Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm ngoái, tỉ trọng về giá trị kim ngạch của doanh nghiệp FDI đã tăng thêm 1 điểm phần trăm (cùng kỳ chiếm khoảng 70%).
Với tốc độ tăng trưởng 19%, giới doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đạt mức tăng cao hơn tốc độ bình quân chung cả nước (cả nước đạt 17,6%).
Sự tăng trưởng mạnh về doanh nghiệp FDI là điều dễ hiểu khi giới doanh nghiệp này đang nắm thế áp đảo ở những lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của nước ta như điện thoại và máy vi tính, hàng điện tử…
Mặt khác, như ở Chương trình doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực Hải quan (dành cho doanh nghiệp xuất khẩu lớn, uy tín) cũng có đến 35/60 doanh nghiệp là doanh nghiệp FDI.
Biểu đồ tỉ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI trong cơ cấu xuất khẩu chung của cả nước tính hết 15/5. Ảnh: T.Bình. |
Hoặc ở nhiều địa phương xuất khẩu lớn hiện nay như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bình Dương, Đồng Nai… trị giá kim ngạch hầu hết phụ thuộc vào giới doanh nghiệp FDI.
Đơn cử như trường hợp của Thái Nguyên, trước khi có sự xuất hiện của Samsung, địa phương này gần như không mấy tên tuổi trên “bản đồ” xuất khẩu của nước ta.
Nhưng hiện nay, Thái Nguyên đã vươn lên mạnh mẽ thành địa phương đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố cả nước (sau TP.HCM) về trị giá kim ngạch xuất khẩu.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hảo- Trưởng Phòng quản lý xuất nhập khẩu và Hội nhập kinh tế quốc tế (Sở Công Thương Thái Nguyên) cho hay, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực ở Thái Nguyên là điện thoại, linh kiện điện thoại, máy tính bảng của Tập đoàn Samsung…
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hảo, sự lên ngôi ngoạn mục trong hoạt động xuất khẩu của Thái Nguyên những năm gần đây chính là nhờ hiệu quả trong hoạt động đầu tư của Tập đoàn Samsung.
“Các lĩnh vực xuất khẩu truyền thống của địa phương cũng có sự cải thiện, tăng trưởng nhưng không thể tạo được sự đột phá như vừa qua nếu không có sự góp mặt của Tập đoàn Samsung”- lãnh đạo Phòng quản lý xuất nhập khẩu và Hội nhập kinh tế quốc tế, chia sẻ.