chờ đợi lâu, nhưng năm nay đã nhanh hơn rất nhiều. Ngoài ra, khi chưa làm thủ tục, chúng tôi đã có chỗ ngồi nghỉ ngơi, chờ mọi người trong đoàn chứ không phải đứng ngoài trời nắng như trước nữa.

Tương tự, tại khu vực kiểm tra, giám sát phương tiện, hàng hóaXNC cũng được mở rộng, nhà chờ có mái che nên nhân viên của DN đi làm thủ tục đã bớt đi cái cảnh đứng nắng, hay ngồi trú tạm bợ dưới những tán cây nhỏ không đủ che đi cái nắng rát mặt, cũng như những cơn mưa kéo dài không dứt của vùng biên giới Tây Nam.

Công chức Hải quan Mộc Bài kiểm tra xe bus liên vận nhập cảnh.  Ảnh: T.D
Khách nhập cảnh kiểm tra hành lý qua máy soi.  Ảnh: T.D.

Kịp thời ngăn chặn hàng lậu

Mặc dù cơ sở vật chất được cải thiện, nhưng Mộc Bài là cửa khẩu quốc tế đường bộ lớn nhất khu vực phía Nam với lưu lượng hàng hoá, hành khách, phương tiện qua lại hàng ngày rất cao. Đồng thời, phía Campuchia cách cửa khẩu Mộc Bài 500m có nhiều casino, trường gà, vũ trường hoạt động cả ngày lẫn đêm. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát sinh các loại tội phạm mua bán, sử dụng các chất ma túy; buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cửa khẩu. Các đối tượng sử dụng nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi như gia cố xe bus liên vận từ Campuchia về Việt Nam để vận chuyển hàng lậu; thuê mướn người vào khu thương mại Công nghiệp mua hàng miễn thuế, chia nhỏ hàng hóa để vận chuyển ra ngoài.

Mặt khác, hàng hóa qua cửa khẩu Mộc Bài thuộc tờ khai quá cảnh chiếm tới 80%, còn lại là hàng hóa thuộc tờ khai vận chuyển kết hợp (hàng hóa đóng ghép chung), hàng xuất kinh doanh, hàng xuất sản phẩm gia công, xuất hàng sản xuất xuất khẩu… cũng đang là những áp lực công việc cho công chức Hải quan trong thực hiện nhiệm vụ giám sát hàng hóa. Bởi lẽ, công chức vừa phải giám sát trực tiếp đối chiếu số seal hải quan, số seal của hãng tàu, vừa thực hiện xác nhận hàng qua khu vực giám sát vào hệ thống.

Tuy khó khăn là thế, nhưng CBCC Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài đã lập được nhiều thành tích trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, thực hiện tốt công tác thu nộp ngân sách, đảm bảo việc áp giá, áp mã và thu thuế đúng quy định. Cụ thể, tính đến 15/8, số thu nộp ngân sách tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài gần 23 tỷ đồng, đạt 91,8% so với chỉ tiêu được giao và đạt 71,74% chỉ tiêu phấn đấu (32 tỷ đồng). Chi cục đã làm thủ tục XNC cho hơn 1,4 triệu lượt người và 41.475 lượt phương tiện XNC. Đơn vị cũng đã bắt giữ 53 vụ vi phạm pháp luật hải quan với tổng trị giá hàng vi phạm 645 triệu đồng. Điển hình như vụ Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Cục Điều tra chống buôn lậu) và Chi cục Hải quan cảng Cái Mép (Cục Hải quan Bà Rịa- Vũng Tàu) phối hợp kiểm tra thực tế lô hàng quá cảnh, phát hiện hàng lậu trị giá gần 15 tỷ đồng. Số hàng này thuộc tờ khai vận chuyển độc lập của Công ty TNHH Tiếp vận XITLO (trụ sở tại phường 7, quận 3, TP.HCM) do ông Lê Minh Phương đại diện đăng ký tại Chi cục Hải quan cảng Cái Mép (Cục Hải quan Bà Rịa – Vũng Tàu). Lô hàng được vận chuyển đến cửa khẩu Mộc Bài để xuất đi Campuchia nên được đưa vào khu vực giám sát của Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài, nhưng sau đó không có người đến làm thủ tục XK lô hàng.

