(ĐỔI MỚI QUẢN LÝ, GIÁM SÁT HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU) BÀI 5: SẴN SÀNG TRIỂN KHAI “MỘT CỬA” ĐƯỜNG HÀNG KHÔNG

(HQ Online)- Cục Hải quan Hà Nội được Tổng cục Hải quan lựa chọn là đơn vị đầu tiên thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không và Đề án quản lý giám sát hàng hóa đường hàng không (nằm trong Đề án tổng thể của Tổng cục Hải quan về quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không).

Thông tin trước về hành khách, hàng hóa và phương tiện sẽ giúp các cơ quan quản lý chủ động nắm bắt thông tin, rút ngắn thời gian thông quan. Ảnh: N.Linh.

Đảm đương nhiệm vụ “dò đường” là sức ép không hề nhỏ đối với Cục Hải quan Hà Nội. Với sự cố gắng của cơ quan Hải quan và đồng thuận của cộng đồng DN, đến nay 100% hãng hàng không đã đăng ký tham gia; hệ thống một cửa đã tiếp nhận được thông tin điện tử về phương tiện, hành lý từ 100% hãng hàng không gửi tới hệ thống; cơ quan Hải quan cũng đang phối hợp với các DN kinh doanh kho hàng không mở rộng tiếp nhận thông tin điện tử về hàng hóa. Những kết quả bước đầu tại Cục Hải quan Hà Nội sẽ là tiền đề để ngành Hải quan triển khai chính thức trên phạm vi toàn quốc.

Từ sự kết nối rời rạc…

Trong những năm qua, thực hiện kế hoạch cải cách hiện đại hóa của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan Hà Nội  luôn chú trọng đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính và hiện đại hóa trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ CNTT trên tất cả các lĩnh vực hoạt động. Tuy nhiên, trong công tác quản lý hải quan, Cục Hải quan Hà Nội nhận thấy cách thức quản lý đối với hàng hóa, hành lý đường hàng không tại cảng hàng không quốc tế còn chưa đáp ứng yêu cầu quản lý hiện đại, việc giám sát/quản lý và đánh giá đối tượng trọng điểm còn thiếu thông tin.

Theo phân tích của ông Đặng Hoàng Điệp, Trưởng phòng Giám sát quản lý về hải quan (Cục Hải quan Hà Nội), trước khi triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, các cơ quan quản lý nhà nước (Công an cửa khẩu, Hải quan, Cảng vụ…) làm thủ tục thủ công, riêng rẽ, chưa thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin giữa các bên; chưa thực hiện tiếp nhận thông tin điện tử từ DN. Trong khi các DN kinh doanh liên quan đường hàng không đều đã kết nối, trao đổi thông tin dạng điện tử… Điều này gây khó khăn trong phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm do thiếu thông tin. Đối với cơ quan Hải quan, thông tin về hàng hóa ra/vào kho hàng không được cung cấp bằng bản giấy mất khá nhiều thời gian, thường một ngày cung cấp hai lần cho tất cả các chuyến bay, vừa thừa vừa thiếu thông tin gây khó khăn cho công tác quản lý, giám sát.

Đối với các hãng hàng không phải nộp hồ sơ giấy cùng một lúc cho 5 cơ quan quản lý nhà nước tại Cảng hàng không quốc tế gồm: Hải quan, Công an, Cảng vụ hàng không, cơ quan Kiểm dịch y tế (Bộ Y tế) và cơ quan Kiểm dịch động thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Như vậy, DN phải chuẩn bị nhiều bộ hồ sơ giống nhau và khai báo nhiều lần cùng một loại thông tin tới các cơ quản quản lý nhà nước.

Đối với DN kinh doanh kho hàng không, việc trao đổi thông tin bằng phương pháp thủ công giữa cơ quan Hải quan và DN kinh doanh kho đã gây ra rất nhiều khó khăn cho cơ quan Hải quan trong việc quản lý và báo cáo thống kê; đặc biệt là việc theo dõi hàng vào/ra, hàng tồn kho, hàng quá hạn làm thủ tục hải quan,… làm mất rất nhiều thời gian, tốn nhân lực, độ chính xác và kịp thời của số liệu thống kê khó đảm bảo.

Chính vì những bất cập trong công tác quản lý đối với hàng hóa, hành lý tại sân bay quốc tế, Cục Hải quan Hà Nội đã chủ động đề xuất Tổng cục Hải quan cho phép triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đối với đường hàng không và Đề án quản lý giám sát hàng hóa đường hàng không tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

… Đến tiếp nhận thông tin điện tử

Tháng 9/2016, Tổng cục Hải quan thành lập Ban chỉ đạo triển khai Cơ chế một cửa đường hàng không. Cục Hải quan Hà Nội được giao nhiệm vụ là đầu mối tổ chức khảo sát, thu thập và phân tích thông tin; điều phối các hoạt động phối hợp với các cơ quan tại sân bay quốc tế Nội Bài; tổ chức tuyên truyền, vận động DN tham gia Cơ chế một cửa quốc gia; đề xuất với Tổng cục Hải quan về quy trình, mô hình quản lý, danh sách yêu cầu chức năng trên hệ thống quản lý, giám sát hàng hóa đường hàng không.

Để triển khai, Cục Hải quan Hà Nội đã sớm xây dựng chương trình, kế hoạch làm việc với các hãng hàng không, đại lý hàng không, công ty kinh doanh kho bãi và các công ty giao nhận nằm trên địa bàn để nghiên cứu thực tiễn tại sân bay, từ đó có lộ trình làm việc và đặt ra yêu cầu quản lý và làm việc với từng đối tượng cụ thể.

Từ tháng 8/2016 đến 6/2017, 4 đợt khảo sát và 39 cuộc họp và phiên làm việc với các bên tham gia được Cục Hải quan Hà Nội tổ chức. Do đây là dự án liên quan đến nhiều đơn vị ngoài ngành, nên Cục Hải quan Hà Nội đã chủ động lên lịch làm việc với các đơn vị có liên quan; tổ chức làm việc với các hãng hàng không, trực tiếp đôn đốc từng hãng tham gia triển khai Cơ chế một cửa quốc gia. Trong thời gian này, để học hỏi kinh nghiệm của hải quan các nước, nghiên cứu các chuẩn mực quốc tế, Cục Hải quan Hà Nội đã tổ chức đoàn cán bộ đi tham khảo kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc; khảo sát thực tế và làm việc với các kho hàng không, cảng vụ hàng không và các hãng hàng không. Từ đó đề xuất mô hình quản lý, xây dựng bài toán nghiệp vụ quản lý tổng thể đối với hàng hóa, hành lý đường hàng không, dự thảo đề xuất danh sách các chức năng hệ thống và các quy định pháp lý để triển khai.

Cũng theo ông Đặng Hoàng Điệp, do có sự chủ động và phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị tham gia triển khai, hệ thống một cửa hàng không đã được đưa vào vận hành thí điểm từ ngày 1/1/2017, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước bằng phương pháp điện tử tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Từ ngày 25/5, hệ thống một cửa quốc gia đã có thể tiếp nhận thông tin điện tử (dạng điện văn hàng không) về phương tiện, hành khách, hành lý từ tất cả 100% các hãng hàng không gửi tới hệ thống. Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan đã thực hiện tiếp nhận đầy đủ thông tin khai thác bay từ 9 cảng hàng không quốc tế và thông tin về hành khách, phương tiện, hành khách trước chuyến bay từ tất cả các hãng hàng không thông qua hệ thống một cửa quốc gia.

Về hàng hóa, từ ngày 1/4, Cục Hải quan Hà Nội đã phối hợp với Tổng cục Hải quan và 3 DN kinh doanh kho hàng không (ALSC, ACSV và NCTS) mở rộng triển khai tiếp nhận thông tin điện tử về hàng hóa đối với gần 30 hãng hàng không do các kho này phục vụ tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Cũng từ 1/4, cơ quan Hải quan đã thực hiện thí điểm soi chiếu trước thông quan đối với hàng NK và sau thông quan (trước khi hàng ra khỏi kho) đối với hàng XK dựa trên thông tin tiếp nhận trước.

Theo ông Đặng Hoàng Điệp, với việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không và Đề án quản lý giám sát hàng hóa đường hàng không sẽ mang lại hiệu quả lớn cho các hãng hàng không, DN kinh doanh kho, bãi. Thông qua thời gian đầu triển khai những kết quả bước đầu ghi nhận là hệ thống hoạt động thông suốt. Lợi ích đầu tiên của Đề án này là phục vụ trước tiên cho hoạt động XNK của DN, đảm bảo rút ngắn thời gian thông quan tạo thuận lợi cho hoạt động XNK. Song song, các khâu quản lý của cơ quan quản lý nhà nước chủ động hơn nắm bắt được thông tin hàng hóa XNK, hành khách XNC đến sân bay từ đó có các biện pháp quản lý.

