THU HÚT FDI ĐẠT MỐC 12 TỶ USD

(HQ Online)- Số liệu từ Tổng cục Thông kê cho biết, đến thời điểm 20/5/2017 đầu tư trực tiếp của nước ngoài đã thu hút 939 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 5.595,4 triệu USD, tăng 3,5% về số dự án và giảm 26,1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài đã thu hút 939 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt gần 5,6 tỷ triệu USD.

Bên cạnh đó, có 437 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 4.742,9 triệu USD. Cũng trong 5 tháng đầu năm 2017 có 2.061 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 1.792 triệu USD.

Như vậy, tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần 5 tháng đầu năm đạt 12.130,3 triệu USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng ước tính đạt 6,2 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong 5 tháng đầu năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 2.863,4 triệu USD, chiếm 51,2% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước và góp vốn, mua cổ phần thì tổng vốn đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 5 tháng đầu năm đạt 8.092,5 triệu USD, chiếm 66,7% tổng vốn đăng ký.

Trong 5 tháng đầu năm, cả nước có 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới, trong đó Kiên Giang có số vốn đăng ký lớn nhất với hơn 1,3 tỷ USD, chiếm 23,3% tổng vốn đăng ký cấp mới. 

Trong số 56 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 5 tháng năm nay, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất với 1.538,6 triệu USD, chiếm 27,5% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Hoài Anh

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

XUẤT KHẨU THỦY SẢN DỰ KIẾN ĐẠT 7,4 TỶ USD

(HQ Online)- Xuất khẩu thủy sản cả năm được dự báo tăng trưởng vào khoảng 5% đến 6%, với trị giá kim ngạch đạt khoảng 7,4 tỷ USD.
Biểu đồ tỉ lệ (%) về thị trường xuất khẩu thủy sản tính hết tháng 4/2017. Biểu đồ: T.Bình.

4 tháng qua, xuất khẩu thủy sản- ngành hàng xuất khẩu lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp đạt mức tăng trưởng khá 10,1%, với trị giá kim ngạch 2,15 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng này cao hơn mức 5,3% của cùng kỳ năm ngoái.

Phân tích về tốc độ tăng trưởng vừa qua, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho rằng, kết quả xuất khẩu những tháng đầu năm chưa phản ánh được nhiều về bức tranh xuất khẩu thủy sản của cả nước vì đây chưa phải là thời điểm chính vụ.

Năm 2016, thủy sản xuất khẩu đạt trị giá kim ngạch 7,043 tỷ USD, tăng 7,3% so với năm 2015.

 Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng vừa qua cũng rất đáng ghi nhận. Theo ông Trương Đình Hòe, sự tăng trưởng nêu trên cho thấy đơn giá bình quân năm nay cao hơn cùng kỳ năm ngoái (vì sản lượng xuất khẩu không tăng nhiều).

“Đơn giá bình quần tăng cao có thể do yếu tố doanh nghiệp tăng sản phẩm có hàm lượng gia trị gia tăng; do yếu tố giá nguyên liệu đầu vào tăng nên tăng giá sản phẩm bán ra; hoặc trường hợp nguồn cung trên thị trường thế giới không đạt như dự báo cũng có thể là yếu tố để tăng giá sản phẩm”- Tổng Thư ký VASEP nói.

Về cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, lĩnh vực thủy sản đang dựa chủ yếu vào 3 mặt hàng chính là tôm, cá tra và các mặt hàng hải sản khác.

Với thực tế hiện nay và quy luật nhiều năm qua, ông Trương Đình Hòe dự báo kết quả xuất khẩu cả năm của ngành hàng này tăng khoảng 5% đến 6% và đạt 7,4 tỷ USD.

Một điểm đáng chú ý được Tổng Thư ký VASEP thông tin là ở thị trường Hoa Kỳ- một trong những thị trường xuất khẩu truyền thống quan trọng của ngành hàng thủy sản, sản phẩm của Việt Nam đang gặp nhiều bất lợi như sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các quốc gia Ấn Độ, Indonesia…; các rào cản thương mại của Hoa Kỳ, nhất là việc áp thuế chống bán phá giá.

Trong một thông tin liên quan, theo Tổng cục Hải quan, hết tháng 4, cả nước có 4 thị trường xuất khẩu thủy sản đạt trị giá kim ngạch 100 triệu USD trở lên. Trong đó, Hoa Kỳ đạt 361 triệu USD, Nhật Bản đạt 360 triệu USD, Trung Quốc đạt 230 triệu USD và Hàn Quốc đạt 200 triệu USD.

