(ĐỔI MỚI QUẢN LÝ, GIÁM SÁT HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU) BÀI 5: SẴN SÀNG TRIỂN KHAI “MỘT CỬA” ĐƯỜNG HÀNG KHÔNG

(HQ Online)- Cục Hải quan Hà Nội được Tổng cục Hải quan lựa chọn là đơn vị đầu tiên thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không và Đề án quản lý giám sát hàng hóa đường hàng không (nằm trong Đề án tổng thể của Tổng cục Hải quan về quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không).

Thông tin trước về hành khách, hàng hóa và phương tiện sẽ giúp các cơ quan quản lý chủ động nắm bắt thông tin, rút ngắn thời gian thông quan. Ảnh: N.Linh.

Đảm đương nhiệm vụ “dò đường” là sức ép không hề nhỏ đối với Cục Hải quan Hà Nội. Với sự cố gắng của cơ quan Hải quan và đồng thuận của cộng đồng DN, đến nay 100% hãng hàng không đã đăng ký tham gia; hệ thống một cửa đã tiếp nhận được thông tin điện tử về phương tiện, hành lý từ 100% hãng hàng không gửi tới hệ thống; cơ quan Hải quan cũng đang phối hợp với các DN kinh doanh kho hàng không mở rộng tiếp nhận thông tin điện tử về hàng hóa. Những kết quả bước đầu tại Cục Hải quan Hà Nội sẽ là tiền đề để ngành Hải quan triển khai chính thức trên phạm vi toàn quốc.

Từ sự kết nối rời rạc…

Trong những năm qua, thực hiện kế hoạch cải cách hiện đại hóa của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan Hà Nội  luôn chú trọng đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính và hiện đại hóa trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ CNTT trên tất cả các lĩnh vực hoạt động. Tuy nhiên, trong công tác quản lý hải quan, Cục Hải quan Hà Nội nhận thấy cách thức quản lý đối với hàng hóa, hành lý đường hàng không tại cảng hàng không quốc tế còn chưa đáp ứng yêu cầu quản lý hiện đại, việc giám sát/quản lý và đánh giá đối tượng trọng điểm còn thiếu thông tin.

Theo phân tích của ông Đặng Hoàng Điệp, Trưởng phòng Giám sát quản lý về hải quan (Cục Hải quan Hà Nội), trước khi triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, các cơ quan quản lý nhà nước (Công an cửa khẩu, Hải quan, Cảng vụ…) làm thủ tục thủ công, riêng rẽ, chưa thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin giữa các bên; chưa thực hiện tiếp nhận thông tin điện tử từ DN. Trong khi các DN kinh doanh liên quan đường hàng không đều đã kết nối, trao đổi thông tin dạng điện tử… Điều này gây khó khăn trong phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm do thiếu thông tin. Đối với cơ quan Hải quan, thông tin về hàng hóa ra/vào kho hàng không được cung cấp bằng bản giấy mất khá nhiều thời gian, thường một ngày cung cấp hai lần cho tất cả các chuyến bay, vừa thừa vừa thiếu thông tin gây khó khăn cho công tác quản lý, giám sát.

Đối với các hãng hàng không phải nộp hồ sơ giấy cùng một lúc cho 5 cơ quan quản lý nhà nước tại Cảng hàng không quốc tế gồm: Hải quan, Công an, Cảng vụ hàng không, cơ quan Kiểm dịch y tế (Bộ Y tế) và cơ quan Kiểm dịch động thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Như vậy, DN phải chuẩn bị nhiều bộ hồ sơ giống nhau và khai báo nhiều lần cùng một loại thông tin tới các cơ quản quản lý nhà nước.

Đối với DN kinh doanh kho hàng không, việc trao đổi thông tin bằng phương pháp thủ công giữa cơ quan Hải quan và DN kinh doanh kho đã gây ra rất nhiều khó khăn cho cơ quan Hải quan trong việc quản lý và báo cáo thống kê; đặc biệt là việc theo dõi hàng vào/ra, hàng tồn kho, hàng quá hạn làm thủ tục hải quan,… làm mất rất nhiều thời gian, tốn nhân lực, độ chính xác và kịp thời của số liệu thống kê khó đảm bảo.

Chính vì những bất cập trong công tác quản lý đối với hàng hóa, hành lý tại sân bay quốc tế, Cục Hải quan Hà Nội đã chủ động đề xuất Tổng cục Hải quan cho phép triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đối với đường hàng không và Đề án quản lý giám sát hàng hóa đường hàng không tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

… Đến tiếp nhận thông tin điện tử

Tháng 9/2016, Tổng cục Hải quan thành lập Ban chỉ đạo triển khai Cơ chế một cửa đường hàng không. Cục Hải quan Hà Nội được giao nhiệm vụ là đầu mối tổ chức khảo sát, thu thập và phân tích thông tin; điều phối các hoạt động phối hợp với các cơ quan tại sân bay quốc tế Nội Bài; tổ chức tuyên truyền, vận động DN tham gia Cơ chế một cửa quốc gia; đề xuất với Tổng cục Hải quan về quy trình, mô hình quản lý, danh sách yêu cầu chức năng trên hệ thống quản lý, giám sát hàng hóa đường hàng không.

