HOÀN THIỆN CƠ CHẾ PHÁP LÝ THỰC HIỆN CƠ CHẾ MỘT CỬA ĐƯỜNG HÀNG KHÔNG

(HQ Online)- Thủ tục hành chính đối với tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) sẽ được thống nhất, thuận tiện… là những mục tiêu quan trọng được đặ ra trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thủ tục điện tử đối với tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh qua NSW, đang được Tổng cục Hải quan chủ trì xây dựng.

Đại diện Cục CNTT và Thống kê hải quan giới thiệu các nội dung cơ bản, quan trọng liên quan đến quá trình xây dựng dự thảo Quyết định, tại buổi họp Tổ soạn thảo sáng 19/4. Ảnh: T.Bình.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Quyết định trước khi trình cấp có thẩm quyền ký ban hành, ngày 19/4, tại  Hà Nội, Tổng cục Hải quan tổ chức buổi họp của Tổ soạn thảo với sự tham dự của đại diện nhiều bộ, ngành liên quan như: Công an, Y tế, Giao thông vận tải…

Theo đại diện Cục CNTT và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan), mục tiêu quan trọng được đặt ra trong quá trình xây dựng Quyết định là quy định thống nhất về hồ sơ khai báo; đơn giản hóa phương thức khai báo; đưa ra quy định phù hợp với thông lệ quốc tế đang áp dụng đối với thủ tục đường hàng không.

 
Theo Tổng cục Hải quan- Cơ quan Thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, NSW và tạo thuận lợi thương mại, cập nhật đến cuối tháng 3/2017, đã có 11 bộ, ngành tham gia kết nối; 37 thủ tục hành chính được đưa lên Cơ chế một cửa quốc gia với tổng số hồ sơ hành chính trên 290.000 bộ hồ sơ và hơn 10.000 DN tham gia.
 

Đại diện Cục CNTT và Thống kê hải quan cho biết thêm: Quá trình xây dựng dự thảo Quyết định, Tổng cục Hải quan đã có nhiều buổi làm việc trực tiếp với đại diện các hãng hàng không và tổ chức hai hội thảo để lấy ý kiến cộng đồng DN; đồng thời xây dựng dự thảo (lần 1) để lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan…

Tại buổi làm việc trong ngày hôm nay, các thành viên Tổ soạn thảo tập trung thảo luận, thống nhất một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau liên quan đến hình thức khai báo và xuất trình chứng từ; thời hạn khai báo và xử lý hồ sơ của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng hàng không, sân bay; các chứng từ khai báo trong thành phần hồ sơ làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh…

Liên quan đến việc thực hiện NSW qua đường hàng không, từ ngày 1/1/2017, Cục Hải quan Hà Nội bắt đầu thực hiện thí điểm tiếp nhận thông tin điện tử về hàng hóa từ Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), qua NSW. Từ 14/2, cơ quan Hải quan bắt đầu tiếp nhận toàn bộ thông tin về lịch khai thác bay từ cảng hàng không quốc tế Nội Bài gửi tới Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Theo thông tin mới đây từ Cục Hải quan Hà Nội, trong giai đoạn đầu triển khai thí điểm hệ thống CNTT của NSW đường hàng không, thông tin hàng hóa đã được Vietnam Airlines gửi tự động đến hệ thống Cổng thông tin một cửa quốc gia qua hộp thư điện tử. Cơ quan Hải quan đã tiếp nhận được danh sách lịch khai thác bay và thông tin chuyến bay (do DN cảng gửi).

Song song với việc triển khai và khắc phục những vấn đề phát sinh trong giai đoạn vừa qua, Cục Hải quan Hà Nội đang tiếp tục các khâu chuẩn bị để mở rộng thực hiện thí điểm NSW đường hàng không tại Nội Bài.

Ngày 5/4/2017, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai ký Quyết định 631/QĐ-BTC thành lập Tổ soạn thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thủ tục điện tử đối với tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh qua NSW.

Tổ soạn thảo có 29 thành viên do Phó Tổng cục Tổng cục Hải quan Nguyễn Công Bình làm Tổ trưởng, các thành viên khác đến từ các bộ, ngành liên quan: Tài chính; Công an; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông vận tải; Y tế.

Thái Bình

SẼ KHÔNG CÓ THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN LUẬT THUẾ XK, THUẾ NK

(HQ Online)- Thay vì xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn một số quy định tại Luật Thuế XK, thuế NK và Nghị định 134/2016/NĐ-CP thì nay những hướng dẫn này sẽ được quy định tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC mà Tổng cục Hải quan đang triển khai xây dựng.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Thanh Thủy, Cục Hải quan Hà Giang. Ảnh: T.Trang.

Đó là thông tin mà bà Nguyễn Kim Thoa- Trưởng Phòng Chính sách thuế (Cục Thuế XNK- Tổng cục Hải quan) trao đổi với phóng viên Báo Hải quan.

Được biết, những nội dung liên quan đến Thuế XK, NK và quản lý thuế sẽ bãi bỏ các Điều 40, 42, 46, 105, 108, 109, 110, 112 và 113 tại Thông tư 38/2015/TT-BTC.

Theo đó, tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC sẽ hướng dẫn rõ một số quy định về Thuế XK, NK như: nộp tiền thuế khai bổ sung; căn cứ tính thuế; thực hiện kiểm tra và xử lý kết quả kiểm tra trị giá hải quan; xử lý kết quả tham vấn trị giá hải quan; bảo lãnh và đặt cọc tiền thuế; địa điểm, hình thức nộp thuế; thu nộp lệ phí hải quan; nộp tiền thuế ấn định đối với hàng hóa XK, NK; miễn thuế đối với hàng hóa NK để gia công; miễn thuế sản phẩm gia công XK; thông báo danh mục hàng hóa miễn thuế; các trường hợp hoàn thuế…

Thu Trang

GẦN 73% Ô TÔ NHẬP KHẨU TỪ THÁI LAN, ẤN ĐỘ VÀ INDONESIA

(HQ Online)- Đây là thông tin đáng chú ý về hoạt động nhập khẩu hàng hóa trong quý I/2017, vừa được Tổng cục Hải quan công bố.
Biểu đồ sản lượng, trị giá kim ngạch từ 12 thị trường nhập khẩu ô tô trong quý I/2017. Biểu đồ: T.Bình.
Theo đó, tháng 3/2017 cả nước nhập khẩu 11.185 ô tô nguyên chiếc các loại, trị giá 180 triệu USD, tăng 39,3% về lượng và tăng 13,9% về trị giá so với tháng trước.

