LIÊN TỤC XUẤT SIÊU SANG CAMPUCHIA

(HQ Online)- Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, những năm gần đây Việt Nam luôn duy trì được trạng thái xuất siêu sang thị trường Campuchia.
Biều đồ trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Campuchia giai đoạn 2011-2016, đơn vị tính “tỷ USD”. Biểu đồ: T.Bình.

Cụ thể, trong năm 2011 tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 2,84 tỷ USD, trong đó xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam là 2,41 tỷ USD, nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Campuchia là gần 430 triệu USD và thặng dư thương mại đạt 1,98 tỷ USD.

Đến năm 2013, xuất siêu hàng hóa từ Việt Nam sang quốc gia này đã đạt mức kỷ lục 2,4 tỷ USD, chiếm đến 83% tổng trị giá xuất khẩu của nước ta sang Campuchia. Năm 2016, mức thặng dư này dù có sự suy giảm dần nhưng vẫn đạt mức cao 1,5 tỷ USD.

Trong thương mại hai chiều của Việt Nam với các nước trong nội khối ASEAN, Campuchia đứng vị trí thứ 6 về xuất khẩu và thứ 7 về nhập khẩu trong năm 2016. Mặc dù là một nước láng giềng kề cận nhưng hoạt động giao thương hàng hoá giữa Việt Nam và Campuchia vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Tổng kim ngạch hàng hoá xuất nhập khẩu với nước này trong nhiều năm qua chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam (chiếm khoảng 1,1% đến 1,2%).

Số liệu mới nhất cho thấy kim ngạch xuất nhập khẩu 3 tháng từ đầu năm 2017 là 1,08 tỷ USD, trong đó xuất khẩu là 640 triệu, giảm 19,6% so với cùng thời gian năm 2016 và nhập khẩu là 446 triệu, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Về xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường Campuchia khá tốt trong các năm 2012, 2013 nhưng lại giảm nhẹ trong những năm tiếp theo.

Trong năm 2016, Campuchia là thị trường xếp thứ 23 trong khoảng hơn 200 thị trường xuất khẩu của Việt Nam với tổng kim ngạch xuất khẩu là 2,2 tỷ USD, giảm 8,6% so với năm 2015 và chỉ chiếm 1,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường Campuchia vẫn là: xăng dầu, sắt thép, sản phẩm từ sắt thép, sản phẩm dệt may…

Campuchia là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu xăng dầu và sắt thép từ Việt Nam trong năm 2016 (tương ứng chiếm 36,7% và 18,2% kim ngạch xuất khẩu những mặt hàng này của Việt Nam).

Lượng xuất khẩu xăng dầu các loại sang Campuchia trong năm 2016 đạt 667 nghìn tấn, tăng 5,1%. Tuy nhiên do giá xuất khẩu giảm nên trị giá xuất khẩu mặt hàng này chỉ đạt gần 293 triệu USD, giảm mạnh 21,2% so với năm 2015.

Đối với nhóm hàng sắt thép (lượng 655 nghìn tấn, trị giá 307 triệu USD, giảm lần lượt 9% và  20%); hàng dệt may: 244 triệu USD, tăng 19,2%; nguyên phụ liệu dệt may da giày: 152 triệu USD, tăng 4,2%; sản phẩm từ chất dẻo: 97 triệu USD, giảm 5,8% so với năm 2015…

Về nhập khẩu, Campuchia là bạn hàng xếp vị trí thứ 22 về cung cấp hàng hoá cho các doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2016 với tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ thị trường này là 726 triệu USD, giảm mạnh 23,3% so với năm 2015.

Xét trong nội khối ASEAN, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá từ Campuchia vào Việt Nam xếp thứ 6 (cao hơn nhập khẩu từ Lào, Myamar và Brunei) và chiếm 3% trị giá nhập khẩu hàng hoá từ tất cả các nước ASEAN.

Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam có nguồn gốc từ Campuchia trong năm qua bao gồm gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 182 triệu USD, giảm 52,7%; hạt điều đạt 114 triệu USD, giảm 14,4%; cao su đạt 84 triệu USD tăng 9%; đậu tương đạt 23 triệu USD, giảm 10,7% so với năm 2015.

Thái Bình

THỦ TƯỚNG YÊU CẦU ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU GẠO

(HQ Online)- Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh hoạt động XK gạo theo mục tiêu, phương hướng điều hành XK gạo năm 2017 đã đề ra.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện Đề án Chiến lược phát triển thị trường XK gạo. Ảnh: Internet

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan theo dõi, nắm chắc tình hình thương mại gạo thế giới, thông tin về nhu cầu, thị hiếu của các thị trường nhập khẩu để kịp thời hướng dẫn, tuyên tuyền đến các địa phương, thương nhân kinh doanh XK gạo; phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm bắt kịp thời lượng gạo hàng hóa theo từng thời kỳ, mùa vụ, nhất là khi vào vụ thu hoạch rộ lúa gạo, kịp thời có giải pháp tiêu thụ lúa gạo hàng hóa, bảo đảm có lãi cho người trồng lúa.

Đồng thời khẩn trương hoàn thiện Đề án Chiến lược phát triển thị trường XK gạo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2017.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan rà soát, đề ra những biện pháp khắc phục khó khăn, hạn chế để xây dựng kế hoạch, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại gạo trong năm 2017 theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, nhất là đối với các thị trường tập trung truyền thống và thị trường trọng tâm, tiềm năng; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan chỉ đạo UBND các địa phương, thương nhân kinh doanh XK gạo thực hiện có hiệu quả chủ trương xây dựng vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, liên kết, đặt hàng với hộ nông dân trồng lúa với Lộ trình đã được ban hành theo các chỉ đạo liên quan của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn quốc gia đối với gạo để làm cơ sở kiểm tra, bảo đảm phù hợp với yêu cầu thị trường; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong quý II/2017.

