NHIỀU LỢI ÍCH TỪ HỆ THỐNG QUẢN LÝ HẢI QUAN TỰ ĐỘNG TẠI CẢNG HẢI PHÒNG
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính về việc thí điểm triển khai số vận đơn trên tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và tăng cường công tác quản lý nhà nước về Hải quan, Tổng cục Hải quan đã triển khai thí điểm Hệ thống quản lý Hải quan tự động tại cảng biển từ ngày 15/8/2017 và chính thức đưa vào hoạt động từ ngày 1/12/2017 tại Cục Hải quan TP. Hải Phòng.
Hệ thống quản lý Hải quan tự động tại cảng Hải Phòng tạo thuận lợi cho cả cơ quan hải quan và doanh nghiệp |
Theo Tổng cục Hải quan, hệ thống cảng Hải Phòng có chiều dài gần 30km với 67 doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi, trong đó chỉ 50 doanh nghiệp có hoạt động thường xuyên. “Hầu hết các khu vực cảng được quy hoạch nhỏ lẻ, mỗi cảng có cơ sở hạ tầng, công nghệ, quy trình quản lý, khai thác hàng vào, ra cảng khác nhau, việc thực hiện Luật Hải quan của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi và công tác quản lý của cơ quan Hải quan gặp nhiều khó khăn” – Tổng cục Hải quan đánh giá và nêu chi tiết, trước hết, trong quy trình quản lý, xếp dỡ hàng hóa của mỗi doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi đều khác nhau, đồng thời chưa đáp ứng yêu cầu quản lý theo Luật Hải quan, như: cho phép xếp hàng XK lên phương tiện vận tải theo danh sách thông báo của hãng tàu mà không kiểm tra tình trạng thông quan. Bên cạnh đó, không báo cáo cơ quan Hải quan những sai khác, rách vỡ bao bì, niêm phong khi xếp dỡ hàng hóa.
Về quy trình giám sát Hải quan, hiện mới chỉ quy định việc thực hiện trong nội bộ cơ quan Hải quan và chưa quy định quy trình thực hiện Luật Hải quan tại doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi dẫn đến những vấn đề phát sinh. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin tại các doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi đều không đáp ứng yêu cầu quản lý hàng hóa đang chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan. Trong khi đó, công chức Hải quan phải đối chiếu sổ theo dõi, quản lý hàng hóa của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi để xác định vị trí lưu giữ hàng hóa, gây khó khăn cho việc theo dõi, giám sát hàng tại khu vực cảng, kho, bãi…
Để khắc phục những hạn chế nói trên, từ tháng 9/2016, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan Hải Phòng khởi động xây dựng và triển khai đề án “Kiểm tra, giám sát hàng hóa qua khu vực kho, bãi, cảng Hải Phòng trên hệ thống điện tử”.
Theo Tổng cục Hải quan, từ ngày 15/8/2017 đến hết ngày 13/11/2017, các cơ quan hữu quan đã triển khai và hoàn thành kế hoạch chạy thử nghiệm hệ thống tại 50 doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi thường xuyên có hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa và từ ngày 01/12/2017 chính thức triển khai áp dụng hệ thống tại Cục Hải quan TP. Hải Phòng.
Về lợi ích khi áp dụng hệ thống này, Tổng cục Hải quan cho biết, trước hết, với cơ quan Hải quan, hệ thống giúp đảm bảo thực hiện đầy đủ trách nhiệm kiểm tra, giám sát của cơ quan Hải quan theo quy định tại Luật Hải quan 2014.Theo đó, Hệ thống trao đổi dữ liệu phục vụ công tác quản lý giúp cơ quan Hải quan quản lý toàn bộ diễn biến của hàng hóa tại khu vực cảng, kho, bãi; nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro để tập trung lực lượng giám sát, kiểm soát đối với những lô hàng, doanh nghiệp trọng điểm có khả năng rủi ro, vi phạm pháp luật cao; tránh việc kiểm tra, kiểm soát tràn lan đối với hàng hóa trong khu vực giám sát hải quan. Hơn nữa, các bước trong quy trình giải quyết thủ tục hải quan được thực hiện, ghi nhận trên hệ thống, đảm bảo sự minh bạch, công khai, tránh việc giải quyết tùy tiện, trái quy định, quy trình quản lý hải quan.