Qua đó, đến hết quý I, cả nước nhập khẩu 26.506 ô tô nguyên chiếc các loại, trị giá 488 triệu USD, tăng 34,4% về lượng nhưng chỉ tăng 1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó lượng nhập khẩu ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống là 16.310 xe, tăng 136% và chiếm gần 62% tổng lượng ô tô nhập khẩu của cả nước; ô tô tải đạt hơn 8.800 xe, giảm 10,2%; ô tô trên 9 chỗ ngồi là 170 xe, giảm 10,2% và ô tô loại khác là 1.200 xe, giảm 56,1%.

Xét về khía cạnh thị trường, lượng ô tô nhập khẩu có xuất xứ từ các quốc gia ASEAN trong 3 tháng đầu năm 2017 là 14.460 xe, tăng 67,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó ô tô nhập khẩu xuất xứ từ Thái Lan là 10.050 xe, tăng 28,8% và từ Indonesia là 4.409 xe, trong khi con số của cùng kỳ năm trước chỉ là 833 chiếc.

Ngoài ra, trong 3 tháng qua, Việt Nam cũng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ thị trường Ấn Độ tăng gấp 4 lần, với gần 4.798 xe.

Như vậy, chỉ riêng 3 thị trường kể trên chiếm tới gần 73% tổng lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu cả nước trong quý I.

Căn cứ dữ liệu của cơ quan Hải quan, trong quý I có 12 thị trường cung cấp ô tô nguyên chiếc cho Việt Nam. Ngoài 3 thị trường lớn kể trên còn 2 thị trường có số lượng ô tô nhập khẩu từ 1.000 xe trở lên là Hàn Quốc đạt 2.964 xe; Nhật Bản đạt 1.053 xe.

Thái Lan tiếp tục duy trì vị thế số một cả về sản lượng và trị giá kim ngạch ô tô nhập khẩu (kim ngạch đạt hơn 179,5 triệu USD).

Trong khi đó, Indonesia đứng thứ 3 về sản lượng, nhưng trị giá kim ngạch đứng thứ 2 (đạt hơn 76,5 triệu USD). Thị trường có kim ngạch lớn thứ 3 là Hàn Quốc với trị giá đạt hơn 44,8 triệu USD (đứng thứ 4 về sản lượng).

Đáng chú ý, Ấn Độ dù là thị trường có sản lượng lớn thứ 2, nhưng trị giá kim ngạch chỉ đạt hơn 18,3 triệu USD, đứng vị trí thứ 8.

Thái Bình

LẦN ĐẦU TIÊN CÓ 9 NHÓM HÀNG XUẤT KHẨU “TỶ USD” TRONG QUÝ I

(HQ Online)- Lần đầu tiên kết thúc quý I cả nước có 9 nhóm hàng đạt trị giá kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, tăng 1 nhóm hàng so với cùng kỳ 2016.
Biều đồ trị giá kim ngạch 9 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực đến hết quý I, đơn vị tính “tỷ USD”. Biểu đồ: T.Bình.
Thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy, nhóm hàng mới nhất đạt trị giá kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên qua 3 tháng đầu năm là mặt hàng cà phê. Hết quý I, nhóm hàng này đạt trị giá kim ngạch 1,029 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong số 9 nhóm hàng xuất khẩu “tỷ USD” điện thoại vẫn là nhóm hàng dẫn đầu với trị giá kim ngạch đạt 7,774 tỷ USD. Nhưng đây cũng là nhóm hàng xuất khẩu chủ lực duy nhất có mức tăng trưởng âm với mức giảm 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu lớn khác của nước ta đều có mức tăng trường cao 2 con số so với cùng kỳ năm 2016.

Đáng chú ý, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có mức tăng trưởng cao nhất lên đến 47,8% (tương đương con số tuyệt đối 1,786 tỷ USD), kéo theo trị giá kim ngạch trong quý I đạt 5,519 tỷ USD.

Dù vẫn đứng thứ ba cả nước về xuất khẩu, nhưng khoảng cách giữa nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với mặt hàng đứng kế trên là dệt may đã được thu hẹp đáng kể chỉ còn 104 triệu USD (trong khi đó sự chênh lệch của quý I/2016 lên đến 1,377 tỷ USD).

Với tổng trị giá kim ngạch đạt 30,972 tỷ USD, 9 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực đóng góp tới gần 70% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong cùng thời điểm.

Nhìn vào kết quả xuất khẩu quý I vừa qua có thể thấy, hoạt động kinh tế quan trọng này của nước ta đang có những chuyển biến tích cực với nhiều khởi sắc.

Đó là, nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng cao; đồng thời hoạt động xuất khẩu không còn bị phụ thuộc lớn vào một số ít nhóm hàng như điện thoại hay dệt may như những năm trước.

Một tín hiệu lạc quan khác là sự xuất hiện ngày càng nhiều, càng rõ nét và đóng góp quan trọng của những nhóm hàng công nghiệp công nghệ cao như: Điện thoại; máy vi tính, sản phẩm điện tử; máy móc, thiết bị; phương tiện vận tải; máy ảnh, máy quay phim…

Theo Tổng cục Hải quan, hết quý I, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 44,638 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2016.

