HẢI QUAN BÌNH DƯƠNG: ĐỔI MỚI TRONG CÔNG TÁC HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP

(HQ Online)- Nhằm phát triển mối quan hệ Hải quan – doanh nghiệp (DN), nâng cao chất lượng tuyên truyền pháp luật và hỗ trợ, tạo thuận lợi cho DN đầu tư trong hoạt động XNK, năm 2017, Cục Hải quan Bình Dương đã có nhiều đổi mới trong công tác tiếp cận, giải đáp vướng mắc cho DN.

Đoàn công tác của Chi cục HQ KCN Mỹ Phước thực hiện tham vấn về thủ tục XNK cho DN. Ảnh: T.D.

Từ năm 2013 đến nay, Cục Hải quan Bình Dương đã phối hợp với các Hiệp hội, Chi hội DN Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… tổ chức nhiều hội nghị đối thoại. Thông qua hội nghị, các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động XNK đã được tuyên truyền kịp thời đến DN, cũng như kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho DN. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trường Giang, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, hội nghị đối thoại với số lượng DN tham gia đông (khoảng 100-150 DN), việc trao đổi, tương tác giữa DN và cơ quan Hải quan sẽ bị hạn chế. Theo đó, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đối thoại, ngày 4/5, Cục Hải quan Bình Dương tổ chức hội nghị tập huấn cho 12 đại diện lãnh đạo DN Nhật Bản đầu tư tại Bình Dương và dự kiến từ nay đến cuối năm 2017 đối với mỗi hiệp hội, chi hội DN sẽ có khoảng 6 hội nghị tập huấn như thế này cho lãnh đạo các DN.

Đánh giá cao sáng kiến đổi mới công tác đối thoại của Hải quan Bình Dương, ông Kazuhito Yamamoto, Chi hội trưởng Chi hội DN Nhật Bản tại Bình Dương cho rằng, trước đây để hiểu về Luật Hải quan, các thủ tục Hải quan, lãnh đạo các DN thường phải hỏi lại các nhân viên cấp dưới. Nhưng thông qua hội nghị tập huấn lần này, lãnh đạo các DN được trực tiếp nắm bắt các thông tin về chính sách pháp luật Hải quan, cũng như có những thắc mắc được đề xuất trực tiếp với lãnh đạo Cục Hải quan Bình Dương để có những giải đáp thỏa đáng. 

Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm 2017, Hải quan Bình Dương đã chủ động gặp gỡ tìm  hiểu  khó  khăn và kịp thời giải quyết vướng mắc phát sinh liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế, chế độ hoàn thuế, miễn thuế. Để hỗ trợ DN thực hiện đúng và kịp thời công tác báo cáo quyết toán thuế đối với hàng sản xuất xuất khẩu và gia công, Cục Hải quan Bình Dương đã tổ chức 4 buổi tập huấn, “bắt tay chỉ việc” về cách thức kê khai, lập báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc… cho đại diện các DN. Đơn vị cũng thực hiện kí kết quy chế phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các ban quản lý khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh về trao đổi, cung cấp thông tin DN trên địa bàn làm cơ sở đánh giá nguồn thu, mời gọi DN để tăng nguồn thu, đồng thời kịp thời hỗ trợ DN khi gặp khó khăn. Đơn vị đã cập nhật danh sách DN FDI được cấp mới mã số thuế trên địa bàn, kịp thời phân bổ cho các chi cục tiến hành tiếp xúc, tuyên truyền và phổ biến pháp luật về thủ tục hải quan tại Bình Dương…

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan KCN Mỹ Phước (Cục Hải quan Bình Dương) cho biết, nhằm mục đích giúp DN hiểu rõ về thủ tục hải quan để làm đúng theo qui định, thời gian qua đơn vị đã thường xuyên thực hiện các buổi tham vấn tại trụ sở DN về một số nội dung liên quan đến thủ tục hải quan xuất khẩu, nhập khẩu nguyên phụ liệu cho các DN đầu tư mới tại Bình Dương. Từ đầu năm 2017 đến nay, Chi cục đã thực hiện tham vấn cho 15 DN. Điển hình như mới đây, Chi cục đã thực hiện tham vấn cho Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (thuộc Tập đoàn Far Eastern – Đài Loan) với vốn đầu tư 1 tỷ USD. Tháng 5/2017, DN bắt đầu nhập khẩu nguyên phụ liệu để phục vụ sản xuất xuất khẩu.

Đây là dự án được UBND tỉnh Bình Dương cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2015 để xây dựng Nhà máy Sản xuất sản phẩm xơ tổng hợp polyester gồm xơ dài filament, sản phẩm sợi cotton, sợi tổng hợp và dệt kim tại Khu công nghiệp đô thị Bàu Bàng, huyện Bàu Bàng với diện tích 99 ha. Dự án có vốn đầu tư là 1 tỷ USD, chia làm nhiều giai đoạn. Nhà máy sản xuất tại Bình Dương là nhà máy lớn thứ 3 trên thế giới sau nhà máy tại Trung Quốc và Đài Loan của Tập đoàn Far Eastern. 

Trong buổi tham vấn, Chi cục Hải quan KCN Mỹ Phước đã trao đổi, hướng dẫn DN về các chính sách thuế đối với nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu, cách xác định định mức hàng XK, xử lý hàng tồn kho, thủ tục hàng XK bị trả lại… nhằm mục đích giúp DN hiểu rõ về thủ tục hải quan để làm đúng theo qui định. Trước đó, Chi cục Hải quan KCN Mỹ Phước đã giải quyết thủ tục nhập khẩu máy móc thiết bị tạo tài sản cố định của Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Tựu, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan KCN Việt Nam – Singapore cho biết, ngoài công tác tập huấn báo cáo quyết toán thuế, hàng ngày Chi cục cũng tiếp nhận và xử lí vướng mắc cho doanh nghiệp khi có phát sinh. Hơn 1.000 địa chỉ email của doanh nghiệp được đăng kí tại Chi cục sẽ được cập nhật kịp thời thông tin các chủ trương chính sách mới của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và các bộ, ngành liên quan.

