GIÁ VẬN TẢI BIỂN: VẪN “LỰC BẤT TÒNG TÂM”

(HQ Online)- Giá vận tải biển bao gồm cước và phụ phí luôn là vấn đề “đau đầu” đối với các DN chủ hàng Việt Nam. Biết là vô lý song DN Việt Nam vẫn phải chấp nhận mức giá, phí mà các hãng vận tải biển nước ngoài đưa ra.

Giá vận tải biển vẫn là mối lo ngại lớn đối với DN XNK Việt Nam. Ảnh: Thái Bình.

Luôn tăng cao

Theo Bộ Giao thông vận tải, Việt Nam hiện có hơn 1.800 tàu vận tải biển các loại nhưng chủ yếu chỉ vận tải hàng hóa nội địa và “loanh quanh” trong khu vực Đông Nam Á. Vì thế, 88% thị phần hàng hóa XNK, trong đó gần 100% hàng hóa XNK đi các thị trường như châu Âu, Bắc Mỹ rơi vào tay khoảng 40 hãng tàu biển nước ngoài. Chính sự chênh lệch này đã tạo điều kiện khiến các hãng tàu nước ngoài áp đặt nhiều phụ phí vô lý, giá thành cao mà các DN Việt Nam vẫn phải chấp nhận.

Bên cạnh đó, các DN XNK của Việt Nam thường sử dụng hình thức mua CIF, bán FOB nên quyền thuê phương tiện và đàm phán hợp đồng vận chuyển, thanh toán giá vận chuyển chủ yếu phụ thuộc vào đối tác nước ngoài, điều này khiến cho các khoản phụ thu ngoài giá vận chuyển bằng đường biển thường đổ vào “đầu” các DN XNK trong nước. Nhưng quan trọng hơn là các khoản phụ thu ngoài giá vận chuyển bằng đường biển thường không được quy định rõ ràng trong hợp đồng vận chuyển cũng như hợp đồng thương mại XNK, do đó, các chủ hàng XNK Việt Nam khó có thể xác định các khoản phụ thu có hợp lý hay không.

Qua đối chiếu bảng báo giá và hợp đồng của một số hãng tàu tại nước ngoài cũng như tại Việt Nam thì thấy các loại phụ thu này được thu đồng đều tại cả hai nơi. Điều này có nghĩa là các khoản phụ thu này cũng đều được thu ở các nước theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, việc thu các khoản phụ thu này tại Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, đó là: Không có sự đồng thuận giữa hãng tàu và chủ hàng XNK Việt Nam; không có sự thông báo trước về mức thu cũng như thời gian thu; chưa có cơ quan quản lý các loại phụ thu ngoài giá vận chuyển bằng đường biển…

Đặc biệt, trong một số trường hợp các mức phụ thu được thu bởi hãng tàu nước ngoài cao hơn nhiều so với mức hãng tàu trả cho nhà cung cấp dịch vụ, mà trong đó các chi phí dịch vụ tại cảng địa phương chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi phí của hãng tàu như: Phụ thu điều chuyển container rỗng, phụ thu phụ trội cho hàng nguy hiểm, phụ thu tắc nghẽn cảng, phụ thu vận chuyển hàng nặng, phụ thu mùa cao điểm, phụ thu xếp dỡ container (THC)…

Theo quy định, phụ phí theo cước vận tải biển không thuộc danh mục Biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải do Nhà nước quy định. Các khoản phụ phí theo cước vận tải biển cũng chưa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá của Luật Giá nên việc thu các loại phụ phí này do các hãng tàu nước ngoài đặt ra mà chưa có sự kiểm soát thống nhất của cơ quan quản lý Nhà nước. Hơn nữa, các hãng tàu thu phí cao hơn so với thực tế phải trả cho dịch vụ của cảng biển Việt Nam. Đại diện một DN chuyên về logistics đưa ra dẫn chứng, các hãng tàu không thông qua đàm phán đã đơn phương áp dụng thu phụ phí xếp dỡ container (THC), mức phí này đã tăng dần lên theo từng năm, đặc biệt vào mùa cao điểm, mỗi hãng tàu lại có mức giá khác nhau mặc dù cùng hệ thống cảng biển. Theo đó, hãng tàu W. thu mức phí này cho container thường loại 20 feet là 2.600.000 VND, trong khi một hãng tàu khác thu ở mức 101 USD (tương đương khoảng 2.750.000 VND), trong khi cách đây khoảng vài năm, mức phí này chỉ bằng một nửa. Nhưng có một nghịch lý đáng quan tâm ở đây là mức phí xếp dỡ mà các hãng tàu trả cho cảng chỉ vào khoảng 30-40 USD/container, như vậy, đã và đang có một khoản chênh lệch rất lớn “chui” vào lợi nhuận của các hãng tàu.

