GỠ VƯỚNG NHIỀU QUY ĐỊNH ÁP MÃ HS ĐỐI VỚI CÁC MẶT HÀNG XNK

(HQ Online)- Trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, nhiều DN đã phản ánh những vướng mắc liên quan đến quy định áp mã đối với các mặt hàng XNK. Nhằm tạo điều kiện và hỗ trợ thông tin để các DN nắm được các quy định về chính sách pháp luật liên quan đến hải quan, Tổng cục Hải quan đã trả lời cụ thể một số vướng mắc của DN.

Công chức Hải quan Lạng Sơn kiểm tra mặt hàng thép NK. Ảnh: H.Nụ.

Công ty CP thương mại Citicom nêu, hiện tại, thép dây hợp kim NK về với mã HS 7227.90.00 đang bị áp thuế tự vệ là 15,4%, do đó, DN đã chuyển sang NK thép dây không hợp kim với mã HS 7213.91.90, thuế NK 3%. Tuy nhiên, theo thông tin DN được biết thì một số nhà sản xuất trong nước đang đề nghị Bộ Công Thương đưa thêm mặt hàng này vào danh mục hàng chịu thuế tự vệ như hàng hợp kim. Vậy Bộ Công Thương có đưa mặt hàng này vào danh mục chịu thuế tự vệ như hàng hợp kim không và nếu có thì dự kiến khi nào?  Đề nghị Tổng cục Hải quan cho biết kết quả điều tra mặt hàng thép hình H và nếu thay đổi, thì khi nào áp dụng?

DN cũng cho rằng, DN đang nhập thép dây không hợp kim theo mã HS 7213.91.90, thuế NK 3%. Tuy nhiên, cũng có một mã HS khác là 9839.10.00  với mô tả hàng hóa giống hệt, có DN khác NK cùng nhà máy với DN đã sử dụng được với cùng mục đích sử dụng, thuế 0%. Vậy, DN đề nghị có hướng dẫn cụ thể chi tiết để đảm bảo các DN cạnh tranh một cách công bằng.

Liên quan đến các thắc mắc của DN, hiện nay Tổng cục Hải quan chưa nhận được thông tin về việc mặt hàng thuộc mã số 7213.91.90 đưa vào danh mục chịu thuế tự vệ và kết quả điều tra mặt hàng thép hình chữ H. Do đó, Tổng cục Hải quan đề nghị DN liên hệ với Bộ Công Thương để biết thông tin cụ thể.

Căn cứ chú giải chương 98 Biểu thuế NK ưu đãi ban hành kèm theo Nghị định số 122/2016/NĐ-CP của Chính phủ thì mặt hàng thép “không hợp kim, dạng thanh và dạng cuộn cuốn không đều, được cán nóng” thuộc nhóm 98.39 phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật quy định tại một trong các tiêu chuẩn TCVN 1766:1975 và TCVN 8996:2011 (ISO 4954:1993) do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Như vậy đã có tiêu chuẩn để phân biệt thép không hợp kim thuộc nhóm 9839.10.00 và nhóm 7213.91.90, do đó, đề nghị DN nghiên cứu Nghị định số 122/2016/NĐ-CP để thực hiện đúng quy định.

Công ty TNHH Yamaha Moto Việt Nam thắc mắc sau khi có kết quả phân tích phân loại mã HS của một chi tiết NK của DN, nếu kết quả phân tích phân loại mã HS này khác với mã HS mà DN khai báo trước đó làm thuế NK của chi tiết tăng: DN có phải khai báo bổ sung mã HS của các lô hàng NK trước đó để nộp thuế bổ sung không? Thời hạn khai báo bổ sung là mấy năm trước đó? HS làm thuế NK của chi tiết giảm: DN có được khai báo bổ sung mã HS của các lô hàng NK trước đó để hoàn thuế không? Thời hạn khai báo bổ sung là mấy năm trước đó?

