Bao Cong thuong

BỘ CÔNG THƯƠNG SẼ HỖ TRỢ LIÊN KẾT GIỮA DOANH NGHIỆP LOGISTICS VỚI CÁC CHỦ HÀNG

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2017 tổ chức sáng 15/12 ở Hà Nội.

Những nút thắt cần gỡ

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2017 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 200 ngày 14/2/2017 phê duyệt Kế hoạch Hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam; đòi hỏi các nhà quản lý, hiệp hội, doanh nghiệp (DN) cùng trao đổi, tìm giải pháp phát triển ngành dịch vụ quan trọng này.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu khai mạc diễn đàn

Tại diễn đàn, Hiệp hội doanh nghiệp (DN) logistics Việt Nam thông tin, cùng với sự phát triển của nền kinh tế và hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), ngành dịch vụ logistics Việt Nam đang phát triển mạnh với tốc độ từ 15-16%/năm. Theo chỉ số hoạt động LPI của Ngân hàng Thế giới, năm 2014, ngành dịch vụ logistics Việt Nam xếp hạng 53 và năm 2016 xếp hạng 64/160 nước, đứng thứ 4 trong các nước ASEAN, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Ngành dịch vụ logistics đang chiếm khoảng 3% GDP cả nước. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 3.000 DN hoạt động trong ngành dịch vụ này, trong đó khoảng 1.300 DN (chủ yếu là DN vừa và nhỏ) tham gia tích cực ở thị trường trong nước và nước ngoài.

Diễn đàn thu hút đông đảo cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp…

Tuy nhiên, bên cạnh tốc độ phát triển tương đối mạnh mẽ, điểm hạn chế của ngành logistics Việt Nam hiện nay là chi phí còn ở mức cao. Phân tích của TS. Nguyễn Minh Phong cho thấy, chi phí cho dịch vụ logistics ở Việt Nam hiện chiếm gần 25% GDP, trong khi chi phí này ở Mỹ chiếm 9,5% GDP, Nhật Bản là 11% GDP, Hàn Quốc 16%, Trung Quốc 21,6%.

Còn theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi phí vận chuyển cho một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội hay ở chiều ngược lại (khoảng 100 km) đắt gấp 3 lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam. Nguyên nhân của mức chi phí này là do thời gian kéo dài, DN logistics và DN XNK chưa có sự gắn bó đầy đủ do khó khăn về thiếu hạ tầng kết nối các khu vực cảng với khu vực tập trung hàng hóa; thiếu các trung tâm giao nhận hàng hóa và dịch vụ chuyên dụng. Chưa kể, DN XNK vẫn chủ yếu chuộng phương thức “mua CIF (giá tại cửa khẩu của bên nhập), bán FOB (giá tại cửa khẩu của bên xuất)”, làm giảm cầu trên thị trường và đẩy thị trường sang bạn hàng ngoại.

Về phía DN logistics, ông Đỗ Xuân Quang – Tổng giám đốc Công ty CP Vietjet Air Cargo – cho hay, phát triển ngành dịch vụ logistics đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, tuy nhiên đây lại là khó khăn lớn nhất của DN. “Hiện nay, 70 – 80% phi công của công ty phải tuyển dụng từ nước ngoài” – ông Quang chia sẻ.

Phát triển ngành dịch vụ logistics bền vững

Công bố Báo cáo Logistics Việt Nam 2017

Ý kiến của hầu hết các DN tại diễn đàn cho thấy, để phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam một cách bền vững cần chú trọng vào đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC). Ông Đỗ Xuân Quang kiến nghị, song song với mục tiêu hàng đầu là đầu tư cho nguồn nhân lực, nên xây dựng các trung tâm logistics hàng không tại các khu vực có sân bay để thực hiện các dịch vụ nhanh chóng và trọn gói. Bên cạnh đó, xây dựng các cảng hàng không nối dài tại các DN với đầy đủ các dịch vụ như kiểm tra hàng hóa, thủ tục hải quan… nhằm giảm thời gian chờ đợi tại sân bay. CCHC, đặc biệt trong lĩnh vực hải quan, để giảm thời gian, chi phí cho DN.

