ĐƯỢC NỘP DẦN TIỀN THUẾ NỢ NẾU CÓ BẢO LÃNH CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG

(HQ Online)- Trường hợp DN có nợ tiền thuế bị cưỡng chế nhưng không có khả năng nộp một lần và có đề nghị nộp dần thì được nộp số thuế nợ trong thời hạn tối đa không quá 12 tháng kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế nếu có bảo lãnh của tổ chức tín dụng.

CBCC Chi cục Hải quan Phó Bảng, Cục Hải quan Hà Giang hướng dẫn chính sách thuế cho DN. Ảnh: T.Trang.

Đó là hướng dẫn của Tổng cục Hải quan trước đề nghị của Công ty CP Chế biến thực phẩm Thiên Hồng về việc đăng ký tờ khai NK trong thời gian bị cưỡng chế thuế.

Theo phân tích của Tổng cục Hải quan, tại Điều 48 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 quy định: “Trong thời gian giải quyết khiếu nại, khởi kiện của người nộp thuế về số tiền thuế do cơ quan quản lý thuế tính hoặc ấn định, người nộp thuế vẫn phải nộp đủ số tiền thuế đó, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định tạm đình chỉ thực hiện quyết định tính thuế, quyết định ấn định thuế của cơ quan quản lý thuế”.

Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 3 Luật số 106/2016/QH13 (sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 92 Luật Quản lý thuế) quy định: “Chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế đối với trường hợp người nộp thuế được cơ quan quản lý thuế cho phép nộp dần tiền nợ thuế trong thời hạn không quá mười hai tháng, kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế thuế. Việc nộp dần tiền nợ thuế được xem xét trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế và phải có bảo lãnh cùa tố chức tín dụng, Người nộp thuế phải nộp tiền chậm nộp theo mức 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.”

Cũng quy định về nội dung này, tại Điều 39 Nghị định 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế thì:”Người nộp thuế thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, nhưng không có khả năng nộp đủ số thuế nợ trong một lần thì được nộp dần tiền thuế nợ trong thời hạn tối đa không quá 12 tháng kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế nếu có bảo lãnh của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật về số tiền thuế nợ đề nghị nộp dần và cam kết tiến độ thực hiện nộp dần tiền thuế nợ, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước”.

Căn cứ quy định trên, trong thời gian giải quyết khiếu nại, Công ty vẫn phải nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp (nếu có) theo quy định. Trường hợp Công ty có nợ tiền thuế bị cưỡng chế nhưng không có khả năng nộp 1 lần tiền thuế và có đề nghị nộp dần tiền thuế nợ thì được nộp dần tiền thuế nợ trong thời hạn tối đa không quá 12 tháng kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế nếu có bảo lãnh của tổ chức tín dụng về số tiền thuế nợ. 

Điều kiện, hồ sơ, thẩm quyền, thời hạn giải quyết, thời gian nộp dần tiền thuế nợ được quy định cụ thể tại Điều 39 Nghị định 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013, khoản 3 Điều 3 Nghị định 100/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ và Điều 134 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.

Hải Nam

GIẤU SỪNG TÊ GIÁC TRONG HỘP ĐỒ CHƠI TRẺ EM

(HQ Online)-Ngày 8/5/2017, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất – Cục Hải quan TP.HCM cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng Cục Hải quan và Đội Kiểm soát – Cục Hải quan TP.HCM phát hiện, tạm giữ một nam hành khách 20 tuổi, quốc tịch Việt Nam nhập cảnh trên chuyến bay từ châu Phi về Việt Nam, vận chuyển trái phép 3 khúc sừng tê giác với tổng trọng lượng gần 1,5kg mang theo trong hành lý cá nhân. 

Tang vật sừng tê giác nhập lậu.
Đây là sừng của loài tê giác hai sừng châu Phi (Diceros bicornis) rất quý hiếm, giá trị tang vật ước tính khoảng 2 tỷ đồng. 

Đối tượng này đã cất giấu rất tinh vi số sừng tê giác trên trong hành lý cá nhân, đặc biệt là trong các hộp đồ chơi trẻ em nhằm qua mắt lực lượng chức năng. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ trinh sát và thu thập thông tin, cơ quan Hải quan đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn vụ việc trên. 

Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đang hoàn tất thủ tục để tiến hành khởi tố vụ án và tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra làm rõ đường dây, ổ nhóm, hành vi vi phạm của các đối tượng.

Trước đó, trong tháng 4/2017, Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cũng đã phối hợp với Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (C74) – Bộ công an và Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) – Công an TP.HCM phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển trái phép 5 kg sừng tê giác và hơn 4 kg các sản phẩm chế tác từ  ngà voi châu Phi và vảy Tê Tê. Vụ việc đã được Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất khởi tố về tội vận chuyển hàng hoá trái phép qua biên giới.

Qua vụ bắt giữ này một lần nữa cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong cam kết bảo vệ các loài động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.

