VAI TRÒ QUẢN LÝ HẢI QUAN ĐƯỢC NÂNG CAO QUA CÔNG TÁC PHÂN LOẠI HÀNG HÓA

(HQ Online)- Nâng cao hiệu quả quản lý khai báo mã số hàng hóa là một trong những biện pháp mà ngành Hải quan đã triển khai trong thời gian dài vừa qua để phòng ngừa và chống thất thu thuế qua khai báo phân loại hàng hóa. Không chỉ có thế, điều này còn giúp tạo điều kiện lành mạnh hoá môi trường cạnh tranh trên thị trường nội địa và quốc tế của các DN Việt Nam.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Thái Nguyên, Cục Hải quan Bắc Ninh. Ảnh: T.Trang​​​

Phân loại hàng hóa XK, NK là việc căn cứ vào tên gọi, mô tả về tính chất, thành phần, cấu tạo, công dụng, quy cách đóng gói và các thuộc tính khác của hàng hóa để xác định, sắp xếp hàng hóa vào một mã số nhất định theo Hệ thống hài hóa mô tả và mã hóa hàng hóa, Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Đây là một khâu rất quan trong trong hoạt động XNK của DN và hoạt động quản lý hải quan.

Thực tế Việt Nam đã tham gia Công ước HS từ 1998 và có hiệu lực vào ngày 1/1/2000, qua thời gian triển khai thực hiện, công tác phân loại hàng hóa theo HS đối với hàng hóa XNK đã có những sự thay đổi đáng kể.

Xác định được tầm quan trọng của việc hoàn thiện, nâng cao hiệu quả công tác phân loại hàng hóa, đảm bảo thu đúng, thu đủ, đơn giản, dễ thực hiện, nâng cao uy tín của cơ quan Hải quan trong cộng đồng DN là hết sức cần thiết. Vì vậy, ngành Hải quan đã từng bước nội luật hóa các quy định phân loại của Hải quan thế giới, đồng thời cũng chuẩn hóa cách phân loại theo quy định của quốc tế.

Đó là việc Hải quan Việt Nam đã triển khai áp dụng Công ước hài hoà mô tả mã hoá hàng hoá của Tổ chức Hải quan thế giới (HS) thay cho việc áp dụng danh mục hàng hoá XNK của khối SEV ngay từ những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ XX. Bên cạnh đó, Hải quan Việt Nam đã cử đại diện tham gia xây dựng, đàm phán, triển khai áp dụng Danh mục thuế quan hài hoà ASEAN (AHTN) để thực hiện Nghị định thư về việc thực thi AHTN, xây dựng Danh mục hàng hoá XNK Việt Nam theo chuẩn hóa quốc tế.

Thực tế, trong quá trình hoạt động quản lý nhà nước về hải quan, tình trạng DN khai sai mã số hàng hóa để hưởng mức thuế thấp hơn là một hình thức gian lận khá phổ biến. Đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế phát triển với đa dạng về các chủng loại hàng hóa, sự xuất hiện của những mặt hàng đa chức năng, đa công dụng. Vì vậy, công tác phân loại của cơ quan Hải quan gặp không ít khó khăn, bởi nhận thức về bản chất hàng hóa có nhiều ý kiến khác nhau và nhân lực của cơ quan Hải quan làm công tác phân loại hàng hóa còn hạn chế.

Song, với mục tiêu xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách về phân loại hàng hóa, để có một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hoàn chỉnh Ngành Hải quan đã xây dựng, thu thập, cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu về phân loại hàng hóa đầy đủ, có độ tin cậy cao, tích hợp với các hệ thống cơ sở dữ liệu khác của ngành Hải quan, phục vụ đắc lực cho quản lý rủi ro và thủ tục hải quan điện tử; kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực của cán bộ, công chức làm công tác phân loại hàng hóa chuyên nghiệp, chuyên sâu, tập trung, thống nhất tại ba cấp Tổng cục- Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố- Chi cục… Qua đó, góp phần thu đúng, thu đủ cho ngân sách nhà nước, khắc phục tình trạng phân loại hàng hóa không thống nhất, giảm và hạn chế đến mức thấp nhất việc truy thu thuế, khiếu nại, khiếu kiện, tranh chấp trong công tác phân loại hàng hóa, xác định mức thuế.

Theo Cục trưởng Cục Thuế XNK (Tổng cục Hải quan) Lưu Mạnh Tưởng, hiện quy trình phân loại hàng hóa của ngành Hải quan đã thống nhất được các quan điểm phân loại hàng hóa khác nhau giữa các đơn vị trước khi ban hành thông báo kết quả phân loại hàng hóa. Đồng thời qua đó, hình thành được hệ thống phần mềm MHs lưu giữ kết quả phân tích phân loại trong toàn ngành. Từ đó giúp DN dễ dàng tra cứu các kết quả phân loại hàng hóa, và cũng giúp DN thuận tiện hơn trong việc áp dụng vào việc phân loại hàng hóa của chính DN bởi những thông báo kết quả phân loại đều được Tổng cục Hải quan công khai trên website của ngành.