Ông Âu Anh Tuấn-Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, Tổng cục Hải quan đang hoàn thiện toàn bộ văn bản hỗ trợ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia hàng không cũng như thực hiện mô hình giám sát hàng hóa mới. Dựa trên cơ sở đó sẽ không còn việc thực hiện thủ công như hiện nay. Toàn bộ việc trao đổi thông tin giữa hàng không với cơ quan Hải quan sẽ thực hiện trên hệ thống một cửa quốc gia, việc trao đổi thông tin về hàng hóa XK, NK đưa vào đưa ra kho bãi cảng hàng không sẽ thực hiện trên hệ thống. Đồng thời cơ quan Hải quan sẽ cung cấp thông tin lô hàng đủ điều kiện ra khỏi khu vực kho hàng không, cũng như lô hàng đủ điều kiện đưa vào kho hàng không để xếp lên phương tiện vận tải thông qua hệ thống, không có việc xuất trình tờ khai giấy, khi lô hàng đã thông quan, DN chỉ cần đến làm việc với DN cảng mà không phải đến cơ quan Hải quan xác nhận như hiện nay. Như vậy sẽ giảm được thủ tục tại khâu giám sát hàng hóa.
Ngọc Linh

(ĐỔI MỚI QUẢN LÝ, GIÁM SÁT HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU) BÀI 4: NHIỀU LỢI ÍCH CHO DN CẢNG, CHỦ HÀNG VÀ CƠ QUAN HẢI QUAN

(HQ Online)- Hiện trên địa bàn Hải Phòng, Công ty CP cảng Hải Phòng là DN đầu đàn về kinh doanh cảng biển. Ngoài hàng hóa trong container, các cảng của DN còn có một lưu lượng lớn hàng hóa là hàng rời, hàng ngoài container…

Việc giám sát trong thời gian tới sẽ được mở rộng cả với hàng ngoài container. Trong ảnh: Hàng hóa XNK tại cảng Hoàng Diệu, Công ty CP cảng Hải Phòng. Ảnh: Thái Bình​​​.

Việc chuẩn bị và thực hiện thành công Đề án “Giám sát, kiểm soát hàng hóa XNK qua khu vực kho, bãi, cảng Hải Phòng trên Hệ thống thông quan điện tử” thực sự tạo được sự đột phá theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

3 bên đều giảm thời gian

Công ty CP cảng Hải Phòng là một trong 9 DN cảng ở địa bàn Hải Phòng đã phối hợp với cơ quan Hải quan trong kết nối, trao đổi thông tin đối với hàng hóa XNK đóng trong container. Tuy nhiên, để thực hiện Đề án của Cục Hải quan Hải Phòng sẽ có rất nhiều việc phải làm. Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, đại diện Công ty CP cảng Hải Phòng cho biết, DN nhận thấy rõ đây không chỉ là trách nhiệm mà còn mang lại nhiều lợi ích cho hoạt động XNK.

Đối với DN XNK, nhờ kết nối, trao đổi dữ liệu tờ khai, lô hàng đủ điều kiện qua khu vực giám sát hải quan theo phương thức điện tử giữa DN kinh doanh cảng với cơ quan Hải quan nên giảm thời gian làm thủ tục. Sau khi hoàn thành thủ tục hải quan DN XNK có thể đưa hàng ra khỏi cảng không phụ thuộc vào thời gian trong ngày, đồng thời, giảm bớt chứng từ, giấy tờ.

Đặc biệt, DN chỉ cần làm việc tại một địa điểm là DN kinh doanh cảng, kho, bãi. “Đối với hàng hóa đủ điều kiện qua khu vực giám sát hải quan, người khai hải quan không phải thực hiện các thủ tục tại văn phòng giám sát (của cơ quan Hải quan) như trước đây và cũng không phải xuất trình các chứng từ không cần thiết khi đã áp dụng hệ thống kết nối CNTT, giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí phát sinh cho doanh nghiệp XNK”- đại diện Công ty cho biết.

Đáng chú ý, với Công ty CP cảng Hải Phòng, việc phối hợp giám sát giúp góp phần tiếp tục nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT đối với hoạt động giao nhận hàng hóa, tạo thuận lợi cho cộng đồng DN, nâng cao chất lượng dịch vụ cảng, nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín của DN được nâng cao, làm tăng hiệu suất khai thác, kinh doanh… Đại diện Công ty cho biết thêm: Việc phối hợp giúp tạo lợi thế chủ động cho cảng nhờ có đầy đủ thông tin về tình trạng cấp phép thông quan (từ cơ quan Hải quan) đối với từng lô hàng, từng container để cho hàng ra/vào cảng theo đúng quy định của pháp luật, tránh rủi ro so với thực hiện bằng thủ tục giấy. Mặt khác, sau khi kết nối hệ thống công nghệ thông tin, đối với từng lô hàng, từng container đủ điều kiện (thông quan, giải phóng hàng, mang hàng về bảo quản, chuyển địa điểm kiểm tra) người khai hải quan chỉ cần đến một địa điểm là bộ phận thủ tục một cửa của cảng Hải Phòng để làm thủ tục mà không phải đến làm thủ tục tại cơ quan Hải quan như trước đây.

Công ty CP cảng Hải Phòng chủ động đầu tư hệ thống CNTT

Theo Công ty CP cảng Hải Phòng, nhờ ý thức rõ việc thực hiện nội dung này vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi, do đó, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp với cơ quan Hải quan tổ chức triển khai đúng theo kế hoạch.

Khi triển khai bước đầu tại Chi nhánh cảng Tân Vũ, Chi nhánh cảng Chùa Vẽ thuộc Công ty CP cảng Hải Phòng, Công ty đã chuẩn bị chu đáo về nhân lực, vật lực. Một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra là đầu tư, chuẩn hóa về trang thiết bị hệ thống CNTT. Công ty đã hoàn thiện quy trình phối hợp giám sát với Hải quan Hải Phòng; trang bị máy vi tính, máy in và thiết bị tin học tại bộ phận một cửa, nối đường mạng WAN kết nối từ cơ quan Hải quan tới Chi nhánh cảng Chùa Vẽ, Chi nhánh cảng Tân Vũ…

Đặc biệt, để chuẩn bị điều kiện kết nối CNTT, Công ty CP cảng Hải Phòng tiến hành mua sắm, lập trình phần mềm kết nối; tích hợp chức năng giám sát container với Hệ thống thông tin quản lý (MIS) hiện có của Công ty với 2 phương thức kết nối, trao đổi theo gói dữ liệu và phương thức kết nối, trao đổi theo lô hàng; điều chỉnh, bổ sung chức năng phần mềm quản lý của cảng để kiểm soát container thông quan trên Hệ thống MIS tại các bộ phận của cảng; trang bị máy quét mã vạch tại bộ phận thủ tục, giúp cho việc kiểm soát, đối chiếu tờ khai hải quan được nhanh chóng, chính xác. Đồng thời, Công ty cũng bố trí mặt bằng làm việc theo “quy trình một cửa” cho cán bộ giám sát của Hải quan Hải Phòng tại Chi nhánh cảng Chùa Vẽ, Chi nhánh cảng Tân Vũ.

Quá trình thực hiện, DN đã được Cục Hải quan Hải Phòng trực tiếp hỗ trợ kết nối, trao đổi thông tin; bố trí cán bộ phối hợp DN để kiểm tra trên hệ thống hàng hóa XNK đưa vào, đưa ra khu vực cảng khi hệ thống gặp sự cố hoặc khi có đề nghị của DN…

Cần cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ

Đại diện Công ty CP cảng Hải Phòng cho hay, dù có được những kết quả tích cực nhưng thực tế triển khai vừa qua vẫn còn những vướng mắc về cả công nghệ lẫn nghiệp vụ từ cả hai phía (DN và cơ quan Hải quan). Về mặt công nghệ, khó khăn phát sinh từ sự cố về máy chủ của cơ quan Hải quan, đường truyền kết nối với máy chủ cơ sở dữ liệu của cơ quan Hải quan vẫn có tình trạng quá tải; với DN cảng, phần mềm quản lý của Công ty CP cảng Hải Phòng chưa đáp ứng được đầy đủ các nghiệp vụ yêu cầu quản lý, giám sát hải quan và đang tiếp tục bổ sung, hoàn thiện.

Về mặt nghiệp vụ khó khăn do chưa có hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm quản lý, giám sát hàng hóa ra, vào, lưu giữ tại DN cảng nên công tác phối hợp xử lý giữa các chi cục hải quan cửa khẩu cảng với các Chi nhánh thuộc Cảng Hải Phòng phối hợp và xử lý giải quyết các công việc, sự cố, vướng mắc còn chậm, mất nhiều thời gian.

Đặc biệt, thời gian tới khi mở rộng đối tượng giám sát ra cả hàng hóa ngoài container, hàng tồn… khả năng có những vướng mắc, phát sinh mới. Để thực hiện quả hơn nữa việc phối hợp giữa hai bên, Công ty CP cảng Hải Phòng đề nghị cơ quan Hải quan cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp, các quy định trách nhiệm cụ thể. Mặt khác các DN kinh doanh cảng, kho, bãi cũng cần tích cực hoàn thiện các điều kiện kỹ thuật đối với hệ thống CNTT kết nối với cơ quan Hải quan.

Vấn đề nữa cần được quan tâm đó là hướng dẫn DN về yêu cầu đáp ứng trang thiết bị, hệ thống kết nối giữa cơ quan Hải quan và DN về tờ khai, hàng hóa; đồng thời tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ cảng về trình tự, thủ tục xử lý. “Hai bên cũng cần thống nhất cách thức, phương án xử lý khi hệ thống gặp sự cố, đặc biệt với trường hợp số lượng hàng hóa lớn như cảng Tân Vũ, các chi cục hải quan cần tích cực hơn để phối hợp để liên thông xử lý”- đại diện Công ty CP cảng Hải Phòng đề nghị.