Để triển khai, Cục Hải quan Hà Nội đã sớm xây dựng chương trình, kế hoạch làm việc với các hãng hàng không, đại lý hàng không, công ty kinh doanh kho bãi và các công ty giao nhận nằm trên địa bàn để nghiên cứu thực tiễn tại sân bay, từ đó có lộ trình làm việc và đặt ra yêu cầu quản lý và làm việc với từng đối tượng cụ thể.

Từ tháng 8/2016 đến 6/2017, 4 đợt khảo sát và 39 cuộc họp và phiên làm việc với các bên tham gia được Cục Hải quan Hà Nội tổ chức. Do đây là dự án liên quan đến nhiều đơn vị ngoài ngành, nên Cục Hải quan Hà Nội đã chủ động lên lịch làm việc với các đơn vị có liên quan; tổ chức làm việc với các hãng hàng không, trực tiếp đôn đốc từng hãng tham gia triển khai Cơ chế một cửa quốc gia. Trong thời gian này, để học hỏi kinh nghiệm của hải quan các nước, nghiên cứu các chuẩn mực quốc tế, Cục Hải quan Hà Nội đã tổ chức đoàn cán bộ đi tham khảo kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc; khảo sát thực tế và làm việc với các kho hàng không, cảng vụ hàng không và các hãng hàng không. Từ đó đề xuất mô hình quản lý, xây dựng bài toán nghiệp vụ quản lý tổng thể đối với hàng hóa, hành lý đường hàng không, dự thảo đề xuất danh sách các chức năng hệ thống và các quy định pháp lý để triển khai.

Cũng theo ông Đặng Hoàng Điệp, do có sự chủ động và phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị tham gia triển khai, hệ thống một cửa hàng không đã được đưa vào vận hành thí điểm từ ngày 1/1/2017, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước bằng phương pháp điện tử tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Từ ngày 25/5, hệ thống một cửa quốc gia đã có thể tiếp nhận thông tin điện tử (dạng điện văn hàng không) về phương tiện, hành khách, hành lý từ tất cả 100% các hãng hàng không gửi tới hệ thống. Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan đã thực hiện tiếp nhận đầy đủ thông tin khai thác bay từ 9 cảng hàng không quốc tế và thông tin về hành khách, phương tiện, hành khách trước chuyến bay từ tất cả các hãng hàng không thông qua hệ thống một cửa quốc gia.

Về hàng hóa, từ ngày 1/4, Cục Hải quan Hà Nội đã phối hợp với Tổng cục Hải quan và 3 DN kinh doanh kho hàng không (ALSC, ACSV và NCTS) mở rộng triển khai tiếp nhận thông tin điện tử về hàng hóa đối với gần 30 hãng hàng không do các kho này phục vụ tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Cũng từ 1/4, cơ quan Hải quan đã thực hiện thí điểm soi chiếu trước thông quan đối với hàng NK và sau thông quan (trước khi hàng ra khỏi kho) đối với hàng XK dựa trên thông tin tiếp nhận trước.

Theo ông Đặng Hoàng Điệp, với việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không và Đề án quản lý giám sát hàng hóa đường hàng không sẽ mang lại hiệu quả lớn cho các hãng hàng không, DN kinh doanh kho, bãi. Thông qua thời gian đầu triển khai những kết quả bước đầu ghi nhận là hệ thống hoạt động thông suốt. Lợi ích đầu tiên của Đề án này là phục vụ trước tiên cho hoạt động XNK của DN, đảm bảo rút ngắn thời gian thông quan tạo thuận lợi cho hoạt động XNK. Song song, các khâu quản lý của cơ quan quản lý nhà nước chủ động hơn nắm bắt được thông tin hàng hóa XNK, hành khách XNC đến sân bay từ đó có các biện pháp quản lý.

Ông Âu Anh Tuấn-Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, Tổng cục Hải quan đang hoàn thiện toàn bộ văn bản hỗ trợ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia hàng không cũng như thực hiện mô hình giám sát hàng hóa mới. Dựa trên cơ sở đó sẽ không còn việc thực hiện thủ công như hiện nay. Toàn bộ việc trao đổi thông tin giữa hàng không với cơ quan Hải quan sẽ thực hiện trên hệ thống một cửa quốc gia, việc trao đổi thông tin về hàng hóa XK, NK đưa vào đưa ra kho bãi cảng hàng không sẽ thực hiện trên hệ thống. Đồng thời cơ quan Hải quan sẽ cung cấp thông tin lô hàng đủ điều kiện ra khỏi khu vực kho hàng không, cũng như lô hàng đủ điều kiện đưa vào kho hàng không để xếp lên phương tiện vận tải thông qua hệ thống, không có việc xuất trình tờ khai giấy, khi lô hàng đã thông quan, DN chỉ cần đến làm việc với DN cảng mà không phải đến cơ quan Hải quan xác nhận như hiện nay. Như vậy sẽ giảm được thủ tục tại khâu giám sát hàng hóa.
Ngọc Linh
Comments for this post are closed.