Bao Cong thuong

NHIỀU LỢI ÍCH TỪ HỆ THỐNG QUẢN LÝ HẢI QUAN TỰ ĐỘNG TẠI CẢNG HẢI PHÒNG

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính về việc thí điểm triển khai số vận đơn trên tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và tăng cường công tác quản lý nhà nước về Hải quan, Tổng cục Hải quan đã triển khai thí điểm Hệ thống quản lý Hải quan tự động tại cảng biển từ ngày 15/8/2017 và chính thức đưa vào hoạt động từ ngày 1/12/2017 tại Cục Hải quan TP. Hải Phòng.

Hệ thống quản lý Hải quan tự động tại cảng Hải Phòng tạo thuận lợi cho cả cơ quan hải quan và doanh nghiệp

Theo Tổng cục Hải quan, hệ thống cảng Hải Phòng có chiều dài gần 30km với 67 doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi, trong đó chỉ 50 doanh nghiệp có hoạt động thường xuyên. “Hầu hết các khu vực cảng được quy hoạch nhỏ lẻ, mỗi cảng có cơ sở hạ tầng, công nghệ, quy trình quản lý, khai thác hàng vào, ra cảng khác nhau, việc thực hiện Luật Hải quan của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi và công tác quản lý của cơ quan Hải quan gặp nhiều khó khăn” – Tổng cục Hải quan đánh giá và nêu chi tiết, trước hết, trong quy trình quản lý, xếp dỡ hàng hóa của mỗi doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi đều khác nhau, đồng thời chưa đáp ứng yêu cầu quản lý theo Luật Hải quan, như: cho phép xếp hàng XK lên phương tiện vận tải theo danh sách thông báo của hãng tàu mà không kiểm tra tình trạng thông quan. Bên cạnh đó, không báo cáo cơ quan Hải quan những sai khác, rách vỡ bao bì, niêm phong khi xếp dỡ hàng hóa.

Về quy trình giám sát Hải quan, hiện mới chỉ quy định việc thực hiện trong nội bộ cơ quan Hải quan và chưa quy định quy trình thực hiện Luật Hải quan tại doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi dẫn đến những vấn đề phát sinh. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin tại các doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi đều không đáp ứng yêu cầu quản lý hàng hóa đang chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan. Trong khi đó, công chức Hải quan phải đối chiếu sổ theo dõi, quản lý hàng hóa của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi để xác định vị trí lưu giữ hàng hóa, gây khó khăn cho việc theo dõi, giám sát hàng tại khu vực cảng, kho, bãi…  

Để khắc phục những hạn chế nói trên, từ tháng 9/2016, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan Hải Phòng khởi động xây dựng và triển khai đề án “Kiểm tra, giám sát hàng hóa qua khu vực kho, bãi, cảng Hải Phòng trên hệ thống điện tử”.

Theo Tổng cục Hải quan, từ ngày 15/8/2017 đến hết ngày 13/11/2017, các cơ quan hữu quan đã triển khai và hoàn thành kế hoạch chạy thử nghiệm hệ thống tại 50 doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi thường xuyên có hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa và từ ngày 01/12/2017 chính thức triển khai áp dụng hệ thống tại Cục Hải quan TP. Hải Phòng.

Về lợi ích khi áp dụng hệ thống này, Tổng cục Hải quan cho biết, trước hết, với cơ quan Hải quan, hệ thống giúp đảm bảo thực hiện đầy đủ trách nhiệm kiểm tra, giám sát của cơ quan Hải quan theo quy định tại Luật Hải quan 2014.Theo đó, Hệ thống trao đổi dữ liệu phục vụ công tác quản lý giúp cơ quan Hải quan quản lý toàn bộ diễn biến của hàng hóa tại khu vực cảng, kho, bãi; nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro để tập trung lực lượng giám sát, kiểm soát đối với những lô hàng, doanh nghiệp trọng điểm có khả năng rủi ro, vi phạm pháp luật cao; tránh việc kiểm tra, kiểm soát tràn lan đối với hàng hóa trong khu vực giám sát hải quan. Hơn nữa, các bước trong quy trình giải quyết thủ tục hải quan được thực hiện, ghi nhận trên hệ thống, đảm bảo sự minh bạch, công khai, tránh việc giải quyết tùy tiện, trái quy định, quy trình quản lý hải quan.

Theo kết quả khảo sát, việc không phải kiểm tra, xác nhận chứng từ giấy tại khu vực giám sát giúp giảm khoảng 2 phút/1 tờ khai và bình quân 1 ngày có 7.592 tờ khai hải quan qua cảng Hải Phòng nên tổng thời gian giải quyết đưa hàng hóa qua khu vực giám sát giảm 253 giờ công lao động/ngày.