Liên quan đến việc giám sát hàng tồn đọng, Công ty cho rằng, vấn đề giải quyết, xử lý hàng tồn đọng cũng cần phải thực hiện, vì điều này sẽ ảnh hưởng đến năng suất của cảng. Tại Khoản 5 Điều 41 Luật Hải quan quy định trách nhiệm của DN kinh doanh cảng là bảo quản, sắp xếp, lưu giữ nguyên trạng hàng hóa trong khu vực cảng, kho bãi theo yêu cầu giám sát, quản lý của cơ quan Hải quan. Tuy nhiên, do việc phải để nguyên trạng hàng hóa không được di chuyển nên đối với những hàng tồn thì mất nhiều diện tích. Do vậy, cơ quan Hải quan cần nghiên cứu các giải pháp đẩy nhanh thời gian xử lý hàng tồn đọng để tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho DN sản xuất kinh doanh.

 

Thái Bình

(ĐỔI MỚI QUẢN LÝ, GIÁM SÁT HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU) BÀI 3: CÔNG TY CỔ PHẦN CẢNG NAM HẢI ĐÌNH VŨ: SÁT CÁNH VỚI CƠ QUAN HẢI QUAN

(HQ Online)- Quá trình phối hợp giữa cơ quan Hải quan và nhiều DN kinh doanh cảng trên địa bàn Hải Phòng (từ tháng 9/2015) dù mới dừng ở việc kết nối, trao đổi thông tin, nhưng đây là thành công bước đầu, tạo tiền đề quan trọng trong việc hợp tác giữa DN và cơ quan Hải quan để triển khai thành công Đề án “Giám sát, kiểm soát hàng hóa XNK qua khu vực kho, bãi, cảng Hải Phòng trên Hệ thống thông quan điện tử”.

Nhân viên Công ty CP cảng Nam Hải Đình Vũ tác nghiệp ở bộ phận “một cửa”- khu vực phối hợp giám sát giữa DN và cơ quan Hải quan. Ảnh: T.Bình.

Hiệu quả nhờ… công nghệ

Triển khai Đề án “Giám sát, kiểm soát hàng hóa XNK qua khu vực kho, bãi, cảng Hải Phòng trên Hệ thống thông quan điện tử” sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức thường thấy ở mỗi lần áp dụng các hệ thống CNTT mới. Nhưng, thành công bước đầu khi thực hiện tại Công ty CP cảng Nam Hải Đình Vũ đã tạo ra những nền tảng quan trọng và niềm tin vào việc thực hiện thành công Đề án trong thời gian tới.

Một ngày đầu tháng 7/2017, có mặt tại cảng Nam Hải Đình Vũ (Hải Phòng)- địa bàn đầu tiên thực hiện phối hợp giám sát ở khu vực Hải Phòng và cả nước, chúng tôi chứng kiến hoạt động XNK qua khu vực cảng vẫn diễn ra tấp nập, thuận tiện. Dù là cảng của DN cổ phần với diện tích chưa đến 20 ha nhưng ở cảng Nam Hải Đình Vũ đầy ắp hàng hóa. Các container hàng khô được xếp tối đa về chiều cao là 4 container chồng lên nhau, container hàng lạnh là 3 container chồng lên nhau.

Trong khi đó, ở khu vực cổng cảng, mặc dù xe container chở hàng hóa XNK ra vào tấp nập nhưng vẫn di chuyển một cách thuận tiện, không ùn tắc. Anh Trần Tiến Phương- một nhân viên XNK nhiều năm làm việc ở khu vực cảng Hải Phòng cho biết, làm việc trong DN là đại lý hải quan nên lượng hàng hóa phải làm thủ tục mỗi ngày qua cảng Nam Hải Đình Vũ tương đối nhiều, khoảng trên dưới 1.000 container/ngày, nhưng do có sự phối hợp tốt giữa Hải quan Hải Phòng và Công ty CP cảng Nam Hải Đình Vũ nên bộ phận nghiệp vụ của cơ quan Hải quan và DN kinh doanh cảng đã cùng tác nghiệp ở 1 địa điểm, phối hợp, giám sát dựa vào ứng dụng CNTT nên việc làm thủ tục để DN XK hay NK hàng hóa diễn ra thuận tiện. Trước đây, làm thủ tục xong với cơ quan Hải quan, DN lại phải đến DN kinh doanh cảng để làm các lệnh giao/nhận hàng và các thủ tục khác mất nhiều thời gian.

Hiệu quả từ thực tiễn

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, Phó Tổng giám đốc Công ty CP cảng Nam Hải Đình Vũ Cao Hồng Phong cho biết, kết quả triển khai thực hiện phối hợp giám sát theo quy định của Luật Hải quan được thực hiện đúng quy định. Việc ứng dụng hệ thống phần mềm trao đổi thông tin giữa cơ quan Hải quan và DN kinh doanh cảng đã giúp kiểm tra chính xác hàng hóa đủ điều kiện thông quan, phòng ngừa được rủi ro trong công tác kiểm soát.

Mặt khác, thao tác của công chức hải quan và cán bộ nghiệp vụ của cảng nhanh hơn, công tác tra cứu, thống kê thông tin, số liệu hàng hóa ra/vào cảng, hàng hóa lưu giữ tại cảng thuận lợi, chính xác, kịp thời hơn.

Theo ông Cao Hồng Phong, song song với kết nối thông tin, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng KV III (Cục Hải quan Hải Phòng) và Công ty CP cảng Nam Hải Đình Vũ và Nam Hải Logistics đã triển khai “Quy trình một cửa” nhằm đơn giản hóa và cải cách thủ tục, rút ngắn thời gian, tiết kiệm công sức đi lại, thuận lợi cho DN làm thủ tục hải quan, liên hoàn với quầy thu phí sử dụng cơ sở hạ tầng. “Theo thống kê sơ bộ, thời gian làm thủ tục giảm đến 3 phút/tờ khai so với trước kia. Và với hàng chục nghìn tờ khai mỗi năm qua cảng, thời gian tiết kiệm là rất nhiều”- ông Phong chia sẻ.

Theo Công ty CP cảng Nam Hải Đình Vũ, nhờ việc với phối hợp diễn ra thuận lợi, công tác kiểm soát hàng hóa, phương tiện ra vào thông thoáng, nhanh gọn, nên trung bình Công ty giao nhận trên dưới 1.000 container ra khỏi cảng/ngày nhưng không để xảy ra ùn tắc, kể cả thời gian cao điểm vào cuối giờ chiều.

Bên cạnh đó, hiệu quả phối hợp còn thể hiện ở phần mềm mới của cơ quan Hải quan và DN kinh doanh cảng cơ bản đáp ứng yêu cầu về kết nối, chuyển và phản hồi dữ liệu, công tác báo cáo thống kê; CBCC Hải quan và các bộ phận nghiệp vụ của cảng có tinh thần, thái độ triển khai nghiêm túc, từng bước nhanh chóng nắm bắt công việc và quy trình mới.

“Việc áp dụng quy trình giám sát Hải quan mới đã đảm bảo công tác quản lý giám sát của cơ quan Hải quan, rút ngắn thời gian, tiết kiệm công sức cho DN XNK, đơn vị khai hải quan, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều này đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, cũng như uy tín, năng lực cạnh tranh của cảng”- ông Phong nói  .

Tuy nhiên, để mở rộng việc phối hợp giám sát theo Đề án mới, ông Phong đề nghị cơ quan Hải quan tiếp tục hỗ trợ cảng trong xử lý các vướng mắc phát sinh về nghiệp vụ hải quan và hướng dẫn để nhân viên của cảng hiểu quy trình, thao tác chính xác, nhanh chóng. Đồng thời, đẩy mạnh phổ biến tuyên truyền để DN khai báo hải quan nắm bắt được nội dung quy trình giám sát mới này… Ngoài ra, cơ quan chức năng cần tối ưu hóa phần mềm để giảm thời gian truy vấn, đảm bảo tính liên tục và tốc độ kết nối; hoàn thiện chỉnh sửa các quy định pháp luật liên quan như Thông tư 38/2015/TT-BTC, Nghị định 08/2015/NĐ-CP để phù hợp với điều kiện tình hình mới trong công tác giám sát tại cảng biển.

Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai thành công tại Công ty thời gian qua, ông Cao Hồng Phong nhấn mạnh: Việc phối hợp giám sát không phải được áp dụng trơn tru ngay từ đầu. Thời điểm mới triển khai, cả DN và cơ quan Hải quan đều gặp không ít khó khăn do là phương thức mới lần đầu tiên triển khai. Nhưng có quyết tâm của lãnh đạo DN và cơ quan Hải quan nên những vướng mắc được kịp thời tháo gỡ. Trong quá trình thực hiện, DN luôn sẵn sàng chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, nhất là hạ tầng CNTT, song song đó, cơ quan Hải quan luôn túc trực tại DN để tháo gỡ vướng mắc phát sinh.

“Những ngày đầu triển khai tại cảng Nam Hải Đình Vũ, cán bộ của Cục CNTT và Thống kê hải quan của Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan Hải Phòng phải ăn ngủ trực tiếp tại cảng để cùng thực hiện nên mọi việc đã diễn ra suôn sẻ. Có thể nói, việc thực hiện thành công đã đưa Luật Hải quan vào cuộc sống”- Phó Tổng giám đốc Công ty CP cảng Nam Hải Đình Vũ tâm sự.

