73% xuất sang Trung Quốc
Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến 15/4, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả của nước ta đạt 857 triệu USD, tăng tới gần 30% so với cùng kỳ năm 2016 (cùng kỳ mới đạt 661 triệu USD), tương giá trị tuyệt đối tăng thêm 196 triệu USD.
Như vậy, bình quân mỗi ngày mặt hàng rau quả mang về khoản ngoại tệ gần 8,2 triệu USD, tương đương số tiền gần 190 tỷ đồng/ngày.
Với kết quả trên, mặt hàng rau quả tiếp tục duy trì vị thế thứ 3 trong số các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam (sau thủy sản và cà phê).
Đáng chú ý, mặt hàng rau quả có tốc độ tăng trưởng mạnh hơn thủy sản (chỉ đạt 7,8%) và cà phê (đạt 21%) nên khoảng cách về kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này với hai nhóm hàng đứng trên đang được thu hẹp dần.
Biểu đồ tỷ lệ trị giá kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả chia theo thị trường quý I/2017. Biểu đồ: T.Bình. |
Liên quan đến thị trường xuất khẩu, theo quan sát của chúng tôi, hiện mặt hàng rau quả của nước ta đã có mặt ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới từ châu Á, châu Â, châu Mỹ… Trong đó có nhiều thị trường vốn nổi tiếng đòi hỏi cao về chất lượng như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc các quốc gia châu Âu như Đức, Hà Lan…
Tuy nhiên, thị trường lớn nhất của rau quả Việt Nam vẫn là Trung Quốc. Thống kê mới nhất chia theo thị trường của Tổng cục Hải quan cho thấy, hết quý I vừa qua, rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 512 triệu USD, chiếm đến 73% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước trong cùng thời điểm.
Trong số các địa phương biên giới giáp Trung Quốc, địa bàn xuất khẩu mặt hàng rau quả đang tập trung chủ yếu ở khu vực cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và khu vực cửa khẩu Lào Cai…
Đa dạng hóa thị trường
Đánh giá về kết quả xuất khẩu mặt hàng rau quả thời gian qua, ngày 24/4, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, TS Nguyễn Hữu Đạt- Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) cho rằng kết quả này rất khả quan.
Theo TS Nguyễn Hữu Đạt, kết quả xuất khẩu rau quả ngày càng tạo được khởi sắc xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Trước tiên là kết quả xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường do các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện đã và đang tạo được những kết quả tích cực. Nhờ đó, mặt rau quả Việt Nam bắt đầu tìm được chỗ đứng ở những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay các quốc gia thuộc EU…
“Dù trị giá kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường trên chưa lớn, nhưng việc đặt chân được vào các quốc gia khó tính, có yêu cầu rất cao về chất lượng giúp tăng uy tín cho mặt hàng rau quả Việt Nam”- TS Đạt chia sẻ.
Mặt khác, theo nhận định của TS Nguyễn Hữu Đạt, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng rau quả trên thế giới tiếp tục tăng là cơ hội cho việc tăng trưởng xuất khẩu đối với sản phẩm này của nước ta hiện nay cũng như thời gian tới.
Đặc biệt, một nguyên nhân quan trọng được TS Nguyễn Hữu Đạt đặc biệt nhấn mạnh là vai trò của nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và cả các nhà sản xuất, hộ nông dân trong nỗ lực đa dạng hóa mẫu mã, chất lượng sản phẩm, quảng bá thương hiệu đối với rau quả Việt Nam.
“Doanh nghiêp xuất khẩu rau quả đa phần còn hạn hẹp về tài chính những đã có nhiều nỗ lực trong quảng bá thương hiệu, tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Mặt khác trong một hai năm gần đây đã có sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp xuất khẩu với hộ nông dân, những người sản xuất, vì vậy, chất lượng, mẫu mã sản phẩm ngày càng được nâng cao, tạo được nguồn hàng cung cấp ổn định, qua đó ngày càng tạo được uy tín của rau quả Việt Nam trên thị trường thế giới”- lãnh đạo VINAFRUIT nhận định.
Năm 2016, mặt hàng rau quả mang về trị giá kim ngạch 2,457 tỷ USD, với mức tăng trưởng 33,6% so với năm 2015. Đây là nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ 3 trong lĩnh vực nông, thủy sản (sau thủy sản và cà phê) và là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng đứng thứ trong tổng số 45 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực được Tổng cục Hải quan thống kê (sau mặt hàng đá quý, kim loại quý và sản phẩm với mức tăng trưởng 44,4%). |