Việc chuẩn bị và thực hiện thành công Đề án “Giám sát, kiểm soát hàng hóa XNK qua khu vực kho, bãi, cảng Hải Phòng trên Hệ thống thông quan điện tử” thực sự tạo được sự đột phá theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.
3 bên đều giảm thời gian
Công ty CP cảng Hải Phòng là một trong 9 DN cảng ở địa bàn Hải Phòng đã phối hợp với cơ quan Hải quan trong kết nối, trao đổi thông tin đối với hàng hóa XNK đóng trong container. Tuy nhiên, để thực hiện Đề án của Cục Hải quan Hải Phòng sẽ có rất nhiều việc phải làm. Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, đại diện Công ty CP cảng Hải Phòng cho biết, DN nhận thấy rõ đây không chỉ là trách nhiệm mà còn mang lại nhiều lợi ích cho hoạt động XNK.
Đối với DN XNK, nhờ kết nối, trao đổi dữ liệu tờ khai, lô hàng đủ điều kiện qua khu vực giám sát hải quan theo phương thức điện tử giữa DN kinh doanh cảng với cơ quan Hải quan nên giảm thời gian làm thủ tục. Sau khi hoàn thành thủ tục hải quan DN XNK có thể đưa hàng ra khỏi cảng không phụ thuộc vào thời gian trong ngày, đồng thời, giảm bớt chứng từ, giấy tờ.
Đặc biệt, DN chỉ cần làm việc tại một địa điểm là DN kinh doanh cảng, kho, bãi. “Đối với hàng hóa đủ điều kiện qua khu vực giám sát hải quan, người khai hải quan không phải thực hiện các thủ tục tại văn phòng giám sát (của cơ quan Hải quan) như trước đây và cũng không phải xuất trình các chứng từ không cần thiết khi đã áp dụng hệ thống kết nối CNTT, giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí phát sinh cho doanh nghiệp XNK”- đại diện Công ty cho biết.
Đáng chú ý, với Công ty CP cảng Hải Phòng, việc phối hợp giám sát giúp góp phần tiếp tục nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT đối với hoạt động giao nhận hàng hóa, tạo thuận lợi cho cộng đồng DN, nâng cao chất lượng dịch vụ cảng, nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín của DN được nâng cao, làm tăng hiệu suất khai thác, kinh doanh… Đại diện Công ty cho biết thêm: Việc phối hợp giúp tạo lợi thế chủ động cho cảng nhờ có đầy đủ thông tin về tình trạng cấp phép thông quan (từ cơ quan Hải quan) đối với từng lô hàng, từng container để cho hàng ra/vào cảng theo đúng quy định của pháp luật, tránh rủi ro so với thực hiện bằng thủ tục giấy. Mặt khác, sau khi kết nối hệ thống công nghệ thông tin, đối với từng lô hàng, từng container đủ điều kiện (thông quan, giải phóng hàng, mang hàng về bảo quản, chuyển địa điểm kiểm tra) người khai hải quan chỉ cần đến một địa điểm là bộ phận thủ tục một cửa của cảng Hải Phòng để làm thủ tục mà không phải đến làm thủ tục tại cơ quan Hải quan như trước đây.
Công ty CP cảng Hải Phòng chủ động đầu tư hệ thống CNTT
Theo Công ty CP cảng Hải Phòng, nhờ ý thức rõ việc thực hiện nội dung này vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi, do đó, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp với cơ quan Hải quan tổ chức triển khai đúng theo kế hoạch.
Khi triển khai bước đầu tại Chi nhánh cảng Tân Vũ, Chi nhánh cảng Chùa Vẽ thuộc Công ty CP cảng Hải Phòng, Công ty đã chuẩn bị chu đáo về nhân lực, vật lực. Một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra là đầu tư, chuẩn hóa về trang thiết bị hệ thống CNTT. Công ty đã hoàn thiện quy trình phối hợp giám sát với Hải quan Hải Phòng; trang bị máy vi tính, máy in và thiết bị tin học tại bộ phận một cửa, nối đường mạng WAN kết nối từ cơ quan Hải quan tới Chi nhánh cảng Chùa Vẽ, Chi nhánh cảng Tân Vũ…
Đặc biệt, để chuẩn bị điều kiện kết nối CNTT, Công ty CP cảng Hải Phòng tiến hành mua sắm, lập trình phần mềm kết nối; tích hợp chức năng giám sát container với Hệ thống thông tin quản lý (MIS) hiện có của Công ty với 2 phương thức kết nối, trao đổi theo gói dữ liệu và phương thức kết nối, trao đổi theo lô hàng; điều chỉnh, bổ sung chức năng phần mềm quản lý của cảng để kiểm soát container thông quan trên Hệ thống MIS tại các bộ phận của cảng; trang bị máy quét mã vạch tại bộ phận thủ tục, giúp cho việc kiểm soát, đối chiếu tờ khai hải quan được nhanh chóng, chính xác. Đồng thời, Công ty cũng bố trí mặt bằng làm việc theo “quy trình một cửa” cho cán bộ giám sát của Hải quan Hải Phòng tại Chi nhánh cảng Chùa Vẽ, Chi nhánh cảng Tân Vũ.
