Danh sách các sổ tay nghiệp vụ cơ bản được Tổng cục Hải quan ban hành tại Quyết định 977/QĐ-TCHQ về việc ban hành Kế hoạch xây dựng sổ tay nghiệp vụ năm 2017.
Theo đó, trong giai đoạn 1, Tổng cục Hải quan sẽ xây dựng sổ tay nghiệp vụ cơ bản ở các lĩnh vực như: Giám sát quản lý; thuế XNK; kiểm tra sau thông quan; quản lý rủi ro; chống buôn lậu; pháp chế; kiểm định hải quan.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực giám sát quản lý sẽ xây dựng các sổ tay thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa XNK (cấp chi cục hải quan), phần: Kỹ năng kiểm tra hồ sơ hải quan và xử lý kết quả kiểm tra, kỹ năng kiểm tra thực tế hàng hóa và xử lý kết quả kiểm tra; sổ tay giám sát hải quan (cấp chi cục hải quan).
Trong lĩnh vực thuế sẽ xây dựng sổ tay thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa XNK (cấp chi cục hải quan), phần: kỹ năng kiểm tra xác định trị giá tính thuế, kỹ năng phân loại hàng hóa XNK, kỹ năng áp dụng mức thuế đối với hàng hóa XNK; sổ tay quản lý thuế (cấp chi cục hải quan): Kỹ năng thực hiện nghiệp vụ chính sách thuế đối với hàng hóa XNK.
Đối với lĩnh vực kiểm tra sau thông quan, sẽ xây dựng sổ tay nghiệp vụ kiểm tra sau thông quan cấp Tổng cục.
Trong lĩnh vực quản lý rủi ro, các sổ tay được xây dựng gồm: Quản lý tiêu chí quản lý rủi ro; thực hiện đánh giá tuân thủ DN; quản lý, vận hành hệ thống thông tin quản lý rủi ro; tham mưu thực hiện về công tác quản lý tuân thủ (cấp Cục); quản lý hệ thống thông tin quản lý rủi ro (cấp Cục); quản lý rủi ro (cấp chi cục).
Lĩnh vực điều tra chống buôn lậu xây dựng các sổ tay: Tham mưu nghiệp vụ kiểm soát hải quan; tham mưu xử lý vi phạm; kiểm soát chống buôn lậu hàng hóa; kiểm soát bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và chống hàng giả; kiểm soát chống buôn lậu ma túy.
Trong lĩnh vực pháp chế sẽ xây dựng sổ tay xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại (cấp cục hải quan); lĩnh vực kiểm định hải quan xây dựng sổ tay kiểm định hải quan.
Trong giai đoạn 2, ngành Hải quan sẽ triển khai ứng dụng các sổ tay nghiệp vụ nêu trên trong toàn ngành.
Hiện nay, Tổng cục Hải quan đã ban hành các quy trình nghiệp vụ, quy định các bước cần thực hiện đối với các nghiệp vụ cơ bản của Ngành. Theo xu thế quản lý mới, việc tổ chức công việc được thực hiện theo từng vị trí việc làm. Mỗi vị trí việc làm đều có bản mô tả công việc trong đó nêu rõ công chức hải quan phải làm gì, phải phối hợp, phải liên hệ với ai trong quá trình xử lý công việc.
Mỗi công chức tại một vị trí việc làm thường phải thực hiện một bước/một số bước của một hoặc nhiều quy trình, toàn bộ một hoặc nhiều quy trình nghiệp vụ khác nhau.
Việc xây dựng sổ tay nghiệp vụ cho từng vị trí việc làm với nội dung quy định cụ thể các thao tác phải thực hiện tại vị trí việc làm đó đi kèm với cơ sở dữ liệu bao gồm hệ thông kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và bài học kinh nghiệm liên quan là cơ sở giúp công chức hải quan thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Đồng thời đây cũng là cơ sở để giám sát kiểm tra, kiểm soát hiệu quả công việc.