Lê Thu

PCU BÀ RỊA- VŨNG TÀU: NÂNG CAO HIỆU QUẢ KIỂM SOÁT CONTAINER TẠI CẢNG BIỂN

(HQ Online)- Ngày 8/5, tại thành phố Vũng Tàu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh chủ trì lễ ra mắt Nhóm kiểm soát cảng Bà Rịa- Vũng Tàu, với sự tham dự của ông Robert Chambers, Tổng lãnh sự quán Australia tại Việt Nam; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu Nguyễn Thành Long; lãnh đạo Chương trình kiểm soát container toàn cầu…

Các đại biểu cắt băng ra mắt Nhóm kiểm soát container

Chương trình Kiểm soát container trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) và Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Tổng cục trưởng Vũ Ngọc Anh cho biết, trong bối cảnh tội phạm có tổ chức ngày càng gia tăng như hiện nay, công tác kiểm soát, chống buôn lậu hàng hóa và gian lận thương mại là một những nhiệm vụ vô cùng quan trọng của Hải quan Việt Nam. Nhiệm vụ ấy còn trở nên khó khăn khi thủ đoạn của các loại tội phạm vận chuyển trái phép hàng hóa bằng container đường biển ngày càng trở nên tinh vi hơn. Các đối tượng phạm tội thường xuyên lợi dụng chính sách thông thoáng để buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng cấm bằng thủ đoạn che giấu trong hàng hóa vận chuyển bằng đường biển. Nhận thấy tính hiệu quả từ mô hình đơn vị kiểm soát cảng trong khuôn khổ Chương trình kiểm soát container, chính phủ Việt Nam đã phê duyệt cho Tổng cục Hải quan Việt Nam tham gia chương trình.

Nhóm Kiểm soát cảng Bà Rịa – Vũng Tàu được đào tạo bài bản và nâng cao để có thể sử dụng kỹ thuật phân tích nguy cơ cùng các công cụ hữu ích khác để giảm thiểu những tác động tiêu cực đến luồng thương mại tự do hợp pháp. Việc này giúp tăng hiệu quả cả về công tác thực thi pháp luật cũng như thúc đẩy thương mại.

“Nhóm Kiểm soát cảng Bà Rịa – Vũng Tàu được thành lập từ đội ngũ cán bộ trẻ, tâm huyến, giàu kinh nghiệm. Trong đó có sự tham gia của lãnh đạo Cục Hải quan Bà Rịa- Vũng Tàu được khởi động với sự kỳ vọng lớn của Cục Hải quan Bà Rịa- Vũng Tàu nói riêng và Tổng cục Hải quan Việt Nam nói chung trong công tác ngăn chặn hoạt động buôn lậu và phổ biến các hàng hóa cấm, đe dọa đến an toàn con người, an ninh xã hội”- Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh.

Chương trình Kiểm soát container (CCP) thuộc phạm vi Tiểu chương trình 1 “Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Buôn bán trái phép” trong khuôn khổ Chương trình quốc gia Việt Nam của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) giai đoạn 2012-2017 được ký vào tháng 7/2012 giữa Chính phủ Việt Nam (đại diện là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và UNODC.

CCP là sáng kiến hợp tác chung giữa UNODC và Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) được đưa ra nhằm hỗ trợ chính phủ các nước tăng cường năng lực cho lực lượng thực thi pháp luật để nâng cao hiệu quả kiểm soát container tại các cảng biển, giảm thiểu nguy cơ bị các tổ chức tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia lợi dụng container đường biển để vận chuyển trái phép ma túy, động vật hoang dã, vũ khí…, thực hiện hành vi tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và những dạng hoạt động khác của thị trường bất hợp pháp.

CCP là chương trình được thực hiện và đã thành công tại hơn 50 quốc gia trên thế giới. Trong khuôn khổ chương trình, gần 60 đơn vị kiểm soát cảng (PCU) đã được thành lập tại các khu vực châu Phi (Kenya, Ma Rốc, Ghana…), châu Mỹ (Ac-hen-tina, Brazil, Chi Lê…), Trung Đông (Ai Cập, Iran…), châu Á (Ấn Độ, Bangladesh) và gần đây đã mở rộng ra khu vực Đông Nam Á bao gồm các quốc gia: Campuchia, Indonesia, Malaysia, Lào, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Tại Việt Nam, được sự phê duyệt của Chính phủ tại công văn số 1745/TTg-QHQT về việc Việt Nam tham gia CCP, Bộ Tài chính đã ủy quyền cho lãnh đạo Tổng cục Hải quan ký Thư Thỏa thuận giữa Bộ Tài chính Việt Nam và UNODC về việc tham gia Chương trình Kiểm soát container vào ngày 6/2/2015. Hiện nay, CCP được triển khai tại Cục Hải quan thành phố Hải Phòng từ tháng 3/2015 do Chính phủ Canada tài trợ và Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu từ tháng 11/2015 do Chính phủ Australia tài trợ.

