VIỆT NAM-THỔ NHĨ KỲ HƯỚNG TỚI KIM NGẠCH THƯƠNG MẠI 4 TỶ USD

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim chủ trì buổi họp báo. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, Ngài Binali Yildirim thăm chính thức Việt Nam từ ngày 22-24/8.

Ngày 23/8, Thủ tướng Binali Yildirim đã hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. 

Tại cuộc hội đàm, trong bầu không khi thân tình và hữu nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu thăm chính thức Việt Nam, coi chuyến thăm là mốc lịch sử quan trọng trong quan hệ hai nước. 

Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về tình hình mỗi nước cũng như những vấn đề quốc tế và khu vực cả hai nước cùng quan tâm. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ sự ngưỡng mộ với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam và đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng những thành tựu về kinh tế-xã hội của Chính phủ và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ, đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một trong 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới. 

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá cao sự phát triển của Việt Nam trong thời gian qua, đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong ASEAN và mong Việt Nam là cầu nối để Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường quan hệ với các nước ASEAN, một tổ chức có vai trò quan trọng trong khu vực và thế giới. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và khẳng định sẽ làm hết sức mình để thúc đẩy quan hệ của ASEAN với các nước, các đối tác, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ. 

Về quan hệ chính trị, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp, khuyến khích quan hệ hợp tác giữa các bộ, ngành và địa phương hai nước. Hai Thủ tướng khuyến khích tăng cường hợp tác giữa các tổ chức hữu nghị hai nước cũng như phát triển quan hệ giữa các thành phố kết nghĩa hai nước, cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế.

Thủ tướng Binali Yildirim đề nghị Việt Nam ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ ứng cử vào Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2017-2021 và bày tỏ ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. 

Hai nhà lãnh đạo chia sẻ những quan ngại về tình hình khủng bố ngày càng gia tăng hiện nay, khẳng định cùng ủng hộ mọi nỗ lực của khu vực, quốc tế nhằm chống khủng bố, mang lại hòa bình, ổn định trên toàn thế giới nói chung và tại các khu vực, trong đó có khu vực Trung Đông. 

Hai bên đã trao đổi về tình hình Biển Đông. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim khẳng định ủng hộ các nỗ lực của Việt Nam trong việc duy trì ổn định khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng; ủng hộ lập trường của Việt Nam và các nước ASEAN về việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại, tôn trọng luật pháp quốc tế. 

Hai Thủ tướng đã trao đổi sâu sắc về các chủ trương, biện pháp để thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa hai nước. Hai Thủ tướng hoan nghênh kết quả cuộc họp Ủy ban Hỗn hợp lần thứ 7 vào tháng 7 vừa qua, khẳng định hai Chính phủ cam kết phấn đấu đưa kim ngạch thương mại giữa hai nước lên 4 tỷ USD vào năm 2020 thông qua tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại. 

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim đề nghị nghiên cứu để có thể phát triển hợp tác công nghiệp quốc phòng giữa hai nước. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh đoàn doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, mong rằng thông qua các tiếp xúc lần này, các doanh nghiệp sẽ phối hợp, hợp tác cụ thể thúc đẩy trao đổi hàng hóa, đẩy mạnh đầu tư, khuyến khích giao lưu nhân dân, du lịch giữa hai nước. 

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị phía Thổ Nhĩ Kỳ sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, đồng thời đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ bãi bỏ nhiều loại thuế phi lý đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như giày dép, sợi, dây curoa/băng truyền tải, điều hòa nhiệt độ, điện thoại di động… 

Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực giao thông vận tải (đặc biệt là hợp tác hàng hải, đóng tàu, đào tạo thủy thủ; khuyến khích hợp tác giữa các hãng hàng không hai nước như Turkish Airlines và Vietnam Airlines), khoa học-công nghệ, văn hóa-giáo dục, trao đổi hợp tác giữa các trường đại học hai nước, an ninh-quốc phòng và ngoại giao nhân dân. 

Thủ tướng Binali Yildirim mong muốn khuyến khích sinh viên hai nước đi học văn hóa, ngôn ngữ của nhau, đề nghị hai bên xem xét cấp học bổng cho sinh viên của nhau. 

Hai Thủ tướng nhất trí trong năm 2018, hai nước sẽ cùng phối hợp tổ chức các hoạt động thiết thực và ý nghĩa kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1978-2018). 