Việc thu phí nêu trên còn chưa kể đến nhiều khoản phí rất vô lý, nhưng vẫn được các hãng tàu thu ở mức cao. Một hãng tàu của Hong Kong thu tới 90 HKD (khoảng 260.000 VND) cho phí kẹp chì, gần 9 USD cho phí vệ sinh container, hơn 101 USD cho phụ phí chuyển container rỗng… Theo đó, để vận chuyển một container 20 feet từ Hong Kong về đến Hải Phòng, DN sẽ phải chi trả cho hãng tàu khoảng hơn 1.100 USD.

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Công ty TNHH may Yakjin Việt Nam cho biết, mặc dù giá cước vận tải biển đã có sự thống nhất nhưng các hãng tàu thường tăng phí vô tội vạ, khiến DN phải mất thêm một khoản chi phí, ví dụ như khi giá xăng dầu tăng thì cước phí và một số phụ phí liên quan đến vận tải, xếp dỡ… cũng được đà tăng theo, chưa kể phụ phí chênh lệch giá xăng dầu.

Kỳ vọng vào hành lang pháp lý

Sau một thời gian dài các DN, hiệp hội và nhiều cơ quan bộ, ngành đưa ra nhiều kiến nghị về việc thu phí vô lý của các hãng tàu, các bộ, ngành đã vào cuộc giúp DN xử lý vấn đề này với nhiều hội thảo, họp bàn. Tuy vậy, kết quả nhận được vẫn được đánh giá chưa đáng kể.

Vào tháng 7/2017 tới đây, một số văn bản pháp luật có hiệu lực, hy vọng sẽ chấn chỉnh được phần nào thực trạng trên cho các DN. Ví dụ, khoản 1 điều 149 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 quy định, giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển là khoản tiền trả cho người vận chuyển theo hợp đồng vận chuyển bằng đường biển. Phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển (nếu có) là khoản tiền trả thêm cho người vận chuyển ngoài giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển. Tiếp đó, cũng tại điều này, khoản 2 quy định, DN thực hiện việc niêm yết giá theo quy định của pháp luật về giá và niêm yết phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển theo quy định của Chính phủ. Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ 1/7/2017.

Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 146/2016/NĐ-CP quy định việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển. Theo đó, nội dung niêm yết giá vận chuyển bằng đường biển, phụ thu gồm: Điểm đi và điểm đến của tuyến vận tải; Danh mục và mức giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển, phụ thu tương ứng với tuyến đường vận chuyển và loại hàng hóa được vận chuyển. Thông tin DN kinh doanh vận tải biển hoặc đại lý, DN được ủy quyền niêm yết. Nội dung niêm yết giá dịch vụ tại cảng biển gồm: Thông tin DN cảng biển; biểu giá dịch vụ tại cảng của DN đã thực hiện kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Mức giá niêm yết đã bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có). Các DN kỳ vọng đến tháng 7/2017, Nghị định này có hiệu lực, vấn đề sẽ có chuyển biến tích cực.

Theo lý giải của Bộ Giao thông vận tải, các hãng tàu nước ngoài thu các khoản phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển đối với các DN XNK đã diễn ra từ năm 2011, đặc biệt trong thời gian gần đây, do tính cạnh tranh giữa các hãng tàu cao, các hãng tàu hạ thấp giá vận chuyển và áp dụng việc thu các khoản phụ thu để bù đắp chi phí. Các khoản phụ thu được các hãng tàu đơn phương đưa ra mà không có sự đồng nhất về mức thu, không có sự thông báo trước một khoảng thời gian nhất định (chỉ trước khi tàu đến cảng, chủ hàng mới được thông báo phải nộp các khoản phụ thu),… gây nhiều bức xúc cho các DN XNK. Vì thế, liên Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Công Thương và các đơn vị liên quan đã đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý, giám sát đối với cước vận tải biển và các loại phí, phụ phí.