Bằng những việc làm thiết thực, Hải quan Bình Dương đã tạo được nhiều niềm tin của DN. Cùng với đó là tình hình xuất nhập khẩu tại Cục Hải quan Bình Dương có sự gia tăng rõ rệt, số lượng DN đăng ký làm thủ tục XNK tại đơn vị tăng trên 12% so với cùng kỳ năm trước với 4.098 DN, số tờ khai tăng 17,58%, số kim ngạch tăng 16,28% (đạt trên 11 tỷ USD) và số thu nộp ngân sách tăng gần 31% so với cùng kỳ năm 2016.

Thu Dịu

VTIP – CÔNG CỤ TẠO THUẬN LỢI CHO THƯƠNG MẠI

(HQ Online)- Việc xây dựng Cổng thông tin thương mại Việt Nam (VTIP) không chỉ đáp ứng các cam kết của Việt Nam tại Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại (TFA) của Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) mà còn là công cụ hữu hiệu giúp tạo thuận lợi hơn nữa cho các bên có liên quan đến hoạt động XNK và quá cảnh với Việt Nam.

CBCC Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng (Cục Hải quan Nghệ An) giám sát hàng hóa XK. Ảnh: H.Nụ.

Thúc đẩy mạnh mẽ từ Hải quan

Theo báo cáo môi trường kinh doanh năm 2017 công bố gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đã tăng 9 bậc lên vị trí 82 trên tổng số 190 nền kinh tế được đánh giá. Riêng đối với chỉ số thương mại xuyên biên giới, liên quan đến hoạt động XNK; thông quan hàng hóa; các quy định về kiểm tra chuyên ngành, Việt Nam đã tăng 15 bậc, từ hạng 108 năm 2016 lên hạng 93 năm 2017. So với các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu về môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, so với các nước có môi trường kinh doanh thuận lợi như Singapore, Thái Lan và Malaysia, thì khoảng cách giữa Việt Nam với các nước vẫn còn khá lớn. Chính vì thế, Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ đã đặt ra mục tiêu cho Việt Nam giai đoạn 2017 – 2020 phấn đấu đạt tối thiểu bằng trung bình của các nước ASEAN – 4 về các chỉ tiêu cải thiện môi trường kinh doanh.

Đại diện Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Hải quan) cho biết, để thực hiện các quy định của pháp luật cũng như các cam kết quốc tế, thời gian qua cơ quan Hải quan đã dần hoàn thiện hệ thống pháp luật ngay trong quá trình đàm phán Hiệp định TF hay các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA). Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan thường xuyên tổ chức tham vấn, đối thoại nhằm giải quyết những vướng mắc của cộng đồng DN; ứng dụng toàn diện hệ thống công nghệ thông tin hiện đại trong thủ tục hải quan như: Triển khai hệ thống VNACCS/VCIS trên toàn quốc; triển khai vận hành thí điểm hệ thống giám sát tại cảng biển; kết nối Hải quan với Kho bạc, Ngân hàng… nhằm đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho DN. Ngoài ra, cơ quan Hải quan cũng tích cực phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các thủ tục hành chính hàng hóa XNK trên hệ thống một cửa, qua đó, tạo điều kiện tối đa cho hoạt động kinh doanh, XNK của DN.

Ngoài ra, cơ quan Hải quan đã thực hiện bãi bỏ 19 thủ tục, đơn giản hóa 46 thủ tục; giảm nhiều chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan; cho phép DN nộp toàn bộ hồ sơ điện tử; minh bạch và giảm thời gian kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa. Đặc biệt, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với WB xây dựng VTIP nhằm cung cấp nguồn tham khảo đầy đủ và tổng hợp về các thông tin liên quan tới XNK, bao quát từ các biểu thuế áp dụng đối với hàng hóa NK tới chi tiết về các quy trình, thủ tục và biểu mẫu để đáp ứng các quy định kiểm tra chuyên ngành. Mục đích của VTIP là giúp các DN XNK, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ nắm rõ các quy trình và thủ tục liên quan tới hoạt động của họ, từ đó giúp tiết kiệm thời gian và chi phí hoạt động. Ngoài ra, VTIP cũng sẽ đóng vai trò là công cụ quan trọng để hỗ trợ Chính phủ hướng tới đơn giản hóa và hợp lý hóa các thủ tục hành chính liên quan.

Sẵn sàng đi vào hoạt động

Với vai trò chủ trì tham gia đàm phán Hiệp định TF (được thông qua tháng 11/2014 tại Bali- Indonesia), Bộ Tài chính cụ thể là Tổng cục Hải quan đã hoàn thiện thủ tục trình Quốc hội phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi tại phiên họp lần thứ 10 Quốc hội Khóa 13. Ngày 26/11/2015, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 108/2015/QH13 phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Marrakesh thành lập WTO. Đến tháng 10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1899/QĐ-TTg về việc thành lập Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (gọi tắt là Ủy ban chỉ đạo quốc gia). Tháng 11/2016, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Hiệp định TF theo quyết định số 1969/QĐ-TTg. Ngày 22/2/2017, Hiệp định TF của WTO đã chính thức có hiệu lực, sau khi đạt được sự phê chuẩn cần thiết của 2/3 trong tổng số 164 quốc gia thành viên WTO.

Theo cam kết tại Hiệp định TF, mỗi nước thành viên, trong đó có Việt Nam, cần xây dựng cho mình một trang điện tử giúp công bố và cung cấp các thông tin. Việc xây dựng trang web này không chỉ đáp ứng các cam kết của Việt Nam tại Hiệp định TFA mà còn là công cụ hữu hiệu tạo thuận lợi hơn nữa cho các bên có liên quan đến hoạt động XNK và quá cảnh với Việt Nam. Đồng thời, còn là một công cụ để minh bạch hóa chính sách, như tại các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia và cũng theo kịp xu thế của Hải quan thế giới – Hải quan kỹ thuật số 2016.