Đồng thời rà soát, phổ biến quy định của các thị trường, các cam kết quốc tế của Việt Nam về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm và có biện pháp thay thế những chủng loại thuốc có chứa các hoạt chất độc hại, gây dư lượng hóa chất trong sản phẩm gạo không phù hợp với quy định của từng thị trường nhập khẩu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu phương án đầu tư phòng kiểm định đạt tiêu chuẩn quốc tế tại vùng đồng bằng sông Cửu Long để giảm chi phí cho thương nhân XK và người sản xuất lúa; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2017.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), UBND các tỉnh biên giới liên quan thực hiện thống kê đầy đủ số lượng gạo thực tế xuất nhập khẩu, mua bán qua biên giới. Riêng đối với hoạt động mua bán, trao đổi gạo qua các cửa khẩu phụ, lối mở chưa bố trí lực lượng hải quan, Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng thực hiện thống kê đầy đủ theo nhiệm vụ quy định tại Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 của Chính phủ và thông báo cho lực lượng hải quan nơi quản lý địa bàn để tổng hợp chung.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng phục vụ lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, XK gạo theo quy định; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ giao Hiệp hội Lương thực Việt Nam tiếp tục hoàn thiện cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động; phát huy vai trò hỗ trợ thương nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong liên kết sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm khách hàng, thị trường XK gạo; điều phối, hỗ trợ hiệu quả các thương nhân đầu mối trong giao dịch và tổ chức thực hiện các hợp đồng tập trung; tăng cường nắm sát tình hình thị trường, kịp thời kiến nghị các giải pháp thúc đẩy XK, giữ vững và mở rộng thị trường XK gạo.

Hương Dịu

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

DOANH NGHIỆP FDI CHIẾM 65,1% KIM NGẠCH XUẤT NHẬP KHẨU VIỆT NAM

Tính đến hết ngày 15/4/2017, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kim ngạch xuất nhập khẩu gần 70,05 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2016, chiếm 65,1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước.

Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu , nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 4/2017 (từ 1/4 đến 15/4/2017) đạt gần 16,37 tỷ USD giảm 13,9% (tương ứng giảm gần 2,65 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 3/2017.

Như vậy, tính đế​n hết ngày 15/04/2017 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt hơn 107,58 tỷ USD, tăng 18,5% (tương ứng tăng gần 16,76 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016.

 
Doanh nghiệp FDI chiếm 65,1% kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam.

Cán cân thương mại hàng hóa trong kỳ 1 tháng 04/2017 thâm hụt 501 triệu USD, đưa cán cân thương mại hàng hóa của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15 tháng 04/2017 thâm hụt hơn 2,56 tỷ USD, bằng 4,9% kim ngạch xuất khẩu của cả nước

Cũng theo thống kê của Hải quan Việt Nam, trong 15 ngày đầu tháng 4/2017 khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ( FDI ) đạt kim ngạch xuất nhập khẩu gần 10,87 tỷ USD, giảm 13% tương ứng giảm hơn 1,62 tỷ USD so với nửa cuối tháng 3/2017.

Tính đến hết ngày 15/4/2017 khối này đạt kim ngạch xuất nhập khẩu gần 70,05 tỷ USD, tăng 18,5%, tương ứng tăng gần 10,95 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016, chiếm 65,1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước.

Cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp có vốn FDI trong nửa đầu tháng 4/2017 thặng dư 504 triệu USD, đưa mức thặng dư của khối này từ đầu năm đến hết 15/4/2017 hơn 3,92 tỷ USD.

Theo Hòa Lộc

Doanh nghiệp Việt Nam

Nguồn: http://cafef.vn/

BỘ TRƯỞNG NGUYỄN XUÂN CƯỜNG: TẠM DỪNG NHẬP KHẨU THỊT LỢN ĐỂ ‘GIẢI CỨU’ CHĂN NUÔI TRONG NƯỚC

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết sẽ đề nghị tạm dừng nhập khẩu thịt lợn để ‘giải cứu’ chăn nuôi trong nước, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp, siêu thị tích cực thu mua thịt lợn để giúp đỡ bà con chăn nuôi lợn vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Sáng 24/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức “Hội nghị tìm giải pháp ổn định phát triển chăn nuôi” để tìm lối thoát cho ngành chăn nuôi lợn đang gặp nhiều khó khăn do nguồn cung vượt xa nhu cầu, giá lợn sụt giảm mạnh, người nông dân thua lỗ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, có hai nhóm nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng hiện nay. Thứ nhất nguồn cung đang lớn hơn cầu. Chúng ta có 30 triệu con lợn, trong đó 4,2 triệu con nái.  20 năm trước, thức ăn chủ yếu là thịt lợn, nhưng hiện nay nguồn cung thực phẩm đã đa dạng như: trứng, thịt bò, cá… khiến áp lực càng đè nặng lên thịt lợn.

Nguyên nhân thứ hai là tổ chức ngành hàng chưa tốt, quy mô chăn nuôi vừa và lớn mới chiếm 45%, còn lại là quy mô nhỏ lẻ với 3 triệu hộ nhỏ chăn nuôi, khiến giá thành cao, khó kiểm soát chuỗi, các khâu sản xuất và phân phối tách rời khiến khi thị trường có sự cố thì rất thiệt thòi cho nông dân sản xuất nhỏ.

Bên cạnh đó, khâu chế biến cũng là một khâu yếu nhất của ngành chăn nuôi. Chỉ một số doanh nghiệp chế biến sâu, còn lại nhìn tổng thể rất yếu. Tiêu thụ vẫn theo truyền thống bán tươi là chính.

