(ĐỔI MỚI QUẢN LÝ, GIÁM SÁT HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU) BÀI 5: SẴN SÀNG TRIỂN KHAI “MỘT CỬA” ĐƯỜNG HÀNG KHÔNG

(HQ Online)- Cục Hải quan Hà Nội được Tổng cục Hải quan lựa chọn là đơn vị đầu tiên thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không và Đề án quản lý giám sát hàng hóa đường hàng không (nằm trong Đề án tổng thể của Tổng cục Hải quan về quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không).

Thông tin trước về hành khách, hàng hóa và phương tiện sẽ giúp các cơ quan quản lý chủ động nắm bắt thông tin, rút ngắn thời gian thông quan. Ảnh: N.Linh.

Đảm đương nhiệm vụ “dò đường” là sức ép không hề nhỏ đối với Cục Hải quan Hà Nội. Với sự cố gắng của cơ quan Hải quan và đồng thuận của cộng đồng DN, đến nay 100% hãng hàng không đã đăng ký tham gia; hệ thống một cửa đã tiếp nhận được thông tin điện tử về phương tiện, hành lý từ 100% hãng hàng không gửi tới hệ thống; cơ quan Hải quan cũng đang phối hợp với các DN kinh doanh kho hàng không mở rộng tiếp nhận thông tin điện tử về hàng hóa. Những kết quả bước đầu tại Cục Hải quan Hà Nội sẽ là tiền đề để ngành Hải quan triển khai chính thức trên phạm vi toàn quốc.

Từ sự kết nối rời rạc…

Trong những năm qua, thực hiện kế hoạch cải cách hiện đại hóa của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan Hà Nội  luôn chú trọng đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính và hiện đại hóa trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ CNTT trên tất cả các lĩnh vực hoạt động. Tuy nhiên, trong công tác quản lý hải quan, Cục Hải quan Hà Nội nhận thấy cách thức quản lý đối với hàng hóa, hành lý đường hàng không tại cảng hàng không quốc tế còn chưa đáp ứng yêu cầu quản lý hiện đại, việc giám sát/quản lý và đánh giá đối tượng trọng điểm còn thiếu thông tin.

Theo phân tích của ông Đặng Hoàng Điệp, Trưởng phòng Giám sát quản lý về hải quan (Cục Hải quan Hà Nội), trước khi triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, các cơ quan quản lý nhà nước (Công an cửa khẩu, Hải quan, Cảng vụ…) làm thủ tục thủ công, riêng rẽ, chưa thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin giữa các bên; chưa thực hiện tiếp nhận thông tin điện tử từ DN. Trong khi các DN kinh doanh liên quan đường hàng không đều đã kết nối, trao đổi thông tin dạng điện tử… Điều này gây khó khăn trong phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm do thiếu thông tin. Đối với cơ quan Hải quan, thông tin về hàng hóa ra/vào kho hàng không được cung cấp bằng bản giấy mất khá nhiều thời gian, thường một ngày cung cấp hai lần cho tất cả các chuyến bay, vừa thừa vừa thiếu thông tin gây khó khăn cho công tác quản lý, giám sát.

Đối với các hãng hàng không phải nộp hồ sơ giấy cùng một lúc cho 5 cơ quan quản lý nhà nước tại Cảng hàng không quốc tế gồm: Hải quan, Công an, Cảng vụ hàng không, cơ quan Kiểm dịch y tế (Bộ Y tế) và cơ quan Kiểm dịch động thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Như vậy, DN phải chuẩn bị nhiều bộ hồ sơ giống nhau và khai báo nhiều lần cùng một loại thông tin tới các cơ quản quản lý nhà nước.

Đối với DN kinh doanh kho hàng không, việc trao đổi thông tin bằng phương pháp thủ công giữa cơ quan Hải quan và DN kinh doanh kho đã gây ra rất nhiều khó khăn cho cơ quan Hải quan trong việc quản lý và báo cáo thống kê; đặc biệt là việc theo dõi hàng vào/ra, hàng tồn kho, hàng quá hạn làm thủ tục hải quan,… làm mất rất nhiều thời gian, tốn nhân lực, độ chính xác và kịp thời của số liệu thống kê khó đảm bảo.

Chính vì những bất cập trong công tác quản lý đối với hàng hóa, hành lý tại sân bay quốc tế, Cục Hải quan Hà Nội đã chủ động đề xuất Tổng cục Hải quan cho phép triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đối với đường hàng không và Đề án quản lý giám sát hàng hóa đường hàng không tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

… Đến tiếp nhận thông tin điện tử

Tháng 9/2016, Tổng cục Hải quan thành lập Ban chỉ đạo triển khai Cơ chế một cửa đường hàng không. Cục Hải quan Hà Nội được giao nhiệm vụ là đầu mối tổ chức khảo sát, thu thập và phân tích thông tin; điều phối các hoạt động phối hợp với các cơ quan tại sân bay quốc tế Nội Bài; tổ chức tuyên truyền, vận động DN tham gia Cơ chế một cửa quốc gia; đề xuất với Tổng cục Hải quan về quy trình, mô hình quản lý, danh sách yêu cầu chức năng trên hệ thống quản lý, giám sát hàng hóa đường hàng không.

