LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ LOGISTICS ĐƯỜNG SẮT

(HQ Online)- Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP) và Tổng Công ty đường sắt Việt Nam (VNR) đã chính thức ký thỏa thuận hợp tác toàn diện trở thành đối tác chiến lược trong việc hợp tác đầu tư và kinh doanh thực hiện các Dự án đầu tư kết cấu hạ tầng và phát triển dịch vụ logistics đường sắt. 

Hàng hóa XNK qua cảng Cát Lái. Ảnh: T.H

Đây là sự kết hợp giữa hai doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, một là nhà khai thác cảng và cung cấp dịch vụ Logistics hàng đầu Việt Nam và một là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành đường sắt Việt Nam. Việc hợp tác nhằm phát huy thế mạnh của mỗi bên, góp phần phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động Logistics của Việt Nam. 

Hai bên sẽ hợp tác đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kho bãi, thiết bị xếp dỡ, phát triển dịch vụ logistics đường sắt tại các ga hàng hóa hiện hữu của VNR tại các khu Ga: Sóng Thần; Yên Viên và Đông Anh; sau đó từng bước mở rộng đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng tại các ga hàng hóa trên toàn mạng đường sắt.

VNR và SNP cùng hợp tác để triển khai các dự án đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng và phát triển dịch vụ logistics trên mạng lưới đường sắt quốc gia, phát huy thế mạnh vận tải bằng đường sắt của mạng lưới đường sắt, giảm chi phí logistics và nâng cao hiệu quả cho nền kinh tế; kết nối đồng bộ hệ thống đường sắt, đường bộ và đường biển, phù hợp với quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

Theo lãnh đạo VNR, thời gian qua, ngành này đã có những nỗ lực để cải thiện hình ảnh và tiến tới thay đổi vai trò, tỷ trọng của Đường sắt trong cơ cấu chung của vận tải nhưng kết quả vẫn chưa như mong muốn. Cụ thể, giá trị tổng sản lượng toàn tổng công ty trong năm 2016 chỉ đạt 7.955 tỷ đồng, doanh thu đạt 8.338 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 140 tỷ đồng…

Trước mặt, để phục cho hoạt động của tổng công ty trong năm nay cũng như chương trình hợp tác với SNP, ngành Đường sắt Việt Nam sẽ xúc tiến xây dựng hai trung tâm kho bãi phục vụ vận chuyển container ở Bình Dương và Hà Nội, đồng thời sẽ cho đóng mới các toa xe chuyên dụng vận chuyển hàng container.

SNP là nhà khai thác cảng biển chuyên nghiệp và hàng đầu tại Việt Nam với thị phần container xuất nhập khẩu chiếm trên 85% khu vực phía Nam và gần 50% thị phần cả nước. Hệ thống cảng của SNP phân bổ khắp cả nước, trong đó cụm cảng phát triển chính là cảng Tân Cảng – Cát Lái và cảng Tân Cảng – Cái Mép tại khu kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trong chiến lược xây dựng hệ thống kết nối Logistics hoàn chỉnh, SNP đã và đang mở rộng các cơ sở hạ tầng hậu cảng, tiêu biểu là ICD Tân Cảng – Sóng Thần (Bình Dương), ICD Tân Cảng – Long Bình (Đồng Nai), tập trung vào dịch vụ kho bãi và trung tâm phân phối hàng hóa. Trong khi SNP có kinh nghiệm về vận chuyển quốc tế, thì lợi thế của VNR là có hệ thống cơ sở hạ tầng trải dài từ Bắc vào Nam, và dễ dàng liên kết với các cửa ngõ biên giới phía Tây.

Lê Thu

NHỮNG NHÓM HÀNG XUẤT KHẨU CHÍNH QUÝ I/2017

(HQ Online)- Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất trong quý I/2017 đạt gần 31,76 tỷ USD, chiếm 71,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện là nhóm hàng lớn nhất, tuy nhiên giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước, còn lại hầu hết các nhóm hàng trong 10 nhóm hàng lớn nhất đều đạt mức tăng trưởng dương.

 

 

10 Nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất quý I năm 2017 so với cùng kỳ 2016

Điện thoại các loại và linh kiện: Xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong tháng 3/2016 đạt 3,09 tỷ USD, tăng 31% so với tháng trước, nâng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong quý I/2017 lên 7,77 tỷ USD, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2016.

Những đối tác chính nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện của Việt Nam trong 3 tháng qua bao gồm: EU với 2,38 tỷ USD, giảm gần 6,1% và chiếm 30,6% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Tiếp theo là: Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất: gần 901 triệu USD, giảm 19,9%; Hàn Quốc: 755 triệu USD, tăng 32,8%; Hoa Kỳ: 620 triệu USD, giảm 43%… so với cùng kỳ năm 2016.

Hàng dệt may: Xuất khẩu trong tháng đạt 2,1 tỷ USD, tăng mạnh 51,6% so với tháng trước, qua đó nâng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 3 tháng/2017 lên 5,62 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong 3 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Hoa Kỳ đạt 2,72 tỷ USD, tăng 8,1 %; sang EU đạt 733 triệu USD, tăng 6,6%; sang Nhật Bản đạt 715 triệu USD, tăng 12,4% và sang Hàn Quốc: 617 triệu USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2016.

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: Xuất khẩu máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện trong tháng 3/2017 đạt mức cao nhất từ trước tới nay với kim ngạch là 2,19 tỷ USD, tăng 27,5% so với tháng trước. Qua đó nâng tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của 3 tháng lên 5,52 tỷ USD, tăng cao 47,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Trung Quốc vẫn là đối tác lớn nhất nhập khẩu nhóm hàng này của Việt Nam trong 3 tháng qua với kim ngạch đạt 1,37 tỷ USD, tăng cao 123,5%; tiếp theo là EU: 1,04 tỷ USD, tăng 12,3%. Tính riêng xuất khẩu sang 2 thị trường này chiếm đến 44% tổng kim ngạch xuất khẩu máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện của cả nước.