Trong khuôn khổ CCP, Nhóm Kiểm soát cảng Bà Rịa – Vũng Tàu (PCU BR – VT) chính thức được thành lập theo Quyết định số 3229/QĐ-HQBRVT ngày 19/10/2016 của Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, bao gồm 9 thành viên, trong đó giữ vai trò trưởng Nhóm là đồng chí Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và các thành viên còn lại là công chức thuộc các chi cục hải quan và các đơn vị tham mưu.

PCU Bà Rịa- Vũng Tàu được thành lập theo mô hình của đơn vị làm việc áp dụng cùng lúc các biện pháp quản lý rủi ro tiên tiến kết hợp với hoạt động kiểm soát chống buôn lậu nhằm mục đích nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát container tại các cảng biển thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Nhóm có nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý thông tin và triển khai thực hiện các biện pháp kiểm soát cảng nhằm phòng, chống tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép các loại hàng hóa cấm tại khu vực cảng biển thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trọng tâm là các loại hàng hóa ma túy, động vật hoang dã, vũ khí, hàng hóa lưỡng dụng, hàng thuộc danh mục cấm XK, cấm NK…

PCU Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã được đào tạo cơ bản, nâng cao theo quy trình chung do UNODC và WCO xây dựng và được bố trí nơi làm việc, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ để tác nghiệp.

Một số hình ảnh tại lễ ra mắt:

Quang cảnh buổi ra mắt

Các đại biểu tham quan trung tâm điều khiển kiểm soát container
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với Nhóm kiểm soát container

 

Lê Thu

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

UAE CẤM NHẬP RAU QUẢ TỪ 5 NƯỚC, CƠ HỘI CHO VIỆT NAM

(HQ Online)- Lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/5/2017 để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất UAE.

Trong bối cảnh Chính phủ UAE đang thắt chặt quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các loại rau củ quả nhập khẩu, đây là cơ hội cho Việt Nam. Ảnh internet.

Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) ngày 8/5 phát đi thông tin, Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu (MOCCAE) Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) vừa ban hành lệnh cấm nhập khẩu một số loại rau quả từ 5 nước Trung Đông gồm Ai Cập, Oman, Jordan, Lebanon và Yemen do có dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá giới hạn cho phép. Lệnh cấm này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/5/2017 để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng UAE.

Theo đó, các loại rau củ quả bị cấm nhập khẩu gồm: Các loại ớt chuông từ Ai Cập; bắp cải, cải thảo, rau diếp, bí, đậu và cà tím từ Jordan; các loại táo từ Lebanon; các loại dưa, cà rốt và cải xoong từ Oman; và tất cả các loại trái cây từ Yemen.

Bộ này cũng yêu cầu các bộ chức năng của 5 quốc gia trên cần tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của UAE, lệnh cấm sẽ được hủy bỏ khi các yêu cầu về an toàn thực phẩm được đáp ứng và 5 quốc gia trên cung cấp được các giấy tờ chứng nhận sản phẩm rau củ quả của nước mình không chứa quá nhiều dư lượng thuốc trừ sâu.

Theo Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á, việc chính phủ UAE cấm nhập khẩu các loại rau và trái cây từ 5 quốc gia nói trên có thể sẽ đẩy giá các loại rau và trái cây tại UAE lên cao trong ngắn hạn do bị hạn chế nguồn cung để chuẩn bị cho mùa lễ Ramadan sẽ diễn ra trong khoảng cuối tháng 5 tới đây. Trong số các quốc gia nói trên, Ai Cập, Jordan đứng thứ 5 và 6 các nước xuất khẩu các loại rau nhiều nhất sang UAE với kim ngạch tương ứng 78 triệu USD và 72 triệu USD (theo số liệu của Trung tâm Thương mại quốc tế – ITC).

Do điều kiện tự nhiên, khí hậu không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nên UAE phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa. Theo số liệu của ITC, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của UAE năm 2014 đạt gần 3,2 tỷ USD, 2015 đạt khoảng 2,6 tỷ USD và trên 2,5 tỷ USD năm 2016. 

Trong đó, UAE nhập khẩu từ khoảng 20 quốc gia, chủ yếu từ Mỹ, Ấn Độ và Nam Phi, với các loại trái cây như táo, lê, các loại trái cây họ cam, rau củ tươi… Hàng hóa nhập khẩu vào UAE không chỉ để phục vụ tiêu dùng của người dân UAE mà còn để phục vụ khách du lịch và người lao động nhập cư.

Theo số liệu Hải quan Việt Nam, mặt hàng rau, củ, quả của Việt Nam xuất khẩu sang UAE chỉ đạt 14,2 triệu USD năm 2014, 16,2 triệu USD năm 2015 và 22,8 triệu USD năm 2016. Mặc dù có mức tăng trưởng mạnh mẽ so với các năm trước đó nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn chỉ chiếm tỉ trọng không đáng kể trong tổng giá trị nhập khẩu nhóm hàng này của UAE.