Để triển khai, Cục Hải quan Hà Nội đã sớm xây dựng chương trình, kế hoạch làm việc với các hãng hàng không, đại lý hàng không, công ty kinh doanh kho bãi và các công ty giao nhận nằm trên địa bàn để nghiên cứu thực tiễn tại sân bay, từ đó có lộ trình làm việc và đặt ra yêu cầu quản lý và làm việc với từng đối tượng cụ thể.

Từ tháng 8/2016 đến 6/2017, 4 đợt khảo sát và 39 cuộc họp và phiên làm việc với các bên tham gia được Cục Hải quan Hà Nội tổ chức. Do đây là dự án liên quan đến nhiều đơn vị ngoài ngành, nên Cục Hải quan Hà Nội đã chủ động lên lịch làm việc với các đơn vị có liên quan; tổ chức làm việc với các hãng hàng không, trực tiếp đôn đốc từng hãng tham gia triển khai Cơ chế một cửa quốc gia. Trong thời gian này, để học hỏi kinh nghiệm của hải quan các nước, nghiên cứu các chuẩn mực quốc tế, Cục Hải quan Hà Nội đã tổ chức đoàn cán bộ đi tham khảo kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc; khảo sát thực tế và làm việc với các kho hàng không, cảng vụ hàng không và các hãng hàng không. Từ đó đề xuất mô hình quản lý, xây dựng bài toán nghiệp vụ quản lý tổng thể đối với hàng hóa, hành lý đường hàng không, dự thảo đề xuất danh sách các chức năng hệ thống và các quy định pháp lý để triển khai.

Cũng theo ông Đặng Hoàng Điệp, do có sự chủ động và phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị tham gia triển khai, hệ thống một cửa hàng không đã được đưa vào vận hành thí điểm từ ngày 1/1/2017, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước bằng phương pháp điện tử tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Từ ngày 25/5, hệ thống một cửa quốc gia đã có thể tiếp nhận thông tin điện tử (dạng điện văn hàng không) về phương tiện, hành khách, hành lý từ tất cả 100% các hãng hàng không gửi tới hệ thống. Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan đã thực hiện tiếp nhận đầy đủ thông tin khai thác bay từ 9 cảng hàng không quốc tế và thông tin về hành khách, phương tiện, hành khách trước chuyến bay từ tất cả các hãng hàng không thông qua hệ thống một cửa quốc gia.

Về hàng hóa, từ ngày 1/4, Cục Hải quan Hà Nội đã phối hợp với Tổng cục Hải quan và 3 DN kinh doanh kho hàng không (ALSC, ACSV và NCTS) mở rộng triển khai tiếp nhận thông tin điện tử về hàng hóa đối với gần 30 hãng hàng không do các kho này phục vụ tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Cũng từ 1/4, cơ quan Hải quan đã thực hiện thí điểm soi chiếu trước thông quan đối với hàng NK và sau thông quan (trước khi hàng ra khỏi kho) đối với hàng XK dựa trên thông tin tiếp nhận trước.

Theo ông Đặng Hoàng Điệp, với việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không và Đề án quản lý giám sát hàng hóa đường hàng không sẽ mang lại hiệu quả lớn cho các hãng hàng không, DN kinh doanh kho, bãi. Thông qua thời gian đầu triển khai những kết quả bước đầu ghi nhận là hệ thống hoạt động thông suốt. Lợi ích đầu tiên của Đề án này là phục vụ trước tiên cho hoạt động XNK của DN, đảm bảo rút ngắn thời gian thông quan tạo thuận lợi cho hoạt động XNK. Song song, các khâu quản lý của cơ quan quản lý nhà nước chủ động hơn nắm bắt được thông tin hàng hóa XNK, hành khách XNC đến sân bay từ đó có các biện pháp quản lý.

Ông Âu Anh Tuấn-Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, Tổng cục Hải quan đang hoàn thiện toàn bộ văn bản hỗ trợ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia hàng không cũng như thực hiện mô hình giám sát hàng hóa mới. Dựa trên cơ sở đó sẽ không còn việc thực hiện thủ công như hiện nay. Toàn bộ việc trao đổi thông tin giữa hàng không với cơ quan Hải quan sẽ thực hiện trên hệ thống một cửa quốc gia, việc trao đổi thông tin về hàng hóa XK, NK đưa vào đưa ra kho bãi cảng hàng không sẽ thực hiện trên hệ thống. Đồng thời cơ quan Hải quan sẽ cung cấp thông tin lô hàng đủ điều kiện ra khỏi khu vực kho hàng không, cũng như lô hàng đủ điều kiện đưa vào kho hàng không để xếp lên phương tiện vận tải thông qua hệ thống, không có việc xuất trình tờ khai giấy, khi lô hàng đã thông quan, DN chỉ cần đến làm việc với DN cảng mà không phải đến cơ quan Hải quan xác nhận như hiện nay. Như vậy sẽ giảm được thủ tục tại khâu giám sát hàng hóa.
Ngọc Linh