 

Thái Bình

HÃNG HÀNG KHÔNG VIỆT SẮP MỞ ĐƯỜNG BAY THẲNG TỚI MỸ

Vietnam Airlines đã chuẩn bị mở đường bay thẳng sang Mỹ cách đây gần 10 năm nhưng chưa thực hiện được…

Hãng hàng không Việt sắp mở đường bay thẳng tới Mỹ

Việt Nam đang duy trì theo các tiêu chuẩn an toàn hàng không của ICAO, nhưng để được FAA phê chuẩn CAT1 thì phải nâng tiêu chuẩn theo quy định của Mỹ.

KIỀU LINH

Vietnam Airlines đã chuẩn bị mở đường bay thẳng sang Mỹ cách đây gần 10 năm nhưng chưa thực hiện được do nhiều cản trở. Trong đó có việc cơ quan chức trách Việt Nam chưa đạt năng lực giám sát an toàn theo tiêu chuẩn của Mỹ.

Thông tin mới nhất từ Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) sẽ đến Việt Nam rà soát kỹ thuật vào tháng 5 tới. Đây là tiền đề để các hãng hàng không nước ta được mở đường bay thẳng đến Mỹ, không phải quá cảnh ở nước thứ 3.

“Hiện, chúng tôi đã sẵn sàng cho đợt rà soát kỹ thuật này. Kết quả tích cực của đợt rà soát sẽ là cơ sở quan trọng cho đợt Đánh giá an toàn hàng không toàn cầu (IASA) sắp tới của FAA với Cục Hàng không Việt Nam trước khi cấp phê chuẩn CAT1”, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh nói.

Việt Nam đang duy trì theo các tiêu chuẩn an toàn hàng không của ICAO, nhưng để được FAA phê chuẩn CAT1 thì phải nâng tiêu chuẩn theo quy định của Mỹ.

Công việc đầu tiên và quan trọng nhất là hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống các tài liệu hướng dẫn liên quan đến an toàn và giám sát an toàn.

Kế đó, phải xây dựng đội ngũ giám sát viên an toàn hàng không đảm bảo cả số lượng và chất lượng, xây dựng chương trình đào tạo, huấn luyện giám sát viên từ cơ bản đến nâng cao. Xây dựng kế hoạch, chương trình để có thể kiểm soát toàn bộ công việc, kết quả làm việc của giám sát viên.

Theo ông Lại Xuân Thanh, đội ngũ giám sát viên an toàn hàng không hiện nay đều được cử đi đào tạo cả trong và ngoài nước để có được hàng loạt các chứng chỉ theo yêu cầu của phía FAA.

“Trước đây, Cục Hàng không Việt Nam không có phi công nào là công chức, nhưng bây giờ, theo tiêu chuẩn của FAA, phải có tối thiểu 2 giám sát bay (là phi công) làm việc toàn thời gian. Các giám sát viên phải thực hiện đầy đủ tất cả quy trình, nội dung giám sát với cả việc khai thác tàu bay cũng như đảm bảo tiêu chuẩn đủ điều kiện bay của tàu bay”, ông Thanh thông tin thêm.

Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam cũng phải hoàn thiện hệ thống chế tài, vừa xử phạt vi phạm hành chính, vừa khuyến cáo, kiểm soát việc thực hiện khuyến cáo của nhà chức trách hàng không đối với việc đảm bảo an toàn…

Sau khi đạt CAT1, Cục Hàng không Việt Nam sẽ được phép giám sát các hãng hàng không có trụ sở tại nước ta nhằm bảo đảm sự tuân thủ các quy chế và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để có thể bay thẳng đến Mỹ, không phải quá cảnh ở nước thứ ba.

Hiện tại, hãng hàng không Vietnam Airlines đã nộp hồ sơ xin cấp phép bay thương mại lên Bộ Giao thông Vận tải Mỹ. Trên cơ sở đánh giá CAT1 của FAA, Vietnam Airlines sẽ nghiên cứu, lập kế hoạch khai thác đến thị trường Mỹ vào thời điểm thích hợp, dự kiến vào cuối năm 2018.

Thống kê cho thấy, năm 2016, tổng dung lượng thị trường giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt 689.000 khách. Tăng trưởng trung bình giai đoạn 2010 – 2016 đạt 8,4%/năm. Trong đó, dung lượng khách giữa Việt Nam – Los Angeles là lớn nhất với 137.000 lượt khách, Việt Nam – San Francisco lớn thứ 2, đạt hơn 90.000 khách/năm.

NHẬP SIÊU KHIẾN GIA TĂNG ÁP LỰC LÊN TỶ GIÁ

(HQ Online)- Tuy tỷ giá những tháng đầu năm được đánh giá là tương đối ổn định, nhưng nếu so với cùng kỳ năm trước, tỷ giá đang có mức tăng cao. Điều này đặt ra lo ngại, liệu đây có phải do sự ảnh hưởng của việc nhập siêu.

Tình trạng nhập siêu khiến cầu USD tăng mạnh hơn so với năm trước. Ảnh: H.DỊU.

Tỷ giá đã tăng

Theo số liệu thống kê hàng hóa XNK của Tổng cục Hải quan, tính đến hết quý I/2017, tổng kim ngạch XNK đạt hơn 91,21 tỷ USD, tăng 19,9%, tương ứng tăng gần 15,16 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tổng kim ngạch XK của Việt Nam đạt gần 44,64 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng kim ngạch NK đạt hơn 46,57 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa cả nước 3 tháng đầu năm 2017 đã thâm hụt gần 1,94 tỷ USD, bằng 4,3% kim ngạch XK. Trong khi đó, vào cùng kỳ năm 2016, cả nước đã xuất siêu 776 triệu USD.