Nhằm giúp Việt Nam thực hiện tốt các nội dung đã cam kết trong Hiệp định TF, WB đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thông qua các biện pháp như hỗ trợ thành lập và nâng cao năng lực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia và xây dựng VTIP. Hoạt động xây dựng VTIP đã được triển khai từ tháng 1/2016 tại Tổng cục Hải quan, do đơn vị tư vấn của WB là PM Group tiến hành. Tới thời điểm hiện nay, các nội dung đăng tải đã được hoàn tất, với gần 2.000 mục nội dung liên quan tới các quy định pháp lí, thủ tục và quy trình… liên quan tới XNK. Song song với việc xây dựng và đăng tải nội dung, đơn vị tư vấn cũng đã tiến hành tập huấn cho các cán bộ của Tổng cục Hải quan để chuyển giao kĩ thuật nhằm đảm bảo việc vận hành và cập nhật nội dung của VTIP sau khi chuyển giao, ông Chris Lewis Jones, Quản lý dự án và Tư vấn trưởng VTIP cho biết.

Để sẵn sàng cho việc khai trương và chuyển giao VTIP cho Tổng cục Hải quan, dự kiến diễn ra vào đầu tháng 6/2017, các hoạt động chuẩn bị đang được khẩn trương hoàn thành. Cơ chế phối hợp giữa các bên hữu quan, bao gồm các bộ, ngành có quy định liên quan tới XNK được đăng tải trên VTIP, đang được xây dựng và thống nhất giữa các bên để bảo đảm rằng nội dung đăng tải trên VTIP luôn được cập nhật và chính xác. Hiện tại, quá trình rà soát các nội dung đã đăng tải trên VTIP đang được các bộ, ngành tiến hành với sự điều phối của Tổng cục Hải quan để chuẩn bị cho việc khai trương, ông Chris Lewis Jones nhấn mạnh.

Ông Chris Lewis Jones cho biết thêm, VTIP được thiết kế để trở thành điểm thông tin “một cửa”, cung cấp các thông tin liên quan tới XNK ở Việt Nam theo cách thức dễ tiếp cận, lô gic và hữu ích để các DN XNK có thể tiếp cận thông tin cơ bản về các quy định và thủ tục cần thiết cho hoạt động XNK và quá cảnh. VTIP là một công cụ hữu ích hỗ trợ Chính phủ và các bên hữu quan khác trong việc cắt giảm, hiện đại hóa và đơn giản hóa quy trình khai báo XNK theo thông lệ quốc tế. Với khối lượng nội dung phong phú và toàn diện, VTIP được kỳ vọng sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho các DN hoạt động XNK nói riêng và góp phần vào quá trình tạo thuận lợi và thúc đẩy tăng trưởng thương mại của Việt Nam nói chung. 

Hồng Nụ

THỦ TỤC HẢI QUAN THÔNG SUỐT TẠI NHÀ GA QUỐC TẾ MỚI SÂN BAY ĐÀ NẴNG

(HQ Online)- Trong hai ngày đầu làm nhiệm vụ tại nhà ga quốc tế mới, Chi cục Hải quan CKSBQT Đà Nẵng đã giải quyết thủ tục cho 9 chuyến bay quốc tế (5 chuyến xuất cảnh, 4 chuyến nhập cảnh). 

CBCC Chi cục Hải quan CKSBQT Đà Nẵng làm thủ tục cho khách XNC tại nhà ga mới. Ảnh: Ngọc Linh

Theo Chi cục trưởng Chi cục Hải quan CKSBQT Đà Nẵng Phạm Duy Nhất, để đáp ứng yêu cầu khi vận hành nhà ga quốc tế mới, Chi cục đã bố trí lực lượng, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác tại sân bay để giải quyết thủ tục cho hành khách và phương tiện XNC. 

 
Năm 2016, Chi cục Hải quan CKSBQT Đà Nẵng đã làm thủ tục cho hơn 17.000 chuyến bay, tăng hơn 43%; hơn 2,3 triệu hành khách, tăng hơn 55% so với năm 2015. 
Trong 4 tháng đầu năm 2017, đơn vị đã làm thủ tục cho hơn 7.000 chuyến bay, tăng 30%; hơn 1 triệu hành khách, tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm 2016.
 

Về hệ thống trang thiết bị, cơ quan Hải quan có hệ thống máy soi hành lý và máy soi hành lý xách tay, cùng hệ thống camera hiện đại có thể giám sát được ở nhiều vị trí tại sân bay. Trong đó, khu vực nhà ga đến có 8 máy soi, gồm 4 máy soi hàng lý ký gửi (soi ngầm) và 4 máy soi hành lý xách tay ở bên ngoài. Ở khu vực xuất cảnh, được trang bị 8 máy soi gồm 3 máy soi hành lý ký gửi và 6 máy soi hành lý xách tay.

Trong hai ngày đầu làm nhiệm vụ tại nhà ga quốc tế mới, Chi cục Hải quan CKSBQT Đà Nẵng đã giải quyết thủ tục cho 9 chuyến bay quốc tế (5 chuyến xuất cảnh, 4 chuyến nhập cảnh). 

Theo đánh giá của ông Phạm Duy Nhất, với việc đưa vào hoạt động nhà ga quốc tế riêng được trang bị cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ, thủ tục XNC sẽ được thực hiện nhanh chóng và thuận lợi, đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan trong bối cảnh lưu lượng hành khách và phương tiện ngày càng gia tăng. 

Được biết ngày 12/5, thủ tục hải quan cho các chuyến bay XNC sẽ thực hiện hoàn toàn tại nhà ga quốc tế mới. Trong thời gian này, Chi cục Hải quan CKSBQT Đà Nẵng tiếp tục bố trí lực lượng để thực hiện thủ tục hải quan tại cả hai nhà ga. Dự kiến lễ khai trương sẽ được tổ chức vào ngày 19/5. 

Nhà ga hành khách quốc tế mới, sân bay quốc tế Đà Nẵng là công trình quan trọng để phục vụ năm APEC 2017. Nằm gần vị trí nhà ga hiện tại, nhà ga quốc tế mới của sân bay Đà Nẵng được thiết kế và lắp đặt trang thiết bị hiện đại.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện tại, những công đoạn cuối cùng để hoàn thiện bộ mặt của nhà ga quốc tế mới đang được khẩn trương thực hiện.

Một số hình ảnh phóng viên Báo Hải quan đã ghi lại tại nhà ga quốc tế mới:

 
Khu vực sảnh làm thủ tục rộng rãi, hiện đại.
 