Giầy dép các loại: Xuất khẩu nhóm hàng này trong tháng đạt hơn 1,09 tỷ USD, tăng 26,6% so với tháng trước. Qua đó, đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong quý I/2017 đạt gần 3,12 tỷ USD, tăng 11,9% so với tháng trước.

Các thị trường nhập khẩu giầy dép các loại của Việt Nam trong quý I/2017 chủ yếu gồm: thị trường Hoa Kỳ với 1,07 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước; thị trường EU (28 nước) đạt 988 triệu USD, tăng 9,9%; thị trường Trung Quốc đạt 240 triệu USD, tăng 28,5%;…

Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác: Đạt kim ngạch xuất khẩu trong tháng gần 1,13 tỷ USD, tăng 24,3% so với tháng trước, đưa kim ngạch xuất khẩu cả quý là gần 2,91 tỷ USD, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm trước.

Các thị trường nhập khẩu máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng khác của Việt Nam trong quý I/2017 chủ yếu gồm: thị trường Hoa Kỳ với 602 triệu USD, tăng 26,7%; thị trường Nhật Bản đạt 402 triệu USD, tăng 14,5%; thị trường Trung Quốc với 370 triệu USD, tăng 85,6%;…

Hàng nông sản (bao gồm các nhóm hàng: hàng rau quả; hạt điều, cà phê, chè, hạt tiêu, gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn): Xuất khẩu hàng nông sản trong tháng 3/2017 đạt 1,59 tỷ USD, đưa kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản trong quý I/2017 đạt 3,94 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước.

Các thị trường nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam trong quý I/2017 chủ yếu gồm: Thị trường Trung Quốc với 1,47 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước; thị trường EU (28 nước) với 748 triệu USD, tăng 24,8%; thị trường Hoa Kỳ với 457 triệu USD, tăng 23,5%; thị trường ASEAN với 371 triệu USD, giảm 17,5%; thị trường Nhật Bản với 92 triệu USD, tăng 17%; thị trường Hàn Quốc với 86 triệu USD, tăng 52%;…

Xuất khẩu hàng rau quả trong tháng đạt 280 triệu USD, tăng 49,5% so với tháng trước, đưa kim ngạch xuất khẩu quý I/2017 đạt 701 triệu USD, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu hạt điều trong tháng đạt được mức tăng trưởng mạnh cả về lượng và trị giá, với 24 nghìn tấn, trị giá 230 triệu USD, tăng 80,1% về lượng và 88% về trị giá so với tháng trước. Qua đó, đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong quý I/2017 đạt 56 nghìn tấn, trị giá 515 triệu USD, giảm 4,6% về lượng nhưng tăng 16,9% về trị giá.

Xuất khẩu cà phê trong tháng đạt 168 nghìn tấn, trị giá 382 triệu USD; tăng 14,8% về lượng và 15,1% về trị giá, đưa kim ngạch xuất khẩu trong 3 tháng/2017 đạt 454 nghìn tấn, trị giá gần 1,03 tỷ USD, giảm 4,3% về lượng, tuy nhiên lại tăng 27,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Gạo xuất khẩu trong tháng đạt 551 nghìn tấn, trị giá 251 triệu USD, tăng 38,8% về lượng và 47,2% về trị giá so với tháng trước, qua đó đưa kim ngạch xuất khẩu gạo 3 tháng/2017 đạt 1,29 triệu tấn, trị giá 565 triệu USD, giảm 17,5% về lượng và 17,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Cao su trong tháng xuất khẩu được 66 nghìn tấn, trị giá 138 triệu USD, giảm 26,8% về lượng và 27,9% về trị giá, đưa kim ngạch xuất khẩu trong quý I của nhóm hàng này đạt 250 nghìn tấn, trị giá 511 triệu USD, tăng 6,7% về lượng tuy nhiên tăng 90,7% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Hàng thủy sản: Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tháng 3/2017 đạt 603 triệu USD, tăng 41,6% tháng trước, qua đó nâng tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 3 tháng/2017 lên 1,51 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến hết tháng 3, hàng thủy sản của Việt Nam tăng trưởng ở hầu hết các thị trường chính trừ thị trường Hoa Kỳ. Cụ thể, xuất sang Nhật Bản: 253 triệu USD, tăng 29,3%; Hoa Kỳ: 251 triệu USD, giảm 14,4%, sang Liên minh Châu Âu (EU): 249 triệu USD, tăng 2,3%; Trung Quốc: 144 triệu USD tăng 20,9% và Hàn Quốc: 141 triệu USD, tăng 26,4%…

Dầu thô: Lượng xuất khẩu dầu thô trong tháng là 470 nghìn  tấn, giảm 11,8%, trị giá là 181 triệu USD, giảm 18,3% so với tháng trước. Tính đến hết tháng 3/2017, lượng dầu thô xuất khẩu của cả nước đạt 1,52 triệu tấn, giảm 16,2% và kim ngạch đạt 637 triệu USD, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm trước.

Dầu thô của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc: 704 nghìn tấn, giảm 39,8%; sang Nhật Bản: 237 nghìn tấn, tăng 206,9%; sang Sing-ga-po: 193 nghìn tấn (cùng kỳ năm 2016 không có lô dầu thô nào được xuất sang quốc gia này)…

Than đá: Xuất khẩu than đá của Việt Nam trong tháng 3/2017 đạt 194 nghìn tấn, tăng 45,2% so với tháng trước, trị giá đạt 30 triệu USD, tăng 31,8%. Trong 3 tháng đầu năm 2017, lượng than đá xuất khẩu là 401 nghìn tấn, tăng 5,1 lần và  đạt trị giá đạt gần 65 triệu USD, tăng 12 lần so với cùng kỳ năm 2016 .

Trung Quốc tiếp tục là đối tác lớn nhất tiêu thụ than đá của Việt Nam với hơn 5 triệu tấn, tăng 4% và chiếm tới 80% tổng lượng xuất khẩu mặt hàng này của cả nước.

Hà Nhi

GIÁ VẬN TẢI BIỂN: VẪN “LỰC BẤT TÒNG TÂM”

(HQ Online)- Giá vận tải biển bao gồm cước và phụ phí luôn là vấn đề “đau đầu” đối với các DN chủ hàng Việt Nam. Biết là vô lý song DN Việt Nam vẫn phải chấp nhận mức giá, phí mà các hãng vận tải biển nước ngoài đưa ra.