Về vấn đề này, theo Tổng cục Hải quan, tại Khoản 4 Điều 29 Luật Hải quan 2014 và Khoản 1 Điều 20 Thông tư số 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định các trường hợp khai bổ sung hồ sơ hải quan. Đối chiếu với thắc mắc của DN, trường hợp DN khai bổ sung mã HS cho các lô hàng trước đó thì căn cứ thực tế tình trạng lô hàng để áp dụng quy định theo Điểm b, c, d Khoản 1 Điều 20 Thông tư 38/2015/TT-BTC.

Công ty TNHH Minh Nhật đề nghị cơ quan Hải quan hướng dẫn thực hiện đối với quy định về HS code khí ga hóa lỏng đối với mặt hàng Propan và Butan.

Theo Tổng cục Hải quan, căn cứ quy định tại Phụ lục V Danh mục hóa chất phải khai báo ban hành kèm Nghị định số 26/2011/NĐ-CP của Chính phủ thì mặt hàng Propan (mã số HS 271112), Butan (mã số HS 271113) thuộc số thứ tự 9 trong Phụ lục V nêu trên thì phải khai báo hóa chất NK với Bộ Công Thương trước khi thông quan. Mặt hàng“loại khác” (mã số HS 271119) không thuộc Danh mục hóa chất phải khai báo theo quy định tại Phụ lục V nêu trên.

Liên quan đến quy định hướng dẫn việc giám sát đối với mặt hàng LPG XK vào Khu công nghiệp-Khu chế xuất, đề nghị DN căn cứ các quy định tại Thông tư số 69/2016/TT-BTC để thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra và giám sát hải quan đối với lượng nhiên liệu cung ứng cho DN thuộc các khu vực hải quan riêng trên lãnh thổ Việt Nam.

Công ty TNHH cơ điện lạnh và thương mại Hòa Bình – Thương Hiệu Alaske hỏi Bộ Tài chính đã có cơ chế trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, kinh nghiệm các nước trong việc phân loại áp mã số HS đối với nhiều mặt hàng mới, có nhiều chức năng sử dụng tích hợp vào trong một mặt hàng chưa? Bộ Tài chính có quy định nào giúp hỗ trợ người khai hải quan để thực hiện thống nhất theo hướng dẫn phân loại áp mã để tránh cho người khai hải quan khi NK, khi đã phân phối, khi đã hạch toán và nộp thuế không bị xem xét truy thu, truy hoàn vì áp mã chưa chính xác đối với những mặt hàng khó áp mã này không?

Về kiến nghị của DN, liên quan đến quyết định ấn định thuế, theo Tổng cục Hải quan, căn cứ Quyết định số 49/QĐ-CTN ngày 6/3/1998 của Chủ tịch nước, Việt Nam là thành viên tham gia Công ước Quốc tế về Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa (Công ước HS). Công ước HS là Công ước do Hội đồng hợp tác Hải quan, nay gọi là Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) thông qua ngày 14/6/1983 tại Bruxelles, Vương quốc Bỉ.

Từ khi tham gia đến nay, Việt Nam (nói chung), Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan (nói riêng) luôn tuân thủ đầy đủ các quy định về việc phân loại theo Công ước HS và thường xuyên có sự trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với các nước thành viên tham gia Công ước cũng như các hướng dẫn của WCO (thông qua việc tham gia các khóa tập huấn về phân loại áp mã trong khối ASEAN để trao đổi kinh nghiệm với các nước trong khu vực, hướng tới thống nhất cách hiểu, cách phân loại áp mã cho hàng hóa XNK (đặc biệt là các mặt hàng mới…). Ngoài ra, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan thường xuyên tham khảo các tài liệu như: Chú giải chi tiết HS 2012, Chú giải bổ sung Danh mục AHTN, tuyển tập ý kiến phân loại của WCO… khi thực hiện phân loại, áp mã cho hàng hóa, với mục đích xác định chính xác, thống nhất mã HS đối với các hàng hóa XNK, nhằm tạo thuận lợi cho DN.

