NHỜ HẢI QUAN HƯỚNG DẪN, DOANH NGHIỆP TRÁNH ĐƯỢC SAI SÓT

(HQ Online)-Ngày 20/12/2017, tại Hội nghị đối thoại bàn tròn giữa doanh nghiệp Nhật Bản với chính chính quyền TP.HCM, lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM cho rằng cơ quan Hải quan đã hướng dẫn, giải đáp tốt các kiến nghị của hiệp hội, giúp các doanh nghiệp tránh được sai sót.

Hướng dẫn, Đối thoại, Tp HCM, Nhật Bản
Quang cảnh hội nghị đối thoại
Đối với các vướng mắc về lĩnh vực Hải quan, Cục Hải quan TP.HCM đã hướng dẫn, giải đáp ngay và được doanh nghiệp Nhật Bản hài lòng. Trong đó, Cục Hải quan TP.HCM ghi nhận kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản để báo cáo Tổng cục Hải quan khắc phục tình trạng không thống nhất về mã HS khi thông quan hàng hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động XNK. 

Đối với kiến nghị về việc miễn thuế nhập khẩu, thuế VAT đối với hàng nhập khẩu thuộc dự án ODA, Cục Hải quan TP.HCM đã giải thích, hướng dẫn, đồng thời cung cấp các văn bản pháp lý liên quan trường hợp dự án thực hiện bằng vốn vay ODA thuộc các đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư.

Các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, trong thời gian qua, nhờ cơ quan Hải quan xử lý tốt kiến nghị cung cấp danh mục cấm nhập khẩu đã giúp các doanh nghiệp thực hiện tốt trong khai báo hải quan, giảm các trường hợp bị xử lý không hợp lý. Về lệ phí không chính thức khi thông quan, doanh nghiệp Nhật Bản nhận thấy đã được cải thiện rất nhiều. 

Lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM khẳng định khi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có văn bản gửi, cơ quan Hải quan đều trả lời bằng văn bản trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản.

Tại hội nghị đối thoại, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Nhật Bản hiện là thị trường XNK lớn thứ ba của TP.HCM và là nhà đầu tư lớn thứ sáu tại thành phố với 1.110 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đạt 3,95 tỷ USD. Ông tin tưởng với các hoạt động và nỗ lực cải tiến môi trường đầu tư mà thành phố đã, đang và sẽ thực hiện, quan hệ kinh tế TP.HCM – Nhật Bản sẽ được tăng cường và số lượng các nhà đầu tư Nhật Bản mở rộng sản xuất, hoạt động thành công tại thành phố sẽ nhiều hơn nữa.

Xung quanh hội nghị bàn tròn có 50 câu hỏi iên quan của 4 nhóm vấn đề gồm: 25 nội dung về lĩnh vực môi trường – đời sống, 12 nội dung về lĩnh vực pháp luật lao động, 6 nội dung về lĩnh vực thuế và 7 nội dung về lĩnh vực hải quan đã được ghi nhận và giải đáp.

Lê Thu

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn

TỪ NGÀY 30/9 TẠM DỪNG GIÁM SÁT HÀNG HÓA ĐIỆN TỬ TẠI CẢNG CÁT LÁI

(HQ Online)-Từ ngày 30/9, Cục Hải quan TP.HCM chính thức tạm dừng triển khai giám sát hàng hóa điện tử tại cảng Cát Lái- TP.HCM theo Điều 41 Luật Hải quan để chuẩn bị triển khai theo Đề án mới của Tổng cục Hải quan.  
Hàng hóa XNK qua cổng cảng Cát Lái. Ảnh: Thu Hòa
Ngày 29/9, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Hải quan TP.HCM Đinh Ngọc Thắng đã chủ trì cuộc họp với đại diện Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan, Cục Giám sát quản lý về hải quan- Tổng cục Hải quan Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, các đơn vị Cục Hải quan TP.HCM bàn và thống nhất các giải pháp liên quan đến giám sát hàng hóa điện tử theo điều 41 Luật Hải quan. 