(ĐỔI MỚI QUẢN LÝ, GIÁM SÁT HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU) BÀI 4: NHIỀU LỢI ÍCH CHO DN CẢNG, CHỦ HÀNG VÀ CƠ QUAN HẢI QUAN

(HQ Online)- Hiện trên địa bàn Hải Phòng, Công ty CP cảng Hải Phòng là DN đầu đàn về kinh doanh cảng biển. Ngoài hàng hóa trong container, các cảng của DN còn có một lưu lượng lớn hàng hóa là hàng rời, hàng ngoài container…

Việc giám sát trong thời gian tới sẽ được mở rộng cả với hàng ngoài container. Trong ảnh: Hàng hóa XNK tại cảng Hoàng Diệu, Công ty CP cảng Hải Phòng. Ảnh: Thái Bình​​​.

Việc chuẩn bị và thực hiện thành công Đề án “Giám sát, kiểm soát hàng hóa XNK qua khu vực kho, bãi, cảng Hải Phòng trên Hệ thống thông quan điện tử” thực sự tạo được sự đột phá theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

3 bên đều giảm thời gian

Công ty CP cảng Hải Phòng là một trong 9 DN cảng ở địa bàn Hải Phòng đã phối hợp với cơ quan Hải quan trong kết nối, trao đổi thông tin đối với hàng hóa XNK đóng trong container. Tuy nhiên, để thực hiện Đề án của Cục Hải quan Hải Phòng sẽ có rất nhiều việc phải làm. Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, đại diện Công ty CP cảng Hải Phòng cho biết, DN nhận thấy rõ đây không chỉ là trách nhiệm mà còn mang lại nhiều lợi ích cho hoạt động XNK.

Đối với DN XNK, nhờ kết nối, trao đổi dữ liệu tờ khai, lô hàng đủ điều kiện qua khu vực giám sát hải quan theo phương thức điện tử giữa DN kinh doanh cảng với cơ quan Hải quan nên giảm thời gian làm thủ tục. Sau khi hoàn thành thủ tục hải quan DN XNK có thể đưa hàng ra khỏi cảng không phụ thuộc vào thời gian trong ngày, đồng thời, giảm bớt chứng từ, giấy tờ.

Đặc biệt, DN chỉ cần làm việc tại một địa điểm là DN kinh doanh cảng, kho, bãi. “Đối với hàng hóa đủ điều kiện qua khu vực giám sát hải quan, người khai hải quan không phải thực hiện các thủ tục tại văn phòng giám sát (của cơ quan Hải quan) như trước đây và cũng không phải xuất trình các chứng từ không cần thiết khi đã áp dụng hệ thống kết nối CNTT, giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí phát sinh cho doanh nghiệp XNK”- đại diện Công ty cho biết.

Đáng chú ý, với Công ty CP cảng Hải Phòng, việc phối hợp giám sát giúp góp phần tiếp tục nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT đối với hoạt động giao nhận hàng hóa, tạo thuận lợi cho cộng đồng DN, nâng cao chất lượng dịch vụ cảng, nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín của DN được nâng cao, làm tăng hiệu suất khai thác, kinh doanh… Đại diện Công ty cho biết thêm: Việc phối hợp giúp tạo lợi thế chủ động cho cảng nhờ có đầy đủ thông tin về tình trạng cấp phép thông quan (từ cơ quan Hải quan) đối với từng lô hàng, từng container để cho hàng ra/vào cảng theo đúng quy định của pháp luật, tránh rủi ro so với thực hiện bằng thủ tục giấy. Mặt khác, sau khi kết nối hệ thống công nghệ thông tin, đối với từng lô hàng, từng container đủ điều kiện (thông quan, giải phóng hàng, mang hàng về bảo quản, chuyển địa điểm kiểm tra) người khai hải quan chỉ cần đến một địa điểm là bộ phận thủ tục một cửa của cảng Hải Phòng để làm thủ tục mà không phải đến làm thủ tục tại cơ quan Hải quan như trước đây.

Công ty CP cảng Hải Phòng chủ động đầu tư hệ thống CNTT

Theo Công ty CP cảng Hải Phòng, nhờ ý thức rõ việc thực hiện nội dung này vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi, do đó, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp với cơ quan Hải quan tổ chức triển khai đúng theo kế hoạch.

