Bao Cong thuong

AUSTRALIA RA THÔNG BÁO MỚI VỀ QUẢN LÝ TÔM VÀ CÁC SẢN PHẨM TÔM NHẬP KHẨU

Thương vụ Việt Nam tại thị trường Australia vừa cho biết, ngày 7/9/2017, Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Australia đã đưa ra thông báo về các yêu cầu mới nhằm hỗ trợ cho các quy trình kiểm tra tăng cường đối với tôm và các sản phẩm tôm nhập khẩu.

Tôm nhập khẩu vào Australia phải đáp ứng yêu cầu mới

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Australia yêu cầu các lô hàng tôm và sản phẩm tôm phải giữ được nguyên vẹn niêm phong tại các kho hàng kiểm soát nhiệt độ (Class 2.5) đã được bố trí trong khi chờ kiểm tra hoặc lấy mẫu khi hàng đến Australia. Để đảm bảo các kho hàng này được trang bị đầy đủ phục vụ cho các hoạt động lấy mẫu và kiểm tra an toàn và hiệu quả thì các đối tượng liên quan đến an toàn sinh học cần tuân thủ các yêu cầu bổ sung đối với khu vực kiểm tra an toàn sinh học, đó là khu vực này cần phải có một buồng kiểm tra có diện tích tối thiểu 1m2 và cao từ 90cm – 1m; buồng kiểm tra có cường độ ánh sáng tối thiểu là 400 lux; phạm vi nhiệt độ trên -10oC.

Kể từ ngày 4/12/2017, chỉ những đối tượng liên quan đến an toàn sinh học đã được đánh giá là đáp ứng các yêu cầu bổ sung như trên, mới được nhận các lô hàng tôm và sản phẩm tôm nhập khẩu. Việc tuân thủ các yêu cầu bổ sung sẽ được đánh giá thông qua việc khảo sát thực tế theo thời gian thỏa thuận và yêu cầu từ các đối tượng liên quan đến an toàn sinh học.

Trước đó, vào ngày 9/1/2017, Chính phủ Australia đã ban hành lệnh khẩn cấp cấm nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín do phát hiện virus đốm trắng có trong tôm bán tại các cửa hàng và nghi ngờ đây là nguyên nhân của việc bùng phát dịch đốm trắng tại Queensland. Dù lệnh cấm này đã được dỡ bỏ từ ngày 6/7/2017 nhưng lượng tôm chưa nấu chín nhập khẩu vào Australia vẫn khiêm tốn. Nguyên nhân là bởi hiện Chính phủ Australia đã nới lỏng lệnh cấm và cho phép nhập khẩu tôm trở lại thị trường này, tuy nhiên các điều kiện nhập khẩu khắt khe hơn trước.

Việt Nam hiện là một trong 4 nhà cung cấp thủy hải sản lớn nhất cho thị trường Australia (sau Thái Lan, Trung Quốc và New Zealand), nhưng mới chỉ chiếm 11,2% thị phần nhập khẩu tại thị trường này. Trong nhóm thủy hải sản, tôm là mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất. Có 8 doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín vào Australia. 

Phương Lan

Nguồn: http://baocongthuong.com.vn/

Bao Cong thuong

ADC CHẤM DỨT ĐIỀU TRA VÀ KHÔNG ÁP THUẾ CHỐNG TRỢ CẤP VỚI NHÔM ÉP VÀ THÉP MẠ KẼM TỪ VIỆT NAM

Sau quá trình điều tra, vào tháng 6 và tháng 8/2017, Ủy ban Chống bán phá giá Australia (ADC) đã quyết định chấm dứt điều tra và không áp thuế chống trợ cấp đối với nhôm ép và thép mạ kẽm nhập khẩu từ Việt Nam.

Ảnh minh họa

Trước đó, tháng 8 và tháng 10/2016, ADC đã lần lượt khởi xướng điều tra 2 vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với nhôm ép và thép mạ kẽm nhập khẩu từ Việt Nam.

Trong vụ việc nhôm ép, Việt Nam bị cáo buộc đã trợ cấp cho doanh nghiệp trong 3 chương trình liên quan đến ưu đãi thuế. Sau khi điều tra, ADC xác định: 1 trong số 3 công ty của Việt Nam đồng ý hợp tác với ADC đã không nhận được ưu đãi nào từ các chương trình nêu trên. 2 doanh nghiệp còn lại và các nhà sản xuất/xuất khẩu khác có nhận được trợ cấp nhưng biên độ trợ cấp không đáng kể. Vì vậy, ADC quyết định chấm dứt điều tra vấn đề trợ cấp đối với Việt Nam.