Ngoài ra, khâu tổ chức thị trường kém kể cả nội địa và xuất khẩu. Tổ chức mạng lưới phân phối yếu, chưa gắn kết sản xuất với phân phối. Xuất khẩu mới đi được một số ít đi Singapore, Hong Kong (Trung Quốc)… Các thị trường lớn chưa xâm nhập được.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kêu gọi giải cứu ngành chăn nuôi lợn.

Đứng trước những khó khăn này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ đã đưa ra các nhóm giải pháp trước mắt và lâu dài. Trước mắt, phải nhanh chóng tái cơ cấu lại chăn nuôi theo hướng giảm quy mô phù hợp. Đặc biệt số lợn nái, cân đối với các nhóm thực phẩm và xuất khẩu. Giảm đàn nái từ 4,2 con xuống còn 3 triệu con, nhưng sức sinh sản vẫn phải đảm bảo.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cổ chức lại ngành hàng sản xuất, mở rộng chăn nuôi tập trung. Chăn nuôi nông hộ phải tổ chức lại, dưới dạng tổ đội, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ… giảm đầu vào, có kế hoạch đầu ra. Phát triển đối tượng khác thay thế, không nhất thiết cứ nuôi lợn, có thể thay bằng: thịt trâu, bò, thịt dê…

“Cần tăng cường chế biến sâu, đa dạng sản phẩm cho thị trường. Mở rộng xuất khẩu theo đường chính ngạch, xúc tiến xuất khẩu thịt lợn tại một số nước ASEAN. Bên cạnh đó, cần có giải pháp hạ ngay yếu tố đầu vào như: cám, thuốc thú y… để chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi.  Tạm dừng việc nhập thịt lợn để tạo dư địa cho thịt lợn trong nước”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Theo đại diện Công ty CP Việt Nam, để giải cứu thịt lợn, CP đã tăng cường bán thịt lợn lợn theo miếng, chế biến thành xúc xích, thuê kho cấp đông, tăng cường chế biến sâu. Tuy nhiên, một số nông dân đang cố gắng vay mượn để giữ đàn lợn, mong rằng bán được đi nước ngoài. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách rõ ràng, để người nông dân có hướng chăn nuôi. CP cũng hứa sẽ giảm đàn lợn và giá thức ăn để giúp người nông dân.

Đại diện Dabaco cho biết giảm giá thức ăn 5 – 7% từ tuần trước, giảm giá bán con giống, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho người chăn nuôi, không để dịch bệnh xảy ra.  Không tiếp tục tăng đàn, nhưng áp dụng kỹ thuật để nâng cao năng suất lợn nái. Dabaco đang tính toán xây mổ nhà máy giết mổ lợn, sẽ triển khai trong năm 2017.

Dabaco kiến nghị, Bộ NN&PTNT cần xây dựng hệ thống thôn tin thị trường để cảnh báo cho người chăn nuôi và các doanh nghiệp. Dabaco đã dự báo năm 2017 thị lợn sẽ khó khăn nhưng không thể hình dung ra thị trường lại tụt giảm sâu như hiện nay. Tạm dừng nhập khẩu để giải quyết nguồn cung dư thừa thịt lợn hiện nay, giành thị trường cho thịt lợn nội địa. Dabaco cũng đồng tình giảm đàn nái.

Bài và ảnh: H.V/Báo Tin Tức

KHÁNH THÀNH CẦU LONG BÌNH-CHREY THOM KẾT NỐI VIỆT NAM-CAMPUCHIA

Cầu Long Bình-Chrey Thom thể hiện mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam-Campuchia được khánh thành sáng 24/4.

 
IMG_0510

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Thủ tướng Campuchia Hun Sen cắt băng khánh thành cầu Long Bình-Chrey Thom.

Sáng 24/4, tại tỉnh Kandal, Campuchia, Chính phủ Việt Nam và Vương quốc Campuchia phối hợp tổ chức Lễ khánh thành dự án đầu tư xây dựng cầu Long Bình-Chrey Thom. Cùng đi với Đoàn công tác của Chính phủ có Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật. Hàng nghìn người dân hai nước Việt Nam và Campuchia đã đến chứng kiến lễ khánh thành.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và biểu dương nỗ lực của Bộ GTVT, Bộ Tài chính, UBND tỉnh An Giang đã phối hợp các cơ quan liên quan của Campuchia trong việc sớm đưa vào khai thác cầu Long Bình-Chrey Thom. Trong quá trình xây dựng có hàng nghìn cán bộ công nhân, kỹ sư ngày đêm làm việc khắc phục những khó khăn để hoàn thành cây cầu này đảm bảo an toàn lao động, mỹ quan, chất lượng theo yêu cầu đề ra.

Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, dự án đầu tư xây dựng cầu Long Bình – Chrey Thom là một biểu tượng, một minh chứng sống động của mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam – Campuchia; đặc biệt đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng nhân dịp kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước.

IMG_0555

Thủ tướng 2 nước Việt Nam và Campuchia tham quan cầu Long Bình-Chrey Thom.

Cầu Long Bình-Chrey Thom do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) là nhà thầu thi công chính, góp phần phát triển các mặt kinh tế, văn hóa – xã hội cho nhân dân hai tỉnh An Giang (Việt Nam) và Kandal (Campuchia). Qua đó góp phần ngày càng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ các tỉnh phía Tây Nam, có ý nghĩa to lớn trong việc tăng cường tình đoàn kết hữu nghị và giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia.