Khi triển khai bước đầu tại Chi nhánh cảng Tân Vũ, Chi nhánh cảng Chùa Vẽ thuộc Công ty CP cảng Hải Phòng, Công ty đã chuẩn bị chu đáo về nhân lực, vật lực. Một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra là đầu tư, chuẩn hóa về trang thiết bị hệ thống CNTT. Công ty đã hoàn thiện quy trình phối hợp giám sát với Hải quan Hải Phòng; trang bị máy vi tính, máy in và thiết bị tin học tại bộ phận một cửa, nối đường mạng WAN kết nối từ cơ quan Hải quan tới Chi nhánh cảng Chùa Vẽ, Chi nhánh cảng Tân Vũ…

Đặc biệt, để chuẩn bị điều kiện kết nối CNTT, Công ty CP cảng Hải Phòng tiến hành mua sắm, lập trình phần mềm kết nối; tích hợp chức năng giám sát container với Hệ thống thông tin quản lý (MIS) hiện có của Công ty với 2 phương thức kết nối, trao đổi theo gói dữ liệu và phương thức kết nối, trao đổi theo lô hàng; điều chỉnh, bổ sung chức năng phần mềm quản lý của cảng để kiểm soát container thông quan trên Hệ thống MIS tại các bộ phận của cảng; trang bị máy quét mã vạch tại bộ phận thủ tục, giúp cho việc kiểm soát, đối chiếu tờ khai hải quan được nhanh chóng, chính xác. Đồng thời, Công ty cũng bố trí mặt bằng làm việc theo “quy trình một cửa” cho cán bộ giám sát của Hải quan Hải Phòng tại Chi nhánh cảng Chùa Vẽ, Chi nhánh cảng Tân Vũ.

Quá trình thực hiện, DN đã được Cục Hải quan Hải Phòng trực tiếp hỗ trợ kết nối, trao đổi thông tin; bố trí cán bộ phối hợp DN để kiểm tra trên hệ thống hàng hóa XNK đưa vào, đưa ra khu vực cảng khi hệ thống gặp sự cố hoặc khi có đề nghị của DN…

Cần cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ

Đại diện Công ty CP cảng Hải Phòng cho hay, dù có được những kết quả tích cực nhưng thực tế triển khai vừa qua vẫn còn những vướng mắc về cả công nghệ lẫn nghiệp vụ từ cả hai phía (DN và cơ quan Hải quan). Về mặt công nghệ, khó khăn phát sinh từ sự cố về máy chủ của cơ quan Hải quan, đường truyền kết nối với máy chủ cơ sở dữ liệu của cơ quan Hải quan vẫn có tình trạng quá tải; với DN cảng, phần mềm quản lý của Công ty CP cảng Hải Phòng chưa đáp ứng được đầy đủ các nghiệp vụ yêu cầu quản lý, giám sát hải quan và đang tiếp tục bổ sung, hoàn thiện.

Về mặt nghiệp vụ khó khăn do chưa có hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm quản lý, giám sát hàng hóa ra, vào, lưu giữ tại DN cảng nên công tác phối hợp xử lý giữa các chi cục hải quan cửa khẩu cảng với các Chi nhánh thuộc Cảng Hải Phòng phối hợp và xử lý giải quyết các công việc, sự cố, vướng mắc còn chậm, mất nhiều thời gian.

Đặc biệt, thời gian tới khi mở rộng đối tượng giám sát ra cả hàng hóa ngoài container, hàng tồn… khả năng có những vướng mắc, phát sinh mới. Để thực hiện quả hơn nữa việc phối hợp giữa hai bên, Công ty CP cảng Hải Phòng đề nghị cơ quan Hải quan cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp, các quy định trách nhiệm cụ thể. Mặt khác các DN kinh doanh cảng, kho, bãi cũng cần tích cực hoàn thiện các điều kiện kỹ thuật đối với hệ thống CNTT kết nối với cơ quan Hải quan.

Vấn đề nữa cần được quan tâm đó là hướng dẫn DN về yêu cầu đáp ứng trang thiết bị, hệ thống kết nối giữa cơ quan Hải quan và DN về tờ khai, hàng hóa; đồng thời tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ cảng về trình tự, thủ tục xử lý. “Hai bên cũng cần thống nhất cách thức, phương án xử lý khi hệ thống gặp sự cố, đặc biệt với trường hợp số lượng hàng hóa lớn như cảng Tân Vũ, các chi cục hải quan cần tích cực hơn để phối hợp để liên thông xử lý”- đại diện Công ty CP cảng Hải Phòng đề nghị.

Liên quan đến việc giám sát hàng tồn đọng, Công ty cho rằng, vấn đề giải quyết, xử lý hàng tồn đọng cũng cần phải thực hiện, vì điều này sẽ ảnh hưởng đến năng suất của cảng. Tại Khoản 5 Điều 41 Luật Hải quan quy định trách nhiệm của DN kinh doanh cảng là bảo quản, sắp xếp, lưu giữ nguyên trạng hàng hóa trong khu vực cảng, kho bãi theo yêu cầu giám sát, quản lý của cơ quan Hải quan. Tuy nhiên, do việc phải để nguyên trạng hàng hóa không được di chuyển nên đối với những hàng tồn thì mất nhiều diện tích. Do vậy, cơ quan Hải quan cần nghiên cứu các giải pháp đẩy nhanh thời gian xử lý hàng tồn đọng để tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho DN sản xuất kinh doanh.