Cùng với đó, quy định về xác định trước mã số hàng hóa, xuất xứ của hàng hóa được Tổng cục Hải quan triển khai nhằm giúp DN chủ động tính toán trước hiệu quả kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, đồng thời giúp cơ quan Hải quan tăng hiệu quả quản lý. Hầu hết hồ sơ gửi đến đều được Cục Thuế XNK giải quyết trong thời hạn 30 ngày, những trường hợp hàng hóa phức tạp cũng được giải quyết trong thời hạn tối đa 60 ngày.

Việc thực hiện quy định xác định trước mã số hàng hóa mang lại lợi ích cho cả Hải quan và DN. Đó là, cơ quan Hải quan nâng cao năng suất và hiệu quả quản lý nhờ đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa, phân bổ nguồn lực hợp lý vào các giai đoạn trước, trong và sau thông quan. Về phía DN sẽ căn cứ vào những thông tin được cung cấp trước có tính rằng buộc pháp lý để nghiên cứu thị trường, lập kế hoạch kinh doanh và tính toán lợi nhuận. Điều này làm tăng độ chắc chắn và có thể dự doán được cho các DN khi tham gia các giao dịch thương mại quốc tế.

Đặc biệt, với việc Bộ Tài chính ban hành Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam (kèm theo Thông tư 65/2017/TT-BTC) theo Danh mục AHTN 2017, Biểu thuế MFN và các Biểu thuế FTA, các danh mục quản lý chuyên ngành theo AHTN 2017 đã đảm bảo đồng bộ và hợp nhất, hỗ trợ cho công tác phân loại hàng hóa được thuận lợi và chính xác. Cùng với đó là Danh mục quản lý rủi ro về phân loại được Tổng cục Hải quan xây dựng và triển khai trong toàn ngành, trong đó bao gồm khoảng 380 mặt hàng cấp độ 8 chữ số và 7 nhóm hàng cấp độ 6 chữ số bao gồm cả hàng NK và XK được thường xuyên cập nhật và thay đổi…, là tài liệu quan trọng, là công cụ quản lý trong công tác phân loại hàng hóa của cơ quan Hải quan trong cả khâu trong và sau thông quan. Đây cũng là những văn bản quy phạm pháp luật quan trọng giúp ngành Hải quan hoàn chỉnh hệ thống chính sách về phân loại hàng hóa.

Chỉ riêng trong công tác phân loại hàng hóa, năm 2016 Tổng cục Hải quan đã ban hành hơn 4.620 thông báo kết quả phân loại hàng hóa, xử lý gần 260 đơn đề nghị xác định trước mã số hàng hóa. Tình trạng tranh chấp giữa Hải quan và DN liên quan đến mã số hàng hóa và thuế suất ưu đãi đã giảm đáng kể. Năm 2016, chỉ có 4 đơn khiếu nại chủ yếu tập trung vào những mặt hàng phức tạp, dễ nhầm lẫn. Kết quả DN khai bổ sung hoặc ấn định lại thuế riêng trong công tác phân loại hàng hóa là trên 87,2 tỷ đồng và DN đã nộp trên 57,5 tỷ đồng vào NSNN.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Tổng cục Hải quan đã ban hành hơn 745 thông báo kết quả phân loại hàng hóa, xử lý 108 đơn đề nghị xác định trước mã số hàng hóa theo đề nghị của tổ chức, cá nhân.

Thu Trang

HẢI QUAN BÌNH DƯƠNG: ĐỔI MỚI TRONG CÔNG TÁC HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP

(HQ Online)- Nhằm phát triển mối quan hệ Hải quan – doanh nghiệp (DN), nâng cao chất lượng tuyên truyền pháp luật và hỗ trợ, tạo thuận lợi cho DN đầu tư trong hoạt động XNK, năm 2017, Cục Hải quan Bình Dương đã có nhiều đổi mới trong công tác tiếp cận, giải đáp vướng mắc cho DN.

Đoàn công tác của Chi cục HQ KCN Mỹ Phước thực hiện tham vấn về thủ tục XNK cho DN. Ảnh: T.D.

Từ năm 2013 đến nay, Cục Hải quan Bình Dương đã phối hợp với các Hiệp hội, Chi hội DN Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… tổ chức nhiều hội nghị đối thoại. Thông qua hội nghị, các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động XNK đã được tuyên truyền kịp thời đến DN, cũng như kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho DN. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trường Giang, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, hội nghị đối thoại với số lượng DN tham gia đông (khoảng 100-150 DN), việc trao đổi, tương tác giữa DN và cơ quan Hải quan sẽ bị hạn chế. Theo đó, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đối thoại, ngày 4/5, Cục Hải quan Bình Dương tổ chức hội nghị tập huấn cho 12 đại diện lãnh đạo DN Nhật Bản đầu tư tại Bình Dương và dự kiến từ nay đến cuối năm 2017 đối với mỗi hiệp hội, chi hội DN sẽ có khoảng 6 hội nghị tập huấn như thế này cho lãnh đạo các DN.

