NHỜ HẢI QUAN HƯỚNG DẪN, DOANH NGHIỆP TRÁNH ĐƯỢC SAI SÓT

(HQ Online)-Ngày 20/12/2017, tại Hội nghị đối thoại bàn tròn giữa doanh nghiệp Nhật Bản với chính chính quyền TP.HCM, lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM cho rằng cơ quan Hải quan đã hướng dẫn, giải đáp tốt các kiến nghị của hiệp hội, giúp các doanh nghiệp tránh được sai sót.

Hướng dẫn, Đối thoại, Tp HCM, Nhật Bản
Quang cảnh hội nghị đối thoại
Đối với các vướng mắc về lĩnh vực Hải quan, Cục Hải quan TP.HCM đã hướng dẫn, giải đáp ngay và được doanh nghiệp Nhật Bản hài lòng. Trong đó, Cục Hải quan TP.HCM ghi nhận kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản để báo cáo Tổng cục Hải quan khắc phục tình trạng không thống nhất về mã HS khi thông quan hàng hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động XNK. 

Đối với kiến nghị về việc miễn thuế nhập khẩu, thuế VAT đối với hàng nhập khẩu thuộc dự án ODA, Cục Hải quan TP.HCM đã giải thích, hướng dẫn, đồng thời cung cấp các văn bản pháp lý liên quan trường hợp dự án thực hiện bằng vốn vay ODA thuộc các đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư.

Các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, trong thời gian qua, nhờ cơ quan Hải quan xử lý tốt kiến nghị cung cấp danh mục cấm nhập khẩu đã giúp các doanh nghiệp thực hiện tốt trong khai báo hải quan, giảm các trường hợp bị xử lý không hợp lý. Về lệ phí không chính thức khi thông quan, doanh nghiệp Nhật Bản nhận thấy đã được cải thiện rất nhiều. 

Lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM khẳng định khi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có văn bản gửi, cơ quan Hải quan đều trả lời bằng văn bản trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản.

Tại hội nghị đối thoại, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Nhật Bản hiện là thị trường XNK lớn thứ ba của TP.HCM và là nhà đầu tư lớn thứ sáu tại thành phố với 1.110 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đạt 3,95 tỷ USD. Ông tin tưởng với các hoạt động và nỗ lực cải tiến môi trường đầu tư mà thành phố đã, đang và sẽ thực hiện, quan hệ kinh tế TP.HCM – Nhật Bản sẽ được tăng cường và số lượng các nhà đầu tư Nhật Bản mở rộng sản xuất, hoạt động thành công tại thành phố sẽ nhiều hơn nữa.

Xung quanh hội nghị bàn tròn có 50 câu hỏi iên quan của 4 nhóm vấn đề gồm: 25 nội dung về lĩnh vực môi trường – đời sống, 12 nội dung về lĩnh vực pháp luật lao động, 6 nội dung về lĩnh vực thuế và 7 nội dung về lĩnh vực hải quan đã được ghi nhận và giải đáp.

Lê Thu

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn

CHÍNH PHỦ GỠ KHÓ CHO DOANH NGHIỆP NHẬT BẢN

(HQ Online)- Chiều 13/12, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ (VPCP), Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính cùng đại diện các bộ, ngành đã có buổi làm việc, đối thoại với 25 DN thuộc Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam.

Nhiều kiến nghị liên quan đến việc NK ô tô được DN Nhật Bản đưa ra. Ảnh: Internet

Cần tăng độ tin cậy về pháp luật Việt Nam 

Phát biểu tại buổi đối thoại, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, năm 2017, GDP của Việt Nam hoàn toàn có thể đạt con số 6,7%, có được điều này là nhờ sự đóng góp lớn của cộng đồng DN, trong đó có các DN Nhật Bản tại Việt Nam. Vì thế, với mục tiêu trong năm 2017 là tăng năng suất lao động, cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao sức cạnh tranh của DN nên Chính phủ sẽ tiếp thu ý kiến góp ý của DN để có những cải cách sát với thực tế và yêu cầu của DN nhất.

Về phía Nhật Bản, ông Umeda Kunio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam cho thấy không chỉ Nhật Bản mà nhiều nước trên thế giới đều dành sự quan tâm lớn cho Việt Nam, nên đây là thời điểm để Việt am đón nhận cơ hội mới thu hút đầu tư.