Chi cục Hải quan Mộc Bài cũng đã kịp thời ngăn chặn nhiều vụ thẩm lậu thuốc lá từ Campuchia về Việt Nam. Cụ thể, mới đây tại luồng nhập cảnh trạm Kiểm soát cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài, Đội Kiểm soát hải quan phối hợp với Trạm Biên phòng cửa khẩu Mộc Bài qua kiểm tra phát hiện 2 đối tượng Vũ Anh Tuấn (lái xe), sinh năm 1957 và Nguyễn Thị Dung, sinh năm 1978, cùng ngụ tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai vận chuyển trái phép 2.440 bao thuốc lá điếu các loại được cất giấu trong cabin (trong nắp ca pô dưới ghế ngồi, dưới chỗ để chân phụ xe, tủ nhựa sau lưng lái xe, gầm xe) của xe đầu kéo container biển số: 57L-1763 vận chuyển hàng hóa quá cảnh của Công ty TNHH TM DV VT DL Tam Lập Thành chạy từ Campuchia nhập cảnh vào Việt Nam.

Trong thời gian tới, song song với việc thực hiện tốt quy trình kiểm tra giám sát hàng hóa XNK, đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại; phòng chống ma túy, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, lãnh đạo Chi cục Hải quan Mộc Bài cho biết đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, giáo dục, rèn luyện phẩm chất cho đội ngũ công chức; đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Ngành và quy tắc ứng xử trong thực thi công vụ, xây dựng đơn vị chính quy, hiện đại .

Thu Dịu

GIAN NAN DỊCH CHUYỂN HÀNG HÓA

Khánh Như
Thứ Hai,  28/8/2017, 08:20 (GMT+7)
Cảng CMIT trong cụm cảng Cái Mép – Thị Vải. Ảnh: ANH QUÂN

(TBKTSG) – Tại Nghị quyết 75/NQ-CP về phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 7-2017, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) được yêu cầu thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng các cảng biển khu vực Cái Mép – Thị Vải (CM-TV). Yêu cầu này được đưa ra trong bối cảnh cảng Cát Lái tại TPHCM đang hoạt động gần hết công suất và từ đầu năm đến nay, đã nhiều lần giao thông quanh khu vực cảng rơi vào tình trạng ùn tắc.

Dịch chuyển ngược

Bốn năm trước, Bộ GTVT cũng đã rất quyết liệt trong chủ trương nâng cao hiệu quả khai thác, quản lý khai thác cảng biển nhóm 5 và các bến cảng khu vực CM-TV. Trong Quyết định 3304/QĐ-BGTVT ký ngày 22-10-2013, mục tiêu đầu tiên là điều chỉnh, cân đối cung – cầu hàng hóa và bến cảng nhằm nâng cao hiệu quả khai thác của những bến cảng đã đầu tư. Mặc dù lượng hàng thông qua khu vực CM-TV thực sự có tăng trưởng mạnh từ năm 2015, nhưng mục tiêu cân đối hàng hóa không thể được xem là thành công, vì thực tế lượng hàng qua các cảng tại khu vực TPHCM vẫn tăng chứ không hề giảm, còn tại CM-TV, lượng hàng dù tăng nhưng chủ yếu là do các hãng tàu tăng kích cỡ các chuyến tàu cập cảng, và hàng vẫn chỉ tập trung vào một số bến cảng.

Vào quí 3-2016, khu vực cảng TPHCM đón hai cảng mới đi vào hoạt động. Cuối tháng 7-2017, bến cảng Tân Cảng – Phú Hữu trong hệ thống của Tân Cảng Sài Gòn bắt đầu đón tàu, bến cảng này được xem là cánh tay nối dài của cảng Cát Lái và đã góp phần giúp sản lượng thông qua cảng Cát Lái tăng đến 13% trong sáu tháng đầu năm 2017. Đến tháng 9-2017, cảng container quốc tế SP-ITC sẽ khai trương và đến thời điểm hiện tại, cảng cũng đã thu hút được một số hãng tàu vào làm hàng. Điều đáng chú ý là hoạt động của hai cảng này đã tăng áp lực cho giao thông trong khu vực cảng Cát Lái, do hai cảng đều chỉ kết nối với đường Nguyễn Duy Trinh để giao nhận hàng hóa. Trong khi đó, sản lượng của cảng VICT và các cảng container ở khu vực Hiệp Phước (gồm cảng SPCT và cảng Tân Cảng – Hiệp Phước) sụt giảm đáng ngại trong sáu tháng đầu năm năm 2017. Như vậy, hàng hóa thay vì cần được dịch chuyển từ khu vực cảng TPHCM ra CM-TV, hoặc ít nhất là dịch chuyển từ cảng Cát Lái ra khu vực cảng Hiệp Phước, lại đang dịch chuyển về các cảng trong khu vực Cát Lái.

Do quy hoạch

Nếu ba cảng SSIT, TCTT và CMIT được quy về một mối, CM-TV sẽ có một cảng
container với 1.800 mét cầu bến liên tục với tổng diện tích lên đến 150 héc ta, có quy mô đủ để thu hút các tàu đến làm hàng, thậm chí có thể thu hút được lượng hàng trung chuyển lớn.