Cầu Long Bình-Chrey Thom hoàn thành đã nối những nhịp bờ vui giữa người dân 2 nước. Trong thời gian tới Bộ GTVT cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Công chính Campuchia trong việc quản lý, bảo dưỡng cầu. UBND tỉnh An Giang phải  phối chặt chẽ với tỉnh Kandal trong việc sớm hoàn tất các thủ tục liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu giao thương hàng hóa giữa 2 nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

 
IMG_0582

Hàng nghìn người dân Việt Nam và Campuchia đi bộ tham quan cầu Long Bình-Chrey Thom sáng 24/4.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Long Bình – Chrey Thom nối hai tỉnh An Giang (Việt Nam) và Kandal (Campuchia) có tổng chiều dài cầu và tuyến đường hai đầu cầu là 5.668m. Phần thi công xây dựng 1/2 cầu phía Việt Nam đến điểm hợp long do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, Ban QLDA 7 làm đại diện chủ đầu tư. 

Cầu Long Bình – Chrey Thom có tổng chiều dài 439,6m. Cầu được thiết kế bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, kết cấu nhịp chính dạng dầm hộp thi công theo phương pháp đúc hẫng cân bằng, tải trọng thiết kế HL 93, vận tốc thiết kế 80Km/h. 

IMG_0588

Cầu Long Bình-Chrey Thom đưa vào khai thác sẽ thúc đẩy việc giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế xã hội giữa tỉnh An Giang (Việt Nam) và tỉnh Kandal (Campuchia) thuận lợi hơn.

Tổng mức đầu tư của dự án là gần 800 tỷ đồng (tương đương 38,39 triệu USD). Công trình cầu Long Bình-Chrey Thom được khởi công xây dựng ngày 14/1/2014. 

Vĩnh Phú (từ Kandal, Campuchia)

Nguồn: http://www.baogiaothong.vn/

RAU QUẢ XUẤT KHẨU MANG VỀ GẦN 190 TỶ ĐỒNG/NGÀY

(HQ Online)- Rau quả tiếp tục là điểm sáng ấn tượng trong hoạt động xuất khẩu những tháng đầu năm của nước ta với con số tăng trưởng cao ở mức 2 con số, mang về số tiền gần 190 tỷ đồng/ngày.

Cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn- địa bàn xuất khẩu rau quả và mặt hàng nông sản nói chung của nước ta sang Trung Quốc. Ảnh: T.Bình.

73% xuất sang Trung Quốc

Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến 15/4, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả của nước ta đạt 857 triệu USD, tăng tới gần 30% so với cùng kỳ năm 2016 (cùng kỳ mới đạt 661 triệu USD), tương giá trị tuyệt đối tăng thêm 196 triệu USD.

Như vậy, bình quân mỗi ngày mặt hàng rau quả mang về khoản ngoại tệ gần 8,2 triệu USD, tương đương số tiền gần 190 tỷ đồng/ngày.

Với kết quả trên, mặt hàng rau quả tiếp tục duy trì vị thế thứ 3 trong số các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam (sau thủy sản và cà phê).

Đáng chú ý, mặt hàng rau quả có tốc độ tăng trưởng mạnh hơn thủy sản (chỉ đạt 7,8%) và cà phê (đạt 21%) nên khoảng cách về kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này với hai nhóm hàng đứng trên đang được thu hẹp dần.

Biểu đồ tỷ lệ trị giá kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả chia theo thị trường quý I/2017. Biểu đồ: T.Bình.

Liên quan đến thị trường xuất khẩu, theo quan sát của chúng tôi, hiện mặt hàng rau quả của nước ta đã có mặt ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới từ châu Á, châu Â, châu Mỹ… Trong đó có nhiều thị trường vốn nổi tiếng đòi hỏi cao về chất lượng như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc các quốc gia châu Âu như Đức, Hà Lan…

Tuy nhiên, thị trường lớn nhất của rau quả Việt Nam vẫn là Trung Quốc. Thống kê mới nhất chia theo thị trường của Tổng cục Hải quan cho thấy, hết quý I vừa qua, rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 512 triệu USD, chiếm đến 73% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước trong cùng thời điểm.

Trong số các địa phương biên giới giáp Trung Quốc, địa bàn xuất khẩu mặt hàng rau quả đang tập trung chủ yếu ở khu vực cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và khu vực cửa khẩu Lào Cai…

Đa dạng hóa thị trường

Đánh giá về kết quả xuất khẩu mặt hàng rau quả thời gian qua, ngày 24/4, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, TS Nguyễn Hữu Đạt- Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) cho rằng kết quả này rất khả quan.

Theo TS Nguyễn Hữu Đạt, kết quả xuất khẩu rau quả ngày càng tạo được khởi sắc xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Trước tiên là kết quả xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường do các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện đã và đang tạo được những kết quả tích cực. Nhờ đó, mặt rau quả Việt Nam bắt đầu tìm được chỗ đứng ở những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay các quốc gia thuộc EU…

“Dù trị giá kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường trên chưa lớn, nhưng việc đặt chân được vào các quốc gia khó tính, có yêu cầu rất cao về chất lượng giúp tăng uy tín cho mặt hàng rau quả Việt Nam”- TS Đạt chia sẻ.

Mặt khác, theo nhận định của TS Nguyễn Hữu Đạt, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng rau quả trên thế giới tiếp tục tăng là cơ hội cho việc tăng trưởng xuất khẩu đối với sản phẩm này của nước ta hiện nay cũng như thời gian tới.

Đặc biệt, một nguyên nhân quan trọng được TS Nguyễn Hữu Đạt đặc biệt nhấn mạnh là vai trò của nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và cả các nhà sản xuất, hộ nông dân trong nỗ lực đa dạng hóa mẫu mã, chất lượng sản phẩm, quảng bá thương hiệu đối với rau quả Việt Nam.