Vì thế, ông Umeda Kunio đề xuất trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam nên chú trọng đến mục tiêu nâng cao năng suất lao động, Chính phủ nên phát động phong trào cải tiến năng suất trên toàn quốc với sự tham gia của tất cả các bộ ngành liên quan với đầu mối chính là Văn phòng Chính phủ. Ngoài ra, mặc dù những năm vừa qua môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều nhưng nhìn từ con mắt của các tổ chức quốc tế, Việt Nam vẫn ở vị trí chưa phù hợp lắm cho việc đầu tư, nguyên nhân là do độ tin cậy về pháp luật của Việt Nam còn thấp.

“Để tăng cường độ tin cậy, Chính phủ cần giữ đúng hai nguyên tắc. Thứ nhất là giữ vững những cam kết trước đây đã ký kết với nhà đầu tư. Thứ hai, các cơ quan ban ngành cần tuân theo các thông lệ và quy tắc kinh doanh quốc tế”, ông Umeda Kunio kiến nghị.

Nghiên cứu lùi thời điểm thi hành Nghị định 116

Cũng tại buổi làm việc, ông Karashima Hiroshi, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản đã trình bày 4 kiến nghị liên quan đến cơ chế, chính sách cho hoạt động kinh doanh của các DN Nhật Bản.

Đầu tiên, các DN Nhật Bản bày tỏ lo ngại về những khó khăn nếu Dự thảo nghị định liên quan đến việc người lao động nước ngoài tham gia BHXH bắt buộc đi vào thực thi. Bởi nghị định này sẽ làm tăng gánh nặng về tiền bảo hiểm cho nhà tuyển dụng lao động.

Thứ hai là những khó khăn liên quan đến dự thảo nghị định Luật bảo vệ môi trường. Bởi điều khoản trong dự thảo này yêu cầu cơ sở phải có thiết kế bảo đảm chứa nước thải sau xử lý ít nhất 72 giờ, điều này sẽ khiến DN tăng gánh nặng vì việc xây dựng bể chứa cần chi phí lớn.

Thứ ba là các khó khăn liên quan đến Thông tư 23 về NK máy móc cũ. Bởi việc này dẫn đến việc hạn chế đầu tư của các DN Nhật Bản tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang có chủ trương phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nên cần sự hợp tác của các DN nhỏ và vừa nước ngoài.

Cuối cùng, các DN Nhật Bản nêu ra kiến nghị về Nghị định 116 về sản xuất, lắp ráp, NK ô tô và dịch vụ bảo hành bảo dưỡng cho ô tô. Theo các DN, nhiều điều kiện trong nghị định đang tạo sự bất công giữa xe NK và xe sản xuất trong nước khi yêu cầu xe NK phải có đầy đủ giấy chứng nhận từ nhà sản xuất. Ngoài ra, việc các cơ quan chức năng yêu cầu kiểm tra xe NK theo lô với tần suất cao sẽ gây khó khăn, tốn thời gian của các DN NK. Do đó, đại diện các DN Nhật Bản kiến nghị nên lùi thời điểm thi hành của Nghị định 116.

Sau khi lắng nghe ý kiến giải đáp của đại diện các bộ, ngành tham dự buổi đối thoại, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã đưa ra nhiều chỉ thị và yêu cầu các bộ, ngành tiếp thu ý kiến để có những thay đổi phù hợp, đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng DN Nhật Bản.

Đáng chú ý, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và xã hội cân nhắc lại từ “được” mua BHXH bắt buộc để DN dễ hiểu, không hiểu theo 2 nghĩa. Bộ Tài chính cần xem xét kỹ vấn đề liên quan đến những chi phí phát sinh, có thể đưa vào phí DN và rà soát các chính sách liên quan đến thuế.

Đối với kiến nghị về Nghị định 116, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, tư tưởng của Nghị định 116 là vừa bảo vệ người sản xuất, vừa bảo vệ người tiêu dùng. Do đó, cơ quan chức năng Việt Nam cần giấy chứng nhận của các nhà sản xuất để chứng mình xuất xứ hàng hóa, để nhà NK có quyền triệu hồi xe theo yêu cầu của nhà sản xuất.

Riêng việc kiểm tra từng lô hàng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị các bộ lưu ý cần tiếp tục cải cách tạo thuận lợi cho nhà sản xuất và nhà NK. Nếu xe đã cùng chủng loại có đánh giá rồi thì xem xét sự tuân thủ của nhà NK và nhà sản xuất để xem xét thông quan, giúp DN đỡ mất thời gian và chi phí.

Đặc biệt, trước những kiến nghị và khó khăn của DN Nhật Bản, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã đề nghị Bộ Công Thương xem xét, nghiên cứu để lùi thời gian thi hành của Nghị định 116.

Hương Dịu