Đối với doanh nghiệp, việc áp dụng hệ thống này cũng mang lại nhiều lợi ích. Cụ thể, hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin mới giúp doanh nghiệp thực hiện chế độ quản lý, thống kê, lưu giữ chứng từ đảm bảo nhanh chóng, chính xác, khoa học và minh bạch. Cũng qua hệ thống này, các doanh nghiệp được cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin trên hệ thống về tình trạng cấp phép thông quan (từ cơ quan Hải quan) đối với từng lô hàng, từng container để thực hiện thủ tục giao, nhận hàng theo quy định của pháp luật, giảm thiểu rủi ro trong việc thực hiện bằng chứng từ giấy, đảm bảo sự minh bạch, công khai (thể hiện qua các bước trong quy trình nghiệp vụ được cập nhật, ghi nhận trên hệ thống), tránh việc giải quyết tùy tiện, trái quy định, quy trình quản lý nội bộ của doanh nghiệp.

Trong khi đó, với các doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi, hệ thống này giúp doanh nghiệp theo dõi được chính xác tình trạng cấp phép thông quan đối với từng lô hàng trên hệ thống giúp giải quyết thủ tục giao nhận hàng nhanh chóng, chính xác, giúp nâng cao uy tín, tăng khả năng tiếp nhận, khai thác hàng hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và năng lực cạnh tranh. 

Đặc biệt, việc thao tác trên hệ thống giúp loại bỏ được một số công đoạn ghi chép sổ giấy, giúp tiết kiệm được nhân công, chi phí văn phòng phẩm, đồng thời hạn chế được sai sót do lỗi ghi chép thủ công, đảm bảo độ chính xác cao trong việc theo dõi, báo cáo hàng hóa đưa vào, đưa ra và lưu giữ tại khu vực cảng.

Còn với doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu, hệ thống này cho phép doanh nghiệp không phải xuất trình chứng từ giấy để cơ quan Hải quan kiểm tra, xác nhận hàng đủ điều kiện qua khu vực giám sát hải quan, giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục giao nhận hàng từ 5 đến 7 lần so với trước đây do không phải đi lại nhiều lần qua doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi và cơ quan Hải quan. Để làm thủ tục lấy hàng nay chỉ mất 1-2 phút đối với 01 lô hàng thông thường (trước đây ít nhất là từ 7-10 phút, riêng thời gian phải di chuyển giữa các bộ phận mất đến 10-15 phút); thời gian bình quân cho một lượt xe chở hàng qua khu vực cảng chỉ còn 10-12 phút (trước đây là 25-30 phút).

Tổng cục Hải quan cho biết, Hệ thống quản lý Hải quan tự động tại cảng biển được triển khai thành công tại Cục Hải quan TP. Hải Phòng là tiền đề để Tổng cục Hải quan mở rộng triển khai trong toàn ngành. Hiện, Tổng cục Hải quan tiếp tục chỉ đạo Cục Hải quan TP. Hải Phòng và các đơn vị chức năng tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống, đồng bộ cùng Hệ thống VNACCS tạo thành chu trình quản lý hải quan xuyên suốt, thống nhất, hiện đại; đồng thời chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành khẩn trương hoàn thành các công tác chuẩn bị để triển khai hệ thống trên toàn quốc từ ngày 01/01/2018 theo đúng kế hoạch đã đề ra, góp phần tạo thuận lợi thương mại và hướng tới mục tiêu kết nối với cơ chế một cửa quốc gia.

Hoàng Châu

Nguồn: http://baocongthuong.com.vn

XUẤT SIÊU 3,17 TỶ USD TRONG 11 THÁNG

(HQ Online)- Theo số liệu thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 11 tháng/2017 đạt 385,77 tỷ USD, tăng 21,4% tương ứng tăng hơn 67,9 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 253,24 tỷ USD, tăng 23,2% tương ứng tăng hơn 42,83 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016.

Kim ngạch xuất khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất trong 11 tháng/2017 so với  cùng kỳ năm 2016.

Cũng theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 11/2017 (từ 16/11/2017 đến 30/11/2017) đạt hơn 20,28 tỷ USD,  tăng 6,5% tương ứng tăng hơn 1,23 tỷ USD so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 11/2017. Trong đó, xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong kỳ đạt kim ngạch 13,39 tỷ USD, tăng 5,5% tương ứng tăng hơn 694 triệu USD so với nửa đầu tháng 11/2017.

Trong kỳ 2 tháng 11/2017, cán cân thương mại hàng hóa cả nước thặng dư 875 triệu USD, đưa cán cân thương mại hàng hóa cả nước 11 tháng/2017 thặng dư 3,17 tỷ USD.

Về xuất khẩu, tổng kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 11/2017 đạt 10,6 tỷ USD, tăng 13,1% (tương ứng tăng 1,23 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 1 tháng 11/2017.