Đối với vụ việc thép mạ kẽm, Việt Nam bị cáo buộc đã trợ cấp cho doanh nghiệp trong 19 chương trình liên quan đến ưu đãi thuế, ưu đãi đầu tư, các chương trình hỗ trợ, chương trình xúc tiến thương mại. Sau khi điều tra, ADC xác định: Các công ty của Việt Nam đồng ý hợp tác với ADC chỉ nhận được trợ cấp từ 3 trong số 19 chương trình nói trên, và lượng trợ cấp này là không đáng kể; mức độ trợ cấp dành cho các nhà sản xuất/xuất khẩu khác cũng không đáng kể. Vì vậy, ADC quyết định chấm dứt điều tra vấn đề trợ cấp đối với Việt Nam.

Về vấn đề điều tra chống bán phá giá, trong vụ việc thép mạ kẽm, nguyên đơn cáo buộc có tồn tại “tình hình thị trường đặc biệt” trong ngành thép mạ Việt Nam. Nguyên đơn cho rằng Việt Nam phải nhập khẩu hầu hết nguyên liệu chính để sản xuất thép mạ kẽm là thép cuộn nóng (hot rolled coil – HRC). Trong khi đó, giá của HRC tại nước xuất khẩu, do được trợ cấp nên đã bị bóp méo (thấp hơn giá lẽ ra phải có). Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu này nên giá thép mạ kẽm của Việt Nam cũng bị lệch lạc theo và đây cần được coi là “tình hình thị trường đặc biệt” tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi điều tra, Australia đã kết luận không tồn tại tình hình thị trường đặc biệt trong ngành thép mạ Việt Nam.

Ủy ban Chống bán phá giá Australia kết luận chấm dứt điều tra, không áp dụng biện pháp chống trợ cấp đối với nhôm ép và thép mạ kẽm nhập khẩu từ Việt Nam và việc ADC kết luận không tồn tại tình hình thị trường đặc biệt đối với thị trường thép mạ Việt Nam là kết quả tích cực và thành công đối với Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam. Kết quả này là tiền lệ tích cực cho các vụ việc tương lai, do đây là lần đầu tiên Australia điều tra chống trợ cấp và điều tra “tình hình thị trường đặc biệt” đối với Việt Nam.

ĐT

Nguồn: http://baocongthuong.com.vn

Bao Cong thuong

ASEAN – HONG KONG (TRUNG QUỐC) HOÀN TẤT ĐÀM PHÁN FTA

Theo đó, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) sẽ chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và Thỏa thuận đầu tư liên quan vào tháng 11 năm nay.

ASEAN và Hong Kong (Trung Quốc) khởi động đàm phán FTA từ tháng 7 năm 2014 và sẽ chính thức ký kết vào tháng 11 năm nay.

Thông tin trên được quan chức hai bên tuyên bố trước báo giới ngay sau Cuộc tham vấn lần thứ 2 giữa các Bộ trưởng kinh tế ASEAN – Hong Kong (AEM – HKC) vừa diễn ra tại  Philippines ngày 9/9.

Ông Edward Yau – Người đại diện phụ trách các vấn đề phát triển thương mại và kinh tế của Hong Kong (Trung Quốc) cho biết: “Các thỏa thuận có phạm vi toàn diện, bao gồm thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, đầu tư, hợp tác kinh tế kỹ thuật và cơ chế giải quyết tranh chấp.”

Cũng theo ông Yau, FTA và Thoả thuận đầu tư sẽ giúp Hong Kong (Trung Quốc) có thể tiếp cận thị trường ASEAN, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới và tăng cường thương mại và đầu tư song phương.

Theo số liệu thống kê của chính quyền Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), trong năm ngoái, tổng kim ngạch thương mại giữa Hong Kong (Trung Quốc) và ASEAN đạt 106,8 tỷ USD, và tổng trao đổi dịch vụ song phương đạt 15,5 tỷ USD vào năm 2015.

Trong lĩnh vực đầu tư, tính đến cuối năm 2015, với khoảng 27,9 tỷ USD, các nước ASEAN là đối tác lớn thứ 6 được nhận các khoản đầu tư trực tiếp của Hong Kong (Trung Quốc).

Ở chiều ngược lại, ASEAN cũng là đối tác lớn thứ 6 về vốn đầu tư trực tiếp vào Hong Kong (Trung Quốc) – xấp xỉ 71,1 tỷ USD.

Nhật Quang

Nguồn: http://baocongthuong.com.vn/

CẢNH BÁO VI PHẠM TRONG LĨNH VỰC GIA CÔNG, SẢN XUẤT XUẤT KHẨU

(HQ Online)- Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc có nhiều DN gia công, sản xuất xuất khẩu (SXXK) đang giúp giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, do đó, loại hình DN này cũng nhận được nhiều chính sách ưu đãi.

