CẢNH BÁO VI PHẠM TRONG LĨNH VỰC GIA CÔNG, SẢN XUẤT XUẤT KHẨU

(HQ Online)- Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc có nhiều DN gia công, sản xuất xuất khẩu (SXXK) đang giúp giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, do đó, loại hình DN này cũng nhận được nhiều chính sách ưu đãi.

Nhiều DN dệt may có hoạt động gia công, SXXK. Ảnh: T.Bình.

Tuy nhiên, có một thực tế là không ít DN gia công, SXXK đã lợi dụng các cơ chế ưu đãi để gian lận, trốn thuế. Qua quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước về hải quan, lực lượng Kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm, thu nộp bổ sung về ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Lợi dụng ưu đãi

Những năm gần đây số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực gia công, SXXK không ngừng tăng lên. Theo thông tin từ Cục KTSTQ (Tổng cục Hải quan), nếu như năm 2014, cả nước có khoảng 4.600 DN thì đến cuối năm 2016 con số này tăng lên khoảng 8.000 DN. Các DN gia công, SXXK chủ yếu hoạt động sản xuất trong lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ…, tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố: Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, TP.HCM…

Thực tế cho thấy, các DN gia công, SXXK đang đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế đất nước, nhất là lĩnh vực XNK, giải quyết nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Đề cao vai trò của DN gia công, SXXK đối với nền kinh tế và trong bối cảnh cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho hoạt động của giới DN, trong đó có lĩnh vực gia công, SXXK thời gian qua, Việt Nam đã ban hành chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho DN hoạt động trong lĩnh vực này. Nổi bật là việc Luật Hải quan đưa ra các quy định tạo điều kiện thông thoáng về mặt thủ tục hải quan đối với loại hình gia công, SXXK. Đồng thời Luật Thuế XNK đã đưa ra quy định miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư nhập SXXK thay vi ân hạn thuế 275 ngày như trước đây.

Có thể nói các chính sách ưu đãi của nhà nước đã tạo ra môi trường thuận lợi để DN gia công, SXXK phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, góp phần nâng cao kim ngạch XNK của cả nước và giải quyết ngày càng nhiều việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, theo Cục KTSTQ, bên cạnh các DN chấp hành tốt pháp luật, có không ít DN gia công, SXXK lợi dụng các chính sách ưu đãi về thuế để gian lận trốn thuế gây thất thu NSNN, tạo ra sự bất bình đẳng trong hoạt động sản xuất kinh doanh giữa các DN.

Biến nguyên liệu thành phế liệu!

Trước thực trạng nêu trên, những năm vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan về tăng cường công tác quản lý nhà nước về hải quan, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ thu NSNN, Cục KTSTQ và toàn lực lượng đã tập trung kiểm tra đối với các DN, loại hình mức độ rủi ro, nguy cơ vi phạm cao, trong đó có lĩnh vực gia công, SXXK. Qua kiểm tra của Cục KTSTQ và các Chi cục KTSTQ của các cục hải quan địa phương đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm và tiến hành ấn định thuế và thu nộp về ngân sách hàng trăm tỷ đồng.

Theo Cục KTSTQ, từ đầu năm 2017 đến đầu tháng 6, chỉ tính riêng loại hình gia công, SXXK, lực lượng KTSTQ toàn Ngành đã ấn định thuế tổng số tiền lên đến gần 187 tỷ đồng, các DN đã chấp hành và nộp vào ngân sách số tiền 180 tỷ đồng. Trong đó, riêng Cục KTSTQ thực hiện ấn định tổng số tiền gần 88 tỷ đồng và toàn bộ số tiền này đã được thu nộp vào NSNN. Bên cạnh đó, một số Chi cục KTSTQ của các cục hải quan địa phương có số thu lớn từ “hậu kiểm” ở lĩnh vực gia công, SXXK có thể kể đến như Chi cục KTSTQ Bắc Ninh (33,7 tỷ đồng); Chi cục KTSTQ Hải Phòng 21,5 tỷ đồng; Chi cục KTSTQ Đồng Nai 12,2 tỷ đồng; Chi cục KTSTQ TP.HCM 8,6 tỷ đồng; Chi cục KTSTQ Hà Nội gần 8,4 tỷ đồng; Chi cục KTSTQ Bình Dương hơn 7,3 tỷ đồng…

Đại diện Cục KTSTQ cho biết, các vi phạm có tính điển hình đối với DN gia công, SXXK là vấn đề định mức hoặc sử dụng nguyên liệu, vật tư sai mục đích. Định mức là cơ sở lập hồ sơ hoàn thuế, xét không thu thuế, miễn thuế nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hoá xuất khẩu, nhưng qua công tác KTSTQ cơ quan Hải quan phát hiện nhiều DN có định mức đăng ký không đúng với định mức thực tế sản xuất. Đó là việc định mức quyết toán cao hơn định mức thực tế sản xuất; đưa vào định mức quyết toán những nguyên liệu, vật tư nhập gia công, SXXK không thực sự tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm; định mức quyết toán xác định sai nguồn gốc nguyên liệu, vật tư (thực tế sử dụng nguyên liệu, vật tư mua trong nước nhưng quyết toán là nguyên liệu, vật tư nhập SXXK, một hình thức đổi tráo nguyên liệu, vật tư-PV).