Hiện tượng hàng hóa không dịch chuyển bất chấp sự phát triển của cảng CM-TV đã được mổ xẻ khá nhiều. Một trong những nguyên nhân chính được nêu là do vấn đề quy hoạch, khi mà các cảng ở CM-TV phát triển trong bối cảnh các cảng ở TPHCM một là di dời chậm, hai là nhiều bến cảng được xây mới và nâng cấp nên hàng hóa không dịch chuyển đi đâu được. CM-TV chỉ có thể lấy được lượng hàng đi các tuyến xa như đi châu Âu và Mỹ, do kích cỡ tàu chạy các tuyến này không vào được khu vực TPHCM, còn đối với các tuyến dịch vụ nội Á, CM-TV không có lợi về mặt chi phí, cả đối với các hãng tàu cũng như các chủ hàng xuất nhập khẩu.

Một vấn đề khác liên quan đến quy hoạch, là với xu hướng phát triển của ngành vận tải container thế giới, trong đó điểm nổi bật nhất là xu hướng sử dụng những con tàu container khổng lồ với sức chở đã lên đến trên 20.000 TEU, thì việc xây dựng cảng để thu hút các hãng tàu cần hướng đến hai yếu tố quan trọng: quy mô các cảng cũng phải lớn và các cảng cần được phát triển theo hướng tập trung. Quy hoạch ở CM-TV tạo ra một bức tranh ngược lại, quy mô các cảng không đủ lớn khi mà cảng có chiều dài cầu tàu lớn nhất chỉ 600 mét, và có nhiều bến cảng do nhiều nhà khai thác cảng khác nhau vận hành.

Trong khi đó, cảng Cát Lái lại được phát triển theo đúng như cách mà các hãng tàu mong muốn, đó là có quy mô lớn với tổng chiều dài cầu bến đã lên đến trên 2.000 mét và do một nhà khai thác cảng duy nhất cung cấp dịch vụ, trong khi chủ sở hữu các bến cảng là khác nhau. Nhược điểm về khai thác của cảng Cát Lái là không đón được tàu mẹ chỉ là trở ngại cho các hãng tàu có hàng đi tuyến xa, còn đối với các tuyến gần, Cát Lái là lựa chọn lý tưởng.

Giải pháp

Giải bài toán cân đối lượng hàng Cát Lái và CM-TV giờ đây không đơn thuần ở mức sửa quy hoạch, vì quy hoạch là chuyện đã rồi. Để thu hút lượng hàng từ Cát Lái, CM-TV cần có một cảng có quy mô tương tự Cát Lái để thu hút được thêm nhiều chuyến dịch vụ. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh một số phí để thu hút hãng tàu đưa tàu vào CM-TV.

 

Tại báo cáo Nghiên cứu phát triển cảng miền Nam do Viện Nghiên cứu phát triển duyên hải quốc tế Nhật Bản (OCDI) và Công ty Tư vấn cảng Nhật Bản (JPC) thực hiện năm 2002, khu vực cảng container Cái Mép Hạ được định hướng quy hoạch gồm sáu bến với tổng chiều dài 1.900 mét. Nghiên cứu này chính là tiền đề để Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ phát triển dự án CM-TV với nhiều hạng mục, trong đó có gói xây dựng cảng container quốc tế Cái Mép với bến cảng khởi động dài 600 mét. Khi chuyển sang quy hoạch của Việt Nam, Quyết định 791/QĐ-TTg đã gần như kế thừa nội dung này với quy hoạch cảng container quốc tế CM-TV với tổng chiều dài cầu tàu 1.800 mét.

Tuy nhiên quá trình phát triển thực tế của dự án lại chứng kiến cảng này không còn sự kế thừa quan trọng từ định hướng của JICA. Quyết định 1745/QĐ-BGTVT ngày 3-8-2011 phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam bộ chứng kiến dự án cảng 1.800 mét này được xẻ làm ba cảng khác nhau với mỗi cảng có 600 mét cầu tàu, trong đó 600 mét bến khởi động sử dụng vốn ODA Nhật Bản bị “kẹp” giữa hai cảng khác là CMIT và SSIT, cả hai cảng này do Vinalines và Cảng Sài Gòn góp vốn với hai nhà khai thác cảng khác nhau. 600 mét bến khởi động hiện nay là cảng TCTT do Tân Cảng Sài Gòn khai thác.

