THANH, KIỂM TRA TÀI CHÍNH, THUẾ VỚI DOANH NGHIỆP KHÔNG QUÁ 1 LẦN/NĂM

(HQ Online)- Đây là một trong những nội dung chỉ đạo mới của Tổng cục Hải quan đối với các đơn vị thuộc, trực thuộc.
Ắc quy là một trong những mặt hàng được cơ quan Thanh tra (Tổng cục Hải quan) truy thu thuế lớn trong năm 2016. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Cụ thể, Tổng cục Hải quan yêu cầu thủ trưởng các đơn vị nghiêm túc triển khai  các nội dung: Tổ chức thanh tra, kiểm tra về tài chính, thuế đối với doanh nghiệp không quá 1 lần/năm, không trùng lắp, chồng chéo và được công khai trước cho doanh nghiệp.

Đồng thời, các đơn vị rà soát kế hoạch thanh tra, kiểm tra đảm bảo không trùng lắp với kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính của Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, kế hoạch thanh tra chuyên ngành của các Tổng cục đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt.

Trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất tại doanh nghiệp chỉ tiến hành khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo yêu cầu giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo yêu cầu của cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra.

Bên cạnh đó, các đơn vị không thanh tra, kiểm tra lại khi không có căn cứ theo quy định của pháp luật hoặc những vấn đề, nội dung mà cơ quan có thẩm quyền đã kết luận, xử lý…

Được biết, đây là những nội dung được Tổng cục Hải quan cụ thể hóa để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính về việc thanh tra, kiểm tra tài chính, thuế đối với doanh nghiệp.

Năm 2016, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo thanh tra, kiểm tra nội bộ, chống tham nhũng theo các chuyên đề từ khâu thu thập thông tin đến cách thức tổ chức thực hiện.

Đặc biệt, từ việc phát hiện sơ hở ở một số địa phương, lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo tập trung làm rõ và thực hiện thanh kiểm tra trong toàn Ngành, nhất là các đơn vị Hải quan trọng điểm. Điển hình như các chuyên đề liên quan đến ắc quy, vải filament, thép nhập khẩu có thuế tự vệ, máy cày, máy xới… và kiến nghị truy thu gần 70 tỷ đồng.

Một điểm đáng chú ý khác đó là để góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách, những tháng cuối năm 2016, Tổng cục Hải quan cử 4 đoàn kiểm tra giám sát công tác thu thuế và chấp hành pháp luật tại các cục hải quan địa phương lớn nhằm góp phần tăng thu ngần sách, tăng cường tính tuân thủ pháp luật của người khai hải quan và cán bộ công chức.

Thái Bình

MÁY MÓC THUÊ MƯỢN THEO LOẠI HÌNH TẠM NHẬP, TÁI XUẤT KHÔNG CHỊU THUẾ GTGT KHÂU NK

(HQ Online)- Trường hợp máy móc, thiết bị thuê mượn NK theo loại hình tạm nhập, tái xuất thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT khâu NK. Tuy nhiên, với dịch vụ thuê mượn máy móc, thiết bị, DN thực hiện kê khai, tính và nộp thuế GTGT với cơ quan Thuế nội địa.

Công chức hải quan kiểm tra máy móc NK. Ảnh: T.Trang.

Đó là hướng dẫn của Tổng cục Hải quan với Cục Hải quan Hải Phòng về việc tính thuế GTGT phí thuê, mượn đối với máy móc, thiết bị tạm nhập, tái xuất.

Theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan, tại khoản 20 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC thì: “Hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu; hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu; nguyên liệu, vật tư NK để sản xuất, gia công hàng hóa XK theo hợp đồng sản xuất, gia công xuất khẩu ký kết với bên nước ngoài thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Hồ sơ, thủ tục để xác định và xử lý không thu thuế GTGT trong các trường hợp này thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế XK, thuế NK và quản lý thuế đối với hàng hóa XK, NK”.

Theo đó, trường hợp máy móc, thiết bị thuê mượn NK theo loại hình tạm nhập, tái xuất nếu đáp ứng quy định tại khoản 20 Điều 4 Thông tư 219 thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT khâu NK. Đối với dịch vụ thuê mượn máy móc, thiết bị, DN thực hiện kê khai, tính và nộp thuế GTGT với cơ quan Thuế nội địa.