Thái Bình

(ĐỔI MỚI QUẢN LÝ, GIÁM SÁT HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU) BÀI 2: CHUYỆN GHI Ở “ĐƠN VỊ MỞ ĐƯỜNG”

(HQ Online)- Triển khai từ cuối năm 2015, Hải quan Hải Phòng là đơn vị đầu tiên thực hiện việc kết nối với DN kinh doanh cảng để trao đổi thông tin phục vụ giám sát hàng hóa XNK và đã mang lại kết quả bước đầu.

Phó Tổng cục trưởng Vũ Ngọc Anh phát biểu tại Hội thảo “Triển khai giải pháp quản lý, giám sát hàng hóa XNK qua khu vực kho, bãi, cảng biển”, tổ chức tại trụ sở Cục Hải quan Hải Phòng ngày 5/5. Ảnh: T.Bình.

Tuy nhiên trong giai đoạn này, việc phối hợp vẫn còn sơ khai và dừng ở mức trao đổi thông tin và chưa giải quyết được tổng thể bài toán quản lý. Đề án “Giám sát, kiểm soát hàng hóa XNK qua khu vực kho, bãi, cảng Hải Phòng trên Hệ thống thông quan điện tử” (nằm trong Đề án tổng thể của Tổng cục Hải quan về quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không) đang được Cục Hải quan Hải Phòng tích cực triển khai sẽ giải quyết một cách căn bản, đầy đủ các quy định của Luật Hải quan về quản lý, giám sát hàng hóa XNK. Đây cũng là nhiệm vụ được Tổng cục Hải quan chỉ đạo đơn vị triển khai để nhân rộng trong toàn Ngành.

Doanh nghiệp manh mún

Đặc thù của hệ thống cảng Hải Phòng có chiều dài khoảng 20 km, nhưng phát triển nhỏ lẻ, manh mún, mỗi cảng có cơ sở hạ tầng, công nghệ, quy trình, cách thức quản lý, khai thác hàng vào ra cảng khác nhau tùy theo đặc thù của từng cảng. Vì vậy, công tác quản lý của cơ quan Hải quan đối với hoạt động của các DN cảng cũng như quản lý hàng hóa ra, vào, lưu giữ trong khu vực cảng gặp rất nhiều khó khăn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng cảng biển Hải Phòng thành cửa ngõ giao thương quốc tế hiện đại lớn nhất khu vực miền Bắc.

Theo phân tích của Cục Hải quan Hải Phòng, thực trạng trong công tác quản lý của các DN kinh doanh cảng, kho bãi hiện nay là một số DN còn quản lý thủ công, chưa có hệ thống CNTT quản lý nội bộ. Một số DN đã triển khai kết nối trao đổi thông tin với cơ quan Hải quan nhưng trang thiết bị lạc hậu nên thông tin chuyển cho cơ quan Hải quan chậm, chưa theo thời gian thực nên ảnh hưởng đến hiệu năng của hệ thống, chưa đảm bảo yêu cầu quản lý. Đơn cử như tại cảng Tân Vũ (Công ty CP cảng Hải Phòng) thông tin hạ bãi đối với hàng nhập có độ trễ từ 3 đến 6 giờ dẫn đến tình trạng DN XNK đã hoàn thành thủ tục hải quan nhưng khi ra cảng vẫn phải chờ DN cảng cập nhật thông tin để xác nhận hàng hóa đủ điều kiện ra khỏi khu vực giám sát hải quan.

Mặt khác, một số DN có quy trình quản lý hàng hóa XK chưa đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan theo quy định của Luật Hải quan, ví dụ cho xếp hàng lên tàu theo danh sách của hãng tàu, nhưng không kiểm tra điều kiện thông quan của cơ quan Hải quan… Ngoài ra, có DN không phân chia được khu vực riêng cho hàng hóa XNK hay hàng nội địa do điều kiện mặt bằng nhỏ gây khó khăn cho công tác giám sát, kiểm soát hải quan, cần phải có giải pháp để quản lý tốt hơn.

Đáng chú ý, nhiều nội dung chỉ tiêu thông tin cần báo cáo cho cơ quan Hải quan nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhưng chưa có quy trình, quy định cụ thể, hoặc có nhưng DN chưa báo cáo kịp thời hoặc chưa có cách thức báo cáo nhanh, tự động qua hệ thống điện tử.

Hải quan cũng khó

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Hải quan là giám sát hàng hóa XNK. Nhưng rõ ràng, với thực tế của hệ thống quản lý của các DN tại cảng biển Hải Phòng như đề cập ở trên thì công tác quản lý, giám sát hàng hóa XNK của cơ quan Hải quan phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, rủi ro. Đây không chỉ là áp lực với cơ quan Hải quan mà còn là mối nguy với an ninh, an toàn và môi trường sản xuất, kinh doanh trong nước.

Theo Cục Hải quan Hải Phòng, do chưa có quy trình tổng thể bao quát tất cả các trường hợp và thống nhất giữa các DN kinh doanh cảng, kho bãi với cơ quan Hải quan nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Điển hình như trường hợp tờ khai chung container nhưng khác chủ hàng dẫn đến giao nhầm hàng hóa, hoặc khi một trong các tờ khai chung container chưa hoàn thành thủ tục hải quan đã thực hiện giao hàng cho chủ hàng dẫn đến tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt pháp lý… Đặc biệt, nhiều trường hợp DN cảng và cơ quan Hải quan lúng túng trong quá trình xử lý, phối hợp, trao đổi thông tin khi hàng bị rút ruột tại bãi, hàng hóa đóng trong container nhưng thông quan một phần, hàng hạ bãi chuyển máy soi…

Một thực trạng nữa là quy định về quản lý rủi ro mới chỉ có bộ chỉ số đánh giá tuân thủ đối với DN XNK, chưa có bộ chỉ số đánh giá tuân thủ đối với DN cảng, kho bãi, các hệ thống của cơ quan Hải quan chưa có chức năng thu thập, xử lý thông tin để đánh giá tuân thủ đối với đối tượng DN này cũng như chưa có chức năng thiết lập tiêu chí lựa chọn để xử lý tự động hoặc đưa ra cảnh báo đối với các DN kinh doanh cảng mặc dù việc thu thập thông tin đối với DN kinh doanh cảng, kho bãi đã được quy định trong Quyết định 464/QĐ-TCHQ của Tổng cục Hải quan.

Đáp ứng quy định và đòi hỏi từ thực tiễn

Lãnh đạo Phòng Giám sát quản lý về hải quan (Cục Hải quan Hải Phòng) cho biết: Việc thực hiện kết nối giữa cơ quan Hải quan và DN kinh doanh cảng theo Điều 41 Luật Hải quan được thực hiện thí điểm bước đầu tại đơn vị và một số cục hải quan địa phương mới chỉ giải quyết được việc kết nối, trao đổi thông tin giữa cơ quan Hải quan và DN kinh doanh cảng, chưa giải quyết được bài toán quản lý tổng thể được quy định trong Luật Hải quan.

Do vậy, Đề án “Giám sát, kiểm soát hàng hóa XNK qua khu vực kho, bãi, cảng Hải Phòng trên Hệ thống thông quan điện tử” sẽ cụ thể hóa tất cả các nội dung quy định của Luật Hải quan về phối hợp giám sát, quản lý hàng hóa XNK. Đề án mang tính đột phá trong quản lý hải quan, cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa hải quan. Theo đó toàn bộ hàng hóa XNK ra vào khu vực kho, bãi, cảng biển được giám sát quản lý hải quan trên hệ thống điện tử của DN kinh doanh kho, bãi, cảng kết nối với hệ thống của cơ quan Hải quan. Như vậy, việc thực hiện Đề án tại Hải quan Hải Phòng vừa thực hiện đầy đủ các quy định trong Luật Hải quan, vừa là đòi hỏi từ thực tiễn để khắc phục các khó khăn, bất cập như đề cập ở trên, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK.

Để triển khai Đề án, Cục Hải quan Hải Phòng đã thành lập Ban triển khai Đề án do Cục trưởng làm Trưởng ban. Thời gian qua, Ban triển khai đã nghiên cứu và đưa ra bài toán yêu cầu quản lý; xây dựng lộ trình triển khai và hướng dẫn thực hiện các tác nghiệp của DN với cơ quan Hải quan; tiến hành họp với các đơn vị kinh doanh kho, bãi, cảng Hải Phòng để thống nhất chủ trương thực hiện và chuẩn bị đầu tư cơ sở vật chất, con người… Đến nay, các DN đã xây dựng bài toán quản lý trên phần mềm; và có 67 DN kinh doanh cảng, kho, bãi thuộc sự quản lý tham gia triển khai các bước chuẩn bị.

Đặc biệt, trong tháng 5 vừa qua, Cục Hải quan Hải Phòng đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Tổng cục Hải quan tổ chức Hội thảo “Triển khai giải pháp quản lý, giám sát hàng hóa XNK qua khu vực kho, bãi, cảng biển” nhằm giới thiệu giải pháp kỹ thuật kết nối, trao đổi thông tin giữa cơ quan Hải quan và DN kinh doanh kho, bãi, cảng để quản lý hàng hóa XNK, đồng thời mong muốn tiếp nhận ý kiến đóng góp của các đơn vị hải quan và cộng đồng DN để hoàn thiện cơ sở pháp lý, hạ tầng kỹ thuật trong việc kết nối thông tin…

Thái Bình

(ĐỔI MỚI QUẢN LÝ, GIÁM SÁT HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU) BÀI 1: THAY ĐỔI XUẤT PHÁT TỪ THỰC TIỄN

(HQ Online)- Ngành Hải quan đang tích cực xây dựng và triển khai Đề án quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không.

