Tàu container “khủng” cập cảng Cái Mép

Theo lịch trình, đúng 12h ngày 20/2, tàu khủng 18.000 teu cập phao số 0 để vào cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT).

 
IMG_8882

Tàu khủng hơn 18.000 teu sắp cặp phao số 0

Đến 10h30 hôm nay (20/2), siêu tàu container Margrethe Maersk trọng tải 194.000 tấn với sức chở 18.300 teu (1 teu tương đương với một container 20 feet) đã vào vùng biển Việt Nam, cách phao số 0 biển Vũng Tàu khoảng 1,5 giờ hành trình.

Theo lịch trình, đúng 12h cùng ngày, tàu khủng này cập phao số 0 để vào cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT).

Với chiều dài 399m, rộng hơn 59m, tàu container Margrethe Maersk là con tàu khổng lồ hàng đầu thế giới hiện nay. Trên thế giới, hiện chỉ có 18 cảng có đủ năng lực và điều kiện tiếp nhận tàu này vào làm hàng và cảng CMIT là cảng thứ 19.

Để thực hiện kế hoạch, Haivanship điều động 3 tàu lai Azimuth phục lai tàu khủng. Cụ thể, tàu Mirai 5,900hp escort hộ tống từ phao số 0, tàu Seaa Tiger 4,430hp escort và Kasuga 4,330hp escort từ phao số 17. 3 tàu nói trên sẽ hỗ trợ siêu tàu container cập, rời cảng. Ngoài ra, Haivanship còn sắp xếp tàu lai Kamiya dự phòng.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Portcoast – đơn vị tư vấn lập quy hoạch cảng biển Việt Nam cho biết, tàu container Margrethe Maersk thuộc thế hệ tàu Triple-E là hạng tàu “khổng lồ”, lớn nhất thế giới ở thời điểm hiện tại. Cái tên Triple-E được lấy từ 3 tiêu chí thiết kế của loại tàu này, đó là Economy of scale (tiết kiệm chi phí nhờ hiệu suất sản xuất cao), Energy efficient (tiết kiệm nhiên liệu) và Environmentally improved (thân thiện với môi trường).

16839435_1629456727069939_1708305078_n

Vị trí tàu khủng trên biển Đông lúc 10h30

Để tiết giảm chi phí vận chuyển, đội tàu khai thác trong tuyến Á-Âu hiện phần lớn là loại tàu này. Theo dự báo của tạp chí Alphaliner (tạp chí hàng đầu thế giới về hàng hải), tổng công suất đội tàu này sẽ tăng thêm trên 200% vào năm 2019 so với cuối năm 2015. Do vậy, chuyến tàu triple-E thử nghiệm này thành công là một bước đột phá và là đòn bẩy để Cái Mép đón nhận kịp thời cơ hội phát triển của ngành hàng hải, nhanh chóng trở thành cảng trung chuyển của khu vực.

Liên minh 2M (gồm hai hãng tàu lớn nhất thế giới là Maersk Line và MSC) đã xem xét đến việc cập thử nghiệm tàu trọng tải siêu lớn loại Triple-E 18,000TEU trên tuyến dịch vụ Á-Âu tại cảng CMIT khoảng giữa tháng 10/2016.

Việc liên minh 2M quyết định xem xét đưa Cái Mép vào mạng lưới các cảng có thể tiếp nhận đội tàu loại triple-E thể hiện vị trí chiến lược của Cái Mép trong hoạt động hàng hải quốc tế. Cái Mép sẽ trở thành một trong số ít cảng tại châu Á có khả năng làm hàng cho tàu 18.000 teu (như Busan, Hồng Kông, Thượng Hải, Singapore, Malaysia,…).

Các hãng tàu với những yêu cầu khắt khe trong hoạt động khai thác tàu đã đánh giá rất kỹ các yếu tố về an toàn hàng hải, khả năng của cảng cũng như lợi thế về mặt thương mại khi đưa tàu về khai thác tại Cái Mép.

Mai Huyên – Linh Hoàng

Nguồn: http://www.baogiaothong.vn/

Ngày mai, tàu siêu vận tải cập cảng Cái Mép

Tàu mẹ Margrethe Maersk trọng tải 194.000 tấn (DWT) của hãng Maersk Line có sức chở lên đến trên 18.000 Teus.

 
CC-Laperouse-14000-TEU-cua-CMA-CGM-tuyen-chau-Au-e

CMIT là cảng nước sâu có thể đón được tàu siêu lớn

Ngày mai (20/2), CMIT (Cảng Quốc Tế Cái Mép) – một cảng liên doanh giữa Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Cảng Sài Gòn và APM Terminals, sẽ tiếp nhận chuyến thử nghiệm tàu mẹ Margrethe Maersk trọng tải 194.000 tấn (DWT), tàu loại EEE của hãng tàu Maersk Line, có sức chở lên đến trên 18.000 Teus. Đây là tàu siêu vận tải, chuyên tuyến dịch vụ Á-Âu do liên minh 2M khai thác.

Với khả năng tiếp nhận làm hàng cho tàu mẹ kích cỡ siêu lớn này, CMIT tiếp tục khẳng định chức năng của CMIT cũng như của cả cụm cảng Cái Mép mà Chính phủ đã đề ra. Tàu Margrethe Maersk cập cảng là một dấu mốc quan trọng đối với CMIT và cả Việt Nam trong sứ mệnh này. Điều này chứng tỏ năng lực của cảng có thể trở thành trung tâm trung chuyển của khu vực phục vụ cho hàng hoá khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là hàng hoá xuất nhập khẩu tuyến thương mại châu Á và Bắc Âu.

Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam và Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu đóng vai trò to lớn trong việc đưa chuyến tàu trọng tải 18.000 Teus này cập thử nghiệm thành công tại cảng CMIT. Cái Mép trở thành một trong số rất ít cảng khu vực Đông Nam Á có khả năng tiếp nhận tàu kích cỡ 18.000 Teus. Chính điều này đã mang đến cơ hội đặc biệt cho sự phát triển hơn nữa của Cái Mép.

CMIT là một trong 11 cảng biển của Vinalines và là cảng chủ lực tại khu vực Cái Mép – Thị Vải. Việc tiếp nhận chuyến thử nghiệm tàu mẹ Margrethe Maersk có sức chở lên đến trên 18.000 Teus đã đánh dấu sự thành công trong chiến lược tập trung phát triển các cảng trung chuyển quốc tế của Vinalines trong giai đoạn đến năm 2020, sau giai đoạn tái cơ cấu hết sức hiệu quả của doanh nghiệp.

Vinalines phấn đấu trở thành doanh nghiệp chủ đạo của nhà nước trong lĩnh vực khai thác cảng biển, vận tải biển và dịch vụ hàng hải của Việt Nam, nhà cung cấp các giải pháp tối ưu trong hoạt động logistics trên nền tảng cung ứng dịch vụ “door to door”, từng bước hình thành dịch vụ “chuỗi cung ứng toàn cầu/supply chain” với chất lượng tốt nhất.

Thiện Anh
Nguồn: http://www.baogiaothong.vn/