Tình hình nhập siêu quay trở lại đã có ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng GDP trong quý I/2017, khi GDP quý này tăng thấp đáng kể so với kỳ vọng, thấp nhất trong 3 năm qua, chỉ đạt 5,1%, trong khi cùng kỳ năm trước là 5,5%. Một trong những vấn đề đáng lo ngại của tình trạng nhập siêu là việc có thể đẩy tỷ giá ngoại tệ lên cao hơn so với thời gian trước.

Trên thực tế, tỷ giá trong 3 tháng đầu năm đã có diễn biến tăng. Tính đến ngày 17/4, tỷ giá trung tâm giữa VND và USD được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 22.322 VND/USD, tăng 3 đồng so với phiên giao dịch cuối tuần trước, nhưng đã đạt mức cao nhất kể từ khi NHNN bắt đầu công bố tỷ giá trung tâm. Đây là kết quả của việc tăng liên tiếp của tỷ giá trung tâm từ cuối tháng 3, khiến tỷ giá trung tâm liên tục đạt “đỉnh”. So với mức tỷ giá trung tâm công bố từ đầu năm 2017, tỷ giá trung tâm đã tăng lên tới 164 đồng, tương ứng tăng gần 1%.

Với biên độ ±3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng cho ngày 17/4 là 22.993 VND/USD. Trong khi đó, tỷ giá bán ra đang được các ngân hàng thương mại niêm yết đang ở quanh mức 22.730-22.750 VND/USD, còn cách mức trần khoảng 200 đồng. Báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô quý I và dự báo cả năm 2017 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại có xu hướng giảm trong tháng 1/2017, nhưng sau đó có nhiều biến động khi liên tiếp tăng cao từ nửa đầu tháng 2 cho tới nay và luôn tiệm cận sát với mức trần NHNN công bố.

Áp lực cao

Trong thông cáo phát đi, NHNN vẫn khẳng định sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, kết hợp điều tiết linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở, duy trì thanh khoản và lãi suất VND liên ngân hàng ở mức hợp lý nhằm hỗ trợ ổn định tỷ giá và không gây sức ép đến lãi suất thị trường 1 (thị trường huy động vốn từ dân cư, tổ chức). Nhờ đó, tỷ giá vẫn thấp xa so với mức trần và từ giữa tháng 3 bắt đầu giảm và ổn định. Về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, NHNN đang điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng và giữ được thế chủ động trong việc kiểm soát thị trường ngoại hối, nên đã đạt được mục tiêu giữ ổn định tỷ giá. Theo đó, NHNN đã nhiều lần chặn đà tăng và giảm của tỷ giá của các ngân hàng thương mại bằng việc điều chỉnh giá ngoại tệ giao dịch tại Sở Giao dịch NHNN.

Mặc dù vậy, với những biến động của thị trường thế giới, ngay từ đầu năm, các chuyên gia đều tỏ ra không mấy lạc quan về sự ổn định của tỷ giá trong cả năm 2017. TS. Đinh Tuấn Minh, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Nghiên cứu Thị trường MarketIntello cho rằng, trong năm 2017, tỷ giá sẽ tăng khoảng 1,5-2%. Khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng tỷ giá 2 lần nữa trong năm vào tháng 6 và tháng 9 có thể sẽ tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá. Ngoài ra tình trạng nhập siêu cũng sẽ khiến cầu USD tăng mạnh hơn năm 2016.

Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia không đánh giá cao áp lực của việc FED tăng lãi suất do hiện nay chênh lệch giữa lãi suất huy động VND và USD vẫn nghiêng về việc nắm giữ VND. Nhưng báo cáo cũng cho rằng, cung ngoại tệ có thể kém thuận lợi hơn năm 2016, nguyên nhân bởi cán cân thương mại có thể đảo chiều từ mức thặng dư trong năm 2016 sang thâm hụt dự báo ở mức cao (theo kế hoạch khoảng 3,5% tổng kim ngạch XK). Hơn nữa, áp lực còn đến từ cán cân vốn có thể chịu tác động khi vốn ODA bị hạn chế kể từ tháng 7/2017.

“Tuy nhiên, VND sẽ không bị mất giá nhiều nhờ nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào của NHNN”, TS. Đinh Tuấn Minh nhận định.

Những nhận định trên cho thấy áp lực không chỉ lên tỷ giá mà còn lên hoạt động XNK tại Việt Nam thời gian tới. Theo TS. Đinh Tuấn Minh, cùng với việc cầu tiêu dùng nội địa yếu thời gian vừa qua, XK sẽ là một trong những yếu tố then chốt giúp Việt Nam theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2017. Vì thế, Chính phủ và các cơ quan quản lý phải có chính sách thương mại thích hợp, bảo đảm cho hàng hóa XK của Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới sẽ là tập trung củng cố các thị trường có tốc độ tăng trưởng cao như Hoa Kỳ và châu Âu vì tiềm năng tại các thị trường này còn lớn; ngoài ra, cần đa dạng hóa thị trường XK và hướng tới các thị trường có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) tiềm năng có tốc độ tăng trưởng cao như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản và ASEAN.

Hương Dịu

THỐNG NHẤT QUY TRÌNH PHÂN LOẠI HÀNG HÓA ĐỂ CHỐNG THẤT THU

(HQ Online)- Nâng cao hiệu quả quản lý khai báo mã số hàng hóa song song với việc hoàn thiện chính sách về mặt hàng là công việc quan trọng mà ngành Hải quan đã và đang triển khai để phòng ngừa và chống thất thu thuế qua khai báo phân loại hàng hóa. Hoạt động này không chỉ đảm bảo chống thất thu cho NSNN mà còn giúp tạo điều kiện lành mạnh hoá môi trường cạnh tranh trên thị trường nội địa…

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Thái Nguyên (Cục Hải quan Bắc Ninh). Ảnh: T.Trang.
 