Tại Điều 7 và Điều 39 Luật Quản lý thuế, Điều 18 Luật Hải quan 2014 quy định, người khai hải quan có trách nhiệm tự kê khai và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin khai báo trên tờ khai hải quan. Khoản 3 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định trách nhiệm của người khai hải quan: “Người khai hải quan phải khai đầy đủ, chính xác, trung thực, rõ ràng các tiêu chí trên tờ khai hải quan; tự tính để xác định số thuế, các khoản thu khác phải nộp ngân sách nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung đã khai”.

Trong quá trình thực hiện hoạt động XNK, trường hợp DN có khó khăn, vướng mắc trong việc xác định mã số HS hàng hóa có thể liên hệ ngay với cơ quan Hải quan để được hướng dẫn, giải quyết kịp thời, tránh thiệt hại cho DN. Trường hợp vẫn không thể xác định được mã HS thì có thể gửi hồ sơ tới Tổng cục Hải quan để xin xác định trước mã số hàng hóa. Thủ tục xin xác định trước mã số HS của hàng hóa thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế XNK và quản lý thuế đối với hàng hóa XNK.

Trường hợp có văn bản của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và các cơ quan hữu quan khác sửa đổi, hướng dẫn phân loại áp mã, làm ảnh hưởng tới quá trình khai hải quan về mã số, mức thuế và hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh của người khai hải quan, người nộp thuế thì thực hiện phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế kể từ ngày văn bản sửa đổi hướng dẫn phân loại có hiệu lực pháp luật theo quy định (quy định tại Điều 6, Thông tư 14/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa; phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa XNK).

Tuấn Kiệt

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

SỬA BIỂU THUẾ MFN: CẦN ĐIỀU CHỈNH MỨC THUẾ MỘT SỐ MẶT HÀNG ĐỂ TRÁNH GIAN LẬN

(HQ Online)- Để giảm tình trạng gian lận, trốn thuế, gây khó cho cơ quan Hải quan và DN trong việc phân loại, áp mã hàng hóa…, Hải quan một số tỉnh, thành phố cho rằng, Biểu thuế XK, NK ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế (MFN) để thực hiện từ năm 2018 cần có sự điều chỉnh về mức thuế một số nhóm mặt hàng…

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Yên Bình, Cục Hải quan Bắc Ninh. Ảnh: T.Trang.

Đề xuất điều chỉnh với một số nhóm hàng

Theo Cục Hải quan TP.HCM, Biểu thuế MFN áp dụng từ năm 2018 cần điều chỉnh thuế suất thuế NK ưu đãi đối với một số mặt hàng để tránh gian lận trong khai báo.

Đưa ra ví dụ phân tích cụ thể, Hải quan TP.HCM cho biết, mặt hàng cá hồi Thái Bình Dương khác NK mã số 0303.12.00 thuế suất NK 12% nên áp bằng mức thuế nhóm 0302.13.00 (thuế suất NK 10%) và nên có mức thuế bằng nhau để tránh việc DN khai báo theo mã số có mức thuế suất thấp và cơ quan Hải quan cũng không thể phân biệt được các loại cá này có những đặc điểm gì khác nhau vì tất cả các mặt hàng này đều đã được bỏ đầu và nội tạng.

Tương tự, với mặt hàng cá hồi vân (cá hồi nước ngọt) mã số 0305.43.00, thuế NK 20% và mặt hàng tôm shimps, tôm pawn nước lạnh mã số 0306.16.00, thuế NK 3%… cũng cần được quy về mức thuế với mặt hàng tương tự vì cơ quan Hải quan không thể phân biệt được các loại cá này có những đặc điểm gì khác nhau, và cũng sẽ tạo cơ hội cho DN lợi dụng khai báo vào mã số hàng hóa có mức thuế suất thấp hơn.

