Trước đó, Tổng cục Hải quan đã có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc một mặt hàng (sữa bột đóng hộp) do hai bộ cùng quản lý.
Cụ thể là trường hợp Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tân Nhật Minh làm thủ tục nhập khẩu mặt hàng sữa bột đóng hộp dành cho trẻ em nhãn hiệu Pediasure của Úc, đóng trong hộp sắt tráng thiếc, 800g/hộp, bao bì đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế. Lô hàng sữa bột trên đã được chứng nhận hợp quy và kiểm tra chất lượng của Bộ Y tế trước khi thông quan.
Căn cứ Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm trên cạn thì sản phẩm sữa bột đóng hộp thuộc diện phải kiểm dịch động vật.
Trong khi căn cứ Quyết định số 3648/QĐ-BCT ngày 8-9-2016 của Bộ Công Thương về việc công bố Danh mục sản phẩm hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra việc đảm bảo chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm trước khi thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương thì mặt hàng sữa bột đóng hộp thuộc diện phải kiểm tra an toàn thực phẩm trước khi thông quan.
Như vậy, căn cứ hai văn bản hướng dẫn trên, đối với mặt hàng sữa bột đóng hộp vừa thuộc diện kiểm dịch, vừa thuộc diện phải kiểm tra an toàn thực phẩm.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế đề nghị: Đối với mặt hàng thực phẩm đã qua chế biến sâu (như: Sữa chua, thực phẩm đóng hộp…) vừa thuộc diện kiểm dịch, vừa thuộc diện phải kiểm tra an toàn thực phẩm, doanh nghiệp chỉ cần xuất trình một trong hai chứng từ để thông quan hàng hóa.
Phản hồi ý kiến của cơ quan Hải quan và DN, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, theo quy định tại khoản 3 Điều 37 Luật Thú y giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục động vật, sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT quy định kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn, theo đó sản phẩm sữa thuộc diện phải kiểm dịch.
Lý giải về điều này, Cục Thú y nêu những quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm Codex về chứng nhận kiểm dịch sữa và sản phẩm sữa trong thương mại quốc tế; thỏa thuận về yêu cầu vệ sinh thú y đối với Mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch XK sữa và sản phẩm sữa (gồm cả sữa chế biến) từ các nước vào Việt Nam.
Hiện nay, việc kiểm dịch sữa và sản phẩm sữa do cơ quan thú y tại cửa khẩu thực hiện. Việc kiểm dịch gồm: Kiểm tra các nội dung chứng nhận trong Giấy chứng nhận kiểm dịch có đúng với nội dung đã thỏa thuận hay không; kiểm tra cảm quan và các chỉ tiêu vệ sinh thú y gồm các vi sinh vật truyền lây giữa người và động vật; hoặc tùy vào tình hình dịch bệnh của nước XK để kiểm tra.