Theo ông Đinh Ngọc Thắng, với mục đích hiện đại hóa công tác quản lý, tạo thuận lợi nhất cho hoạt động XNK hàng hóa của doanh nghiệp.  từ cuối năm 2016, Cục Hải quan TP.HCM triển khai thí điểm giám sát hàng hóa XNK hteo Điều 41 Luật Hải quan tại cảng Cát Lái. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thí điểm đã bộ lộ những khó khăn, vướng mắc, nên Tổng cục Hải quan đã chấp thuận cho Cục Hải quan tạm dừng việc triển khai thí điểm này từ 30/9/2017. 

Tại cuộc họp, các đơn vị đã thống nhất thời điểm chốt số liệu vào 0 giờ ngày 1/10/2017, Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 và Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn sẽ cụ thể các hóa các tiêu chí xử lý các dữ liệu có liên quan để đảm bảo tốt công tác quản lý… 

Để thực hiện tốt công tác giám sát, quản lý hải quan tại cảng Cát Lái, mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn  chỉ đạo Cục Hải quan TP.HCM rà soát việc triển khai, đánh giá Điều 41 Luật Hải quan. Hiện nay Tổng cục Hải quan đã có chỉ đạo tạm dừng thực hiện Điều 41 trong giai đoạn này. Tuy nhiên, theo Tổng cục trưởng, việc tạm dừng để thực hiện đánh giá, rà soát toàn diện theo kế hoạch mà Tổng cục Hải quan mới ban hành. Theo đó, Cục Hải quan TP.HCM làm việc với tất cả các bên có liên quan, như: Hãng tàu, cơ quan kinh doanh cảng, các doanh nghiệp… để triển khai các nội dung theo đề án mà Tổng cục Hải quan đã ban hành và hiện đang triển khai tại Cục Hải quan Hải Phòng.

Đề án quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không không chỉ kết nối giữa cơ quan Hải quan với doanh nghiệp kinh cảng, mà còn kết nối với doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi…. Đây là giải pháp quan trọng nhằm đơn giản hóa, hài hòa thủ tục hải quan với thủ tục của DN kinh doanh kho, bãi, cảng biển, cảng hàng không thông qua việc cơ quan Hải quan áp dụng hệ thống công nghệ thông tin tập trung để trao đổi, cập nhật thông tin với DN kinh doanh cảng, sân bay, kho bãi và các bên liên quan, từ đó rút ngắn thời gian và chi phí làm thủ tục của người khai hải quan. Đồng thời, tăng cường năng lực quản lý của cơ quan Hải quan trong việc kiểm tra, kiểm soát và giám sát hải quan, nâng cao tính tuân thủ của DN, ngăn ngừa gian lận thương mại, phòng chống buôn lậu và đảm bảo an ninh.

Được biết, từ ngày 26/12/2016, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 triển khai thí điểm thực hiện Điều 41 Luật Hải quan năm 2014 đối với hàng hóa XNK nguyên container. Theo quy trình này, việc xác nhận qua khu vực giám sát sẽ do Hệ thống của Tổng cục Hải quan và Hệ thống của DN kinh doanh cảng trao đổi dữ liệu để xác nhận hàng đã qua khu vực giám sát hải quan khi container ra khỏi cảng. Công chức hải quan giám sát không thực hiện xác nhận hàng đã qua khu vực giám sát trên hệ thống. Việc trả dữ liệu hàng đã qua khu vực giám sát do Phòng Công nghệ thông tin của Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn thực hiện. Tuy nhiên, do thời gian chạy thí điểm hệ thống còn đang trong quá trình hoàn thiện nên còn nhiều tờ khai đã được công chức hải quan ký xác nhận đã qua khu vực giám sát, nhưng hệ thống điện tử lại chưa được xác nhận.

Lê Thu

HẢI QUAN TP.HCM TĂNG THU CHO NGÂN SÁCH TRÊN 410 TỶ ĐỒNG

(HQ Online)-Theo tin từ Phòng Thuế XNK- Cục Hải quan TP.HCM, trong 8 tháng năm 2017, Cục Hải quan TP.HCM đã tăng thu cho ngân sách nhà nước trên 410 tỷ đồng tiền thuế từ tham vấn giá và kiểm tra sau thông quan.