Kim ngạch xuất khẩu kỳ 2 tháng 11/2017 tăng so với kỳ 1 tháng 11/2017 chủ yếu do tăng ở một số nhóm hàng sau: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 12,3%, tương ứng tăng 267 triệu USD; dầu thô tăng 8 lần; hàng dệt may tăng 11,9%, tương ứng tăng 121 triệu USD; sắt thép các loại tăng 86,3% tương ứng tăng 95 triệu USD; giầy dép các loại tăng 13,2%, tương ứng tăng 84 triệu USD; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 14,4%, tương ứng tăng 80 triệu USD;… Trong khi đó, xăng dầu các loại giảm 38,9%, tương ứng giảm 20,3 triệu USD; gạo giảm 15,6%, tương ứng giảm 15 triệu USD;…

Như vậy, tính đến hết tháng 11 năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 194,47 tỷ USD, tăng 21,5% tương ứng tăng hơn 34,44 tỷ USD  so với cùng kỳ năm 2016.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 2 tháng 11/2017 đạt hơn 7,6 tỷ USD, tăng 11,6% tương ứng tăng 794 triệu USD so với kỳ 1 tháng 11/2017, qua đó nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng/2017 của nhóm các doanh nghiệp này lên hơn 138,5 tỷ USD, tăng 23,2%, tương ứng tăng 26,11 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016, chiếm 71% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Về nhập khẩu, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 11/2017 đạt 9,7 tỷ USD, tăng 0,1% (tương ứng tăng hơn 7 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong kỳ 1 tháng 11/2017.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 2 tháng 11/2017 tăng so với kỳ 1 tháng 11/2017 chủ yếu do tăng, giảm ở một số nhóm hàng sau: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 19%, tương ứng tăng 149 triệu USD; thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 101,4%, tương ứng tăng 89 triệu USD; dầu thô tăng 66 triệu USD… Ở chiều ngược lại, sắt thép các loại giảm 25,1%,tương ứng giảm 113 triệu USD; than đá giảm 43,1%, tương ứng giảm 48 triệu USD;…

Như vậy, tính đến hết tháng 11/2017, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt gần 191,3 tỷ USD, tăng 21,2% (tương ứng tăng 33,49 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt hơn 5,75 tỷ USD, giảm 1,7%  tương ứng giảm gần 101 triệu USD so với kỳ 1 tháng 11/2017, qua đó nâng tổng kim ngạch nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này trong 11 tháng/2017 đạt hơn 115 tỷ USD, tăng 23,4% tương ứng tăng hơn 21,7 tỷ USD cùng kỳ năm 2016.

Hà Nhi

CHÍNH PHỦ GỠ KHÓ CHO DOANH NGHIỆP NHẬT BẢN

(HQ Online)- Chiều 13/12, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ (VPCP), Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính cùng đại diện các bộ, ngành đã có buổi làm việc, đối thoại với 25 DN thuộc Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam.

Nhiều kiến nghị liên quan đến việc NK ô tô được DN Nhật Bản đưa ra. Ảnh: Internet

Cần tăng độ tin cậy về pháp luật Việt Nam 

Phát biểu tại buổi đối thoại, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, năm 2017, GDP của Việt Nam hoàn toàn có thể đạt con số 6,7%, có được điều này là nhờ sự đóng góp lớn của cộng đồng DN, trong đó có các DN Nhật Bản tại Việt Nam. Vì thế, với mục tiêu trong năm 2017 là tăng năng suất lao động, cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao sức cạnh tranh của DN nên Chính phủ sẽ tiếp thu ý kiến góp ý của DN để có những cải cách sát với thực tế và yêu cầu của DN nhất.

Về phía Nhật Bản, ông Umeda Kunio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam cho thấy không chỉ Nhật Bản mà nhiều nước trên thế giới đều dành sự quan tâm lớn cho Việt Nam, nên đây là thời điểm để Việt am đón nhận cơ hội mới thu hút đầu tư.

Vì thế, ông Umeda Kunio đề xuất trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam nên chú trọng đến mục tiêu nâng cao năng suất lao động, Chính phủ nên phát động phong trào cải tiến năng suất trên toàn quốc với sự tham gia của tất cả các bộ ngành liên quan với đầu mối chính là Văn phòng Chính phủ. Ngoài ra, mặc dù những năm vừa qua môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều nhưng nhìn từ con mắt của các tổ chức quốc tế, Việt Nam vẫn ở vị trí chưa phù hợp lắm cho việc đầu tư, nguyên nhân là do độ tin cậy về pháp luật của Việt Nam còn thấp.

“Để tăng cường độ tin cậy, Chính phủ cần giữ đúng hai nguyên tắc. Thứ nhất là giữ vững những cam kết trước đây đã ký kết với nhà đầu tư. Thứ hai, các cơ quan ban ngành cần tuân theo các thông lệ và quy tắc kinh doanh quốc tế”, ông Umeda Kunio kiến nghị.

