SẮP THỰC HIỆN CƠ CHẾ MỘT CỬA QUỐC GIA QUA SÂN BAY TÂN SƠN NHẤT

(HQ Online)- Sau sân bay quốc tế Nội Bài, dự kiến tháng 6/2017, Cơ chế một cửa quốc gia sẽ được thực hiện ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Đại diện Cục CNTT và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) giới thiệu các nội dung cơ bản, quan trọng liên quan đến quá trình xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thủ tục điện tử đối với tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh qua NSW, tại buổi họp Tổ soạn thảo sáng 19/4/2017. Ảnh: T.Bình.

Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan, hết tháng 4/2017 có 11 bộ, ngành kết nối Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) với 38 thủ tục hành chính được đưa lên NSW, tổng số hồ sơ hành chính được xử lý trên 315 nghìn bộ và trên 10.800 doanh nghiệp tham gia,

Liên quan đến thực hiện NSW, hiện nay, Tổng cục Hải quan- Cơ quan Thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, NSW và tạo thuận lợi thương mại đã xây dựng, hoàn thiện dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh tiến độ, nâng cao hiệu quả thực hiện NSW, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định về thực NSW, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại đang lập hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định và xin ý kiến của các bộ, ngành để trình thẩm định trước khi trình Chính phủ. Đồng thời, Tổng cục Hải quan tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành xây dựng chương trình, kế hoạch hành động triển khai NSW và Cơ chế một cửa ASEAN.

Đối với thực hiện NSW qua đường hàng không, từ 15/4/2017, các bộ, ngành liên quan bắt đầu thí điểm triển khai NSW đường hàng không với việc tiếp nhận dữ liệu bản khai hàng hóa điện tử đối với các chuyến bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của Vietnam Airlines tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Theo Tổng cục Hải quan, đến 30/6/2017 sẽ thực hiện thí điểm việc tiếp nhận, khai thác dữ liệu bản khai hàng hóa điện tử của Vietnam Airlines thông qua NSW đối với các chuyến bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của Vietnam Airlines tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Thái Bình

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn

BỐN “ÔNG LỚN” XIN ĐẦU TƯ MỞ RỘNG TÂN SƠN NHẤT

Dù điều chỉnh quy hoạch CHK quốc tế Tân Sơn Nhất mới đang được cơ quan chức năng xem xét, nhưng khá nhiều tên tuổi lớn “xếp hàng” xin được đầu tư dự án nhà ga hành khách mới tại CHK này.

Tân Sơn Nhất là một trong hai “con gà đẻ trứng vàng” của ACV. Ảnh: Tạ Tôn.

Điểm mặt anh hào

 
Trong tờ trình mới nhất của Cục Hàng không VN gửi Bộ GTVT về việc điều chỉnh quy hoạch CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, Cục Hàng không VN quy hoạch bổ sung nhà ga hành khách T4 với công suất thiết kế 15 triệu khách/năm, nâng tổng công suất của nhà ga hành khách CHK này lên 43-45 triệu khách/năm. Cục Hàng không VN cũng đề xuất giao ACV chủ trì kêu gọi, huy động vốn góp của các tổ chức, nhà đầu tư quan tâm.
 

Cái tên đầu tiên phải kể đến trong danh sách những nhà đầu tư đang “xếp hàng” xin được đầu tư vào Nhà ga hành khách T4 tại Tân Sơn Nhất là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu liên Thái Bình Dương (IPP). Nhắc đến IPP, nhiều người nghĩ ngay đến “ông trùm hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn.Đây không phải lần đầu tiên ông Hạnh Nguyễn tham gia đầu tư trong lĩnh vực hàng không. Thực tế, IPP chính là cổ đông lớn nhất của Công ty CP Nhà ga quốc tế Cam Ranh (CRTC, thành lập tháng 2/2016) – dự án đang được đầu tư với công suất từ 4 – 8 triệu hành khách/năm, tổng mức đầu tư hơn 3.735 tỷ đồng. IPP cũng chính là cổ đông lớn, nhà đầu tư chiến lược của Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) – đơn vị có kết quả lợi nhuận trước thuế năm 2016 tăng gấp 3,3 lần năm 2015 (từ 84 tỷ đồng lên 282 tỷ đồng).

Bày tỏ mong muốn được “góp công sức cùng Chính phủ, Bộ GTVT và TP.HCM nhanh chóng giải quyết vấn đề quá tải cấp thiết của Tân Sơn Nhất”, IPP đề xuất được cùng ACV thực hiện đầu tư Nhà ga hành khách T4 theo đúng quy hoạch và chủ trương được duyệt đồng thời cam kết hoàn thành sau 18 tháng kể từ ngày khởi công dự án.

Đứng thứ hai trong danh sách nhà đầu tư là Liên danh Công ty CP Đầu tư khai thác Nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT) và Công ty CP Đầu tư hạ tầng Thăng Long TJC (AHT-TJC). AHT hiện đang là chủ đầu tư dự án Nhà ga quốc tế Đà Nẵng – dự án xã hội hóa đầu tiên trong lĩnh vực hạ tầng hàng không.