Một mặt hàng nữa cũng được Hải quan TP.HCM kiến nghị sửa đổi mức thuế là các sản phẩm không dệt, đã hoặc chưa ngâm tẩm, tráng phủ hoặc ép lớp- loại khác nhóm 56.03, hiện tại biểu thuế chia thành 2 nhóm theo chất liệu của vải nhưng thuế suất 2 nhóm này quá chênh lệch (0% khi có C/O mẫu E đối với loại có chất liệu từ sợi Filament nhân tạo và 20% đối với loại khác) nên đã có tình trạng DN lợi dụng để khai báo vào nhóm có thuế suất thấp để trốn thuế.

Cùng có kiến nghị sửa đổi mức thuế, Cục Hải quan Hà Nội và Hải Phòng đã liệt kê một loạt mặt hàng có chung đặc điểm với mặt hàng khác, dễ gây nhầm lẫn nhưng lại có mức thuế suất khác nhau.

Cụ thể, mặt hàng camera truyền hình, mã HS 8525.80.50 có mức thuế NK 10%, dễ nhầm lẫn với mặt hàng camera kỹ thuật số khác có mã số 8525.80.40, có thuế suất thuế NK là 0%. Hoặc mặt hàng nhôm ở dạng thanh, que và hình thuộc nhóm 76.04 (thuế suất thuế NK từ 5 đến 10%), tuy trong chú giải đã giải thích các khái niệm thanh, que và hình nhưng khi khai báo DN dễ nhầm lẫn các dạng thanh, que và hình nên cần đưa chung vào 1 mức thuế suất.

Cùng với đó là mặt hàng sắt hoặc thép không hợp kim, thép cốt bê tông, nhóm 7213.91.20, thuế suất thuế NK 20% rất khó phân biệt với mặt hàng có cùng đặc điểm mã  HS 7214.20.31 và 7214.20.51 có thuế suất thuế NK 15%.

Phản ánh vướng mắc từ thực tế phát sinh, Cục Hải quan Hải Phòng cho biết, hiện nay, không có căn cứ, tiêu chuẩn để phân biệt mặt hàng nhôm chưa gia công dạng thỏi và loại khác, chú giải chi tiết HS cũng chỉ liệt kê chung chung, không giải thích cụ thể (do đây là dòng hàng của Việt Nam). Do đó, cần có quy định cụ thể về mặt hàng này và thống nhất chung về 1 mức thuế.

Hay như các chế phẩm làm sạch da dạng lỏng hoặc dạng kem nhóm 34.01 và 33.07 là các sản phẩm có cùng bản chất, công dụng, chỉ có khác biệt nhỏ ở dạng kết cấu dạng lỏng, kem và dạng khác nhưng có mức thuế chênh lệch từ 20% đến 27%. Bất hợp lý nữa là sản phẩm mã 3307.30.00 thường dùng trong các SPA lại có thuế suất thấp hơn các loại thường dùng trong gia đình.

Nên đưa về cùng một mức thuế

Trong quá trình áp dụng Biểu thuế XNK, theo phản ánh của các đơn vị hải quan địa phương, có những mặt hàng rất dễ nhầm lẫn trong việc phân loại, bởi những tiêu chí phân loại, và mức thuế suất lại căn cứ vào mục đích sử dụng của hàng hóa… nên rất khó xác định khi DN NK hàng hóa. Vì vậy, những mặt hàng này cần đưa về cùng chung một mức thuế suất.

Theo Cục Hải quan Đồng Nai và Bà Rịa- Vũng Tàu, Biểu Thuế MFN áp dụng từ năm 2018 cần điều chỉnh thuế suất thuế NK ưu đãi đối với một số mặt hàng để tránh gian lận trong khai báo. Cụ thể, đó là các mặt hàng: Dầu các loại mã số 2710.19.90 tăng từ 3% lên 5%, Chế phẩm bôi trơn loại khác mã số 3403.19.19 giảm từ 18% xuống 5%, Chế phẩm bôi trơn mã số 3403.19.90 từ 10% xuống 5%, Chế phẩm bôi trơn loại khác- loại khác mã số 3403.99.90 từ 10% xuống 5% vì mặt hàng tương tự với các mặt hàng trong nhóm 34.03 và nhóm 27.10, cần đưa về cùng 1 mức thuế suất để tránh gian lận.

