HÀ NỘI, TP.HCM NHẬP SIÊU HÀNG TỶ USD

(HQ Online)- Trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về hoạt động xuất nhập khẩu có đến 3 tỉnh, thành phố đang bị thâm hụt thương mại lớn.
Biểu đồ trị giá kim ngạch XNK của 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước đến hết quý I/2017, đơn vị tính “tỷ USD”. Đồ họa: T.Bình.

Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan, hết quý I/2017, 3 địa phương bị thâm hụt thương mại là Hà Nội, TP.HCM và Bắc Ninh.

Trong đó, Hà Nội có mức nhập siêu lớn nhất. Hết quý I, tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu của địa phương này là 2,697 tỷ USD và nhập khẩu là 6,882 tỷ USD dẫn đến con số nhập siêu lên đến 4,185 tỷ USD.

Cùng với Hà Nội, đầu tàu kinh tế của cả nước là TP.HCM cũng có mức thâm hụt thương mại 1,619 tỷ USD (xuất khẩu 7,982 tỷ USD và nhập khẩu 9,601 tỷ USD).

Việc nhập siêu của Hà Nội và TP.HCM diễn ra nhiều năm và là điều dễ hiểu khi đây là 2 địa bàn nhập khẩu hàng hóa quan trọng của cả nước, nhất là hàng tiêu dùng.

Tuy nhiên, việc hâm hụt thương mại của Bắc Ninh lại là diễn biến đáng chú ý. Bởi cùng kỳ 2016, địa phương này đang xuất siêu 1,179 tỷ USD, nhưng năm 2017 lại đảo chiều. Cụ thể, quý I/2017, Bắc Ninh đang nhập siêu 577 triệu USD.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 28/4, trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Hải quan, ông Vũ Đức Quyết- Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh cho biết, việc nhập siêu trong quý I vừa qua xuất phát từ hoạt động nhập khẩu máy móc thiết bị phục vụ các dự án đầu tư trên địa bàn, nhất là việc mở rộng dự án tại Bắc Ninh của tập đoàn Samsung.

Ngoài các thông tin đáng chú ý trên, theo Tổng cục Hải quan, trong quý I vừa qua, hai địa phương trong Top 5 về xuất nhập khẩu của nước ta là Thái Nguyên và Bình Dương vẫn duy trì được trị giá xuất siêu.

Trong đó, Thái Nguyên xuất siêu 1,671 tỷ USD; Bình Dương xuất siêu 1,039 tỷ USD.

Thái Bình

THIẾT BỊ ĐIỆN TỬ ĐÃ QUA SỬ DỤNG THUỘC DIỆN CẤM NK

(HQ Online)- Báo Hải quan nhận được câu hỏi của bạn đọc hỏi về việc muốn nhập các hàng thiết bị điện tử từ Nhật Bản và chính sách thuế nhập khẩu mặt hàng này. 

Một lô hàng điện lạnh, điện gia dụng cấm nhập khẩu bị cơ quan Hải quan phát hiện tại cảng Quốc tế Tân Cảng – Cái Mép (TCIT). Ảnh: Nguyễn Huế.

Liên quan đến câu hỏi của bạn đọc, Tổ tư vấn Báo Hải quan xin tư vấn như sau:

Căn cứ Thông tư số 31/2015/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn một số điều của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thì sản phẩm điện tử đã qua sử dụng thuộc diện cấm nhập khẩu.

Đề nghị bạn đọc nghiên cứu Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm NK (Ban hành kèm theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ) để thực hiện theo đúng quy định. Danh mục này áp dụng cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa mậu dịch, phi mậu dịch; xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tại khu vực biên giới; hàng hóa viện trợ Chính phủ, phi Chính phủ.

Tổ tư vấn pháp luật

BỐN “ÔNG LỚN” XIN ĐẦU TƯ MỞ RỘNG TÂN SƠN NHẤT

Dù điều chỉnh quy hoạch CHK quốc tế Tân Sơn Nhất mới đang được cơ quan chức năng xem xét, nhưng khá nhiều tên tuổi lớn “xếp hàng” xin được đầu tư dự án nhà ga hành khách mới tại CHK này.

Tân Sơn Nhất là một trong hai “con gà đẻ trứng vàng” của ACV. Ảnh: Tạ Tôn.