Hải Nam

SỚM KHỞI CÔNG CAO TỐC DẦU GIÂY – TÂN PHÚ

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu Ban PPP khẩn trương hoàn thiện các thủ tục theo quy định để sớm khởi công thành phần 1 dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương đoạn Dầu Giây – Tân Phú.

 
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa tại buổi làm

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng

Chiều nay (14/3), Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về tình hình thực hiện đầu tư dự án đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương và các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh này.

Tại buổi làm việc, ông Trương Hữu Hiệp, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Bộ GTVT sớm hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án thành phần 1 của dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương đoạn Dầu Giây – Tân Phú (TMĐT giai đoạn 1 khoảng 7.974 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức BOT) để khởi công theo tiến độ đề ra (dự kiến quý IV/2017).

Cùng đó, ông Hiệp kiến nghị Bộ GTVT sớm phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án thành phần 2 của cao tốc Dầu Giây – Liên Khương là đoạn Tân Phú – Bảo Lộc (TMĐT khoảng 17.821 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn vay ODA khoảng 14.359 tỷ đồng và vốn đối ứng của Chính phủ khoảng 2.872 tỷ đồng). Ông Hiệp cũng đề xuất dự án thành phần 3 (đoạn Bảo Lộc – Liên Khương) để hai tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai có cơ sở lập hồ sơ, thủ tục thu hồi phạm vi sử dụng đất và triển khai nội dung khác trong công tác bồi thường, GPMB…

“Đối với các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh, chúng tôi kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ xem xét bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 để sớm nâng cấp các tuyến QL27 đoạn Km83-Km174, QL27 đoạn tránh sân bay Liên Khương và tuyến QL55 đoạn Km205+140 – Km229+140”, ông Hiệp nói.

Sau khi nghe ý kiến của đại biểu và cơ quan tham mưu, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu Ban PPP khẩn trương hoàn thiện các thủ tục theo quy định để sớm khởi công thành phần 1 dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương đoạn Dầu Giây – Tân Phú.

Đối với thành phần 2 của dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương (đoạn Tân Phú – Bảo Lộc), Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, trong bối cảnh trần nợ công đang ở mức cao, để dự án khả thi, Bộ GTVT đề nghị tỉnh Lâm Đồng đăng ký vay lại nguồn vốn ODA, còn lại nguồn vốn đối ứng thực hiện công tác bồi thường, GPMB và tái định cư sẽ đề nghị Chính phủ hỗ trợ,…

Đình Quang
Nguồn: http://www.baogiaothong.vn/

HỆ THỐNG DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN: XỬ LÝ GẦN 1800 BỘ HỒ SƠ TRONG 10 NGÀY ĐẦU TRIỂN KHAI CHÍNH THỨC

Cơ quan Hải quan đã tiếp nhận và xử lý gần 1.800 bộ hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) trong 10 ngày đầu triển khai chính thức Hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) cho 41 TTHC trong lĩnh vực hải quan.

Cụ thể, 10 ngày đầu tiên kể từ khi triển khai chính thức, Hệ thống DVCTT đã tiếp nhận 1.771 bộ hồ sơ TTHC. 

Trong đó tổng số lượng hồ sơ tiếp nhận qua các đơn vị thuộc Cục Hải quan thành phố Hải Phòng đạt mức cao nhất, 604 bộ hồ sơ. Một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố khác cũng có khá nhiều hồ sơ được nộp qua Hệ thống DVCTT là Bình Dương, Long An, Hà Nội. 

Hai TTHC được nộp nhiều qua Hệ thống DVCTT là khai bổ sung hồ sơ khai thuế và hủy tờ khai hải quan với hơn 1.500 bộ hồ sơ và chiếm khoảng 84% tổng số hồ sơ nộp qua Hệ thống DVCTT. 

Tăng cường cung cấp DVCTT để thực hiện TTHC là chủ trương chung của Chính phủ và đã được cụ thể tại mục tiêu của Nghị quyết số 36a/NQ-CP Ngày 22/11/2016. 

Để thực hiện nhiệm vụ này, Tổng cục Hải quan đã chính thức mở rộng cung cấp DVCTT cho 41 TTHC tại địa chỉ  http://pus.customs.gov.vn từ ngày 01/3/2017. 

