KẾT NỐI GIÁM SÁT HÀNG HÓA TẠI CẢNG HẢI PHÒNG THEO HÌNH THỨC CUỐN CHIẾU

(HQ Online)- Việc kết nối giữa cơ quan Hải quan với DN kinh doanh cảng, kho, bãi tại khu vực cảng Hải Phòng được thực hiện đầu tiên với 3 DN theo hình thức cuốn chiếu.
Hàng hóa được phối hợp giám sát tại khu vực cảng Hải Phòng được thực hiện với cả hàng hóa ngoài container. Trong ảnh, hàng hóa là máy móc thiết bị nhập khẩu về cảng Hải Phòng. Ảnh: T.Bình.

Triển khai cuốn chiếu

Ngày 15/8 tới đây, Hải quan Hải Phòng sẽ là đơn vị đầu tiên trong toàn Ngành thực hiện kết nối với doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi để giám sát hàng hóa XNK (theo Đề án quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không).

Ngày 11/8, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, lãnh đạo Phòng CNTT (Cục Hải quan Hải Phòng) cho biết: Theo thống kê của Cục, trên địa bàn có gần 70 DN liên quan đến hoạt động kinh doanh kho, bãi, cảng. Tuy nhiên, qua tiến hành khảo sát chỉ có khoảng 40 DN có thể tiến hành kết nối phối hợp giám sát, quản lý hàng hóa XNK, một số DN còn lại hầu như không có hoặc ít hàng hóa XNK, trường hợp khác là DN cảng đặc thù nên phải chờ hướng dẫn của Tổng cục Hải quan.

Giai đoạn đầu, thực hiện kết nối với 3 DN quản lý tại cảng Tân Vũ, Đình Vũ và kho, bãi CFS (hàng rời, hàng lẻ) Nam Phát. Như vậy, đây là lần đầu tiên có DN kinh doanh kho CFS thực hiện kết nối, phối hợp giám sát hàng hóa XNK.

Theo lộ trình vừa được Hải quan Hải Phòng và các DN thống nhất, việc triển khai được thực hiện theo hình thức cuối chiếu với thời gian thực hiện 1 tuần/DN. Cụ thể, Công ty cổ phần cảng Hải phòng (quản lý Chi nhánh Tân Vũ) thực hiện từ ngày 15 đến 22/8; Công ty TNHH tiếp vận Nam Phát thực hiện từ ngày 23 đến 31/8; Công ty cổ phần đầu tư phát triển cảng Đình Vũ thực hiện từ ngày 5 đến 11/9.

Khi thực hiện Đề án, các tờ khai có ngày đăng ký từ ngày triển khai trở đi (tại DN kinh doanh kho, bãi, cảng thực hiện triển khai) sẽ được xử lý theo quy trình mới (hệ thống mới). Trong khi tờ khai có ngày đăng ký trước ngày triển khai sẽ được xử lý theo quy trình cũ.

Chuẩn bị tích cực, kỹ lưỡng

Theo Cục Hải quan Hải Phòng, để triển khai đúng kế hoạch, không gây xáo trộn đối với hoạt động XNK, đơn vị đã và đang tích cực phối hợp với Cục CNTT và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan), các DN kinh doanh kho, bãi, cảng triển khai hàng loạt công việc liên quan.

Về mặt nghiệp vụ, Cục đã xây dựng, hoàn thiện Hướng dẫn trình tự thực hiện, sơ đồ hóa các bước nghiệp vụ và Bản thuyết minh hướng dẫn. Đáng chú ý là nội dung quản lý rủi ro thực hiện mô tả chi tiết 4 nội dung áp dụng quản lý rủi ro trong công tác kiểm tra, giám sát hải quan, gồm: Quyết định kiểm tra hàng hóa NK trong quá trình xếp dỡ từ phương tiện vận tải nhập cảnh xuống kho, bãi, cảng; quyết định việc kiểm tra hàng hóa NK trong quá trình lưu giữ tại cảng; quyết định việc kiểm tra hàng hóa XK sau khi đã thông quan; quyết định phương thức giám sát đối với hàng hóa XNK trong quá trình giám sát hải quan.

Về công tác chuẩn bị các điều kiện đảm bảo thực hiện của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi, Tổ thường trực triển khai Đề án của Cục đã chủ động, tích cực phối hợp với các chi cục hải quan thực hiện kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn DN kho, bãi, cảng trong quá trình chuẩn bị các điều kiện thực hiện Đề án, bao gồm: Vị trí ở bộ phận “một cửa”, phần mềm kết nối, đường truyền, máy chủ, máy trạm, máy in, máy bắn mã vạch, chữ ký số, chuẩn hóa quy trình quản lý nội bộ, sơ đồ hóa các bước thực hiện, bố trí nguồn nhân lực, tập huấn đào tạo…

 “Trước thời điểm triển khai, vào ngày 12/8 dù là ngày nghỉ theo quy định (thứ 7) nhưng Cục Hải quan Hải Phòng vẫn tiếp tục tổ chức tập huấn cho công chức hải quan và DN để nắm bắt một cách cặn kẽ trước khi triển khai”- lãnh đạo Phòng CNTT chia sẻ.

Quá trình triển khai, cơ quan Hải quan sẽ bố trí lực lượng thường trực tại 3 DN nêu trên để phối hợp xử lý, giải quyết vướng mắc phát sinh trong quá trình chạy thí điểm, hạn chế ảnh hưởng đến việc giải quyết thủ tục của các bên. Đồng thời cử đầu mối liên hệ để trao đổi, phối hợp xử lý kịp thời vướng mắc phát sinh.

Thái Bình
Comments for this post are closed.