Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan, hết quý I/2017, 3 địa phương bị thâm hụt thương mại là Hà Nội, TP.HCM và Bắc Ninh.
Trong đó, Hà Nội có mức nhập siêu lớn nhất. Hết quý I, tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu của địa phương này là 2,697 tỷ USD và nhập khẩu là 6,882 tỷ USD dẫn đến con số nhập siêu lên đến 4,185 tỷ USD.
Cùng với Hà Nội, đầu tàu kinh tế của cả nước là TP.HCM cũng có mức thâm hụt thương mại 1,619 tỷ USD (xuất khẩu 7,982 tỷ USD và nhập khẩu 9,601 tỷ USD).
Việc nhập siêu của Hà Nội và TP.HCM diễn ra nhiều năm và là điều dễ hiểu khi đây là 2 địa bàn nhập khẩu hàng hóa quan trọng của cả nước, nhất là hàng tiêu dùng.
Tuy nhiên, việc hâm hụt thương mại của Bắc Ninh lại là diễn biến đáng chú ý. Bởi cùng kỳ 2016, địa phương này đang xuất siêu 1,179 tỷ USD, nhưng năm 2017 lại đảo chiều. Cụ thể, quý I/2017, Bắc Ninh đang nhập siêu 577 triệu USD.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 28/4, trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Hải quan, ông Vũ Đức Quyết- Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh cho biết, việc nhập siêu trong quý I vừa qua xuất phát từ hoạt động nhập khẩu máy móc thiết bị phục vụ các dự án đầu tư trên địa bàn, nhất là việc mở rộng dự án tại Bắc Ninh của tập đoàn Samsung.
Ngoài các thông tin đáng chú ý trên, theo Tổng cục Hải quan, trong quý I vừa qua, hai địa phương trong Top 5 về xuất nhập khẩu của nước ta là Thái Nguyên và Bình Dương vẫn duy trì được trị giá xuất siêu.
Trong đó, Thái Nguyên xuất siêu 1,671 tỷ USD; Bình Dương xuất siêu 1,039 tỷ USD.