Nghiên cứu lùi thời điểm thi hành Nghị định 116

Cũng tại buổi làm việc, ông Karashima Hiroshi, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản đã trình bày 4 kiến nghị liên quan đến cơ chế, chính sách cho hoạt động kinh doanh của các DN Nhật Bản.

Đầu tiên, các DN Nhật Bản bày tỏ lo ngại về những khó khăn nếu Dự thảo nghị định liên quan đến việc người lao động nước ngoài tham gia BHXH bắt buộc đi vào thực thi. Bởi nghị định này sẽ làm tăng gánh nặng về tiền bảo hiểm cho nhà tuyển dụng lao động.

Thứ hai là những khó khăn liên quan đến dự thảo nghị định Luật bảo vệ môi trường. Bởi điều khoản trong dự thảo này yêu cầu cơ sở phải có thiết kế bảo đảm chứa nước thải sau xử lý ít nhất 72 giờ, điều này sẽ khiến DN tăng gánh nặng vì việc xây dựng bể chứa cần chi phí lớn.

Thứ ba là các khó khăn liên quan đến Thông tư 23 về NK máy móc cũ. Bởi việc này dẫn đến việc hạn chế đầu tư của các DN Nhật Bản tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang có chủ trương phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nên cần sự hợp tác của các DN nhỏ và vừa nước ngoài.

Cuối cùng, các DN Nhật Bản nêu ra kiến nghị về Nghị định 116 về sản xuất, lắp ráp, NK ô tô và dịch vụ bảo hành bảo dưỡng cho ô tô. Theo các DN, nhiều điều kiện trong nghị định đang tạo sự bất công giữa xe NK và xe sản xuất trong nước khi yêu cầu xe NK phải có đầy đủ giấy chứng nhận từ nhà sản xuất. Ngoài ra, việc các cơ quan chức năng yêu cầu kiểm tra xe NK theo lô với tần suất cao sẽ gây khó khăn, tốn thời gian của các DN NK. Do đó, đại diện các DN Nhật Bản kiến nghị nên lùi thời điểm thi hành của Nghị định 116.

Sau khi lắng nghe ý kiến giải đáp của đại diện các bộ, ngành tham dự buổi đối thoại, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã đưa ra nhiều chỉ thị và yêu cầu các bộ, ngành tiếp thu ý kiến để có những thay đổi phù hợp, đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng DN Nhật Bản.

Đáng chú ý, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và xã hội cân nhắc lại từ “được” mua BHXH bắt buộc để DN dễ hiểu, không hiểu theo 2 nghĩa. Bộ Tài chính cần xem xét kỹ vấn đề liên quan đến những chi phí phát sinh, có thể đưa vào phí DN và rà soát các chính sách liên quan đến thuế.

Đối với kiến nghị về Nghị định 116, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, tư tưởng của Nghị định 116 là vừa bảo vệ người sản xuất, vừa bảo vệ người tiêu dùng. Do đó, cơ quan chức năng Việt Nam cần giấy chứng nhận của các nhà sản xuất để chứng mình xuất xứ hàng hóa, để nhà NK có quyền triệu hồi xe theo yêu cầu của nhà sản xuất.

Riêng việc kiểm tra từng lô hàng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị các bộ lưu ý cần tiếp tục cải cách tạo thuận lợi cho nhà sản xuất và nhà NK. Nếu xe đã cùng chủng loại có đánh giá rồi thì xem xét sự tuân thủ của nhà NK và nhà sản xuất để xem xét thông quan, giúp DN đỡ mất thời gian và chi phí.

Đặc biệt, trước những kiến nghị và khó khăn của DN Nhật Bản, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã đề nghị Bộ Công Thương xem xét, nghiên cứu để lùi thời gian thi hành của Nghị định 116.

Hương Dịu

BỘ CÔNG THƯƠNG TIẾP TỤC CẮT GIẢM NHIỀU ĐIỀU KIỆN KINH DOANH

(HQ Online)- Bộ Công Thương vừa bãi bỏ, cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, XK khoáng sản, XK gạo, XK than… sau hàng loạt thủ tục đã cắt giảm trước đó. 

Kinh doanh xăng dầu là một trong những lĩnh vực được cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh. Ảnh: Nguyễn Thanh
Ngày 8/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 28/2017/TT-BCT sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số Thông tư trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp và XNK thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Cụ thể, Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 38/2014/TT-BCT ngày 24 /10/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc quy định chi tiết một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu

Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Thông tư số 48/2011/TT-BCT ngày 30/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc quy định quản lý chất lượng các sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương

Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Thông tư số 33/2015/TT-BCT ngày 27/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật các thiết bị, dụng cụ điện

Thông tư cũng nêu rõ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2016/TT-BCT ngày 5/7/ 2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 41/2012/TT-BCT ngày 21/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về XK khoáng sản; sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2013/TT-BCT ngày 15/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về XK than. 