Đối với các TTHC đã được cung cấp DVCTT, người dân và doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận thông tin hướng dẫn trên Hệ thống, nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tuyến trên môi trường mạng mà không cần đến giao dịch tại cơ quan hải quan.  Cơ quan hải quan sẽ sử dụng các chứng từ điện tử thuộc bộ hồ sơ TTHC và các thông tin trên các hệ thống thông tin để kiểm tra, xử lý các TTHC. 

Để triển khai chính thức Hệ thống DVCTT, Tổng cục Hải quan đã tổ chức đào tạo, tập huấn cho toàn ngành Hải quan trong năm 2016 và triển khai thí điểm Hệ thống DVCTT trong 2 tháng đầu năm 2017 nhằm giúp người dân và doanh nghiệp làm quen với Hệ thống.

BỎ GIẤY CHỨNG NHẬN BẢO HÀNH, BẢO DƯỠNG KHI NHẬP Ô TÔ DƯỚI 9 CHỖ

(HQ Online)- Kể từ ngày 9/3, các thương nhân nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống không phải nộp giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp (1 bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân).

Các thương nhân nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống không phải nộp giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp . Ảnh Hà Phương

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư 04/2017/Tt-BCT sửa đổi, bổ sung Thông tư số 20/2011/TT-BCT quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Theo đó, Thông tư này bãi bỏ khoản 2 Điều 1 Thông tư số Thông tư số 20/2011/TT-BCT.

Cụ thể, khoản 2 Điều 1 Thông tư số Thông tư số 20/2011/TT-BCT nêu rõ, thương nhân nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống khi làm thủ tục nhập khẩu, ngoài việc thực hiện các quy định hiện hành, phải nộp bổ sung những giấy tờ sau cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp (1 bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân).

Điều kiện còn lại là giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật (1bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân) vẫn chưa được bãi bỏ.

Phan Thu

HOÀN THIỆN DANH MỤC HÀNG HÓA PHẢI LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN TẠI CỬA KHẨU NHẬP

(HQ Online)- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có ý kiến chỉ đạo về Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập.

Hoàn thiện danh mục hàng hóa phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập. Ảnh: Ngọc Linh

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, bỏ hàng hóa nhập khẩu có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi, bao gồm cả thuế suất ưu đãi đặc biệt từ 20% trở lên ra khỏi Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập; không quy định tại Danh mục các dẫn chiếu đến văn bản quy phạm pháp luật cấp Bộ.

Bộ Tài chính hoàn chỉnh lại dự thảo Quyết định và Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 3/2017 theo quy định.

Hương Dịu

4 NHÓM PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ PHẢI DÁN NHÃN NĂNG LƯỢNG

(HQ Online)- Thủ tướng Chính phủ vừa quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện.

Có 4 nhóm phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng và áp dụng hiệu suất năng lượng tối thiểu. Ảnh: H.Dịu

Theo đó, có 4 nhóm phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng và áp dụng hiệu suất năng lượng tối thiểu.

Thứ nhất là nhóm thiết bị gia dụng gồm: Đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compact, chấn lưu điện từ và điện tử cho đèn huỳnh quang, máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt sử dụng trong gia đình, nồi cơm điện, quạt điện, máy thu hình, đèn LED, bình đun nước nóng có dự trữ. Thứ hai là nhóm thiết bị văn phòng và thương mại gồm: Máy phôtô copy, màn hình máy tính, máy in, tủ giữ lạnh thương mại, máy tính xách tay. Thứ ba là nhóm thiết bị công nghiệp gồm: Máy biến áp phân phối, động cơ điện. Cuối cùng là nhóm phương tiện giao thông vận tải gồm: Xe ô tô con loại 9 chỗ trở xuống, xe mô tô, xe gắn máy.

Về lộ trình thực hiện dán nhãn năng lượng, đối với nhóm thiết bị gia dụng và nhóm thiết bị công nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện dán nhãn năng lượng bắt buộc đối với các thiết bị gia dụng và nhóm thiết bị công nhiệp sau: Đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compact, chấn lưu điện từ và điện tử cho đèn huỳnh quang, máy điều hòa nhiệt độ, nồi cơm điện, quạt điện, tủ lạnh, máy giặt lồng ngang, máy giặt lồng đứng, máy thu hình, máy biến áp phân phối ba pha, động cơ điện. Thực thiện dán nhãn năng lượng tự nguyện đến hết ngày 31/12/2019 và bắt buộc từ ngày 1/1/2020 đối với sản phẩm đèn LED, bình đun nước nóng có dự trữ.

