LẦN ĐẦU TIÊN XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU CÙNG ĐẠT TRÊN 200 TỶ USD

(HQ Online)- Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, lần đầu tiên tổng trị giá kim ngạch xuất khẩunhập khẩu của cả nước cùng đạt mức trên 200 tỷ USD.
Xuất khẩu, Nhập khẩu, kim ngạch
Hàng hóa XNK tại khu vực cảng Hải Phòng. Ảnh: T.Bình.

Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết 15/12, tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu đạt 204 tỷ USD, trong khi đó tổng trị giá kim ngạch nhập khẩu đạt gần 201,3 tỷ USD.

Như vậy, so với cùng kỳ 2016, tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu tăng thêm khoảng 36 tỷ USD, tương đương tốc độ tăng trưởng gần 21,5%; ở chiều nhập khẩu, con số tăng thêm cũng rất ấn tượng đạt khoảng 35 tỷ USD, tăng gần 21,3%.

Một số thay đổi đáng chú ý trong hoạt động xuất khẩu là sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm hàng điện thoại và máy tính.

So với cùng kỳ năm ngoái, mặt hàng điện thoại và linh kiện tăng thêm 10 tỷ USD, đạt trị giá kim ngạch 43,19 tỷ USD là nhóm hàng có con số tuyệt đối tăng thêm nhiều nhất và cũng là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất cả nước.

Trong khi đó, xét về tốc độ tăng trưởng, mặt hàng máy tính là một trong những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực có tốc độ tăng lớn nhất với mức tăng 38%, đạt trị giá kim ngạch 24,87 tỷ USD và vượt dệt may trở thành nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ 2 cả nước (dệt máy đứng thứ 3 với 24,744 tỷ USD). Đây là điều gây không ít ngạc nhiên vì cùng kỳ năm ngoái, khoảng cách giữa 2 nhóm hàng này còn rất lớn lên đến hơn 4,5 tỷ USD.

Ngoài 3 nhóm hàng trên, hoạt động xuất khẩu đến 15/12 cũng ghi nhận thông tin đáng chú ý khác khi hàng loạt nhóm hàng chủ lực có kim ngạch vượt kết quả của cả năm 2016 như thủy sản đạt 7,955 tỷ USD, vượt cả năm ngoái hơn 900 triệu USD; rau quả đạt 3,346 tỷ USD, vượt gần 890 triệu USD; hạt điều đạt 3,363 tỷ USD vượt hơn 500 triệu USD…

Như vậy, dù chưa kết thúc năm nhưng đến thời điểm này có thể khẳng định năm 2017 nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước đã thiết lập được những kỷ lục mới ấn tượng về trị giá kim ngạch.

Với tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu đến 15/12 đạt 405,3 tỷ USD và trị giá trung bình đạt trên dưới 20 tỷ USD/nửa tháng, nhiều khả năng tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu nhập khẩu năm 2017 sẽ vượt 420 tỷ USD.

Thái Bình

3 NHÓM HÀNG XUẤT KHẨU CHỦ LỰC MANG VỀ THÊM GẦN 9 TỶ USD

(HQ Online)- Từ đầu năm đến trung tuần tháng 8, 3 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta là điện thoại và linh kiện; dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã tạo thêm giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng tới 8,783 tỷ USD so với cùng kỳ 2016.
Biểu đồ so sánh trị giá kim ngạch xuất khẩu 3 nhóm hàng lớn so với cùng kỳ 2016 (tính đến 15/8), đơn vị tính “tỷ USD”. Biểu đồ: T.Bình.

Dựa vào thông tin Tổng cục Hải quan mới công bố cho thấy, đến 15/8, trong 3 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực kể trên nhóm hàng có tốc độ tăng trưởng cao và con số tăng thêm lớn nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Cụ thể, đến 15/8, nhóm hàng này đạt tổng trị giá kim ngạch 14,635 tỷ USD, tăng tới 4,322 tỷ USD so với cùng kỳ 2016, tương đương tốc độ tăng trưởng 41,9%.

Trong khi đó, nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của nước ta là điện thoại và linh kiện cũng mang về thêm 3,299 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái, nâng tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến 15/8 lên 24,258 tỷ USD.

Với 1,162 tỷ USD tăng thêm so với cùng kỳ 2016, ngành hàng dệt may đạt được trị giá kim ngạch xuất khẩu 15,375 tỷ USD và đang đứng ở vị trí thứ 2 trong số các ngành hàng xuất khẩu của nước ta.