Trong những năm qua, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại UAE đã phối hợp với các đơn vị chức năng, doanh nghiệp của hai nước tổ chức các sự kiện quảng bá các sản phẩm nông sản, trái cây của Việt Nam tại các siêu thị của UAE như: Ngày vải thiều tại UAE, Tuần lễ hàng nông sản Việt Nam tại UAE… đã thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng UAE. 

Hiện tại, nhóm hàng nông sản và trái cây Việt Nam đã tiếp cận được một số hệ thống siêu thị của UAE, các mặt hàng rau quả như chuối, thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, măng cụt, hồng xiêm, xoài, ổi đang được bán tại các siêu thị với giá tốt, được người tiêu dùng UAE ưa chuộng.

Trong bối cảnh Chính phủ UAE đang thắt chặt quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các loại rau củ quả nhập khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu đang làm ăn hoặc đang có ý định tiếp cận thị trường UAE cần lưu ý tới các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của UAE đặc biệt đối với vấn đề dư lượng thuốc trừ sâu. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội tốt cho sản phẩm rau củ quả của Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế của mình tại thị trường UAE.

Phan Thu

XUẤT KHẨU CÁ NGỪ PHỤC HỒI MẠNH

(HQ Online)-Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, quý I/2017, xuất khẩu (XK) cá ngừ của cả nước đạt 121 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2016. XK cá ngừ tiếp tục phục hồi nhờ sự tăng trưởng XK sang các thị trường chính truyền thống như Mỹ và EU…

Chế biến cá ngừ xuất khẩu. Ảnh: Thu Hòa

Ba tháng đầu năm 2017, sản lượng khai thác cá ngừ đại dương của 3 tỉnh trọng điểm đạt khoảng 5.846 tấn. Hiện nay, giá cá ngừ đại dương được thu mua tại cảng dao động ở mức 93.000 – 110.000 đồng/kg. Tại Phú Yên sản lượng khai thác cá ngừ đại dương ước đạt 1.500 tấn giảm 2,7% so với cùng kỳ 2016; Tại Bình Định đạt 3.446 tấn, tăng 75% so với cùng kỳ (1.970 tấn); tại Khánh Hòa sản lượng cá ngừ đại dương là 900 tấn, giảm 8% so với cùng kỳ.

XK các mặt hàng cá ngừ của Việt Nam sang các nước trên thế giới đều tăng so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, XK cá ngừ chế biến đóng hộp tăng mạnh nhất 39,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong số các dòng sản phẩm cá ngừ XK của Việt Nam, thăn/philê cá ngừ đông lạnh vẫn là sản phẩm XK chủ lực của Việt Nam, chiếm hơn 47% tổng giá trị XK cá ngừ của Việt Nam trong quý I/2017, đạt 57 triệu USD, tăng 12,5%. Tiếp đến là cá ngừ đóng hộp chiếm 30,4%, đạt 37 triệu USD, tăng 53,2%.

Hiện các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã xuất được sang 79 nước trên thế giới, nhiều hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Tốp 8 thị trường XK cá ngừ chính của Việt Nam gồm Mỹ, EU, Israel, ASEAN, Nhật Bản, Canada, Trung Quốc và Mexico chiến 88% tổng giá trị XK cá ngừ trong 3 tháng đầu năm 2017. Trong đó, XK sang thị trường Israel tăng trưởng ấn tượng 172,9%. Với tốc độ tăng trưởng cao lên tới 3 con số, Israel đã vượt qua ASEAN và Nhật Bản đứng ở vị trí thứ 3.

Trong quý này, XK cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường chính truyền thống như Mỹ, EU và Nhật Bản đã phục hồi. Còn XK sang ASEAN lại giảm.

Trong quý I/2017, Mỹ vẫn là thị trường XK cá ngừ số 1 của Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi sụt giảm trong tháng đầu năm, XK cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ đã tăng trở lại trong 2 tháng cuối quý. Tổng giá trị XK cá ngừ sang đây trong quý I/2017 chỉ  đạt hơn 44,575 triệu USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước.

EU tiếp tục là thị trường NK cá ngừ lớn thứ 2 của Việt Nam. XK cá ngừ sang thị trường này trong 3 tháng đầu năm đã phục hồi tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, đạt 27,6 triệu USD.

Trong quý I, Việt Nam vẫn chủ yếu XK cá ngừ đóng hộp và thăn/philê cá ngừ đông lạnh sang khối thị trường này, chiếm tỷ trọng lần lượt là 37% và 36,8%. XK cá ngừ tươi sống, đông lạnh và khô của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng. Và EU có xu hướng tăng NK cá ngừ đóng hộp của Việt Nam, giảm NK cá ngừ chế biến khác, trái với xu hướng năm ngoái. Cụ thể, XK cá ngừ tươi sống, đông lạnh và khô của Việt Nam tăng 16,4% và cá ngừ đóng hộp tăng 67,5%. XK cá ngừ chế biến khác giảm 68%.

