NHỮNG NHÓM HÀNG NHẬP KHẨU CHÍNH 4 THÁNG NĂM 2017

(HQ Online)- Kim ngạch nhập khẩu của 10 nhóm hàng lớn nhất trong 4 tháng/2017 đạt 41,96 tỷ USD, chiếm 65,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước, và tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.

Cơ cấu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 4 tháng/2017

Trong đó, đạt kim ngạch lớn nhất là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 11,51 tỷ USD, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng xăng dầu các loại là nhóm hàng có mức tăng về trị giá là lớn nhất 41,8%; sắt thép các loại đạt mức đứng thứ 2 với 10,9%;…

Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng: Trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 4 là 3,44 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước, nâng trị giá nhập khẩu trong 4 tháng/2017 lên 11,5 tỷ USD, tăng 39,3% so với 4 tháng/2016; trong đó khối các doanh nghiệp FDI nhập khẩu 7,22 tỷ USD, tăng 60,1% và khối các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu 4,28 tỷ USD, tăng 16,1%.

 

Hàn Quốc đã thay thế Trung Quốc, trở thành thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam trong 4 tháng/2017 với trị giá là 3,79 tỷ USD, tăng 135%; tiếp theo là các thị trường: Trung Quốc: 3,4 tỷ USD, tăng 31%; Nhật Bản: 1,39 tỷ USD, tăng 7,4%; Đài Loan: 408 triệu USD, giảm 3,4%…

 

Máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện: Nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 4/2017 đạt 2,85 tỷ USD, giảm 4,7% so với tháng trước, qua đó đưa kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng/2017 đạt 10,44 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước.

 

Các thị trường cung cấp máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cho Việt Nam trong 4 tháng/2017 chủ yếu gồm: thị trường Hàn Quốc với 3,84 tỷ USD, tăng 39,2%; thị trường Trung Quốc với 2,09 tỷ USD, tăng 26,1%; thị trường Đài Loan với 1,06 tỷ USD, tăng 15,4%;…

 

Điện thoại các loại và linh kiện: Nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong tháng đạt 1,08 tỷ USD, giảm 5,2%. Qua đó, đưa kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng/2017 đạt 4,02 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước.

 

Các thị trường cung cấp điện thoại các loại và linh kiện cho Việt Nam trong 4 tháng/2017 chủ yếu gồm: Trung Quốc với 2,13 tỷ USD, tăng 6,3%; thị trường Hàn Quốc đạt 1,43 tỷ USD, tăng 31,5%;…

 

Sắt thép các loại: Nhập khẩu sắt thép các loại trong tháng 4/2014 đạt 1,44 triệu tấn, trị giá 866 triệu USD, giảm 2,3% về lượng và giảm 0,8% về trị giá. Đưa lượng nhập khẩu sắt thép các loại trong 4 tháng/2017 đạt 5,64 triệu tấn, trị giá 3,23 tỷ USD, gảm 8,3% về lượng, tuy nhiên tăng 40,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

 

Thị trường cung cấp sắt thép cho Việt Nam trong 4 tháng/2017 chủ yếu gồm: Thị trường Trung Quốc với 2,76 triệu tấn, trị giá 1,53 tỷ USD, giảm 16,8% về lượng nhưng tăng 33,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; thị trường Nhật Bản với 747 nghìn tấn, trị giá 447 triệu USD, giảm 10,2% về lượng và tăng 32,4% về trị giá; thị trường Hàn Quốc đạt 535 nghìn tấn, trị giá 383 triệu USD, giảm 5,6% về lượng và tăng 38,4% về trị giá;…

 

Xăng dầu các loại: Lượng nhập khẩu trong tháng là hơn 1,05 triệu tấn, trị giá là 543 triệu USD, giảm 19,1% về lượng và giảm 18% về trị giá so với tháng trước. Tính đến hết 4 tháng/2017, tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước là 3,98 triệu tấn, giảm 3,2%. Đơn giá nhập khẩu bình quân tăng tới 46,5% so với cùng kỳ năm trước nên trị giá nhập khẩu là gần 2,15 tỷ USD, tăng 41,8% so với 4 tháng/2016.

 

Trong 4 tháng/2017, Việt Nam nhập khẩu xăng dầu chủ yếu từ các thị trường: Singapore: 1,65 triệu tấn, giảm 9,5%; Hàn Quốc: 986 nghìn tấn, gấp 2 lần; Ma-lai-xi-a: 770 nghìn tấn, giảm 24,1%; Trung Quốc: 344 nghìn tấn, giảm 16%… so với cùng kỳ năm trước.

 

Than đá: Lượng nhập khẩu trong tháng là 1,02 triệu tấn, giảm mạnh 48,8% so với tháng trước nhưng gần tương đương với mức trung bình của năm 2016 (1,11 triệu tấn/tháng). Đơn giá trong tháng giảm 20,2% dẫn đến trị giá nhập khẩu than đá tháng 4/2017 giảm mạnh 59,3% so với tháng 3/2017, đạt 88,2 triệu USD. Tính trong 4 tháng/2017, lượng than đá cả nước nhập về là 4,63 triệu tấn, trị giá là 498 triệu USD, giảm 0,2% về lượng nhưng tăng 71,3% về trị giá do đơn giá nhập khẩu tăng cao (tăng 71,6% so với cùng kỳ năm 2016).