“Doanh nghiêp xuất khẩu rau quả đa phần còn hạn hẹp về tài chính những đã có nhiều nỗ lực trong quảng bá thương hiệu, tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Mặt khác trong một hai năm gần đây đã có sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp xuất khẩu với hộ nông dân, những người sản xuất, vì vậy, chất lượng, mẫu mã sản phẩm ngày càng được nâng cao, tạo được nguồn hàng cung cấp ổn định, qua đó ngày càng tạo được uy tín của rau quả Việt Nam trên thị trường thế giới”- lãnh đạo VINAFRUIT nhận định.

Năm 2016, mặt hàng rau quả mang về trị giá kim ngạch 2,457 tỷ USD, với mức tăng trưởng 33,6% so với năm 2015. Đây là nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ 3 trong lĩnh vực nông, thủy sản (sau thủy sản và cà phê) và là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng đứng thứ trong tổng số 45 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực được Tổng cục Hải quan thống kê (sau mặt hàng đá quý, kim loại quý và sản phẩm với mức tăng trưởng 44,4%).
Thái Bình

HẢI QUAN TP.HCM CÙNG TCS THÁO GỠ VƯỚNG MẮC CHO DOANH NGHIỆP XNK

(HQ Online)-Ngày 24/4, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cùng đoàn công tác của Cục Hải quan TP.HCM đã có buổi làm việc với Hội đồng thành viên, Ban Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ hàng hóa Tân Sơn nhất (TCS) nhằm tháo gỡ vướng mắc cho TSC và các doanh nghiệp XNK. 

Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường phát biểu tại buổi làm việc với TCS. Ảnh: Thu Hòa

Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường cho biết, thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2016 và Nghị quyết 19-2017/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến 2020, Cục Hải quan TP.HCM đã và đang triển khai Kế hoạch hành động “Cộng đồng DN và cơ quan Hải quan là đối tác tin cậy và đồng hành cùng phát triển”. Theo đó, Cục Hải quan TP.HCM đã chủ động đến với các DN ghi nhận khó khăn, vướng mắc, cũng như kế hoạch sản xuất kinh doanh của DN… để hỗ trợ DN.

Đến nay, Cục Hải quan TP.HCM đã đến trực tiếp làm việc với trên 20 DN, với các DN còn lại sẽ tiếp tục làm việc trong quý 2/2017. Tại các buổi làm việc, một số DN phản ánh vướng mắc khi nhận hàng tại kho của TCS. Nhằm hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho DN có hoạt động XNK, đồng thời tạo thuận lợi, phối hợp tốt với các bên có liên quan, buổi làm việc hôm nay, cơ quan Hải quan và TCS sẽ cùng bàn giải pháp thống nhất quan điểm chủ trương của 2 bên để hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động XNK của DN. Qua đó, DN sẽ đồng hành với 2 cơ quan Hải quan và TCS để mang lại hiệu quả tốt nhất. 

Ông Nguyễn Cao Cường, Tổng Giám đốc TCS cho biết, TCS là một trong những DN hàng đầu có 20 năm kinh nghiệm phục vụ hàng hóa hàng không, công suất của TCS là 350.000 tấn/năm, phục vụ cho 32 hãng hàng không. Tổng sản lượng hàng hóa từ đầu năm 2017 đến 19/4/2017 đạt gần 39.000 tấn. 

Theo ông Cường, với lưu lượng hàng hóa lớn, nhưng mặt bằng nhập khẩu hiện đang quá tải, sản lượng chênh lệch nhiều giữa các giai đoạn cao điểm và thấp điểm, lượng hàng hóa về cuối tuần nhiều, trước đây không thực hiện phát hàng ngày Chủ Nhật… nên dễ dẫn đến tắc nghẽn cục bộ. Để giải quyết bất cập này, TCS đã cải tiến quy trình phát hàng vào cuối năm 2016, thực hiện phát hàng ngày Chủ Nhật, miễn phí lưu kho và phụ phí ngoài giờ cho các lô hàng TCS phục vụ trễ… đã giảm thiểu thời gian chờ nhận hàng từ 160 phút xuống còn 75 phút (giảm trên 50%), đồng thời giảm dần tỷ lệ lô hàng có thời gian nhận hàng cao.

“Để tiếp tục cải tiến thủ tục, tạo thuận lợi cho khách hàng, TCS sẽ triển khai dự án tòa nhà phức hợp; xây thêm 3 kho lạnh chứa hàng dược phẩm; áp dụng CNTT vào việc khai thác hàng hóa, triển khai làm thủ tục nhận hàng trực tuyến, lắp đặt thêm máy soi mâm; bổ sung nhân sự tiếp nhận hàng thực hiện theo quy định tại Thông tư 38…”- Tổng Giám đốc Nguyễn Cao Cường chia sẻ.  

Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường kiểm tra quy trình tại kho hàng hóa nhập khẩu TCS. Ảnh: T.H

Chi cục trưởng Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất  Đỗ Thanh Quang cho biết, trong thời gian qua, Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất và TCS đã có sự phối hợp rất tốt. TCS đã hỗ trợ rất kịp thời cho cơ quan Hải quan trong việc bố trí trụ sở làm việc, phối hợp trong quá trình tạo thuận lợi cho DN trong việc nhận hàng… Để xử lý những phản ánh, kiến nghị của DN trong quá trình cơ quan Hải quan tiếp xúc và làm việc, TCS đã cam kết hỗ trợ các DN, đặc biệt là 53 DN thuộc danh sách ưu tiên của Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. 