Hàng nhập lậu do Cục Hải quan TP.HCM bắt giữ tại cảng Cát Lái tháng 6/2017. Ảnh: T.H
Trong đó, tăng thu qua tham vấn và điều chỉnh giá đối với hàng hóa nhập khẩu theo loại hình phi mậu dịch trên 331,4 tỷ đồng; Tăng thu từ công tác kiểm tra sau thông quan đối với các tờ khai nhập khẩu hàng hóa tại trụ sở doanh nghiệp trên 82,6 tỷ đồng. 

Phòng Thuế XNK cũng cho biết, trong tháng 8, Cục Hải quan TP.HCM thu ngân sách đạt  9.641,5 tỷ đồng, tăng 12,47% so với tháng 7/2017 (8.572,715 tỷ đồng). Lũy kế đến ngày 31/8/2017, Cục Hải quan TP.HCM thu đạt 70.649,3 tỷ đồng, đạt 64,81% chỉ tiêu pháp lệnh và tăng 7,95% so với cùng kỳ năm 2016 (65.437,355 tỷ đồng).

Theo Cục Hải quan TP.HCM, với kết quả trên, trong 4 tháng cuối năm 2017, đơn vị này còn phải thu trên 38.351 tỷ đồng mới đạt được chỉ tiêu pháp lệnh năm 2017 là 109.000 tỷ đồng./.

Lê Thu

HẢI QUAN TP.HCM: PHÁT HIỆN TRÊN 600 VỤ VI PHẠM

(HQ Online)-Trong 600 vụ vi phạm pháp luật về hải quan do Cục Hải quan TP.HCM phát hiện, bắt giữ trong 5 tháng đầu năm 2017, có gần 100 vụ gian lận thương mại, buôn lậu qua cửa khẩu cảng biển, sân bay quốc tế.

Máy lạnh nhập lậu do Đội Kiểm soát Hải quan- Cục Hải quan TP.HCM bắt giữ ngày 24/5/2017. Ảnh: T.Hòa

Theo Cục Hải quan TP.HCM, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã thực hiện tốt các kế hoạch chống buôn lậu và gian lận thương mại; phương án trọng điểm, địa bàn trọng điểm, doanh nghiệp và mặt hàng trọng điểm, rà soát hàng tồn đọng từ 30 đến 90 ngày… đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vi phạm nhập khẩu hàng cấm, hàng kém chất lượng, khai sai số lượng, chủng loại tên hàng để trốn thuế. Đáng chú ý, các đơn vị hải quan cửa khẩu đã phát hiện nhiều vụ vi phạm với phương thức thủ đoạn cất giấu tinh vi…

Trong 5 tháng đầu năm 2017, Cục Hải quan TP.HCM đã phát hiện và lập biên bản vi phạm trên 600 vụ, trị giá trên 56,8 tỷ đồng. Trong đó, có gần 100 vụ buôn lậu và gian lận thương mại. Cục Hải quan TP.HCM đã khởi tố hình sự  9 vụ vi phạm, chuyển cơ quan Công an điều tra, xử lý.

Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, Cục Hải quan TP.HCM phát hiện nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua loại hình hàng quá cảnh, hàng chuyển cảng và chuyển cửa khẩu. 

Lê Thu

VẪN CÒN NHIỀU VƯỚNG MẮC VỀ KIỂM TRA CHUYÊN NGÀNH

(HQ Online)- Ngày 18/5, tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Viện Quản lý kinh tế Trung ương về công tác kiểm tra chuyên ngành (KTCN), Cục Hải quan TP.HCM đã phản ánh và kiến nghị nhiều nội dung bất cập, ảnh hưởng đến thời gian thông quan hàng hóa XNK.

