CẢNH BÁO DOANH NGHIỆP VỀ NHIỀU HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT HẢI QUAN

(HQ Online)- Cục Hải quan TP.HCM vừa đưa ra cảnh báo các hành vi vi phạm trong quá trình khai báo và làm thủ tục thông quan hàng hoá. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường, việc thông tin, cảnh báo này sẽ giúp cho các doanh nghiệp khác tránh mắc phải trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, thông quan hàng hóa.

Công chức Hải quan quản lý hàng đầu tư- Cục Hải quan TP.HCM hướng dẫn thủ tục cho DN. Ảnh: Thu Hòa.

Theo Cục Hải quan TP.HCM, thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân (dịch vụ khai thuê hải quan, nhân viên đại lý hải quan) có thủ đoạn lợi dụng, sử dụng chữ ký số của các doanh nghiệp có ý thức chấp hành tốt pháp luật để thực hiện việc khai hải quan trên hệ thống VNACCS trong khi chưa được sự đồng ý của doanh nghiệp XNK với mục đích buôn lậu, gian lận thương mại như: Xuất khẩu, nhập khẩu hàng cấm; Khai báo thông tin hàng hoá sai so với thực tế nhằm trốn lậu thuế, hoặc nhằm mục đích trốn tránh chính sách quản lý hàng hoá như hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phải có giấy phép, hàng hoá phải đáp ửng đủ yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn, qui chuẩn kỹ thuật.

Vì vậy, để hoạt động khai báo tuân thủ đúng pháp luật, Cục Hải quan TP.HCM đề nghị các doanh nghiệp XNK, quản lý chặt chẽ chữ ký số của mình tránh bị lợi dụng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lựa chọn, và sử dụng dịch vụ khai thuê hải quan là các đơn vị khai thuê có uy tín, có nhiều kinh nghiệm khai báo (như các Đại lý khai thuê hải quan đã được Tổng cục Hải quan cấp phép theo qui định).

Bên cạnh đó, các vi phạm qui định về thủ tục hải quan, như: Không khai, không nộp, không xuất trình và không cung cấp thông tin hồ sơ hải quan đúng thời hạn qui định cũng khiến các DN bị lập biên bản vi phạm hành chính và bị xử lý theo quy định.

Vi phạm qui định về khai thuế: Không khai hoặc khai sai về tên hàng theo định danh hàng hoá XNK Việt Nam do Bộ Tài chính qui định, khai không đầy đủ tên hàng dẫn đến không phân biệt được hàng này với hàng khác (ví dụ như doanh nghiệp khai báo là mặt hàng A (có thuế xuất NK là 0%, không phải là mặt hàng quản lý về chính sách), nhưng qua kiểm tra thực tế là mặt hàng B và mặt hàng B này có thuế suất nhập khẩu là 5%, 10%… và cần phải có giấy phép khi nhập khẩu, hoặc cần phải đáp ứng yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật); Khai sai về chủng loại (khai báo là chủng loại A với mức giá thấp nhưng thực tế hàng hoá là chủng loại B có mức giá cao hơn); Khai thiếu về số lượng; Khai sai về khối lượng; Khai sai về chất lượng (khai báo hàng hoá của Trung Quốc nhưng thực tế hàng hoá của Nhật, Mỹ,…); Khai sai (thấp) về trị giá hàng NK, hoặc không khai báo các khoản phải cộng theo qui định.

Ngài ra, doanh nghiệp còn khai sai mã số hàng hoá, dẫn đến thay đổi thuế suất (khai báo là mã số hàng hoá A có thuế suất là 5%, nhưng thực tế là mã số hàng hoá là B có thuế suất là 10%); khai sai thuế suất, xuất xứ hàng hóa; Khai báo là hàng mới nhưmg thực tế là hàng cũ dẫn đến hàng thực nhập là hàng cấm (ví dụ: thời gian qua có một số DN nhập khấu hàng máy tích xách tay, Ipad khai báo là hàng mới 100% nhưng thực tế kiểm tra là hàng Refurbish- có nghĩa là hàng tân trang- là các sản phẩm CNTT đã qua sử dụng thuộc Danh mục hàng cấm nhập khẩu theo qui định)… Các hành vi khai sai nêu trên dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, được hoàn.