 

Than đá nhập khẩu vào Việt Nam trong 4 tháng qua từ Ôxtrâylia là gần 1,4 triệu tấn, giảm 3,8%; In-đô-nê-xi-a: 1,6 triệu tấn, tăng 93,4%; Liên bang Nga: 762 nghìn tấn, giảm 45,9%… so với 4 tháng/2016.

 

Ô tô nguyên chiếc các loại: Lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu trong tháng 4/2017 là 6,96 nghìn chiếc, giảm 37,8% so với tháng trước. Trong đó, giảm chủ yếu ở nhóm hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống, nhập khẩu trong tháng là gần 2,5 nghìn chiếc, trong khi đó con số này của tháng trước là hơn 6,7 nghìn chiếc. Tính đến hết tháng 4/2017, cả nước nhập khẩu 33,4 nghìn chiếc ô tô nguyên chiếc các loại, tăng 15,6% (tương đương tăng 4,5 nghìn chiếc) so với cùng kỳ năm trước.

 

Ô tô nguyên chiếc các loại trong 4 tháng/2017 chủ yếu được nhập khẩu từ các thị trường Thái Lan vớ 12 nghìn chiếc trị giá 219 triệu USD, tăng 18,7% về lượng và 19,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; thị trường Inđônêxia với gần 6 nghìn chếc trị giá 102 triệu USD, tăng 5,3 lần về lượng và 7,6 lần về trị giá; thị trường Ấn Độ với gần 5 nghìn chiếc, trị giá 22 triệu USD, tăng 1,1 lần về lượng nhưng giảm 3,5% về trị giá;…

Hà Nhi

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

DOANH NGHIỆP TRONG NƯỚC NHẬP SIÊU GẦN 8,5 TỶ USD SAU 4 THÁNG

4 tháng đầu năm, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 8,49 tỷ USD trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài lại xuất siêu 5,75 tỷ USD…

Báo cáo tình hình xuất nhập khẩu tháng 4 vừa công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy nhập siêu tiếp tục tăng thêm 800 triệu USD, nâng mức nhập siêu cả nước 4 tháng lên tới 2,74 tỷ USD.

Cụ thể, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 4 ước tính đạt 16,7 tỷ USD, giảm 3,2% so với tháng trước và tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kim ngạch một số mặt hàng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 42,5%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 34,3%; điện thoại và linh kiện tăng 17,4%.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu tháng 4 đạt 17,5 tỷ USD, giảm 4,6% so với tháng trước nhưng tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2016.

Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 61,3 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 17,3 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 44 tỷ USD.

Một số mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao như hàng dệt may, máy tính điện tử, giày dép, thuỷ sản, gỗ, rau quả, dầu thô… Tuy nhiên, các nông sản như sắn, hạt tiêu, gạo vẫn sụt giảm mạnh…

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 4 tháng đầu năm, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 11,9 tỷ USD; tiếp đến là EU đạt 11,3 tỷ USD; Trung Quốc đạt 8,6 tỷ USD; ASEAN đạt 6,7 tỷ USD; Nhật Bản đạt 5,2 tỷ USD; Hàn Quốc đạt 4,4 tỷ USD.

Về nhập khẩu, 4 tháng đầu năm 2017, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 64,1 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 25,8 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 38,3 tỷ USD.

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ sản xuất tăng cao so với cùng kỳ như máy móc phụ tùng, điện thoại và linh kiện, sắt thép, chất dẻo, hoá chất, thức ăn gia súc, kim loại và xăng dầu…

Về thị trường nhập khẩu 4 tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 17,6 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2016. Tiếp đến là Hàn Quốc đạt 13,7 tỷ USD, tăng 45,3%; ASEAN đạt 8,9 tỷ USD, tăng 20,4%…

Tổng cục Thống kê cho biết, tình hình nhập siêu đã bắt đầu cao trở lại ngay những tháng đầu năm. Tháng 3 nhập siêu lên tới 1,1 tỷ USD, tháng 4 nhập siêu cả nước tiếp tục gia tăng 800 triệu USD.

Tính chung 4 tháng đầu năm nay, nhập siêu cả nước lên tới 2,74 tỷ USD, bằng 4,5% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.

Đáng chú ý, trong cơ cấu nhập siêu cả nước, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu lên tới 8,49 tỷ USD trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài lại xuất siêu 5,75 tỷ USD.