 

Công chức Hải quan TP.HCM kiểm tra hàng NK. Ảnh: T.H
Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Đinh Ngọc Thắng cho biết, liên quan đến những bất cập trong công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, Cục Hải quan TP.HCM đã chủ động tập hợp các vướng mắc báo cáo, kiến nghị với nhiều cấp có thẩm quyền. Trong đó, báo báo thực trạng KTCN và kiến nghị với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trong buổi làm việc với Cục Hải quan TP.HCM vào tháng 8/2016.

Tháng 9/2016, báo cáo chuyên đề về thực trạng KTCN đối với hàng hóa XK, NK tại thành phố với Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM để kiến nghị đến các cơ quan chức năng sớm điều chỉnh, bổ sung những quy định bất cập về KTCN; Tháng 11/2016, tham mưu cho UBND thành phố ban hành văn bản 6566/UBND-KT ngày 16/112016 chỉ đạo các cơ quan có liên quan trên địa bàn thành phố tăng cường phối hợp thực hiện KTCN đối với hàng hóa XNK tại TP.HCM. 

Ngoài ra, Cục Hải quan TP.HCM và các chi cục hải quan trực thuộc thường xuyên và định kỳ tổ chức gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp. Từ tháng 2/2017, đã thực hiện kế hoạch gặp mặt 400 doanh nghiệp lớn có kim ngạch XNK và nộp ngân sách nhà nước lớn để lắng nghe phản ánh của các doanh nghiệp về những khó khăn, bất cặp liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá, trong đó có vướng mắc về kiểm tra chuyên ngành, để có biện pháp tháo gỡ nếu thuộc phạm vi thẩm quyền và kiến nghị lên các cơ quan chức năng nếu không thuộc phạm vi thẩm quyền…

Theo Cục Hải quan TP.HCM, mặc dù đã kiến nghị nhiều, một số cơ quan quản lý chuyên ngành đã ghi nhận, có sự thay đổi cơ chế chính sách, tuy nhiên quy định về KTCN chưa được điều chỉnh để làm thay đổi căn bản phương thức KTCN như yêu cầu của Nghị quyết 19/2016 và Nghị quyết 19/2017 của Chính phủ, như: Danh mục hàng hóa phải KTCN trước khi thông quan vẫn còn quá nhiều; Chưa thực hiện nguyên tắc quản lý rủi ro trong KTCN; Chưa công nhận kết quả KTCN của các nhà XK nổi tiếng tại nước xuất khẩu, chưa công nhận kết quả kiểm tra, phân tích của các nước tiên tiến; Vẫn còn tình trạng một mặt hàng phải qua nhiều cơ quan KTCN…

Hiện nay, có quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và KTCN gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và cơ quan Hải quan. Kết quả rà soát tính đến tháng 4/2017 có đến 414 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý và KTCN. 

Thực trạng KTCN nói trên đối với hàng hoá nhập khẩu, ngoài việc làm kéo dài thời gian thông quan, thực sự đã trở thành gánh nặng chi phí cho các doanh nghiệp và nếu tính cả chi phí cơ hội của doanh nghiệp, chi phí của các cơ quan, tổ chức có liên quan phải bỏ ra, thì tổng chi phí xã hội dành cho KTCN đối với hàng hoá XNK là cực kỳ lớn, nhưng kết quả KTCN phát hiện vi phạm lại rất ít, chỉ khoảng 0,035% – 0,47%.

Cục Hải quan TP.HCM sẽ tiếp tục cùng với các cơ quan KTCN, cơ quan kinh doanh cảng nâng cao và mở rộng 2 địa điểm KTCN tập trung hiện có về quy mô cũng như về chất lượng hoạt động, hoàn thiện cổng thông tin KTCN nhằm đảm bảo các yêu cầu về quản lý và tiếp tục cắt giảm bớt thời gian thông quan ở những khâu có thể để tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp.

Theo đại diện của Viện Quản lý kinh tế Trung ương, từ những kiến nghị của Cục Hải quan TP.HCM về KTCN, các bộ chuyên ngành đã tiếp thu và sửa nhiều nội dung có liên quan. Tuy nhiên, trên thực tế, DN vẫn còn gặp khá nhiều vướng mắc về quản lý chuyên ngành. Đây cũng là nội dung mà Chính phủ rất quan tâm và đã đưa ra trong nội dung chỉ đạo tại Nghị quyết 19. 