 

Thái Bình

(ĐỔI MỚI QUẢN LÝ, GIÁM SÁT HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU) BÀI 2: CHUYỆN GHI Ở “ĐƠN VỊ MỞ ĐƯỜNG”

(HQ Online)- Triển khai từ cuối năm 2015, Hải quan Hải Phòng là đơn vị đầu tiên thực hiện việc kết nối với DN kinh doanh cảng để trao đổi thông tin phục vụ giám sát hàng hóa XNK và đã mang lại kết quả bước đầu.

Phó Tổng cục trưởng Vũ Ngọc Anh phát biểu tại Hội thảo “Triển khai giải pháp quản lý, giám sát hàng hóa XNK qua khu vực kho, bãi, cảng biển”, tổ chức tại trụ sở Cục Hải quan Hải Phòng ngày 5/5. Ảnh: T.Bình.

Tuy nhiên trong giai đoạn này, việc phối hợp vẫn còn sơ khai và dừng ở mức trao đổi thông tin và chưa giải quyết được tổng thể bài toán quản lý. Đề án “Giám sát, kiểm soát hàng hóa XNK qua khu vực kho, bãi, cảng Hải Phòng trên Hệ thống thông quan điện tử” (nằm trong Đề án tổng thể của Tổng cục Hải quan về quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không) đang được Cục Hải quan Hải Phòng tích cực triển khai sẽ giải quyết một cách căn bản, đầy đủ các quy định của Luật Hải quan về quản lý, giám sát hàng hóa XNK. Đây cũng là nhiệm vụ được Tổng cục Hải quan chỉ đạo đơn vị triển khai để nhân rộng trong toàn Ngành.

Doanh nghiệp manh mún

Đặc thù của hệ thống cảng Hải Phòng có chiều dài khoảng 20 km, nhưng phát triển nhỏ lẻ, manh mún, mỗi cảng có cơ sở hạ tầng, công nghệ, quy trình, cách thức quản lý, khai thác hàng vào ra cảng khác nhau tùy theo đặc thù của từng cảng. Vì vậy, công tác quản lý của cơ quan Hải quan đối với hoạt động của các DN cảng cũng như quản lý hàng hóa ra, vào, lưu giữ trong khu vực cảng gặp rất nhiều khó khăn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng cảng biển Hải Phòng thành cửa ngõ giao thương quốc tế hiện đại lớn nhất khu vực miền Bắc.

Theo phân tích của Cục Hải quan Hải Phòng, thực trạng trong công tác quản lý của các DN kinh doanh cảng, kho bãi hiện nay là một số DN còn quản lý thủ công, chưa có hệ thống CNTT quản lý nội bộ. Một số DN đã triển khai kết nối trao đổi thông tin với cơ quan Hải quan nhưng trang thiết bị lạc hậu nên thông tin chuyển cho cơ quan Hải quan chậm, chưa theo thời gian thực nên ảnh hưởng đến hiệu năng của hệ thống, chưa đảm bảo yêu cầu quản lý. Đơn cử như tại cảng Tân Vũ (Công ty CP cảng Hải Phòng) thông tin hạ bãi đối với hàng nhập có độ trễ từ 3 đến 6 giờ dẫn đến tình trạng DN XNK đã hoàn thành thủ tục hải quan nhưng khi ra cảng vẫn phải chờ DN cảng cập nhật thông tin để xác nhận hàng hóa đủ điều kiện ra khỏi khu vực giám sát hải quan.

Mặt khác, một số DN có quy trình quản lý hàng hóa XK chưa đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan theo quy định của Luật Hải quan, ví dụ cho xếp hàng lên tàu theo danh sách của hãng tàu, nhưng không kiểm tra điều kiện thông quan của cơ quan Hải quan… Ngoài ra, có DN không phân chia được khu vực riêng cho hàng hóa XNK hay hàng nội địa do điều kiện mặt bằng nhỏ gây khó khăn cho công tác giám sát, kiểm soát hải quan, cần phải có giải pháp để quản lý tốt hơn.

Đáng chú ý, nhiều nội dung chỉ tiêu thông tin cần báo cáo cho cơ quan Hải quan nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhưng chưa có quy trình, quy định cụ thể, hoặc có nhưng DN chưa báo cáo kịp thời hoặc chưa có cách thức báo cáo nhanh, tự động qua hệ thống điện tử.

Hải quan cũng khó

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Hải quan là giám sát hàng hóa XNK. Nhưng rõ ràng, với thực tế của hệ thống quản lý của các DN tại cảng biển Hải Phòng như đề cập ở trên thì công tác quản lý, giám sát hàng hóa XNK của cơ quan Hải quan phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, rủi ro. Đây không chỉ là áp lực với cơ quan Hải quan mà còn là mối nguy với an ninh, an toàn và môi trường sản xuất, kinh doanh trong nước.