Nhiều DN dệt may có hoạt động gia công, SXXK. Ảnh: T.Bình.

Tuy nhiên, có một thực tế là không ít DN gia công, SXXK đã lợi dụng các cơ chế ưu đãi để gian lận, trốn thuế. Qua quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước về hải quan, lực lượng Kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm, thu nộp bổ sung về ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Lợi dụng ưu đãi

Những năm gần đây số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực gia công, SXXK không ngừng tăng lên. Theo thông tin từ Cục KTSTQ (Tổng cục Hải quan), nếu như năm 2014, cả nước có khoảng 4.600 DN thì đến cuối năm 2016 con số này tăng lên khoảng 8.000 DN. Các DN gia công, SXXK chủ yếu hoạt động sản xuất trong lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ…, tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố: Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, TP.HCM…

Thực tế cho thấy, các DN gia công, SXXK đang đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế đất nước, nhất là lĩnh vực XNK, giải quyết nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Đề cao vai trò của DN gia công, SXXK đối với nền kinh tế và trong bối cảnh cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho hoạt động của giới DN, trong đó có lĩnh vực gia công, SXXK thời gian qua, Việt Nam đã ban hành chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho DN hoạt động trong lĩnh vực này. Nổi bật là việc Luật Hải quan đưa ra các quy định tạo điều kiện thông thoáng về mặt thủ tục hải quan đối với loại hình gia công, SXXK. Đồng thời Luật Thuế XNK đã đưa ra quy định miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư nhập SXXK thay vi ân hạn thuế 275 ngày như trước đây.

Có thể nói các chính sách ưu đãi của nhà nước đã tạo ra môi trường thuận lợi để DN gia công, SXXK phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, góp phần nâng cao kim ngạch XNK của cả nước và giải quyết ngày càng nhiều việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, theo Cục KTSTQ, bên cạnh các DN chấp hành tốt pháp luật, có không ít DN gia công, SXXK lợi dụng các chính sách ưu đãi về thuế để gian lận trốn thuế gây thất thu NSNN, tạo ra sự bất bình đẳng trong hoạt động sản xuất kinh doanh giữa các DN.

Biến nguyên liệu thành phế liệu!

Trước thực trạng nêu trên, những năm vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan về tăng cường công tác quản lý nhà nước về hải quan, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ thu NSNN, Cục KTSTQ và toàn lực lượng đã tập trung kiểm tra đối với các DN, loại hình mức độ rủi ro, nguy cơ vi phạm cao, trong đó có lĩnh vực gia công, SXXK. Qua kiểm tra của Cục KTSTQ và các Chi cục KTSTQ của các cục hải quan địa phương đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm và tiến hành ấn định thuế và thu nộp về ngân sách hàng trăm tỷ đồng.

Theo Cục KTSTQ, từ đầu năm 2017 đến đầu tháng 6, chỉ tính riêng loại hình gia công, SXXK, lực lượng KTSTQ toàn Ngành đã ấn định thuế tổng số tiền lên đến gần 187 tỷ đồng, các DN đã chấp hành và nộp vào ngân sách số tiền 180 tỷ đồng. Trong đó, riêng Cục KTSTQ thực hiện ấn định tổng số tiền gần 88 tỷ đồng và toàn bộ số tiền này đã được thu nộp vào NSNN. Bên cạnh đó, một số Chi cục KTSTQ của các cục hải quan địa phương có số thu lớn từ “hậu kiểm” ở lĩnh vực gia công, SXXK có thể kể đến như Chi cục KTSTQ Bắc Ninh (33,7 tỷ đồng); Chi cục KTSTQ Hải Phòng 21,5 tỷ đồng; Chi cục KTSTQ Đồng Nai 12,2 tỷ đồng; Chi cục KTSTQ TP.HCM 8,6 tỷ đồng; Chi cục KTSTQ Hà Nội gần 8,4 tỷ đồng; Chi cục KTSTQ Bình Dương hơn 7,3 tỷ đồng…

Đại diện Cục KTSTQ cho biết, các vi phạm có tính điển hình đối với DN gia công, SXXK là vấn đề định mức hoặc sử dụng nguyên liệu, vật tư sai mục đích. Định mức là cơ sở lập hồ sơ hoàn thuế, xét không thu thuế, miễn thuế nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hoá xuất khẩu, nhưng qua công tác KTSTQ cơ quan Hải quan phát hiện nhiều DN có định mức đăng ký không đúng với định mức thực tế sản xuất. Đó là việc định mức quyết toán cao hơn định mức thực tế sản xuất; đưa vào định mức quyết toán những nguyên liệu, vật tư nhập gia công, SXXK không thực sự tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm; định mức quyết toán xác định sai nguồn gốc nguyên liệu, vật tư (thực tế sử dụng nguyên liệu, vật tư mua trong nước nhưng quyết toán là nguyên liệu, vật tư nhập SXXK, một hình thức đổi tráo nguyên liệu, vật tư-PV).