Điểm mặt anh hào

 
Trong tờ trình mới nhất của Cục Hàng không VN gửi Bộ GTVT về việc điều chỉnh quy hoạch CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, Cục Hàng không VN quy hoạch bổ sung nhà ga hành khách T4 với công suất thiết kế 15 triệu khách/năm, nâng tổng công suất của nhà ga hành khách CHK này lên 43-45 triệu khách/năm. Cục Hàng không VN cũng đề xuất giao ACV chủ trì kêu gọi, huy động vốn góp của các tổ chức, nhà đầu tư quan tâm.
 

Cái tên đầu tiên phải kể đến trong danh sách những nhà đầu tư đang “xếp hàng” xin được đầu tư vào Nhà ga hành khách T4 tại Tân Sơn Nhất là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu liên Thái Bình Dương (IPP). Nhắc đến IPP, nhiều người nghĩ ngay đến “ông trùm hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn.Đây không phải lần đầu tiên ông Hạnh Nguyễn tham gia đầu tư trong lĩnh vực hàng không. Thực tế, IPP chính là cổ đông lớn nhất của Công ty CP Nhà ga quốc tế Cam Ranh (CRTC, thành lập tháng 2/2016) – dự án đang được đầu tư với công suất từ 4 – 8 triệu hành khách/năm, tổng mức đầu tư hơn 3.735 tỷ đồng. IPP cũng chính là cổ đông lớn, nhà đầu tư chiến lược của Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) – đơn vị có kết quả lợi nhuận trước thuế năm 2016 tăng gấp 3,3 lần năm 2015 (từ 84 tỷ đồng lên 282 tỷ đồng).

Bày tỏ mong muốn được “góp công sức cùng Chính phủ, Bộ GTVT và TP.HCM nhanh chóng giải quyết vấn đề quá tải cấp thiết của Tân Sơn Nhất”, IPP đề xuất được cùng ACV thực hiện đầu tư Nhà ga hành khách T4 theo đúng quy hoạch và chủ trương được duyệt đồng thời cam kết hoàn thành sau 18 tháng kể từ ngày khởi công dự án.

Đứng thứ hai trong danh sách nhà đầu tư là Liên danh Công ty CP Đầu tư khai thác Nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT) và Công ty CP Đầu tư hạ tầng Thăng Long TJC (AHT-TJC). AHT hiện đang là chủ đầu tư dự án Nhà ga quốc tế Đà Nẵng – dự án xã hội hóa đầu tiên trong lĩnh vực hạ tầng hàng không.

Đề xuất được kết hợp với TCT Cảng hàng không VN (ACV) để thành lập công ty dự án, tiến hành đầu tư Nhà ga hành khách T4 tại Tân Sơn Nhất, đại diện liên danh này cũng cho biết, nếu được chấp thuận, liên danh sẽ thành lập công ty dự án ngay trong tháng 6, nộp đủ vốn đầu tư theo quy định, hoàn thành ký kết hợp đồng tín dụng cho dự án trước khi khởi công; Hoàn thành dự án trong tháng 12/2018 và chạy thử 1 tháng trước khi chính thức vận hành dự án trước Tết Âm lịch 2019.

Hai cái tên rất quen thuộc khác cũng đang bày tỏ tham vọng được đầu tư vào Nhà ga hành khách T4 là Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines) và Công ty CP Hàng không Vietjet. Trong khi Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành đề nghị được tham gia đầu tư vào Dự án Nhà ga hành khách T4 “để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thiện đồng bộ dây chuyền khai thác, vận chuyển hàng không” thì Chủ tịch HĐQT Vietjet Nguyễn Thanh Hà cũng bày tỏ mong muốn được “Bộ GTVT xem xét chấp thuận tham gia cùng ACV thực hiện đầu tư Nhà ga hành khách T4. Đại diện Vietjet cũng cam kết sẽ tập trung nguồn lực, phối hợp với ACV hoàn thành dự án này trong 18 tháng.

Nhà ga hành khách Tân Sơn Nhất hấp dẫn mức nào?

Chỉ cần nhìn 4 tên tuổi “đáng nể” nói trên đang xếp hàng đầu tư cũng đủ biết sức hấp dẫn của nhà ga hành khách thứ 4 tại Tân Sơn Nhất. Thực tế, cùng với Nội Bài, Tân Sơn Nhất chính là một trong hai “con gà đẻ trứng vàng” của ACV. Nói như người đứng đầu Cục Hàng không VN, Cục trưởng Lại Xuân Thanh, Tân Sơn Nhất chính là một trong số rất ít CHK trong toàn bộ hệ thống 22 cảng mà ACV quản lý, khai thác đang có lãi. Hay nói cách khác, Tân Sơn Nhất đang đóng vai trò “gánh lỗ”, “anh nuôi” cho đa phần các CHK còn lại của ACV trừ Nội Bài.

