DỰ ÁN LUẬT QUẢN LÝ NGOẠI THƯƠNG: GIẢI TRÌNH NHIỀU VẤN ĐỀ XUNG QUANH HOẠT ĐỘNG HẢI QUAN

(HQ Online)- Chiều nay 20/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý ngoại thương. 

Thứ trưởng Vũ Thị Mai phát biểu tại buổi thảo luận.

Không điều chỉnh các trường hợp ngoại lệ

Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết: Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật Quản lý ngoại thương. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và nhất trí với nội dung cơ bản của dự án Luật do Chính phủ trình, đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến cho dự án Luật. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật gồm 8 Chương và 117 điều, trong đó thêm hai điều, gộp hai điều thành một điều và bổ sung một số điểm, khoản và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Trong các nội dung giải trình, tiếp thu có nhiều nội dung liên quan đến công tác quản lý hải quan.

Cụ thể, theo ông Thanh, có ý kiến đề nghị rà soát quy định về các trường hợp ngoại lệ hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu tại Điều 17 nhằm tránh tạo cách hiểu quy định không minh bạch, hạn chế quyền tự do kinh doanh và bổ sung thêm xuất khẩu, nhập khẩu phi thương mại (hàng hóa viện trợ, hàng hóa cho, tặng…). 

Thực chất nội dung này không được điều chỉnh trong dự thảo Luật do việc quản lý hàng hóa viện trợ, nhân đạo, hành lý cá nhân, hàng hóa của cá nhân thuộc diện miễn trừ ngoại giao hiện thực hiện theo Luật Hải quan tại Mục III Chương III và các văn bản hướng dẫn.

Vì vậy, Điều 17 dự thảo Luật quy định các trường hợp không cần thiết áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu là: miễn áp dụng các biện pháp hạn chế này đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của khu hải quan riêng và không áp dụng đối với trường hợp xuất khẩu, nhập khẩu phi thương mại nhằm tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong khu hải quan riêng hoặc các doanh nghiệp có quan hệ mua bán với các doanh nghiệp thuộc khu hải quan riêng thông qua miễn áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu cũng như xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa phi thương mại.

Ý kiến khác cho rằng khoản 4 Điều 3 quy định khu vực hải quan riêng là khu vực có quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu với các khu vực khác trong nội địa, trong khi Điều 56, 57 và Điều 68 quy định không áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương đối với hàng hóa đưa từ nội địa, nước ngoài vào khu vực hải quan riêng và hàng hóa mua bán, vận chuyển giữa các khu hải quan riêng trong lãnh thổ Việt Nam.

Lý giải điều này, ông Thanh nêu: Quy định tại các điều 57, 58 và Điều 59 của dự thảo Luật không thể hiện khái niệm xuất khẩu, nhập khẩu đã được quy định tại Điều 28 Luật Thương mại mà chỉ quy định việc miễn áp dụng các biện pháp quản lý ngoại thương đối với các trường hợp quy định tại các điều này. 

Việc đưa hàng hóa từ nội địa vào khu vực hải quan riêng vẫn là mối quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu và vẫn phải làm thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ theo quy định của pháp luật về hải quan.  Do vậy, đề nghị giữ như quy định tại dự thảo Luật.

Thận trọng rà soát

Tham gia thảo luận tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đề nghị rà soát quy định “khu vực hải quan riêng” và lý giải cụ thể sự khác nhau của khu này với khu phi thuế quan tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, tránh cùng một khu mà có hai tên gọi.

Giải đáp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết: Khu phi thuế quan quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là khu “có ranh giới địa lý xác định, ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm điều kiện cho hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan Hải quan và các cơ quan có liên quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và phương tiện, hành khách xuất cảnh, nhập cảnh”.

Trong khi đó, khu vực hải quan riêng trong dự thảo Luật này là khu vực địa lý xác định trên lãnh thổ Việt Nam được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Việt Nam là thành viên, có quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa với phần lãnh thổ còn lại và nước ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu. Hai khái niệm có sự khác nhau và có thể phân biệt.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Võ Trọng Việt và nhiều thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá, dự thảo Luật lần này tiếp thu chỉnh lý rất tốt, nếu luật này đi vào thực tiễn thì chắc chắn sẽ được nhân dân ủng hộ vì các quy định đã khá rõ ràng, không rườm rà phức tạp. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần rà soát lại để cụ thể hơn một số quy định về phí đường bộ, phí bến bãi, tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị làm rõ quy định về phát triển ngoại thương thông qua xúc tiến thương mại, đề nghị nói rõ hơn, bổ sung thêm quy định xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị rà soát lại các quy định trong luật và các Luật khác có liên quan đề tránh sự mâu thuẫn trong các quy định của dự thảo Luật.

Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, với tinh thần thận trọng, Thường vụ Quốc hội đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát để đảm bảo thống nhất cao với các Luật hiện hành như Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu… để tránh mâu thuẫn, chồng chéo, trùng lắp. Luật vẫn còn những xung đột ngôn từ chưa rõ, chưa sát cần phải rà soát lại như điều 76, điều 86, điều 113… trong dự thảo Luật.

Các quy định về chính sách biên mậu Điều 54 và 55 dự thảo Luật khá mở tạo quyền cho Chính phủ linh hoạt xử lý, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cần có sự thống nhất trong thực hiện, tránh quy định “lúc lỏng quá, lúc quá chặt” gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Hồng Vân