Một sai phạm khác phổ biến được cơ quan Hải quan chỉ ra là sử dụng nguyên liệu, vật tư sai mục đích khai báo (nguyên liệu, vật tư nhập gia công, SXXK nhưng chuyển tiêu thụ nội địa hoặc sản xuất sản phẩm tiêu thụ nội địa không khai báo cơ quan Hải quan). Thủ đoạn được DN sử dụng để gian lận qua hình thức này là: Bán nguyên liệu, vật tư dưới hình thức bán phế liệu; khai báo cấp nguyên liệu, vật tư vào sản xuất để sản xuất sản phẩm nhưng thực chất là xuất bán nguyên liệu, vật tư cho đơn vị khác.

Đáng chú ý, lực lượng KTSTQ phát hiện cả trường hợp DN bán sản phẩm hoàn chỉnh dưới hình thức bán phế phẩm hoặc để ngoài sổ kế toán doanh thu bán nguyên liệu, vật tư nhập gia công, SXXK… 

Theo Cục KTSTQ, qua quá trình kiểm tra thực tế, bên cạnh những DN vi phạm có chủ đích thì vẫn có không ít DN vi phạm do: Không có sự kết nối chặt chẽ giữa bộ phận XNK, kế toán và sản xuất nên không có sự kiểm tra, đối chiếu giữa khai báo hải quan và thực tế sản xuất dẫn đến không tự phát hiện được sai phạm.

Hay DN chưa hiểu biết thấu đáo về pháp luật hải quan đối với loại hình gia công, SXXK; hạn chế về năng lực của cán bộ XNK; công ty thuê đại lý hải quan làm các thủ tục thông quan và quyết toán thuế, tuy nhiên không có sự kiểm tra, giám sát đối với hoạt động khai báo của đại lý…

Thái Bình

XUẤT KHẨU THỦY SẢN VỮNG VÀNG MỤC TIÊU 8 TỶ USD

(HQ Online)- Với đà XK thuận lợi, dự kiến kim ngạch XK thủy sản cả năm sẽ đạt khoảng 8 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với năm 2016.

Năm nay thời tiết khá thuận lợi cho việc nuôi tôm, tạo nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến, XK. Ảnh: N.Thanh.

Tăng hơn 18% so với cùng kỳ

Suốt từ đầu năm đến nay, XK thủy sản luôn ở đà tăng trưởng đi lên so với các tháng cùng kỳ năm trước. Theo Bộ NN&PTNT, lũy kế 8 tháng đầu năm, XK thủy sản ước đạt 5,13 tỷ USD, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2016. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường NK hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 7 tháng đầu năm, chiếm 55,6% tổng giá trị XK. 7 tháng qua, các thị trường có giá trị XK thủy sản tăng mạnh điển hình phải kể tới là Trung Quốc (trên 57%), Nhật Bản (30,8%), Anh (trên 30%), Hàn Quốc (28,8%)…

Theo đại diện Bộ NN&PTNT: Năm nay tình hình nuôi trồng thủy sản, đặc biệt đối với hai mặt hàng thủy sản chủ lực là cá tra và tôm có những tín hiệu khá tích cực, tạo nguồn cung ổn định cho XK. Cụ thể, đối với mặt hàng cá tra, các ao nuôi cá tra được quản lý và quy hoạch chặt chẽ. Từ đầu năm đến nay, giá cá tra có xu hướng tăng nên người nuôi dần ổn định sản xuất. Diện tích nuôi cá tra hiện có đạt 4.746 ha, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Vào vụ thu hoạch chính, sản lượng thu hoạch 8 tháng của các tỉnh ĐBSCL tăng trưởng khá, đạt trên 815 nghìn tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, Đồng Tháp là tỉnh có sản lượng thu hoạch lớn nhất đạt trên 303 nghìn tấn, tăng tới 25,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với mặt hàng tôm, nhìn chung thời tiết năm nay thuận lợi hơn rất nhiều so với năm 2016 nên nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL tăng khá. Cụ thể, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 8 tháng ước đạt 63,6 nghìn ha, tăng trên 15% so với cùng kỳ năm trước với sản lượng ước đạt hơn 165 nghìn tấn, tăng mạnh gần 34%. Với tôm sú, sản lượng thu hoạch trong 8 tháng đầu năm ước đạt hơn 150 nghìn tấn, tăng 8,1%. Đặc biệt, điểm đáng chú ý là, giá tôm nguyên liệu hiện vẫn duy trì ở mức ổn định và có xu hướng tăng, tạo thêm động lực cho người nuôi trồng.