Hàng hóa XNK tại cảng Nam Hải Đình Vũ, Hải Phòng. Ảnh: Thái Bình​​​

Việc triển khai Đề án này nhằm đơn giản hóa, hài hòa thủ tục hải quan với thủ tục của DN kinh doanh kho, bãi, cảng biển, cảng hàng không thông qua việc cơ quan Hải quan áp dụng hệ thống công nghệ thông tin tập trung để trao đổi, cập nhật thông tin với DN kinh doanh cảng, sân bay, kho bãi và các bên liên quan, từ đó rút ngắn thời gian và chi phí làm thủ tục của người khai hải quan. Đồng thời, tăng cường năng lực quản lý của cơ quan Hải quan trong việc kiểm tra, kiểm soát và giám sát hải quan, nâng cao tính tuân thủ của DN, ngăn ngừa gian lận thương mại, phòng chống buôn lậu và đảm bảo an ninh. Từ số báo này, Báo Hải quan khởi đăng loạt bài “Ngành Hải quan: Đổi mới trong quản lý, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu” với những thông tin ghi nhận ban đầu về quá trình triển khai Đề án.

Kết nối thông tin còn hạn chế

Thời gian qua, ngành Hải quan đã đẩy mạnh cải cách và hiện đại hóa hải quan, trong đó ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong các khâu nghiệp vụ. Kết quả cải cách hiện đại hóa hải quan đã mang đến nhiều thuận lợi cho DN trong quá trình làm thủ tục XNK. Tuy nhiên trong lĩnh vực quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không quốc tế vẫn bộc lộ những bất cập.

Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Mạnh Tùng cho rằng, trong lĩnh vực quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không quốc tế vẫn chưa thực sự hiệu quả, sự kết nối trao đổi thông tin giữa cơ quan Hải quan với các DN kinh doanh cảng vẫn còn hạn chế. Điều này dẫn đến việc theo dõi, quản lý hàng tại cảng của cơ quan Hải quan gặp nhiều khó khăn; thời gian lưu giữ hàng hóa của DN lâu, chi phí lưu kho bãi của hàng hóa lớn. Nhận thấy rõ vấn đề này, Điều 41 Luật Hải quan 2014 đã yêu cầu cụ thể các DN kinh doanh cảng phải có sự kết nối, trao đổi thông tin với cơ quan Hải quan. Bên cạnh đó trong công tác quản lý hải quan hiện đại, nhu cầu cần được cung cấp thông tin trước khi tàu và hàng hóa đến cảng, sân bay của Việt Nam là rất quan trọng để áp dụng phương pháp rủi ro đối với hàng hóa XNK.

Trên thực tế, công tác quản lý hải quan qua hệ thống CNTT thời gian qua chủ yếu tập trung ở khâu xử lý, làm thủ tục hải quan; chưa có sự liên thông, kết nối thông suốt giữa các khâu trước, trong thông quan, và trong quá trình vận chuyển hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan. Do đó chưa theo dõi, kiểm soát được đầy đủ trạng thái hàng hóa tại các thời điểm khác nhau từ khi bắt đầu đến khi kết thúc quá trình giám sát; chưa quản lý được chính xác hàng hóa tồn ở các cảng, kho bãi. Bên cạnh đó, quy trình thủ tục hải quan và giao nhận của DN kinh doanh cảng, kho, bãi độc lập với nhau, mất nhiều thời gian làm thủ tục với các bên. Trong khi đó, việc triển khai Điều 41 Luật Hải quan trong thời gian qua mới chỉ thực hiện một phần kết nối giữa Hải quan với DN kinh doanh cảng biển tại Hải Phòng, TP. HCM, Đà Nẵng đối với hàng container.

Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, từ năm 2016, ngành Hải quan đã khởi động việc nghiên cứu và triển khai Đề án quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không.

Theo Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan Nguyễn Mạnh Tùng, một mặt Đề án nhằm đơn giản hóa, hài hòa thủ tục hải quan với thủ tục của DN kinh doanh kho, bãi, cảng biển, cảng hàng không và các bên liên quan thông qua việc cơ quan Hải quan áp dụng hệ thống CNTT tập trung để trao đổi, cập nhật thông tin với DN kinh doanh cảng, sân bay, kho bãi giúp theo dõi chặt chẽ, kịp thời quá trình di chuyển, biến động và tình trạng của hàng hóa từ khi vào đến khi ra khỏi kho bãi, cảng và vận chuyển giữa các địa điểm chịu sự giám sát hải quan; rút ngắn thời gian và chi phí làm thủ tục của người khai hải quan. Việc trao đổi, kết nối thông tin đồng thời tăng cường công tác quản lý của cơ quan Hải quan trong việc kiểm tra, giám sát và kiểm soát hải quan, nâng cao tính tuân thủ của DN, ngăn ngừa gian lận thương mại, phòng chống buôn lậu và đảm bảo an ninh quốc gia. Mặt khác, nâng cao tính tự động hóa của hệ thống công nghệ thông tin trong việc hỗ trợ công tác kiểm tra, đối chiếu và đánh giá rủi ro, giám sát và kiểm soát hải quan.

Với các mục tiêu nêu trên, Đề án quản lý giám sát, hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không khi được triển khai thành công sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho cơ quan Hải quan, các cơ quan quản lý nhà nước mà bao gồm cả lợi ích cho các DN.

Từng bước kết nối với DN

Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) Âu Anh Tuấn cho biết, vì đây là nội dung mới nên cần có sự chuẩn bị chu đáo cả về cơ sở hạ tầng CNTT cũng như quy trình xử lý đồng bộ giữa cơ quan Hải quan và các DN cảng, kho, bãi, đồng thời xử lý được các vấn đề đặc thù của từng phương thức vận chuyển cũng như từng địa điểm lưu giữ hàng hóa. Chẳng hạn, cảng biển khác cảng hàng không, hàng hóa vận chuyển bằng container khác với hàng hóa không vận chuyển bằng container… Do đó, thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã thực hiện kế hoạch triển khai theo từng đối tượng để rút kinh nghiệm hoàn thiện cơ sở hạ tầng CNTT cũng như cơ sở pháp lý để việc triển khai đồng bộ đạt hiệu quả cao. Việc triển khai kết nối cũng được mở rộng theo lộ trình để vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đồng thời hoàn thiện hệ thống CNTT và kịp thời ban hành những văn bản hướng dẫn để không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến hoạt động XK, NK hàng hóa của DN.

Lộ trình triển khai Đề án được chia thành các giai đoạn. Ban đầu triển khai thí điểm tại Cục Hải quan Hải Phòng vào tháng 8/2017 (đối với đường biển) và tại Cục Hải quan TP. Hà Nội vào tháng 10/2017 (đối với đường không), tiếp đó sẽ triển khai mở rộng trên phạm vi toàn quốc tại các cục hải quan tỉnh, thành phố có cảng biển, sân bay quốc tế. Theo nội dung tại kế hoạch nêu trên, các cục hải quan tỉnh, thành phố cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về nguồn lực, tổ chức, hạ tầng công nghệ thông tin, tuyên truyền, hỗ trợ các DN kinh doanh cảng, kho, bãi hiểu rõ yêu cầu và tổ chức triển khai.

Yêu cầu hoàn thiện cơ sở pháp lý và hạ tầng CNTT

Để chuẩn bị cho triển khai trên diện rộng, trong thời gian qua, ngành Hải quan đã tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với việc trao đổi, kết nối thông tin với DN kinh doanh cảng, kho, bãi để việc triên khai được thông suốt (gồm: Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Thông tư 38/2015/TT-BTC). Việc sửa đổi dựa trên nguyên tắc quy định cụ thể trách nhiệm của tất cả các đối tượng tham gia vào quá trình vận chuyển, lưu giữ, giao nhận hàng hóa XK, NK đang chịu sự giám sát hải quan tại cảng, kho, bãi, địa điểm; quy định nguyên tắc kết nối, trao đổi thông tin và những thông tin cần trao đổi giữa cơ quan Hải quan và DN kinh doanh cảng, kho, bãi địa điểm; quy định thủ tục để đưa hàng qua khu vực giám sát hải quan của người khai hải quan…

Cùng với việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ quan Hải quan tiếp tục hoàn thiện hệ thống CNTT tổng thể để kết nối, trao đổi thông tin với cơ quan kinh doanh kho, bãi, cảng trong hoạt động giám sát hải quan để có thể quản lý xuyên suốt. Cụ thể, khi triển khai Đề án quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không, đối với hàng hóa NK sẽ đảm bảo quản lý, giám sát hàng hóa xuyên suốt từ khi phương tiện vận tải nhập cảnh, dỡ hàng từ phương tiện xuống cảng/kho/bãi, làm thủ tục NK, vận chuyển giữa các địa điểm chịu sự giám sát hải quan, đến khi hàng hóa được di chuyển ra khỏi khu vực giám sát hải quan để tiêu thụ nội địa hoặc chuyển sang chế độ hải quan khác (gia công, sản xuất XK…).