 Khu vực soi chiếu hành lý ngầm.
 
Khuôn viên nhà ga quốc tế mới.
 
 Đang tiếp tục hoàn thiện các công đoạn cuối cùng chuẩn bị cho ngày khai trương.  

 

Ngọc Linh

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

NHIỀU ĐIỂM MỚI TRONG QUẢN LÝ TRANG THIẾT BỊ Y TẾ, DƯỢC

(HQ Online)- Ngày 10/5 Bộ Y tế tổ chức Hội thảo Những điểm cần chú ý trong thực hiện Luật Dược số 105/2016/QH13 và Nội dung cơ bản của Nghị định 36/2016/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế.

Theo quy định trang thiết bị y tế phải được kiểm chuẩn định kỳ về chất lượng sản phẩm hàng hóa, hiệu chuẩn theo quy định của nhà sản xuất. Ảnh: DN

Theo đại diện Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế, Nghị định 36/2016/NĐ-CP có một số điểm mới yêu cầu DN phải cập nhật thông tin để có sự chuẩn bị về hồ sơ thủ tục cần thiết khi muốn tiến hành sản xuất kinh doanh trang thiết bị y tế. 

Đơn cử như trang thiết bị y tế phải được kiểm chuẩn định kỳ về chất lượng sản phẩm hàng hóa, hiệu chuẩn theo quy định của nhà sản xuất, trừ trường hợp trang thiết bị y tế là phương tiện đo bức xạ hoặc thiết bị bức xạ thực hiện theo quy định của pháp luật về đo lường và năng lượng nguyên tử.

Bên cạnh đó từ ngày 1/1/2017 các trang thiết bị y tế ở thị trường Việt Nam đều phải thực hiện việc phân loại để phục vụ cho công tác quản lý. Việc phân loại thiết bị y tế được thực hiện theo nhóm và quản lý theo vòng đời sản phẩm sẽ được áp dụng đối với tất cả các loại trang thiết bị khi cấp số tiếp nhận công bố lưu hành sản phẩm (tại Sở Y tế) và số đăng ký tại Bộ Y tế. Trang thiết bị y tế sẽ được phân loại quản lý theo mức độ rủi ro thay vì phân loại theo nhóm kỹ thuật như trước đây với 4 mức A, B, C và D.

“Các quy định trên nhằm bảo đảm việc chịu trách nhiệm về chất lượng trang thiết bị y tế lưu hành, ngăn chặn thiết bị nhập lậu, không rõ nguồn gốc, giảm thiểu thấp nhất rủi ro cho người bệnh”, đại diện Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế cho biết.

Ngoài ra, để hạn chế tình trạng mua bán lòng vòng, đẩy giá thiết bị cao bất hợp lý, tới đây các địa phương phải công khai trên websie về giá trúng thầu trang thiết bị y tế, làm cơ sở để các đơn vị tham khảo khi xây dựng kế hoạch, phê duyệt giá đấu thầu.

Với lĩnh vực dược, theo đại diện Cục Quản lý Dược, Luật Dược 2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017 có nhiều điểm mới như nhiều các cơ sở hoạt động dược được hoạt động mà không cần Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược gồm: Cơ sở có hoạt động dược nhưng không vì mục đích thương mại; cơ sở kinh doanh có tổ chức kệ thuốc; cơ sở nuôi trồng, thu hái dược liệu; cơ sở y tế thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có hoạt động cung ứng thuốc tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có Điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra Luật cũng có quy định mới trong việc thu hồi thuốc được ban hành gồm: Thu hồi tự nguyện là thu hồi do cơ sở đăng ký thuốc, cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu hoặc ủy thác nhập khẩu thuốc tự nguyện thực hiện; thu hồi bắt buộc là thu hồi theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp thu hồi quy định tại Điều 62 của Luật Dược 2016.

Cũng theo quy định mới, việc xử lý thuốc bị thu hồi được thực hiện theo luật sẽ do Bộ Y tế ra quyết định thu hồi thuốc trong trường hợp thuốc bị thu hồi bắt buộc và trường hợp thu hồi tự nguyện khi thuốc vi phạm ở mức độ 1, mức độ 2. Thời gian ra quyết định thu hồi thuốc không quá 24 giờ kể từ khi có kết luận thuốc thuộc trường hợp phải thu hồi và mức độ vi phạm của thuốc hoặc có kết luận về việc thu hồi thuốc tự nguyện không phù hợp với mức độ vi phạm của thuốc.

Người đứng đầu cơ sở đăng ký thuốc, cơ sở sản xuất thuốc trong nước, cơ sở pha chế, chế biến, bào chế thuốc, cơ sở nhập khẩu hoặc ủy thác nhập khẩu thuốc ra quyết định thu hồi thuốc trong trường hợp thu hồi tự nguyện thuốc vi phạm ở mức độ 3 sau khi có ý kiến của Bộ Y tế.Thời gian ra quyết định thu hồi thuốc không quá 24 giờ kể từ khi có ý kiến của Bộ Y tế.

Ngoài ra theo quy định tại Khoản 1 Điều 60 Luật Dược số 105/2016/QH13 có điểm mới là nguyên liệu làm thuốc là dược chất để sản xuất thuốc theo hồ sơ đăng ký thuốc đã có giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam được nhập khẩu không phải thực hiện việc xin giấy phép nhập khẩu trừ các loại thuốc như thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất, thuốc dạng phối hợp có chất gây nghiện, thuốc phóng xạ, đồng vị phóng xạ, thuốc độc, nguyên liệu làm thuốc độc…

D.Ngân

TĂNG CƯỜNG LIÊN KẾT ĐỂ LOGISTICS VIỆT NAM HỘI NHẬP THỊ TRƯỜNG MỸ

Hầu như các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam vẫn chưa thể phát hành vận đơn FBL cho những lô hàng đi Mỹ hay từ Mỹ về Việt Nam.

photodune-5224546-global-transportation-l

Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ có hiệu lực đến nay đã 22 năm, kim ngạch hàng hóa trao đổi hai bên năm 2016 đạt hơn 50 tỷ USD, con số này dự kiến có thể lên tới gần 100 tỷ USD trong những năm tới. Tuy nhiên, tuyệt đại bộ phận hàng hóa buôn bán giữa hai nước, dù theo điều kiện FOB hay CIF đều do các hãng tàu Mỹ hoặc các hãng tàu nước ngoài vận chuyển. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam chỉ có thể tham gia với tư cách là đại lý, một vài công đoạn phụ như lập chứng từ, thông quan, thu cước, nộp thuế, thu xếp vận tải nội địa, giao trả hàng… trong toàn bộ dây chuyền logistics liên quan khi vận hành các lô hàng đó. Khi làm đại lý thực hiện những khâu cụ thể trong các chuỗi dịch vụ logistics đó, doanh nghiệp logistics Việt Nam chỉ được hưởng hoa hồng hoặc phí dịch vụ hết sức khiêm tốn.