Sau hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký Thỏa thuận giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Hải quan và Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ về hợp tác và hỗ trợ hành chính trong lĩnh vực hải quan, Bản ghi nhớ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ về Hợp tác trong lĩnh vực khu tự do/khu chế xuất/khu kinh tế/khu kinh tế đặc biệt, Kế hoạch triển khai hợp tác 2017-2018 giữa Viện Tiêu chuẩn Thổ Nhĩ Kỳ (TSE) và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (STAMEQ) của Việt Nam./.

Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/

6 THÁNG: CÓ 5,2 TRIỆU TỜ KHAI KHẢI QUAN LÀM THỦ TỤC

(HQ Online)- Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, ước tính trong 6 tháng/2017, tổng số lượng tờ khai XNK đạt 5,2 triệu tờ, tăng 17,1%, trong đó lượng tờ khai XK ước đạt 2,5 triệu tờ, tăng 16% và số lượng tờ khai NK ước tính 2,7 triệu tờ, tăng 18,5% so với cùng kỳ 2016. 

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Yên Phong, Cục Hải quan Bắc Ninh. Ảnh: T.Trang.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng trị giá XNK hàng hoá ước đạt 198,25 tỷ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ 2016; trong đó tổng trị giá XK ước đạt 97,78 tỷ USD, tăng 18,9% và tổng trị giá NK ước đạt 100,47 tỷ USD, tăng 24,1%. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng/2017 dự kiến nhập siêu 2,7 tỷ USD. 

Một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố có kim ngạch hàng hóa XK, NK tăng cao so với cùng kỳ 2016: Bắc Ninh (tăng 26,5%); Tp. Hồ Chí Minh (tăng 19%); Hải Phòng (tăng 14,7%); Bình Dương (tăng 21,5%); Đồng Nai (tăng 13,6%)…

Trong 6 tháng đầu năm 2017, ước tính cả nước có 540 nghìn lượt phương tiện xuất nhập cảnh, tăng trên 4% so với cùng kỳ 2016, trong đó số lượt phương tiện xuất cảnh đạt 271 nghìn lượt, tăng 7,8% và nhập cảnh là 269 nghìn lượt, tăng nhẹ trên 1%.

Hải Nam

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

ĐỂ ĐẠT CHỈ TIÊU, BÌNH QUÂN MỖI THÁNG HẢI QUAN PHẢI THU 24.800 TỶ ĐỒNG

(HQ Online)- Để hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN năm 2017 là 285.000 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng ngành Hải quan phải thu 23.750 tỷ đồng và để đạt được chỉ tiêu phấn đấu 290.000 tỷ đồng, 8 tháng cuối năm 2017 ngành Hải quan phải thu 198.336 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng còn lại phải thu 24.800 tỷ đồng. Đây là một áp lực không nhỏ.

Hoạt động nghiệp vụ tại chi cục Hải quan Yên Bình, Cục Hải quan Bắc Ninh. Ảnh: T.Trang.

Trong khi đó, sau khi số đạt số thu NSNN tăng vọt trong quý I/2017 so với cùng kỳ các năm trước thì sang đến đầu quý II, số thu NSNN của toàn ngành lại có chiều hướng giảm.

Cụ thể, số thu NSNN của toàn ngành trong tháng 4/2017 đạt: 22.133 tỷ đồng, tương đương giảm 20% (tương đương giảm 5.576 tỷ đồng) so với tháng 3/2017 (27.709 tỷ đồng). Trong đó, giảm thu chủ yếu từ các mặt hàng như: ô tô giảm khoảng 808 tỷ đồng; xăng dầu giảm khoảng 186 tỷ đồng; linh kiện, phụ tùng ô tô giảm 185 tỷ đồng; than đá giảm 290 tỷ đồng, máy móc thiết bị giảm 543 tỷ đồng… Ngoài ra, tháng 4 chỉ có 19 ngày làm việc cũng là nguyên nhân giảm thu NSNN tháng 4/2017 so với tháng 3/2017. Lũy kế đến 30/4/2017 đạt 91.664 tỷ đồng, đạt 32,2% dự toán, tăng 15,3% so với cùng kỳ 2016.