Kết luận buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường cảm ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ của Hội đồng thành viên, ban Tổng Giám đốc TCS đã tạo điều kiện cho Hải quan TP.HCM nói chung và Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất nói riêng hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn. 

Phó Tổng cục trưởng cũng đánh giá cao sự nỗ lực của TCS trong việc đã giảm trên 50% thời gian nhận hàng, đồng thời chia sẻ với khó khăn của TCS. “Với sản lượng hàng hóa ngày càng tăng, TCS cần phải tính toán có kế hoạch trước mắt quy hoạch về kho hàng; đồng thời cùng cơ quan Hải quan rà soát lại quy trình hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu để xem có thể đơn giản được bước nào, rút ngắn được thủ tục gì trong quy trình để tiếp tục giảm thời gian nhận hàng hóa cho người dân và DN”- Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường đề xuất. 

Về công tác phối hợp, trước hết cơ quan Hải quan tạo điều cho TCS trong quá trình sản xuất kinh doanh, đồng thời, cùng với TSC khắc phục những hạn chế, khó khăn để tạo thuận lợi nhất cho hoạt động XNK của cộng đồng DN. Thông qua tạo điều kiện thuận lợi cho TCS để cùng nhau tạo thuận lợi cho người dân và DN làm thủ tục XNK hàng hóa qua đường hàng không; Tăng cường phối hợp với nhau trong việc giải quyết thủ tục đối với hàng hóa XNK, đặc biệt thời gian cao điểm, ngoài giờ, quan điểm của Hải quan là “làm hết việc chứ không hết giờ”.

* Trước khi vào làm việc với Hội đồng thành viên và ban lãnh đạo TCS, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường và đoàn công tác đã đi thị sát tại các khâu thủ tục tại kho hàng xuất khẩu và kho hàng nhập khẩu của TCS, cũng như quy trình giám sát, quản lý của cơ quan Hải quan đối với hàng hóa XNK. 

Lê Thu

GIAI ĐOẠN 2016-2018: NỢ CÔNG KHÔNG QUÁ 65% GDP

(HQ Online)- Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình quản lý nợ trung hạn giai đoạn 2016-2018 với mục tiêu nợ công (bao gồm nợ chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) không quá 65% GDP, trong đó dư nợ chính phủ không quá 54% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.

Chương trình đặt mục tiêu cụ thể vay trong và ngoài nước để bù đắp bội chi NSNN theo hướng giảm dần. Ảnh: Internet

Mục tiêu chung của Chương trình là tổ chức huy động vốn vay với chi phí và mức độ rủi ro phù hợp, đáp ứng nhu cầu cân đối ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ; việc phân bổ, sử dụng vốn vay phải đúng mục đích, đảm bảo khả năng trả nợ; duy trì các chỉ số nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia ở mức an toàn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Chương trình đặt mục tiêu cụ thể vay trong và ngoài nước để bù đắp bội chi NSNN theo hướng giảm dần, trong đó bội chi NSNN năm 2016 là 5,4% GDP, bội chi ngân sách trung ương năm 2017 khoảng 3,38% GDP và bội chi ngân sách trung ương năm 2018 là 3,3% GDP.

Quyết định nêu rõ, huy động vốn vay của Chính phủ cho bù đắp bội chi ngân sách nhà nước khoảng 606,4 nghìn tỷ đồng, trong đó năm 2016 khoảng 247,2 nghìn tỷ đồng, năm 2017 khoảng 172,3 nghìn tỷ đồng và năm 2018 khoảng 186,9 nghìn tỷ đồng.

Vay để trả nợ gốc ngân sách trung ương khoảng 414,4 nghìn tỷ đồng, trong đó năm 2016 là 132,4 nghìn tỷ đồng, năm 2017 khoảng 144 nghìn tỷ đồng và năm 2018 là 138 nghìn tỷ đồng. Mức vay mới để trả nợ gốc hàng năm sẽ được Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định, thể hiện trong Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước hàng năm trên cơ sở tổng hợp, cân đối nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, kết dư và đảm bảo các chỉ tiêu nợ Chính phủ, nợ công trong giới hạn cho phép theo các Nghị quyết của Quốc hội.

Vay về cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ khoảng 118,4 nghìn tỷ đồng, trong đó năm 2016 khoảng 32 nghìn tỷ đồng, năm 2017 khoảng 42,4 nghìn tỷ đồng và năm 2018 khoảng 44 nghìn tỷ đồng.

Cắt giảm mạnh bảo lãnh Chính phủ

Về bảo lãnh Chính phủ, thực hiện Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016 của Quốc hội phê duyệt kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, cắt giảm mạnh bảo lãnh Chính phủ theo hướng: Đối với phát hành trái phiếu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách Xã hội, khống chế hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc hàng năm để ổn định dư nợ. Đối với các khoản vay nước ngoài đã được cấp bảo lãnh Chính phủ và đang giải ngân, thực hiện khống chế hạn mức rút vốn ròng hàng năm là 1 tỷ USD/năm.

Tạm dừng toàn bộ việc cấp mới bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay trong và ngoài nước; đồng thời rà soát danh mục các chương trình, dự án ưu tiên xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ để xây dựng hạn mức cấp bảo lãnh Chính phủ giai đoạn 2016-2020 và hàng năm, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ trong giới hạn đã được Quốc hội phê duyệt.

Về vay nợ chính quyền địa phương, khống chế hạn mức bội chi và nợ của chính quyền địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, theo đó bội chi ngân sách địa phương năm 2017 khoảng 6.000 tỷ đồng, năm 2018 khoảng 11.100 tỷ đồng.