Theo Cục Hải quan Hải Phòng, do chưa có quy trình tổng thể bao quát tất cả các trường hợp và thống nhất giữa các DN kinh doanh cảng, kho bãi với cơ quan Hải quan nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Điển hình như trường hợp tờ khai chung container nhưng khác chủ hàng dẫn đến giao nhầm hàng hóa, hoặc khi một trong các tờ khai chung container chưa hoàn thành thủ tục hải quan đã thực hiện giao hàng cho chủ hàng dẫn đến tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt pháp lý… Đặc biệt, nhiều trường hợp DN cảng và cơ quan Hải quan lúng túng trong quá trình xử lý, phối hợp, trao đổi thông tin khi hàng bị rút ruột tại bãi, hàng hóa đóng trong container nhưng thông quan một phần, hàng hạ bãi chuyển máy soi…

Một thực trạng nữa là quy định về quản lý rủi ro mới chỉ có bộ chỉ số đánh giá tuân thủ đối với DN XNK, chưa có bộ chỉ số đánh giá tuân thủ đối với DN cảng, kho bãi, các hệ thống của cơ quan Hải quan chưa có chức năng thu thập, xử lý thông tin để đánh giá tuân thủ đối với đối tượng DN này cũng như chưa có chức năng thiết lập tiêu chí lựa chọn để xử lý tự động hoặc đưa ra cảnh báo đối với các DN kinh doanh cảng mặc dù việc thu thập thông tin đối với DN kinh doanh cảng, kho bãi đã được quy định trong Quyết định 464/QĐ-TCHQ của Tổng cục Hải quan.

Đáp ứng quy định và đòi hỏi từ thực tiễn

Lãnh đạo Phòng Giám sát quản lý về hải quan (Cục Hải quan Hải Phòng) cho biết: Việc thực hiện kết nối giữa cơ quan Hải quan và DN kinh doanh cảng theo Điều 41 Luật Hải quan được thực hiện thí điểm bước đầu tại đơn vị và một số cục hải quan địa phương mới chỉ giải quyết được việc kết nối, trao đổi thông tin giữa cơ quan Hải quan và DN kinh doanh cảng, chưa giải quyết được bài toán quản lý tổng thể được quy định trong Luật Hải quan.

Do vậy, Đề án “Giám sát, kiểm soát hàng hóa XNK qua khu vực kho, bãi, cảng Hải Phòng trên Hệ thống thông quan điện tử” sẽ cụ thể hóa tất cả các nội dung quy định của Luật Hải quan về phối hợp giám sát, quản lý hàng hóa XNK. Đề án mang tính đột phá trong quản lý hải quan, cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa hải quan. Theo đó toàn bộ hàng hóa XNK ra vào khu vực kho, bãi, cảng biển được giám sát quản lý hải quan trên hệ thống điện tử của DN kinh doanh kho, bãi, cảng kết nối với hệ thống của cơ quan Hải quan. Như vậy, việc thực hiện Đề án tại Hải quan Hải Phòng vừa thực hiện đầy đủ các quy định trong Luật Hải quan, vừa là đòi hỏi từ thực tiễn để khắc phục các khó khăn, bất cập như đề cập ở trên, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK.

Để triển khai Đề án, Cục Hải quan Hải Phòng đã thành lập Ban triển khai Đề án do Cục trưởng làm Trưởng ban. Thời gian qua, Ban triển khai đã nghiên cứu và đưa ra bài toán yêu cầu quản lý; xây dựng lộ trình triển khai và hướng dẫn thực hiện các tác nghiệp của DN với cơ quan Hải quan; tiến hành họp với các đơn vị kinh doanh kho, bãi, cảng Hải Phòng để thống nhất chủ trương thực hiện và chuẩn bị đầu tư cơ sở vật chất, con người… Đến nay, các DN đã xây dựng bài toán quản lý trên phần mềm; và có 67 DN kinh doanh cảng, kho, bãi thuộc sự quản lý tham gia triển khai các bước chuẩn bị.

Đặc biệt, trong tháng 5 vừa qua, Cục Hải quan Hải Phòng đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Tổng cục Hải quan tổ chức Hội thảo “Triển khai giải pháp quản lý, giám sát hàng hóa XNK qua khu vực kho, bãi, cảng biển” nhằm giới thiệu giải pháp kỹ thuật kết nối, trao đổi thông tin giữa cơ quan Hải quan và DN kinh doanh kho, bãi, cảng để quản lý hàng hóa XNK, đồng thời mong muốn tiếp nhận ý kiến đóng góp của các đơn vị hải quan và cộng đồng DN để hoàn thiện cơ sở pháp lý, hạ tầng kỹ thuật trong việc kết nối thông tin…

Thái Bình

(ĐỔI MỚI QUẢN LÝ, GIÁM SÁT HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU) BÀI 1: THAY ĐỔI XUẤT PHÁT TỪ THỰC TIỄN

(HQ Online)- Ngành Hải quan đang tích cực xây dựng và triển khai Đề án quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không.