Thực tế này cũng được chính Tổng giám đốc ACV Lê Mạnh Hùng thừa nhận trước đó tại hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào ACV. Cụ thể, theo ông Hùng, kết quả kiểm toán trong tổng số 22 CHK do ACV quản lý, chỉ có Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang có lãi, còn lại đều thua lỗ.

Theo thông tin của Báo Giao thông, năm 2016, lượng hành khách qua CHK quốc tế Tân Sơn Nhất đã đạt 32,5 triệu khách, vượt khá xa năng lực hiện có của nhà ga này là 28 triệu khách. Trong các năm tới, nhu cầu tăng trưởng của Tân Sơn Nhất vẫn đạt trung bình từ 15%/năm trở lên. Điều này cũng có nghĩa, Nhà ga hành khách T4 ngay khi hoàn thành và đi vào khai thác sẽ không lo thiếu khách. Với công suất 15 triệu khách/năm, chưa tính khoản thu từ kinh doanh dịch vụ phi hàng không vốn được đánh giá là “siêu lợi nhuận”, chỉ cần làm một phép tính đơn giản là lấy số hành khách thông qua nhân với giá phục vụ hành khách (quốc tế là 20 USD/khách, quốc nội 70.000 đồng/khách đã bao gồm VAT) mà doanh nghiệp này thu được, có thể thấy khoản thu tương đối lớn mà nhà đầu tư nhận được mỗi năm so với tổng số tiền đầu tư (dự kiến khoảng 4.000 tỷ đồng).

Liên quan đến phương thức đầu tư dự án này, Vụ trưởng Vụ Đối tác công – tư Nguyễn Danh Huy cho biết, hiện quy hoạch điều chỉnh CHK quốc tế Tân Sơn Nhất vẫn chưa được duyệt. “Bộ GTVT đang giao Cục Hàng không VN nghiên cứu, đề xuất dự án cũng như phương án lựa chọn nhà đầu tư sao cho đúng và trúng, đảm bảo khách quan, minh bạch và hiệu quả”, ông Huy nói.

Phía Cục Hàng không VN, Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho biết, vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và chưa thể quyết định ACV sẽ trực tiếp đầu tư (như Nhà ga T2 Nội Bài) hay theo mô hình hợp tác đầu tư với một liên danh khác (như AHT – Đà Nẵng, CRTC Cam Ranh). “Vấn đề BOT hay không BOT nhà ga này đang được nghiên cứu. Tuy nhiên, dù có theo hình thức hợp đồng nào thì nhà đầu tư vẫn phải tuân thủ theo Luật Hàng không và Luật Giá”, ông Thanh khẳng định.

Mặc dù vậy, cuối giờ chiều qua (25/4), trao đổi với Báo Giao thông, Tổng giám đốc ACV Lê Mạnh Hùng nhận định, trong điều kiện hiện nay, khi xã hội hóa đang được đẩy mạnh, khả năng cao là Bộ GTVT sẽ quyết định triển khai dự án này theo hình thức BOT.

Theo Baodautu.vn

THƯƠNG MẠI VIỆT- LÀO CÓ CHIỀU HƯỚNG GIẢM

(HQ Online)- Mặc dù hoạt động xuất khẩu của nước ta sang thị trường Lào vẫn duy trì được sự tăng trưởng qua tương đối ổn định nhưng xét tổng quan về quan hệ thương mại giữa hai nước lại đang có chiều hướng giảm.
Biểu đồ trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Lào kể từ năm 2013 đến quý I/2017, đơn vị tính “triệu USD”. Biểu đồ: T.Bình.

Mất mốc “tỷ USD”

Nhìn kết quả thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2011, tổng giá trị kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Lào mới dừng ở con số 734 triệu USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 274 triệu USD, nhập khẩu từ nước bạn lượng hàng hóa trị giá 460 triệu USD.

Nhưng đến năm 2013, tổng giá trị kim ngạch thương mại giữa hai nước đã lên 1,091 tỷ USD. Trong đó, Lào vẫn duy trì được ưu thế xuất siêu với con số thặng dư 245,7 triệu USD.