Hiện nay, khá nhiều doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã là hội viên của FIATA, khi tự mình tìm kiếm được những lô hàng xuất khẩu đi các thị trường EU, Nhật, Úctheo điều kiện CIF hoặc những lô hàng nhập khẩn từ những thị trường này về Việt Nam theo điều kiện FOB. Họ hoàn toàn có khả năng trở thành người vận chuyển theo hợp đồng (Contracting Carrier) bằng cách mua chỗ (Slot Charter) trên các tàu nước ngoài có lịch trình đi từ hoặc đến cảng Việt Nam và phát hành vận đơn thứ cấp (House Bill of Lading) theo mẫu của FIATA, gọi tắt là FBL (FIATA Negotiable Multimodal Transport Bill of Lading). Trong trường hợp đó, theo thông lệ quốc tế và Bộ luật Hàng hải Việt Nam, họ là người vận chuyển theo hợp đồng chứ không phải là đại lý của hãng tàu. Rõ ràng, thu nhập về giá cước sẽ cao hơn đáng kể so với các khoản hoa hồng hay phí dịch vụ cũng chính từ những lô hàng đó nếu họ chỉ làm đại lý cho các hãng tàu nước ngoài.

Tuy nhiên, cho đến nay hầu như các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, kể cả những bậc “tiền bối lập quốc công thần” về nghề vận tải như Vietfracht, Vietrans, Vinatrans vẫn chưa thể phát hành vận đơn FBL cho những lô hàng đi Mỹ hay từ Mỹ về Việt Nam. Lý do đơn giản vì hiếm có doanh nghiệp logistics nào của Việt Nam được Cục Hàng hải Mỹ (US Federation Maritime Commission – FMC) cấp phép phát hành vận đơn FBL khi vận hành các lô hàng xuất nhập khẩu với Mỹ theo hình thức trên.

Logistics-05-clear

Theo luật pháp Mỹ (CFR, Phần 515), những doanh nghiệp logistics vận hành hàng hóa và phát hành vận đơn theo phương thức trên cho những lô hàng đi từ hoặc đến Mỹ đều gọi là NVOCC (Non-Vessel Operating Common Carrier) và cần phải có giấy phép khai thác do FMC cấp. Để được cấp giấy phép, các NVOCC phải tuân thủ 3 bước: Bước một ký quỹ bảo lãnh (FMC Surety Bond Requirements) để chứng minh khả năng tài chính của mình. Có thể bảo lãnh riêng từng doanh nghiệp hoặc bảo lãnh tập thể theo nhóm. FMC khuyến khích hình thức bảo lãnh theo nhóm của FIATA (FIATA Surety Group Bond) vì tính ưu việt của nó và chi phí mỗi thành viên bỏ ra tương đối thấp. Nếu bảo lãnh riêng từng doanh nghiệp thì số tiền bảo lãnh là 150.000 USD/năm, một con số khá cao so với tiềm năng các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngược lại, nếu bảo lãnh theo nhóm dưới hình thức FIATA Surety Group Bond thì mỗi thành viên có thể chỉ cần đầu tư khoảng trên 3.000 USD/năm để kinh doanh theo hình thức trên. Dù là bảo lãnh riêng hay bảo lãnh theo nhóm thì luật pháp Mỹ yêu cầu phải mua bảo hiểm cho các bảo lãnh đó với các công ty bảo hiểm có uy tín. Bước tiếp theo là phải đăng ký hành nghề kinh doanh NVOCC và đăng ký vận đơn với FMC và bước sau cùng là phải công bố công khai bảng giá cước và giá dịch vụ liên quan kể cả các loại phụ phí trên mạng Internet. Trong 3 bước này, bước đầu tiên và bước sau cùng là phức tạp và khó khăn nhất, thường phải thuê các luật sư hoặc chuyên gia có kinh nghiệm xây dựng.

Sở dĩ FMC quy định các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh với tư cách NVOCC trên đất Mỹ phải ký quỹ bảo lãnh như trên là để bảo đảm khả năng tài chính trang trải các khoản phạt (nếu có) liên quan tới trách nhiệm trong các lĩnh vực sau đây:

Mua bán dịch vụ vận tải;

– Thanh toán tiền cước cho các lô hàng vận chuyển theo hình thức vận tải đơn phương thức hay đa phương thức;

– Chi phí về việc vận chuyển hàng phát sinh từ vận đơn hoặc chứng từ tương tự với chủ hàng;

– Chi phí về việc cấp vận đơn và các chứng từ tương tự;

– Chi phí vận tải nội địa hoặc vận tải suốt;

– Chi phí bồi thường cho đại lý giao nhận theo quy định;

– Chi phí thuê container;

– Chi phí thuê đại lý ở địa điểm tiếp nhận hàng đi hoặc địa điểm giao trả hàng ở cảng đích.

Để được hưởng các quyền lợi khi áp dựng hình thức ký quỹ theo nhóm FIATA Group Bond với FMC, phải đáp ứng các điều kiện sau: 

– Phải là hội viên của Hiệp hội Logistics quốc gia nơi mình có trụ sở chính;

– Phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự với các công ty bảo hiểm có uy tín để bồi thường cho khách hàng khi xẩy ra tổn thất hàng hóa vận chuyển theo FBL;

– Đơn xin tham gia ký quỹ theo FIATA Group Bond phải gửi cho cả FIATA và công ty bảo hiểm mà FIATA chấp nhận;

– Phải trình mẫu vận đơn của mình phát hành để FMC duyệt;

– Phải công bố giá cước và giá dịch vụ trên Internet;

– Phải nộp lệ phí hàng năm khi đã chấp nhận các điều kiện do FMC quy định.