Tuy nhiên, tính tổng 4 tháng đầu năm 2017 thì số thu NSNN của Hải quan tăng hơn so với cùng kỳ năm 2016, kim ngạch XNK có thuế đạt 29.668 triệu USD tăng 22% so với cùng kỳ 2016 (24.247 triệu USD). Nhìn chung 4 tháng đầu năm các mặt hàng đều đạt mức tăng trưởng tốt, nhưng số thu tăng chủ yếu vẫn ở các mặt hàng chủ lực như: ô tô và linh kiện ô tô, xăng dầu, sắt thép, máy móc thiết bị (chiếm khoảng 50%/tổng thu), cụ thể:

Dẫn đầu trong các mặt hàng là ô tô nguyên chiếc nhập khẩu: số lượng xe NK trong 4 tháng đầu năm là 33.198 chiếc tăng 15,2% (tương đương tăng 5.046 chiếc) so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên trị giá giảm 11,7% so với cùng kỳ 2016. Nguyên nhân kim ngạch NK ô tô giảm nhưng số thu tăng là do kim ngạch NK ô tô dưới 9 chỗ tăng 83% về lượng, tăng 42% về trị giá làm tăng thu từ mặt hàng này khoảng 1.500 tỷ đồng.  

Cùng với đó là các mặt hàng: Linh kiện phụ tùng ô tô: đạt 1.036 triệu USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2016; xăng dầu: kim ngạch NK (có thuế) đạt 3,2 triệu tấn, trị giá 1.690 triệu USD, giảm 3,9% về lượng và tăng 35,9% về trị giá so với cùng kỳ 2016; Sắt thép: Kim ngạch NK có thuế đạt 4.879 triệu tấn, trị giá 2.673 triệu USD, giảm 12,6% về lượng, tăng 37,3% về trị giá so với cùng kỳ cùng kỳ năm 2016; Máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng: Kim ngạch NK có thuế đạt 5.801 triệu USD tăng 10,6% so với cùng kỳ 2016. 

Cũng trong 4 tháng đầu năm, một số cục hải quan tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ thu NSNN trên 50% như: Gia Lai – KonTum (126%); Đắk Lắk (59%); Nghệ An (55%); Hà Nam Ninh (54%); Quảng Ninh (54%); Hà Tĩnh (52%); An Giang (52%)… Nguyên nhân: do chính sách mở cửa rừng của Lào nên tăng lượng gỗ tại Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum; Đắk Lắk. Do tăng kim ngạch xăng dầu NK bao gồm giá và lượng nên làm tăng thu cho Cục Hải quan Quảng Ninh, Nghệ An; đối với Cục Hải quan Hà Nam Ninh do tăng lượng NK linh kiện ô tô của Công ty Thành Công (số thu của Công ty này chiếm 55%/tổng thu của đơn vị).

Theo phân tích của Cục Thuế XNK (Tổng cục Hải quan), dự kiến tốc độ tăng thu NSNN quý II/2017 sẽ chậm hơn so với Quý I/2017 (do quý II/2016, chính sách tăng thuế TTĐB  đối với ô tô dưới 9 chỗ ngồi nên các DN đã NK ồ ạt).

Có thể thấy, dự báo trong năm 2017 đi ngược với quy luật các năm- số thu những tháng cuối năm sẽ giảm dần có khả năng sẽ thành hiện thực. Vì vậy, phải tiếp tục nỗ lực, chủ động thực hiện mọi biện pháp để đạt nhiệm vụ được giao, phải quản lý và khai thác tốt nguồn thu- là nhiệm vụ mà các cục hải quan địa phương cần phải thực hiện.

Thu Trang

HẢI QUAN TP.HCM: THÊM GẦN 1.600 DN LÀM THỦ TỤC XNK

(HQ Online)- Theo Cục Hải quan TP.HCM, trong tháng 4/2017, số lượng DN làm thủ tục XNK qua các cửa khẩu TP.HCM tăng so với tháng 3 trên 1.600 DN. 

Ô tô nhập khẩu qua cảng VICT TP.HCM. Ảnh: T.H

Cụ thể, tổng số DN đã tham gia hoạt động trên địa bàn là 21.939 DN, tăng 8,2% so với tháng 3/2017 (20.275 DN). 

Với số lượng DN tham gia XNK khiến cả kim ngạch và số thu ngân sách qua các cửa khẩu TP.HCM cũng tăng mạnh. Tổng kim ngạch XNK đạt 8,41 tỷ USD, tăng 11,16% so với tháng 3/2017 (7,56 tỷ USD), tăng 10% so với tháng 4/2016 (7,65 tỷ USD). 