Nếu ba cảng SSIT, TCTT và CMIT được quy về một mối, CM-TV sẽ có một cảng container với 1.800 mét cầu bến liên tục với tổng diện tích lên đến 150 héc ta. Một cảng như vậy sẽ có quy mô đủ để thu hút các tàu đến làm hàng, thậm chí có thể thu hút được lượng hàng trung chuyển lớn do có thể tiếp nhận cả tàu mẹ chạy tuyến xa và các tàu feeder chạy tuyến gần. Tuy nhiên, giải pháp này gặp khó do ba bến cảng giờ đây lại do ba công ty khác nhau khai thác, việc quy về một mối đòi hỏi sự thay đổi về chủ đầu tư, điều mà đòi hỏi sự hy sinh của chủ đầu tư khác. Dù sao, một giải pháp căn cơ để thay đổi tình trạng phân mảng tại CM-TV, nâng cao hiệu quả cụm cảng nước sâu này lại, gần như là khả thi nhất trong thời điểm hiện tại.

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/

Bao Cong thuong

8 THÁNG NĂM 2017, XUẤT KHẨU NÔNG LÂM VÀ THỦY SẢN ĐẠT GẦN 24 TỶ USD

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản tháng 8/2017 ước đạt 3,1 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2017 đạt 23,66 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Ảnh minh họa

Trong đó, so với cùng kỳ năm 2016, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 12,6 tỷ USD, tăng 17,2%; hàng thuỷ sản ước đạt 5,13 tỷ USD, tăng 18,1%; hàng lâm sản chính ước đạt 5,07 tỷ USD, tăng 9,6%.

Một số mặt hàng chủ yếu có giá trị xuất khẩu trong tháng 8 tăng về số lượng và giá trị. Cụ thể, mặt hàng gạo có khối lượng xuất khẩu ước đạt 504 nghìn tấn với giá trị đạt 220 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 8 tháng đầu năm 2017 ước đạt 3,96 triệu tấn và 1,75 tỷ USD, tăng 19,8% về khối lượng và tăng 17,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Cùng với đó, mặt hàng cao su có khối lượng xuất khẩu tháng 8 đạt 160 nghìn tấn với giá trị đạt 243 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cao su 8 tháng ước đạt 795 nghìn tấn và 1,36 tỷ USD, tăng 11,2% về khối lượng và tăng 52% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 8 ước đạt 749 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu thủy sản 8 tháng ước đạt 5,13 tỷ USD, tăng 18,1%…

Bên cạnh đó, giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản trong tháng 8/2017 ước đạt 2,69 tỷ USD, đưa giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản trong 8 tháng đạt 19,17 tỷ USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, ước tính nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 14,92 tỷ USD, tăng khoảng 32,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Nguyễn Hạnh

Nguồn: http://baocongthuong.com.vn/

HẢI QUAN TP.HCM TIẾP TỤC TÌM ĐẾN DOANH NGHIỆP ĐỂ THÁO GỠ VƯỚNG MẮC

(HQ Online)-Tiếp tục thực hiện  kế hoạch “Cộng đồng  doan nghiệp và cơ quan Hải quan là đối tác tin cậy, đồng hành cùng phát triển”, ngày 23/8, Cục Hải quan TP.HCM đã đến làm việc với Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A và đã tháo gỡ một số vướng mắc cho doanh nghiệp. 

Đoàn công tác Cục Hải quan TP.HCM và Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: T.H

Đánh giá về thủ tục hải quan hiện nay, ông Nguyễn Hồng Nguyên, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH 3A cho rằng, cơ quan Hải quan đã thực hiện thủ tục thông quan điện tử, nên hàng hóa thông quan nhanh chóng, rất thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với hàng nhập khẩu do phải chờ kiểm tra chuyên ngành nên hàng hóa vẫn phải nằm tại cảng chờ kết quả kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành mới được thông quan.

Tại buổi làm việc, đại diện Công ty TNHH 3A đã nêu và kiến nghị một số nội dung vướng mắc liên quan đến quá trình thông quan hàng hóa, như: Thời gian kiểm tra chuyên ngành còn dài, thủ tục phức tạp; tỷ lệ phân luồng tờ khai hải quan; điều chỉnh sắc thuế khi nộp nhầm… 

Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Nguyễn Hữu Nghiệp và đại diện một số đơn vị của Cục Hải quan TP.HCM đã giải đáp ngay các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến thủ tục hải quan. Đồng thời, ghi nhận đối với các vướng mắc liên quan đến các lĩnh vực khác để tập hợp báo cáo, kiến nghị chung. 

Về kiến nghị của doanh nghiệp về địa điểm nộp chứng thư kiểm tra chuyên ngành để thông quan hàng hóa, lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1cho biết sẽ xem xét trường hợp cụ thể của doanh nghiệp. Hiện nay, chi cục đã thay đổi địa điểm tiếp nhận chứng thư giám định ngay tại Đội thủ tục để phù hợp với luồng thông quan hàng hóa của doanh nghiệp.