Như vậy, nếu các doanh nghiệp logistics Việt Nam muốn sớm bắt đầu khai thác kinh doanh vận hành các lô hàng xuất nhập khẩu với thị trường Mỹ theo hình thức NVOCC như trên khi phát hành vận đơn FBL, cần nhanh chóng trao đổi liên kết với nhau thông qua Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) để thực hiện  các quy định cụ thể cả với FIATA cũng như với FMC.

LS. VÕ NHẬT THĂNG

Nguồn: http://www.tapchigiaothong.vn/

Bao Cong thuong

MỸ HỦY BỎ ĐIỀU TRA ĐỐI VỚI SẢN PHẨM MẮC ÁO THÉP VIỆT

Ngày 5/5/2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã đăng công báo liên bang về việc hủy bỏ điều tra rà soát hành chính thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm mắc áo thép của Việt Nam trong giai đoạn từ 1/2/2016 – 31/1/2017.

Trước đó, ngày 10/4/2017, căn cứ trên yêu cầu rà soát của công ty M&B Metal Products Company, Inc (Nguyên đơn), DOC đã đăng thông báo về việc tiến hành rà soát hành chính lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm nói trên. Yêu cầu rà soát bao gồm 66 doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, đến ngày 24/4/2017, Nguyên đơn đã rút yêu cầu rà soát hành chính đối với 66 doanh nghiệp liệt kê trong Thông báo khởi xướng điều tra. Căn cứ Quy định 19 CFR 351.213 (d) (1), DOC sẽ hủy bỏ điều tra rà soát hành chính nếu bên liên quan rút yêu cầu đúng thời hạn (90 ngày kể từ ngày thông báo khởi xướng điều tra rà soát). Trong vụ việc này, Nguyên đơn đã xin rút yêu cầu rà soát đúng hạn, thêm vào đó, không có bên liên quan nào khác yêu cầu rà soát nên DOC sẽ hủy bỏ rà soát hành chính đối với sản phẩm mắc áo thép nhập khẩu từ Việt Nam cho giai đoạn 1/2/2016 – 31/1/2017. Do DOC hủy bỏ rà soát, nên thuế chống bán phá giá đối với những lô hàng nhập khẩu trong giai đoạn nói trên sẽ được thu tương đương với mức tiền đặt cọc thuế tạm tính tại thời điểm nhập khẩu hoặc xuất kho để tiêu thụ.

Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương cho biết, sản phẩm mắc áo thép nhập khẩu từ Việt Nam đã bị DOC áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp từ năm 2013 với mức tương ứng: 157% – 220.68% và 31.58% – 90.42%.

Thu Hà

Nguồn: http://baocongthuong.com.vn/

Bao Cong thuong

THÚC ĐẨY XUẤT NHẬP KHẨU TRỰC TUYẾN

Chiều 8/5, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã tổ chức họp báo về Hội thảo Xuất nhập khẩu trực tuyến 2017 sẽ diễn ra ngày 16/5, tại Hà Nội.

Toàn cảnh họp báo

Theo ông Trần Văn Trọng – Chánh Văn phòng VECOM, Hội thảo Xuất nhập khẩu hàng hóa trực tuyến 2017 (Vietnam eTrade Conference – VETC) là sự kiện quy mô toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Hội thảo là cơ hội để các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trao đổi về xu hướng xuất nhập khẩu hàng hóa trực tuyến, các hành động cần triển khai để phát huy những lợi thế của thương mại điện tử trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa.

Theo báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2017, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ứng dụng thương mại điện tử nhằm hỗ trợ xuất nhập khẩu. Song song với việc tiếp cận ngày càng tăng các dịch vụ công trực tuyến như hải quan điện tử, chứng nhận xuất xứ điện tử và nhiều dịch vụ công liên quan tới xuất nhập khẩu khác, các doanh nghiệp đã tích cực sử dụng mạng Internet để trao đổi thông tin kinh doanh với các đối tác nước ngoài, tìm kiếm bạn hàng, giao kết và triển khai hợp đồng.

Số lượng người tiêu dùng trong nước trực tiếp mua sản phẩm từ các nhà bán lẻ nước ngoài cũng tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, kinh doanh xuất nhập khẩu là hoạt động thương mại phức tạp, có liên quan tới nhiều cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Tiềm năng ứng dụng thương mại điện tử để thúc đẩy lĩnh vực này là rất lớn. Thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả ở các giai đoạn, từ tiếp thị, xúc tiến thương mại tới giao kết và thực hiện hợp đồng, thanh toán, thủ tục hải quan và các thủ tục với các cơ quan quản lý Nhà nước khác.

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Thanh Hưng – Chủ tịch VECOM chia sẻ, hội thảo sẽ trao đổi về ba chủ đề chính xoay quanh ba trụ cột của xuất nhập khẩu trực tuyến. Chủ đề thứ nhất về dịch vụ công trực tuyến hay giao dịch trực tuyến giữa cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp xuất nhập khẩu (G2B). Chủ đề tiếp theo là cơ hội mở rộng xuất khẩu nhờ tham gia các sàn thương mại điện tử theo mô hình doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B). Chủ đề thứ ba là xu hướng và giải pháp phát triển xuất nhập khẩu hướng tới người tiêu dùng cuối cùng (B2B2C). “Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp trao đổi về xu hướng xuất nhập khẩu hàng hóa trực tuyến, lợi ích của các sàn giao dịch thương mại điện tử xu hướng bán lẻ trực tuyến tới khách hàng nước ngoài; những đề xuất với các cơ quan Nhà nước cung cấp các dịch vụ công trực tuyến gắn với xuất nhập khẩu”, ông Nguyễn Thanh Hưng nhấn mạnh.