Thái Bình

Nguồn:http://www.baohaiquan.vn/

NHẬT BẢN VƯƠN LÊN DẪN ĐẦU NHẬP KHẨU TÔM CỦA VIỆT NAM

(HQ Online)-Do ảnh hưởng của thuế Chống bán phá giá khiến XK tôm của các DN Việt Nam sang Mỹ giảm mạnh, trong khi nhu cầu của Nhật Bản tăng do đồng Yên tăng giá thu hút DN tôm chuyển sang thị trường này và đang vương lên dẫn đầu. 

Chế biến tôm xuất khẩu.

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biế và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, XK tôm Việt Nam 3 tháng đầu năm 2017 có xu hướng chững lại với 618 triệu USD, trong khi năm 2016, kim ngạch XK tăng gần 7%.

Giá tôm nguyên liệu tăng mạnh, thuế Chống bán phá giá khiến XK tôm sang Mỹ giảm mạnh, trong khi nhu cầu của Nhật Bản tăng do đồng Yên tăng giá thu hút DN tôm chuyển sang thị trường này. XK sang một số thị trường khác như EU, Hàn Quốc phục hồi tích cực bù đắp cho sụt giảm tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc và Australia.

Trong quý 1/2017, Việt Nam XK tôm sang 68 thị trường, tăng so với 64 thị trường của cùng kỳ năm 2016. Top 10 thị trường chính bao gồm Nhật Bản, EU, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, ASEAN, Đài Loan và Thụy Sỹ, chiếm 95,4% tổng XK tôm Việt Nam.

Vị trí của top 10 thị trường NK tôm lớn nhất có sự thay đổi trong 3 tháng đầu năm nay: Nhật Bản vươn lên là thị trường lớn nhất thay cho Mỹ, Mỹ tụt xuống vị trí thứ 3. Canada vươn lên vị trí thứ 6, Australia nhường chỗ cho Canada và đứng ở vị trí thứ 7.
XK tôm sang Nhật Bản bắt đầu phục hồi từ tháng 8/2016 và tăng trưởng liên tục đến tháng 3 năm nay. Nếu như cả năm 2016, XK tôm sang Nhật Bản chỉ tăng 2,7% thì 3 tháng đầu năm nay, tỷ lệ tăng trưởng đạt 29,6% với giá trị XK 135,4 triệu USD.

Trong quý 1 năm nay, Nhật Bản là thị trường nổi bật nhất vì đã giành được vị trí số 1 từ Mỹ nhờ mức tăng trưởng tốt 29,6% trong NK tôm từ Việt Nam. EU vẫn ổn định ở vị trí thứ 2 tăng 6,4%. XK sang Trung Quốc sau khi tăng trưởng tốt trong năm 2016, trong quý đầu năm 2017 đảo chiều đi xuống. XK sang Hàn Quốc tăng trưởng tốt nhất nhờ những ưu đãi từ FTA giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Top 5 thị trường chính gồm Nhật Bản (chiếm tỷ trọng 21,9%), EU (chiếm 19,2%), Mỹ (18,1%), Trung Quốc (15,1%),  Hàn Quốc (10%). Trong top 5 này, XK sang Nhật Bản, EU, Hàn Quốc tăng trưởng tốt trong đó XK sang Hàn Quốc tăng mạnh nhất 30,8%; XK sang Mỹ, Trung Quốc giảm trong đó Mỹ giảm mạnh nhất 26,3%.

XK tôm sang Mỹ sau khi tăng trong 3 quý đầu năm, đảo chiều đi xuống trong quý IV/2016. Bước sang quý I/2017, XK tôm sang thị trường này tiếp tục xu hướng giảm. XK trong cả 3 tháng của quý I đều giảm từ 22-28% so với các tháng cùng kỳ năm 2016. Kim ngạch XK tôm Việt Nam sang Mỹ 3 tháng đầu năm nay đạt gần 112 triệu USD; giảm 26,3% so với cùng kỳ năm 2016. Do tăng trưởng âm nên Mỹ tụt xuống vị trí thứ 3 trong top các thị trường NK tôm chính của Việt Nam trong quý đầu năm nay.

Biến đổi khí hậu như hạn hán và xâm ngập mặn có thể vẫn xảy ra và tác động đến sản xuất tôm nước lợ trong năm 2017. Dự báo sản lượng tôm nguyên liệu năm 2017 sẽ tăng nhẹ đạt 660 nghìn tấn trên 700 ha diện tích nuôi. XK tôm năm 2017 dự báo sẽ đạt 3,4 tỷ USD, tăng 9%. Trong đó, tôm chân trắng đạt khoảng 2 tỷ USD, tăng 8%, tôm sú trên 900 triệu USD, tăng 2%.

Lê Thu

HẢI QUAN BÌNH DƯƠNG: TẬP HUẤN THỦ TỤC HẢI QUAN CHO LÃNH ĐẠO DN NHẬT BẢN

(HQ Online)-Ngày 4/5, Cục Hải quan Bình Dương phối hợp với Chi hội doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tại Bình Dương tổ chức hội nghị tập huấn về thủ tục hải quan, chính sách thuế XNK… cho lãnh đạo DN Nhật Bản đầu tư tại Bình Dương. 

