KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ LOGISTICS

(HQ Online)- Ngày 12/4, tại lễ phát động triển khai Quyết định 200/QĐ- TTg ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 do Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã tổ chức, các DN kinh doanh dịch vụ logistics đã cùng nhau bàn thảo nhiều nội dung để phát triển dịch vụ này. 

Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Hiệp Phước- Nhà bè TP.HCM. Ảnh: Thu Hòa

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA cho biết, tháng 2/2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Đây là lần đầu tiên ngành dịch vụ logistics có kế hoạch hành động quốc gia về dịch vụ logistics một cách toàn diện nhằm đưa ngành dịch vụ logistics – một ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao lên một bước mới hiện đại và mở rộng. 

Theo kế hoạch này, mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Theo Kế hoạch, có 6 nhóm nhiệm vụ chủ yếu gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; Hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics; Nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; Phát triển thị trường dịch vụ logistics; Đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực…

Trong đó, sẽ hoàn thiện chính sách, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng logistics; tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài để mở rộng kết nối hạ tầng logistics; đầu tư mở rộng hạ tầng logistics nhằm kết nối các cảng của Việt Nam với các nước láng giềng; tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm logistics loại I tại khu vực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm logistics loại II…

Tại lễ phát động, các đại biểu tham dự hội nghị là đại diện các DN kinh doanh dịch vụ logistics, các DN cảng biển, các nhà XNK… đã tập trung thảo luận về các nội dung nhằm nhanh chóng khắc phục những điểm yếu hiện nay của ngành dịch vụ logistics. 

Đó là sự liên kết nội bộ các DN cung cấp dịch vụ logistics cà các DN sử dụng dịch vụ này; làm sao gia tăng tỷ lệ giá trị thuê ngoài của các DN XNK, các nhà sản xuất bởi tỷ lệ này hiện nay còn rất thấp, mới chỉ chiếm khoảng 15-20%… 

Theo ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn kinh tế tư nhân, việc tăng cường tỷ trọng thuê ngoài trong thời điểm này rất đúng lúc. Bởi vì, hiện nay rất nhiều dịch vụ logistics phân tán, thị trường phân tán… không theo chuỗi, nên các DN rất khó tiếp cận. Chính vì thế dẫn đến tình trạng dịch vụ thuê ngoài đang có tỷ trọng thấp. “Hiện nay thông tin là chìa khóa quyết định thành công, chính vì thế, các DN thuộc 2 phía (phía cung cấp và phía sử dụng) phải tìm được tiếng nói chung, thông tin, cung cấp dịch vụ cho nhau”- ông Đào Huy Giám đưa ra đề xuất. . 

Đứng về phía các DN chủ hàng sử dụng dịch vụ logistics, ông Phan Thông, Tổng thư ký hiệp hội chủ hàng cho rằng, chủ hàng thường lo lắng về chi phí và chất lượng dịch vụ logistics. Hiện nay, cơ quan Hải quan đã cho phép đại lý hải quan được thay mặt chủ hàng kí và đóng dấu trên tờ khai hải quan, chịu trách nhiệm pháp lý, nhưng trên thực tế có rất ít đại lý hải quan làm việc này. Các đại lý thường chỉ làm phần dịch vụ khai thuê, còn các dịch vụ về đóng thuế, chịu trách nhiệm đối pháp lý đối với hàng hóa XNK thì vẫn do chủ hàng chịu trách nhiệm. Theo ông Thông, như vậy, các DN làm dịch vụ đại lý hải quan chỉ muốn làm phần đơn giản, thông thường sẽ chia ra nhiều phân khúc trong dịch vụ, không hấp dẫn chủ hàng…

Theo Ban tổ chức, cả nước hiện nay có khoảng 3.000 DN kinh doanh dịch vụ logistics, trong đó có 1.300 DN hoạt động tích cực trên thị trường. Có 30 DN cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam. 

Các chuyên gia cho rằng, lợi thế phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam rất lớn, nếu các DN trong nước không liên kết để phát triển thì “Miếng bánh ngon” này sẽ về tay các DN có vốn đầu tư nước ngoài./.  

Lê Thu