ĐĂNG KÝ THUẾ KINH DOANH QUA MẠNG: NÊN TỰ GIÁC ĐỂ TRÁNH BỊ PHẠT

(HQ Online)- Vừa qua, Tổng cục Thuế đã có văn bản chỉ đạo các cục thuế địa phương yêu cầu các cá nhân, DN kinh doanh qua mạng phải đăng ký và nộp thuế. Cục Thuế TP.HCM đã chính thức triển khai, Cục Thuế TP. Hà Nội cũng đã bắt tay vào thực hiện. Tuy nhiên, kết quả ban đầu chưa được như kỳ vọng. Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam đã trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

Bà Nguyễn Thị Cúc.

Thưa bà, ngành Thuế đang đẩy mạnh việc thu thuế của các cá nhân, DN kinh doanh qua mạng. Bà đánh giá thế nào về hoạt động này?

Theo tôi, việc quản lý, thu thuế hoạt động bán hàng qua mạng xã hội là một tất yếu khách quan vì các DN kinh doanh bình thường phải nộp thuế thì các DN kinh doanh qua mạng cũng phải nộp thuế là hoàn toàn phù hợp.

Tổng cục Thuế đã có văn bản chỉ đạo các cục thuế địa phương yêu cầu các cá nhân, DN kinh doanh qua mạng phải đăng ký và nộp thuế. Trong số đó, ngoài DN, cá nhân chỉ hoạt động bán hàng trên mạng; có cả các DN, cá nhân vừa hoạt động kinh doanh thuần túy thông thường vừa kinh doanh trên mạng. Đối với loại hình thứ 2, họ phải kê khai, tổng hợp cả phần doanh thu kinh doanh trên mạng và phần kinh doanh truyền thống.

Trong trường hợp tổng doanh thu cả 2 mảng kinh doanh từ 100 triệu đồng trở xuống thì họ được miễn thuế. Còn tất cả các trường hợp khác trên 100 triệu đồng doanh thu thì phải kê khai thuế. Nếu không thực hiện, cơ quan Thuế sẽ có các biện pháp phối hợp để yêu cầu các cá nhân, DN thực hiện bình đẳng trước pháp luật về thuế. Điều đó sẽ vừa tạo điều kiện cho DN phát triển, vừa đảm bảo bình đẳng giữa kinh doanh truyền thống và kinh doanh qua mạng.

Thực tế, các hộ, các DN truyền thống phải thuê địa điểm, thuê nhân công mà vẫn nộp thuế thì không có lý do gì hoạt động kinh doanh qua mạng tiết kiệm được chi phí thuê địa điểm và chi phí nhân công lại không nộp.

Vừa qua, Cục Thuế TP.HCM đã tiếp nhận đăng ký của các cá nhân, DN kinh doanh qua mạng. Tuy nhiên, con số thống kê cho đến nay không được như kỳ vọng. TP. Hà Nội thì mới bắt tay vào thực hiện, chưa có thống kê cụ thể. Theo bà, muốn triển khai thành công việc thu thuế này, cơ quan Thuế cần phải làm gì?

Trước mắt, việc tuyên truyền, khuyến khích để các cá nhân tự đăng ký là quan trọng nhất. Đến một thời điểm nhất định, các cá nhân, DN vẫn không đăng ký thì cơ quan Thuế sẽ buộc phải dùng đến các biện pháp được phép như thanh tra, kiểm tra, thậm chí là cưỡng chế thuế để đưa các hộ, cá nhân kinh doanh vào một mặt bằng có kỷ cương, lập lại bình đẳng về thuế.

Bà có khuyến nghị gì đối với các cá nhân, DN đang kinh doanh qua mạng mà chưa đăng ký thuế?

Tôi nghĩ rằng, tốt hơn hết, các hộ, các DN đã nhận được thông báo của cơ quan Thuế thì nên tự giác kê khai thay vì để cơ quan Thuế phải áp dụng các biện pháp “cứng”. Thực tế, bên cạnh việc huy động nhân lực thanh tra, kiểm tra sẵn có, cơ quan Thuế còn có thể phối hợp với các cơ quan chức năng khác như cơ quan quản lý truyền thông, tổ chức tín dụng, thậm chí có thể phối hợp với an ninh dữ liệu mạng để khôi phục những dữ liệu mà các cá nhân cố ý xóa đi để tính toán lại doanh thu nộp thuế để truy thu.

Khi các cá nhân, DN đã không tự nguyện thì việc truy thu thuế còn kèm theo cả tiền phạt từ 1 đến 3 lần, khá là nặng. Do đó, các cá nhân, các DN nên tự giác đăng ký, kê khai thuế theo hướng dẫn của cơ quan Thuế.

Xin cảm ơn bà!