Giá vận tải biển vẫn là mối lo ngại lớn đối với DN XNK Việt Nam. Ảnh: Thái Bình.

Luôn tăng cao

Theo Bộ Giao thông vận tải, Việt Nam hiện có hơn 1.800 tàu vận tải biển các loại nhưng chủ yếu chỉ vận tải hàng hóa nội địa và “loanh quanh” trong khu vực Đông Nam Á. Vì thế, 88% thị phần hàng hóa XNK, trong đó gần 100% hàng hóa XNK đi các thị trường như châu Âu, Bắc Mỹ rơi vào tay khoảng 40 hãng tàu biển nước ngoài. Chính sự chênh lệch này đã tạo điều kiện khiến các hãng tàu nước ngoài áp đặt nhiều phụ phí vô lý, giá thành cao mà các DN Việt Nam vẫn phải chấp nhận.

Bên cạnh đó, các DN XNK của Việt Nam thường sử dụng hình thức mua CIF, bán FOB nên quyền thuê phương tiện và đàm phán hợp đồng vận chuyển, thanh toán giá vận chuyển chủ yếu phụ thuộc vào đối tác nước ngoài, điều này khiến cho các khoản phụ thu ngoài giá vận chuyển bằng đường biển thường đổ vào “đầu” các DN XNK trong nước. Nhưng quan trọng hơn là các khoản phụ thu ngoài giá vận chuyển bằng đường biển thường không được quy định rõ ràng trong hợp đồng vận chuyển cũng như hợp đồng thương mại XNK, do đó, các chủ hàng XNK Việt Nam khó có thể xác định các khoản phụ thu có hợp lý hay không.

Qua đối chiếu bảng báo giá và hợp đồng của một số hãng tàu tại nước ngoài cũng như tại Việt Nam thì thấy các loại phụ thu này được thu đồng đều tại cả hai nơi. Điều này có nghĩa là các khoản phụ thu này cũng đều được thu ở các nước theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, việc thu các khoản phụ thu này tại Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, đó là: Không có sự đồng thuận giữa hãng tàu và chủ hàng XNK Việt Nam; không có sự thông báo trước về mức thu cũng như thời gian thu; chưa có cơ quan quản lý các loại phụ thu ngoài giá vận chuyển bằng đường biển…

Đặc biệt, trong một số trường hợp các mức phụ thu được thu bởi hãng tàu nước ngoài cao hơn nhiều so với mức hãng tàu trả cho nhà cung cấp dịch vụ, mà trong đó các chi phí dịch vụ tại cảng địa phương chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi phí của hãng tàu như: Phụ thu điều chuyển container rỗng, phụ thu phụ trội cho hàng nguy hiểm, phụ thu tắc nghẽn cảng, phụ thu vận chuyển hàng nặng, phụ thu mùa cao điểm, phụ thu xếp dỡ container (THC)…

Theo quy định, phụ phí theo cước vận tải biển không thuộc danh mục Biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải do Nhà nước quy định. Các khoản phụ phí theo cước vận tải biển cũng chưa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá của Luật Giá nên việc thu các loại phụ phí này do các hãng tàu nước ngoài đặt ra mà chưa có sự kiểm soát thống nhất của cơ quan quản lý Nhà nước. Hơn nữa, các hãng tàu thu phí cao hơn so với thực tế phải trả cho dịch vụ của cảng biển Việt Nam. Đại diện một DN chuyên về logistics đưa ra dẫn chứng, các hãng tàu không thông qua đàm phán đã đơn phương áp dụng thu phụ phí xếp dỡ container (THC), mức phí này đã tăng dần lên theo từng năm, đặc biệt vào mùa cao điểm, mỗi hãng tàu lại có mức giá khác nhau mặc dù cùng hệ thống cảng biển. Theo đó, hãng tàu W. thu mức phí này cho container thường loại 20 feet là 2.600.000 VND, trong khi một hãng tàu khác thu ở mức 101 USD (tương đương khoảng 2.750.000 VND), trong khi cách đây khoảng vài năm, mức phí này chỉ bằng một nửa. Nhưng có một nghịch lý đáng quan tâm ở đây là mức phí xếp dỡ mà các hãng tàu trả cho cảng chỉ vào khoảng 30-40 USD/container, như vậy, đã và đang có một khoản chênh lệch rất lớn “chui” vào lợi nhuận của các hãng tàu.

Việc thu phí nêu trên còn chưa kể đến nhiều khoản phí rất vô lý, nhưng vẫn được các hãng tàu thu ở mức cao. Một hãng tàu của Hong Kong thu tới 90 HKD (khoảng 260.000 VND) cho phí kẹp chì, gần 9 USD cho phí vệ sinh container, hơn 101 USD cho phụ phí chuyển container rỗng… Theo đó, để vận chuyển một container 20 feet từ Hong Kong về đến Hải Phòng, DN sẽ phải chi trả cho hãng tàu khoảng hơn 1.100 USD.

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Công ty TNHH may Yakjin Việt Nam cho biết, mặc dù giá cước vận tải biển đã có sự thống nhất nhưng các hãng tàu thường tăng phí vô tội vạ, khiến DN phải mất thêm một khoản chi phí, ví dụ như khi giá xăng dầu tăng thì cước phí và một số phụ phí liên quan đến vận tải, xếp dỡ… cũng được đà tăng theo, chưa kể phụ phí chênh lệch giá xăng dầu.

Kỳ vọng vào hành lang pháp lý

Sau một thời gian dài các DN, hiệp hội và nhiều cơ quan bộ, ngành đưa ra nhiều kiến nghị về việc thu phí vô lý của các hãng tàu, các bộ, ngành đã vào cuộc giúp DN xử lý vấn đề này với nhiều hội thảo, họp bàn. Tuy vậy, kết quả nhận được vẫn được đánh giá chưa đáng kể.