Bên cạnh việc sửa đổi nêu trên, Bộ Công Thương cũng bãi bỏ Chương IV của Thông tư số 44/2010/TT-BCT ngày 31/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 4/11/2010 của Chính phủ về kinh doanh XK gạo.

Bãi bỏ Thông tư số 20/2011/TT-BCT ngày 12/5/2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định bổ sung thủ tục NK xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ trở xuống và Thông tư số 04/2017/TT-BCT ngày 9/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Thông tư 20/2011/TT-BCT ngày 12/5/2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định bổ sung thủ tục NK xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống.

Theo Bộ Công Thương, các hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, Giấy chứng nhận, Giấy xác nhận đã được cơ quan thực hiện thủ tục hành chính tiếp nhận trước ngày Thông tư số 28/2017/TT-BCT có hiệu lực thì trình tự, thủ tục được thực hiện theo quy định hiện hành tại thời điểm tiếp nhận hồ sơ.

Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018.

Thanh Nguyễn

MÁY MÓC, THIẾT BỊ VÀO NHÓM HÀNG XUẤT KHẨU 10 TỶ USD

(HQ Online)- Đến nay, có 5 nhóm hàng đạt trị giá kim ngạch từ 10 tỷ USD, tăng thêm một nhóm so với cùng kỳ 2016.
Cơ cấu tỉ lệ kim ngạch 5 nhóm hàng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước tính đến 15/11. Biểu đồ: T.Bình.

Theo Tổng cục Hải quan, đến 15/11 có thêm nhóm hàng mới góp mặt là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng với trị giá kim ngạch đạt xấp xỉ 11 tỷ USD. Trị giá này tăng thêm 2,444 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016 (tương đương tăng thêm 28,56%) và giúp nhóm hàng này lần đầu tiên góp mặt vào nhóm xuất khẩu từ 10 tỷ USD trở lên tính đến 15/11.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, xét về thị trường (tính hết tháng 10), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng được xuất khẩu chủ yếu đến các thị trường: Hoa kỳ với 2,01 tỷ USD, tăng 16,8%; Nhật Bản với 1,41 tỷ USD, tăng 10%; Liên minh châu Âu- EU (với 28 thị trường) với 1,49 tỷ USD, tăng 43,7% so với cùng kỳ năm trước…

Ngoài máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, đến 15/11, còn 4 nhóm hàng đạt trị giá kim ngạch trên 10 tỷ USD là: Điện thoại và linh kiện đạt 38,953 tỷ USD; dệt may đạt 22,436 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 22,352 tỷ USD; giày dép đạt 12,46 tỷ USD.

Một tín hiệu tích cực là cả 5 nhóm hàng “10 tỷ USD” đều duy trì được sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2016 và đóng góp quan trọng vào kết quả xuất khẩu chung của cả nước. Trong đó 2 nhóm hàng liên quan đến lĩnh vực điện tử là điện thoại và máy tính có mức tăng trưởng đến 2 con số với tốc độ lần lượt là 30,38% và 38,6%.

Với tổng trị giá kim ngạch đạt 107,201 tỷ USD, 5 nhóm hàng trên chiếm đến 58,3% tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Thái Bình
Bao Cong thuong

HƯỚNG MỞ CHO DOANH NGHIỆP THỰC PHẨM CHẾ BIẾN VIỆT TIẾP CẬN THỊ TRƯỜNG HOA KỲ

Tại hội thảo “Đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ”, do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức sáng 7/12, đại diện Công ty Rhee Bros – một trong những nhà nhập khẩu, phân phối lớn chuyên về hàng thực phẩm chế biến châu Á tại Hoa Kỳ đã chia sẻ những cách thức tiếp cận thị trường này và kênh phân phối uy tín tại Hoa Kỳ đối với thực phẩm chế biến cho các doanh nghiệp Việt Nam. 

Ông Anthony Ho, Giám đốc cao cấp phụ trách mua hàng của Công ty Rhee Bros (Hoa Kỳ) thông tin, Rhee Bros đang là nhà phân phối thực phẩm chế biến lớn tại thị trường Hoa Kỳ với doanh số 200 triệu USD/năm. Rhee Bros phân phối trên 4.000 mặt hàng thực phẩm như đồ khô, hàng đông lạnh, thủy sản… của các thương hiệu nổi tiếng châu Á như Lotte, Orion, Foco, Nongshim… Hiện Rhee Bros đang có kế hoạch đẩy mạnh mua hàng tại Việt Nam để thay thế cho các thị trường khác.

Theo ông Anthony, để có thể trở thành nhà cung cấp cho Rhee Bros nói riêng và vào được thị trường Hoa Kỳ nói chung, các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được tiêu chuẩn Luật hiện đại hóa An toàn vệ sinh thực phẩm Hoa Kỳ (FSMA), các tiêu chuẩn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc thực phẩm cũng như đạt các chứng nhận an toàn của các cơ quan chức năng và quốc tế. Bên cạnh đó, ông Anthony cũng giải đáp và trả lời trực tiếp những câu hỏi được các doanh nghiệp Việt Nam đưa ra tại hội thảo.