Đối với hàng hóa XK, đảm bảo quản lý, giám sát xuyên suốt từ khi được tập kết để XK, làm thủ tục XK, vận chuyển giữa các địa điểm chịu sự giám sát hải quan, đến khi hàng hóa được xếp lên phương tiện vận tải và di chuyển ra khỏi khu vực giám sát hải quan để XK ra nước ngoài.

Ngọc Linh

KIM NGẠCH XUẤT NHẬP KHẨU TĂNG HƠN 40 TỶ USD

(HQ Online)- Thông tin vừa được Tổng cục Hải quan công bố chiều nay (9/8) cho thấy, hoạt động XNK cả nước đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về cảng Hoàng Diệu, Hải Phòng. Ảnh: T.Bình.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch XNK của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 7 (từ 16/7/2017 đến 31/7/2017) đạt  gần 18,40  tỷ USD, tăng 10,3% tương ứng tăng hơn 1,71 tỷ USD so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 7/2017.

Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 7/2017 đã đưa tổng kim ngạch XNK của cả nước tính hết tháng 7 đạt hơn 233,13 tỷ USD, tăng 21,1% tương ứng tăng hơn 40,67 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016.

Trong kỳ 2 tháng 7 cán cân thương mại hàng hóa cả nước thặng dư 429 triệu USD, nên giúp mức thâm hụt thương mại tính hết tháng 7 chỉ còn gần 2,53 tỷ USD, bằng 2,2% kim ngạch xuất khẩu.

Liên quan đến hoạt động xuất khẩu, kỳ 2 tháng 7 vừa qua, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt hơn 9,41 tỷ USD, tăng 14,1% so với kỳ 1 tháng7. Kim ngạch xuất khẩu tăng nhờ một số nhóm hàng chủ lực như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 158 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 110 triệu USD; giày dép các loại tăng 110 triệu USD; sắt thép các loại tăng 108 triệu USD…

Như vậy, tính đến hết tháng 7, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 115,3 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Đối với hoạt động nhập khẩu, tổng trị giá kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 7 đạt hơn 8,98 tỷ USD, tăng 6,5% so với kết quả thực hiện trong kỳ 1 cùng tháng. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 2 tăng nhờ một số nhóm: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 159 triệu USD; xăng dầu các loại tăng 75 triệu USD; sắt thép các loại tăng 60 triệu USD; phân bón các loại tăng 54 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 54 triệu USD…

Hết tháng 7, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt gần 117,83 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Thái Bình

DANH MỤC HÀNG HÓA XK, NK VIỆT NAM 2017: SỬA MÃ HS NHIỀU DÒNG HÀNG

(HQ Online)- Tại Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam 2017 ban hành theo Thông tư 65/2017/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018 một số dòng hàng đã được sửa đổi do chưa phù hợp về chuyển đổi ngôn ngữ, sử dụng thuật ngữ kỹ thuật… dẫn đến có sự thay đổi phạm vi dòng.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Thái Nguyên, Cục Hải quan Bắc Ninh. Ảnh: T.Trang.

Theo đại diện Cục Thuế XNK- đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam 2017, trong tổng số 10.813 dòng hàng của Danh mục ở cấp độ 8 số, có 7.810 dòng hàng giữ nguyên mô tả tiếng Anh (theo phiên bản AHTN 2012) và 2.321 dòng hàng mới theo phiên bản AHTN 2017. Trong đó có 8 nội dung đề xuất sửa đổi mô tả hàng hóa dẫn tới thay đổi phạm vi dòng hàng.

Đưa ra ví dụ cụ thể, đại diện Cục Thuế XNK cho biết, dòng hàng 2204.10.00 – Sparkling wine, tại Danh mục 103/2015/TT-BTC dòng hàng có mô tả tiếng Việt là “- Rượu vang có ga nhẹ”. Theo TCVN 7045:2013, “Sparkling wine” được dịch là “Rượu vang nổ”, Danh mục 65/2017/TT-BTC đã dịch lại là “- Rượu vang nổ”. Với đề xuất sửa đổi này, mặt hàng “rượu vang có ga nhẹ, trừ rượu vang nổ” từ dòng hàng 2204.10.00 theo Danh mục 103/2015/TT-BTC được chuyển xuống các phân nhóm 2204.2x tại Danh mục mới.

Dòng hàng 2403.99.50 “- – – Chewing and sucking tobacco”, tại Danh mục 103/2015/TT-BTC, dòng hàng này có mô tả tiếng Việt là “- – – Thuốc lá dạng hút và dạng nhai”. Tuy nhiên, thuốc lá để hút đã được phân loại thuộc phân nhóm 2403.1x nên mô tả tại dòng hàng này chưa chính xác. Tại Danh mục mới đã dịch lại là “- – – Thuốc lá dạng nhai và dạng ngậm (sucking)”, phù hợp với nguyên bản tiếng Anh. Với đề xuất sửa đổi này, mặt hàng “thuốc lá dạng ngậm (sucking)” sẽ chuyển từ dòng hàng 2403.99.90 về dòng hàng 2403.1x.

Từ thực tế phản ánh, dòng hàng 2005.20.1x: “khoai tây chiên” cũng được sửa đổi, qua thực tế hoạt động XNK, mô tả của mặt hàng này chưa thể hiện đúng bản chất phân loại khoai tây theo “dạng lát, dạng mảnh nhỏ và dạng thanh, dạng que”. Danh mục 65/2017/TT-BTC đã dịch lại là khoai tây “dạng lát, dạng mảnh nhỏ và dạng thanh, dạng que” để sát nghĩa tiếng Anh. Việc đề xuất sửa đổi này làm thay đổi phạm vi nhóm hàng. Theo đó, một phần các dòng hàng là mặt hàng “khoai tây (trừ dạng mảnh nhỏ và dạng thanh, dạng que)” thuộc phân nhóm 2005.20.9x sẽ chuyển về phân nhóm 2005.20.1x.

Bên cạnh đó, dòng hàng 3405.30.00 cũng được sửa đổi, tại Danh mục 103/2015/TT-BTC, dòng hàng này có mô tả tiếng Việt là “- Chất đánh bóng và các chế phẩm tương tự dùng để đánh bóng khuôn cửa, trừ các chất đánh bóng kim loại”. Do “coachwork” có nghĩa chính xác là “thân xe” nên Danh mục 65/2017/TT-BTC đã dịch lại là “- Chất đánh bóng và các chế phẩm tương tự dùng để đánh bóng thân xe, trừ các chất đánh bóng kim loại”.

Với đề xuất sửa đổi này, mặt hàng “Chất đánh bóng và các chế phẩm tương tự dùng để đánh bóng thân xe, trừ các chất đánh bóng kim loại” sẽ chuyển từ dòng hàng 3405.90.90 về dòng hàng 3405.30.00; và mặt hàng “Chất đánh bóng và các chế phẩm tương tự dùng để đánh bóng khuôn cửa, trừ các chất đánh bóng kim loại” sẽ chuyển từ dòng hàng 3405.30.00 về dòng hàng 3405.90.90.

Một số dòng hàng thiết bị điện cũng được sửa đổi về mã số, đó là: Dòng hàng 8536.90.9x, thiết bị dùng để đóng ngắt mạch điện “loại có dòng điện 16A” chuyển từ dòng hàng 8536.90.93 và 8536.90.94 xuống dòng hàng 8536.90.99.

Dòng hàng 8504.31.40 “máy biến áp trung tần”: Do “transformers” là bao gồm cả máy biến áp và biến dòng, để thống nhất thuật ngữ và đảm bảo đúng phạm vi dòng hàng, Danh mục 65/2017/TT-BTC đã dịch lại là “Máy biến điện (máy biến áp và máy biến dòng) trung tần”. Với sửa đổi này đã thay đổi phạm vi dòng hàng, mặt hàng “máy biến dòng trung tần” từ mã HS 8504.31.92 và 8504.31.99 chuyển về dòng hàng 8504.31.40.

Phân nhóm 8413.70.3x: “Bơm nước được thiết kế đặt chìm dưới biển”. Tuy nhiên, trên thực tế đây là loại bơm được thiết kế đặt chìm dưới nước, tại Danh mục 65/2017/TT-BTC đã dịch lại “Bơm nước được thiết kế đặt chìm dưới nước” để phù hợp với Tiêu chuẩn Việt Nam theo TCVN 8638:2011, mục 2.3 và để đảm bảo sát nghĩa tiếng Anh. Với đề xuất sửa đổi này, phạm vi các dòng hàng thuộc phân nhóm 8413.70.3x được mở rộng, mặt hàng “bơm nước được thiết kế đặt chìm dưới nước, trừ loại đặt chìm dưới biển” sẽ chuyển từ các phân nhóm 8413.70.4x, 8413.70.5x và 8413.70.9x lên các dòng hàng thuộc phân nhóm 8413.70.3x 8413.70.3x.

Dòng hàng 8546.20.10 “- – Dùng cho đầu nối máy biến áp và thiết bị ngắt dòng”. Do “transformer” là máy biến điện, gồm hai loại là máy biến áp và máy biến dòng, “transformer bushings” là “cách điện xuyên” của máy biến điện, tại Danh mục 65/2017/TT-BTC dịch lại là “- – Cách điện xuyên của máy biến điện và cách điện của thiết bị ngắt mạch”. Với đề xuất sửa đổi này, dòng hàng thu hẹp phạm vi. Mặt hàng “vật cách điện, dùng do đầu nối máy biến áp và thiết bị ngắt dòng, trừ cách điện xuyên” sẽ chuyển từ dòng hàng 8546.20.10 xuống dòng hàng 8546.20.90.