Cả năm xuất khẩu đạt 8 tỷ USD

Thời gian vừa qua, việc Hoa Kỳ quyết định kiểm tra 100% lô hàng cá tra của Việt Nam XK vào thị trường này theo chương trình thanh tra cá da trơn từ ngày 2/8 thay vì kế hoạch từ ngày 1/9 trước đó đã đặt ra những lo ngại về tình hình XK cá tra nói riêng và XK thủy sản nói chung.

Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: Thông thường mỗi năm, giá trị XK cá tra vào Hoa Kỳ chiếm khoảng trên 21% tổng giá trị XK mặt hàng này. Khi Hoa Kỳ thực hiện kiểm tra 100% lô hàng cá tra XK từ Việt Nam, hàng được đưa về kho do phía Hoa Kỳ yêu cầu và phía Hoa Kỳ sẽ lấy mẫu khoảng 3% trên tổng số hàng đem đi kiểm tra. Hiện nay, Việt Nam chỉ có 3 DN XK cá tra vào Hoa Kỳ. Các DN vừa tập trung sản xuất tự chủ nguồn cá tra, vừa mua thêm nguyên liệu từ các hộ nuôi trồng khác. Ngoài sự chuẩn bị của các DN, Bộ NN&PTNT cũng ban hành Chương trình kiểm soát cá da trơn XK sang thị trường Hoa Kỳ nhằm kiểm soát tốt hơn vấn đề này. “Vì vậy, mặc dù phía Hoa Kỳ áp dụng kiểm tra 100% lô hàng khá gắt gao, song động thái này không gây ảnh hưởng nhiều tới XK cá tra nói riêng và XK thủy sản nói chung trong cả năm nay. Dự kiến, XK cá tra cả năm đạt khoảng 1,7 tỷ USD và XK thủy sản tự tin đạt mức 8 tỷ USD, tăng tới hơn 1 tỷ USD so với năm 2016”, ông Oai nhấn mạnh.

Trên thực tế, thời gian qua cùng với đà tăng trưởng của XK, kim ngạch NK thủy sản cũng tăng khá mạnh. Cụ thể, báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, 8 tháng đầu năm, giá trị NK thủy sản đạt hơn 900 triệu USD, tăng trên 31% so với cùng kỳ năm 2016. Thị trường NK thủy sản lớn nhất trong 7 tháng đầu năm là Ấn Độ (chiếm 26,4% thị phần), tiếp ngay sau đó là Trung Quốc với 8,8% thị phần. Trước một số ý kiến băn khoăn đặt ra về việc thủy sản XK tăng song cũng phụ thuộc nguồn nguyên liệu NK, ông Oai cho biết thêm: Việt Nam hiện đang XK thủy sản tới hơn 100 quốc gia. Nguồn nguyên liệu trong nước cơ bản đáp ứng nhu cầu chế biến hàng XK. Tuy nhiên, khi dư thừa công suất, việc NK thêm nguyên liệu chế biến, XK, góp phần tăng thêm giá trị gia tăng là điều đáng mừng, không có gì đáng lo ngại.

Về những nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển bền vững ngành thủy sản trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo, Tổng cục Thủy sản phải tiếp tục hoàn thiện Luật Thủy sản theo tinh thần đảm bảo chất lượng và tiến độ để trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy sản cũng phải tích cực phối hợp với Cục Thú y, Cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản và Thủy sản tổ chức hội nghị quán triệt 6 tỉnh nuôi tôm trọng điểm trên cả nước về vấn đề kháng sinh và tạp chất.

Thanh Nguyễn

XUẤT KHẨU NÔNG, LÂM, THỦY SẢN KHẢ QUAN THU VỀ 33 TỶ USD

(HQ Online)- Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, những tháng cuối năm nay, nếu không có những bất thường lớn về thời tiết, ngành nông nghiệp sẽ về đích thành công với mức tăng trưởng ngành 3,05% và giá trị XK nông, lâm, thủy sản đạt 33 tỷ USD. 