Một trong những công tác trong tâm trong công tác phân loại là Cục Thuế XNK đang hoàn thiện Thông tư của Bộ Tài chính ban hành Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam (thay thế thông tư 103/2015/TT-BTC ngày 1-7-2015). Đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác phân loại hàng hóa để Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam theo Danh mục AHTN 2017, Biểu thuế MFN và các Biểu thuế FTA, các danh mục quản lý chuyên ngành theo AHTN 2017 đảm bảo đồng bộ và hợp nhất, hỗ trợ cho công tác phân loại hàng hóa được thuận lợi và chính xác.
 

Phân loại hàng hóa XK, NK là việc căn cứ vào tên gọi, mô tả về tính chất, thành phần, cấu tạo, công dụng, quy cách đóng gói và các thuộc tính khác của hàng hóa để xác định, sắp xếp hàng hóa vào một mã số nhất định theo Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa, Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Từ các mã số hàng hóa này sẽ tương ứng với mức thuế XK, NK theo Biểu thuế XK, NK. Quy trình phân loại hàng hóa này đã thống nhất được các quan điểm phân loại hàng hóa khác nhau giữa các đơn vị trước khi ban hành thông báo kết quả phân loại hàng hóa. Qua đó, hình thành được hệ thống phần mềm MHs lưu giữ kết quả PTPL trong toàn ngành, hải quan địa phương có thể dễ dàng tra cứu các kết quả phân loại hàng hóa.Cùng với đó, quy định về xác định trước mã số hàng hóa, xuất xứ của hàng hóa được Tổng cục Hải quan triển khai thời gian qua cũng đã giúp DN chủ động tính toán trước hiệu quả kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, đồng thời giúp cơ quan Hải quan tăng hiệu quả quản lý. Hầu hết hồ sơ gửi đến đều được Cục Thuế XNK giải quyết trong thời hạn 30 ngày, những trường hợp hàng hóa phức tạp cũng được giải quyết trong thời hạn tối đa 60 ngày.

Việc thực hiện quy định xác định trước mã số hàng hóa mang lại lợi ích cho cả Hải quan và DN. Cơ quan Hải quan nâng cao năng suất và hiệu quả quản lý nhờ đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa, phân bổ nguồn lực hợp lý vào các giai đoạn trước, trong và sau thông quan. Trong khi đó, DN sẽ căn cứ vào những thông tin được cung cấp trước có tính ràng buộc pháp lý để nghiên cứu thị trường, lập kế hoạch kinh doanh và tính toán lợi nhuận. Điều này làm tăng độ chắc chắn và có thể dự doán được cho các DN khi tham gia các giao dịch thương mại quốc tế… Những thông báo phân loại hàng hóa cũng được cập nhật trên Website của Tổng cục Hải quan để giúp DN thuận tiện hơn trong việc tham khảo áp dụng vào việc phân loại hàng hóa của chính DN.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua vẫn có tình trạng DN khai sai mã số hàng hóa để hưởng mức thuế thấp hơn hoặc cũng có tình trạng tại 1 đơn vị hải quan vẫn chấp nhận việc DN phân loại hàng hóa vào những mã số hàng khác với những mặt hàng có cùng đặc tính, chủng loại.

 
Danh mục quản lý rủi ro về phân loại được Tổng cục Hải quan xây dựng và triển khai trong toàn ngành, trong đó bao gồm khoảng 380 mặt hàng cấp độ 8 chữ số và 7 nhóm hàng cấp độ 6 chữ số bao gồm cả hàng NK và XK. Đây là tài liệu quan trọng, là công cụ quản lý trong công tác phân loại hàng hóa của cơ quan Hải quan trong cả khâu trong và sau thông quan.
 

Lý giải thực này, ông Trịnh Mạc Linh- Phó Cục trưởng Cục Thuế XNK-Tổng cục Hải quan phân tích, hiện nay hàng hóa XNK ngày càng đa dạng về chủng loại, công nghệ, đặc biệt là sự xuất hiện của những mặt hàng đa chức năng, đa công dụng. Vì vậy, công tác phân loại của cơ quan Hải quan gặp không ít khó khăn, bởi nhận thức về bản chất hàng hóa có nhiều ý kiến khác nhau, hơn thế nữa nhân lực của cơ quan Hải quan làm công tác phân loại hàng hóa còn hạn chế.Cũng trong thời gian qua, đã có những mặt hàng NK phức tạp, có nhiều ý kiến trái chiều như các mặt hàng: Đồ uống không có ga, đồ uống có chứa collagen; kem bôi sẹo; trứng artemia- làm thức ăn chăn nuôi; thiết bị kết nối dùng cho internet; máy điều hòa không khí âm trần; dụng cụ mài lưỡi dao; đá cẩm thạch… Để phân loại đúng bản chất mặt hàng này, Cục Thuế XNK đã nhiều lần phải xin ý kiến cơ quan chuyên môn và phải tổ chức họp bàn. Có những mặt hàng phức tạp, Tổng cục Hải quan còn phải tổ chức đối thoại với DN để  vừa lắng nghe vừa đưa ra được hướng dẫn trong việc phân loại hàng hóa.

Theo ông Trịnh Mạc Linh, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế, đảm bảo thực hiện phân loại hàng hóa thống nhất trên phạm vi toàn quốc, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp khai báo và áp mã số, mức thuế không thống nhất… là mục tiêu mà ngành Hải quan sẽ triển khai trong công tác phân loại, xác định mức thuế trong năm 2017.

Thực hiện mục tiêu này, Cục Thuế XNK đã tổ chức rà soát trên hệ thống thông tin dữ liệu liên quan để phát hiện ngăn chặn, xử lý kịp thời việc thực hiện không đúng quy định về phân loại, áp dụng mức thuế theo các biểu thuế hiện hành; kiểm tra thực tế về công tác phân loại hàng hóa tại một số đơn vị hải quan địa phương… Cục đã ban hành công văn hướng dẫn kiểm tra phân loại hàng hóa để thống nhất thực hiện trong toàn ngành, trong đó hướng dẫn chi tiết từng bước kiểm tra trong tất cả các khâu thông quan và sau thông quan.