Dấu mốc “tỷ USD” được duy trì trong vòng 3 năm liên tiếp (2013, 2014 và 2015). Trong đó, năm 2014 đạt con số cao nhất là 1,287 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu từ Lào là 802 triệu USD và xuất khẩu của Việt Nam sang nước bạn đạt 485 triệu USD.

Bước sang năm 2015, trị giá kim ngạch bắt đầu có chiều hướng đi xuống. Dù vẫn giữ được tổng trị giá trên một tỷ USD nhưng kết quả cả năm đã giảm 166 triệu USD so với năm trước đó (chỉ còn đạt 1,121 tỷ USD).

Và kết thúc năm ngoái, quan hệ ngoại thương giữa hai nước đã bị rời khỏi dấu mốc “tỷ USD” được thiết lập từ 3 năm trước, khi kim ngạch chỉ còn đạt 823 triệu USD.

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự đi xuống này là kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Lào liên tục giảm.

Cụ thể, từ con số 802 triệu USD của năm 2014, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ nước bạn giảm xuống 587 triệu USD vào năm 2015 và chỉ còn đạt 345,3 triệu USD vào năm ngoái.

Như vậy, chỉ trong vòng 3 năm (từ 2014 đến 2016), kim ngạch nhập khẩu từ Lào giảm 456,7 triệu USD, tương đương sự sụt giảm lên đến 57%.

Xét về số lượng mặt hàng, hàng hóa nhập khẩu từ Lào còn khá khiêm tốn và đơn điệu với 5 nhóm chủ yếu: Ngô; quặng và khoáng sản khác; phân bón; gỗ, sản phẩm gỗ; kim loại thường.

Nhìn vào sự biến động về hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Lào thời gian qua dễ dàng nhận thấy sự phụ thuộc lớn vào một số ít mặt hàng (nhất là ở chiều nhập khẩu từ Lào chủ yếu phụ thuộc vào mặt gỗ, sản phẩm gỗ). Chính vì vậy, khi các nhóm hàng này có sự thay đổi về kim ngạch sẽ tác động rất lớn đến kim ngạch thương mại chung giữa 2 nước.

Cơ hội xuất khẩu của Việt Nam

Trong bối cảnh quan hệ ngoại thương giữa hai nước có dấu hiệu đi xuống, chúng tôi nhận thấy vẫn có những dấu hiệu lạc quan. Đó chính là sự tăng trưởng nhất định của hoạt động xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Lào. Sự tăng trưởng cả về trị giá kim ngạch lẫn chủng loại hàng hóa.

Nếu như năm 2011, Việt Nam mới có 10 nhóm hàng xuất khẩu sang Lào thì đến năm 2016 con số này nâng lên thành 17 nhóm hàng. Trong đó, năm 2016 có 7 nhóm hàng đạt trị giá kim ngạch từ 10 triệu USD trở lên. Lớn nhất là sắt thép đạt 76 triệu USD; kế đến là xăng dầu đạt 61,5 triệu USD; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 50,5 triệu USD…

Mặt khác, xét về trị giá kim ngạch, so với thời điểm năm 2011, tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào năm 2016 tăng trên 74%, tương đương con số tăng thêm 204 triệu USD.

Kết quả xuất khẩu của Việt Nam sang Lào nói riêng và quan hệ thương mại giữa hai nước nói chung còn khiêm tốn so với tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu hàng trăm tỷ USD mỗi năm của nước ta hiện nay, nhưng với một thị trường tương đối nhỏ như Lào những sự chuyển biến như đề cập ở trên cũng rất đáng ghi nhận.

Trong quý I/2017, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 236 triệu USD, trong đó nước ta xuất khẩu 135 triệu USD và nhập khẩu 101 triệu USD.

Kết quả trên có sự giảm nhẹ khoảng 13 triệu USD) so với cùng kỳ 2016, bởi trong khi kim ngạch xuất khẩu của nước ta tăng 2 triệu USD, nhưng kim ngạch nhập khẩu lại giảm 15 triệu USD.

Thái Bình

TÍNH THUẾ GTGT ĐỐI VỚI TRANG THIẾT BỊ Y TẾ NK

(HQ Online)- Trước đề nghị của Công ty TNHH DV Hàng hóa Trí Việt về hướng dẫn quy định về thuế GTGT đối với mặt hàng trang thiết bị y tế, Tổng cục Hải quan đã hướng dẫn cụ thể về nội dung này. 

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Phó Bảng, Cục Hải quan Hà Giang. Ảnh: T.Trang.