Hết tháng 8, XK nông, lâm, thủy sản đã đạt trên 23 tỷ USD. Ảnh: Internet

Tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp những tháng cuối năm được đánh giá phụ thuộc rất lớn vào mức tăng trưởng của lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Ở lĩnh vực chăn nuôi, trong tháng 8, giá trứng gia cầm tiếp tục tăng, giá thịt lợn giữ ở mức thấp, nên người dân vẫn thận trọng trong việc đầu tư tái đàn. Hiện tại, hầu như chỉ các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn quy mô lớn bắt đầu tái đàn nhưng số lượng hạn chế. Ước tính hết tháng 8, đàn lợn cả nước giảm 4%, đàn trâu giảm 0,5%, đàn bò tăng 2,8%, đàn gia cầm tăng khoảng 5,1% so với cùng kỳ năm 2016. 

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), với nỗ lực tái đàn chăn nuôi lợn phục vụ nhu cầu Tết và sự tăng mạnh trong sản xuất trứng, đạt mức 11 tỷ quả (tăng gần 2 tỷ quả so với năm trước), dự báo năm nay lĩnh vực chăn nuôi sẽ đảm bảo mức tăng trưởng 3%. 

Đối với lĩnh vực trồng trọt, do những tháng đầu năm thời tiết diễn biến phức tạp nên sản lượng vụ Đông Xuân giảm 300.000 tấn lúa; bù lại vụ Hè Thu ở các tỉnh phía Nam đã thu hoạch 1.085 nghìn ha (chiếm 56,2%) cho năng suất tăng hơn so với vụ trước là 2 tạ/ha. 

Đại diện Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đánh giá: Với diện tích lúa ở miền Bắc đang phát triển khá tốt và kế hoạch sản xuất vụ Thu Đông ở ĐBSCL, sản lượng tăng khoảng 250.000 – 300.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, sản lượng lúa cả năm ước đạt 44,1 triệu tấn.

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy tính tới hết tháng 8, tổng kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản ước đạt 23,7 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong các lĩnh vực sản xuất, thủy sản đang có những tín hiệu tăng trưởng và XK khả quan. Giá trị XK thủy sản ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2016.

Thanh Nguyễn

HẢI QUAN TP.HCM TĂNG THU CHO NGÂN SÁCH TRÊN 410 TỶ ĐỒNG

(HQ Online)-Theo tin từ Phòng Thuế XNK- Cục Hải quan TP.HCM, trong 8 tháng năm 2017, Cục Hải quan TP.HCM đã tăng thu cho ngân sách nhà nước trên 410 tỷ đồng tiền thuế từ tham vấn giá và kiểm tra sau thông quan.

Hàng nhập lậu do Cục Hải quan TP.HCM bắt giữ tại cảng Cát Lái tháng 6/2017. Ảnh: T.H
Trong đó, tăng thu qua tham vấn và điều chỉnh giá đối với hàng hóa nhập khẩu theo loại hình phi mậu dịch trên 331,4 tỷ đồng; Tăng thu từ công tác kiểm tra sau thông quan đối với các tờ khai nhập khẩu hàng hóa tại trụ sở doanh nghiệp trên 82,6 tỷ đồng. 

Phòng Thuế XNK cũng cho biết, trong tháng 8, Cục Hải quan TP.HCM thu ngân sách đạt  9.641,5 tỷ đồng, tăng 12,47% so với tháng 7/2017 (8.572,715 tỷ đồng). Lũy kế đến ngày 31/8/2017, Cục Hải quan TP.HCM thu đạt 70.649,3 tỷ đồng, đạt 64,81% chỉ tiêu pháp lệnh và tăng 7,95% so với cùng kỳ năm 2016 (65.437,355 tỷ đồng).

Theo Cục Hải quan TP.HCM, với kết quả trên, trong 4 tháng cuối năm 2017, đơn vị này còn phải thu trên 38.351 tỷ đồng mới đạt được chỉ tiêu pháp lệnh năm 2017 là 109.000 tỷ đồng./.

Lê Thu
Bao Cong thuong

MỤC TIÊU XUẤT KHẨU NÔNG LÂM THỦY SẢN ĐẠT 35 TỶ USD NĂM 2018

Với những kết quả khả quan trong năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đặt mục tiêu tăng trưởng của ngành NN&PTNT năm 2018 là 3% và kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 35 tỷ USD. Đây là thông tin được đưa ra tại buổi Họp báo thường kỳ tháng 9 do Bộ NN&PTNT tổ chức chiều nay (6/9), tại Hà Nội.  

Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ nhưng sức sản xuất của ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục bứt phá, thị trường tiêu thụ mở rộng hứa hẹn một năm bội thu về xuất khẩu nông lâm và thủy sản. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 8 tháng ước đạt 23,7 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong các lĩnh vực sản xuất, thủy sản đang có những tín hiệu tăng trưởng và xuất khẩu khả quan. Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 18,1%. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm nay sẽ đạt 8 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với năm 2016.

