Bao Cong thuong

ĐỒNG NAI GIỮ NHỊP ĐỘ TĂNG TRƯỞNG XUẤT KHẨU VÀ XUẤT SIÊU

Trong 4 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai đã đạt gần 5,3 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2016; nhập khẩu đạt 4,78 tỷ USD, Đồng Nai tiếp tục duy trì vị trí xuất siêu. 

Các DN dệt may của Đồng Nai giữ vị thế tăng trưởng xuất khẩu trước nhiều áp lực cạnh tranh 

Theo báo cáo của Sở Công Thương Đồng Nai, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như giày dép, dệt may, xơ sợi dệt, sản phẩm từ gỗ đều có mức tăng trưởng cao trong 4 tháng/2017. Đặc biệt với mặt hàng dệt may trung bình hàng tháng các DN trên địa bàn xuất khẩu được khoảng trên 150 triệu USD. Tuy nhiên, theo các DN dệt may, xuất khẩu ngành này đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước trong khối ASEAN tại những thị trường lớn, như Hoa Kỳ, châu Âu. Để ổn định đầu ra, nhiều DN dệt may đã tìm cách mở rộng thị trường sang các nước Việt Nam đang có lợi thế hơn như Hàn Quốc, Nhật Bản…

Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu như hạt điều, cà phê, cao su giá xuất khẩu tăng đáng kể. Cụ thể, giá xuất khẩu hạt điều đang ở mức 9.147 USD/tấn; giá cà phê ở mức 2.209 USD/tấn; giá cao su ở mức 1.872 USD/tấn, tăng 46,7% so cùng kỳ năm 2016… đã góp phần làm tăng chung kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh.

Để duy trì nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu cao các DN xuất khẩu trên địa bàn đã tiếp tục khai thác tối đa thị trường truyền thống. Trong đó, thị trường Hàn Quốc tăng gần 88%; Nhật Bản tăng gần 13%; Pháp tăng hơn 9%; Hoa Kỳ tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2016.

Tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu các DN cần tiếp tục tìm nguồn nguyên liệu trong nước để làm hàng xuất khẩu, đồng thời khai thác triệt để những thị trường Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hàn Quốc, Nhật Bản… để hưởng các ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu. Ngoài ra, các DN Đồng Nai liên tục cải thiện quản trị, sản xuất để giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh.

Để hỗ trợ DN giữ đà tăng trưởng xuất khẩu, lãnh đạo tỉnh cho biết, sẽ tiếp tục hỗ trợ DN tổ chức các đợt xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để có thể tìm thêm những khách hàng, đơn hàng mới; Kết nối DN công nghiệp hỗ trợ trong nước với các DN sản xuất để có thể cung ứng nguyên phụ liệu cho nhau nhằm giảm nhập khẩu, dễ dàng hưởng được các ưu đãi về thuế khi xuất sang các thị trường Việt Nam đã ký các FTA. Các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư tiếp tục được thực hiện, đặc biệt là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho DN phát triển sản xuất kinh doanh.

Thanh Thanh

Nguồn: http://baocongthuong.com.vn/