Hạn mức vay thương mại nước ngoài (vay ròng) của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo hình thức tự vay, tự trả tối đa khoảng 5,5 tỷ USD/năm. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ mức dư nợ nước ngoài ngắn hạn của quốc gia, tốc độ tăng hàng năm tối đa 8-10%/năm.

Chủ động bố trí nguồn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, làm ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế của Chính phủ; các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có trách nhiệm, nghĩa vụ sử dụng vốn vay đúng mục đích, không sử dụng vốn vay ngắn hạn cho đầu tư các chương trình, dự án trung và dài hạn, tự chịu mọi rủi ro và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ đúng hạn.

Hương Dịu

QUY TẮC XUẤT XỨ: RÀO CẢN LỚN NHẤT CỦA XUẤT KHẨU DỆT MAY VÀO EU

(HQ Online)-Tại hội thảo Dệt may Việt Nam với quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại tự do EU –Việt Nam (EVFTA) do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) phối hợp với Dự án EU-MUTRAP tổ chức ngày 20/4, tại TP.HCM, các chuyên gia cho biết việc tuân thủ quy tắc xuất xứ đang là trở ngại lớn nhất để hàng dệt may xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế tại thị trường này. 

Sản suất hàng dệt may XK tại Công ty May Sài Gòn 3
Nhận định về tình hình XK hàng dệt may vào thị trường EU trong thời gian qua, bà Đặng Phương Dung, Phó trưởng Ban cố vấn Vitas, Chuyên gia dự án EU-MUTRAP cho biết, mặc dù EU là thị trường nhập khẩu (NK) hàng dệt may lớn nhất thế giới nhưng lại là thị trường XK lớn thứ 2 của hàng dệt may Việt Nam (sau Mỹ). Tốc độ tăng trưởng của kim ngạch XK hàng dệt may vào EU cũng như tỉ trọng hàng dệt may NK vào EU cũng còn rất nhỏ, điều này thể hiện năng lực cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam còn có vấn đề. Việc đàm phán và ký kết EVFTA là nhằm tạo thêm điều kiện giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh vào thị trường này.

Theo bà Đặng Phương Dung, việc XK hàng dệt may vào EU trong thời gian qua còn khó khăn do thị trường EU là thị trường khó tính, số lượng đơn hàng nhỏ, không lớn như Mỹ. Bên cạnh đó, các nhà NK có xu hướng mua sản phẩm trọn gói thay vì đặt gia công nên phần lớn các DN còn chưa có sức cạnh tranh như Việt Nam còn khó tiếp cận.

 EVFTA sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho DN mở rộng thị trường nhờ các chính sách ưu đãi về thuế, tuy nhiên theo bà Đặng Phương Dung, quy tắc xuất xứ đang là trở ngại lớn nhất cho hàng dệt may vào thị trường này khi có EVFTA có hiệu lực vì Việt Nam đang phải NK vải chủ yếu từ Trung Quốc. Thời gian qua Việt Nam đã kí kết nhiều FTA với ASEAN, Hàn Quốc, Nhận Bản với quy tắc xuất xứ từ vải trở đi, tuy nhiên khả năng sử dụng quy tắc xuất xứ của Việt Nam còn rất hạn chế. 

Tuy nhiên, EVFTA cho áp dụng quy định cộng gộp xuất xứ, cho phép các nhà XK của Việt Nam được sử dụng vải từ một nước thứ 3 có kí kết FTA với Việt Nam và EU (điển hình là Hàn Quốc) đang là một lối mở cho Việt Nam vì trong tương lai, việc các nước ASEAN gia tăng kí FTA với EU sẽ mở rộng nguồn nguyên liệu được hưởng ưu đãi thuế cho Việt Nam. 

 Bà Vũ Thị Phương, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, trong hai tháng đầu năm kim ngạch XK dệt may sang thị trường EU đạt 480 triệu USD, tăng gần 7% so với cùng kì năm 2016, đây được coi là một tín hiệu tích cực cho hoạt động XK hàng dệt may vào thị trường này. Mặc dù tỉ trọng XK hàng dệt may sang EU còn thấp (tính đến năm 2015 mới chỉ chiếm 1,9% tổng kim ngạch NK hàng dệt may của EU) do hàng dệt may vào EU còn phải chịu thuế suất cao từ 8-12%, nhưng với EVFTA, EU là thị trường tiềm năng của ngành dệt may XK. Vì khi hiệp định này có hiệu lực nhiều mặt hàng sẽ được giảm thuế về 0% và sau 7 năm tất cả các mặt hàng XK vào EU sẽ được giảm thuế về 0%. 

Theo ông Stefan Moser, chuyên gia Dự án EU-MUTRAP, để đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ theo EVFTA, các sản phẩm XK từ EU phải đáp ứng yêu cầu vải sản xuất tại Việt Nam hoặc từ EU, hoặc từ một nước thứ 3 có đã có FTA với Việt Nam và EU. Tuy nhiên, tỉ lệ tận dụng quy tắc xuất xứ cộng gộp song phương (NK vải từ EU về sản xuất rồi XK thành phẩm sang EU) rất ít vì vải của EU rất đắt và chi phí vận chuyển cao.

Cũng theo ông Stefan Moser các hoạt động chế biến không đủ như bảo quản sản phẩm, tháo và lắp ráp các gói hàng, đánh bóng…) không đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ nên nếu DN vẫn khai báo và xuất đi EU có thể bị phát hiện trong hậu kiểm của cơ quan chức năng châu Âu và sẽ bị truy thu và phạt.