Lan Anh

Nguồn: http://baocongthuong.com.vn/

Bao Cong thuong

4 THÁNG ĐẦU NĂM: XUẤT KHẨU TĂNG TRƯỞNG MẠNH

Tình hình xuất nhập khẩu 4 tháng tiếp tục có những dấu hiệu khả quan khi kim ngạch xuất khẩu (XK) tăng trưởng đến 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu dù tăng trưởng nhưng chủ yếu là nhập nguyên liệu phục vụ sản xuất, nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu đã giảm.

Tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp, hàng hóa để nâng cao giá trị xuất khẩu

Những kết quả đáng ghi nhận

Cụ thể, kim ngạch XK hàng hóa tháng 4 ước đạt 16,7 USD, tính chung 4 tháng, kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 61,3 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2016. Đây được đánh giá là mức tăng trưởng mạnh, đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn. Mức tăng này cũng vượt nhiều lần so với con số Quốc hội giao cho ngành Công Thương trong năm 2017 (tăng 6 – 7%). Tất cả các nhóm hàng XK đều có sự tăng trưởng về kim ngạch với mức tăng từ 12 – 43,6%.

Đáng chú ý, liên tục từ đầu năm đến nay, kim ngạch XK của khu vực kinh tế trong nước – động lực chính của nền kinh tế đã liên tục tăng cao, gần bằng mức tăng của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 16,1%).

Tính chung 4 tháng, kim ngạch XK của nhóm này đã đạt 17,3 tỷ USD, tăng đến 13,7%. Nếu so sánh với con số tăng nhẹ 3,4% của cùng kỳ năm 2016, đây là kết quả rất đáng ghi nhận.

Những lo ngại về việc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tạm thời “đóng băng” sẽ tác động mạnh đến kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ vẫn chưa xảy ra. Tính đến hết tháng 4, Hoa Kỳ vẫn là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 11,9 tỷ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2016. Những thị trường lớn truyền thống khác của Việt Nam cũng giữ được mức tăng trưởng kim ngạch tương đối mạnh là EU với 11,3 tỷ USD, tăng 8,8%; Trung Quốc, ASEAN đạt 6,7 tỷ USD, tăng 26%; Nhật Bản đạt 5,2 tỷ USD, tăng 19,3%; Hàn Quốc đạt 4,4 tỷ USD, tăng 32%.

Kim ngạch nhập khẩu nhóm cần hạn chế giảm 7%

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu (NK) hàng hóa tháng 4 đã dần suy giảm, ước đạt 17,5 tỷ USD, giảm nhẹ 4,6% so với tháng trước. Trong đó, các nhóm hàng đều giảm từ 0,6 – 5,2% và giảm mạnh nhất là nhóm cần hạn chế nhập khẩu (NK). Tính chung 4 tháng, kim ngạch NK hàng hóa ước đạt 64,1 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, nhóm hàng cần NK có mức tăng mạnh nhất (26,5%) với sự gia tăng của các mặt hàng phục vụ chế biến, sản xuất như than đá, xăng dầu, sắt thép, hóa chất, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị…, riêng nhóm cần hạn chế NK giảm 7%.

Với tình hình xuất nhập khẩu như vậy, sau 4 tháng, cả nước đã nhập siêu 27,3 tỷ USD, tương đương 4,5% tổng kim ngạch XK, vẫn thấp hơn so với con số Quốc hội cho phép (5%).

Nhận định về tình hình xuất siêu đã duy trì từ đầu năm đến nay, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, việc phải NK nhiều mặt hàng dùng cho sản xuất cũng như chế biến XK cho thấy, sản xuất, kinh doanh tiếp tục có dấu hiệu phục hồi tích cực. Tuy vậy, để hạn chế NK những nhóm hàng hóa không thực sự cần thiết, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh phát triển sản xuất trong nước, nâng cao chất lượng hàng hóa để sản phẩm có đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm NK cùng loại. Đồng thời, thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ưu tiên sử dụng những sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước để hạn chế NK.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải:

Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, có nhiều Hiệp định thương mại tự do với các quốc gia và vùng lãnh thổ. Do đó, nếu chúng ta phát triển XK thì nhiều nước cũng sẽ có điều kiện XK vào Việt Nam, dẫn đến gia tăng NK. Do đó, cần đẩy mạnh sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa để có thể đạt giá trị XK cao hơn.

Phương Lan

Nguồn: http://baocongthuong.com.vn/

SẮP THỰC HIỆN CƠ CHẾ MỘT CỬA QUỐC GIA QUA SÂN BAY TÂN SƠN NHẤT

(HQ Online)- Sau sân bay quốc tế Nội Bài, dự kiến tháng 6/2017, Cơ chế một cửa quốc gia sẽ được thực hiện ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Đại diện Cục CNTT và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) giới thiệu các nội dung cơ bản, quan trọng liên quan đến quá trình xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thủ tục điện tử đối với tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh qua NSW, tại buổi họp Tổ soạn thảo sáng 19/4/2017. Ảnh: T.Bình.

Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan, hết tháng 4/2017 có 11 bộ, ngành kết nối Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) với 38 thủ tục hành chính được đưa lên NSW, tổng số hồ sơ hành chính được xử lý trên 315 nghìn bộ và trên 10.800 doanh nghiệp tham gia,

Liên quan đến thực hiện NSW, hiện nay, Tổng cục Hải quan- Cơ quan Thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, NSW và tạo thuận lợi thương mại đã xây dựng, hoàn thiện dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh tiến độ, nâng cao hiệu quả thực hiện NSW, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định về thực NSW, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại đang lập hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định và xin ý kiến của các bộ, ngành để trình thẩm định trước khi trình Chính phủ. Đồng thời, Tổng cục Hải quan tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành xây dựng chương trình, kế hoạch hành động triển khai NSW và Cơ chế một cửa ASEAN.

Đối với thực hiện NSW qua đường hàng không, từ 15/4/2017, các bộ, ngành liên quan bắt đầu thí điểm triển khai NSW đường hàng không với việc tiếp nhận dữ liệu bản khai hàng hóa điện tử đối với các chuyến bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của Vietnam Airlines tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Theo Tổng cục Hải quan, đến 30/6/2017 sẽ thực hiện thí điểm việc tiếp nhận, khai thác dữ liệu bản khai hàng hóa điện tử của Vietnam Airlines thông qua NSW đối với các chuyến bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của Vietnam Airlines tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Thái Bình

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn

MỸ PHẨM TIỀN TỶ NHẬP LẬU BỊ PHÁT HIỆN

(HQ Online)- Khai báo sai tên hàng, tự ý phá niêm phong hành lý, trà trộn với hàng NK… là những thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng để nhập lậu  mỹ phẩm từ nước ngoài về Việt Nam.