Trước mắt, để tạo thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp, Phó Cục trưởng Nguyễn Hữu Nghiệp đề nghị, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 phối hợp với doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến công nhận kết quả kiểm tra chuyên ngành để thông ngay. 

Đối với thắc mắc của doanh nghiệp về tỷ lệ tờ khai bị phân luồng Đỏ vào thời điểm cuối năm thường tăng cao, đại diện Phòng Quản lý rủi ro giải thích, doanh nghiệp thuộc diện chấp hành tốt pháp luật hải quan nên hàng hóa nhập khẩu không thuộc diện phải chuyển luồng.  

Tuy nhiên, cơ quan Hải quan thực hiện quản lý rủi ro,  nên một số lô hàng nhập khẩu sẽ được chọn ngẫu nhiên vào luồng kiểm tra thực tế. Vào thời điểm cuối năm, thông thường lượng hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp rất lớn nên tỷ lệ tờ khai hải quan bị chọn ngẫu nhiên vào luồng Đỏ cũng tăng thêm. 

Tại buổi làm việc, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Nguyễn Hữu Nghiệp cũng đề nghị, với bề dày chấp hành tốt pháp luật hải quan, Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A sớm làm hồ sơ đề nghị cơ quan Hải quan xem xét công nhận doanh nghiệp ưu tiên để được hưởng nhiều ưu đãi trong thông quan hàng hóa XNK…/. 

Lê Thu

VIỆT NAM-THỔ NHĨ KỲ HƯỚNG TỚI KIM NGẠCH THƯƠNG MẠI 4 TỶ USD

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim chủ trì buổi họp báo. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, Ngài Binali Yildirim thăm chính thức Việt Nam từ ngày 22-24/8.

Ngày 23/8, Thủ tướng Binali Yildirim đã hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. 

Tại cuộc hội đàm, trong bầu không khi thân tình và hữu nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu thăm chính thức Việt Nam, coi chuyến thăm là mốc lịch sử quan trọng trong quan hệ hai nước. 

Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về tình hình mỗi nước cũng như những vấn đề quốc tế và khu vực cả hai nước cùng quan tâm. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ sự ngưỡng mộ với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam và đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng những thành tựu về kinh tế-xã hội của Chính phủ và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ, đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một trong 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới. 

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá cao sự phát triển của Việt Nam trong thời gian qua, đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong ASEAN và mong Việt Nam là cầu nối để Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường quan hệ với các nước ASEAN, một tổ chức có vai trò quan trọng trong khu vực và thế giới. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và khẳng định sẽ làm hết sức mình để thúc đẩy quan hệ của ASEAN với các nước, các đối tác, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ. 

Về quan hệ chính trị, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp, khuyến khích quan hệ hợp tác giữa các bộ, ngành và địa phương hai nước. Hai Thủ tướng khuyến khích tăng cường hợp tác giữa các tổ chức hữu nghị hai nước cũng như phát triển quan hệ giữa các thành phố kết nghĩa hai nước, cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế.

Thủ tướng Binali Yildirim đề nghị Việt Nam ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ ứng cử vào Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2017-2021 và bày tỏ ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. 

Hai nhà lãnh đạo chia sẻ những quan ngại về tình hình khủng bố ngày càng gia tăng hiện nay, khẳng định cùng ủng hộ mọi nỗ lực của khu vực, quốc tế nhằm chống khủng bố, mang lại hòa bình, ổn định trên toàn thế giới nói chung và tại các khu vực, trong đó có khu vực Trung Đông. 

Hai bên đã trao đổi về tình hình Biển Đông. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim khẳng định ủng hộ các nỗ lực của Việt Nam trong việc duy trì ổn định khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng; ủng hộ lập trường của Việt Nam và các nước ASEAN về việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại, tôn trọng luật pháp quốc tế. 

Hai Thủ tướng đã trao đổi sâu sắc về các chủ trương, biện pháp để thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa hai nước. Hai Thủ tướng hoan nghênh kết quả cuộc họp Ủy ban Hỗn hợp lần thứ 7 vào tháng 7 vừa qua, khẳng định hai Chính phủ cam kết phấn đấu đưa kim ngạch thương mại giữa hai nước lên 4 tỷ USD vào năm 2020 thông qua tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại. 

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim đề nghị nghiên cứu để có thể phát triển hợp tác công nghiệp quốc phòng giữa hai nước. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh đoàn doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, mong rằng thông qua các tiếp xúc lần này, các doanh nghiệp sẽ phối hợp, hợp tác cụ thể thúc đẩy trao đổi hàng hóa, đẩy mạnh đầu tư, khuyến khích giao lưu nhân dân, du lịch giữa hai nước. 