Tại buổi làm việc, đoàn công tác tiếp tục ghi nhận nhiều bất cập, vướng mắc trong công tác KTCN do Cục Hải quan TP.HCM kiến nghị. 

Lê Thu

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

HẢI QUAN TP.HCM: ĐỐI THOẠI THÁO GỠ VƯỚNG MẮC CHO DN NGÀNH BÔNG, SỢI

(HQ Online)- Ngày 15/5, Cục Hải quan TP.HCM đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong hoạt động XNK cho các DN ngành bông, sợi; đồng thời bàn giải pháp ngăn chặn hiện tượng gian lận trong việc NK vải, sợi tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa các DN. 

Đại diện các DN bông sợi phản ánh khó khăn tại hội nghị. Ảnh: T.H

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Trưởng Thuế XNK- Cục Hải quan TP.HCM, ngày 31/3/2017, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam và 9 DN chuyên kinh doanh sản xuất mặt hàng bông, xơ, sợi đồng kiến nghị gửi Cục Hải quan TP.HCM về hiện tượng gian lận thương mại qua giá tính thuế và mã số hàng hóa. 

Trong đó, các DN bông sợi cho rằng, có hiện tượng nhiều DN nhập khẩu khai báo tính thuế chỉ bằng 1/3 giá thực nhập, phá giá thị trường, trốn thuế GTGT và thuế Thu nhập doanh nghiệp mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng. 

Từ phản ánh của DN, Cục Hải quan TP.HCM thống kê có 57 DN NK bông, sợi khai báo giá quá thấp dưới 0,8 USD/kg  và 8 DN khai báo giá thấp. Đối với những DN này, Cục Hải quan TP.HCM đã chỉ đạo các chi cục rà soát để thực hiện kiểm tra sau thông quan. 

Liên quan đến nội dung trên, ông Nguyễn Bình An, đại diện Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cho biết, Cục Hải quan TP.HCM rất nhiệt tình, trọng thị khi tổ chức cuộc họp này để gặp gỡ nhằm đưa ra giải pháp hỗ trợ các DN ngành bông sợi.

Theo ông An, hiện nay hầu hết nguyên liệu bông sợi là nhập khấu, chiếm 99,9%, trung bình mỗi năm NK từ  4-4,1 triệu tấn và con số này còn sẽ tăng mạnh trong các năm tới. Trong khi các ngành khác đang gặp không ít khó khăn thì bức tranh ngành sợi đang trên đà tăng trưởng rất mạnh. 

Do ảnh hưởng từ thuế chống bán phá giá sợi từ thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, các DN Việt Nam không thể xuất hàng, nên  90% sợi XK của Việt Nam đều phải xuất sang Trung Quốc, do có lợi thế về giá nguyên liệu NK, chênh lệch mức thuế NK nguyên liệu sợi giữa Việt Nam và Trung Quốc khoảng 40% . Đây là rủi ro lớn cho các DN Việt Nam.

“Trong thời gian vừa qua, các DN sản xuất bông sợi còn phải đối mặt với tình trạng một số thương gia Trung Quốc chào bán giá vải, giá sợi rất thấp tại thị trường TP.HCM. Hiện tượng cạnh tranh về giá xảy ra cục bộ trên địa bàn TP.HCM”- ông Nguyễn Bình An nhất mạnh. 

Tại hội nghị, đại diện các DN bông sợi Việt Nam đều cho rằng, do các đối tượng chào bán giá quá thấp đã làm cho các DN mất khách, mất nguyên mảng thị trường trong nước. 

Đại diện các DN bông sợi Việt Nam đều cho rằng, có 3 yếu tố tạo nên giá thành sợi, gồm: nguyên liệu, máy móc, nhân công. Trong đó, giá điện chiếm khá cao.Tại Việt Nam giá điện để sản xuất chỉ bằng một nửa giá điện của Trung Quốc; lương bình quân của công nhân cũng thấp hơn nhiều; máy móc trong ngành sợi hiệu suất đầu tư như nhau, Việt nam có lợi thế rất nhiều, nhưng không hiểu lý do vì sao giá vải, sợi của Trung Quốc lại được chào bán quá thấp!  