Bên cạnh đó, một số dòng hàng khác cũng được sửa đổi. Cụ thể: Dòng hàng 8708.99.50 “- – – – Vỏ két nước làm mát”. Tuy nhiên, theo mô tả tại Chú giải Sen thì đây là một tấm dẫn khí bảo vệ cho radiator (bộ phận làm mát), tại Danh mục 65/2017/TT-BTC dịch lại là “- – – – Tấm hướng luồng khí tản nhiệt” theo đúng mô tả tại Chú giải SEN. Danh mục 65/2017/TT-BTC đã dịch lại mặt hàng “vỏ két nước làm mát” sẽ chuyển từ dòng hàng 8708.99.50 xuống dòng hàng 8708.91.92 và 8708.91.99. Và mặt hàng “Tấm hướng luồng khí tản nhiệt” chuyển từ dòng hàng 8708.99.90 về dòng hàng 8708.99.50.

Dòng hàng 4010.32.00 “Băng truyền” tại Danh mục 65/2017/TT-BTC dịch lại là “Băng truyền liên tục” để đảm bảo đúng phiên bản AHTN theo nguyên tắc 1. Với đề xuất này, mặt hàng “băng truyền không liên tục” đã được phân loại vào mã hàng 4010.32.00, nay được phân loại vào mã hàng 4010.39.00.

Dòng hàng 7005.10 “- Kính không có cốt thép, có tráng lớp hấp thụ, lớp phản chiếu hoặc không phản chiếu”, 7005.2x “- Kính không có cốt thép khác” và 7005.30.00 “- Kính có cốt thép”. tại Danh mục 65/2017/TT-BTC dịch lại mã 7005.10 “- Kính không có cốt lưới, có tráng lớp hấp thụ, lớp phản chiếu hoặc không phản chiếu”, 7005.2x “- Kính không có cốt lưới khác” và 7005.30.00 “- Kính có cốt lưới”. Với sửa đổi này, có sự dịch chuyển phạm vi của các mặt hàng thuộc nhóm 70.05, theo đó phân nhóm 7005.10 và 7005.2x bị thu hẹp và mã hàng 7005.30.00 được mở rộng. Cụ thể, mặt hàng “kính có cốt lưới, trừ loại kính có cốt thép” chuyển từ các dòng hàng thuộc phân nhóm 7005.10 và 7005.2x xuống dòng hàng 7005.30.00. Việc sửa đổi này nhằm phản ánh đúng bản chất dòng hàng, sát nghĩa tiếng Anh và phù hợp với chính sách thuế áp dụng giữa kính không có cốt lưới và kính có cốt lưới.

Dòng hàng 3824.99.10 “Chất tẩy mực, sửa bản in từ khuôn tô và chất tẩy rửa dạng lỏng khác, đã đóng gói để bán lẻ”, nay Danh mục 65/2017/TT-BTC dịch lại là “- – – Các chất tẩy mực, chất sửa giấy nến (stencil correctors), chất lỏng dùng để xóa và các băng để xóa khác (trừ những hàng hóa thuộc nhóm 96.12), đã đóng gói để bán lẻ”. Sửa đổi này, mặt hàng “chất lỏng dùng để xóa và các băng để xóa khác (trừ những hàng hóa thuộc nhóm 96.12), đã đóng gói để bán lẻ” chuyển từ dòng hàng 3824.90.99  (thuế suất MFN 0%, ACFTA 0%, AJFTA 0%) về dòng hàng 3824.90.10 (thuế suất MFN 5%, ACFTA 5%, AJFTA 5%).  

– Nhóm 05.02 “phế liệu từ lông lợn”. được dịch lại là “phế liệu từ các loại lông trên”. Tại Danh mục 65/2017/TT-BTC, dòng hàng sẽ mở rộng phạm vi, không chỉ phế liệu của lông lợn mà còn phế liệu của lông chồn hôi, lông sóc, lông chồn… dùng làm bàn chải, chổi hiện đang thuộc nhóm 0511.99.90 sẽ chuyển về nhóm 0502.90.00.

– Dòng hàng 4012.90.70 “Lốp có thể đắp lại hoa lốp chiều rộng không quá 450 mm” là một trong những mặt hàng thời gian qua cũng gặp nhiều vướng mắc trong phân loại cũng đã được sửa đổi. Theo đúng bản chất mặt hàng thì “Replaceable tyre treads” là “hoa lốp đắp lại”, Tổng cục Hải quan và các đơn vị đề xuất dịch lại là “Hoa lốp đắp lại có chiều rộng không quá 450 mm”.

Với sửa đổi này, tại Danh mục 65/2017/TT-BTC mặt hàng “Lốp có thể đắp lại hoa lốp chiều rộng không quá 450 mm” sẽ chuyển từ dòng hàng 4012.90.70 xuống dòng hàng 4012.90.90 và mặt hàng “Hoa lốp đắp lại có chiều rộng không quá 450 mm” sẽ chuyển từ dòng hàng 4012.90.90 lên dòng hàng 4012.90.70. Việc sửa đổi nhằm phản ánh đúng bản chất mặt hàng, sát nghĩa tiếng Anh và phù hợp với chính sách thuế áp dụng khác nhau giữa mặt hàng lốp và hoa lốp.

Thu Trang

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

ĐỨC LÀ ĐỐI TÁC THƯƠNG MẠI LỚN NHẤT CỦA VIỆT NAM Ở CHÂU ÂU

(HQ Online)- Với tổng trị giá kim ngạch buôn bán 2 chiều đạt 3,859 tỷ USD, tính hết tháng 5/2017, Đức đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu.

Biểu đồ trị giá kim ngạch 6 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của nước ta sang Đức tính hết tháng 5/2017, đơn vị tính “triệu USD”. Biểu đồ: T.Bình.

Thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, về xuất khẩu, hết tháng 5, thị trường Đức tiêu thụ lượng hàng hóa từ Việt Nam đạt tổng trị giá 2,628 tỷ USD, đứng ở vị trí thứ 2 ở khu vực châu Âu sau Hà Lan (đạt 2,672 tỷ USD).

Tuy nhiên, với trị giá kim ngạch nhập khẩu trong cùng thời điểm là 1,231 tỷ USD, tổng trị giá kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Đức đạt con số lớn nhất trong các bạn hàng của nước ta ở châu Âu (bởi kim ngạch nhập khẩu từ Hà Lan chỉ đạt hơn 271 triệu USD).

Trong số các nhóm hàng xuất khẩu lớn của nước ta sang Đức, có 6 nhóm hàng đạt trị giá kim ngạch từ 100 triệu USD trở lên. Trong đó, điện thoại và linh kiện đứng vị trí số 1 với trị giá kim ngạch gần 733 triệu USD (cập nhật hết tháng 5/2017). Các nhóm hàng kế tiếp là: Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày đạt hơn 394 triệu USD; cà phê gần 270 triệu USD; dệt may 258 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 188,6 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng 143 triệu USD.

Trong khi đó, ở chiều nhập khẩu, cùng thời điểm trên có 2 nhóm hàng nhập khẩu từ Đức đạt trị giá kim ngạch từ 100 triệu USD trở lên gồm: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 516,4 triệu USD; dược phẩm 127,8 triệu USD.

Như vậy, so với cùng kỳ 2016, trị giá kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Đức tăng 8,5% tương đương 206 triệu USD; trong khi đó nhập khẩu tăng tới 16%, tương đương 170 triệu USD.

Thái Bình

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

GỠ VƯỚNG NHIỀU QUY ĐỊNH ÁP MÃ HS ĐỐI VỚI CÁC MẶT HÀNG XNK

(HQ Online)- Trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, nhiều DN đã phản ánh những vướng mắc liên quan đến quy định áp mã đối với các mặt hàng XNK. Nhằm tạo điều kiện và hỗ trợ thông tin để các DN nắm được các quy định về chính sách pháp luật liên quan đến hải quan, Tổng cục Hải quan đã trả lời cụ thể một số vướng mắc của DN.

Công chức Hải quan Lạng Sơn kiểm tra mặt hàng thép NK. Ảnh: H.Nụ.

Công ty CP thương mại Citicom nêu, hiện tại, thép dây hợp kim NK về với mã HS 7227.90.00 đang bị áp thuế tự vệ là 15,4%, do đó, DN đã chuyển sang NK thép dây không hợp kim với mã HS 7213.91.90, thuế NK 3%. Tuy nhiên, theo thông tin DN được biết thì một số nhà sản xuất trong nước đang đề nghị Bộ Công Thương đưa thêm mặt hàng này vào danh mục hàng chịu thuế tự vệ như hàng hợp kim. Vậy Bộ Công Thương có đưa mặt hàng này vào danh mục chịu thuế tự vệ như hàng hợp kim không và nếu có thì dự kiến khi nào?  Đề nghị Tổng cục Hải quan cho biết kết quả điều tra mặt hàng thép hình H và nếu thay đổi, thì khi nào áp dụng?