Lãnh đạo Cục Hải quan Bình Dương giải đáp thắc mắc của DN tại hội nghị. Ảnh T.D

Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương Nguyễn Trường Giang cho biết, đây là một hoạt động nhằm đổi mới công tác đối thoại DN. Qua hội nghị này, sự tương tác giữa cơ quan Hải quan và lãnh đạo DN được nhiều hơn. Chủ DN sẽ được trực tiếp nghe giải đáp những vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến thủ tục XNK… để thực hiện theo đúng quy định.

Tại hội nghị, đại diện Cục Hải quan Bình Dương đã phổ biến đến lãnh đạo các DN về các quy định, chính sách liên quan đến thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan; Lưu ý về các vướng mắc mà DN thường gặp phải có liên quan đến thuế XNK đối với hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu trong thời gian qua; Quy định về cấp danh mục miễn thuế hàng hóa tạo tài sản cố định; Các quy định chung về phân tích, phân loại hàng hóa…

Chi cục kiểm tra sau thông quan cũng đã trình bày về một số quy định cũng như chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp thuộc diện doanh nghiệp ưu tiên. Một số lưu ý đối với doanh nghiệp trong việc sử dụng chữ kí số, cảnh báo một số sai phạm của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan tại Bình Dương để doanh nghiệp rút kinh nghiệm không để vướng phải… Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh, việc kiểm tra của cơ quan Hải quan là hướng đến sự tuân thủ chứ không xử phạt. Theo đó, DN cần lưu ý trong công tác phối hợp thực hiện giữa các bộ phận để tránh để xảy ra sai sót.

Tại hội nghị, đại diện một số doanh nghiệp cũng đã trực tiếp nêu câu hỏi xoay quanh định mức sản xuất đối với hàng hóa gia công sản xuất, xuất khẩu. Cụ thể, DN cho biết, định mức thực tế không khai báo định mức với cơ quan Hải quan, chỉ xuất trình với cơ quan Hải quan trong quá trình kiểm tra báo cáo quyết toán, nhưng phần cảnh báo sai phạm thường xuyên của DN (phát hiện trong quá trình kiểm tra của cơ quan Hải quan) lại có hành vi lên định mức không đúng. 

Trả lời vướng mắc này của DN, Cục Hải quan Bình Dương cho biết, trong quá trình kiểm tra báo cáo quyết toán, cơ quan Hải quan sẽ kiểm tra tính chính xác của các định mức mà DN xuất trình, định mức này là định mức thực tế sản xuất tại DN. Tuy nhiên vì một lý do nào đó (như DN đã nhập thừa so với khai báo, xuất thiếu so với khai báo, hoặc trong quá trình quản lý nguyên phụ liệu tại DN do việc quản lý không được chặt chẽ, đã xảy ra tình thất thoát…) DN phải cân đối lại và xuất trình các định mức không đúng với thực tế, hành vi này được phát hiện khi cơ quan Hải quan thực hiện việc kiểm tra nên doanh nghiệp sẽ bị xử phạt và truy thu (nếu có).

Liên quan đến việc phân loại hàng hóa, đại diện phòng Thuế XNK cũng lưu ý doanh nghiệp cần phân biệt việc lấy mẫu để phân tích, phân loại xác định mã số thuế hay lấy mẫu để kiểm tra chất lượng nhà nước xác định chính sách mặt hàng (có đủ điều kiện được nhập khẩu hay không). Cụ thể, đối với hàng hóa lấy mẫu để phân tích, phân loại xác định mã số thuế thuộc diện giải phóng hàng, nghĩa là sau khi kiểm tra thực tế hàng hóa, lấy mẫu, tờ khai sẽ được giải phóng hàng, doanh nghiệp được đưa hàng hóa vào sử dụng và làm thủ tục chuyển tiền trả cho nước ngoài, không cần phải chờ đợi kết quả phân tích phân loại.

Đối với hàng hóa lấy mẫu để kiểm tra chất lượng nhà nước xác định chính sách mặt hàng thuộc diện đưa hàng về bảo quản, nghĩa là sau khi kiểm tra thực tế hàng hóa, lấy mẫu, doanh nghiệp sẽ được đưa hàng về bảo quản, doanh nghiệp không được đưa hàng hóa vào sử dụng khi chưa có kết quả kiểm tra chất lượng.

Thu Dịu

RAU QUẢ XUẤT KHẨU MANG VỀ GẦN 190 TỶ ĐỒNG/NGÀY

(HQ Online)- Rau quả tiếp tục là điểm sáng ấn tượng trong hoạt động xuất khẩu những tháng đầu năm của nước ta với con số tăng trưởng cao ở mức 2 con số, mang về số tiền gần 190 tỷ đồng/ngày.

Cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn- địa bàn xuất khẩu rau quả và mặt hàng nông sản nói chung của nước ta sang Trung Quốc. Ảnh: T.Bình.

73% xuất sang Trung Quốc

Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến 15/4, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả của nước ta đạt 857 triệu USD, tăng tới gần 30% so với cùng kỳ năm 2016 (cùng kỳ mới đạt 661 triệu USD), tương giá trị tuyệt đối tăng thêm 196 triệu USD.

Như vậy, bình quân mỗi ngày mặt hàng rau quả mang về khoản ngoại tệ gần 8,2 triệu USD, tương đương số tiền gần 190 tỷ đồng/ngày.

Với kết quả trên, mặt hàng rau quả tiếp tục duy trì vị thế thứ 3 trong số các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam (sau thủy sản và cà phê).

Đáng chú ý, mặt hàng rau quả có tốc độ tăng trưởng mạnh hơn thủy sản (chỉ đạt 7,8%) và cà phê (đạt 21%) nên khoảng cách về kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này với hai nhóm hàng đứng trên đang được thu hẹp dần.

Biểu đồ tỷ lệ trị giá kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả chia theo thị trường quý I/2017. Biểu đồ: T.Bình.

Liên quan đến thị trường xuất khẩu, theo quan sát của chúng tôi, hiện mặt hàng rau quả của nước ta đã có mặt ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới từ châu Á, châu Â, châu Mỹ… Trong đó có nhiều thị trường vốn nổi tiếng đòi hỏi cao về chất lượng như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc các quốc gia châu Âu như Đức, Hà Lan…

Tuy nhiên, thị trường lớn nhất của rau quả Việt Nam vẫn là Trung Quốc. Thống kê mới nhất chia theo thị trường của Tổng cục Hải quan cho thấy, hết quý I vừa qua, rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 512 triệu USD, chiếm đến 73% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước trong cùng thời điểm.

Trong số các địa phương biên giới giáp Trung Quốc, địa bàn xuất khẩu mặt hàng rau quả đang tập trung chủ yếu ở khu vực cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và khu vực cửa khẩu Lào Cai…

Đa dạng hóa thị trường

Đánh giá về kết quả xuất khẩu mặt hàng rau quả thời gian qua, ngày 24/4, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, TS Nguyễn Hữu Đạt- Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) cho rằng kết quả này rất khả quan.

Theo TS Nguyễn Hữu Đạt, kết quả xuất khẩu rau quả ngày càng tạo được khởi sắc xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Trước tiên là kết quả xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường do các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện đã và đang tạo được những kết quả tích cực. Nhờ đó, mặt rau quả Việt Nam bắt đầu tìm được chỗ đứng ở những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay các quốc gia thuộc EU…

“Dù trị giá kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường trên chưa lớn, nhưng việc đặt chân được vào các quốc gia khó tính, có yêu cầu rất cao về chất lượng giúp tăng uy tín cho mặt hàng rau quả Việt Nam”- TS Đạt chia sẻ.

Mặt khác, theo nhận định của TS Nguyễn Hữu Đạt, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng rau quả trên thế giới tiếp tục tăng là cơ hội cho việc tăng trưởng xuất khẩu đối với sản phẩm này của nước ta hiện nay cũng như thời gian tới.

Đặc biệt, một nguyên nhân quan trọng được TS Nguyễn Hữu Đạt đặc biệt nhấn mạnh là vai trò của nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và cả các nhà sản xuất, hộ nông dân trong nỗ lực đa dạng hóa mẫu mã, chất lượng sản phẩm, quảng bá thương hiệu đối với rau quả Việt Nam.

“Doanh nghiêp xuất khẩu rau quả đa phần còn hạn hẹp về tài chính những đã có nhiều nỗ lực trong quảng bá thương hiệu, tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Mặt khác trong một hai năm gần đây đã có sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp xuất khẩu với hộ nông dân, những người sản xuất, vì vậy, chất lượng, mẫu mã sản phẩm ngày càng được nâng cao, tạo được nguồn hàng cung cấp ổn định, qua đó ngày càng tạo được uy tín của rau quả Việt Nam trên thị trường thế giới”- lãnh đạo VINAFRUIT nhận định.

Năm 2016, mặt hàng rau quả mang về trị giá kim ngạch 2,457 tỷ USD, với mức tăng trưởng 33,6% so với năm 2015. Đây là nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ 3 trong lĩnh vực nông, thủy sản (sau thủy sản và cà phê) và là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng đứng thứ trong tổng số 45 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực được Tổng cục Hải quan thống kê (sau mặt hàng đá quý, kim loại quý và sản phẩm với mức tăng trưởng 44,4%).
Thái Bình