Liên quan đến những quy định của Luật FSMA, ông Đào Trần Nhân, Vụ trưởng, Tham tán công sứ, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Washington D.C, Hoa Kỳ – cho biết, Luật FSMA được ban hành từ năm 2011 nhằm bảo hộ các doanh nghiệp và người tiêu dùng của Hoa Kỳ.

Đế đáp ứng luật này, doanh nghiệp Việt Nam phải đăng ký và đăng ký lại cơ sở sản xuất kinh doanh với Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược Hoa Kỳ (FDA) để lấy mã số kinh doanh hợp lệ trước khi xuất hàng vào thị trường này. Doanh nghiệp cũng phải đăng người đại diện tại Hoa Kỳ cũng như có nghĩa vụ phải khai báo trước với FDA cho mỗi chuyến hàng… Trong trường hợp muốn tìm hiểu thêm về thị trường hay doanh nghiệp bản địa, các doanh nghiệp Việt Nam có thể liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ để được hỗ trợ miễn phí.

Theo bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), quan hệ giữa Việt Nam – Hoa Kỳ đang có những bước phát triển thuận lợi, thương mại hàng hóa giữa 2 nước ngày càng tăng. Trong 10 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt 34,7 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ 2016. Trong đó Hoa Kỳ luôn duy trì vị trí là thị trường nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm, thủy sản, tiêu, điều và cà phê của Việt Nam.

Mặc dù được đánh giá là thị trường xuất khẩu tiềm năng nhưng hiện nay tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ chỉ chiếm khoảng 2% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ (2.450 tỷ USD). Nguyên nhân là do các doanh nghiệp chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm tại thị trường này.

Bà An cho rằng, muốn đẩy mạnh xuất khẩu và có thể đạt được con số 57 tỷ USD vào năm 2020 như kế hoạch đề ra, các doanh nghiệp Việt cần cải thiện rất nhiều từ sản xuất, cung ứng cho tới cách thức tiếp cận thị trường. Đặc biệt là phải luôn đáp ứng các tiêu chí mà nhà nhập khẩu đưa ra về an toàn thực phẩm cũng như đạt các chứng nhận tiêu chuẩn của cơ quan chức năng.

Mai Ca

Nguồn: http://baocongthuong.com.vn/

THAY ĐỔI CHÍNH SÁCH SẼ ẢNH HƯỞNG TỚI THU HÚT FDI

(HQ Online)- Chính sách và luật pháp đầu tư nước ngoài (FDI) thay đổi liên tục do sự chuyển dịch không ngừng của xu hướng đầu tư. Điều này có thể gây ra những hạn chế, làm “nản nòng” các nhà đầu tư nước ngoài.

Chính sách nhiều thay đổi có thể gây ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư nước ngoài. Ảnh: Internet

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo: “Thách thức của việc thay đổi chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam” diễn ra vào ngày 7/12 tại Hà Nội do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) phối hợp tổ chức.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện đã có hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký hơn 300 tỷ USD. Từ những đóng góp của khối FDI trong hoạt động kinh doanh, XNK của Việt Nam cho thấy, vốn đầu tư FDI đang đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Thống kê cho biết, khu vực FDI chiếm 20% GDP và hơn 70% kim ngạch XK.

Vì thế, chính sách cho thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã có nhiều thay đổi để phù hợp với xu hướng đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.

Về vấn đề này, GS.TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, từ Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 đến Luật Đầu tư và Luật DN năm 2014 là bước tiến lớn của hệ thống luật pháp Việt Nam, đã góp phần quan trong vào việc thu hút FDI của các nhà đầu tư. Những lần thay đổi chính sách và luật pháp là quá trình đấu tranh về nhận thức và quan điểm giữa cải cách với bảo thủ, giữa mở cửa, hội nhập với thế giới và bảo hộ mậu dịch; lúc nào xu thế tiến bộ thắng thế thì khi đó pháp luật trở nên thông thông thoáng hơn, tiếp cận với thông lệ quốc tế hơn.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, khảo sát của VCCI với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam về điểm hấp dẫn khi đầu tư vào Việt Nam cho thấy, các nhà đầu tư hài lòng về chính sách thuế ổn định, đầu tư tại Việt Nam có chi phí rẻ, ưu đãi về môi trường ổn định… Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng cơ sở hạ tầng không cân xứng và giá trị nhân lực chưa phù hợp.

Đại diện cho các DN Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành Amcham tại Hà Nội cho hay, các thành viên của AmCham vẫn rất lạc quan về triển vọng phát triển kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, Amcham bày tỏ sự quan ngại đến những thay đổi gần đây trong chính sách và các quy định không phù hợp với các thông lệ quốc tế. Những thay đổi này khiến cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài gặp nhiều rủi ro và trở ngại trong việc thực hiện đầu tư.