Hồng Vân (ghi)

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

DI DỜI CẢNG NHÀ RỒNG- KHÁNH HỘI, CẢNG TÂN THUẬN

(HQ Online)- UBND TP.HCM vừa giao Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất phương án thực hiện dự án Cảng Sài Gòn – Hiệp Phước, giai đoạn 2 phục vụ di dời khu cảng Nhà Rồng – Khánh Hội.

Tàu cập cảng Khánh Hội

Theo đó UBND huyện Nhà Bè cần phối hợp với Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (Công ty IPC) đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với diện tích đất thuộc dự án Cảng Sài Gòn – Hiệp Phước, giai đoạn 2 để sớm bàn giao cho Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn triển khai xây dựng cảng mới.

Cảng Sài Gòn có trách nhiệm báo cáo UBND TP.HCM phương án di dời, bàn giao mặt bằng khu cảng Nhà Rồng – Khánh Hội; đồng thời bảo đảm thời gian bàn giao mặt bằng trụ sở cảng Sài Gòn trước ngày 31/12/2018.

Được biết, tại cảng Nhà Rồng hiện nay là nơi có trụ sở nơi làm việc của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 2 và Đội Kiểm soát Hải quan- Cục Hải quan TP.HCM. Đại diện Cục Hải quan TP.HCM cho biết đã có phương án bố trí trụ sở làm việc cho 2 đơn vị trên khi phải bàn giao mặt bằng phục vụ di dời cảng.  

UBND TP.HCM cũng chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan báo cáo phương án di dời cảng Tân Thuận khi xây dựng cầu Thủ Thiêm 4. Sở Quy hoạch – Kiến trúc được giao đề xuất quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với phần diện tích đất còn lại của cảng này; xem xét điều chỉnh quy hoạch 1/2000, quy hoạch sử dụng đất và phương án sử dụng đất đối với các khu đất của cảng Sài Gòn đang quản lý thuộc phường Tân Thuận Tây, quận 7 để di dời trụ sở văn phòng làm việc của cảng Sài Gòn và đầu tư trung tâm Logistics.

Ngoài ra, sở Giao thông Vận tải TP.HCM cũng được giao đề xuất thành lập Ban điều phối hoạt động chung của hệ thống cảng biển trên địa bàn TP.HCM, để hỗ trợ về hạ tầng giao thông kết nối các cảng, bảo đảm an toàn và tránh ùn tắc giao thông, đáp ứng yêu cầu XNK hàng hóa, phục vụ du lịch; đề xuất phương án bảo đảm an toàn, tránh ùn tắc giao thông cho các phương tiện vận tải ra vào khu cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè khi di dời các cảng tại quận 4 và quận 7 về khu vực này.

Lê Thu

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

Bao Cong thuong

XUẤT KHẨU CÁ NGỪ TĂNG TRƯỞNG ẤN TƯỢNG

Từ đầu năm đến nay, XK cá ngừ đã có sự tăng trưởng đầy ấn tượng, qua đó góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của XK thủy sản.

Theo VASEP, trong 5 tháng đầu năm nay, giá trị XK thủy sản cả nước ước đạt 2,76 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong các mặt thủy sản XK chủ lực, cá ngừ là một trong những mặt hàng có mức tăng trưởng ấn tượng nhất.


Khai thác cá ngừ đại dương
Khai thác cá ngừ đại dương

Trong 5 tháng qua, XK cá ngừ đạt 215,893 triệu USD, tăng 20,3% so cùng kỳ 2016. Chính nhờ sự tăng trưởng mạnh của cá ngừ cùng với cá các loại khác (tăng 9,4%) và nhuyễn thể (tăng 35,6%) đã giúp cho XK thủy sản nói chung có được mức tăng trưởng như trên trong bối cảnh các sản phẩm chủ lực khác là tôm, cá tra đều có mức tăng trưởng thấp, còn cua ghẹ và giáp xác khác lại tăng trưởng âm.

XK cá ngừ đầu năm nay tăng trưởng tốt trước hết là nhờ sự gia tăng về sản lượng khai thác. Trong 4 tháng đầu năm, sản lượng khai thác cá ngừ tại 3 tỉnh trọng điểm là Phú Yên, Bình Định và Khánh Hòa đạt 8.545 tấn, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhưng yếu tố chính là nhờ sự phục hồi về XK cá ngừ vào các thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản… Mấy năm qua, XK cá ngừ sang Nhật Bản liên tục sụt giảm do khó cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại của Thái Lan, Philippines… (cá ngừ của những nước này vào Nhật Bản có mức thuế thấp hơn nhiều, thậm chí không còn phải chịu thuế NK như cá ngừ Việt Nam). Nhưng từ cuối năm ngoái đến nay, XK cá ngừ sang Nhật Bản đã từng bước hồi phục. Trong quý 1, XK cá ngừ sang Nhật Bản tăng tới 31% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở các thị trường Mỹ, EU…, XK cá ngừ đông lạnh và cá ngừ chế biến đóng hộp của Việt Nam vẫn đang tăng trưởng tốt, giúp cho sự tăng trưởng chung của cả ngành hàng cá ngừ. Tăng trưởng ấn tượng nhất là cá ngừ chế biến đóng hộp, với mức tăng tới 35% trong 5 tháng qua. Đặc biệt, tại thị trường Mỹ, trong khi giá cá ngừ vằn tăng cao (thông thường sẽ ảnh hưởng tới tiêu thụ cá ngừ chế biến đóng hộp), nhưng cá ngừ chế biến đóng hộp của Việt Nam vẫn thu hút khách hàng nước này. Tại EU, cá ngừ chế biến đóng hộp cũng chiếm tỷ trọng lớn trong XK cà ngừ của Việt Nam vào khu vực này. Trong quý 1, cá ngừ chế biến đóng hộp chiếm 37% tổng giá trị cá ngừ XK vào EU. Còn thăn/philê cá ngừ đông lạnh, có mức tăng trưởng XK là 11%.