 Theo các chuyên gia, cơ hội từ EVFTA là rất lớn nhưng để tận dụng được các DN phải đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ. Trong khi đó theo bà Vũ Thị Phương, thực tế tận dụng ưu đãi từ các FTA đã kí kết còn khá thấp. Hiện nay mới chỉ có 35% hàng XK của Việt Nam tận dụng được các cơ hội từ các FTA, 65% còn lại vẫn phải chiụ thuế suất cao. Nhằm hỗ trợ các DN, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã tích cực tuyên truyền cung cấp thông tin về thị trường để các DN chuẩn bị. “Các quy định của FTA ngày càng ngặt nghèo và DN phải chuẩn bị kĩ càng mới có thể tận dụng được các cơ hội từ hội nhập”, bà Phương nhấn mạnh.

Nguyễn Huế

KIM NGẠCH XUẤT NHẬP KHẨU TĂNG MẠNH ĐẠT GẦN 108 TỶ USD

(HQ Online)- Dù tổng trị giá kim ngạch cả xuất khẩu và nhập khẩu trong nửa đầu tháng 4 có sụt giảm so với 15 ngày cuối tháng 3 trước đó, nhưng xét tổng thể từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta vẫn đang duy trì mức tăng trưởng cao và đạt trị giá kim ngạch gần 108 tỷ USD.
Hoạt động xuất nhập khẩu nước ta đang có những khởi đầu mạnh mẽ trong năm 2017. Trong ảnh, hoạt động xuất nhập nhập khẩu qua cảng Hải Phòng. Ảnh: T.Bình.
Hàng xuất khẩu chủ lực giảm

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong nửa đầu tháng 4 đạt hơn 7,93 tỷ USD, giảm 16% (tương ứng giảm gần 1,51 tỷ USD) so với 15 ngày cuối tháng 3/2017.

Tính đến hết ngày 15/4 kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt  gần 52,51 tỷ USD, tăng 13,9% (tương ứng tăng hơn 6,42 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016.

Căn cứ vào dữ liệu của cơ quan Hải quan có thể thấy, nguyên nhân cơ bản khiến kim ngạch xuất khẩu 15 ngày vừa qua giảm mạnh xuất phát từ sự biến động mạnh theo chiều hướng giảm ở nhiều nhóm hàng xuất khẩu quan trọng của nước ta.

Đáng chú ý, 2 mặt hàng lớn là dệt may và máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong nửa cuối tháng 3 trước đó đều đạt trị giá kim ngạch hơn 1 tỷ USD nhưng sang nửa đầu tháng này đã bị sụt giảm mạnh.

Cụ thể, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 27,8%, tương ứng giảm 319 triệu USD (đạt 829,7 triệu USD); hàng dệt may giảm 20,4%, tương ứng giảm 255 triệu USD (chỉ đạt 879,6 triệu USD).

Bên cạnh đó, một số mặt hàng khác có mức sụt giảm mạnh như sắt thép các loại giảm 62,8%, tương ứng giảm 108 triệu USD; gỗ và và sản phẩm gỗ giảm 23,8%, tương ứng giảm 93 triệu USD…

Trong số các mặt hàng xuất khẩu lớn của nước ta, chỉ có điện thoại và linh kiện có mức tăng trưởng nhẹ so với con số đạt 1,842 tỷ USD, tăng 53 triệu USD so với trước đó. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này chưa đủ sức kéo được tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước đi lên.

Liên quan đến hoạt động nhập khẩu, trị giá hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong cùng thời điểm trên đạt hơn 8,43 tỷ USD, giảm 11,9% so với 15 ngày cuối tháng 3. Tính đến hết ngày 15/4 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt hơn 55,07 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2016.

Hướng tới mốc 400 tỷ USD

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết ngày 15/4, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt hơn 107,58 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, đến nửa đầu tháng 4, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã vượt mốc 100 tỷ USD.

Theo dõi hoạt động ngoại thương cả nước những năm gần đây cho thấy chu kỳ “100 tỷ USD” trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu đang được rút ngắn nhanh chóng. Hết năm 2007, lần đầu tiên nước ta cán mốc 100 tỷ USD (cả năm đạt 111,2 tỷ USD).

Trong khi đó, theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan (công bố từ năm 2009), thì trong năm 2009 phải mất 10 tháng nước ta mới đạt được dấu mốc này (hết tháng 10 đạt 102,589 tỷ USD); sang năm 2010 phải đến đầu tháng 9… và đến năm ngoái 2016 phải hết tháng 4.

Nhưng bước sang năm 2017, thời gian tiếp tục được giảm thêm 15 ngày. Với trị giá kim ngạch bình quân mỗi ngày đạt hơn 1 tỷ USD thì thời gian giảm thêm 15 ngày là hết sức có ý nghĩa.

Và nếu duy trì được mức tăng trưởng trên 18% như thời gian vừa qua, kết thúc năm 2017, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ lần đầu tiên đạt và vượt mốc 400 tỷ USD (năm 2016 mới đạt hơn 350 tỷ USD).

Điều này là có cơ sở vì theo quy luật, hoạt động xuất nhập khẩu nước ta thường tăng trưởng mạnh vào những tháng cuối năm, nhất là trong quý III.

Sự tăng trưởng trên không chỉ chứng tỏ quy mô của hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta ngày càng lớn mà còn tạo được sự phát triển ổn định và đa dạng về cơ cấu, nhất là trong hoạt động xuất khẩu.

Trước đây hoạt động xuất khẩu dựa chủ yếu vào tài nguyên khoáng sản (dầu thô, than đá…) hay yếu tố lợi thế về lao động (dệt may, gia dày…) nhưng những năm gần đây chủng loại hàng hóa xuất khẩu đa dạng hơn với sự góp mặt của các mặt hàng công nghệ cao như điện thoại, máy vi tính, máy ảnh, phương tiện vận tải…

Thái Bình