Một vụ nhập lậu mỹ phẩm do lực lượng Hải quan bắt giữ. Ảnh: Q.H.
 
Quý I/2017 (kỳ từ 16/12/2016 đến 15/3/2017), lực lượng Hải quan đã phát hiện 19 vụ vi phạm/7 đối tượng; thu giữ 49.990 vỉ/lọ tân dược; 10.043 sản phẩm mỹ phẩm; trị giá hàng hóa vi phạm gần 9 tỷ đồng.
 

Thực hiện Công điện số 90/CĐ-BCĐ  ngày 13/7/2015, Tổng cục Hải quan xác định dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng là mặt hàng trong danh mục hàng hóa trọng điểm cần phải kiểm soát chặt chẽ. Qua đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tăng cường các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan, đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế và phối hợp liên ngành nhằm chặn đứng các sai phạm trong hoạt động NK, buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng cũng như xử lý kịp thời các đường dây, ổ nhóm buôn lậu.Để cụ thể hóa các ý kiến chỉ đạo trên, lực lượng hải quan các cấp thực hiện đúng quy trình, thủ tục; kiểm tra, giám sát chặt chẽ các lô hàng mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, đồng thời, thu thập, phân tích thông tin các lô hàng NK có nghi vấn, qua đó xác định trọng điểm, áp dụng tiêu chí quản lý rủi ro, phân luồng, kiểm tra thực tế đối với lô hàng có độ rủi ro cao. Bên cạnh đó, các đơn vị hải quan cũng tăng cường kiểm soát ngay tại các cửa khẩu và các khu vực thuộc địa bàn hoạt động hải quan, nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc, Tây Nam… Mặt khác, lực lượng Hải quan cũng thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn và chính quyền địa phương nhằm đấu tranh phát hiện, bắt giữ, xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm liên quan đến mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Qua đấu tranh, lực lượng Hải quan đã lật tẩy hàng chục vụ việc vi phạm liên quan đến dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên cả tuyến biên giới đường bộ, lẫn hàng không. Đáng lưu ý, tình trạng lợi dụng loại hình kinh doanh hàng quá cảnh, làm giả hồ sơ hải quan; hành lý ký gửi qua đường hàng không… để buôn lậu mỹ phẩm  có chiều hướng gia tăng, có vụ trị giá lên đến hàng tỷ đồng.

Điển hình là 7/1/2017, Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài tiếp nhận tờ khai vận chuyển độc lập (hàng quá cảnh) của Công ty TNHH tiếp vận XITLO (có địa chỉ tại quận 3, TP. Hồ Chí Minh). Lô hàng trên thuộc tờ khai hải quan số 500070700330 ngày 14/01/2017, container số OOLU 1937805 đăng ký tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép quá cảnh qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh). Theo DN khai báo, hàng hóa là hàng bách hóa dùng cho gia đình, gồm: Kệ bếp, thảm lót sàn nhà bếp, mới 100%. Thời gian bắt đầu vận chuyển từ cảng Cái Mép vào ngày 14/1/2017 (BOA), thời gian dự kiến đến cửa khẩu Mộc Bài là 15/1/2017. Tuy nhiên, đến ngày 17/1/2017 ông Lê Phương Minh (là đại diện công ty) mới đưa hàng đến khu vực giám sát để làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu Mộc Bài. Khi công chức Hải quan Mộc Bài tiến hành làm thủ tục cho lô hàng thì ông Minh không có mặt và bỏ lại hàng hóa; hàng hóa trước khi kiểm tra có dấu hiệu bị đục phá seal của hãng tàu và làm giả seal hải quan. Theo đó ngày 8/2/2017, các lực lượng Hải quan đã tiến kiểm tra thực tế hàng hóa, xác định hàng hóa trong container chứa một lượng lớn nước hoa, rượu ngoại, xì gà…; trị giá hàng hóa khoảng 8 tỷ đồng.

Tiếp đó, ngày 17/2/2017, Đội thủ tục hành lý Nhập (Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài-Cục Hải quan Hà Nội) phối hơp kiểm tra, thu giữ 32 kiện mỹ phẩm là hành lý ký gửi trên chuyến bay từ Hàn Quốc về Việt Nam không có người nhận, tổng trọng lượng 933,6 kg.

Không chỉ gian lận qua khai báo hải quan, các đối tượng buôn lậu tìm đủ mọi cách xé lẻ mỹ phẩm nhập lậu qua khu vực biên giới phía Bắc, nhất là biên giới tỉnh Quảng Ninh. Các loại mỹ phẩm gồm: Kem ủ tóc, dầu gội đầu, nước hoa khi bị lực lượng Hải quan phát hiện được giấu trên các phương tiện xe khách, xe tải…, thậm chí trà trộn với hàng hóa NK. Ở một số vụ việc, mỹ phẩm còn được tập kết ngay sát đường biên, nhưng khi lực lượng chức năng phát hiện thu giữ rất khó xác định chủ sở hữu.

Đơn cử như ngày 13/4/2017, Tổ công tác Hải quan – Biên Phòng cửa khẩu Bắc Phong Sinh phát hiện một người đàn ông dùng xe kéo tay vận chuyển hàng hóa NK đóng trong các thùng carton từ Trung Quốc về tập kết tại nhà kiểm tra hàng hóa cửa khẩu Bắc Phong Sinh giấu 288 hộp phấn trang điểm hiệu Aprilskin; 1.920 thỏi son môi trang điểm hiệu Theskinface. Qua đấu tranh, xác định được chủ sở hữu lô hàng trên là ông Bùi Văn Nam, sinh năm 1997 (trú tại An Thọ, An Lão, Hải Phòng). Tất cả hàng hóa đều không có chứng từ hợp pháp trong địa bàn hoạt động hải quan.

Quang Hùng