Đối với nhóm thiết bị văn phòng và thương mại: Thực hiện dán nhãn năng lượng bắt buộc đối với tủ giữ lạnh thương mại. Thực hiện dán nhãn năng lượng tự nguyện đối với máy phôtô copy, màn hình máy tính, máy in. Thực hiện dán nhãn năng lượng tự nguyện đến hết ngày 31/12/2019 và bắt buộc từ ngày 1/1/2020 đối với máy tính xách tay.

Đối với nhóm phương tiện giao thông vận tải (sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới): Thực hiện dãn nhãn năng lượng bắt buộc đối với xe ô tô con loại 7 chỗ trở xuống. Thực hiện dán nhãn năng lượng tự nguyện đối với xe ô tô con loại trên 7 chỗ đến 9 chỗ đến hết ngày 31/12/2017; đối với xe mô tô, xe gắn máy đến hết ngày 31/12/2019. Từ ngày 1/1/2018 thực hiện dán nhãn năng lượng bắt buộc đối với xe ô tô con loại trên 7 chỗ đến 9 chỗ và đối với xe mô tô, xe gắn máy từ ngày 1/1/2020.

Nhà nước khuyến khích thực hiện việc dán nhãn năng lượng tự nguyện đối với phương tiện, thiết bị không thuộc quy định trên.

Hương Dịu

NHỮNG NHÓM HÀNG NHẬP KHẨU CHÍNH THÁNG 2/2017

(HQ Online)- Nhập khẩu hàng hóa trong 2 tháng/2017 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2016 với mức tăng 23,3%. Trong đó, 10 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất đạt hơn 18,22 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 64,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Cơ cấu hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam tháng 2/2017

Hàng hóa có tỷ trọng nhập khẩu lớn nhất vẫn là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác chiếm 17,1%; đứng thứ 2 là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kện với tỷ trọng 16,3%; điện thoại và linh kiện các loại chiếm tỷ trọng 6,3%; …

Máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác: Nhập khẩu nhóm hàng này trong 2 tháng/2017 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể, trong tháng 2/2017 cả nước nhập khẩu trên 2,51 tỷ USD, tăng 7,5% so với tháng trước, qua đó đưa kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trong 2 tháng/2017 đạt gần 4,82 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác trong 2 tháng/2017 chủ yếu được nhập từ Trung Quốc với gần 1,5 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm truóc; nhập khẩu từ Hàn Quốc với hơn 1,31 tỷ USD, tăng 83,5%; nhập khẩu  từ Nhật Bản đạt 676 triệu USD, tăng 15,5%; …

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: Trong 2 tháng/2017 tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, trong tháng 2/2017 cả nước nhập khẩu nhóm hàng này trị giá gần 2,49 tỷ USD, tăng 16,9% so với tháng trước, qua đó đưa kim ngạch nhập khẩu 2 tháng/2017 lên hơn 4,61 tỷ USD.

Trong 2 tháng /2017 nhóm hàng máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện được nhập khẩu chủ yếu từ Hàn Quốc với hơn 1,52 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước; từ Trung Quốc với 983 triệu USD, tăng 29,6%; từ Đài Loan với 492 triệu USD, tăng 15,6%; …

Điện thoại các loại và linh kiện: Nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng đạt 955 triệu USD, tăng 14,5% so với tháng trước. Qua đó, đưa kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trong 2 tháng/2017 đạt hơn 1,79 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Điện thoại các loại và linh kiện chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc với gần 1,01 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 583 triệu USD, tăng 26%; …

Sắt thép các loại: Trong 2 tháng/2017 nhập khẩu nhóm hàng này tăng 49,3% về trị giá, tuy nhiên chỉ tăng 0,2% về lượng so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể, nhập khẩu sắt thép trong tháng 2 đạt hơn 1,51 triệu tấn, trị giá 832 triệu USD, tăng 22,9% về lượng và 25,3% về trị giá so với tháng trước, đưa kim ngạch nhập khẩu sắt thép các loại 2 tháng/2017 đạt gần 2,74 triệu tấn, trị giá hơn 1,49 tỷ USD.