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị phía Thổ Nhĩ Kỳ sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, đồng thời đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ bãi bỏ nhiều loại thuế phi lý đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như giày dép, sợi, dây curoa/băng truyền tải, điều hòa nhiệt độ, điện thoại di động… 

Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực giao thông vận tải (đặc biệt là hợp tác hàng hải, đóng tàu, đào tạo thủy thủ; khuyến khích hợp tác giữa các hãng hàng không hai nước như Turkish Airlines và Vietnam Airlines), khoa học-công nghệ, văn hóa-giáo dục, trao đổi hợp tác giữa các trường đại học hai nước, an ninh-quốc phòng và ngoại giao nhân dân. 

Thủ tướng Binali Yildirim mong muốn khuyến khích sinh viên hai nước đi học văn hóa, ngôn ngữ của nhau, đề nghị hai bên xem xét cấp học bổng cho sinh viên của nhau. 

Hai Thủ tướng nhất trí trong năm 2018, hai nước sẽ cùng phối hợp tổ chức các hoạt động thiết thực và ý nghĩa kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1978-2018). 

Sau hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký Thỏa thuận giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Hải quan và Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ về hợp tác và hỗ trợ hành chính trong lĩnh vực hải quan, Bản ghi nhớ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ về Hợp tác trong lĩnh vực khu tự do/khu chế xuất/khu kinh tế/khu kinh tế đặc biệt, Kế hoạch triển khai hợp tác 2017-2018 giữa Viện Tiêu chuẩn Thổ Nhĩ Kỳ (TSE) và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (STAMEQ) của Việt Nam./.

Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/

INFOGRAPHICS: NHỮNG NHÓM HÀNG XUẤT NHẬP KHẨU CHÍNH 7 THÁNG NĂM 2017

(HQ Online)- Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 7 tháng đầu năm 2017 của Việt Nam đạt 233,13 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước.

 
.
Trần Ánh- M.Hùng

ĐẠT 250 TỶ USD KIM NGẠCH XUẤT NHẬP KHẨU

(HQ Online)- Thông tin mới nhất được Tổng cục Hải quan đưa ra cho thấy, tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước tính đến trung tuần tháng 8 đạt khoảng 250 tỷ USD.
Cả hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của nước ta đều đang đạt mức tăng trưởng cao ở mức 2 con số. Trong ảnh, hoạt động XNK tại cảng Hải Phòng. Ảnh: T.Bình.
.

Trong đó, tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 124 tỷ USD, trong khi nhập khẩu hàng hóa đạt gần 126,4 tỷ USD. Như vậy, cả hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu của cả nước đều đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ 2016, trong đó, xuất khẩu tăng trưởng gần 19%, trong khi nhập khẩu tăng cao hơn đạt gần 22,3%. Tuy nhiên, cán cân thương mại của nước ta vẫn đang thâm hụt khoảng 2,4 tỷ USD.

Trong lĩnh vực nhập khẩu có 2 nhóm hàng có trị giá kim ngạch đạt từ 20 tỷ USD trở lên là: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 22,603 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 20,581 tỷ USD.

Các nhóm hàng nhập khẩu lớn khác có thể kể đến như: Vải đạt 6,869 tỷ USD; sắt thép 5,631 tỷ USD; chất dẻo nguyên liệu 4,452 tỷ USD…

Trong khi đó nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của nước ta là điện thoại và linh kiện đạt 24,258 tỷ USD. Các vị trí tiếp theo là dệt may đạt 125,375 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 14,635 tỷ USD; giày dép đạt 8,944 tỷ USD…

Nhìn vào kết quả trên dễ dàng nhận thấy những nhóm hàng tạo nên dấu ấn cho hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta như điện thoại; máy tính; máy móc thiết bị… đều nằm chủ yếu trong tay các doanh nghiệp FDI. Tính chung đến hết 15/8, tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chiếm 70,3% tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu cả nước, trong khi tỉ lệ này ở lĩnh vực nhập khẩu là 60%.

Thái Bình

(ĐỔI MỚI QUẢN LÝ, GIÁM SÁT HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU) BÀI 6: DOANH NGHIỆP ĐỒNG HÀNH VỚI KẾ HOẠCH ĐỔI MỚI CỦA NGÀNH HẢI QUAN

(HQ Online)- Kế hoạch triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không và Đề án quản lý, giám sát hàng hóa đường hàng không (nằm trong Đề án tổng thể của Tổng cục Hải quan về quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không) đang được Cục Hải quan Hà Nội gấp rút hoàn thiện để triển khai chính thức vào tháng 10/2017.

Giám sát hoạt động XC, NC tại sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: N.Linh.​​​

Xuyên suốt quá trình chuẩn bị, Cục Hải quan Hà Nội, các hãng hàng không, DN kinh doanh kho bãi, cảng và các cơ quan quản lý liên quan đã hợp tác chặt chẽ. Nhờ đó, bước đầu triển khai đã có những kết quả nhất định.

