Ngày 19/5, tại Cao Bằng, Ban chỉ đạo 389 quốc gia phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức giao ban công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quý I/2017 với một số tỉnh trọng điểm biên giới phía Bắc.
Tại Hội nghị, ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả luôn được Thủ tướng Chỉnh phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm.
Do đó, hàng loạt các văn bản chỉ đạo được phát đi từ Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã được các lực lượng thành viên: Hải quan, Biên phòng, Công an, Quản lý thị trường, Cảnh sát Biển cụ thể hóa bằng hàng trăm nghìn vụ việc đã được xử lý.
Cụ thể, số vụ việc phát sinh, số thu nộp vào ngân sách Nhà nước qua công tác này năm sau luôn cao hơn năm trước. Theo đó, những tháng đầu năm công tác thu ngân sách Nhà nước đạt gần 22.000 tỷ đồng, xử lý gần 6.000 vụ vi phạm, nộp ngân sách 6.128 tỷ đồng, tăng 19,28% so với cùng kỳ năm 2016.
Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ như trên, nhưng ông Đàm Thanh Thế cũng thẳng thắn nhìn nhận: Công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn chưa tương xứng với thực tế. Đáng chú ý, tình trạng buôn lậu thuốc lá, xăng dầu, vấn đề gian lận thương mại, hàng kém chất lượng vẫn được bày bán công khai, gây nhức nhối trong dư luận.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: D.N
Bên cạnh đó, hoạt động của các đối tượng buôn lậu cũng tinh vi hơn, xuất hiện nhiều phương thức thủ đoạn mới, có tổ chức. Hàng hóa vi phạm cũng khá đa dạng, tập trung nhiều vào các nhóm mặt hàng cấm, hàng hóa có thuế suất cao, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng tiêu dùng thiết yếu…
Còn theo đại diện Cục Quản lý Thị trường, Bộ Công thương, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ tập trung chủ yếu vào mặt hàng may mặc, thiết bị điện tử, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng, thực phẩm chức năng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… vẫn còn hoành hành.
Bên cạnh đó, thủ đoạn của các đối tượng kinh doanh hàng giả ngày càng tinh vi. Các đối tượng sử dụng mánh khóe tìm mua hàng hóa, nguyên liệu bán thành phẩm giá thành rẻ, không rõ chất lượng, nguồn gốc và bao bì, nhãn mác nhái các thương hiệu nổi tiếng, sau đó tổ chức đóng gói thủ công hoặc sử dụng dây chuyền, máy móc thô sơ để gia công, pha trộn, dán nhãn và cung cấp ra thị trường.
“Nhằm đánh lừa người tiêu dùng, các sản phẩm giả mạo được bán trà trộn với hàng thật, một phần nhỏ đưa về vùng sâu, vùng xa tiêu thụ không chỉ gây hại cho sức khỏe con người và làm tổn hại đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn chân chính”, vị này cho biết.
Về khó khăn trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, theo đại diện Cục Phòng Chống tội phạm về buôn lậu, Bộ Công an cho biết, ngoài những nguyên nhân khách quan như địa bàn phức tạp, chồng chéo trong hệ thống văn bản quy định… sự hạn chế của công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan.
“Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quyết liệt, có lúc, có nơi thiếu quan tâm, kiểm tra, đôn đốc… Đáng chú ý một bộ phận cán bộ chiến sỹ thừa hành công vụ thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu rèn luyện phẩm chất đạo đức dẫn đến tha hóa, biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả”, vị này chỉ rõ.
Theo đại diện Ban chỉ đạo 389 TP. Hà Nội, tình hình gian lận thương mại cũng diễn ra phổ biến, lợi dụng quy trình thủ tục hải quan để gian lận, trốn thuế như khai báo sai mã hàng, số lượng, chủng loại so với khai báo. Đặc biệt là lợi dụng chính sách quà tặng để NK trái quy định hàng hóa có giá trị cao. Có trường hợp DN khai NK một mặt hàng nhưng khi lực lượng Hải quan kiểm tra phát hiện nhập tới chín mặt hàng. Đối với một số mặt hàng có thuế NK cao như: Rượu, thuốc lá, vải ngoại, hàng điện tử… có hiện tượng hình thành đường dây buôn lậu được phân chia công đoạn từ nhập lậu, vận chuyển đến tiêu thụ.
Trước tình hình số vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả gia vẫn diễn biến phức tạp, theo đại diện Cục Phòng chống tội phạm ma túy, Bộ Công an, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, thể hiện rõ vai trò trong chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, chính quyền các cấp, các lực lượng chức năng tại cơ sở đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát tại các địa bàn thành phố, thị xã, các phường, xã, huyện biên giới trọng điểm; các cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường hàng không…
Đại diện Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan kiến nghị, các lực lượng chức năng cần bám sát diễn biến thực tế, xác định rõ tuyến, địa bàn, lĩnh vực, các lực lượng chủ động xây dựng kế hoạch tập trung đánh mạnh vào phương thức thủ đoạn hoạt động, đối tượng chủ mưu, nhóm mặt hàng, cũng như đề ra phương án, giải pháp đấu tranh; phân công, giao chỉ tiêu cho các cấp chính quyền cơ sở và lực lượng chức năng trực tiếp quản lý địa bàn theo hướng tăng các cuộc thanh tra, kiểm tra, số vụ phát hiện, bắt giữ, xử lý hành chính, hình sự…
“Song song với đó, các bộ, ngành địa phương cần tập trung thanh tra, kiểm tra, đấu tranh mạnh, kiểm soát chặt nhóm hàng cấm, hàng có thuế suất cao; các mặt hàng tiêu dùng là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống nhân dân, ảnh hưởng đến sản xuất, môi trường”, đại diện Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương nêu.
Về phía Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Chánh văn phòng Đàm Thanh Thế cho biết, Văn phòng đã yêu cầu Ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 41/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời triển khai các kế hoạch đấu tranh đối với các mặt hàng trọng điểm như thuốc lá, thực phẩm chức năng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
“Mặt khác, cần kiên quyết xác định, xử lý trách nhiệm cụ thể đối với từng cán bộ công chức, sỹ quan quản lý, phụ trách địa bàn, lĩnh vực và người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả phức tạp, kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân”, Chánh Văn phòng thường trực, Ban chỉ đạo 389 quốc gia nêu.