Ngoài mất thị trường, ông Nguyễn Quốc Bảo, đại diện Công ty CP dệt Đông Quan còn cho rằng, hiện nay đang xuất hiện tình trạng làm nhái sản phẩm sợi của các DN trong nước.

Trước thực trạng trên, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Nguyễn Hữu Nghiệp nhấn mạnh, cơ quan Hải quan luôn tạo thuận lợi thương mại, DN và cơ quan Hải quan cần gắn kết để nếu có nguồn thông tin. Theo đó, DN cung cấp cho cơ quan Hải quan để xem xét, xử lý; ngược lại cơ quan Hải quan sẽ cung cấp cho DN những thủ đoạn gian lận mới để DN biết phòng tránh, để cùng nhau tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Trước mắt, Cục Hải quan TP.HCM sẽ cử cán bộ làm đầu mối thu thập tin từ hiệp hội và các DN. Thông tin về vấn đề hóa đơn cơ quan Hải quan sẽ được cung cấp cho cơ quan Thuế địa phương để xử lý những vấn đề liên quan đến trốn thuế nội địa; cơ quan Hải quan sẽ xem xét tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan.

Đối với hàng trong thông quan, các chi cục lưu ý, tăng tỷ lệ kiểm tra xác suất đối với lô hàng được hệ thống phân luồng Xanh, những DN nào có thông tin vi phạm cụ thể thực hiện kiểm tra luồng Đỏ. Liên quan đến giá, các cửa khẩu cần tăng cường kiểm tra mức giá khai báo mặt hàng này.

Lê Thu

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn

HẢI QUAN TP.HCM: THÊM GẦN 1.600 DN LÀM THỦ TỤC XNK

(HQ Online)- Theo Cục Hải quan TP.HCM, trong tháng 4/2017, số lượng DN làm thủ tục XNK qua các cửa khẩu TP.HCM tăng so với tháng 3 trên 1.600 DN. 

Ô tô nhập khẩu qua cảng VICT TP.HCM. Ảnh: T.H

Cụ thể, tổng số DN đã tham gia hoạt động trên địa bàn là 21.939 DN, tăng 8,2% so với tháng 3/2017 (20.275 DN). 

Với số lượng DN tham gia XNK khiến cả kim ngạch và số thu ngân sách qua các cửa khẩu TP.HCM cũng tăng mạnh. Tổng kim ngạch XNK đạt 8,41 tỷ USD, tăng 11,16% so với tháng 3/2017 (7,56 tỷ USD), tăng 10% so với tháng 4/2016 (7,65 tỷ USD). 

Trong đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 4,43 tỷ USD, tăng 12,5% so với tháng 3/2017 và tăng 10% so với tháng 4/2016; kim ngạch XK đạt 3,98 tỷ USD, tăng 9,7% so với tháng 3/2017 và tăng 10,5% so với tháng 4/2016. 

Số thuế thu trong tháng 4 đạt 8.858 tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng 3/2017, luỹ kế thu đạt 29.265 tỷ đồng đạt 26,84% chỉ tiêu pháp lệnh và tăng 14,48% so với cùng kỳ năm 2016 (23.959 tỷ đồng).

Theo Cục Hải quan TP.HCM, nguyên nhân khiến số lượng DN XNK làm thủ tục trên địa bàn tăng cao do kinh tế TP.HCM tiếp tục phát triển tốt, các DN sản xuất, kinh doanh ổn định. Cục Hải quan TP.HCM triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, nuôi dưỡng nguồn thu.

Trong đó,  tổ chức gặp gỡ, nắm bắt kế hoạch sản xuất, kinh doanh của DN để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nên một số DN mở rộng sản xuất, kinh doanh; một số DN truyền thống đã quay trở lại đăng ký làm thủ tục hải quan tại địa bàn…

Lê Thu