Ví dụ, Dự thảo Luật An ninh mạng thực sự rất đặc biệt, bởi vì ngoài các biện pháp bảo vệ an ninh mạng, nó cũng bao gồm việc kiểm soát thông tin trên Internet, mặc dù điều này đã được quy định bởi các luật khác. Ngoài ra, quy định trong Dự thảo Luật về việc các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài phải đặt máy chủ tại Việt Nam không những không giúp cải thiện tình hình an ninh mạng của Việt Nam mà còn tạo ra gánh nặng không cần thiết cho các DN nước ngoài.

Ngoài ra, Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược bao gồm một số điều khoản không tương thích với Luật Dược. Việc thi hành Nghị định này sẽ buộc một số nhà đầu tư nước ngoài phải ngừng cung cấp dịch vụ kho bãi và vận chuyển dù đã được cấp phép đầy đủ. Vì thế, đại diện Amcham cho rằng, việc sửa đổi các quy định này sẽ tạo cơ hội gia tăng đáng kể các dự án đầu tư cho dược phẩm và các sản phẩm khác.

Vì thế, GS.TS. Nguyễn Mại cho rằng, khi định hướng chính sách mới về FDI, các cơ quan quản lý cần lưu ý 3 giải pháp:

Thứ nhất là, cần bảo đảm tính hệ thống, công khai, minh bạch, ổn định, có độ trễ nhất định về thời gian thi hành để nhà đầu tư và DN FDI chủ động trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh;

Thứ hai là, thực hiện đồng bộ “Chính phủ điện tử” trong toàn bộ hệ thống cơ quan nhà nước để giảm thiểu thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí cho nhà đầu tư và DN;

Thứ ba là, phải cải thiện bộ máy nhà nước và đội ngũ thực hiện với năng lực và trách nhiệm cao.

Hương Dịu

VIỆT NAM ĐÃ XUẤT SIÊU 2,76 TỶ USD

(HQ Online)- Trong tháng 11, Việt Nam tiếp tục xuất siêu 200 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất siêu của Việt Nam trong 11 tháng năm 2017 lên mức 2,76 tỷ USD, chiếm 1,4% tổng kim ngạch XK. 

Điện thoại, linh kiện điện thoại là một trong những mặt hàng có đóng góp nhiều nhất vào tăng kim ngạch XK. Ảnh: Internet

Theo Bộ Công Thương: Hoạt động thương mại đang là một trong những điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế Việt Nam khi tăng trưởng XK đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua, cùng với đó NK được kiểm soát và cán cân thương mại đạt mức thặng dư khá lớn.

Cụ thể, về XK, trong tháng 11, Việt Nam tiếp tục xuất siêu 200 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất siêu của Việt Nam trong 11 tháng năm 2017 lên mức 2,76 tỷ USD, chiếm 1,4% tổng kim ngạch XK. 

11 tháng qua, máy tính, linh kiện điện tử và điện thoại, linh kiện điện thoại là hai mặt hàng có đóng góp nhiều nhất vào tăng kim ngạch XK (tăng khoảng 16 tỷ USD so với 11 tháng năm 2016). 

Bộ Công Thương nhìn nhận, với mức tăng trưởng lên tới 21,1%, tốc độ tăng trưởng XK hàng hóa của nước ta sau 11 tháng năm đã cao hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 6 – 7% trong năm 2017. 

Trong bối cảnh XK đang duy trì được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái, dự báo kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam trong năm 2017 có thể sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây với con số trên 210 tỷ USD (tăng khoảng 20% so với năm 2016).

Thanh Nguyễn

GIÁ TĂNG GIÚP DẦU THÔ MANG VỀ THÊM GẦN 10.000 TỶ ĐỒNG

(HQ Online)- Dù sản lượng xuất khẩu giảm nhưng mức giá bình quân tăng mạnh giúp mặt hàng này mang về thêm hàng nghìn tỷ đồng.

Biểu đồ sản lượng, kim ngạch và mức giá bình quân ở 6 thị trường xuất khẩu chính. Biểu đồ: T.Bình.

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết 15/11, cả nước xuất khẩu gần 5,93 triệu tấn dầu thô với tổng trị giá kim ngạch đạt hơn 2,443 tỷ USD.

Với kết quả trên, dù sản lượng giảm so với cùng kỳ 2016 (cùng kỳ hơn 6,523 triệu tấn) nhưng trị giá kim ngạch tăng thêm 221 triệu USD (cùng kỳ đạt 2,222 tỷ USD).

Đáng chú ý việc giảm sản lượng nhưng tăng về kim ngạch giúp trị giá bình quân mỗi tấn dầu thô xuất khẩu năm nay tăng thêm đến gần 21% so với cùng kỳ 2016.