Sắt thép các loại trong 2 tháng/2017 chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc với hơn 1,53 triệu tấn, trị giá 786 triệu USD, tăng 7,6% về lượng và 61,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; từ Hàn Quốc với 304 nghìn tấn, trị giá 202 triệu USD, tăng 17,8% về lượng và tăng  57,3%; từ Nhật Bản với 334 nghìn tấn, trị giá 197 triệu USD, giảm 1,2% về lượng và 36,8% về trị giá; …

Vải các loại: Nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng đạt 692 triệu USD, tăng 4,5% so với tháng trước, đưa kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trong 2 tháng/2017 đạt 1,35 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2016.

 Vải các loại chủ yếu được nhập từ Trung Quốc với 671 triệu USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước;  Hàn Quốc với 276 triệu USD, tăng 11,3%; từ Đài Loan với 198 triệu USD, tăng 2,4%; …

Chất dẻo nguyên liệu: Nhập khẩu trong tháng của nhóm hàng này đạt 404 nghìn tấn, trị giá 586 triệu USD, tăng 31,3% về lượng và 30,9% về trị giá so với tháng trước. Qua đó, đưa kim ngạch nhập khẩu trong 2 tháng/2017 của nhóm hàng này đạt 712 nghìn tấn, trị giá hơn 1,03 tỷ USD, tăng 23,7% về lượng và tăng 33,7% về trị giá so cùng kỳ năm trước.

Hà Nhi

KIM NGẠCH HÀNG HÓA XNK 2 THÁNG ĐẦU NĂM 2017 ĐẠT HƠN 55,66 TỶ USD

(HQ Online)- Theo số liệu thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 2 tháng đầu năm 2017 đạt hơn 55,66 tỷ USD, tăng 19,5% tương ứng tăng gần 9,08 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016.

Kim ngạch xuất khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất trong tháng 2/2017 so với tháng 2/2016.

Trong đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt hơn 35,98 tỷ USD, tăng 18,5% tương ứng tăng gần 5,61 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016.

Trong kỳ 2 tháng 2/2017 cán cân thương mại hàng hóa cả nước thâm hụt 386 triệu USD, đưa cán cân thương mại hàng hóa cả nước 2 tháng/2017 thâm hụt 803 triệu USD.

Cũng theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 2/2017 (từ 16/2/2017 đến 28/2/2017) đạt hơn 14,04 tỷ USD,  giảm 1,3% tương ứng giảm 181 triệu USD so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 2/2017. Trong đó, xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kim ngạch hơn 9,1 tỷ USD, giảm 2,1% tương ứng giảm 197 triệu USD so với nửa đầu tháng 2/2017.

Về xuất khẩu, tổng kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 2/2017 đạt hơn 7,21 tỷ USD, tăng 22,5% (tương ứng tăng gần 1,33 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 1 tháng 2/2017.

Kim ngạch xuất khẩu kỳ 2 tháng 2/2017 tăng so với kỳ 1 tháng 2/2017 chủ yếu do tăng ở một số nhóm hàng sau: hàng dệt may tăng 54,4%, tương ứng tăng 297 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 71,5%, tương ứng tăng 120 triệu USD; giầy dép các loại tăng 24,1%, tương ứng tăng 93 triệu USD; sắt thép các loại tăng 124,1%, tương ứng tăng 87 triệu USD; …. Ở chiều ngược lại, máy ảnh, xăng dầu các loại giảm 49,7%, tương ứng giảm 30 triệu USD; cao su giảm 17,3%, tương ứng giảm 18 triệu USD; gạo giảm 19,2%, tương ứng giảm 18 triệu USD; máy quay phim và linh kiện giảm 11%, tương ứng giảm 15 triệu USD; …

Như vậy, tính đến hết tháng 2 năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 27,43 tỷ USD, tăng 15,8%  tương ứng tăng hơn 3,74 tỷ USD  so với cùng kỳ năm 2016.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 2 tháng 2/2017 đạt hơn 5,03 tỷ USD, tăng 118,2% tương ứng tăng 774 triệu USD so với kỳ 1 tháng 2/2017, qua đó nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng/2017 của nhóm các doanh nghiệp này lên  gần 19,25 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 70,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước

Về nhập khẩu, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 2/2017 đạt gần 6,83 tỷ USD, giảm 18,1% (tương ứng giảm gần 1,51 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong kỳ 1 tháng 02/2017.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 2 tháng 2/2017 giảm so với kỳ 1 tháng 2/2017 chủ yếu do tăng, giảm ở một số nhóm hàng sau: phân bón các loại tăng 34,8%, tương ứng tăng 17 triệu USD; xăng dầu các loại tăng 6,1%, tương ứng tăng 13 triệu USD; quặng và khoáng sản khác tăng 73,6%, tương ứng 8 triệu USD; …. Trong khi đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 21%, tương 292 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 14,7%, tương ứng giảm 199 triệu USD; vải các loại giảm 27,4%, tương ứng giảm 110 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện giảm 16,4%, tương ứng giảm 85 triệu USD; ….

Như vậy, tính đến hết tháng 2/2017, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt hơn 28,23 tỷ USD, tăng 23,3% (tương ứng tăng gần 5,34 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt hơn 4,07 tỷ USD, giảm 19,3%  tương ứng giảm 971 triệu USD  so với kỳ 1 tháng 2/2017, qua đó nâng tổng kim ngạch nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này trong tháng 2/2017 đạt hơn 16,73 tỷ USD, tăng 21,4% tương ứng tăng gần 2,95 tỷ USD so với tháng 2/2016.

Hà Nhi

Ô TÔ NHẬP TỪ INDONESIA TĂNG HƠN 4 LẦN, “SOÁN NGÔI” TRUNG QUỐC, HÀN QUỐC

(HQ Online)- Trong khi Thái Lan tiếp tục duy trì vị thế số 1 trong các thị trường nhập khẩu ô tô của Việt Nam, thì Indonesia đã có sự vượt lên ngoạn mục để “soán ngôi” hai thị trường lớn trước đây là Trung Quốc và Hàn Quốc.
Biểu đồ số lượng ô tô nhập kẩu của 12 thị trường chính tính đến hết tháng 2. Biểu đồ: T.Bình.

Theo thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết tháng 2, có 12 quốc gia, vùng lãnh thổ là thị trường nhập khẩu ô tô nguyên chiếc của Việt Nam.

Đáng chú ý, Indonesia đã vượt Trung Quốc và Hàn Quốc trở thành thị trường nhập khẩu xe lớn thứ 2 của Việt Nam. Sự bứt phá của ô tô Indonesia so với hai thị trường truyền thống ở cả chỉ số về số lượng và kim ngạch.

Cụ thể, hết tháng cả nước nhập 3.108 xe từ Indonesia, với tổng giá trị kim ngạch 53,553 triệu USD. Kết quả này vượt xa so với cùng kỳ năm 2016 khi hết tháng 2 năm ngoái lượng xe từ Indonesia về Việt Nam mới là 703 xe, và tổng trị giá kim ngạch là 8,097 triệu USD.

Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, lượng xe từ Indonesia về Việt Nam tăng hơn 4,4 lần và trị giá kim ngạch tăng hơn 6,6 lần.

Trong khi đó, Thái Lan tiếp tục giữ vững vị thế là thị trường nhập khẩu ô tô nguyên chiếc lớn nhất của Việt Nam với 5.714 xe, tổng giá trị kim ngạch đạt 110,321 triệu USD.

Kết quả này cũng tăng mạnh cả về số lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2016, với các chỉ số tăng thêm lần lượng là 983 xe (tương đương tốc độ tăng trưởng gần 21%) và 30,128 triệu USD (tương đương tốc độ tăng trưởng gần 37,6%).

Theo dự báo của nhiều chuyên gia, với lộ trình giảm thuế nhập khẩu theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), lượng xe nhập khẩu từ các quốc gia ASEAN, nhất là Thái Lan và Indonesia  sẽ tiếp tục tăng mạnh thời gian tới.

Theo lộ trình cắt giảm thuế quan trong ATIGA, mức thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về Việt Nam từ các thị trường ASEAN giảm từ mức 40% năm 2016 xuống 30% trong năm nay và sẽ về 0% vào năm 2018.

Thái Bình