Một điều cũng đáng chú ý trong XK cá ngừ 5 tháng qua là số thị trường được mở rộng. Hiện cá ngừ Việt Nam đã được XK sang 79 thị trường, nhiều hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Dự báo trong những tháng tới, XK cá ngừ vẫn tiếp tục thuận lợi nhờ nhu cầu tăng từ các thị trường chủ lực. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số doanh nghiệp chế biến, XK cá ngừ sẽ có cơ hội tăng trưởng mạnh hơn nữa nếu tháo gỡ kịp thời một số vướng mắc hiện nay.

Cụ thể, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, nghề lưới vây của Việt Nam có ưu điểm là không sử dụng thiết bị dẫn dụ cá. Điều này đáp ứng được yêu cầu đánh bắt trong tương lai, thương mại và nhu cầu tiêu thụ trên thế giới. Rõ ràng đây là một lợi thế của Việt Nam trong khai thác cá ngừ, cần được đẩy lên thành thế mạnh để cạnh tranh với sản phẩm cá ngừ của các nước khác. Do đó, Tổng cục Thủy sản cần xem xét, sớm công bố nghề lưới vây của Việt Nam không sử dụng thiết bị dẫn dụ.

Một băn khoăn lớn của các DN chế biến, XK cá ngừ sang EU là Hiệp định thương mại tự do EVFTA sắp có hiệu lực, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có quy định, hướng dẫn nào về con số quota cũng như quy trình cụ thể cho việc cấp hạn ngạch XK cá ngừ Việt Nam vào EU. Vì vậy, Bộ Công thương cần sớm thống nhất với EU về con số và cơ chế cấp hạn ngạch cho cá ngừ Việt Nam vào khu vực này. EU hiện đang là thị trường lớn thứ 2 của cá ngừ Việt Nam, với kim ngạch 115 triệu USD trong năm 2016.

Theo Nông nghiệp VN

Nguồn: http://baocongthuong.com.vn/

SẼ KIỂM SOÁT QUÁ TRÌNH XUẤT NHẬP KHẨU THEO CHUỖI

(HQ Online)- Làm thế nào để ứng dụng công nghệ thông tin tối đa thông suốt từ khâu đầu đến khâu cuối của quá trình nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa, tránh việc DN phải lặp đi lặp lại việc khai báo nhiều lần cùng một nội dung cho nhiều cơ quan? 

Việc cấp số định danh sẽ tạo thuận lợi trong việc kiểm soát hàng ra, vào kho bãi cảng. Ảnh N.Linh

Đây chỉ đạo của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh liên quan đến nội dung cấp số định danh trong khai báo hải quan, đang được Tổng cục Hải quan đưa vào dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC.

Để xây dựng cách thức triển khai, ngày 12/6, Tổng cục Hải quan đã tổ chức họp khảo sát và trao đổi với đại diện một số DN kinh doanh cảng, hãng tàu tại Hải Phòng về việc cấp số định danh hàng hóa XK, NK.

Tại cuộc họp đại diện Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan đã cho biết, với mục tiêu quản lý hàng hóa xuyên suốt từ khâu đầu đến khâu cuối của quá trình NK, XK hàng hóa, việc cấp số định danh cho hàng hóa XNK sẽ dựa trên một số nguyên tắc: Thông tin để cấp số định danh, sử dụng số định danh và thời điểm cấp số định danh.

Thông tin để cấp số định danh đối với hàng hóa NK, hệ thống tự động cấp theo các thông tin có trên bản khai hàng hóa, số định danh được cấp cho từng house bill (số vận đơn). Số định danh cấp ra đảm bảo duy nhất, không trùng lặp trên toàn hệ thống.

Đối với hàng hóa NK, hệ thống cấp số định danh dựa trên thông tin do DN XNK cung cấp (số booking, mã số thuế). Số định danh cấp ra đảm bảo duy nhất, không trùng lắp trên toàn hệ thống.