Dự báo, trong 3 tháng tới XK cá ngừ của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng 20%, đạt 151 triệu USD.

Lê Thu

BẮT GIỮ LÔ HÀNG THIẾT BỊ Y TẾ CẤM NHẬP KHẨU

(HQ Online)-Ngày 3/5/2017, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, một lô hàng thiết bị y tế cấm nhập khẩu vừa được phát hiện khi đối tượng ngụy trang trong lô hàng quá cảnh. 

Chiếc máy chụp cắt lớp đã đã sử dụng ẩn lậu trong lô hàng quá cảnh.
Lô hàng trên được Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất  phối hợp cùng Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (C74) – Bộ Công an và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) – Công an TP.HCM theo dõi phát hiện.

Được biết, lô hàng này đang làm thủ tục quá cảnh sang Campuchia qua cửa khẩu Xa Mát thì bị lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, bắt giữ. Lô hàng thiết bị y tế cấm nhập khẩu là máy chụp CT cắt lớp đã qua sử dụng (khai báo là hàng mới 100% có xuất xứ Nhật Bản) gồm 10 kiện, trọng lượng 5,7 tấn, trị giá khoảng trên 3,2 tỷ đồng. 

Công ty Cổ phần Giao nhận Vận tải Con Ong có địa chỉ tại 39B Trường Sơn, phường 4, quận Tân Bình, Tp.HCM do ông Đinh Hữu Thạnh, sinh năm 1975  thường trú tại phường Cẩm Thượng, Tp.Hải Dương làm Giám đốc khi làm thủ tục quá cảnh, đại diện doanh nghiệp đã khai báo lô hàng nhập khẩu mới 100% nhằm trốn tránh việc xin giấy phép của Bộ Công Thương.

Trước đó vài ngày, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cũng đã ra Quyết định khởi tố hình sự về tội buôn lậu đối với Công ty TNHH Khoa học và Kỹ thuật Olympic địa chỉ tại số 1/54 Lữ Gia, phường 15, quận 11, Tp.HCM do ông Nguyễn Kiến Hưng sinh năm 1987, CMND số 385384231 cấp ngày 08/01/2016 có hộ khẩu thường trú tại: 423 Ấp 1, thị trấn Gia Rai, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu làm Giám đốc đã tổ chức nhập khẩu lô hàng thiết bị y tế là 50 Máy Đo điện tim, khai báo sai tên hàng nhằm trốn tránh việc xin giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế, trị giá lô hàng hơn 500 triệu đồng.

Theo Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, trong thời gian vừa qua, một số đối tượng đã lợi dụng tuyến đường hàng hóa quá cảnh đi Campuchia để buôn lậu – đây là thủ đọan buôn lậu mới. Cơ quan Hải quan đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tuyến đường này, liên tiếp phát hiện, bắt giữ nhiều vụ buôn lậu, có những vụ đối tượng phá niêm phong, đánh tráo hàng ngay trên đường vận chuyển, thẩm lậu vào nội địa để tiêu thụ hoặc hàng vận chuyển qua đến Campuchia rồi tìm cách quay ngược trở lại bằng các tuyến đường bộ giữa Campuchia và Tây Ninh, An Giang hoặc Bình Phước… để thẩm lậu vào Việt Nam tiêu thụ.

Lê Thu

TÌM GIẢI PHÁP ‘NÂNG CÁNH’ VẬN TẢI HÀNG KHÔNG

(Chinhphu.vn) – Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường châu Á có mức tăng trưởng về vận tải hàng không nhanh nhất thế giới và cần thúc đẩy lĩnh vực này phát triển đúng tầm.

Ảnh: VGP/Thanh Thủy

Đó là nhận xét chung của nhiều đại biểu trong nước và quốc tế tại Hội nghị và Triển lãm quốc tế “ Hậu cần vận tải hàng không Việt Nam” do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam và Cục Hàng không Việt Nam tổ chức ngày 22/4 tại TPHCM.

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), trong giai đoạn 2013 – 2017, Việt Nam xếp thứ 7 trong số những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới với tỷ lệ vận chuyển hành khách quốc tế đạt 6,9%; vận chuyển hàng hóa quốc tế đạt 6,6%.

Tính đến hết năm 2016, ngành hàng không Việt Nam đã thu hút 50 hãng hàng không thế giới đến từ 25 quốc gia đến khai thác các chuyến bay.

Trong những năm qua Chính phủ Việt Nam đã dành một phần lớn ngân sách và nguồn vốn ODA để đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông nhằm tạo thuận lợi cho vận tải hàng hóa và dịch vụ logistics phát triển. Hệ thống sân bay đang ngày được nâng cấp và đầu tư mở rộng với quy mô lớn, có trang thiết bị xếp dỡ hiện đại.