Theo kết quả khảo sát, việc không phải kiểm tra, xác nhận chứng từ giấy tại khu vực giám sát giúp giảm khoảng 2 phút/1 tờ khai và bình quân 1 ngày có 7.592 tờ khai hải quan qua cảng Hải Phòng nên tổng thời gian giải quyết đưa hàng hóa qua khu vực giám sát giảm 253 giờ công lao động/ngày.
Đối với doanh nghiệp, việc áp dụng hệ thống này cũng mang lại nhiều lợi ích. Cụ thể, hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin mới giúp doanh nghiệp thực hiện chế độ quản lý, thống kê, lưu giữ chứng từ đảm bảo nhanh chóng, chính xác, khoa học và minh bạch. Cũng qua hệ thống này, các doanh nghiệp được cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin trên hệ thống về tình trạng cấp phép thông quan (từ cơ quan Hải quan) đối với từng lô hàng, từng container để thực hiện thủ tục giao, nhận hàng theo quy định của pháp luật, giảm thiểu rủi ro trong việc thực hiện bằng chứng từ giấy, đảm bảo sự minh bạch, công khai (thể hiện qua các bước trong quy trình nghiệp vụ được cập nhật, ghi nhận trên hệ thống), tránh việc giải quyết tùy tiện, trái quy định, quy trình quản lý nội bộ của doanh nghiệp.
Trong khi đó, với các doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi, hệ thống này giúp doanh nghiệp theo dõi được chính xác tình trạng cấp phép thông quan đối với từng lô hàng trên hệ thống giúp giải quyết thủ tục giao nhận hàng nhanh chóng, chính xác, giúp nâng cao uy tín, tăng khả năng tiếp nhận, khai thác hàng hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và năng lực cạnh tranh.
Đặc biệt, việc thao tác trên hệ thống giúp loại bỏ được một số công đoạn ghi chép sổ giấy, giúp tiết kiệm được nhân công, chi phí văn phòng phẩm, đồng thời hạn chế được sai sót do lỗi ghi chép thủ công, đảm bảo độ chính xác cao trong việc theo dõi, báo cáo hàng hóa đưa vào, đưa ra và lưu giữ tại khu vực cảng.
Còn với doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu, hệ thống này cho phép doanh nghiệp không phải xuất trình chứng từ giấy để cơ quan Hải quan kiểm tra, xác nhận hàng đủ điều kiện qua khu vực giám sát hải quan, giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục giao nhận hàng từ 5 đến 7 lần so với trước đây do không phải đi lại nhiều lần qua doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi và cơ quan Hải quan. Để làm thủ tục lấy hàng nay chỉ mất 1-2 phút đối với 01 lô hàng thông thường (trước đây ít nhất là từ 7-10 phút, riêng thời gian phải di chuyển giữa các bộ phận mất đến 10-15 phút); thời gian bình quân cho một lượt xe chở hàng qua khu vực cảng chỉ còn 10-12 phút (trước đây là 25-30 phút).
Tổng cục Hải quan cho biết, Hệ thống quản lý Hải quan tự động tại cảng biển được triển khai thành công tại Cục Hải quan TP. Hải Phòng là tiền đề để Tổng cục Hải quan mở rộng triển khai trong toàn ngành. Hiện, Tổng cục Hải quan tiếp tục chỉ đạo Cục Hải quan TP. Hải Phòng và các đơn vị chức năng tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống, đồng bộ cùng Hệ thống VNACCS tạo thành chu trình quản lý hải quan xuyên suốt, thống nhất, hiện đại; đồng thời chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành khẩn trương hoàn thành các công tác chuẩn bị để triển khai hệ thống trên toàn quốc từ ngày 01/01/2018 theo đúng kế hoạch đã đề ra, góp phần tạo thuận lợi thương mại và hướng tới mục tiêu kết nối với cơ chế một cửa quốc gia.
Nguồn: http://baocongthuong.com.vn