Trong những tháng cuối năm 2017, tăng trưởng của ngành NN&PTNT được đánh giá phụ thuộc rất lớn vào mức tăng trưởng của lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Tháng 8/2017, giá trứng gia cầm tiếp tục tăng, giá thịt lợn giữ ở mức thấp, nên người dân vẫn thận trọng trong việc đầu tư tái đàn; hiện tại hầu như chỉ các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn quy mô lớn bắt đầu tái đàn, nhưng số lượng hạn chế. Ước hết tháng 8, đàn lợn cả nước giảm 4%, đàn trâu giảm 0,5%, đàn bò tăng 2,8%, đàn gia cầm tăng khoảng 5,1% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, với nỗ lực tái đàn chăn nuôi lợn phục vụ nhu cầu Tết và sự tăng mạnh trong sản xuất trứng, đạt mức 11 tỷ quả (tăng gần 2 tỷ quả so với năm trước), dự báo năm nay lĩnh vực chăn nuôi sẽ đảm bảo mức tăng trưởng 3%. Bộ trưởng lưu ý, Cục Chăn nuôi tập trung nguồn lực để xây dựng Luật Chăn nuôi đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng; xây dựng các chiến lược và quy hoạch phát triển chăn nuôi, đồng thời xúc tiến việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.

Đối với lĩnh vực trồng trọt, do những tháng đầu năm thời tiết diễn biến phức tạp nên sản lượng vụ đông xuân giảm 300.000 tấn lúa; bù lại vụ hè thu ở các tỉnh phía Nam đã thu hoạch 1.085 nghìn ha (chiếm 56,2%) cho năng suất tăng hơn so với vụ trước là 2 tạ/ha, tính ra vụ này sản lượng tăng khoảng 400.000 tấn lúa. Theo đánh giá của Cục Trồng trọt, với diện tích lúa ở miền Bắc đang phát triển khá tốt và kế hoạch sản xuất vụ thu đông ở ĐBSCL, sản lượng dự kiến tăng khoảng 250.000-300.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, sản lượng lúa cả năm ước đạt 44,1 triệu tấn. Tuy nhiên, mối lo lớn nhất hiện nay là tình hình dịch bệnh trên lúa (như bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng, bạc lá, khô vằn…) và nguy cơ ảnh hưởng của mưa bão ở phía Bắc và lũ ở ĐBSCL. Chính vì vậy, Bộ trưởng chỉ đạo Tổng cục Thủy lợi, Cục Trồng trọt, Cục BVTV nắm chắc tình hình và có biện pháp ứng phó với mưa bão, lũ và dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho sản xuất lúa.

Với những kết quả khả quan trong năm 2017, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu, kế hoạch tăng trưởng của ngành NN&PTNT năm 2018 là 3% và kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 35 tỷ USD.

Liên quan đến môi trường biển miền Trung, theo Tổng cục Thủy sản, môi trường biển 4 tỉnh miền Trung đã phục hồi trở lại, nhiều ngư trường ruốc xuất hiện dày đặc; các nghề vây, lưới mành, pha xúc đạt năng suất ổn định. Tính đến nay, tiến độ chi trả bồi thường sự cố môi trường biển đạt 94,3%; hơn 5% còn lại đang chờ tàu khai thác về để tiến hành bồi thường. Tổng cục cũng tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp theo thông lệ quốc tế.

Nguyễn Hạnh

Nguồn: http://baocongthuong.com.vn/

KẾT NỐI GIÁM SÁT HÀNG HÓA TẠI CẢNG HẢI PHÒNG THEO HÌNH THỨC CUỐN CHIẾU

(HQ Online)- Việc kết nối giữa cơ quan Hải quan với DN kinh doanh cảng, kho, bãi tại khu vực cảng Hải Phòng được thực hiện đầu tiên với 3 DN theo hình thức cuốn chiếu.
Hàng hóa được phối hợp giám sát tại khu vực cảng Hải Phòng được thực hiện với cả hàng hóa ngoài container. Trong ảnh, hàng hóa là máy móc thiết bị nhập khẩu về cảng Hải Phòng. Ảnh: T.Bình.

Triển khai cuốn chiếu

Ngày 15/8 tới đây, Hải quan Hải Phòng sẽ là đơn vị đầu tiên trong toàn Ngành thực hiện kết nối với doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi để giám sát hàng hóa XNK (theo Đề án quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không).