Vào tháng 7/2017 tới đây, một số văn bản pháp luật có hiệu lực, hy vọng sẽ chấn chỉnh được phần nào thực trạng trên cho các DN. Ví dụ, khoản 1 điều 149 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 quy định, giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển là khoản tiền trả cho người vận chuyển theo hợp đồng vận chuyển bằng đường biển. Phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển (nếu có) là khoản tiền trả thêm cho người vận chuyển ngoài giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển. Tiếp đó, cũng tại điều này, khoản 2 quy định, DN thực hiện việc niêm yết giá theo quy định của pháp luật về giá và niêm yết phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển theo quy định của Chính phủ. Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ 1/7/2017.

Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 146/2016/NĐ-CP quy định việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển. Theo đó, nội dung niêm yết giá vận chuyển bằng đường biển, phụ thu gồm: Điểm đi và điểm đến của tuyến vận tải; Danh mục và mức giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển, phụ thu tương ứng với tuyến đường vận chuyển và loại hàng hóa được vận chuyển. Thông tin DN kinh doanh vận tải biển hoặc đại lý, DN được ủy quyền niêm yết. Nội dung niêm yết giá dịch vụ tại cảng biển gồm: Thông tin DN cảng biển; biểu giá dịch vụ tại cảng của DN đã thực hiện kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Mức giá niêm yết đã bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có). Các DN kỳ vọng đến tháng 7/2017, Nghị định này có hiệu lực, vấn đề sẽ có chuyển biến tích cực.

Theo lý giải của Bộ Giao thông vận tải, các hãng tàu nước ngoài thu các khoản phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển đối với các DN XNK đã diễn ra từ năm 2011, đặc biệt trong thời gian gần đây, do tính cạnh tranh giữa các hãng tàu cao, các hãng tàu hạ thấp giá vận chuyển và áp dụng việc thu các khoản phụ thu để bù đắp chi phí. Các khoản phụ thu được các hãng tàu đơn phương đưa ra mà không có sự đồng nhất về mức thu, không có sự thông báo trước một khoảng thời gian nhất định (chỉ trước khi tàu đến cảng, chủ hàng mới được thông báo phải nộp các khoản phụ thu),… gây nhiều bức xúc cho các DN XNK. Vì thế, liên Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Công Thương và các đơn vị liên quan đã đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý, giám sát đối với cước vận tải biển và các loại phí, phụ phí.

Một DN ô tô có uy tín chia sẻ với phóng viên, DN đã đàm phán với một hãng tàu nước ngoài để mua thành gói cước bao gồm cả cước và phí vận chuyển đường biển, vì thế, DN không phải trả thêm bất kỳ một khoản phụ thu nào.

Vấn đề này, theo các chuyên gia, sự liên kết của các DN để “đấu tranh” với những bất cập và vô lý của các hãng tàu mới là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay.

Chi Mai

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ LOGISTICS

(HQ Online)- Ngày 12/4, tại lễ phát động triển khai Quyết định 200/QĐ- TTg ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 do Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã tổ chức, các DN kinh doanh dịch vụ logistics đã cùng nhau bàn thảo nhiều nội dung để phát triển dịch vụ này. 

Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Hiệp Phước- Nhà bè TP.HCM. Ảnh: Thu Hòa

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA cho biết, tháng 2/2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Đây là lần đầu tiên ngành dịch vụ logistics có kế hoạch hành động quốc gia về dịch vụ logistics một cách toàn diện nhằm đưa ngành dịch vụ logistics – một ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao lên một bước mới hiện đại và mở rộng. 

Theo kế hoạch này, mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Theo Kế hoạch, có 6 nhóm nhiệm vụ chủ yếu gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; Hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics; Nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; Phát triển thị trường dịch vụ logistics; Đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực…

Trong đó, sẽ hoàn thiện chính sách, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng logistics; tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài để mở rộng kết nối hạ tầng logistics; đầu tư mở rộng hạ tầng logistics nhằm kết nối các cảng của Việt Nam với các nước láng giềng; tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm logistics loại I tại khu vực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm logistics loại II…

Tại lễ phát động, các đại biểu tham dự hội nghị là đại diện các DN kinh doanh dịch vụ logistics, các DN cảng biển, các nhà XNK… đã tập trung thảo luận về các nội dung nhằm nhanh chóng khắc phục những điểm yếu hiện nay của ngành dịch vụ logistics. 

Đó là sự liên kết nội bộ các DN cung cấp dịch vụ logistics cà các DN sử dụng dịch vụ này; làm sao gia tăng tỷ lệ giá trị thuê ngoài của các DN XNK, các nhà sản xuất bởi tỷ lệ này hiện nay còn rất thấp, mới chỉ chiếm khoảng 15-20%… 

Theo ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn kinh tế tư nhân, việc tăng cường tỷ trọng thuê ngoài trong thời điểm này rất đúng lúc. Bởi vì, hiện nay rất nhiều dịch vụ logistics phân tán, thị trường phân tán… không theo chuỗi, nên các DN rất khó tiếp cận. Chính vì thế dẫn đến tình trạng dịch vụ thuê ngoài đang có tỷ trọng thấp. “Hiện nay thông tin là chìa khóa quyết định thành công, chính vì thế, các DN thuộc 2 phía (phía cung cấp và phía sử dụng) phải tìm được tiếng nói chung, thông tin, cung cấp dịch vụ cho nhau”- ông Đào Huy Giám đưa ra đề xuất. . 

Đứng về phía các DN chủ hàng sử dụng dịch vụ logistics, ông Phan Thông, Tổng thư ký hiệp hội chủ hàng cho rằng, chủ hàng thường lo lắng về chi phí và chất lượng dịch vụ logistics. Hiện nay, cơ quan Hải quan đã cho phép đại lý hải quan được thay mặt chủ hàng kí và đóng dấu trên tờ khai hải quan, chịu trách nhiệm pháp lý, nhưng trên thực tế có rất ít đại lý hải quan làm việc này. Các đại lý thường chỉ làm phần dịch vụ khai thuê, còn các dịch vụ về đóng thuế, chịu trách nhiệm đối pháp lý đối với hàng hóa XNK thì vẫn do chủ hàng chịu trách nhiệm. Theo ông Thông, như vậy, các DN làm dịch vụ đại lý hải quan chỉ muốn làm phần đơn giản, thông thường sẽ chia ra nhiều phân khúc trong dịch vụ, không hấp dẫn chủ hàng…

Theo Ban tổ chức, cả nước hiện nay có khoảng 3.000 DN kinh doanh dịch vụ logistics, trong đó có 1.300 DN hoạt động tích cực trên thị trường. Có 30 DN cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam. 