Với tổng trị giá kim ngạch đạt 54,268 tỷ USD, 3 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực kể trên đang đóng góp tới gần 43,8% tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu cả nước trong cùng thời điểm.

Một số mặt hàng xuất khẩu lớn khác đáng chú ý của nước ta có thể kể đến như giày dép đạt trị giá kim ngạch 8,944 tỷ USD; thủy sản đạt 4,749 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,544 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 4,288 tỷ USD…

Thái Bình

ĐẠT 250 TỶ USD KIM NGẠCH XUẤT NHẬP KHẨU

(HQ Online)- Thông tin mới nhất được Tổng cục Hải quan đưa ra cho thấy, tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước tính đến trung tuần tháng 8 đạt khoảng 250 tỷ USD.
Cả hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của nước ta đều đang đạt mức tăng trưởng cao ở mức 2 con số. Trong ảnh, hoạt động XNK tại cảng Hải Phòng. Ảnh: T.Bình.
.

Trong đó, tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 124 tỷ USD, trong khi nhập khẩu hàng hóa đạt gần 126,4 tỷ USD. Như vậy, cả hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu của cả nước đều đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ 2016, trong đó, xuất khẩu tăng trưởng gần 19%, trong khi nhập khẩu tăng cao hơn đạt gần 22,3%. Tuy nhiên, cán cân thương mại của nước ta vẫn đang thâm hụt khoảng 2,4 tỷ USD.

Trong lĩnh vực nhập khẩu có 2 nhóm hàng có trị giá kim ngạch đạt từ 20 tỷ USD trở lên là: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 22,603 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 20,581 tỷ USD.

Các nhóm hàng nhập khẩu lớn khác có thể kể đến như: Vải đạt 6,869 tỷ USD; sắt thép 5,631 tỷ USD; chất dẻo nguyên liệu 4,452 tỷ USD…

Trong khi đó nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của nước ta là điện thoại và linh kiện đạt 24,258 tỷ USD. Các vị trí tiếp theo là dệt may đạt 125,375 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 14,635 tỷ USD; giày dép đạt 8,944 tỷ USD…

Nhìn vào kết quả trên dễ dàng nhận thấy những nhóm hàng tạo nên dấu ấn cho hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta như điện thoại; máy tính; máy móc thiết bị… đều nằm chủ yếu trong tay các doanh nghiệp FDI. Tính chung đến hết 15/8, tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chiếm 70,3% tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu cả nước, trong khi tỉ lệ này ở lĩnh vực nhập khẩu là 60%.

Thái Bình

QUY TẮC XUẤT XỨ: RÀO CẢN LỚN NHẤT CỦA XUẤT KHẨU DỆT MAY VÀO EU

(HQ Online)-Tại hội thảo Dệt may Việt Nam với quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại tự do EU –Việt Nam (EVFTA) do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) phối hợp với Dự án EU-MUTRAP tổ chức ngày 20/4, tại TP.HCM, các chuyên gia cho biết việc tuân thủ quy tắc xuất xứ đang là trở ngại lớn nhất để hàng dệt may xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế tại thị trường này. 

Sản suất hàng dệt may XK tại Công ty May Sài Gòn 3
Nhận định về tình hình XK hàng dệt may vào thị trường EU trong thời gian qua, bà Đặng Phương Dung, Phó trưởng Ban cố vấn Vitas, Chuyên gia dự án EU-MUTRAP cho biết, mặc dù EU là thị trường nhập khẩu (NK) hàng dệt may lớn nhất thế giới nhưng lại là thị trường XK lớn thứ 2 của hàng dệt may Việt Nam (sau Mỹ). Tốc độ tăng trưởng của kim ngạch XK hàng dệt may vào EU cũng như tỉ trọng hàng dệt may NK vào EU cũng còn rất nhỏ, điều này thể hiện năng lực cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam còn có vấn đề. Việc đàm phán và ký kết EVFTA là nhằm tạo thêm điều kiện giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh vào thị trường này.

Theo bà Đặng Phương Dung, việc XK hàng dệt may vào EU trong thời gian qua còn khó khăn do thị trường EU là thị trường khó tính, số lượng đơn hàng nhỏ, không lớn như Mỹ. Bên cạnh đó, các nhà NK có xu hướng mua sản phẩm trọn gói thay vì đặt gia công nên phần lớn các DN còn chưa có sức cạnh tranh như Việt Nam còn khó tiếp cận.