Theo Tổng cục Hải quan, đối với một số mặt hàng không có văn bản xác nhận của Bộ Y tế, nhưng có mã số HS tại Biểu thuế GTGT ban hành kèm theo Thông tư 83/2014/TT-BTC ngày 26/6/2014 của Bộ Tài chính thì trong một số trường hợp sẽ có cách tính thuế GTGT khác nhau.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 4, Thông tư 83/2014/TT-BTC thì: Trường hợp hàng hoá được quy định cụ thể thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT hoặc áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% hoặc 10% theo quy định của Luật thuế GTGT và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật thuế GTGT thì thực hiện theo quy định tại các văn bản đó. Riêng hàng hoá là sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, hải sản; thiết bị, dụng cụ y tế chuyên dùng thực hiện theo quy định tại khoản 3, 4, 5 Điều 4, Thông tư  83/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, tại khoản 5, Điều 4, Thông tư 83/2014/TT-BTC quy định thì: Thiết bị, dụng cụ y tế gồm máy móc và dụng cụ chuyên dùng cho y tế như: Các loại máy soi, chiếu, chụp dùng để khám, chữa bệnh; các thiết bị, dụng cụ chuyên dùng để mổ, điều trị vết thương, ô tô cứu thương; dụng cụ đo huyết áp, tim, mạch, dụng cụ truyền máu; bơm kim tiêm; dụng cụ phòng tránh thai; các dụng cụ, thiết bị chuyên dùng cho y tế khác thực hiện theo quy định tại Biểu thuế GTGT ban hành kèm theo Thông tư 83/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Được biết, trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đã có một số công văn hướng dẫn về thuế GTGT đối với trang thiết bị y tế nhập khẩu để thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 8, Điều 1, Thông tư 26/2015/TT- BTC của Bộ Tài chính. 

Cụ thể: Công văn số 8159/BTC-TCT ngày 18/6/2015 của Bộ Tài chính; Công văn số 17278/BTC-TCT ngày 20/11/2015 của Bộ Tài chính; Công văn số 743/BTC-TCHQ ngày 17/1/2017 của Bộ Tài chính; Công văn số 2446/TCHQ-TXNK ngày 12/4/2017 của Tổng cục Hải quan. Trong đó, điểm 1 công văn số 743/BTC-TCHQ của Bộ Tài chính đã hướng dẫn rõ vấn đề này.

Tổng cục Hải quan đề nghị Công ty TNHH DV Hàng hóa Trí Việt nghiên cứu quy định nêu trên để thực hiện. Trường hợp còn vướng mắc, đề nghị Công ty liên hệ với cơ quan Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan để được hướng dẫn cụ thể.

Thu Trang

CHI CỤC KIỂM ĐỊNH HẢI QUAN 1 CHÍNH THỨC ĐI VÀO HOẠT ĐỘNG

(HQ Online)- Sáng 26/4, Cục Kiểm định Hải quan (Tổng cục Hải quan) tổ chức Lễ khai trương Chi cục Kiểm định Hải quan 1. Đến dự có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Dương Thái cùng toàn thể đại diện các vụ, cục thuộc Tổng cục Hải quan. 
Chi cục Kiểm định Hải quan 1 chính thức đi vào hoạt động từ ngày 26/4. Ảnh: H.Nụ

Tại buổi Lễ, ông Nguyễn Ngọc Huân, Cục trưởng Cục Kiểm định Hải quan đã đọc Quyết định 1365/QĐ-TCHQ ngày 20/4/2017 của Tổng cục Hải quan điều động ông Phan Đình Nguyên, Trưởng phòng Kiểm định giữ chức Chi cục trưởng Chi cục Kiểm định Hải quan 1.

Phát biểu tại Lễ khai trương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Dương Thái cho rằng, Chi cục Kiểm định Hải quan 1 được thành lập mang một ý nghĩ đặc biệt trong thực hiện nhiệm vụ mà Chính phủ giao cho Tổng cục Hải quan theo Quyết định 65/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và nhiệm vụ Kiểm tra chuyên ngành; nâng tính pháp lí của một cơ quan kiểm định thuộc Tổng cục Hải quan. 

 Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Dương Thái đánh giá, thời gian qua Cục Kiểm định Hải quan có nhiều cố gắng, trong đó có việc ra mắt chính thức Chi cục Kiểm định Hải quan 1, tích cực bổ sung trang thiết bị, cơ sở vật chất tiến tới khai trương và đưa vào hoạt động Chi cục Kiểm định Hải quan 5, 6 tại Quảng Ninh và Lạng Sơn.

