TÌM GIẢI PHÁP ‘NÂNG CÁNH’ VẬN TẢI HÀNG KHÔNG

(Chinhphu.vn) – Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường châu Á có mức tăng trưởng về vận tải hàng không nhanh nhất thế giới và cần thúc đẩy lĩnh vực này phát triển đúng tầm.

Ảnh: VGP/Thanh Thủy

Đó là nhận xét chung của nhiều đại biểu trong nước và quốc tế tại Hội nghị và Triển lãm quốc tế “ Hậu cần vận tải hàng không Việt Nam” do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam và Cục Hàng không Việt Nam tổ chức ngày 22/4 tại TPHCM.

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), trong giai đoạn 2013 – 2017, Việt Nam xếp thứ 7 trong số những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới với tỷ lệ vận chuyển hành khách quốc tế đạt 6,9%; vận chuyển hàng hóa quốc tế đạt 6,6%.

Tính đến hết năm 2016, ngành hàng không Việt Nam đã thu hút 50 hãng hàng không thế giới đến từ 25 quốc gia đến khai thác các chuyến bay.

Trong những năm qua Chính phủ Việt Nam đã dành một phần lớn ngân sách và nguồn vốn ODA để đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông nhằm tạo thuận lợi cho vận tải hàng hóa và dịch vụ logistics phát triển. Hệ thống sân bay đang ngày được nâng cấp và đầu tư mở rộng với quy mô lớn, có trang thiết bị xếp dỡ hiện đại.

Đặc biệt, những chính sách vĩ mô của Chính phủ cùng các đổi mới của các ngành liên quan như giao thông vận tải, hải quan, thuế…, đã và đang mở đường cho ngành logistics nói chung và ngành hậu cần vận tải hàng không phát triển. 

Ông Đỗ  Xuân Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Tổng giám đốc Vietjet Cargo cho biết do xuất khẩu ngày càng tăng nên nhu cầu vận tải hàng không cho xuất khẩu tăng mạnh.

Lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không nội địa cũng tăng nhanh. Năm 2016, trong tổng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không (đạt 1,4 triệu tấn), thì hàng hóa vận chuyển trong nước chiếm phần lớn (gần 1 triệu tấn). Trong đó, có những khách hàng như Viettel đạt trên 60 tấn/tuần, VNPT gần 100 tấn/tuần….

Mặc dù là một ngành đầy tiềm năng nhưng hiện nay vận tải hàng không chưa phát triển đúng tầm với những tiềm năng đang có.

Nguyên nhân theo ông Đỗ Xuân Quang là chưa có sự liên kết chặt chẽ tạo ra một chuỗi cung ứng logistics. Bên cạnh đó, việc kết nối sản xuất với tiêu dùng, kết nối các phương tiện vận tải… cũng là điểm yếu của ngành hàng không Việt Nam hiện nay.

Ngành vận tải hàng không Việt Nam cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức do khủng hoảng kinh tế thế giới chưa được khôi phục hoàn toàn ở các thị trường lớn như Mỹ, EU; giá xăng dầu dao động ở biên độ lớn; thị trường còn phụ thuộc theo mùa…

Ngoài ra, các hãng hàng không nội địa dù đã có mức tăng trưởng nhanh nhưng chưa đủ năng lực cạnh tranh với hãng hàng không quốc tế ở những đơn hàng lớn; bến bãi, đường bay còn nhỏ hẹp, quá tải…

Ông Stanlay Lim, Giám đốc quản lý hàng hóa khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IATA cho rằng xu hướng vận chuyển bằng đường hàng không đang ngày một tăng. Chính vì vậy, ngành hàng không Việt Nam cần áp dụng các tiến bộ của công nghệ như thương mại điện tử vào quản lý, vận hành, kinh doanh, vì đây đang là xu hướng của ngành vận tải hàng không và của cả thị trường thế giới, vì nếu áp dụng sẽ giảm được chi phí logistics.

Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Hãng hành không Turkish Airline Huseyin Ceyhan cho rằng chuỗi logistics không chỉ nâng cao giá trị về lợi nhuận cho DN, mà còn giúp các DN vận tải hàng không Việt Nam đáp ứng nhu cầu cạnh tranh với các DN trong vận tải hàng không của khu vực và trên thế giới.

Trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, xét về năng lực của các DN, để tạo ra chuỗi logistics phức hợp đòi hỏi cần có sự liên kết, hợp tác, liên doanh để tạo ra  chuỗi cung ứng mang tính toàn cầu. Đặc biệt sự liên kết đó sẽ tăng năng lực cho ngành để đáp ứng được nhu cầu ngày một tăng cao về số lượng và chất lượng góp phần giảm chi phí, giảm thời gian vận chuyển và các khâu trung gian khác.

Thanh Thủy

Nguồn: http://baodientu.chinhphu.vn/

Comments for this post are closed.