 EVFTA sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho DN mở rộng thị trường nhờ các chính sách ưu đãi về thuế, tuy nhiên theo bà Đặng Phương Dung, quy tắc xuất xứ đang là trở ngại lớn nhất cho hàng dệt may vào thị trường này khi có EVFTA có hiệu lực vì Việt Nam đang phải NK vải chủ yếu từ Trung Quốc. Thời gian qua Việt Nam đã kí kết nhiều FTA với ASEAN, Hàn Quốc, Nhận Bản với quy tắc xuất xứ từ vải trở đi, tuy nhiên khả năng sử dụng quy tắc xuất xứ của Việt Nam còn rất hạn chế. 

Tuy nhiên, EVFTA cho áp dụng quy định cộng gộp xuất xứ, cho phép các nhà XK của Việt Nam được sử dụng vải từ một nước thứ 3 có kí kết FTA với Việt Nam và EU (điển hình là Hàn Quốc) đang là một lối mở cho Việt Nam vì trong tương lai, việc các nước ASEAN gia tăng kí FTA với EU sẽ mở rộng nguồn nguyên liệu được hưởng ưu đãi thuế cho Việt Nam. 

 Bà Vũ Thị Phương, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, trong hai tháng đầu năm kim ngạch XK dệt may sang thị trường EU đạt 480 triệu USD, tăng gần 7% so với cùng kì năm 2016, đây được coi là một tín hiệu tích cực cho hoạt động XK hàng dệt may vào thị trường này. Mặc dù tỉ trọng XK hàng dệt may sang EU còn thấp (tính đến năm 2015 mới chỉ chiếm 1,9% tổng kim ngạch NK hàng dệt may của EU) do hàng dệt may vào EU còn phải chịu thuế suất cao từ 8-12%, nhưng với EVFTA, EU là thị trường tiềm năng của ngành dệt may XK. Vì khi hiệp định này có hiệu lực nhiều mặt hàng sẽ được giảm thuế về 0% và sau 7 năm tất cả các mặt hàng XK vào EU sẽ được giảm thuế về 0%. 

Theo ông Stefan Moser, chuyên gia Dự án EU-MUTRAP, để đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ theo EVFTA, các sản phẩm XK từ EU phải đáp ứng yêu cầu vải sản xuất tại Việt Nam hoặc từ EU, hoặc từ một nước thứ 3 có đã có FTA với Việt Nam và EU. Tuy nhiên, tỉ lệ tận dụng quy tắc xuất xứ cộng gộp song phương (NK vải từ EU về sản xuất rồi XK thành phẩm sang EU) rất ít vì vải của EU rất đắt và chi phí vận chuyển cao.

Cũng theo ông Stefan Moser các hoạt động chế biến không đủ như bảo quản sản phẩm, tháo và lắp ráp các gói hàng, đánh bóng…) không đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ nên nếu DN vẫn khai báo và xuất đi EU có thể bị phát hiện trong hậu kiểm của cơ quan chức năng châu Âu và sẽ bị truy thu và phạt.

 Theo các chuyên gia, cơ hội từ EVFTA là rất lớn nhưng để tận dụng được các DN phải đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ. Trong khi đó theo bà Vũ Thị Phương, thực tế tận dụng ưu đãi từ các FTA đã kí kết còn khá thấp. Hiện nay mới chỉ có 35% hàng XK của Việt Nam tận dụng được các cơ hội từ các FTA, 65% còn lại vẫn phải chiụ thuế suất cao. Nhằm hỗ trợ các DN, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã tích cực tuyên truyền cung cấp thông tin về thị trường để các DN chuẩn bị. “Các quy định của FTA ngày càng ngặt nghèo và DN phải chuẩn bị kĩ càng mới có thể tận dụng được các cơ hội từ hội nhập”, bà Phương nhấn mạnh.

Nguyễn Huế

KIM NGẠCH XUẤT NHẬP KHẨU TĂNG MẠNH ĐẠT GẦN 108 TỶ USD

(HQ Online)- Dù tổng trị giá kim ngạch cả xuất khẩu và nhập khẩu trong nửa đầu tháng 4 có sụt giảm so với 15 ngày cuối tháng 3 trước đó, nhưng xét tổng thể từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta vẫn đang duy trì mức tăng trưởng cao và đạt trị giá kim ngạch gần 108 tỷ USD.
Hoạt động xuất nhập khẩu nước ta đang có những khởi đầu mạnh mẽ trong năm 2017. Trong ảnh, hoạt động xuất nhập nhập khẩu qua cảng Hải Phòng. Ảnh: T.Bình.
Hàng xuất khẩu chủ lực giảm

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong nửa đầu tháng 4 đạt hơn 7,93 tỷ USD, giảm 16% (tương ứng giảm gần 1,51 tỷ USD) so với 15 ngày cuối tháng 3/2017.