 Phó Tổng cục trưởng yêu cầu, sau khi đi vào hoạt động Chi cục Kiểm định Hải quan 1 cần nắm thật chắc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để triển khai hoạt động; tạo dựng cơ sở pháp lí, nhân lực, cơ sở vật chất, nỗ lực vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, chú trọng nâng cao năng lực nghiệp vụ tại đơn vị để khẳng định hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó,cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong ngành trong giải quyết các vướng mắc, khiếu kiện; tạo dựng quan hệ với cơ quan giám định bên ngoài để có các kết quả chính xác và quan hệ khăng khít với DN, thể hiện DN là đối tác, có trách nhiệm, đảm bảo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. 

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Dương Thái tin tưởng Chi cục Kiểm định Hải quan 1 sẽ hoàn thành sứ mệnh và khẳng định vị thế của mình trong công tác kiểm định. 

Đảo Lê

VIỆT NAM – CAMPUCHIA THỐNG NHẤT XÂY CAO TỐC TP.HCM – PHNOM PÊNH

Việt Nam và Campuchia vừa ký Bản ghi nhớ về việc thực hiện nghiên cứu, xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Phnom Pênh.

 
NHAT8957

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia 

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 24 – 25/4/2017, ngày 25/4/2017 tại thủ đô Phnom Pênh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã có buổi hội đàm chính thức. Tham gia Hội đàm về phía Bộ Giao thông vận tải có Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa.

Tại buổi hội đàm, hai Thủ tướng đã hài lòng ghi nhận những thành tựu tốt đẹp trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, sâu sắc và toàn diện, láng giềng đoàn kết hữu nghị và hợp tác. Trong thời gian tới, hai Bên mong muốn tiếp tục tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế, hỗ trợ nhau hội nhập tích cực và sâu rộng trong tình hình mới.

Về giao thông vận tải, hai Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vận tải qua lại hai nước, đặc biệt là kết nối đường bộ mà điển hình là dự án đường 78 cùng đoạn nối từ đường 78 – QL19 của Việt Nam qua cặp cửa khẩu Lệ Thanh – Yoyadav (được xây dựng bằng vốn ưu đãi của Chính phủ Việt Nam), cầu Long Bình – Chrey Thom (vừa khánh thành ngày 24/4/2017)…

Để tăng cường kết nối hai nền kinh tế mạnh mẽ hơn, hai Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải sớm hoàn thành thảo luận để sớm đi đến ký kết Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về Chiến lược hợp tác trong lĩnh vực GTVT, theo đó nhấn mạnh nội dung: kết nối hạ tầng giao thông; tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải và thương mại qua lại hai nước; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho Campuchia trong thời gian tới.

Ky 1

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa và Bộ trưởng cấp cao Giao thông Công chính Campuchia Sun Chanthol ký Bản ghi nhớ về việc thúc đẩy nghiên cứu và xây dựng các tuyến Đường cao tốc Tp.HCM – Mộc Bài và Phnom Pênh – Bà Vẹt

Kết thúc hội đàm, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa và Bộ trưởng cấp cao Giao thông Công chính Campuchia Sun Chanthol đã ký Bản ghi nhớ giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông Công chính Campuchia về việc thúc đẩy Nghiên cứu và xây dựng các tuyến Đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài (65km) và Phnom Pênh – Bà Vẹt (130km). Đây là một trong bốn văn kiện quan trọng được ký kết trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ tại Campuchia.

 Theo Bản ghi nhớ này, hai Bên thống nhất phối hợp nghiên cứu để đầu tư, xây dựng cao tốc nối TP. Hồ Chí Minh – Thủ đô Phnom Pênh, tương ứng với việc mỗi bên sẽ nghiên cứu để đầu tư xây dựng các đoạn cao tốc tương ứng trên lãnh thổ mình.

Cao tốc Phnom Pênh – Bà Vẹt được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản đã cơ bản hoàn thành nghiên cứu khả thi. Phía Việt Nam ghi nhận kết quả nghiên cứu của phía Campuchia, ghi nhận hướng tuyến, quy mô và quy hoạch sơ bộ điểm đấu nối. Hai Bên phối hợp kết nối hài hoà giữa 2 đoạn tuyến cao tốc về cụ thể điểm nối, mặt cắt ngang phù hợp… đồng thời thống nhất bố trí quy hoạch không gian phù hợp cho khu vực Trạm kiểm soát liên hợp, khu vực kiểm hoá chung (CCA)… Hai Bên giao Ban quản lý dự án an toàn giao thông đại diện cho Bộ Giao thông vận tải và Cục Cao tốc Campuchia đại diện cho Bộ Giao thông công chính Campuchia làm đầu mối đôn đốc dự án cao tốc này.

Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài sẽ đi gần song song với Quốc lộ 22 và cách Quốc lộ 22 về phía Bắc khoảng 4 km với tổng chiều dài khoảng 65 km. Tuyến cao tốc này sẽ được đầu tư theo quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km, tổng mức đầu tư khoảng 650 triệu USD.

Dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài được nghiên cứu và đầu tư sẽ giảm tải cho tuyến Đường bộ xuyên Á (quốc lộ 22 – là tuyến quốc lộ duy nhất nối Tp.HCM với cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài, cửa ngõ quốc tế thông thương Quốc tế tới các nước trong khu vực ASEAN), giảm thời gian và tăng năng lực vận chuyển hàng hóa, hành khách đến/đi từ thành phố Hồ Chí Minh và khu vực lân cận; góp phần hoàn chỉnh mạng đường cao tốc theo qui hoạch, đó là phát huy lợi thế các tuyến cao tốc đã và đang được được đầu tư xây dựng trong khu vực phía Nam bao gồm: cao tốc TP.HCM – Trung Lương (đã hoàn thành), TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (đang xây dựng); liên kết với các tuyến quốc lộ 1, 22, 22B, đường Hồ Chí Minh, cùng hệ thống giao thông đường sắt đô thị, đường sắt nhẹ, đường hàng không, nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, tạo bước đột phá để phát triển kinh tế – xã hội của khu vực, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Đặc biệt, tuyến dự án sẽ kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế của vùng và khu vực kinh tế ASEAN (Bangkok – Phnom Pênh – TP.HCM).

Trước đó, ngày 24/4/2017, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cùng hai Thủ tướng Chính phủ tham gia Lễ Khánh thành dự án cầu Long Bình – Chrey Thom (sử dụng vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ Việt Nam).

Ngọc Thuyên. Ảnh: TTXVN

Nguồn: http://www.baogiaothong.vn/

THỰC HIỆN LẤY MẪU PHÂN TÍCH KHI CÓ NGHI NGỜ VỀ KHAI BÁO

(HQ Online)- Cơ quan Hải quan thực hiện lấy mẫu phân tích đối mới mặt hàng thuộc Danh mục không lấy mẫu phân tích nhưng có nghi ngờ khai báo không chính xác hoặc có khả năng gian lận và tự phân loại trên cơ sở kết quả phân tích của Cục Kiểm định Hải quan.

CBCC Cục Kiểm định thực hiện phân tích mẫu hàng hóa. Ảnh: Mạnh Hùng.

Đó là hướng dẫn của Tổng cục Hải quan trước vướng mắc của Cục Hải quan TP.HCM trong việc xác định mã số hàng hóa của mặt hàng nhôm thỏi xuất khẩu.

Theo phân tích của Tổng cục Hải quan, tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 14/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định: “trường hợp cơ quan Hải quan không đủ cơ sở để xác định chính xác việc phân loại hàng hóa của người khai hải quan thì thực hiện phân tích để phân loại hàng hóa”.

Bên cạnh đó, tại điểm 4 công văn 11314/TCHQ-TXNK ngày 1-12-2016 Tổng cục Hải quan cũng đã hướng dẫn cụ thể: trường hợp hàng hóa khai báo thuộc Danh mục mặt hàng không phải lấy mẫu phân tích nhằm mục đích phân loại nhưng nghi ngờ việc khai báo không chính xác hoặc có khả năng gian lận thì các đơn vị thực hiện thủ tục hải quan như đối với hàng hóa không thuộc Danh mục mặt hàng không phải lấy mẫu phân tích.

Theo đó, đối với vướng mắc trong việc xác định mã số hàng hóa của mặt hàng nhôm thỏi xuất khẩu, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan TP.HCM thực hiện lấy mẫu phân tích đối mới mặt hàng và tự phân loại trên cơ sở kết quả phân tích của Cục Kiểm định Hải quan.