Các chuyên gia cho rằng, lợi thế phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam rất lớn, nếu các DN trong nước không liên kết để phát triển thì “Miếng bánh ngon” này sẽ về tay các DN có vốn đầu tư nước ngoài./.  

Lê Thu

NHỮNG TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC MIỄN KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG THỨC ĂN CHĂN NUÔI, THỦY SẢN NHẬP KHẨU

Tại Nghị định số 39/2017/NĐ-CP ngày 04/4/2017 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản đã quy định các trường hợp miễn và miễn có thời hạn kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi thủy sản nhập khẩu.

 

Theo đó, các trường hợp được miễn kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi thủy sản (TACN) nhập khẩu, bao gồm:

 
 
 

TACN tạm nhập tái xuất; TACN quá cảnh, chuyển khẩu; TACN gửi kho ngoại quan; TACN là hàng mẫu tham gia các hội chợ, triển lãm; TACN là mẫu phân tích tại các phòng thử nghiệm; TACN là mẫu để thử nghiệm, kiểm nghiệm, khảo nghiệm.

 
 
 

Việc miễn kiểm tra chất lượng có thời hạn được áp dụng đối với lô hàng nhập khẩu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

 
 
 

Là TACN nhập khẩu cùng loại do cùng cơ sở sản xuất, của cùng đơn vị NK đã có giấy xác nhận chất lượng của 05 lô hàng NK liên tiếp theo chế độ kiểm tra thông thường; hoặc 03 lô hàng NK liên tiếp theo chế độ kiểm tra giảm có thời hạn trong thời gian không quá 12 tháng trước đó.

 
 
 

Việc miễn kiểm tra chất lượng có thời hạn không áp dụng đối với các sản phẩm thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh.

 
 
 

Trong thời hạn được miễn kiểm tra chất lượng có thời hạn, cơ quan kiểm tra nhà nước hoặc tổ chức chỉ định được giao nhiệm vụ giám sát hàng hóa theo chế độ miễn kiểm tra chất lượng có thời hạn có thể tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên hàng hóa NK theo chế độ kiểm tra thông thường hoặc kiểm tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm về chất lượng sản phẩm.

 
 
 

Nếu phát hiện sản phẩm không đảm bảo chất lượng thì tiến hành các biện pháp xử lý như đối với những lô hàng vi phạm chất lượng và kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấm dứt ngay việc miễn kiểm tra chất lượng có thời hạn tại thời điểm đó và chuyển sang chế độ kiểm tra chặt.

 
 
 

Tổ chức, cá nhân NK có thức ăn chăn nuôi, thủy sản đáp ứng các yêu cầu miễn kiểm tra chất lượng có thời hạn nêu trên gửi hồ sơ về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 
 
 

Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau: Đơn đề nghị miễn kiểm tra chất lượng TACN có thời hạn; Giấy xác nhận chất lượng của 05 lô hàng liên tiếp đạt yêu cầu theo chế độ kiểm tra thông thường hoặc giấy xác nhận chất lượng của 03 lô hàng liên tiếp đạt yêu cầu theo chế độ kiểm tra giảm có thời hạn (bản sao chụp có xác nhận của đơn vị NK).

 
 
 

Tổ chức, cá nhân NK có trách nhiệm gửi bản sao chứng thực văn bản áp dụng chế độ miễn kiểm tra chất lượng có thời hạn đến tổ chức được chỉ định để xác nhận việc miễn kiểm tra vào giấy đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng cho từng lô hàng nhập khẩu làm điều kiện để thông quan hàng hóa.

Nguồn: https://www.customs.gov.vn/

ÚC THAY ĐỔI ĐIỀU KIỆN NHẬP KHẨU MẶT HÀNG GỖ VÀ SẢN PHẨM TỪ GỖ

Thương vụ Việt Nam tại Úc vừa có thông báo sẽ thay đổi điều kiện nhập khẩu mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ vào nước này từ ngày 19/4/2017.

 

Cụ thể là thay đổi khung thời gian trong việc xuất khẩu sau khi xử lý đối với gỗ chưa gia công và thay đổi về các yêu cầu chứng từ đối với các mặt hàng bằng gỗ.

 

Theo đó, điều kiện nhập khẩu thay đổi đối với gỗ và các sản phẩm từ gỗ bao gồm: Thời gian cho phép từ khi xử lý đến khi xuất khẩu gỗ chưa gia công từ tất cả các quốc gia là 90 ngày; các sản phẩm gỗ tái tạo và gỗ ép, tấm dán và các sản phẩm khác được đưa vào danh sách các mặt hàng từ gỗ đã được gia công cao.

 

Đây là danh sách các mặt hàng được coi là có rủi ro an toàn sinh học thấp. Danh sách này cũng bao gồm các sản phẩm từ gỗ có độ dày và chiều rộng nhỏ hơn 4mm.

 

Các mặt hàng được nêu trong danh sách này chỉ yêu cầu nộp chứng từ thương mại để chứng minh an toàn sinh học.

 

Kể từ ngày 01/9/2017, Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Úc sẽ tăng thời gian cho phép từ khi xử lý đến khi xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ từ 21 ngày lên 6 tháng.

 

Bộ cũng yêu cầu các sản phẩm từ gỗ phải kèm theo tờ khai bổ sung của nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp ghi rõ hàng hóa này được lưu giữ để tránh rủi ro tái nhiễm sâu bệnh giữa giai đoạn xử lý và xuất khẩu.