Một DN ô tô có uy tín chia sẻ với phóng viên, DN đã đàm phán với một hãng tàu nước ngoài để mua thành gói cước bao gồm cả cước và phí vận chuyển đường biển, vì thế, DN không phải trả thêm bất kỳ một khoản phụ thu nào.

Vấn đề này, theo các chuyên gia, sự liên kết của các DN để “đấu tranh” với những bất cập và vô lý của các hãng tàu mới là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay.

Chi Mai

CƯỚC TÀU BIỂN TIẾP TỤC TĂNG TỪ ĐẦU THÁNG 4

(TBKTSG Online) – Các hãng tàu vừa gửi thông báo đến khách hàng báo tăng giá cước hàng trăm đô la Mỹ mỗi container hàng hóa xuất lẫn nhập khẩu đến và đi từ Việt Nam và các thị trường lớn như Mỹ, EU, Úc.
Hãng tàu Hapag-Lloyd thông báo từ ngày 1-4 tới sẽ tăng giá cước tàu cho hàng hóa xuất khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam, đến Mỹ và Canada với mức tăng 240 đô la Mỹ/container 20 feet, 300 đô la Mỹ/container 40 feet.

Cùng thời điểm, hai hãng tàu container là Cosco và U.S.Lines cũng thông báo tăng giá cước vận chuyển cùng tuyến với mức tăng tương tự.

Ở chiều ngược lại, hãng tàu Hapag-Lloyd và các hãng tàu khác cũng dự định tăng cước từ ngày 15-4 với mức tăng từ 40 đô la Mỹ đến 100 đô la Mỹ đối với container 20 feet và 40 feet. 

Các hãng tàu cũng tăng giá cước đối với các tuyến khác, cụ thể mức tăng đối với hàng hóa xuất khẩu từ các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, đến các nước Bắc Âu và Địa Trung Hải là 150 đô la Mỹ đối với container 20 feet và 250 đô la Mỹ đối với container 40 feet từ ngày 1-4.

Cước tàu từ các nước, trong đó có Việt Nam, đến Úc cũng tăng 200 đô la Mỹ đến 400 đô la Mỹ/container đối với các loại container 20 và 40 feet.

Giải thích trong thông báo, các hãng tàu cho biết giá cước tàu biển hiện nay không đủ để bù vào chi phí hoạt động và chi phí vận tải, trong đó có chi phí xăng dầu trong tuyến.

Trong khi đó theo biểu đồ giá dầu thô thế giới, so sánh các loại thành phẩm từ ngày 9-1 đến ngày 19-3, giá dầu thô dao động không đáng kể dưới mốc 100 đô la Mỹ/thùng.

Theo giám đốc một hãng tàu nước ngoài có trụ sở ở quận 1, thực tế giá xăng dầu chỉ là một yếu tố ảnh hưởng đến giá cước tàu; nguyên nhân chủ yếu là các hãng tàu đang tìm cách bù lỗ cho dư thừa công suất của các hãng tàu biển lớn trên thế giới được dự báo sẽ tiếp tục trong 2 năm tới.

“Nguồn cung tàu container so với nhu cầu hàng hóa đang có sự chênh lệch”.

Ông Phan Thông, Tổng thư ký Hiệp hội chủ hàng nhận xét việc tăng cước, phát sinh phụ phí vẫn không được kiểm soát hoặc có cơ chế quản lý phù hợp. Theo ông việc tăng cước còn được thông báo trước nhưng áp dụng các phụ phí ra sao thì không được kiểm soát. Các chủ hàng không nắm được lý do vì sao phát sinh và áp dụng trong bao lâu.

Phạm Thái
Thứ Ba,  25/3/2014, 20:41 (GMT+7)

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/