Một sai phạm khác phổ biến được cơ quan Hải quan chỉ ra là sử dụng nguyên liệu, vật tư sai mục đích khai báo (nguyên liệu, vật tư nhập gia công, SXXK nhưng chuyển tiêu thụ nội địa hoặc sản xuất sản phẩm tiêu thụ nội địa không khai báo cơ quan Hải quan). Thủ đoạn được DN sử dụng để gian lận qua hình thức này là: Bán nguyên liệu, vật tư dưới hình thức bán phế liệu; khai báo cấp nguyên liệu, vật tư vào sản xuất để sản xuất sản phẩm nhưng thực chất là xuất bán nguyên liệu, vật tư cho đơn vị khác.

Đáng chú ý, lực lượng KTSTQ phát hiện cả trường hợp DN bán sản phẩm hoàn chỉnh dưới hình thức bán phế phẩm hoặc để ngoài sổ kế toán doanh thu bán nguyên liệu, vật tư nhập gia công, SXXK… 

Theo Cục KTSTQ, qua quá trình kiểm tra thực tế, bên cạnh những DN vi phạm có chủ đích thì vẫn có không ít DN vi phạm do: Không có sự kết nối chặt chẽ giữa bộ phận XNK, kế toán và sản xuất nên không có sự kiểm tra, đối chiếu giữa khai báo hải quan và thực tế sản xuất dẫn đến không tự phát hiện được sai phạm.

Hay DN chưa hiểu biết thấu đáo về pháp luật hải quan đối với loại hình gia công, SXXK; hạn chế về năng lực của cán bộ XNK; công ty thuê đại lý hải quan làm các thủ tục thông quan và quyết toán thuế, tuy nhiên không có sự kiểm tra, giám sát đối với hoạt động khai báo của đại lý…

Thái Bình

KHI NÀO KIỂM TRA BÁO CÁO QUYẾT TOÁN TẠI DOANH NGHIỆP?

(HQ Online)- Bạn đọc gửi đến Báo Hải quan câu hỏi về việc nộp báo cáo quyết toán hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu và việc cơ quan Hải quan kiểm tra quyết toán với DN. Vấn đề này được Cục Hải quan Đồng Nai hướng dẫn cụ thể.
Hoạt động nhiệp vụ tại Cục Hải quan Đồng Nai.

Bạn đọc hỏi: “Theo quy định tại Điều 60 Thông tư 38/2015/TT-BTC thì hết năm tài chính các doanh nghiệp gia công, SXXK, chế xuất sẽ phải nộp báo cáo quyết toán (BCQT) theo mẫu 15, 16 cho cơ quan Hải quan. Tuy nhiên, Thông tư chỉ quy định việc nộp BCQT và kiểm tra BCQT chứ không hề quy định về việc quyết toán. Giữa Hải quan và doanh nghiệp không “quyết toán” với nhau, không kiểm tra và xác nhận lại tính đúng đắn, hợp lý… của toàn bộ nội dung doanh nghiệp đã làm trong 1 năm tài chính đó. Khác hẳn việc cơ quan Thuế nội địa và doanh nghiệp khi quyết toán thuế là có sự “quyết toán” giữa 2 bên. Vậy việc nộp BCQT có ý nghĩa gì khi cơ quan Hải quan không quyết toán với doanh nghiệp, đây thực sự là 1 thiệt thòi cho doanh nghiệp khi họ nộp BCQT mà không được quyết toán.

“Theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 và Khoản 2 Điều 12 Nghị định 134/2016/NĐ-CP thì cơ sở để xác định hàng hóa được miễn thuế đối với hàng gia công, SXXK có rất nhiều tiêu chí, trong đó tại điểm c nêu rõ: Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu được sử dụng để gia công, sản xuất sản phẩm đã xuất khẩu. Trị giá hoặc lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu được miễn thuế là trị giá hoặc lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu thực tế được sử dụng để sản xuất sản phẩm gia công thực tế xuất khẩu, được xác định khi quyết toán việc quản lý, sử dụng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công sản phẩm xuất khẩu theo quy định của pháp luật về hải quan.

“Khi quyết toán, người nộp thuế có trách nhiệm kê khai chính xác, trung thực trị giá hoặc lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện xuất khẩu thực tế sử dụng để sản xuất sản phẩm gia công thực tế nhập khẩu đã được miễn thuế khi làm thủ tục hải quan.

“Như vậy, cơ sở để miễn thuế là việc quyết toán chứ không phải việc nộp BCQT. Doanh nghiệp chỉ thực sự được miễn thuế đối với nguyên liệu vật tư gia công, SXXK khi quyết toán với cơ quan Hải quan. Vậy sau khi nộp BCQT thì bao giờ doanh nghiệp sẽ được quyết toán để được thực sự miễn thuế?”