 

Tờ khai bổ sung đối với các sản phẩm từ gỗ xác nhận các nhà sản xuất/cung cấp đã sử dụng một hoặc tất cả các biện pháp dưới đây để quản lý rủi ro tái nhiễm:

 

– Cơ sở sản xuất/kho bãi sạch sẽ và không có sâu bệnh;

 

– Một hệ thống quản lý hoặc quy trình tại chỗ nhằm duy trì việc cơ sở sản xuất/kho bãi không có sâu bệnh;

 

– Một quy trình xử lý việc nhiễm bệnh tại cơ sở sản xuất/kho bãi;

 

– Tách nơi lưu giữ gỗ đã xử lý hoặc các sản phẩm đã gia công khỏi nơi lưu giữ gỗ chưa qua xử lý;

 

 – Một quy trình đóng gói đảm bảo hàng hóa được bảo vệ khỏi việc tái nhiễm sâu bệnh.

 

Để chứng minh sự tuân thủ các yêu cầu này thì trên tờ khai bổ sung của các nhà sản xuất/cung cấp cần nêu rõ hàng hóa đã được lưu giữ sau khi xử lý để giảm thiểu nguy cơ tái nhiễm. 

Nguồn: https://www.customs.gov.vn/

HỖ TRỢ HỢP CHUẨN ĐỂ THÚC ĐẨY XUẤT KHẨU THỦ CÔNG MỸ NGHỆ

(HQ Online)- Ngày 11/4, tại TP.HCM, Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) phối hợp cùng Quỹ châu Á, Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc tổ chức Hội thảo cập nhật hợp chuẩn của doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ để đẩy mạnh xuất khẩu.

Khách hàng quốc tế ngày càng yêu cầu nhiều hơn về các quy định hợp chuẩn. Ảnh: ST

Sau gần 3 năm thực hiện, được sự hỗ trợ của Quỹ châu Á, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, trên cơ sở khảo sát khách hàng nhập khẩu và doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ, tiến hành các hoạt động can thiệp, Vietcraft đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống hợp chuẩn và chuẩn đoán hợp chuẩn trực tuyến cho các doanh nghiệp thuộc ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam.

Ông Filip Graovac, Phó Trưởng đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam cho biết, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, để đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, các nhà nhập khẩu ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề hợp chuẩn.

Nếu trước đây các vấn đề hợp chuẩn chỉ thường là các yêu cầu về mặt chất lượng thì ngày nay các vấn đề hợp chuẩn được mở rộng rất nhiều bao gồm cả các vấn đề xã hội, môi trường, thậm chí cả các vấn đề an ninh. Trước thực tế đó, các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ của Việt Nam, đa số là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần có kế hoạch và chiến lược phù hợp để thích ứng tốt hơn với các yêu cầu đó mặc dù đây là vấn đề không đơn giản do doanh nghiệp cần có sự đầu tư về nguồn lực và duy trì các chứng chỉ sau khi đã đạt được hợp chuẩn.

Khảo sát trong năm 2016 của Vietcraft đối với 100 nhà nhập khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam cho thấy, có 67,4% nhà nhập khẩu yêu cầu nhà cung cấp Việt Nam yêu cầu hợp chuẩn từ 1-5 năm gần đây. Ngoài ra, 100% khách hàng đồng ý rằng trong 5 năm tới ít nhất 30% nhà cung cấp phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về hợp chuẩn, 75% khách hàng đòi hỏi ít nhất 50% các nhà cung cấp của họ phải đáp ứng hợp chuẩn.

Hiện hầu hết khách hàng đều tự đánh giá nhà cung cấp theo tiêu chuẩn riêng của họ (như IKEA, Walmart, Target…) hoặc tham gia vào một tổ chức được công nhận rộng rãi như Better Work, SA8000, ICS, BSCI, SMETA… Nhưng gần đây, một số khách hàng ở Mỹ như Walmart cũng đang có xu hướng chấp nhận các chuẩn như BSCI hoặc SMETA mà không phải đánh giá lại trách nhiệm xã hội.

Trong khi đó, khảo sát của Vietcraft đối với các công ty thủ công mỹ nghệ của Việt Nam cũng cho thấy chỉ khoảng 73% doanh nghiệp hiểu về các quy định của hợp chuẩn. Tỷ lệ này đạt cao hơn ở phía Nam với 94% doanh nghiệp, trong khi tại phía Bắc và miền Trung chỉ đạt 52%.

Ông Nguyễn Bá Ngọc, Phó Chủ tịch Vietcraft cho biết, doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ của Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng hợp chuẩn do hệ thống luật pháp Việt Nam chưa hoàn thiện, không đồng bộ và nằm rải rác. Nhiều mục khách hàng yêu cầu lại không có quy định trong luật pháp Việt Nam. Sản xuất hàng còn phụ thuộc nhiều vào làng nghề, khó khăn trong việc quản lý sản xuất và đáp ứng yêu cầu hợp chuẩn. 

Nhà cung cấp cũng gặp khó khăn trong việc bố trí nhân sự phụ trách hợp chuẩn; các chi phí để quy trì hệ thống hợp chuẩn còn rất cao, bao gồm khám sức khỏe, đo môi trường, xử lý chất thải… Theo ông Ngọc, các chi phí này có thể lên tới 100 triệu đồng/năm, gây khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ.

Tiêu chí đánh giá của khách hàng cũng khác nhau. Việc đánh giá của các đánh giá viên cũng có sự khác nhau giữa các công ty đánh giá, giữa các nhận viên trong cùng công ty đánh giá về cùng một vấn đề. Đặc biệt, mặc dù phải tốn kém nhiều chi phí và công sức để áp dụng hợp chuẩn, nhưng nhiều trường hợp khách hàng không có sự cam kết ổn định về đơn hàng, chỉ đặt 1 – 2 đơn hàng rồi ngưng dẫn tới tâm lý chán nản khi thực hiện hợp chuẩn của doanh nghiệp Việt Nam.