Bên cạnh đó, Cục sẽ tập trung xử lý vướng mắc có liên quan công tác phân loại, mức thuế của hải quan địa phương, DN kịp thời, theo đúng quy định. Đồng thời, chủ động bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho CBCC để nâng cao hiệu quả công tác, đảm bảo thực hiện công tác phân loại hàng hóa đúng quy định.

Cùng với đó, phối hợp với Cục CNTT thực hiện, vận hành, khai thác có hiệu quả Hệ thống MHs, phối hợp nâng cấp Hệ thống phù hợp với văn bản chính sách mới ban hành cũng như thực tế khai thác, sử dụng. Song song với đó là thường xuyên rà soát, sửa đổi, cập nhật Danh mục hàng hóa XNK rủi ro về phân loại. 

Thu Trang

NHỮNG NHÓM HÀNG XUẤT KHẨU CHÍNH QUÝ I/2017

(HQ Online)- Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất trong quý I/2017 đạt gần 31,76 tỷ USD, chiếm 71,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện là nhóm hàng lớn nhất, tuy nhiên giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước, còn lại hầu hết các nhóm hàng trong 10 nhóm hàng lớn nhất đều đạt mức tăng trưởng dương.

 

 

10 Nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất quý I năm 2017 so với cùng kỳ 2016

Điện thoại các loại và linh kiện: Xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong tháng 3/2016 đạt 3,09 tỷ USD, tăng 31% so với tháng trước, nâng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong quý I/2017 lên 7,77 tỷ USD, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2016.

Những đối tác chính nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện của Việt Nam trong 3 tháng qua bao gồm: EU với 2,38 tỷ USD, giảm gần 6,1% và chiếm 30,6% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Tiếp theo là: Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất: gần 901 triệu USD, giảm 19,9%; Hàn Quốc: 755 triệu USD, tăng 32,8%; Hoa Kỳ: 620 triệu USD, giảm 43%… so với cùng kỳ năm 2016.

Hàng dệt may: Xuất khẩu trong tháng đạt 2,1 tỷ USD, tăng mạnh 51,6% so với tháng trước, qua đó nâng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 3 tháng/2017 lên 5,62 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong 3 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Hoa Kỳ đạt 2,72 tỷ USD, tăng 8,1 %; sang EU đạt 733 triệu USD, tăng 6,6%; sang Nhật Bản đạt 715 triệu USD, tăng 12,4% và sang Hàn Quốc: 617 triệu USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2016.

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: Xuất khẩu máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện trong tháng 3/2017 đạt mức cao nhất từ trước tới nay với kim ngạch là 2,19 tỷ USD, tăng 27,5% so với tháng trước. Qua đó nâng tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của 3 tháng lên 5,52 tỷ USD, tăng cao 47,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Trung Quốc vẫn là đối tác lớn nhất nhập khẩu nhóm hàng này của Việt Nam trong 3 tháng qua với kim ngạch đạt 1,37 tỷ USD, tăng cao 123,5%; tiếp theo là EU: 1,04 tỷ USD, tăng 12,3%. Tính riêng xuất khẩu sang 2 thị trường này chiếm đến 44% tổng kim ngạch xuất khẩu máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện của cả nước.

Giầy dép các loại: Xuất khẩu nhóm hàng này trong tháng đạt hơn 1,09 tỷ USD, tăng 26,6% so với tháng trước. Qua đó, đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong quý I/2017 đạt gần 3,12 tỷ USD, tăng 11,9% so với tháng trước.

Các thị trường nhập khẩu giầy dép các loại của Việt Nam trong quý I/2017 chủ yếu gồm: thị trường Hoa Kỳ với 1,07 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước; thị trường EU (28 nước) đạt 988 triệu USD, tăng 9,9%; thị trường Trung Quốc đạt 240 triệu USD, tăng 28,5%;…

Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác: Đạt kim ngạch xuất khẩu trong tháng gần 1,13 tỷ USD, tăng 24,3% so với tháng trước, đưa kim ngạch xuất khẩu cả quý là gần 2,91 tỷ USD, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm trước.

Các thị trường nhập khẩu máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng khác của Việt Nam trong quý I/2017 chủ yếu gồm: thị trường Hoa Kỳ với 602 triệu USD, tăng 26,7%; thị trường Nhật Bản đạt 402 triệu USD, tăng 14,5%; thị trường Trung Quốc với 370 triệu USD, tăng 85,6%;…

Hàng nông sản (bao gồm các nhóm hàng: hàng rau quả; hạt điều, cà phê, chè, hạt tiêu, gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn): Xuất khẩu hàng nông sản trong tháng 3/2017 đạt 1,59 tỷ USD, đưa kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản trong quý I/2017 đạt 3,94 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước.

Các thị trường nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam trong quý I/2017 chủ yếu gồm: Thị trường Trung Quốc với 1,47 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước; thị trường EU (28 nước) với 748 triệu USD, tăng 24,8%; thị trường Hoa Kỳ với 457 triệu USD, tăng 23,5%; thị trường ASEAN với 371 triệu USD, giảm 17,5%; thị trường Nhật Bản với 92 triệu USD, tăng 17%; thị trường Hàn Quốc với 86 triệu USD, tăng 52%;…

Xuất khẩu hàng rau quả trong tháng đạt 280 triệu USD, tăng 49,5% so với tháng trước, đưa kim ngạch xuất khẩu quý I/2017 đạt 701 triệu USD, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu hạt điều trong tháng đạt được mức tăng trưởng mạnh cả về lượng và trị giá, với 24 nghìn tấn, trị giá 230 triệu USD, tăng 80,1% về lượng và 88% về trị giá so với tháng trước. Qua đó, đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong quý I/2017 đạt 56 nghìn tấn, trị giá 515 triệu USD, giảm 4,6% về lượng nhưng tăng 16,9% về trị giá.