Hàng hóa XNK tại cảng Nam Hải Đình Vũ, Hải Phòng. Ảnh: Thái Bình​​​

Việc triển khai Đề án này nhằm đơn giản hóa, hài hòa thủ tục hải quan với thủ tục của DN kinh doanh kho, bãi, cảng biển, cảng hàng không thông qua việc cơ quan Hải quan áp dụng hệ thống công nghệ thông tin tập trung để trao đổi, cập nhật thông tin với DN kinh doanh cảng, sân bay, kho bãi và các bên liên quan, từ đó rút ngắn thời gian và chi phí làm thủ tục của người khai hải quan. Đồng thời, tăng cường năng lực quản lý của cơ quan Hải quan trong việc kiểm tra, kiểm soát và giám sát hải quan, nâng cao tính tuân thủ của DN, ngăn ngừa gian lận thương mại, phòng chống buôn lậu và đảm bảo an ninh. Từ số báo này, Báo Hải quan khởi đăng loạt bài “Ngành Hải quan: Đổi mới trong quản lý, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu” với những thông tin ghi nhận ban đầu về quá trình triển khai Đề án.

Kết nối thông tin còn hạn chế

Thời gian qua, ngành Hải quan đã đẩy mạnh cải cách và hiện đại hóa hải quan, trong đó ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong các khâu nghiệp vụ. Kết quả cải cách hiện đại hóa hải quan đã mang đến nhiều thuận lợi cho DN trong quá trình làm thủ tục XNK. Tuy nhiên trong lĩnh vực quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không quốc tế vẫn bộc lộ những bất cập.

Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Mạnh Tùng cho rằng, trong lĩnh vực quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không quốc tế vẫn chưa thực sự hiệu quả, sự kết nối trao đổi thông tin giữa cơ quan Hải quan với các DN kinh doanh cảng vẫn còn hạn chế. Điều này dẫn đến việc theo dõi, quản lý hàng tại cảng của cơ quan Hải quan gặp nhiều khó khăn; thời gian lưu giữ hàng hóa của DN lâu, chi phí lưu kho bãi của hàng hóa lớn. Nhận thấy rõ vấn đề này, Điều 41 Luật Hải quan 2014 đã yêu cầu cụ thể các DN kinh doanh cảng phải có sự kết nối, trao đổi thông tin với cơ quan Hải quan. Bên cạnh đó trong công tác quản lý hải quan hiện đại, nhu cầu cần được cung cấp thông tin trước khi tàu và hàng hóa đến cảng, sân bay của Việt Nam là rất quan trọng để áp dụng phương pháp rủi ro đối với hàng hóa XNK.

Trên thực tế, công tác quản lý hải quan qua hệ thống CNTT thời gian qua chủ yếu tập trung ở khâu xử lý, làm thủ tục hải quan; chưa có sự liên thông, kết nối thông suốt giữa các khâu trước, trong thông quan, và trong quá trình vận chuyển hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan. Do đó chưa theo dõi, kiểm soát được đầy đủ trạng thái hàng hóa tại các thời điểm khác nhau từ khi bắt đầu đến khi kết thúc quá trình giám sát; chưa quản lý được chính xác hàng hóa tồn ở các cảng, kho bãi. Bên cạnh đó, quy trình thủ tục hải quan và giao nhận của DN kinh doanh cảng, kho, bãi độc lập với nhau, mất nhiều thời gian làm thủ tục với các bên. Trong khi đó, việc triển khai Điều 41 Luật Hải quan trong thời gian qua mới chỉ thực hiện một phần kết nối giữa Hải quan với DN kinh doanh cảng biển tại Hải Phòng, TP. HCM, Đà Nẵng đối với hàng container.

Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, từ năm 2016, ngành Hải quan đã khởi động việc nghiên cứu và triển khai Đề án quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không.

Theo Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan Nguyễn Mạnh Tùng, một mặt Đề án nhằm đơn giản hóa, hài hòa thủ tục hải quan với thủ tục của DN kinh doanh kho, bãi, cảng biển, cảng hàng không và các bên liên quan thông qua việc cơ quan Hải quan áp dụng hệ thống CNTT tập trung để trao đổi, cập nhật thông tin với DN kinh doanh cảng, sân bay, kho bãi giúp theo dõi chặt chẽ, kịp thời quá trình di chuyển, biến động và tình trạng của hàng hóa từ khi vào đến khi ra khỏi kho bãi, cảng và vận chuyển giữa các địa điểm chịu sự giám sát hải quan; rút ngắn thời gian và chi phí làm thủ tục của người khai hải quan. Việc trao đổi, kết nối thông tin đồng thời tăng cường công tác quản lý của cơ quan Hải quan trong việc kiểm tra, giám sát và kiểm soát hải quan, nâng cao tính tuân thủ của DN, ngăn ngừa gian lận thương mại, phòng chống buôn lậu và đảm bảo an ninh quốc gia. Mặt khác, nâng cao tính tự động hóa của hệ thống công nghệ thông tin trong việc hỗ trợ công tác kiểm tra, đối chiếu và đánh giá rủi ro, giám sát và kiểm soát hải quan.