Trước thực tế đó, ông Ngọc cho rằng giải pháp sắp tới là cần tiếp tục mở rộng các hoạt động tư vấn, đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp. Đồng thời, cần có sự liên kết giữa các nhà cung cấp để có thể sử dụng một chứng chỉ của một nhà cung cấp xuất ủy thác cho nhiều nhà cung cấp. Các doanh nghiệp cũng cần đàm phán với các tập đoàn có yêu cầu hợp chuẩn từ nhà cung cấp, yêu cầu cam kết về nguồn hàng để có sự cam kết ổn định về đơn hàng…

Từ năm 2014, Vietcraft đã triển khai dự án “Nâng cao năng lực các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam nhằm hỗ trợ các hội viên của mình và góp phần xây dựng chính sách dựa trên thực tế” do Quỹ châu Á tài trợ. Đây là một phần dự án Hiệp hội doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vì sự phát triển năng động và toàn diện tại Việt Nam do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tài trợ.
Đến nay, sau 3 năm triển khai, dự án đã xây dựng hệ thống hợp chuẩn cho các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Hệ thống được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản về tiêu chuẩn chất lượng, sinh thái và xã hội của các quy định hợp chuẩn quốc tế. Nguyên tắc xuyên suốt của bộ tiêu chí này dựa trên các nguyên tắc của sản xuất bền vững đã được Tổ chức lao động quốc tế (ILO), Cơ quan phát triển môi trường Liên hiệp quốc (UNEP), Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) thông qua. Phát triển bền vững bao gồm yếu tố bền vững từ sản xuất đến tiêu dùng, từ bền vững về nguyên liệu, bền vững về quá trình sản xuất, bền vững về phân phối, bền vững về tiêu thụ của người tiêu dùng và bền vững sau khi sản phẩm hết tuổi thọ.

 

Nguyễn Hiền

Ô TÔ NHẬP KHẨU ĐẢO CHIỀU, GIẢM MẠNH

(HQ Online)- Ô tô nguyên chiếc nhập khẩu, nhất là ô tô dưới 9 chỗ ngồi đã có chiều hướng quay đầu giảm mạnh sau thời kỳ tăng trưởng được xem là rất nóng những ngày đầu năm.

Biểu đồ tương quan số lượng, trị giá kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc và dòng xe dưới 9 chỗ ngồi quý I/2016 và quý I/2017. Biểu đồ: T.Bình.

Thông tin rất đáng chú ý trên xuất hiện trong bản thống kê mới nhất về hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 3/2917 vừa được Tổng cục Hải quan công bố.

Theo đó, trong nửa cuối tháng 3, cả nước chỉ còn nhập 4.847 ô tô nguyên chiếc các loại, trong đó ô tô dưới 9 chỗ ngồi là 1.900 chiếc.

Các số liệu trên đều có sự giảm mạnh so với 15 ngày đầu tháng 3. Cụ thể, số lượng ô tô, nhập khẩu nửa đầu tháng 3 nhiều hơn 1.501 xe, trong đó, riêng dòng xe dưới 9 chỗ ngồi nhiều hơn tới 2.902 xe.

Nửa cuối tháng 3, chỉ có dòng xe tải là có sự tăng trưởng so với 15 ngày đầu tháng, đạt số lượng 2.429 xe, tăng 1.084 xe.

Như vậy, hết quý I, cả nước nhập khẩu 26.506 ô tô nguyên chiếc các loại với tổng giá trị kim ngạch đạt gần 488 triệu USD, tăng 11.477 xe so với cùng kỳ năm 2016, trị giá kim ngạch tăng thêm 111 triệu USD.

Riêng dòng xe dưới 9 chỗ ngồi tăng 10.621 xe, trị giá kim ngạch tăng thêm 137 triệu USD.

Các thị trường nhập khẩu ô tô lớn của Việt Nam tập trung ở khu vực châu Á, khi cả 5 quốc gia có số lượng nhập khẩu từ 1 nghìn xe trở lên đều nằm ở châu lục này. Trong đó Thái Lan đạt 10.050 xe; Ấn Độ đạt 4.798 xe; Indonesia đạt 4.409 xe; Hàn Quốc đạt 2.964 xe; Nhật Bản đạt 1.053 xe.

Thái Bình 

TĂNG GIÁM SÁT TRỰC TUYẾN, “PHANH PHUI” HÀNG NGHÌN VỤ VI PHẠM

(HQ Online)- Trong số hơn 3.000 vụ việc mà lực lượng Hải quan “phanh phui” trong quý I/2017 có nhiều vụ liên quan đến hàng cấm như ma túy, lá Khat, ngà voi, vẩy tê tê. Đáng chú ý hàng cấm thời gian này xuất hiện đều khắp trên các tuyến.

Việc giám sát trực tuyến trên ba cấp đạt hiệu quả cao. Trong ảnh: Hoạt động giám sát trực tuyến của lực lượng Hải quan tại nhà ga quốc tế sân bay Nội Bài. Ảnh: Hữu Linh.

Theo Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong quý I/2017 có diễn biến phức tạp do nhu cầu hàng hóa tiêu dùng của người dân tăng cao. Không chỉ xuất hiện các loại hàng vi phạm như đồ điện dân dụng, mỹ phẩm, rượu, bia, bánh, kẹo, nước ngọt, đường kính, pháo nổ các loại, thuốc lá điếu… được bắt giữ qua khu vực sông, đường mòn, lối mở biên giới mà còn phát sinh các vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, lá Khat, mặt hàng thuộc danh mục CITES như vẩy tê tê, ngà voi… qua đường hàng không, cảng biển.

Đơn cử như trên tuyến hàng không, thực hiện Kế hoạch số 1026/KH-TCHQ ngày 21/2/2017 của Tổng cục Hải quan về việc rà soát, phân loại, kiểm tra, khám xét và xử lý các lô hàng tồn và những lô hàng rủi ro cao vận chuyển qua tuyến hàng không, lực lượng kiểm soát Hải quan đã triển khai quyết liệt và đã phát hiện, kiểm tra, bắt giữ một số vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới với phương thức thủ đoạn cất giấu tang vật vi phạm trong hành lý nhập khẩu; gửi hàng hóa, bưu kiện  từ nước ngoài vào Việt Nam qua kho hàng Cảng hàng không quốc tế với tên hàng hóa sai với thực tế. Nổi lên trong quý I là tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng cấm như súng hơi và đạn súng hơi, cây lá Khát, mặt hàng thuộc danh mục CITES như vẩy tê tê và ngà voi, mỹ phẩm… Địa bàn trọng điểm là kho hàng, nhà ga sân bay quốc tế Nội Bài, kho hàng Gia Lâm, ICD Mỹ Đình, Trạm trả hàng Fedex (Hà Nội); kho hàng nội địa sân bay Tân Sơn Nhất, chuyển phát nhanh Fedex, DHL, Bưu điện trung tâm TP. Hồ Chí Minh; sân bay quốc tế Đà Nẵng. Các chuyến bay trọng điểm như: Tuyến bay xuất đi Úc, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc, các tuyến bay nhập cảnh từ Thái Lan, Lào, Campuchia, Hồng Kông, Pháp, Mỹ, Đức, Ấn Độ, Pakistan, Malaysia, các nước châu Phi; các điểm phát chuyển nhanh thuộc quản lý của Chi cục Chuyển phát nhanh.