Phối hợp chặt chẽ

 
Kỳ vọng vào kết quả khi triển khai chính thức hệ thống quản lý, giám sát hàng hóa, ông Lê Thanh Bình-Phó Giám đốc Nhà ga hàng hóa hàng không ALS Nội Bài  cho rằng: “Đây là hệ thống điện tử nên được đánh giá trên cơ sở thông tin nhập vào hệ thống và xử lý, vì thế yêu cầu thông tin chính xác cao. Phạm vi hệ thống tính quốc gia, độ phủ lớn nên chắc chắn khi triển khai sẽ không đơn giản, nhưng với sự nỗ lực, mong muốn làm và kết quả ban đầu đạt được thì các bên sẽ vượt qua trở ngại”.
 

Việc khởi động kế hoạch triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không và Đề án quản lý, giám sát hàng hóa đường hàng không không chỉ khắc phục những bất cập, khó khăn trong kết nối, chia sẻ thông tin mà còn là bước cải cách mạnh mẽ nhằm đơn giản hóa, hài hòa hóa thủ tục hải quan với thủ tục của DN kinh doanh kho, bãi cảng hàng không và các bên liên quan, từ đó rút ngắn thời gian và chi phí làm thủ tục của người khai hải quan; nâng cao năng lực quản lý của cơ quan Hải quan trong việc kiểm tra, kiểm soát và giám sát hải quan. Việc triển khai tất nhiên không đơn giản, bởi đây là một mô hình mới, với khối lượng công việc lớn như: khảo sát, thu thập và phân tích thông tin; điều phối các hoạt động phối hợp; tuyên truyền, vận động DN tham gia; đề xuất quy trình, mô hình quản lý trên phạm vi toàn quốc. Nhưng với những kết quả bước đầu đạt được tại Cục Hải quan Hà Nội cho thấy khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Hải quan và DN thì việc triển khai sẽ đạt được như kỳ vọng.Trong giai đoạn đầu, Cục Hải quan Hà Nội đã lựa chọn, đề xuất thí điểm thực hiện Cơ chế một cửa đối với Vietnam Airlines. Từ giữa năm 2016, Cục Hải quan Hà Nội đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, các DN kinh doanh kho hàng không và Vietnam Airlines lập nhóm chuyên gia gồm những người có kinh nghiệm trong các lĩnh vực CNTT, khai thác hàng hóa… Thiết lập cơ chế đối thoại, trao đổi thông qua email, điện thoại và họp nhóm làm việc trực tiếp hai tuần/lần. Đồng thời, tổ chức khảo sát và tham khảo ý kiến của các hãng hàng không, DN cảng và các công ty dịch vụ mặt đất về quy trình khai thác hàng hóa, quy trình gửi/nhận thông tin điện tử… Đến ngày 1/1/2017, đã triển khai thực hiện thí điểm Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không tại Sân bay quốc tế Nội Bài đối với Vietnam Airlines.

Song song, Cục Hải quan Hà Nội phối hợp với Tổng cục Hải quan và các DN kinh doanh kho hàng không tại Nội Bài (ALSC, ACSV và NCTS) gấp rút hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý, giám sát hàng hóa đường hàng không. Đây là một phân hệ của hệ thống một cửa hàng không có nhiệm vụ tự động tiếp nhận và xử lý, phản hồi đối với toàn bộ các thông tin về hàng hóa đường hàng không được khai thác tại cảng hàng không quốc tế.

Có hiệu quả

Là DN đã tham gia phối hợp chặt chẽ với cơ quan Hải quan trong việc triển khai Cơ chế một cửa đường hàng không, cũng như xây dựng hệ thống giam sát hàng hóa, ông Lê Thanh Bình-Phó Giám đốc Nhà ga hàng hóa hàng không ALS Nội Bài cho rằng, triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN nói chung, cho ga hàng hóa, hãng hàng không nói riêng trong việc cắt giảm thời gian và chi phí trong việc làm thủ tục thông quan đối với hàng hóa vận chuyển đường hàng không. Triển khai cơ chế này, DN kinh doanh kho hàng không là mắt xích quan trọng trong dây chuyền vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không. Chính vì vậy, trong thời gian qua, DN đã nhận được sự chỉ đạo, hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ của cơ quan Hải quan trong việc chuẩn bị hạ tầng kết nối. Ngay khi có kế hoạch triển khai của Cục Hải quan Hà Nội, DN đã bố trí cán bộ để cùng hợp tác với cơ quan Hải quan khảo sát, xây dựng kế hoạch triển khai, chuẩn bị cơ sở hạ tầng CNTT.