Quá trình thực hiện, DN đã được Cục Hải quan Hải Phòng trực tiếp hỗ trợ kết nối, trao đổi thông tin; bố trí cán bộ phối hợp DN để kiểm tra trên hệ thống hàng hóa XNK đưa vào, đưa ra khu vực cảng khi hệ thống gặp sự cố hoặc khi có đề nghị của DN…
Cần cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ
Đại diện Công ty CP cảng Hải Phòng cho hay, dù có được những kết quả tích cực nhưng thực tế triển khai vừa qua vẫn còn những vướng mắc về cả công nghệ lẫn nghiệp vụ từ cả hai phía (DN và cơ quan Hải quan). Về mặt công nghệ, khó khăn phát sinh từ sự cố về máy chủ của cơ quan Hải quan, đường truyền kết nối với máy chủ cơ sở dữ liệu của cơ quan Hải quan vẫn có tình trạng quá tải; với DN cảng, phần mềm quản lý của Công ty CP cảng Hải Phòng chưa đáp ứng được đầy đủ các nghiệp vụ yêu cầu quản lý, giám sát hải quan và đang tiếp tục bổ sung, hoàn thiện.
Về mặt nghiệp vụ khó khăn do chưa có hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm quản lý, giám sát hàng hóa ra, vào, lưu giữ tại DN cảng nên công tác phối hợp xử lý giữa các chi cục hải quan cửa khẩu cảng với các Chi nhánh thuộc Cảng Hải Phòng phối hợp và xử lý giải quyết các công việc, sự cố, vướng mắc còn chậm, mất nhiều thời gian.
Đặc biệt, thời gian tới khi mở rộng đối tượng giám sát ra cả hàng hóa ngoài container, hàng tồn… khả năng có những vướng mắc, phát sinh mới. Để thực hiện quả hơn nữa việc phối hợp giữa hai bên, Công ty CP cảng Hải Phòng đề nghị cơ quan Hải quan cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp, các quy định trách nhiệm cụ thể. Mặt khác các DN kinh doanh cảng, kho, bãi cũng cần tích cực hoàn thiện các điều kiện kỹ thuật đối với hệ thống CNTT kết nối với cơ quan Hải quan.
Vấn đề nữa cần được quan tâm đó là hướng dẫn DN về yêu cầu đáp ứng trang thiết bị, hệ thống kết nối giữa cơ quan Hải quan và DN về tờ khai, hàng hóa; đồng thời tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ cảng về trình tự, thủ tục xử lý. “Hai bên cũng cần thống nhất cách thức, phương án xử lý khi hệ thống gặp sự cố, đặc biệt với trường hợp số lượng hàng hóa lớn như cảng Tân Vũ, các chi cục hải quan cần tích cực hơn để phối hợp để liên thông xử lý”- đại diện Công ty CP cảng Hải Phòng đề nghị.
Liên quan đến việc giám sát hàng tồn đọng, Công ty cho rằng, vấn đề giải quyết, xử lý hàng tồn đọng cũng cần phải thực hiện, vì điều này sẽ ảnh hưởng đến năng suất của cảng. Tại Khoản 5 Điều 41 Luật Hải quan quy định trách nhiệm của DN kinh doanh cảng là bảo quản, sắp xếp, lưu giữ nguyên trạng hàng hóa trong khu vực cảng, kho bãi theo yêu cầu giám sát, quản lý của cơ quan Hải quan. Tuy nhiên, do việc phải để nguyên trạng hàng hóa không được di chuyển nên đối với những hàng tồn thì mất nhiều diện tích. Do vậy, cơ quan Hải quan cần nghiên cứu các giải pháp đẩy nhanh thời gian xử lý hàng tồn đọng để tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho DN sản xuất kinh doanh. |