Số định danh được DN kinh doanh cảng, kho, bãi sử dụng khi đưa hàng hóa vào/ra cảng, kho bãi và gửi thông tin trao đổi với hệ thống của cơ quan Hải quan. Số định danh được khai báo trên tờ khai hải quan, sử dụng liên kết các khâu, các thủ tục.

Thời điểm cấp số định danh, đối với hàng hóa NK là thời điểm cơ quan Hải quan tiếp nhận/phê duyệt bản khai hàng hóa (kèm theo các thông tin house bill đã được khai báo). Trường hợp thông tin bản khai hàng hóa chưa đầy đủ thì hãng tàu, người phát hành vận đơn phải khai báo bổ sung để hệ thống cấp số định danh.

Đối với hàng hóa XK: Trước khi hàng hóa đưa vào khu vực chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan, DN XNK đăng ký để được cấp số định danh.

Tại cuộc họp, các ý kiến của hải quan và DN cũng thảo luận về các phương án cấu trúc số định danh do cơ quan Hải quan đưa ra. Phó Tổng cục trưởng Vũ Ngọc Anh cho biết, các ý kiến sẽ được tổng hợp, thống nhất để đưa ra phương án tối ưu, đảm bảo mục tiêu tạo thuận lợi cho DN XNK, DN kinh doanh kho bãi cảng nhưng cũng phù hợp với yêu cầu quản lý của cơ quan Hải quan.

Theo quy định hiện hành chưa có quy định nào để đưa ra một tiêu chí bắt buộc trên tờ khai hải quan để có thể nhận biết chính xác một lô hàng XK, NK từ khi có dự kiến XK, NK đến khi thực tế XK, NK dẫn đến cùng một lô hàng XK, NK được khai báo ở nhiều khâu trong quy trình thủ tục (manifest, trong thông quan, qua khu vực giám sát…) nhưng không có sự kết nối dẫn đến nếu khâu trước có sai sót thì khâu sau cũng không nhận biết để không có phép thực hiện tiếp thủ tục. 

Điều này dẫn đến việc quản lý hải quan bị hạn chế (khó có thể triển khai Điều 41 Luật Hải quan, không kiểm tra, ngăn chặn được tờ khai trùng, tờ khai ảo…) cũng như giảm tính chính xác, minh bạch khi thực hiện thủ tục hải quan cho DN.

Do vậy, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38 đã đưa ra quy định về số định danh cho hàng hóa XK, NK.

N.Linh

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

BỘ TÀI CHÍNH THỰC HIỆN 28 TTHC TRIỂN KHAI DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN MỨC ĐỘ 3,4

(HQ Online)- Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định về Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương năm 2017.

Công chức Chi cục Hải quan Bắc Ninh làm thủ tục cho doanh nghiệp. Ảnh: Hữu Linh
Danh mục gồm 707 thủ tục hành chính triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Trong đó, có 354 thủ tục hành chính triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để các bộ, ngành thực hiện trong năm 2017.

Theo đó, Bộ Tài chính thực hiện 28 thủ tục hành chính; Bộ Y tế thực hiện 85 thủ tục hành chính; Bộ Văn hóa, thể thao và  Du lịch thực hiện 74 thủ tục hành chính; Bộ Giao thông vận tải thực hiện 56 thủ tục hành chính…

Đối với Bộ Tài chính, một số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cần thực hiện là: đăng ký giá của các DN thuộc danh sách đăng ký giá của Bộ; các thủ tục liên quan đến Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, Giấy chứng nhân đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán; đăng ký thành lập và hoạt động của công ty đầu tư chứng khoán đại chúng…

Trong đó, lĩnh vực Hải quan phải thực hiện 2 thủ tục triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là: Nhóm liên quan đến phân loại, xác định trước mã số, xác định trước xuất xứ, khai báo, tham vấn, xác định trị giá; nhóm liên quan đến miễn thuế, giảm thuế, nộp thuế, bảo lãnh thuế.

Về dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, Bộ Tài chính phải thực hiện một số nhiệm vụ như: các thủ tục liên quan đến Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán; nộp thuế điện tử đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản; hoàn thuế…

Ngoài ra, quyết định của Thủ tướng cũng đặt ra những nhiệm vụ, yêu cầu cho việc vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia trong năm 2017.

Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ ban hành hướng dẫn tiêu chí đánh giá, xác định thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; xây dựng và đưa vào vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia trong năm 2017; hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tích hợp các dịch vụ công trực tuyến vào Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương xây dựng, triển khai Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp Bộ và cấp tỉnh theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật về kết nối, tích hợp dịch vụ công để bảo đảm tích hợp tất cả các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm khả năng chia sẻ, trao đổi thông tin về công dân theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc thông điệp dữ liệu công dân trao đổi với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (QCVN:109/2017/BTTTT).

Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, vận hành Cổng thanh toán tập trung để thanh toán các khoản phí, lệ phí và các khoản nộp ngân sách nhà nước khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến…

Hương Dịu

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

QUY ĐỊNH MỚI VỀ QUẢN LÝ HÀNG HÓA Ở KHU VỰC HẢI QUAN RIÊNG

(HQ Online)- Chiều nay (12/6) với tỉ lệ 88,19% đại biểu tán thành, Quốc hội thông quan Luật Quản lý ngoại thương. Đồng thời, Quốc hội cũng thông qua việc điều chỉnh một số nội dung trong chương trình nghị sự từ ngày 16/6 đến ngày bế mạc.
Ông Vũ Hồng Thanh: Khái niệm về kho ngoại quan, việc thành lập, hoạt động và quản lý kho ngoại quan đã được quy định thống nhất tại Luật Hải quan.

Khu hải quan riêng

Một nội dung đáng chú ý trong Luật là quy định về quản lý hàng hóa trong khu vực hải quan riêng (Mục 8, Chương II).

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý liên quan đến quy định về nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Có ý kiến đề nghị rà soát khoản 1 và khoản 2 Điều 57 quy định đối với hàng hóa xuất khẩu để thống nhất với các quy định về thông quan và quản lý thuế xuất khẩu, nhập khẩu.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về áp dụng biện pháp quản lý hàng hóa xuất khẩu đối với khu vực hải quan riêng đã được rà soát thống nhất với quy định về thông quan hàng hóa theo quy định hiện hành, theo đó quy trình thực hiện làm thủ tục hải quan không thay đổi, được thực hiện theo quy định của pháp luật về hải quan. Luật không quy định các nội dung về quản lý thuế mà chỉ quy định các nội dung liên quan đến các biện pháp quản lý ngoại thương theo quy định của luật này.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị quy định thống nhất về chính sách kho ngoại quan trong Luật để thống nhất, tránh tình trạng chính sách về kho ngoại quan do Bộ Tài chính đề xuất và thực hiện còn chính sách quản lý ngoại thương giao cho Bộ Công Thương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Kho ngoại quan là một hoạt động mang tính chất nghiệp vụ của cơ quan Hải quan. Khái niệm về kho ngoại quan, việc thành lập, hoạt động và quản lý kho ngoại quan đã được quy định thống nhất tại khoản 10 Điều 4 và Mục 5 Luật Hải quan.

Chưa thông qua Luật Quy hoạch

Trong phần đầu phiên làm việc chiều nay (12/6) Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã báo cáo Quốc hội một số nội dung điều chỉnh về chương trình nghị sự của kỳ họp lần này (từ 16 đến 21/6).

Theo đó, Quốc hội sẽ chưa xem xét thông quan Luật Quy hoạch như dự kiến ban đầu. Theo dự kiến ban đầu Luật Quy hoạch được biểu quyết thông qua vào ngày 19/6. Tuy nhiên, căn cứ kết quả thảo luận của Quốc hội tại phiên họp sáng 26/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy dự án Luật còn nhiều ý kiến khác nhau, có nhiều vấn đề liên quan đến quy định của số lượng lớn luật hiện hành, cần có sự tham gia sâu của các bộ, ngành chịu sự tác động trực tiếp của dự án luật. Vì vậy, dự án Luật cần tiếp tục được nghiên cứu, thảo luận, nâng cao chất lượng để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Một nội dung quan trọng là dự án đường bộ cao tốc Bắc- Nam dự kiến được bổ sung trong chương trình kỳ họp lần này cũng không xuất hiện trong nội dung chương trình được điều chỉnh từ 16/6 đến khi bế mạc.

Trong khi đó, một nội dung được đề nghị bổ sung là việc Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm 2 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (vào sáng 16/6)…

Với tỉ lệ 86,97% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua điều chỉnh chương trình làm việc từ ngày 16/6 đến ngày bế mạc (dự kiến 21/6).

Thái Bình

THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM HẤP DẪN CÁC DOANH NGHIỆP AUSTRALIA

Điều kiện chính trị ổn định, thị trường ngày càng năng động cùng những chính sách ưu đãi đang hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có Australia.

Một dự án đầu tư lớn của Úc tại Việt Nam. Ảnh: Internet.

Việt Nam hiện là thị trường thứ 2 mà doanh nghiệp Australia lựa chọn đầu tư kinh doanh. Đây là khẳng định của đại diện Hội đồng doanh nghiệp Australia – Việt Nam tại Hội nghị Triển lãm Thương mai và Đầu tư Australia và Việt Nam diễn ra chiều 11/6 tại Hà Nội.

Với hơn 70 doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực bao gồm bất động sản, tài chính, công nghệ cao, môi trường, nông nghiệp và giáo dục… của phái đoàn doanh nghiệp Australia tới Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác của Việt Nam cũng như tìm hiểu môi trường đầu tư Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á về mức độ hấp dẫn đầu tư đối với doanh nghiệp Australia chỉ sau Indonesia do Việt Nam có điều kiện chính trị ổn định, thị trường ngày càng năng động, đặc biệt chính phủ mới có nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội làm ăn tại Việt Nam. Trong những năm qua, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam – Australia ngày một tăng cao, năm 2016, kim ngạch 2 chiều đạt 5,26%.