Điển hình, cuối tháng 2/2017, lực lượng Hải quan phát hiện 4 bọc hàng chứa tổng số 322kg vẩy tê tê “đội lốt” văn phòng phẩm nhập khẩu. Lô hàng trên thuộc vận đơn 176-67987684 vận chuyển từ Nigeria về sân bay quốc tế Nội Bài ngày 25/2/2017. Cùng thời điểm này, lực lượng Hải quan kiểm tra 7 lô hàng, trong đó có lô hàng vận chuyển từ Kenya về sân bay quốc tế Nội Bài chứa 340 kg lá khô nghi là lá Khat. Kết quả giám định các mẫu vật lá khô đều có chứa các chất: Cathinone và Cathine (nằm trong Danh mục các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội tại Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ-PV).

Không chỉ xuất hiện trên tuyến hàng không, lần đầu tiên tại khu vực cảng biển (tại cảng Tân Vũ-Hải Phòng, Cục Hải quan Hải Phòng phối hợp với Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (Đội 1- Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) và Công an TP. Hải Phòng đã tiến hành mở kiểm tra container chứa 353 kiện hàng chứa lá Khat, tổng trọng lượng ước tính khoảng 2,8 tấn.

Để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, thời gian tới, lực lượng Kiểm soát Hải quan tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ hải quan để chủ động phòng ngừa, phát hiện, bắt giữ và xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan. Cụ thể, tăng cường nhân lực, năng lực cho bộ phận thu thập thông tin, giám sát qua các hệ thống điện tử; phát huy tối đa hiệu quả việc sử dụng phương tiện trong việc giám sát trực tuyến trên ba cấp đạt hiệu quả cao. Trong đó, lực lượng Hải quan tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, nhập lậu hàng hóa thuộc Danh mục CITES, vũ khí, chất nổ và hàng cấm khác.

Đồng thời, trong công tác thu thập thông tin, dự báo tình hình hoạt động buôn lậu, Cục Điều tra chống buôn lậu tăng cường công tác cảnh báo, dự báo trên cơ sở tài liệu có được trong và ngoài nước (tài liệu do Hải quan các nước, WCO, RILO A/P cung cấp) để thường xuyên đưa ra các cảnh báo về các vụ việc nổi cộm, các vụ án điểm, các phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền SHTT và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới để phổ biến trong toàn Ngành. Chú trọng đưa ra các dự báo về dấu hiệu, mặt hàng trọng điểm, đối tượng trọng điểm, tuyến đường, địa bàn… để cung cấp cho các đơn vị nghiệp vụ và toàn lực lượng kiểm soát hải quan.

Quý I/2017, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý tổng số 3.147 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước trên 66 tỷ đồng, thu ngân sách đạt  hơn 33 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động bán, vận chuyển trái phép ma túy, chất gây nghiện và cây tạo ảo giác (lá Khat), cây và quả Anh túc… trên tuyến đường bộ và tuyến hàng không, đường biển với số lượng lớn và hoạt động có tính chất xuyên quốc gia. Địa bàn trọng điểm gồm: Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, TP. HCM, Tây Ninh, An Giang…
Quang Hùng

XUẤT, NHẬP KHẨU CÙNG TĂNG TRƯỞNG MẠNH, VƯỢT 91 TỶ USD

(HQ Online)- 91,212 tỷ USD là tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong quý I/2017, theo thông tin Tổng cục Hải quan vừa công bố chiều nay (ngày 10/4).
Biểu đồ trị giá kim ngạch xuất khẩu 5 nhóm hàng lớn nhất, tính hết quý I, đơn vị tính “tỷ USD”. Biểu đồ: T.Bình.

Đáng chú ý, cả xuất khẩu và nhập khẩu đều có mức tăng trưởng cao hai con số, một hình ảnh đầy lạc quan và khác biệt so với sự ì ạch của quý I/2016

Trong đó, xuất khẩu cả nước đạt tổng giá trị 44,638 tỷ USD, tăng trưởng 15,1% so với cùng kỳ, tương đương con số tăng thêm 5,858 tỷ USD.

Hết quý I ghi nhận cả nước có 9 nhóm hàng hóa xuất khẩu đạt trị giá kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Trong đó dẫn đầu tiếp tục là điện thoại và linh kiện đạt 7,774 tỷ US. Các vị trí tiếp theo có thể kể đến là: Dệt may đạt 5,623 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 5,519 tỷ USD; giày dép các loại đạt 3,118 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện đạt 2,906 tỷ USD…

Đặc biệt, trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực ngoại trừ điện thoại và linh kiện có mức tăng trưởng âm (giảm 6,1% so với cùng kỳ); các nhóm hàng còn lại đều có sự tăng trưởng khá như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng tới 47,8%; cà phê tăng 27,5%; gỗ và sản phẩm tăng 17,1%; hạt điều tăng 16,9%; giày dép tăng 11,9%; dệt may tăng 10%…

Ở chiều nhập khẩu, sự tăng trưởng còn manh mẽ hơn với con số 24,9% so với cùng kỳ năm 2016, đạt trị giá kim ngạch 46,574 tỷ USD. Trong đó máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng là nhóm hàng dẫn đầu với trị giá kim ngạch đạt 8,071 tỷ USD. Kế đến là các mặt hàng: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 7,603 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện đạt 2,934 tỷ USD; sắt thép các loại đạt 2,539 tỷ USD; vải đạt 2,346 tỷ USD…

Như vậy, hết quý I/2017, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu nói chung của cả nước tăng thêm 15,155 tỷ USD so với năm 2016.

Thái Bình