Trả lời câu hỏi này, Cục Hải quan Đồng Nai hướng dẫn như sau:

Về việc lựa chọn đối tượng kiểm tra báo cáo quyết toán tại trụ sở doanh nghiệp: Căn cứ khoản 4 công văn 1501/TCHQ-GSQL ngày 29/02/2016 của Tổng Cục Hải quan quy định:

“…4. Xử lý báo cáo quyết toán:

a) Các trường hợp kiểm tra báo cáo quyết toán:

Căn cứ qui định tại Điều 41 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, khoản 5 Điều 60 Thông tư số 38/2015/TT-BTC, Chi cục Hải quan nơi tiếp nhận báo cáo quyết toán thực hiện phân loại doanh nghiệp để áp dụng biện pháp kiểm tra theo quy định. Các trường hợp phải kiểm tra báo cáo quyết toán gồm:

a1) Báo cáo quyết toán của tổ chức, cá nhân nộp lần đầu;

a2) Báo cáo quyết toán có sự chênh lệch bất thường về số liệu so với Hệ thống của cơ quan hải quan;

a3) Kiểm tra sau khi ra quyết định hoàn thuế, không thu thuế tại trụ sở người nộp thuế;

a4) Kiểm tra báo cáo quyết toán trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro, đánh giá tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân…”.

Theo quy định trên, sau khi tiếp nhận báo cáo quyết toán của các doanh nghiệp, cơ quan Hải quan sẽ tiến hành phân loại báo cáo quyết toán. Nếu công ty thuộc một trong các trường hợp phải kiểm tra báo cáo quyết toán theo quy định tại các điểm a1, a2, a3, a4 thì cơ quan Hải quan sẽ tiến hành kiểm tra báo cáo quyết toán tại trụ sở của công ty. Riêng trong trường hợp tại điểm a4, cơ quan Hải quan sẽ lựa chọn đối tượng kiểm tra báo cáo quyết toán dựa trên các tiêu chí quản lý rủi ro, đánh giá sự tuân thủ pháp luật các doanh nghiệp. 

Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đảm bảo việc kiểm tra báo cáo quyết toán hiệu quả, đúng trọng tâm và tránh tình trạng phải kiểm tra nhiều các doanh nghiệp, cơ quan Hải quan sẽ xem xét và chọn đối tượng kiểm tra phù hợp nhất.

Về nội dung kiểm tra báo cáo quyết toán khi kiểm tra tại doanh nghiệp, Hải quan Đồng Nai hướng dẫn: Căn cứ khoản 7 Điều 59 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định: “Điều 59. Kiểm tra tình hình sử dụng, tồn kho nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị và hàng hoá xuất khẩu”

7. Xử lý kết quả kiểm tra

a) Trường hợp kiểm tra xác định việc sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị nhập khẩu phù hợp với sản phẩm sản xuất xuất khẩu, phù hợp với thông tin thông báo cơ sở sản xuất, năng lực sản xuất; kiểm tra xác định thông tin, chứng từ, tài liệu, số lượng hàng hóa còn tồn (trong kho, trên dây chuyền sản xuất, bán thành phẩm, thành phẩm dở dang…) phù hợp với chứng từ kế toán, sổ kế toán, phù hợp với hồ sơ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của tổ chức, cá nhân thì chấp nhận số liệu cung cấp, ban hành kết luận kiểm tra và cập nhật kết quả kiểm tra vào Hệ thống;

b) Trường hợp kiểm tra xác định việc sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị nhập khẩu không phù hợp với sản phẩm sản xuất xuất khẩu, không phù hợp với thông tin thông báo cơ sở sản xuất, năng lực sản xuất; kiểm tra xác định thông tin, chứng từ, tài liệu, số lượng hàng hóa còn tồn (trong kho, trên dây chuyền sản xuất, bán thành phẩm, thành phẩm dở dang…) không phù hợp với chứng từ kế toán, sổ kế toán, không phù hợp với hồ sơ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình.

b.1) Trường hợp cơ quan hải quan chấp nhận nội dung giải trình của tổ chức, cá nhân thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này;

b.2) Trường hợp cơ quan hải quan không chấp nhận nội dung giải trình của tổ chức, cá nhân hoặc trường hợp tổ chức, cá nhân không giải trình thì cơ quan căn cứ quy định pháp luật về thuế, pháp luật về hải quan và hồ sơ hiện có để quyết định xử lý về thuế và xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền quyết định xử lý theo quy định pháp luật…”. 

Căn cứ quy định về thực hiện kiểm tra báo cáo quyết toán theo Điều 60 Thông tư 38/2015/TT-BTC, sau khi kết thúc kiểm tra, cơ quan Hải quan sẽ có kết luận về tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị nhập khẩu của công ty theo các quy định kể trên để có các bước xử lý phù hợp.

Tổ tư vấn pháp luật