Ngày 11/8, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, lãnh đạo Phòng CNTT (Cục Hải quan Hải Phòng) cho biết: Theo thống kê của Cục, trên địa bàn có gần 70 DN liên quan đến hoạt động kinh doanh kho, bãi, cảng. Tuy nhiên, qua tiến hành khảo sát chỉ có khoảng 40 DN có thể tiến hành kết nối phối hợp giám sát, quản lý hàng hóa XNK, một số DN còn lại hầu như không có hoặc ít hàng hóa XNK, trường hợp khác là DN cảng đặc thù nên phải chờ hướng dẫn của Tổng cục Hải quan.

Giai đoạn đầu, thực hiện kết nối với 3 DN quản lý tại cảng Tân Vũ, Đình Vũ và kho, bãi CFS (hàng rời, hàng lẻ) Nam Phát. Như vậy, đây là lần đầu tiên có DN kinh doanh kho CFS thực hiện kết nối, phối hợp giám sát hàng hóa XNK.

Theo lộ trình vừa được Hải quan Hải Phòng và các DN thống nhất, việc triển khai được thực hiện theo hình thức cuối chiếu với thời gian thực hiện 1 tuần/DN. Cụ thể, Công ty cổ phần cảng Hải phòng (quản lý Chi nhánh Tân Vũ) thực hiện từ ngày 15 đến 22/8; Công ty TNHH tiếp vận Nam Phát thực hiện từ ngày 23 đến 31/8; Công ty cổ phần đầu tư phát triển cảng Đình Vũ thực hiện từ ngày 5 đến 11/9.

Khi thực hiện Đề án, các tờ khai có ngày đăng ký từ ngày triển khai trở đi (tại DN kinh doanh kho, bãi, cảng thực hiện triển khai) sẽ được xử lý theo quy trình mới (hệ thống mới). Trong khi tờ khai có ngày đăng ký trước ngày triển khai sẽ được xử lý theo quy trình cũ.

Chuẩn bị tích cực, kỹ lưỡng

Theo Cục Hải quan Hải Phòng, để triển khai đúng kế hoạch, không gây xáo trộn đối với hoạt động XNK, đơn vị đã và đang tích cực phối hợp với Cục CNTT và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan), các DN kinh doanh kho, bãi, cảng triển khai hàng loạt công việc liên quan.

Về mặt nghiệp vụ, Cục đã xây dựng, hoàn thiện Hướng dẫn trình tự thực hiện, sơ đồ hóa các bước nghiệp vụ và Bản thuyết minh hướng dẫn. Đáng chú ý là nội dung quản lý rủi ro thực hiện mô tả chi tiết 4 nội dung áp dụng quản lý rủi ro trong công tác kiểm tra, giám sát hải quan, gồm: Quyết định kiểm tra hàng hóa NK trong quá trình xếp dỡ từ phương tiện vận tải nhập cảnh xuống kho, bãi, cảng; quyết định việc kiểm tra hàng hóa NK trong quá trình lưu giữ tại cảng; quyết định việc kiểm tra hàng hóa XK sau khi đã thông quan; quyết định phương thức giám sát đối với hàng hóa XNK trong quá trình giám sát hải quan.

Về công tác chuẩn bị các điều kiện đảm bảo thực hiện của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi, Tổ thường trực triển khai Đề án của Cục đã chủ động, tích cực phối hợp với các chi cục hải quan thực hiện kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn DN kho, bãi, cảng trong quá trình chuẩn bị các điều kiện thực hiện Đề án, bao gồm: Vị trí ở bộ phận “một cửa”, phần mềm kết nối, đường truyền, máy chủ, máy trạm, máy in, máy bắn mã vạch, chữ ký số, chuẩn hóa quy trình quản lý nội bộ, sơ đồ hóa các bước thực hiện, bố trí nguồn nhân lực, tập huấn đào tạo…

 “Trước thời điểm triển khai, vào ngày 12/8 dù là ngày nghỉ theo quy định (thứ 7) nhưng Cục Hải quan Hải Phòng vẫn tiếp tục tổ chức tập huấn cho công chức hải quan và DN để nắm bắt một cách cặn kẽ trước khi triển khai”- lãnh đạo Phòng CNTT chia sẻ.

Quá trình triển khai, cơ quan Hải quan sẽ bố trí lực lượng thường trực tại 3 DN nêu trên để phối hợp xử lý, giải quyết vướng mắc phát sinh trong quá trình chạy thí điểm, hạn chế ảnh hưởng đến việc giải quyết thủ tục của các bên. Đồng thời cử đầu mối liên hệ để trao đổi, phối hợp xử lý kịp thời vướng mắc phát sinh.

Thái Bình