Thu Trang

CỤC HẢI QUAN HÀ NỘI THU NSNN TĂNG ĐỘT BIẾN

(HQ Online)- Theo đánh giá của Cục Hải quan Hà Nội, tính riêng quý I/2017, số thu của đơn vị có sự gia tăng đột biến so với các năm, một trong những nguyên nhân là thu từ cơ chế đặc thù chuyển khẩu hàng tiêu dùng tại ICD Mỹ Đình tăng 105% so với cùng kỳ năm 2016.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội. Ảnh: N.Linh

Cụ thể, trong quý I/2017, số thu NSNN tại đơn vị này là 5.152 tỷ đồng, đạt 25% chỉ tiêu, so với tỷ lệ thu bình quân cùng kỳ các năm 2015-2016 (trung bình chiếm 20,83% tổng thu NSNN cả năm) thì số thu quý I có sự gia tăng đột biến.

Nguyên nhân là việc thực hiện cơ chế thí điểm chuyển cửa khẩu hàng tiêu dùng về ICD Mỹ Đình tiếp tục được kéo dài đã tạo điều kiện cho hoạt động XNK của DN và tăng thu NSNN cho địa bàn Hà Nội. Trong 3 tháng đầu năm 2017, thu từ cơ chế này là 288 tỷ đồng (tăng 105% so với cùng kỳ năm 2016, 288/140 tỷ đồng). 

Trong quý I, các biện pháp chống thất thu qua đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, thu hồi nợ thuế và thanh tra, kiểm tra sau thông quan được Cục Hải quan Hà Nội tăng cường triển khai. Số thu từ hoạt động này đạt 44 tỷ đồng (tăng 51% so với cùng kỳ 2016).

Bên cạnh đó, số thu của các mặt hàng chính như: Ô tô, xe máy, máy móc thiết bị, điện thoại, máy tính, kinh kiện điện tử, hóa chất, dược phẩm… cũng tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016, nộp NSNN 2.946 tỷ đồng.

Theo phân tích của Cục Hải quan Hà Nội, vào khoảng cuối năm 2017 dự đoán một số yếu tố có thể ảnh hưởng làm giảm thu NSNN như: các DN sẽ chủ yếu NK ô tô nguyên chiếc thay vì linh kiện ô tô như quý I do quy định về tiêu chuẩn khí thải chuyển từ Euro 3 sang Euro 4, như vậy sẽ không tiếp tục làm thủ tục tại Cục Hải quan Hà Nội. 

Để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN, Cục Hải quan Hà Nội tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo thuận lợi cho DN; tiếp tục rà soát, nắm chắc nguồn thu và tăng thu NSNN; bám sát tình hình của DN có số nộp NSNN lớn để kịp thời xử lý khi có vấn đề phát sinh. 

Đặc biệt, lãnh đạo Cục Hải quan Hà Nội chỉ đạo các đơn vị tập trung vào nhóm giải pháp tăng cường kỷ cương hành chính; tập trung đào tạo, tập huấn đội ngũ CBCC theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp. Kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo không để phát sinh nợ thuế quá hạn mới.

Đảm bảo cân bằng giữa việc tạo thuận lợi cho DN nhằm tăng thu NSNN với việc quản lý nhà nước về hải quan để tránh thất thu…

N.Linh

HẢI QUAN TP.HCM: THU NGÂN SÁCH TĂNG TRÊN 5.000 TỶ ĐỒNG

(HQ Online)-Theo thông tin từ Cục Hải quan TP.HCM, số thu ngân sách của đơn vị trong 4 tháng đầu năm 2017 được 29.265 tỷ đồng, đạt 26,84% chỉ tiêu pháp lệnh và tăng 14,48% (tăng trên 5.300 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2016.

Ô tô NK tăng cao khiến số thu của Cục Hải quan TP.HCM tăng. Ảnh: T.H

Cụ thể, số thuế thu trong tháng 4/2017 được 8.858 tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng 3/2017. Theo phân tích của Cục Hải quan TP.HCM, số thu thuế tháng 4 tiếp tục tăng so với tháng 3 và tăng so với tháng 4/2016 là do tình hình kinh tế TP.HCM tiếp tục phát triển, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh. 

Bên cạnh đó, Cục Hải quan TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển, nuôi dưỡng nguồn thu.

Trong đó, thực hiện kế hoạch gặp gỡ, nắm bắt kết hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc nên một số doanh nghiệp truyền thống đã quay trở lại đăng ký làm thủ tục Hải quan tại địa bàn.

Lê Thu