Trong đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 4,43 tỷ USD, tăng 12,5% so với tháng 3/2017 và tăng 10% so với tháng 4/2016; kim ngạch XK đạt 3,98 tỷ USD, tăng 9,7% so với tháng 3/2017 và tăng 10,5% so với tháng 4/2016. 

Số thuế thu trong tháng 4 đạt 8.858 tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng 3/2017, luỹ kế thu đạt 29.265 tỷ đồng đạt 26,84% chỉ tiêu pháp lệnh và tăng 14,48% so với cùng kỳ năm 2016 (23.959 tỷ đồng).

Theo Cục Hải quan TP.HCM, nguyên nhân khiến số lượng DN XNK làm thủ tục trên địa bàn tăng cao do kinh tế TP.HCM tiếp tục phát triển tốt, các DN sản xuất, kinh doanh ổn định. Cục Hải quan TP.HCM triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, nuôi dưỡng nguồn thu.

Trong đó,  tổ chức gặp gỡ, nắm bắt kế hoạch sản xuất, kinh doanh của DN để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nên một số DN mở rộng sản xuất, kinh doanh; một số DN truyền thống đã quay trở lại đăng ký làm thủ tục hải quan tại địa bàn…

Lê Thu

KIM NGẠCH XUẤT NHẬP KHẨU TĂNG MẠNH ĐẠT GẦN 108 TỶ USD

(HQ Online)- Dù tổng trị giá kim ngạch cả xuất khẩu và nhập khẩu trong nửa đầu tháng 4 có sụt giảm so với 15 ngày cuối tháng 3 trước đó, nhưng xét tổng thể từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta vẫn đang duy trì mức tăng trưởng cao và đạt trị giá kim ngạch gần 108 tỷ USD.
Hoạt động xuất nhập khẩu nước ta đang có những khởi đầu mạnh mẽ trong năm 2017. Trong ảnh, hoạt động xuất nhập nhập khẩu qua cảng Hải Phòng. Ảnh: T.Bình.
Hàng xuất khẩu chủ lực giảm

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong nửa đầu tháng 4 đạt hơn 7,93 tỷ USD, giảm 16% (tương ứng giảm gần 1,51 tỷ USD) so với 15 ngày cuối tháng 3/2017.

Tính đến hết ngày 15/4 kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt  gần 52,51 tỷ USD, tăng 13,9% (tương ứng tăng hơn 6,42 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016.

Căn cứ vào dữ liệu của cơ quan Hải quan có thể thấy, nguyên nhân cơ bản khiến kim ngạch xuất khẩu 15 ngày vừa qua giảm mạnh xuất phát từ sự biến động mạnh theo chiều hướng giảm ở nhiều nhóm hàng xuất khẩu quan trọng của nước ta.

Đáng chú ý, 2 mặt hàng lớn là dệt may và máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong nửa cuối tháng 3 trước đó đều đạt trị giá kim ngạch hơn 1 tỷ USD nhưng sang nửa đầu tháng này đã bị sụt giảm mạnh.

Cụ thể, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 27,8%, tương ứng giảm 319 triệu USD (đạt 829,7 triệu USD); hàng dệt may giảm 20,4%, tương ứng giảm 255 triệu USD (chỉ đạt 879,6 triệu USD).

Bên cạnh đó, một số mặt hàng khác có mức sụt giảm mạnh như sắt thép các loại giảm 62,8%, tương ứng giảm 108 triệu USD; gỗ và và sản phẩm gỗ giảm 23,8%, tương ứng giảm 93 triệu USD…

Trong số các mặt hàng xuất khẩu lớn của nước ta, chỉ có điện thoại và linh kiện có mức tăng trưởng nhẹ so với con số đạt 1,842 tỷ USD, tăng 53 triệu USD so với trước đó. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này chưa đủ sức kéo được tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước đi lên.

Liên quan đến hoạt động nhập khẩu, trị giá hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong cùng thời điểm trên đạt hơn 8,43 tỷ USD, giảm 11,9% so với 15 ngày cuối tháng 3. Tính đến hết ngày 15/4 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt hơn 55,07 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2016.

Hướng tới mốc 400 tỷ USD

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết ngày 15/4, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt hơn 107,58 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, đến nửa đầu tháng 4, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã vượt mốc 100 tỷ USD.