Đại diện doanh nghiệp Australia cho rằng, bên cạnh việc nâng cao chất lượng hàng hóa sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm kiếm đối tác tốt tại Australia để thâm nhập vào thị trường này hiệu quả hơn.

Hội nghị Triển lãm Thương mại và Đầu tư và Việt Nam là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam xúc tiến chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm, kết nối đầu tư, thúc đẩy truyền thông và góp phần tăng cường giao lưu, liên kết quốc tế, tạo điều kiện để Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực có nhiều tiềm năng.

Theo Vov.vn

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

ĐẾN HẾT THÁNG 5/2017: TỔNG KIM NGẠCH HÀNG HÓA XNK ĐẠT GẦN 162,45 TỶ USD

(HQ Online)- Theo số liệu thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 5 tháng/2017 đạt gần 162,45 tỷ USD, tăng 21,5% tương ứng tăng gần 28,77 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016.

Kim ngạch xuất khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất trong 5 tháng/2017 so với 5 tháng/2016

Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 5/2017 (từ 16/5/2017 đến 30/5/2017) đạt 20,08 tỷ USD, tăng 22,9% tương ứng tăng hơn 3,74 tỷ USD so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 05/2017.

Trong đó, xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong kỳ đạt kim ngạch gần 13,13 tỷ USD, tăng 22,1% tương ứng tăng 2,38 tỷ USD so với nửa đầu tháng 05/2017. 5 tháng qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt hơn 106,5 tỷ USD, tăng 23,7% tương ứng tăng 20,39 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016.

Trong kỳ 2 tháng 5/2017, cán cân thương mại hàng hóa cả nước thặng dư 540 triệu USD, đưa cán cân thương mại hàng hóa cả nước 5 tháng/2017 về mức thâm hụt gần 2,5 tỷ USD, bằng 3,1% kim ngạch xuất khẩu.

Về xuất khẩu, tổng kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 5/2017 đạt hơn 10,31 tỷ USD, tăng 35,3% (tương ứng tăng gần 2,69 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 1 tháng 5/2017.

Kim ngạch xuất khẩu kỳ 2 tháng 5/2017 tăng so với kỳ 1 tháng 5/2017 chủ yếu do tăng ở một số nhóm hàng sau: điện thoại các loại và linh kiện tăng 34,7%, tương ứng tăng 611 triệu USD; hàng dệt may tăng 42,5%, tương ứng tăng 339 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 56,7%, tương ứng tăng 265 triệu USD; giầy dép các loại tăng 34%, tương ứng tăng 200 triệu USD; … Trong khi đó, chỉ một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với kỳ trước như: máy ảnh, máy quay phim và linh kiện giảm 12,8%, tương ứng giảm 17 triệu USD; than đá giảm 8,1%, tương ứng giảm 2 triệu USD;…

Như vậy, tính đến hết tháng 5 năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 79,98 tỷ USD, tăng 18,4% tương ứng tăng hơn 12,45 tỷ USD  so với cùng kỳ năm 2016.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 2 tháng 05/2017 đạt gần 7,28 tỷ USD, tăng 33,3% tương ứng tăng hơn 1,82 tỷ USD so với kỳ 1 tháng 05/2017, qua đó nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng/2017 của nhóm các doanh nghiệp này lên  gần 56,66 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2016, chiếm 70,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Về nhập khẩu, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 5/2017 đạt hơn 9,77 tỷ USD, tăng 12,1% (tương ứng tăng hơn 1,05 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong kỳ 1 tháng 5/2017.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 2 tháng 5/2017 tăng so với kỳ 1 tháng 5/2017 chủ yếu do tăng, giảm ở một số nhóm hàng sau:  máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 17,1%, tương ứng tăng 232 triệu USD; máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng khác tăng 10,7%, tương ứng tăng 177 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 33,9%, tương ứng tăng 159 triệu USD; hạt điều tăng 126,2%, tương ứng tăng 113 triệu USD; xăng dầu các loại tăng 39,1%, tương ứng tăng 89 triệu USD; … Ở chiều ngược lại, nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm 46,9%, tương ứng giảm 81 triệu USD, đậu tương giảm 65%, tương ứng giảm 25 triệu USD; than đá giảm 45,4%, tương ứng giảm 24 triệu USD; …

Như vậy, tính đến hết tháng 5/2017, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt hơn 82,47 tỷ USD, tăng 24,7% (tương ứng tăng gần 16,32 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt gần 5,85 tỷ USD, tăng 10,6%  tương ứng tăng 560 triệu USD so với kỳ 1 tháng 5/2017, qua đó nâng tổng kim ngạch nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này trong 5 tháng/2017 đạt hơn 49,84 tỷ USD, tăng 28,1% tương ứng tăng gần 10,94 tỷ USD so với  5 tháng/2016.

