THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM HẤP DẪN CÁC DOANH NGHIỆP AUSTRALIA

Điều kiện chính trị ổn định, thị trường ngày càng năng động cùng những chính sách ưu đãi đang hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có Australia.

Một dự án đầu tư lớn của Úc tại Việt Nam. Ảnh: Internet.

Việt Nam hiện là thị trường thứ 2 mà doanh nghiệp Australia lựa chọn đầu tư kinh doanh. Đây là khẳng định của đại diện Hội đồng doanh nghiệp Australia – Việt Nam tại Hội nghị Triển lãm Thương mai và Đầu tư Australia và Việt Nam diễn ra chiều 11/6 tại Hà Nội.

Với hơn 70 doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực bao gồm bất động sản, tài chính, công nghệ cao, môi trường, nông nghiệp và giáo dục… của phái đoàn doanh nghiệp Australia tới Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác của Việt Nam cũng như tìm hiểu môi trường đầu tư Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á về mức độ hấp dẫn đầu tư đối với doanh nghiệp Australia chỉ sau Indonesia do Việt Nam có điều kiện chính trị ổn định, thị trường ngày càng năng động, đặc biệt chính phủ mới có nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội làm ăn tại Việt Nam. Trong những năm qua, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam – Australia ngày một tăng cao, năm 2016, kim ngạch 2 chiều đạt 5,26%.

Đại diện doanh nghiệp Australia cho rằng, bên cạnh việc nâng cao chất lượng hàng hóa sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm kiếm đối tác tốt tại Australia để thâm nhập vào thị trường này hiệu quả hơn.

Hội nghị Triển lãm Thương mại và Đầu tư và Việt Nam là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam xúc tiến chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm, kết nối đầu tư, thúc đẩy truyền thông và góp phần tăng cường giao lưu, liên kết quốc tế, tạo điều kiện để Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực có nhiều tiềm năng.

Theo Vov.vn

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

NHỮNG LƯU Ý KHI NHẬP HÀNG VÀO AUSTRALIA

(HQ Online)- Thương vụ Việt Nam tại Australia khuyến cáo các doanh nghiệp khi nhập khẩu hàng hoá vào Australia, cần kiểm tra các bước sau đây để đảm bảo tuân thủ các qui định và luật lệ của Australia.

Điện thoại các loại và linh kiện là mặt hang xuất khẩu sang Australia lớn nhất. Ảnh internet.

Đầu tiên, Chính phủ Australia có một số luật các doanh nghiệp phải tuân thủ khi nhập khẩu hàng hoá vào Australlia ví dụ như quy định nhập hàng nông sản, thực phẩm… Do đó, doanh nghiệp phải đảm bảo nắm được các luật và quy định nhập khẩu.

Thông thường, doanh nghiệp và cá nhân nhập khẩu hàng hoá vào Australia không cần giấy phép nhập khẩu. Tuy nhiên, đối với một số mặt hàng nhất định, bạn cần xin giấy phép. Một số loại hàng hoá bị cấm hoặc hạn chế nhập khẩu, nhưng chủ yếu là các mặt hàng như hoá chất nguy hiểm, dược phẩm, ma tuý, một số loại thực phẩm nhất định, vũ khí, thuốc lá và một số loại vật liệu sinh học.

Bên cạnh đó, khi nhập khẩu hàng hoá, doanh nghiệp cũng cần hiểu các quy tắc xuất xứ để tận dụng các ưu đãi nếu có.

Tiếp theo, doanh nghiệp phải kiểm tra xem hàng hoá có phải kiểm dịch. Nếu nhập khẩu thực vật, động vật, khoáng sản và các sản phẩm dùng cho con người thì phải kiểm dịch và xử lý côn trùng hoặc các yếu tố sinh học khác.

Vấn đề phí và thuế phải nộp cũng là vấn đề đáng chú ý. Theo đó, thông thường hải quan sẽ thu phí xử lý hàng hóa thông thường dưới 200 AUD, thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) được tính bằng 10% tổng giá trị của hàng hoá, cộng với thuế nhập khẩu, cộng với phí bảo hiểm và vận chuyển đến Australia.

Thuế nhập khẩu được tính dựa trên phần trăm giá hàng hoá, vào khoảng 0-10% nhưng chủ yếu 5%. Còn thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng cho đồ uống có cồn, thuốc lá và xăng dầu.

Thêm vào đó, hàng hoá nhập khẩu vào Australia phải dán nhãn phù hợp, gồm ít nhất các thông tin về nước sản xuất và xuất xứ, miêu tả chính xác về hàng hoá, địa chỉ người xuất khẩu và người nhập khẩu. Nhãn phải được viết bằng tiếng Anh, gắn liền với hàng hoá, ở vị trí dễ nhận biết và dễ đọc.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong bốn tháng đầu năm 2017, kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Australia đạt hơn hơn 1,89 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Australia đạt gần 1,05 tỷ USD, tăng 21,2%, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Australia đạt 848,02 triệu, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Phan Thu

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

RAU QUẢ XUẤT KHẨU MANG VỀ GẦN 190 TỶ ĐỒNG/NGÀY

(HQ Online)- Rau quả tiếp tục là điểm sáng ấn tượng trong hoạt động xuất khẩu những tháng đầu năm của nước ta với con số tăng trưởng cao ở mức 2 con số, mang về số tiền gần 190 tỷ đồng/ngày.

Cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn- địa bàn xuất khẩu rau quả và mặt hàng nông sản nói chung của nước ta sang Trung Quốc. Ảnh: T.Bình.

73% xuất sang Trung Quốc

Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến 15/4, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả của nước ta đạt 857 triệu USD, tăng tới gần 30% so với cùng kỳ năm 2016 (cùng kỳ mới đạt 661 triệu USD), tương giá trị tuyệt đối tăng thêm 196 triệu USD.

Như vậy, bình quân mỗi ngày mặt hàng rau quả mang về khoản ngoại tệ gần 8,2 triệu USD, tương đương số tiền gần 190 tỷ đồng/ngày.

Với kết quả trên, mặt hàng rau quả tiếp tục duy trì vị thế thứ 3 trong số các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam (sau thủy sản và cà phê).

Đáng chú ý, mặt hàng rau quả có tốc độ tăng trưởng mạnh hơn thủy sản (chỉ đạt 7,8%) và cà phê (đạt 21%) nên khoảng cách về kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này với hai nhóm hàng đứng trên đang được thu hẹp dần.

Biểu đồ tỷ lệ trị giá kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả chia theo thị trường quý I/2017. Biểu đồ: T.Bình.

Liên quan đến thị trường xuất khẩu, theo quan sát của chúng tôi, hiện mặt hàng rau quả của nước ta đã có mặt ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới từ châu Á, châu Â, châu Mỹ… Trong đó có nhiều thị trường vốn nổi tiếng đòi hỏi cao về chất lượng như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc các quốc gia châu Âu như Đức, Hà Lan…

Tuy nhiên, thị trường lớn nhất của rau quả Việt Nam vẫn là Trung Quốc. Thống kê mới nhất chia theo thị trường của Tổng cục Hải quan cho thấy, hết quý I vừa qua, rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 512 triệu USD, chiếm đến 73% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước trong cùng thời điểm.

Trong số các địa phương biên giới giáp Trung Quốc, địa bàn xuất khẩu mặt hàng rau quả đang tập trung chủ yếu ở khu vực cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và khu vực cửa khẩu Lào Cai…

Đa dạng hóa thị trường

Đánh giá về kết quả xuất khẩu mặt hàng rau quả thời gian qua, ngày 24/4, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, TS Nguyễn Hữu Đạt- Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) cho rằng kết quả này rất khả quan.

Theo TS Nguyễn Hữu Đạt, kết quả xuất khẩu rau quả ngày càng tạo được khởi sắc xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Trước tiên là kết quả xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường do các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện đã và đang tạo được những kết quả tích cực. Nhờ đó, mặt rau quả Việt Nam bắt đầu tìm được chỗ đứng ở những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay các quốc gia thuộc EU…

“Dù trị giá kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường trên chưa lớn, nhưng việc đặt chân được vào các quốc gia khó tính, có yêu cầu rất cao về chất lượng giúp tăng uy tín cho mặt hàng rau quả Việt Nam”- TS Đạt chia sẻ.

Mặt khác, theo nhận định của TS Nguyễn Hữu Đạt, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng rau quả trên thế giới tiếp tục tăng là cơ hội cho việc tăng trưởng xuất khẩu đối với sản phẩm này của nước ta hiện nay cũng như thời gian tới.

Đặc biệt, một nguyên nhân quan trọng được TS Nguyễn Hữu Đạt đặc biệt nhấn mạnh là vai trò của nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và cả các nhà sản xuất, hộ nông dân trong nỗ lực đa dạng hóa mẫu mã, chất lượng sản phẩm, quảng bá thương hiệu đối với rau quả Việt Nam.

“Doanh nghiêp xuất khẩu rau quả đa phần còn hạn hẹp về tài chính những đã có nhiều nỗ lực trong quảng bá thương hiệu, tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Mặt khác trong một hai năm gần đây đã có sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp xuất khẩu với hộ nông dân, những người sản xuất, vì vậy, chất lượng, mẫu mã sản phẩm ngày càng được nâng cao, tạo được nguồn hàng cung cấp ổn định, qua đó ngày càng tạo được uy tín của rau quả Việt Nam trên thị trường thế giới”- lãnh đạo VINAFRUIT nhận định.

Năm 2016, mặt hàng rau quả mang về trị giá kim ngạch 2,457 tỷ USD, với mức tăng trưởng 33,6% so với năm 2015. Đây là nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ 3 trong lĩnh vực nông, thủy sản (sau thủy sản và cà phê) và là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng đứng thứ trong tổng số 45 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực được Tổng cục Hải quan thống kê (sau mặt hàng đá quý, kim loại quý và sản phẩm với mức tăng trưởng 44,4%).
Thái Bình