Theo dõi hoạt động ngoại thương cả nước những năm gần đây cho thấy chu kỳ “100 tỷ USD” trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu đang được rút ngắn nhanh chóng. Hết năm 2007, lần đầu tiên nước ta cán mốc 100 tỷ USD (cả năm đạt 111,2 tỷ USD).

Trong khi đó, theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan (công bố từ năm 2009), thì trong năm 2009 phải mất 10 tháng nước ta mới đạt được dấu mốc này (hết tháng 10 đạt 102,589 tỷ USD); sang năm 2010 phải đến đầu tháng 9… và đến năm ngoái 2016 phải hết tháng 4.

Nhưng bước sang năm 2017, thời gian tiếp tục được giảm thêm 15 ngày. Với trị giá kim ngạch bình quân mỗi ngày đạt hơn 1 tỷ USD thì thời gian giảm thêm 15 ngày là hết sức có ý nghĩa.

Và nếu duy trì được mức tăng trưởng trên 18% như thời gian vừa qua, kết thúc năm 2017, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ lần đầu tiên đạt và vượt mốc 400 tỷ USD (năm 2016 mới đạt hơn 350 tỷ USD).

Điều này là có cơ sở vì theo quy luật, hoạt động xuất nhập khẩu nước ta thường tăng trưởng mạnh vào những tháng cuối năm, nhất là trong quý III.

Sự tăng trưởng trên không chỉ chứng tỏ quy mô của hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta ngày càng lớn mà còn tạo được sự phát triển ổn định và đa dạng về cơ cấu, nhất là trong hoạt động xuất khẩu.

Trước đây hoạt động xuất khẩu dựa chủ yếu vào tài nguyên khoáng sản (dầu thô, than đá…) hay yếu tố lợi thế về lao động (dệt may, gia dày…) nhưng những năm gần đây chủng loại hàng hóa xuất khẩu đa dạng hơn với sự góp mặt của các mặt hàng công nghệ cao như điện thoại, máy vi tính, máy ảnh, phương tiện vận tải…

Thái Bình

XUẤT, NHẬP KHẨU CÙNG TĂNG TRƯỞNG MẠNH, VƯỢT 91 TỶ USD

(HQ Online)- 91,212 tỷ USD là tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong quý I/2017, theo thông tin Tổng cục Hải quan vừa công bố chiều nay (ngày 10/4).
Biểu đồ trị giá kim ngạch xuất khẩu 5 nhóm hàng lớn nhất, tính hết quý I, đơn vị tính “tỷ USD”. Biểu đồ: T.Bình.

Đáng chú ý, cả xuất khẩu và nhập khẩu đều có mức tăng trưởng cao hai con số, một hình ảnh đầy lạc quan và khác biệt so với sự ì ạch của quý I/2016

Trong đó, xuất khẩu cả nước đạt tổng giá trị 44,638 tỷ USD, tăng trưởng 15,1% so với cùng kỳ, tương đương con số tăng thêm 5,858 tỷ USD.

Hết quý I ghi nhận cả nước có 9 nhóm hàng hóa xuất khẩu đạt trị giá kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Trong đó dẫn đầu tiếp tục là điện thoại và linh kiện đạt 7,774 tỷ US. Các vị trí tiếp theo có thể kể đến là: Dệt may đạt 5,623 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 5,519 tỷ USD; giày dép các loại đạt 3,118 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện đạt 2,906 tỷ USD…

Đặc biệt, trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực ngoại trừ điện thoại và linh kiện có mức tăng trưởng âm (giảm 6,1% so với cùng kỳ); các nhóm hàng còn lại đều có sự tăng trưởng khá như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng tới 47,8%; cà phê tăng 27,5%; gỗ và sản phẩm tăng 17,1%; hạt điều tăng 16,9%; giày dép tăng 11,9%; dệt may tăng 10%…

Ở chiều nhập khẩu, sự tăng trưởng còn manh mẽ hơn với con số 24,9% so với cùng kỳ năm 2016, đạt trị giá kim ngạch 46,574 tỷ USD. Trong đó máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng là nhóm hàng dẫn đầu với trị giá kim ngạch đạt 8,071 tỷ USD. Kế đến là các mặt hàng: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 7,603 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện đạt 2,934 tỷ USD; sắt thép các loại đạt 2,539 tỷ USD; vải đạt 2,346 tỷ USD…

Như vậy, hết quý I/2017, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu nói chung của cả nước tăng thêm 15,155 tỷ USD so với năm 2016.