Hà Nhi

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

NHỮNG LƯU Ý KHI NHẬP HÀNG VÀO AUSTRALIA

(HQ Online)- Thương vụ Việt Nam tại Australia khuyến cáo các doanh nghiệp khi nhập khẩu hàng hoá vào Australia, cần kiểm tra các bước sau đây để đảm bảo tuân thủ các qui định và luật lệ của Australia.

Điện thoại các loại và linh kiện là mặt hang xuất khẩu sang Australia lớn nhất. Ảnh internet.

Đầu tiên, Chính phủ Australia có một số luật các doanh nghiệp phải tuân thủ khi nhập khẩu hàng hoá vào Australlia ví dụ như quy định nhập hàng nông sản, thực phẩm… Do đó, doanh nghiệp phải đảm bảo nắm được các luật và quy định nhập khẩu.

Thông thường, doanh nghiệp và cá nhân nhập khẩu hàng hoá vào Australia không cần giấy phép nhập khẩu. Tuy nhiên, đối với một số mặt hàng nhất định, bạn cần xin giấy phép. Một số loại hàng hoá bị cấm hoặc hạn chế nhập khẩu, nhưng chủ yếu là các mặt hàng như hoá chất nguy hiểm, dược phẩm, ma tuý, một số loại thực phẩm nhất định, vũ khí, thuốc lá và một số loại vật liệu sinh học.

Bên cạnh đó, khi nhập khẩu hàng hoá, doanh nghiệp cũng cần hiểu các quy tắc xuất xứ để tận dụng các ưu đãi nếu có.

Tiếp theo, doanh nghiệp phải kiểm tra xem hàng hoá có phải kiểm dịch. Nếu nhập khẩu thực vật, động vật, khoáng sản và các sản phẩm dùng cho con người thì phải kiểm dịch và xử lý côn trùng hoặc các yếu tố sinh học khác.

Vấn đề phí và thuế phải nộp cũng là vấn đề đáng chú ý. Theo đó, thông thường hải quan sẽ thu phí xử lý hàng hóa thông thường dưới 200 AUD, thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) được tính bằng 10% tổng giá trị của hàng hoá, cộng với thuế nhập khẩu, cộng với phí bảo hiểm và vận chuyển đến Australia.

Thuế nhập khẩu được tính dựa trên phần trăm giá hàng hoá, vào khoảng 0-10% nhưng chủ yếu 5%. Còn thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng cho đồ uống có cồn, thuốc lá và xăng dầu.

Thêm vào đó, hàng hoá nhập khẩu vào Australia phải dán nhãn phù hợp, gồm ít nhất các thông tin về nước sản xuất và xuất xứ, miêu tả chính xác về hàng hoá, địa chỉ người xuất khẩu và người nhập khẩu. Nhãn phải được viết bằng tiếng Anh, gắn liền với hàng hoá, ở vị trí dễ nhận biết và dễ đọc.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong bốn tháng đầu năm 2017, kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Australia đạt hơn hơn 1,89 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Australia đạt gần 1,05 tỷ USD, tăng 21,2%, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Australia đạt 848,02 triệu, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Phan Thu

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

MÃ HÓA CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ, KIỂM TRA CHUYÊN NGÀNH: CHÌA KHÓA ĐỒNG BỘ VNACCS VÀ MỘT CỬA QUỐC GIA

(HQ Online)- Mã hóa các chứng từ kiểm tra chuyên ngành (KTCN) và quản lý chuyên ngành là yêu cầu quan trọng nhằm thực hiện tốt yêu cầu quản lý nhà nước đối với hàng hóa XNK thuộc diện quản lý chuyên ngành và KTCN, đồng thời để đồng bộ việc trao đổi thông tin giữa Cổng thông tin một cửa quốc gia và Hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng. Ảnh: N.Linh.

Để phục vụ yêu cầu này, Tổng cục Hải quan tổ chức đợt rà soát tập trung (từ ngày 7 đến 10/6) các thủ tục hành chính (TTHC) về chính sách quản lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Ông Ngô Minh Hải – Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, công tác rà soát văn bản về quản lý và KTCN đã được Tổng cục Hải quan thường xuyên thực hiện. Đặc biệt là từ khi triển khai chỉ đạo của Chính phủ tại Quyết định 2026/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động KTCN và các Nghị quyết 19 trong 4 năm qua. Có thể thấy, công tác rà soát TTHC về chính sách quản lý với hàng hóa XNK có vai trò quan trọng trong cải cách hành chính. Qua rà soát, cơ quan Hải quan đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành liên quan sửa đổi nhiều TTHC theo hướng đơn giản hơn, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, thông quan hàng hóa. Theo ông Ngô Minh Hải, việc rà soát nhằm mã hóa các chứng từ KTCN và quản lý chuyên ngành là việc không thể không có để phục vụ khai báo hải quan điện tử.