Xuất khẩu cà phê trong tháng đạt 168 nghìn tấn, trị giá 382 triệu USD; tăng 14,8% về lượng và 15,1% về trị giá, đưa kim ngạch xuất khẩu trong 3 tháng/2017 đạt 454 nghìn tấn, trị giá gần 1,03 tỷ USD, giảm 4,3% về lượng, tuy nhiên lại tăng 27,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Gạo xuất khẩu trong tháng đạt 551 nghìn tấn, trị giá 251 triệu USD, tăng 38,8% về lượng và 47,2% về trị giá so với tháng trước, qua đó đưa kim ngạch xuất khẩu gạo 3 tháng/2017 đạt 1,29 triệu tấn, trị giá 565 triệu USD, giảm 17,5% về lượng và 17,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Cao su trong tháng xuất khẩu được 66 nghìn tấn, trị giá 138 triệu USD, giảm 26,8% về lượng và 27,9% về trị giá, đưa kim ngạch xuất khẩu trong quý I của nhóm hàng này đạt 250 nghìn tấn, trị giá 511 triệu USD, tăng 6,7% về lượng tuy nhiên tăng 90,7% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Hàng thủy sản: Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tháng 3/2017 đạt 603 triệu USD, tăng 41,6% tháng trước, qua đó nâng tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 3 tháng/2017 lên 1,51 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến hết tháng 3, hàng thủy sản của Việt Nam tăng trưởng ở hầu hết các thị trường chính trừ thị trường Hoa Kỳ. Cụ thể, xuất sang Nhật Bản: 253 triệu USD, tăng 29,3%; Hoa Kỳ: 251 triệu USD, giảm 14,4%, sang Liên minh Châu Âu (EU): 249 triệu USD, tăng 2,3%; Trung Quốc: 144 triệu USD tăng 20,9% và Hàn Quốc: 141 triệu USD, tăng 26,4%…

Dầu thô: Lượng xuất khẩu dầu thô trong tháng là 470 nghìn  tấn, giảm 11,8%, trị giá là 181 triệu USD, giảm 18,3% so với tháng trước. Tính đến hết tháng 3/2017, lượng dầu thô xuất khẩu của cả nước đạt 1,52 triệu tấn, giảm 16,2% và kim ngạch đạt 637 triệu USD, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm trước.

Dầu thô của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc: 704 nghìn tấn, giảm 39,8%; sang Nhật Bản: 237 nghìn tấn, tăng 206,9%; sang Sing-ga-po: 193 nghìn tấn (cùng kỳ năm 2016 không có lô dầu thô nào được xuất sang quốc gia này)…

Than đá: Xuất khẩu than đá của Việt Nam trong tháng 3/2017 đạt 194 nghìn tấn, tăng 45,2% so với tháng trước, trị giá đạt 30 triệu USD, tăng 31,8%. Trong 3 tháng đầu năm 2017, lượng than đá xuất khẩu là 401 nghìn tấn, tăng 5,1 lần và  đạt trị giá đạt gần 65 triệu USD, tăng 12 lần so với cùng kỳ năm 2016 .

Trung Quốc tiếp tục là đối tác lớn nhất tiêu thụ than đá của Việt Nam với hơn 5 triệu tấn, tăng 4% và chiếm tới 80% tổng lượng xuất khẩu mặt hàng này của cả nước.

Hà Nhi

SẼ SỬA ĐỔI QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN HÀNG XÁCH TAY ĐỐI VỚI RƯỢU, XÌ GÀ

(HQ Online)- Tổng cục Hải quan đang lấy ý kiến rộng rãi người dân về dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 120/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về mẫu, chế độ in, phát hành, quản lý và sử dụng Tờ khai Hải quan dùng cho người xuất cảnh, nhập cảnh. Nội dung sửa đổi dự kiến sẽ thắt chặt việc xách tay đối với mặt hàng như: rượu, xì gà.

 

Cụ thể, dự kiến khách xuất nhập cảnh phải khai Tờ khai Hải quan khi xuất cảnh, nhập cảnh nếu có hàng hóa phải nộp thuế: Rượu từ 20 độ trở lên vượt trên 1,5 lít hoặc rượu dưới 20 độ vượt trên 2 lít hoặc đồ uống có cồn, bia vượt trên 3 lít; thuốc lá điếu vượt trên 200 điếu hoặc xì gà vượt trên 20 điếu hoặc thuốc lá sợi vượt trên 250 gam; các vật phẩm khác có tổng trị giá trên 10.000.000 đồng Việt Nam.

Như vậy, so với quy định hiện hành việc khai báo hải quan đối với một số mặt hàng dự kiến sẽ thắt chặt hơn. Rõ nhất là đối với mặt hàng xì gà, khách xuất nhập cảnh khi mang theo 20 điếu đã phải khai trên tờ khai hải quan thay vì 100 điếu so với quy định hiện hành.

Hay rượu từ 20 độ trở lên vượt trên 1,5 lít hoặc dưới 20 độ vượt trên 2 lít phải khai báo hải quan thay vì từ 22 độ trở lên vượt trên 1,5 lít hoặc dưới 22 độ vượt trên 2 lít như quy định hiện hành. Ngoài ra, thuốc là sợi vượt 250 gam cũng phải khai báo thay vì 500 gam so với quy định hiện hành.