Vi phạm qui định về giám sát hải quan: Tự ý phá niêm phong hải quan (đặc biệt lưu ý đối với các doanh nghiệp làm thủ tục loại hình quá cảnh, chuyển cửa khẩu, tạm nhập- tái xuất); Không bảo quản nguyên trạng hàng hoá đang chịu sự giám sát hải quan; hoặc hàng hoá được giao bảo quản theo qui định của của pháp luật chờ hoàn thành việc thông quan; Tự ý tiêu thụ hàng hoá đang chịu sự giám sát hải quan; Tự ý tiêu thụ hàng hoá được giao bảo quản chờ hoàn thành việc thông quan theo qui định (các DN lưu ý phải chờ đến khi có kết luận của Cơ quan kiểm tra chuyên ngành/ Cơ quan giám định và sau khi cơ quan Hải quan thực hiện việc thông quan mới được tiêu thụ hàng hoá để tránh việc vi phạm do tự ý tiêu thụ).

Vi phạm về qui định chính sách quản lý hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh:  xuất khẩu, nhập khẩu, đưa vào Việt Nam hàng hoá thuộc danh mục cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu. Chẳng hạn, khai báo hàng hoá mới 100% nhưng thực tế là hàng cấm, hoặc khai báo hàng không phải là hàng cấm nhưng thực tế là hàng cấm như khai báo là máy thuỷ, máy nông ngư cơ nhưng thực tế là động cơ ôtô đã qua sử dụng là hàng thuộc Danh mục hàng cấm nhập khẩu. Khai báo hàng hoá không yêu cầu phải có giấy phép, không yêu cầu đáp ứng về điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nhưng thực tế là hàng hoá phải có giấy phép khi nhập khẩu, phải đáp ứng yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (ví dụ: khai báo là vải nhưng thực tế lại nhập sữa, hoặc nhập các loại mặt hàng phải có giấy phép, phải đáp ứng yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn, qui chuẩn kỹ thuật khi nhập khẩu).

Một số trường hợp vi phạm bị cưỡng chế thuế, như: Đề nghị thời gian tham vấn nhưng không đến tham vấn đúng thời gian đã yêu cầu dẫn đến phát sinh tiền thuế phải nộp và có thể bị cưỡng chế thuế. Nhận được Quyết định kiểm tra sau thông quan tại trụ sở hải quan nhưng không cử người đến làm việc đúng thời gian đã yêu cầu dẫn đến phát sinh tiền thuế phải nộp và có thể bị cưỡng chế thuế.

Lê Thu

THANH, KIỂM TRA TÀI CHÍNH, THUẾ VỚI DOANH NGHIỆP KHÔNG QUÁ 1 LẦN/NĂM

(HQ Online)- Đây là một trong những nội dung chỉ đạo mới của Tổng cục Hải quan đối với các đơn vị thuộc, trực thuộc.
Ắc quy là một trong những mặt hàng được cơ quan Thanh tra (Tổng cục Hải quan) truy thu thuế lớn trong năm 2016. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Cụ thể, Tổng cục Hải quan yêu cầu thủ trưởng các đơn vị nghiêm túc triển khai  các nội dung: Tổ chức thanh tra, kiểm tra về tài chính, thuế đối với doanh nghiệp không quá 1 lần/năm, không trùng lắp, chồng chéo và được công khai trước cho doanh nghiệp.

Đồng thời, các đơn vị rà soát kế hoạch thanh tra, kiểm tra đảm bảo không trùng lắp với kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính của Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, kế hoạch thanh tra chuyên ngành của các Tổng cục đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt.

Trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất tại doanh nghiệp chỉ tiến hành khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo yêu cầu giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo yêu cầu của cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra.

Bên cạnh đó, các đơn vị không thanh tra, kiểm tra lại khi không có căn cứ theo quy định của pháp luật hoặc những vấn đề, nội dung mà cơ quan có thẩm quyền đã kết luận, xử lý…

Được biết, đây là những nội dung được Tổng cục Hải quan cụ thể hóa để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính về việc thanh tra, kiểm tra tài chính, thuế đối với doanh nghiệp.

Năm 2016, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo thanh tra, kiểm tra nội bộ, chống tham nhũng theo các chuyên đề từ khâu thu thập thông tin đến cách thức tổ chức thực hiện.

Đặc biệt, từ việc phát hiện sơ hở ở một số địa phương, lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo tập trung làm rõ và thực hiện thanh kiểm tra trong toàn Ngành, nhất là các đơn vị Hải quan trọng điểm. Điển hình như các chuyên đề liên quan đến ắc quy, vải filament, thép nhập khẩu có thuế tự vệ, máy cày, máy xới… và kiến nghị truy thu gần 70 tỷ đồng.

Một điểm đáng chú ý khác đó là để góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách, những tháng cuối năm 2016, Tổng cục Hải quan cử 4 đoàn kiểm tra giám sát công tác thu thuế và chấp hành pháp luật tại các cục hải quan địa phương lớn nhằm góp phần tăng thu ngần sách, tăng cường tính tuân thủ pháp luật của người khai hải quan và cán bộ công chức.

Thái Bình