Cụ thể, mức giá bình quân cùng kỳ năm ngoái chỉ là 340,65 USD/tấn, nhưng bước sang năm nay đã nhảy lên 412,09 USD/tấn. Như vậy, giá mỗi tấn dầu xuất khẩu năm nay cao hơn 71,44 USD/tấn (hay 1,62 triệu đồng/tấn).

Với sản lượng xuất khẩu gần 5,93 triệu tấn như đề cập ở trên, riêng số tiền tăng thêm từ giá bình quân tăng giúp cho mặt hàng này có thêm 423,59 triệu USD, tương đương hơn 9.600 tỷ đồng.

Xét về thị trường (cập nhật hết tháng 10 của Tổng cục Hải quan), những tháng vừa qua, dầu thô của nước ta được xuất đi các thị trường chính gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Australia, Hoa Kỳ, Hàn Quốc…

Trong đó, Trung Quốc đứng vị trí dẫn đầu với sản lượng gần 1,99 triệu tấn, tổng trị giá kim ngạch hơn 818 triệu USD, mức giá bình quân ở thị trường này là 411,65 USD/tấn.

Xét về mức giá xuất khẩu bình quân ở các thị trường chính, Australia là thị trường có mức giá cao nhất đạt 419,4 USD/tấn, trong khi mức giá thấp nhất là thị trường Singapore với 397,33 USD/tấn…

5 thị trường lớn kế tiếp Trung Quốc gồm: Thái Lan với sản lượng gần 807,7 nghìn tấn, trị giá kim ngạch đạt gần 335,9 triệu USD, mức giá bình quân 415,86 USD/tấn;

Nhật Bản với gần 777 nghìn tấn, tổng trị giá kim ngạch hơn 320 triệu USD, mức giá bình quân cũng xấp xỉ thị trường Trung Quốc (đạt 411,9 USD/tấn);

Singapore đạt hơn 587,5 nghìn tấn, tổng trị giá kim ngạch 233,45 triệu USD, mức giá bình quân là 397,33 USD/tấn;

Malaysia đạt gần 524,3 nghìn tấn, trị giá kim ngạch 209,67 triệu USD, mức giá bình quân 399,9 USD/tấn;

Australia đạt gần 483,5 nghìn tấn, trị giá kim ngạch đạt hơn 202,77 triệu USD, mức giá bình quân là 419,4 USD/tấn…

 

Thái Bình

THÊM 149 MẶT HÀNG HƯỞNG THUẾ SUẤT THÔNG THƯỜNG 5%

(HQ Online)- Theo thông tin từ Bộ Tài chính, sau khi chuyển đổi danh mục Biểu thuế nhập khẩu, số dòng thuế có mức thuế bằng 0% tăng từ 3.133 dòng lên 3.282 dòng (tăng 149 dòng thuế). Tương ứng, 149 dòng thuế này sẽ được bổ sung vào Biểu thuế suất thông thường đối với hàng hóa xuất nhập khẩu với mức thuế suất 5%.

Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Mỹ Thới kiểm tra hàng hóa. Ảnh: Đăng Nguyên.

Ngày 16/11/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 45/2017/QĐ-TTg  sửa đổi, bổ sung Quyết định số 36/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định việc áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hóa nhập khẩu để thống nhất trong thực hiện Biểu thuế hài hòa ASEAN phiên bản 2017 theo cam kết trong nội khối ASEAN.

Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 5 Luật Thuế xuất nhập khẩu 2016: “Thuế suất thông thường áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu không thuộc các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này. Thuế suất thông thường được quy định bằng 150% thuế suất ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng. Trường hợp mức thuế suất ưu đãi bằng 0%, Thủ tướng Chính phủ căn cứ quy định tại Điều 10 của Luật này để quyết định việc áp dụng mức thuế suất thông thường”.

Quyết định số 36 quy định mức thuế suất 5% đối với 3.133 dòng hàng hiện đang được quy định mức thuế suất MFN là 0% tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.

Sau khi chuyển đổi danh mục Biểu thuế nhập khẩu ban hành theo Nghị định số 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 122/2016/NĐ-CP thì số dòng thuế có mức thuế bằng 0% tăng từ 3.133 dòng lên 3.282 dòng (tăng 149 dòng thuế) do vậy sẽ phải bổ sung 149 dòng thuế này với mức thuế suất thông thường 5% tại Phụ lục quy định thuế suất thông thường đối với hàng hóa nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định số 45/2017/QĐ-TTg.

Trong văn bản phát đi sáng nay, 18/11, Bộ Tài chính đưa ra đề nghị các doanh nghiệp nghiên cứu nội dung Nghị định số 125/2017/NĐ-CP\của Chính phủ và Quyết định số 45/2017/QĐ-TTg\của Thủ tướng Chính phủ để chủ động trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh và chấp hành tốt nghĩa vụ thuế. 

H.Vân