Sau một thời gian chuẩn bị hoàn thiện hệ thống hạ tầng chuẩn dữ liệu, CNTT, giữa tháng 6/2017, DN đã kết nối thông suốt hai chiều từ kho hàng không đến cổng một cửa và ngược lại. Theo kết quả ban đầu triển khai, hệ thống một cửa quốc gia rút ngắn nhiều thời gian và các bước làm thủ tục cho DN. Nếu như trước đây phải đi qua ba khâu thủ tục để xuất hàng ra khỏi kho hàng không thì khi triển khai chỉ cần qua một cửa duy nhất, nếu điều kiện đầy đủ thì hàng đã xuất khỏi kho hàng không. Qua đó sẽ tiết kiệm thời gian nộp giấy tờ thủ tục, di chuyển từ địa điểm này sang địa điểm kia. “Đặc biệt việc cung cấp thông tin trước về hàng hóa giúp cơ quan Hải quan đủ thời gian đánh giá các vấn đề về mặt nghiệp vụ để đưa ra được quyết định nhanh là hàng hóa này được đối xử như thế nào. Các bên đều được hưởng lợi vì hàng hóa được ra quyết định từ trước khi làm các thủ tục đưa hàng ra khỏi kho”- Ông Bình nói.

Mặc dù ủng hộ kế hoạch cải cách của ngành Hải quan nhưng DN cũng mong muốn cơ quan Hải quan làm rõ những vấn đề còn băn khoăn. Chẳng hạn, đại diện Hãng hàng không Thái cho rằng, cần cân nhắc khung thời gian chuyển thông tin đến cơ quan Hải quan. Một số chỉ tiêu thông tin như số ghế của hành khách, số lượng thành viên tổ bay chỉ nên yêu cầu cung cấp nếu có thay vì “bắt buộc” như dự kiến trong dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định thủ tục điện tử đối với tàu bay XC, NK, quá cảnh thông qua Cơ chế một cửa quốc gia vì: Số ghế của hành khách có thể chỉ chắc chắn có khi họ làm thủ tục check-in; không phải hãng hàng không nào cũng cập nhật số lượng và tên các thành viên tổ bay trong dữ liệu đặt chỗ trước…

Giải đáp về thắc mắc của DN, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Âu Anh Tuấn cho biết, trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP đã quy định rõ thời điểm cung cấp thông tin, cụ thể đối với chuyến bay ngắn quy định hãng hàng không cung cấp thông tin (danh sách hành khách, hàng hóa, thông tin phi hành đoàn, hành lý ký gửi) trước 30 phút trước khi hạ cánh. Như vậy, thời gian đó đủ cho hãng hàng không gửi thông tin đến cơ quan Hải quan, dù chuyến bay ngắn.

Trên cơ sở kết quả chạy thử kết nối hệ thống giữa Hải quan và DN kho trong thời gian vừa qua, Cục Hải quan Hà Nội cho rằng, kinh nghiệm để triển khai thành công dự án này là các DN, hãng hàng không, công ty giao nhận phải nắm được, hiểu được hệ thống thì khi tham gia vào khai thác, sử dụng sẽ thuận lợi. Để đáp ứng lộ trình triển khai theo kế hoạch của Tổng cục Hải quan (tháng 10/2017), trong thời gian này, Cục Hải quan Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan chỉnh sửa, hoàn thiện hệ thống; song song tổ chức tập huấn, hướng dẫn đối với các đối tượng có liên quan bao gồm cả các bộ, ngành và các đối tượng làm thủ tục XNK liên quan đến hàng hóa, hành lý để thống nhất, hiểu đúng khi triển khai áp dụng không xảy ra sai xót.

Yêu cầu cung cấp thông tin trước chuyến bay

Theo Trưởng phòng Giám sát quản lý về hải quan (Cục Hải quan Hà Nội) Đặng Hoàng Điệp: Trong thời gian qua do chưa có hệ thống kết nối với các hãng hàng không nên việc cung cấp thông tin hàng hóa chưa thực hiện được trước, chỉ thực hiện khi tàu bay hạ cảng mới được xuất trình cho hải quan. Thông tin đến cơ quan quản lý nhà nước chậm nên chưa đủ thông tin để phân tích, từ đó đưa ra biện pháp quản lý cho từng đối tượng, dẫn đến có các lô hàng thông quan chậm. Chính vì vậy, cần phải có thông tin trước để phân tích đối tượng, đưa ra các đối tượng cần quản lý, đối tượng qua đánh giá rủi ro tuân thủ tốt pháp luật có thể được thông quan sớm hơn, có thể ngay khi máy bay vừa hạ cánh, vào kho là có thể thông quan ngay.

Ngọc Linh