Với các mục tiêu nêu trên, Đề án quản lý giám sát, hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không khi được triển khai thành công sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho cơ quan Hải quan, các cơ quan quản lý nhà nước mà bao gồm cả lợi ích cho các DN.

Từng bước kết nối với DN

Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) Âu Anh Tuấn cho biết, vì đây là nội dung mới nên cần có sự chuẩn bị chu đáo cả về cơ sở hạ tầng CNTT cũng như quy trình xử lý đồng bộ giữa cơ quan Hải quan và các DN cảng, kho, bãi, đồng thời xử lý được các vấn đề đặc thù của từng phương thức vận chuyển cũng như từng địa điểm lưu giữ hàng hóa. Chẳng hạn, cảng biển khác cảng hàng không, hàng hóa vận chuyển bằng container khác với hàng hóa không vận chuyển bằng container… Do đó, thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã thực hiện kế hoạch triển khai theo từng đối tượng để rút kinh nghiệm hoàn thiện cơ sở hạ tầng CNTT cũng như cơ sở pháp lý để việc triển khai đồng bộ đạt hiệu quả cao. Việc triển khai kết nối cũng được mở rộng theo lộ trình để vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đồng thời hoàn thiện hệ thống CNTT và kịp thời ban hành những văn bản hướng dẫn để không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến hoạt động XK, NK hàng hóa của DN.

Lộ trình triển khai Đề án được chia thành các giai đoạn. Ban đầu triển khai thí điểm tại Cục Hải quan Hải Phòng vào tháng 8/2017 (đối với đường biển) và tại Cục Hải quan TP. Hà Nội vào tháng 10/2017 (đối với đường không), tiếp đó sẽ triển khai mở rộng trên phạm vi toàn quốc tại các cục hải quan tỉnh, thành phố có cảng biển, sân bay quốc tế. Theo nội dung tại kế hoạch nêu trên, các cục hải quan tỉnh, thành phố cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về nguồn lực, tổ chức, hạ tầng công nghệ thông tin, tuyên truyền, hỗ trợ các DN kinh doanh cảng, kho, bãi hiểu rõ yêu cầu và tổ chức triển khai.

Yêu cầu hoàn thiện cơ sở pháp lý và hạ tầng CNTT

Để chuẩn bị cho triển khai trên diện rộng, trong thời gian qua, ngành Hải quan đã tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với việc trao đổi, kết nối thông tin với DN kinh doanh cảng, kho, bãi để việc triên khai được thông suốt (gồm: Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Thông tư 38/2015/TT-BTC). Việc sửa đổi dựa trên nguyên tắc quy định cụ thể trách nhiệm của tất cả các đối tượng tham gia vào quá trình vận chuyển, lưu giữ, giao nhận hàng hóa XK, NK đang chịu sự giám sát hải quan tại cảng, kho, bãi, địa điểm; quy định nguyên tắc kết nối, trao đổi thông tin và những thông tin cần trao đổi giữa cơ quan Hải quan và DN kinh doanh cảng, kho, bãi địa điểm; quy định thủ tục để đưa hàng qua khu vực giám sát hải quan của người khai hải quan…

Cùng với việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ quan Hải quan tiếp tục hoàn thiện hệ thống CNTT tổng thể để kết nối, trao đổi thông tin với cơ quan kinh doanh kho, bãi, cảng trong hoạt động giám sát hải quan để có thể quản lý xuyên suốt. Cụ thể, khi triển khai Đề án quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không, đối với hàng hóa NK sẽ đảm bảo quản lý, giám sát hàng hóa xuyên suốt từ khi phương tiện vận tải nhập cảnh, dỡ hàng từ phương tiện xuống cảng/kho/bãi, làm thủ tục NK, vận chuyển giữa các địa điểm chịu sự giám sát hải quan, đến khi hàng hóa được di chuyển ra khỏi khu vực giám sát hải quan để tiêu thụ nội địa hoặc chuyển sang chế độ hải quan khác (gia công, sản xuất XK…).

Đối với hàng hóa XK, đảm bảo quản lý, giám sát xuyên suốt từ khi được tập kết để XK, làm thủ tục XK, vận chuyển giữa các địa điểm chịu sự giám sát hải quan, đến khi hàng hóa được xếp lên phương tiện vận tải và di chuyển ra khỏi khu vực giám sát hải quan để XK ra nước ngoài.

Ngọc Linh