Các mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng cao 4 tháng đầu năm - Đơn vị: Tỷ USD

Các mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng cao 4 tháng đầu năm – Đơn vị: Tỷ USD

Các mặt hàng nhập khẩu có tốc độ tăng trưởng cao 4 tháng đầu năm nay - Đơn vị: Tỷ USD

Các mặt hàng nhập khẩu có tốc độ tăng trưởng cao 4 tháng đầu năm nay – Đơn vị: Tỷ USD

Theo Bạch Huệ

Vneconomy

KIM NGẠCH XUẤT NHẬP KHẨU TĂNG MẠNH ĐẠT GẦN 108 TỶ USD

(HQ Online)- Dù tổng trị giá kim ngạch cả xuất khẩu và nhập khẩu trong nửa đầu tháng 4 có sụt giảm so với 15 ngày cuối tháng 3 trước đó, nhưng xét tổng thể từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta vẫn đang duy trì mức tăng trưởng cao và đạt trị giá kim ngạch gần 108 tỷ USD.
Hoạt động xuất nhập khẩu nước ta đang có những khởi đầu mạnh mẽ trong năm 2017. Trong ảnh, hoạt động xuất nhập nhập khẩu qua cảng Hải Phòng. Ảnh: T.Bình.
Hàng xuất khẩu chủ lực giảm

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong nửa đầu tháng 4 đạt hơn 7,93 tỷ USD, giảm 16% (tương ứng giảm gần 1,51 tỷ USD) so với 15 ngày cuối tháng 3/2017.

Tính đến hết ngày 15/4 kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt  gần 52,51 tỷ USD, tăng 13,9% (tương ứng tăng hơn 6,42 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016.

Căn cứ vào dữ liệu của cơ quan Hải quan có thể thấy, nguyên nhân cơ bản khiến kim ngạch xuất khẩu 15 ngày vừa qua giảm mạnh xuất phát từ sự biến động mạnh theo chiều hướng giảm ở nhiều nhóm hàng xuất khẩu quan trọng của nước ta.

Đáng chú ý, 2 mặt hàng lớn là dệt may và máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong nửa cuối tháng 3 trước đó đều đạt trị giá kim ngạch hơn 1 tỷ USD nhưng sang nửa đầu tháng này đã bị sụt giảm mạnh.

Cụ thể, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 27,8%, tương ứng giảm 319 triệu USD (đạt 829,7 triệu USD); hàng dệt may giảm 20,4%, tương ứng giảm 255 triệu USD (chỉ đạt 879,6 triệu USD).

Bên cạnh đó, một số mặt hàng khác có mức sụt giảm mạnh như sắt thép các loại giảm 62,8%, tương ứng giảm 108 triệu USD; gỗ và và sản phẩm gỗ giảm 23,8%, tương ứng giảm 93 triệu USD…

Trong số các mặt hàng xuất khẩu lớn của nước ta, chỉ có điện thoại và linh kiện có mức tăng trưởng nhẹ so với con số đạt 1,842 tỷ USD, tăng 53 triệu USD so với trước đó. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này chưa đủ sức kéo được tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước đi lên.

Liên quan đến hoạt động nhập khẩu, trị giá hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong cùng thời điểm trên đạt hơn 8,43 tỷ USD, giảm 11,9% so với 15 ngày cuối tháng 3. Tính đến hết ngày 15/4 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt hơn 55,07 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2016.

Hướng tới mốc 400 tỷ USD

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết ngày 15/4, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt hơn 107,58 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, đến nửa đầu tháng 4, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã vượt mốc 100 tỷ USD.

Theo dõi hoạt động ngoại thương cả nước những năm gần đây cho thấy chu kỳ “100 tỷ USD” trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu đang được rút ngắn nhanh chóng. Hết năm 2007, lần đầu tiên nước ta cán mốc 100 tỷ USD (cả năm đạt 111,2 tỷ USD).

Trong khi đó, theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan (công bố từ năm 2009), thì trong năm 2009 phải mất 10 tháng nước ta mới đạt được dấu mốc này (hết tháng 10 đạt 102,589 tỷ USD); sang năm 2010 phải đến đầu tháng 9… và đến năm ngoái 2016 phải hết tháng 4.

Nhưng bước sang năm 2017, thời gian tiếp tục được giảm thêm 15 ngày. Với trị giá kim ngạch bình quân mỗi ngày đạt hơn 1 tỷ USD thì thời gian giảm thêm 15 ngày là hết sức có ý nghĩa.

Và nếu duy trì được mức tăng trưởng trên 18% như thời gian vừa qua, kết thúc năm 2017, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ lần đầu tiên đạt và vượt mốc 400 tỷ USD (năm 2016 mới đạt hơn 350 tỷ USD).

Điều này là có cơ sở vì theo quy luật, hoạt động xuất nhập khẩu nước ta thường tăng trưởng mạnh vào những tháng cuối năm, nhất là trong quý III.

Sự tăng trưởng trên không chỉ chứng tỏ quy mô của hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta ngày càng lớn mà còn tạo được sự phát triển ổn định và đa dạng về cơ cấu, nhất là trong hoạt động xuất khẩu.

Trước đây hoạt động xuất khẩu dựa chủ yếu vào tài nguyên khoáng sản (dầu thô, than đá…) hay yếu tố lợi thế về lao động (dệt may, gia dày…) nhưng những năm gần đây chủng loại hàng hóa xuất khẩu đa dạng hơn với sự góp mặt của các mặt hàng công nghệ cao như điện thoại, máy vi tính, máy ảnh, phương tiện vận tải…

Thái Bình