Đặc biệt, những chính sách vĩ mô của Chính phủ cùng các đổi mới của các ngành liên quan như giao thông vận tải, hải quan, thuế…, đã và đang mở đường cho ngành logistics nói chung và ngành hậu cần vận tải hàng không phát triển. 

Ông Đỗ  Xuân Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Tổng giám đốc Vietjet Cargo cho biết do xuất khẩu ngày càng tăng nên nhu cầu vận tải hàng không cho xuất khẩu tăng mạnh.

Lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không nội địa cũng tăng nhanh. Năm 2016, trong tổng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không (đạt 1,4 triệu tấn), thì hàng hóa vận chuyển trong nước chiếm phần lớn (gần 1 triệu tấn). Trong đó, có những khách hàng như Viettel đạt trên 60 tấn/tuần, VNPT gần 100 tấn/tuần….

Mặc dù là một ngành đầy tiềm năng nhưng hiện nay vận tải hàng không chưa phát triển đúng tầm với những tiềm năng đang có.

Nguyên nhân theo ông Đỗ Xuân Quang là chưa có sự liên kết chặt chẽ tạo ra một chuỗi cung ứng logistics. Bên cạnh đó, việc kết nối sản xuất với tiêu dùng, kết nối các phương tiện vận tải… cũng là điểm yếu của ngành hàng không Việt Nam hiện nay.

Ngành vận tải hàng không Việt Nam cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức do khủng hoảng kinh tế thế giới chưa được khôi phục hoàn toàn ở các thị trường lớn như Mỹ, EU; giá xăng dầu dao động ở biên độ lớn; thị trường còn phụ thuộc theo mùa…

Ngoài ra, các hãng hàng không nội địa dù đã có mức tăng trưởng nhanh nhưng chưa đủ năng lực cạnh tranh với hãng hàng không quốc tế ở những đơn hàng lớn; bến bãi, đường bay còn nhỏ hẹp, quá tải…

Ông Stanlay Lim, Giám đốc quản lý hàng hóa khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IATA cho rằng xu hướng vận chuyển bằng đường hàng không đang ngày một tăng. Chính vì vậy, ngành hàng không Việt Nam cần áp dụng các tiến bộ của công nghệ như thương mại điện tử vào quản lý, vận hành, kinh doanh, vì đây đang là xu hướng của ngành vận tải hàng không và của cả thị trường thế giới, vì nếu áp dụng sẽ giảm được chi phí logistics.

Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Hãng hành không Turkish Airline Huseyin Ceyhan cho rằng chuỗi logistics không chỉ nâng cao giá trị về lợi nhuận cho DN, mà còn giúp các DN vận tải hàng không Việt Nam đáp ứng nhu cầu cạnh tranh với các DN trong vận tải hàng không của khu vực và trên thế giới.

Trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, xét về năng lực của các DN, để tạo ra chuỗi logistics phức hợp đòi hỏi cần có sự liên kết, hợp tác, liên doanh để tạo ra  chuỗi cung ứng mang tính toàn cầu. Đặc biệt sự liên kết đó sẽ tăng năng lực cho ngành để đáp ứng được nhu cầu ngày một tăng cao về số lượng và chất lượng góp phần giảm chi phí, giảm thời gian vận chuyển và các khâu trung gian khác.

Thanh Thủy

Nguồn: http://baodientu.chinhphu.vn/

XỬ LÝ VƯỚNG MẮC VỀ NỘP CHỨNG TỪ CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ HÀNG HÓA

(HQ Online)-Tổng cục Hải quan vừa có văn bản xử lý vướng mắc liên quan đến việc nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với hàng hóa NK thuộc các loại hình gửi kho ngoại quan và kinh doanh tạm nhập tái xuất.

Công chức Chi cục Hải quan Chi Ma (Lạng Sơn) kiểm tra hàng hóa kinh doanh theo loại hình TNTX. Ảnh: H.Nụ.

Trước đó, Bộ Tài chính có công văn 4451/BTC-TCHQ gửi cục hải quan các tỉnh, thành phố về việc tăng cường kiểm soát NK mặt hàng thịt và các sản phẩm từ thịt theo Quyết định số 902/QĐ-BNN-TY ngày 23/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tạm ngừng NK thịt và các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm từ Braxin.

Tại công văn, Bộ Tài chính yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố từ ngày 10/4/2017, khi làm thủ tục hải quan đối với các lô hàng thịt và sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm NK yêu cầu người khai hải quan nộp bản chính chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa do nước XK cấp. Trường hợp mua bán qua bên thứ ba thì phải thể hiện rõ tên nhà sản xuất trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Tuy nhiên, thực hiện hướng dẫn trên, hải quan địa phương gặp vướng mắc trong việc làm thủ tục đối với hàng hóa NK thuộc các loại hình gửi kho ngoại quan và kinh doanh tạm nhập tái xuất.

Tháo gỡ vướng mắc trên, Tổng cục Hải quan cho biết, việc nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định nêu trên không áp dụng đối với hàng hóa từ nước ngoài gửi kho ngoại quan để xuất đi nước thứ ba và hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất. 