Trong đợt rà soát lần này, Tổng cục Hải quan và cục hải quan các tỉnh, thành phố đặt ra yêu cầu phải rà soát toàn bộ TTHC về chính sách quản lý của các bộ, ngành đối với hàng hóa XNK, bao gồm 270 TTHC/chính sách quản lý. Trong đó gồm: Giấy phép NK, giấy phép XK; thông báo đạt/miễn kiểm tra chất lượng/an toàn thực phẩm/kiểm dịch…. Cơ quan Hải quan cũng rà soát cả các loại giấy tờ/chứng từ yêu cầu cần cung cấp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan mà không phải là kết quả TTHC của bộ, ngành (hay nói cách khác là các điều kiện để NK hàng hóa). Ví dụ như: Giấy chứng nhận đăng ký DN, giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận kinh doanh trong đó có ngành nghề phân bón do cơ quan có thẩm quyền cấp…

Đối với mỗi TTHC/chính sách quản lý, cần rà soát xem đã đúng, đủ chưa về các nội dung như: Cơ quan ban hành văn bản quy định về chính sách quản lý; loại chính sách quản lý (cấm, giấy phép, giấy phép tự động, hạn ngạch, kiểm tra chất lượng, kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật, kiểm tra an toàn thực phẩm…); TTHC; kết quả TTHC; hiệu lực của kết quả TTHC; đối tượng loại trừ; căn cứ pháp lý; Danh mục hàng hóa áp dụng; thời điểm xuất trình/nộp chứng từ…

Với khối lượng danh mục TTHC quy định về chính sách quản lý đối với hàng hóa XNK lớn, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan cũng đặt ra những nội dung dự kiến sẽ gây khó khăn rất lớn khi rà soát, chẳng hạn như Danh mục hàng hóa áp dụng. Do các bộ, ngành ban hành văn bản không có sự thống nhất, có những văn bản không kèm theo danh mục, có văn bản thì đưa ra danh mục nhưng chỉ điều chỉnh đối với một mặt hàng hoặc một vài mặt hàng, hay thậm chí có những danh mục mặt hàng như thức ăn chăn nuôi thì lại nằm trong hàng loạt văn bản khác nhau… Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải rà soát toàn bộ danh mục mặt hàng đó.

Từ kết quả đợt rà soát, Tổng cục Hải quan sẽ xây dựng danh mục thủ TTHC quy định về chính sách quản lý đối với hàng hóa XNK chi tiết nhất có thể, để phục vụ việc áp mã và mã hóa trên hệ thống thông quan điện tử của cơ quan Hải quan cũng như là đồng bộ trao đổi thông tin với Cổng thông tin một cửa quốc gia. 

Trong thời gian qua, với vai trò là đơn vị được Bộ Tài chính giao chủ trì triển khai Quyết định 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của Chính phủ liên quan đến công tác KTCN và quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, Tổng cục Hải quan đã thành lập Tổ chuyên trách gồm 30 thành viên là cán bộ của các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan.

Trong năm 2016, đầu năm 2017 Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã chủ động chủ trì phối hợp với đơn vị chức năng liên quan thuộc các bộ, ngành để đôn đốc triển hai thực hiện các nhiệm vụ liên quan công tác KTCN đối với hàng hóa XNK; lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo một số bộ quản lý chuyên ngành để kiến nghị về thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao trong Quyết định 2026/QĐ-TTg và Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ. Sau các đợt rà soát, Bộ Tài chính đã có báo cáo gửi các bộ và báo cáo Văn phòng Chính phủ về kết quả triển khai.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm đơn giản hóa TTHC về KTCN, giảm thời gian thông quan hàng hóa XNK. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng cổng thông tin về KTCN trong Cổng Thông tin một cửa quốc gia. Trong khi chờ Cổng thông tin một cửa quốc gia hoàn thiện, Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng Cổng thông tin KTCN để giải quyết yêu cầu đặt ra phục vụ cho hoạt động KTCN. Chương trình này đã được triển khai tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh, phục vụ thiết thực cho hoạt động KTCN tại địa điểm này.

Tổng cục Hải quan đã tổ chức triển khai công tác kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của Cục Kiểm định hải quan. Theo đó, Cục Kiểm định hải quan thực hiện thí điểm tiếp nhận một số mặt hàng mà đơn vị có đủ năng lực triển khai (phân bón, đồ chơi bằng nhựa); trang bị phòng kiểm định di động để phục vụ công tác KTCN tại các tỉnh khu vực biên giới phía Bắc (Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai). Nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất, số lượng cán bộ KTCN theo hướng chuyên sâu cho các khu vực có lưu lượng XNK hàng hóa nhiều phải kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngọc Linh

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/