Quy định khai báo Tờ khai hải quan tại dự thảo thông tư phù hợp với các quy định tại Nghị định 134/2016/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật thuế XK, thuế NK. Trong đó, quy định về miễn thuế NK cho từng lần nhập cảnh theo định mức: Rượu từ 20 độ trở lên: 1,5 lít hoặc rượu dưới 20 độ: 2,0 lít hoặc đồ uống có cồn, bia: 3,0 lít; thuốc lá điếu: 200 điếu hoặc thuốc lá sợi: 250 gam hoặc xì gà: 20 điếu; các vật phẩm khác ngoài hàng hóa quy định trên (không nằm trong Danh mục hàng hóa cấm NK, tạm ngừng NK hoặc NK có điều kiện) có tổng trị giá hải quan không quá 10.000.000 đồng Việt Nam.

N.Linh

CHI 280 NGHÌN TỶ NHẬP HÀNG TRUNG QUỐC

(HQ Online)- Theo thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết quý I/2017 tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc đạt gần 12,7 tỷ USD, tương đương khoảng 280 nghìn tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Biểu đồ tương quan về 4 mặt hàng nhập khẩu “tỷ USD” mà Trung Quốc đang duy trì vị thế dẫn đầu.
Biểu đồ: T.Bình.

Xu thế tăng 

Đây là thông tin rất đáng chú ý, bởi hoạt động nhập khẩu từ Trung Quốc có vẻ đã dần chững lại vào năm 2016 sau nhiều năm tăng trường mạnh. Năm 2016, cả nước dù chi đến 49,929 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc nhưng con số này chỉ tăng 431 triệu USD so với năm 2015.

Tuy nhiên, chỉ qua 3 tháng đầu năm nay, hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu lại có dấu hiệu tăng trở lại.

Dữ liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, chỉ riêng tháng 3 vừa qua, cả nước chỉ 5,072 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc. Trị giá kim ngạch nhập khẩu trong tháng này từ Trung Quốc thậm chí còn lớn hơn rất nhiều tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu từ thị trường lớn thứ 3 của nước ta là Nhật Bản trong cả quý I (cả quý I nhập khẩu từ Nhật Bản chỉ là 3,709 tỷ USD).

Chỉ tính hết quý I, đã có 5 nhóm hàng nhập khẩu từ quốc gia láng giềng này đạt trị giá từ 1 tỷ USD trở lên. Đứng đầu là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt trị giá 2,526 tỷ USD. Kế đến là: Điện thoại và linh kiện đạt 1,609 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,582 tỷ USD; vải đạt 1,197 tỷ USD; sắt thép đạt 1,176 tỷ USD.

Đáng chú ý, trong 5 nhóm hàng nhập khẩu “tỷ USD” từ Trung Quốc kể trên có tới 4 nhóm hàng Trung Quốc duy trì vị thế là thị trường nhập khẩu số 1 của nước ta (trừ mặt hàng máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện vị trí số 1 do Hàn Quốc nắm giữ).

Trong đó, mặt hàng điện thoại và linh kiện chiếm gần 55% tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu cả nước; vải nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 51%; sắt thép gần 50%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng chiếm 31,3%.

Với tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu gần 12,7 tỷ USD trong quý I, thị trường Trung Quốc chiếm đến 27,3% tổng trị giá kim ngạch nhập khẩu cả nước trong cùng thời điểm.

Trung Quốc tận dụng tốt cơ hội

Liên quan đến vấn đề nhập khẩu hàng hóa gia tăng mạnh từ Trung Quốc, ngày 17/4, phóng viên Báo Hải quan trao đổi với PGS-TS Phạm Tất Thắng- nghiên cứu viên cao cấp (Bộ Công Thương) một chuyên gia có nhiều am hiểu về quan hệ ngoại thương giữa Việt Nam và Trung Quốc.

PGS-TS Phạm Tất Thắng cho rằng, vấn đề nhập khẩu và nhập siêu lớn từ Trung Quốc tồn tại nhiều năm nay và đã có nhiều thông tin phân tích. Nhưng thực tế hoạt động nhập khẩu và nhập siêu từ Trung Quốc vẫn tăng và không có dấu hiệu dừng lại.

Phân tích về điều này, PGS-TS Phạm Tất Thắng cho rằng có hai nguyên nhân chính.

Thứ nhất, xuất phát từ việc Trung Quốc đã tận dụng tốt cơ hội về các ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do ASEAN và Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định buôn bán biên mậu Việt Nam – Trung Quốc.

Nguyên nhân thứ hai giúp lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh chính là từ các dự án đầu tư ở Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc thắng thầu và thực hiện. Thông qua các dự án này, nhà thầu đã nhập khẩu một lượng lớn máy móc, vật tư, thiết bị từ Trung Quốc về Việt Nam.

“Như vậy, nếu không có được giải pháp quản lý có tính chất đột phá, nhất là liên quan đến công tác quản lý hoạt động các dự án đầu tư, việc kiểm soát hoạt động nhập khẩu và tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc vẫn sẽ rất khó khăn”- PGS-TS Phạm Tất Thắng nhận định.

Bên cạnh việc phân tích nguyên nhân của tình trạng nhập khẩu hàng hóa ồ ạt từ Trung Quốc dẫn đến cán cân thương mại bị thâm hụt lớn, ông Phạm Tất Thắng cũng cho rằng các cơ quan chức năng của Việt Nam cần có giải pháp để tận dụng được thị trường rộng lớn này nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc.

PGS-TS Phạm Tất Thắng đánh giá: Thực tế, hàng hóa của Việt Nam vẫn chưa đi sâu được vào thị trường Trung Quốc, chưa đi vào được các kênh phân phối lớn qua con đường chính ngạch. Hoạt động xuất khẩu chủ yếu vẫn thông qua hình thức biên mậu và chịu sự điều tiết chủ yếu từ Trung Quốc. Đơn cử như từ đầu năm 2017 đến nay, Trung Quốc hạn chế hoạt động nhập khẩu (tiểu ngạch) qua khu vực Quảng Ninh, Lạng Sơn và chuyển hướng sang Lào Cai, Cao Bằng và chúng ta bị phụ thuộc theo. Vì vậy, điểm yếu này cần sớm được khắc phục.

Thái Bình