Đánh giá cao sáng kiến đổi mới công tác đối thoại của Hải quan Bình Dương, ông Kazuhito Yamamoto, Chi hội trưởng Chi hội DN Nhật Bản tại Bình Dương cho rằng, trước đây để hiểu về Luật Hải quan, các thủ tục Hải quan, lãnh đạo các DN thường phải hỏi lại các nhân viên cấp dưới. Nhưng thông qua hội nghị tập huấn lần này, lãnh đạo các DN được trực tiếp nắm bắt các thông tin về chính sách pháp luật Hải quan, cũng như có những thắc mắc được đề xuất trực tiếp với lãnh đạo Cục Hải quan Bình Dương để có những giải đáp thỏa đáng. 

Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm 2017, Hải quan Bình Dương đã chủ động gặp gỡ tìm  hiểu  khó  khăn và kịp thời giải quyết vướng mắc phát sinh liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế, chế độ hoàn thuế, miễn thuế. Để hỗ trợ DN thực hiện đúng và kịp thời công tác báo cáo quyết toán thuế đối với hàng sản xuất xuất khẩu và gia công, Cục Hải quan Bình Dương đã tổ chức 4 buổi tập huấn, “bắt tay chỉ việc” về cách thức kê khai, lập báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc… cho đại diện các DN. Đơn vị cũng thực hiện kí kết quy chế phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các ban quản lý khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh về trao đổi, cung cấp thông tin DN trên địa bàn làm cơ sở đánh giá nguồn thu, mời gọi DN để tăng nguồn thu, đồng thời kịp thời hỗ trợ DN khi gặp khó khăn. Đơn vị đã cập nhật danh sách DN FDI được cấp mới mã số thuế trên địa bàn, kịp thời phân bổ cho các chi cục tiến hành tiếp xúc, tuyên truyền và phổ biến pháp luật về thủ tục hải quan tại Bình Dương…

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan KCN Mỹ Phước (Cục Hải quan Bình Dương) cho biết, nhằm mục đích giúp DN hiểu rõ về thủ tục hải quan để làm đúng theo qui định, thời gian qua đơn vị đã thường xuyên thực hiện các buổi tham vấn tại trụ sở DN về một số nội dung liên quan đến thủ tục hải quan xuất khẩu, nhập khẩu nguyên phụ liệu cho các DN đầu tư mới tại Bình Dương. Từ đầu năm 2017 đến nay, Chi cục đã thực hiện tham vấn cho 15 DN. Điển hình như mới đây, Chi cục đã thực hiện tham vấn cho Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (thuộc Tập đoàn Far Eastern – Đài Loan) với vốn đầu tư 1 tỷ USD. Tháng 5/2017, DN bắt đầu nhập khẩu nguyên phụ liệu để phục vụ sản xuất xuất khẩu.

Đây là dự án được UBND tỉnh Bình Dương cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2015 để xây dựng Nhà máy Sản xuất sản phẩm xơ tổng hợp polyester gồm xơ dài filament, sản phẩm sợi cotton, sợi tổng hợp và dệt kim tại Khu công nghiệp đô thị Bàu Bàng, huyện Bàu Bàng với diện tích 99 ha. Dự án có vốn đầu tư là 1 tỷ USD, chia làm nhiều giai đoạn. Nhà máy sản xuất tại Bình Dương là nhà máy lớn thứ 3 trên thế giới sau nhà máy tại Trung Quốc và Đài Loan của Tập đoàn Far Eastern. 

Trong buổi tham vấn, Chi cục Hải quan KCN Mỹ Phước đã trao đổi, hướng dẫn DN về các chính sách thuế đối với nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu, cách xác định định mức hàng XK, xử lý hàng tồn kho, thủ tục hàng XK bị trả lại… nhằm mục đích giúp DN hiểu rõ về thủ tục hải quan để làm đúng theo qui định. Trước đó, Chi cục Hải quan KCN Mỹ Phước đã giải quyết thủ tục nhập khẩu máy móc thiết bị tạo tài sản cố định của Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Tựu, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan KCN Việt Nam – Singapore cho biết, ngoài công tác tập huấn báo cáo quyết toán thuế, hàng ngày Chi cục cũng tiếp nhận và xử lí vướng mắc cho doanh nghiệp khi có phát sinh. Hơn 1.000 địa chỉ email của doanh nghiệp được đăng kí tại Chi cục sẽ được cập nhật kịp thời thông tin các chủ trương chính sách mới của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và các bộ, ngành liên quan.

Bằng những việc làm thiết thực, Hải quan Bình Dương đã tạo được nhiều niềm tin của DN. Cùng với đó là tình hình xuất nhập khẩu tại Cục Hải quan Bình Dương có sự gia tăng rõ rệt, số lượng DN đăng ký làm thủ tục XNK tại đơn vị tăng trên 12% so với cùng kỳ năm trước với 4.098 DN, số tờ khai tăng 17,58%, số kim ngạch tăng 16,28% (đạt trên 11 tỷ USD) và số thu nộp ngân sách tăng gần 31% so với cùng kỳ năm 2016.

Thu Dịu