DN cũng cho rằng, DN đang nhập thép dây không hợp kim theo mã HS 7213.91.90, thuế NK 3%. Tuy nhiên, cũng có một mã HS khác là 9839.10.00  với mô tả hàng hóa giống hệt, có DN khác NK cùng nhà máy với DN đã sử dụng được với cùng mục đích sử dụng, thuế 0%. Vậy, DN đề nghị có hướng dẫn cụ thể chi tiết để đảm bảo các DN cạnh tranh một cách công bằng.

Liên quan đến các thắc mắc của DN, hiện nay Tổng cục Hải quan chưa nhận được thông tin về việc mặt hàng thuộc mã số 7213.91.90 đưa vào danh mục chịu thuế tự vệ và kết quả điều tra mặt hàng thép hình chữ H. Do đó, Tổng cục Hải quan đề nghị DN liên hệ với Bộ Công Thương để biết thông tin cụ thể.

Căn cứ chú giải chương 98 Biểu thuế NK ưu đãi ban hành kèm theo Nghị định số 122/2016/NĐ-CP của Chính phủ thì mặt hàng thép “không hợp kim, dạng thanh và dạng cuộn cuốn không đều, được cán nóng” thuộc nhóm 98.39 phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật quy định tại một trong các tiêu chuẩn TCVN 1766:1975 và TCVN 8996:2011 (ISO 4954:1993) do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Như vậy đã có tiêu chuẩn để phân biệt thép không hợp kim thuộc nhóm 9839.10.00 và nhóm 7213.91.90, do đó, đề nghị DN nghiên cứu Nghị định số 122/2016/NĐ-CP để thực hiện đúng quy định.

Công ty TNHH Yamaha Moto Việt Nam thắc mắc sau khi có kết quả phân tích phân loại mã HS của một chi tiết NK của DN, nếu kết quả phân tích phân loại mã HS này khác với mã HS mà DN khai báo trước đó làm thuế NK của chi tiết tăng: DN có phải khai báo bổ sung mã HS của các lô hàng NK trước đó để nộp thuế bổ sung không? Thời hạn khai báo bổ sung là mấy năm trước đó? HS làm thuế NK của chi tiết giảm: DN có được khai báo bổ sung mã HS của các lô hàng NK trước đó để hoàn thuế không? Thời hạn khai báo bổ sung là mấy năm trước đó?

Về vấn đề này, theo Tổng cục Hải quan, tại Khoản 4 Điều 29 Luật Hải quan 2014 và Khoản 1 Điều 20 Thông tư số 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định các trường hợp khai bổ sung hồ sơ hải quan. Đối chiếu với thắc mắc của DN, trường hợp DN khai bổ sung mã HS cho các lô hàng trước đó thì căn cứ thực tế tình trạng lô hàng để áp dụng quy định theo Điểm b, c, d Khoản 1 Điều 20 Thông tư 38/2015/TT-BTC.

Công ty TNHH Minh Nhật đề nghị cơ quan Hải quan hướng dẫn thực hiện đối với quy định về HS code khí ga hóa lỏng đối với mặt hàng Propan và Butan.

Theo Tổng cục Hải quan, căn cứ quy định tại Phụ lục V Danh mục hóa chất phải khai báo ban hành kèm Nghị định số 26/2011/NĐ-CP của Chính phủ thì mặt hàng Propan (mã số HS 271112), Butan (mã số HS 271113) thuộc số thứ tự 9 trong Phụ lục V nêu trên thì phải khai báo hóa chất NK với Bộ Công Thương trước khi thông quan. Mặt hàng“loại khác” (mã số HS 271119) không thuộc Danh mục hóa chất phải khai báo theo quy định tại Phụ lục V nêu trên.

Liên quan đến quy định hướng dẫn việc giám sát đối với mặt hàng LPG XK vào Khu công nghiệp-Khu chế xuất, đề nghị DN căn cứ các quy định tại Thông tư số 69/2016/TT-BTC để thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra và giám sát hải quan đối với lượng nhiên liệu cung ứng cho DN thuộc các khu vực hải quan riêng trên lãnh thổ Việt Nam.

Công ty TNHH cơ điện lạnh và thương mại Hòa Bình – Thương Hiệu Alaske hỏi Bộ Tài chính đã có cơ chế trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, kinh nghiệm các nước trong việc phân loại áp mã số HS đối với nhiều mặt hàng mới, có nhiều chức năng sử dụng tích hợp vào trong một mặt hàng chưa? Bộ Tài chính có quy định nào giúp hỗ trợ người khai hải quan để thực hiện thống nhất theo hướng dẫn phân loại áp mã để tránh cho người khai hải quan khi NK, khi đã phân phối, khi đã hạch toán và nộp thuế không bị xem xét truy thu, truy hoàn vì áp mã chưa chính xác đối với những mặt hàng khó áp mã này không?

Về kiến nghị của DN, liên quan đến quyết định ấn định thuế, theo Tổng cục Hải quan, căn cứ Quyết định số 49/QĐ-CTN ngày 6/3/1998 của Chủ tịch nước, Việt Nam là thành viên tham gia Công ước Quốc tế về Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa (Công ước HS). Công ước HS là Công ước do Hội đồng hợp tác Hải quan, nay gọi là Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) thông qua ngày 14/6/1983 tại Bruxelles, Vương quốc Bỉ.

Từ khi tham gia đến nay, Việt Nam (nói chung), Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan (nói riêng) luôn tuân thủ đầy đủ các quy định về việc phân loại theo Công ước HS và thường xuyên có sự trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với các nước thành viên tham gia Công ước cũng như các hướng dẫn của WCO (thông qua việc tham gia các khóa tập huấn về phân loại áp mã trong khối ASEAN để trao đổi kinh nghiệm với các nước trong khu vực, hướng tới thống nhất cách hiểu, cách phân loại áp mã cho hàng hóa XNK (đặc biệt là các mặt hàng mới…). Ngoài ra, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan thường xuyên tham khảo các tài liệu như: Chú giải chi tiết HS 2012, Chú giải bổ sung Danh mục AHTN, tuyển tập ý kiến phân loại của WCO… khi thực hiện phân loại, áp mã cho hàng hóa, với mục đích xác định chính xác, thống nhất mã HS đối với các hàng hóa XNK, nhằm tạo thuận lợi cho DN.

Tại Điều 7 và Điều 39 Luật Quản lý thuế, Điều 18 Luật Hải quan 2014 quy định, người khai hải quan có trách nhiệm tự kê khai và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin khai báo trên tờ khai hải quan. Khoản 3 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định trách nhiệm của người khai hải quan: “Người khai hải quan phải khai đầy đủ, chính xác, trung thực, rõ ràng các tiêu chí trên tờ khai hải quan; tự tính để xác định số thuế, các khoản thu khác phải nộp ngân sách nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung đã khai”.

Trong quá trình thực hiện hoạt động XNK, trường hợp DN có khó khăn, vướng mắc trong việc xác định mã số HS hàng hóa có thể liên hệ ngay với cơ quan Hải quan để được hướng dẫn, giải quyết kịp thời, tránh thiệt hại cho DN. Trường hợp vẫn không thể xác định được mã HS thì có thể gửi hồ sơ tới Tổng cục Hải quan để xin xác định trước mã số hàng hóa. Thủ tục xin xác định trước mã số HS của hàng hóa thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế XNK và quản lý thuế đối với hàng hóa XNK.

Trường hợp có văn bản của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và các cơ quan hữu quan khác sửa đổi, hướng dẫn phân loại áp mã, làm ảnh hưởng tới quá trình khai hải quan về mã số, mức thuế và hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh của người khai hải quan, người nộp thuế thì thực hiện phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế kể từ ngày văn bản sửa đổi hướng dẫn phân loại có hiệu lực pháp luật theo quy định (quy định tại Điều 6, Thông tư 14/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa; phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa XNK).

Tuấn Kiệt

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

6 THÁNG: CÓ 5,2 TRIỆU TỜ KHAI KHẢI QUAN LÀM THỦ TỤC

(HQ Online)- Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, ước tính trong 6 tháng/2017, tổng số lượng tờ khai XNK đạt 5,2 triệu tờ, tăng 17,1%, trong đó lượng tờ khai XK ước đạt 2,5 triệu tờ, tăng 16% và số lượng tờ khai NK ước tính 2,7 triệu tờ, tăng 18,5% so với cùng kỳ 2016. 

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Yên Phong, Cục Hải quan Bắc Ninh. Ảnh: T.Trang.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng trị giá XNK hàng hoá ước đạt 198,25 tỷ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ 2016; trong đó tổng trị giá XK ước đạt 97,78 tỷ USD, tăng 18,9% và tổng trị giá NK ước đạt 100,47 tỷ USD, tăng 24,1%. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng/2017 dự kiến nhập siêu 2,7 tỷ USD. 

Một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố có kim ngạch hàng hóa XK, NK tăng cao so với cùng kỳ 2016: Bắc Ninh (tăng 26,5%); Tp. Hồ Chí Minh (tăng 19%); Hải Phòng (tăng 14,7%); Bình Dương (tăng 21,5%); Đồng Nai (tăng 13,6%)…

Trong 6 tháng đầu năm 2017, ước tính cả nước có 540 nghìn lượt phương tiện xuất nhập cảnh, tăng trên 4% so với cùng kỳ 2016, trong đó số lượt phương tiện xuất cảnh đạt 271 nghìn lượt, tăng 7,8% và nhập cảnh là 269 nghìn lượt, tăng nhẹ trên 1%.

Hải Nam

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/