Bà Nguyễn Thị Thùy Dương – Giám đốc Công ty TNHH Minh Nhật – “hiến kế”, để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển triển dịch vụ logistics, cần đặc biệt quan tâm đến 3 nhóm giải pháp: Phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và thể chế chính sách.

Ký kết hợp tác giữa các DN logistics với nhau, giữa DN logistics với DN XNK và các cơ sở đào tạo

Năm nay, Diễn đàn Logistics 2017 đặt ra ưu tiên các hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực và triển khai các chính sách phát triển bền vững về nguồn nhân lực, để đảm bảo nhân sự của ngành logistics Việt Nam sẽ theo kịp mặt bằng của khu vực, có thể cạnh tranh sòng phẳng với các DN logistics trên lãnh thổ Việt Nam. Đối với thể chế chính sách, cần phải đồng bộ hóa cơ chế để có những chi phí tiết kiệm nhất trong mặt hỗ trợ XNK. Hiện tại, các quy định tương đối chồng chéo; các cơ quan bộ, ngành chưa có kênh thông tin chung cho từng đối tượng XNK hàng hóa cụ thể, dẫn đến chi phí bị tăng cao. Về cơ sở hạ tầng đã có sự cải thiện đáng kể, nhưng vấn đề kẹt cảng, kẹt trên cao tốc và các khu công nghiệp khu chế xuất tương đối phổ biến. Nếu không cải thiện được thì chi phí logistics của Việt Nam vẫn ở vị trí cao so với khu vực.

Ông Ousmane Dione – Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới – chia sẻ thêm, dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể về cải thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics, nhưng Việt Nam còn nhiều việc phải làm để nâng cao hiệu quả logistics. Theo đó, Chính phủ cũng như khối kinh tế tư nhân cần có lộ trình rõ ràng về cải cách. Trong nhiều lĩnh vực sẽ có những nhóm giải pháp để bổ sung cho việc tăng cường đáng kể đầu tư vào hạ tầng cơ sở như: Tăng cường kết nối; tăng cường tạo thuận lợi thương mại; phải có sự phối hợp, cộng tác liên ngành với DN; theo dõi và đo lường được tiến độ cải cách. “Làm tốt những điều này sẽ giúp Việt Nam tăng năng suất để đạt được các mục tiêu phát triển đầy tham vọng của mình” – ông Ousmane Dione đề xuất.

Để việc quản lý nhà nước “kiến tạo” cho ngành logistics phát triển, Hiệp hội Logistics Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ cần có một cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách về lĩnh vực này, có thể là một Cục/Vụ tại một Bộ. Vì logistics có mục đích là gia tăng giá trị thương mại, nên tạo điều kiện cho đại diện của DN tham gia vào quá trình quản lý hoạt động logistics. Qua đó sẽ tăng cường việc quản lý ngành dịch vụ logistics, góp phần tạo thuận lợi và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và thương mại.

Các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức, hiệp hội, DN và chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm phát triển dịch vụ logistics
Các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức, hiệp hội, DN và chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm phát triển dịch vụ logistics

Cam kết dành nhiều hỗ trợ mạnh mẽ cho DN, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ Công Thương sẽ có những biện pháp đôn đốc, phối hợp với các đơn vị và bộ ngành triển khai nhiều nhóm giải pháp. Cụ thể, hỗ trợ liên kết giữa DN logistics với các DN chủ hàng và trường học để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; gắn kết nguồn cung để có sự phát triển mạnh mẽ hơn, cạnh tranh hiệu quả hơn; nỗ lực cắt giảm các chi phí không cần thiết, gây đội chi phí và giảm cạnh tranh cho DN.

“Về dài hạn, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành để báo cáo Chính phủ xây dựng các chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển ngành logistics, gắn chặt với bối cảnh hội nhập sâu rộng trong thời kỳ mới” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh. 

Tại diễn đàn, Bộ Công Thương đã công bố Báo cáo Logistics Việt Nam 2017 – tài liệu chính thống về phát triển dịch vụ logistics Việt Nam và tổ chức ký kết hợp tác giữa các DN logistics với nhau, giữa DN logistics với DN XNK và các cơ sở đào tạo.

Lan – Tâm – Dũng

Nguồn: http://baocongthuong.com.vn

Comments for this post are closed.