Trường hợp lô hàng thay đổi mục đích, chuyển tiêu thụ nội địa hoặc NK vào Việt Nam thì phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, trường hợp không có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa thì DN phải tái xuất hoặc chịu trách nhiệm tiêu hủy.

Riêng đối với thịt và các sản phẩm từ thịt thuộc Danh mục thực phẩm đông lạnh kinh doanh tạm nhập tái xuất có điều kiện thì việc xử lý thực hiện theo Thông tư số 05/2014/TT-BTC của Bộ Công Thương quy định về hoạt động tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu hàng hóa.

N.Linh

HẢI QUAN BÌNH DƯƠNG: TẬP HUẤN THỦ TỤC HẢI QUAN CHO LÃNH ĐẠO DN NHẬT BẢN

(HQ Online)-Ngày 4/5, Cục Hải quan Bình Dương phối hợp với Chi hội doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tại Bình Dương tổ chức hội nghị tập huấn về thủ tục hải quan, chính sách thuế XNK… cho lãnh đạo DN Nhật Bản đầu tư tại Bình Dương. 

Lãnh đạo Cục Hải quan Bình Dương giải đáp thắc mắc của DN tại hội nghị. Ảnh T.D

Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương Nguyễn Trường Giang cho biết, đây là một hoạt động nhằm đổi mới công tác đối thoại DN. Qua hội nghị này, sự tương tác giữa cơ quan Hải quan và lãnh đạo DN được nhiều hơn. Chủ DN sẽ được trực tiếp nghe giải đáp những vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến thủ tục XNK… để thực hiện theo đúng quy định.

Tại hội nghị, đại diện Cục Hải quan Bình Dương đã phổ biến đến lãnh đạo các DN về các quy định, chính sách liên quan đến thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan; Lưu ý về các vướng mắc mà DN thường gặp phải có liên quan đến thuế XNK đối với hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu trong thời gian qua; Quy định về cấp danh mục miễn thuế hàng hóa tạo tài sản cố định; Các quy định chung về phân tích, phân loại hàng hóa…

Chi cục kiểm tra sau thông quan cũng đã trình bày về một số quy định cũng như chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp thuộc diện doanh nghiệp ưu tiên. Một số lưu ý đối với doanh nghiệp trong việc sử dụng chữ kí số, cảnh báo một số sai phạm của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan tại Bình Dương để doanh nghiệp rút kinh nghiệm không để vướng phải… Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh, việc kiểm tra của cơ quan Hải quan là hướng đến sự tuân thủ chứ không xử phạt. Theo đó, DN cần lưu ý trong công tác phối hợp thực hiện giữa các bộ phận để tránh để xảy ra sai sót.

Tại hội nghị, đại diện một số doanh nghiệp cũng đã trực tiếp nêu câu hỏi xoay quanh định mức sản xuất đối với hàng hóa gia công sản xuất, xuất khẩu. Cụ thể, DN cho biết, định mức thực tế không khai báo định mức với cơ quan Hải quan, chỉ xuất trình với cơ quan Hải quan trong quá trình kiểm tra báo cáo quyết toán, nhưng phần cảnh báo sai phạm thường xuyên của DN (phát hiện trong quá trình kiểm tra của cơ quan Hải quan) lại có hành vi lên định mức không đúng. 

Trả lời vướng mắc này của DN, Cục Hải quan Bình Dương cho biết, trong quá trình kiểm tra báo cáo quyết toán, cơ quan Hải quan sẽ kiểm tra tính chính xác của các định mức mà DN xuất trình, định mức này là định mức thực tế sản xuất tại DN. Tuy nhiên vì một lý do nào đó (như DN đã nhập thừa so với khai báo, xuất thiếu so với khai báo, hoặc trong quá trình quản lý nguyên phụ liệu tại DN do việc quản lý không được chặt chẽ, đã xảy ra tình thất thoát…) DN phải cân đối lại và xuất trình các định mức không đúng với thực tế, hành vi này được phát hiện khi cơ quan Hải quan thực hiện việc kiểm tra nên doanh nghiệp sẽ bị xử phạt và truy thu (nếu có).

Liên quan đến việc phân loại hàng hóa, đại diện phòng Thuế XNK cũng lưu ý doanh nghiệp cần phân biệt việc lấy mẫu để phân tích, phân loại xác định mã số thuế hay lấy mẫu để kiểm tra chất lượng nhà nước xác định chính sách mặt hàng (có đủ điều kiện được nhập khẩu hay không). Cụ thể, đối với hàng hóa lấy mẫu để phân tích, phân loại xác định mã số thuế thuộc diện giải phóng hàng, nghĩa là sau khi kiểm tra thực tế hàng hóa, lấy mẫu, tờ khai sẽ được giải phóng hàng, doanh nghiệp được đưa hàng hóa vào sử dụng và làm thủ tục chuyển tiền trả cho nước ngoài, không cần phải chờ đợi kết quả phân tích phân loại.