Tính đến hết ngày 15/4 kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt  gần 52,51 tỷ USD, tăng 13,9% (tương ứng tăng hơn 6,42 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016.

Căn cứ vào dữ liệu của cơ quan Hải quan có thể thấy, nguyên nhân cơ bản khiến kim ngạch xuất khẩu 15 ngày vừa qua giảm mạnh xuất phát từ sự biến động mạnh theo chiều hướng giảm ở nhiều nhóm hàng xuất khẩu quan trọng của nước ta.

Đáng chú ý, 2 mặt hàng lớn là dệt may và máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong nửa cuối tháng 3 trước đó đều đạt trị giá kim ngạch hơn 1 tỷ USD nhưng sang nửa đầu tháng này đã bị sụt giảm mạnh.

Cụ thể, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 27,8%, tương ứng giảm 319 triệu USD (đạt 829,7 triệu USD); hàng dệt may giảm 20,4%, tương ứng giảm 255 triệu USD (chỉ đạt 879,6 triệu USD).

Bên cạnh đó, một số mặt hàng khác có mức sụt giảm mạnh như sắt thép các loại giảm 62,8%, tương ứng giảm 108 triệu USD; gỗ và và sản phẩm gỗ giảm 23,8%, tương ứng giảm 93 triệu USD…

Trong số các mặt hàng xuất khẩu lớn của nước ta, chỉ có điện thoại và linh kiện có mức tăng trưởng nhẹ so với con số đạt 1,842 tỷ USD, tăng 53 triệu USD so với trước đó. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này chưa đủ sức kéo được tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước đi lên.

Liên quan đến hoạt động nhập khẩu, trị giá hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong cùng thời điểm trên đạt hơn 8,43 tỷ USD, giảm 11,9% so với 15 ngày cuối tháng 3. Tính đến hết ngày 15/4 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt hơn 55,07 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2016.

Hướng tới mốc 400 tỷ USD

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết ngày 15/4, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt hơn 107,58 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, đến nửa đầu tháng 4, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã vượt mốc 100 tỷ USD.

Theo dõi hoạt động ngoại thương cả nước những năm gần đây cho thấy chu kỳ “100 tỷ USD” trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu đang được rút ngắn nhanh chóng. Hết năm 2007, lần đầu tiên nước ta cán mốc 100 tỷ USD (cả năm đạt 111,2 tỷ USD).

Trong khi đó, theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan (công bố từ năm 2009), thì trong năm 2009 phải mất 10 tháng nước ta mới đạt được dấu mốc này (hết tháng 10 đạt 102,589 tỷ USD); sang năm 2010 phải đến đầu tháng 9… và đến năm ngoái 2016 phải hết tháng 4.

Nhưng bước sang năm 2017, thời gian tiếp tục được giảm thêm 15 ngày. Với trị giá kim ngạch bình quân mỗi ngày đạt hơn 1 tỷ USD thì thời gian giảm thêm 15 ngày là hết sức có ý nghĩa.

Và nếu duy trì được mức tăng trưởng trên 18% như thời gian vừa qua, kết thúc năm 2017, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ lần đầu tiên đạt và vượt mốc 400 tỷ USD (năm 2016 mới đạt hơn 350 tỷ USD).

Điều này là có cơ sở vì theo quy luật, hoạt động xuất nhập khẩu nước ta thường tăng trưởng mạnh vào những tháng cuối năm, nhất là trong quý III.

Sự tăng trưởng trên không chỉ chứng tỏ quy mô của hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta ngày càng lớn mà còn tạo được sự phát triển ổn định và đa dạng về cơ cấu, nhất là trong hoạt động xuất khẩu.

Trước đây hoạt động xuất khẩu dựa chủ yếu vào tài nguyên khoáng sản (dầu thô, than đá…) hay yếu tố lợi thế về lao động (dệt may, gia dày…) nhưng những năm gần đây chủng loại hàng hóa xuất khẩu đa dạng hơn với sự góp mặt của các mặt hàng công nghệ cao như điện thoại, máy vi tính, máy ảnh, phương tiện vận tải…

Thái Bình