Thái Bình

KIM NGẠCH HÀNG HÓA XNK 2 THÁNG ĐẦU NĂM 2017 ĐẠT HƠN 55,66 TỶ USD

(HQ Online)- Theo số liệu thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 2 tháng đầu năm 2017 đạt hơn 55,66 tỷ USD, tăng 19,5% tương ứng tăng gần 9,08 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016.

Kim ngạch xuất khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất trong tháng 2/2017 so với tháng 2/2016.

Trong đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt hơn 35,98 tỷ USD, tăng 18,5% tương ứng tăng gần 5,61 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016.

Trong kỳ 2 tháng 2/2017 cán cân thương mại hàng hóa cả nước thâm hụt 386 triệu USD, đưa cán cân thương mại hàng hóa cả nước 2 tháng/2017 thâm hụt 803 triệu USD.

Cũng theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 2/2017 (từ 16/2/2017 đến 28/2/2017) đạt hơn 14,04 tỷ USD,  giảm 1,3% tương ứng giảm 181 triệu USD so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 2/2017. Trong đó, xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kim ngạch hơn 9,1 tỷ USD, giảm 2,1% tương ứng giảm 197 triệu USD so với nửa đầu tháng 2/2017.

Về xuất khẩu, tổng kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 2/2017 đạt hơn 7,21 tỷ USD, tăng 22,5% (tương ứng tăng gần 1,33 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 1 tháng 2/2017.

Kim ngạch xuất khẩu kỳ 2 tháng 2/2017 tăng so với kỳ 1 tháng 2/2017 chủ yếu do tăng ở một số nhóm hàng sau: hàng dệt may tăng 54,4%, tương ứng tăng 297 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 71,5%, tương ứng tăng 120 triệu USD; giầy dép các loại tăng 24,1%, tương ứng tăng 93 triệu USD; sắt thép các loại tăng 124,1%, tương ứng tăng 87 triệu USD; …. Ở chiều ngược lại, máy ảnh, xăng dầu các loại giảm 49,7%, tương ứng giảm 30 triệu USD; cao su giảm 17,3%, tương ứng giảm 18 triệu USD; gạo giảm 19,2%, tương ứng giảm 18 triệu USD; máy quay phim và linh kiện giảm 11%, tương ứng giảm 15 triệu USD; …

Như vậy, tính đến hết tháng 2 năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 27,43 tỷ USD, tăng 15,8%  tương ứng tăng hơn 3,74 tỷ USD  so với cùng kỳ năm 2016.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 2 tháng 2/2017 đạt hơn 5,03 tỷ USD, tăng 118,2% tương ứng tăng 774 triệu USD so với kỳ 1 tháng 2/2017, qua đó nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng/2017 của nhóm các doanh nghiệp này lên  gần 19,25 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 70,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước

Về nhập khẩu, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 2/2017 đạt gần 6,83 tỷ USD, giảm 18,1% (tương ứng giảm gần 1,51 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong kỳ 1 tháng 02/2017.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 2 tháng 2/2017 giảm so với kỳ 1 tháng 2/2017 chủ yếu do tăng, giảm ở một số nhóm hàng sau: phân bón các loại tăng 34,8%, tương ứng tăng 17 triệu USD; xăng dầu các loại tăng 6,1%, tương ứng tăng 13 triệu USD; quặng và khoáng sản khác tăng 73,6%, tương ứng 8 triệu USD; …. Trong khi đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 21%, tương 292 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 14,7%, tương ứng giảm 199 triệu USD; vải các loại giảm 27,4%, tương ứng giảm 110 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện giảm 16,4%, tương ứng giảm 85 triệu USD; ….

Như vậy, tính đến hết tháng 2/2017, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt hơn 28,23 tỷ USD, tăng 23,3% (tương ứng tăng gần 5,34 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt hơn 4,07 tỷ USD, giảm 19,3%  tương ứng giảm 971 triệu USD  so với kỳ 1 tháng 2/2017, qua đó nâng tổng kim ngạch nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này trong tháng 2/2017 đạt hơn 16,73 tỷ USD, tăng 21,4% tương ứng tăng gần 2,95 tỷ USD so với tháng 2/2016.

Hà Nhi