Đối với hàng hóa lấy mẫu để kiểm tra chất lượng nhà nước xác định chính sách mặt hàng thuộc diện đưa hàng về bảo quản, nghĩa là sau khi kiểm tra thực tế hàng hóa, lấy mẫu, doanh nghiệp sẽ được đưa hàng về bảo quản, doanh nghiệp không được đưa hàng hóa vào sử dụng khi chưa có kết quả kiểm tra chất lượng.

Thu Dịu

DN XUẤT KHẨU THỦY SẢN KHÓ ĐÁP ỨNG ĐƯỢC TIÊU CHUẨN QCVN

(HQ Online)- Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), do yêu cầu của nước xuất khẩu trong chế biến thủy sản, các DN khó có thể đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật (QCVN) về môi trường. 

DN chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh: T.H

Cụ thể, theo phản ánh của các DN, theo yêu cầu của khách hàng Mỹ, các DN chế biến tôm XK sang thị trường Mỹ buộc phải sử dụng nhiều phosphate trong quá trình chế biến khiến cho nước thải của các nhà máy chế biến có chỉ tiêu phospho cao từ 2-9 lần so với QCVN 11:2015. 

Với các công ty chế biến surimi, nước rửa cá cũng thường có dư lượng phospho và nitơ rất cao, đặc biệt là nitơ do công nghệ chế biến đòi hỏi phải sử dụng nước để rửa trôi các protein hòa tan trong thịt cá. Do vậy, gần như không có nhà máy surimi nào đạt chỉ tiêu Nitơ, mà thường vượt ngưỡng dư lượng tối đa cho phép của QCVN. Các DN chế biến thủy sản đã đầu tư chi phí rất lớn cho việc xử lý nitơ, phospho trong nước thải nhưng vẫn không thể đạt được QCVN theo yêu cầu.

Theo phản ánh của các DN chế biến thủy sản, việc xử lý phospho rất khó bởi nếu DN sử dụng nước ngầm trong sản xuất thì chỉ tiêu phospho có sẵn trong nước nhiều khi đã lên mức 19 mg/l, trong khi QCVN 11:2015 cho phép chỉ tiêu phospho trong nước thải đã là 20 mg/l, chính vì thế, sau quá trình  sản xuất của DN thì mức phospho chắc chắn vượt quá mức cho phép của QCVN 11:2015.

Tại các công ty chuyên chế biến surimi, nước rửa cá thường có dư lượng phospho và nitơ rất cao, đặc biệt là dư lượng Nitơ (do công nghệ chế biến đòi hỏi phải sử dụng nước để rửa trôi các protein hòa tan trong thịt cá). Do đó gần như không có nhà máy surimi nào đạt chỉ tiêu nitơ, mà thường vượt ngưỡng dư lượng tối đa cho phép của QCVN.

Hiện nay, các nước khác tại ASEAN không quy định chỉ tiêu phospho trong tiêu chuẩn về nước thải. Quy định này gây ảnh hưởng bất lợi tới khả năng cạnh tranh của DN thủy sản so với các nước trong khu vực.

Hơn nữa, Đoàn thanh tra môi trường lấy mẫu kiểm tại 3 thời điểm khác nhau và các mẫu này cho các kết quả phân tích khác nhau, nhưng Đoàn lại chọn giá trị vi phạm cao nhất để xử phạt DN. 

Để hỗ trợ DN, VASEP kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét điều chỉnh nâng giới hạn tối đa của chỉ tiêu phospho và nitơ tại QCVN 11:2015 và có lộ trình cho phép để DN thủy sản có thể hạ dần dư lượng phospho và nitơ trong nước thải sau xử lý của DN xuống đạt giới hạn tối đa cho phép. Các đoàn Thanh tra môi trường nên lấy kết quả trung bình của các mẫu kiểm để làm căn cứ xử phạt nhằm đảm bảo công bằng cho các DN.

Về bùn thải từ quá trình xử lý nước thải, từ năm 2012, VASEP cũng đã gửi Công văn số 49/2012/CV-VASEP ngày 15/5/2012 tới Bộ trưởng Bộ TN&MT, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho DN chế biến thủy sản trong việc thực hiện về quản lý môi trường. Tại công văn này, VASEP đề nghị Bộ sớm có quy định chính thức xác định bùn thải thuộc loại hình chế biến thủy hải sản không phải là bùn thải nguy hại. Do nguồn nguyên liệu của các DN chế biến thủy sản là cá, tôm và các loại thủy sản khác nhau nên thành phần hữu cơ chiếm đa số.

Theo QCVN 07:2009/BTNMT và Thông tư số 12/2011/TT-BNTMT ngày 14/4/2011 quy định về quản lý chất thải nguy hại thì bùn thải từ hệ thống xử lý là các chất hữu cơ tạp chất không chứa nhiều kim loại nặng.

Lê Thu