Bên cạnh đó, Hải quan Đồng Nai kiến nghị, cần gộp mặt hàng thanh và que thép không gỉ được cán nóng, dạng cuộn cuốn không đều mã 7221.00.00 (thuế suất thuế NK 0%) và dây thép không gỉ mã 7223.00.00 (thuế suất thuế NK 10%) về cùng 1 mức thuế suất là 10%, bởi theo Hải quan Đồng Nai, 2 mặt hàng này có cùng bản chất, công dụng dễ lẫn, khó phân loại hoặc cùng 1 mặt hàng có thể được khai tại mã số khác nhau (chỉ có thể phân biệt được qua giám định) trong khi đó thuế suất NK chênh lệch từ 0% đến 10%. Vì vậy, cần quy định lại về cùng 1 mức thuế suất để tránh gian lận.

Đối với mặt hàng thép cốt bê-tông sắt, thép không hợp kim thuộc nhóm 7213 đến nhóm 7215 có mức thuế chênh lệch rất lớn từ 0% đến 20%, Cục Hải quan Đồng Nai đề nghị, đây là các hàng hóa có cùng bản chất, cấu tạo, công dụng như sử dụng cho các mục đích khác nhau, trong khi đó cơ quan Hải quan rất khó có thể xác định mặt hàng có thể dùng để làm thép cốt bê-tông hoặc dùng cho mục đích khác. Vì vậy, việc áp thuế mặt hàng này không nên dựa vào mục đích sử dụng của hàng hóa mà nên phân loại, áp thuế theo phi thép là phù hợp và nên đưa các mặt hàng này về cùng 1 mức thuế suất.

Đưa ra một số vướng mắc tại đơn vị, Hải quan Hải Phòng cho biết, mặt hàng đồ nội thất NK có những mức thuế chênh lệch khác nhau, nhưng lại được phân loại theo mục đích sử dụng: Đồ nội thất bằng kim loại được sử dụng trong văn phòng, mã HS 9403.10.00, thuế suất NK 20%; Loại khác, mã HS 9403.20.90, thuế suất 10%; Đồ nội thất bằng gỗ được sử dụng trong văn phòng, mã HS: 9403.30.00, thuế suất NK 20%… Việc xác định tỉ lệ, trọng lượng, trị giá để xác định chất liệu cấu tạo chính rất khó định lượng trên thực tế, điều này gây khó cho cả cơ quan Hải quan và DN, vì vậy những mặt hàng này cần đưa về chung 1 mức thuế.

Kiến nghị về nội dung này, Hải quan Bình Dương phân tích, hiện tại Biểu thuế thì mặt hàng khoai tây chiên mã HS 2005.20.91 thuế suất 18% và bánh lát khoai tây mã HS 2005.20.11 thuế suất 20%. Tuy nhiên, DN thường khai báo khoai tây chiên nhưng thực tế là bánh lát bằng khoai tây, bởi bánh làm bằng khoai tây có thuế suất cao hơn. Vì vậy, 2 mặt hàng này cần đưa về chung 1 mức thuế suất.

Tương tự, một mặt hàng khác được Hải quan Bình Dương đưa ra là Bảng điều khiển có trang bị bộ xử lý lập trình mã HS 8537.10.12 thuế NK 0% dễ được các DN sử dụng để áp mã cho mặt hàng Bộ điều kiểm logic có khả năng lập trình cho máy tự động để di chuyển, kẹp giữ và lưu giữ khối tinh thể bán dẫn cho thiết bị bán dẫn mã 8537.10.30, thuế suất NK 10%. Do đó, theo Hải quan Bình Dương, cần đưa 2 mặt hàng này vào cùng 1 mức thuế suất bởi có cùng 1 chức năng và công dụng.

Thu Trang

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/