Đề xuất được kết hợp với TCT Cảng hàng không VN (ACV) để thành lập công ty dự án, tiến hành đầu tư Nhà ga hành khách T4 tại Tân Sơn Nhất, đại diện liên danh này cũng cho biết, nếu được chấp thuận, liên danh sẽ thành lập công ty dự án ngay trong tháng 6, nộp đủ vốn đầu tư theo quy định, hoàn thành ký kết hợp đồng tín dụng cho dự án trước khi khởi công; Hoàn thành dự án trong tháng 12/2018 và chạy thử 1 tháng trước khi chính thức vận hành dự án trước Tết Âm lịch 2019.

Hai cái tên rất quen thuộc khác cũng đang bày tỏ tham vọng được đầu tư vào Nhà ga hành khách T4 là Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines) và Công ty CP Hàng không Vietjet. Trong khi Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành đề nghị được tham gia đầu tư vào Dự án Nhà ga hành khách T4 “để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thiện đồng bộ dây chuyền khai thác, vận chuyển hàng không” thì Chủ tịch HĐQT Vietjet Nguyễn Thanh Hà cũng bày tỏ mong muốn được “Bộ GTVT xem xét chấp thuận tham gia cùng ACV thực hiện đầu tư Nhà ga hành khách T4. Đại diện Vietjet cũng cam kết sẽ tập trung nguồn lực, phối hợp với ACV hoàn thành dự án này trong 18 tháng.

Nhà ga hành khách Tân Sơn Nhất hấp dẫn mức nào?

Chỉ cần nhìn 4 tên tuổi “đáng nể” nói trên đang xếp hàng đầu tư cũng đủ biết sức hấp dẫn của nhà ga hành khách thứ 4 tại Tân Sơn Nhất. Thực tế, cùng với Nội Bài, Tân Sơn Nhất chính là một trong hai “con gà đẻ trứng vàng” của ACV. Nói như người đứng đầu Cục Hàng không VN, Cục trưởng Lại Xuân Thanh, Tân Sơn Nhất chính là một trong số rất ít CHK trong toàn bộ hệ thống 22 cảng mà ACV quản lý, khai thác đang có lãi. Hay nói cách khác, Tân Sơn Nhất đang đóng vai trò “gánh lỗ”, “anh nuôi” cho đa phần các CHK còn lại của ACV trừ Nội Bài.

Thực tế này cũng được chính Tổng giám đốc ACV Lê Mạnh Hùng thừa nhận trước đó tại hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào ACV. Cụ thể, theo ông Hùng, kết quả kiểm toán trong tổng số 22 CHK do ACV quản lý, chỉ có Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang có lãi, còn lại đều thua lỗ.

Theo thông tin của Báo Giao thông, năm 2016, lượng hành khách qua CHK quốc tế Tân Sơn Nhất đã đạt 32,5 triệu khách, vượt khá xa năng lực hiện có của nhà ga này là 28 triệu khách. Trong các năm tới, nhu cầu tăng trưởng của Tân Sơn Nhất vẫn đạt trung bình từ 15%/năm trở lên. Điều này cũng có nghĩa, Nhà ga hành khách T4 ngay khi hoàn thành và đi vào khai thác sẽ không lo thiếu khách. Với công suất 15 triệu khách/năm, chưa tính khoản thu từ kinh doanh dịch vụ phi hàng không vốn được đánh giá là “siêu lợi nhuận”, chỉ cần làm một phép tính đơn giản là lấy số hành khách thông qua nhân với giá phục vụ hành khách (quốc tế là 20 USD/khách, quốc nội 70.000 đồng/khách đã bao gồm VAT) mà doanh nghiệp này thu được, có thể thấy khoản thu tương đối lớn mà nhà đầu tư nhận được mỗi năm so với tổng số tiền đầu tư (dự kiến khoảng 4.000 tỷ đồng).

Liên quan đến phương thức đầu tư dự án này, Vụ trưởng Vụ Đối tác công – tư Nguyễn Danh Huy cho biết, hiện quy hoạch điều chỉnh CHK quốc tế Tân Sơn Nhất vẫn chưa được duyệt. “Bộ GTVT đang giao Cục Hàng không VN nghiên cứu, đề xuất dự án cũng như phương án lựa chọn nhà đầu tư sao cho đúng và trúng, đảm bảo khách quan, minh bạch và hiệu quả”, ông Huy nói.

Phía Cục Hàng không VN, Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho biết, vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và chưa thể quyết định ACV sẽ trực tiếp đầu tư (như Nhà ga T2 Nội Bài) hay theo mô hình hợp tác đầu tư với một liên danh khác (như AHT – Đà Nẵng, CRTC Cam Ranh). “Vấn đề BOT hay không BOT nhà ga này đang được nghiên cứu. Tuy nhiên, dù có theo hình thức hợp đồng nào thì nhà đầu tư vẫn phải tuân thủ theo Luật Hàng không và Luật Giá”, ông Thanh khẳng định.

Mặc dù vậy, cuối giờ chiều qua (25/4), trao đổi với Báo Giao thông, Tổng giám đốc ACV Lê Mạnh Hùng nhận định, trong điều kiện hiện nay, khi xã hội hóa đang được đẩy mạnh, khả năng cao là Bộ GTVT sẽ quyết định triển khai dự án này theo hình thức BOT.

Theo Baodautu.vn

Nhận đất Quốc phòng:Sân bay Tân Sơn Nhất mở rộng xong trước Tết 2018

Bộ Quốc phòng và Bộ GTVT ký kết biên bản bàn giao phần đất sân đỗ quân sự tại sân bay Tân Sơn Nhất…

 
1

Gần 20ha đất được Bộ Quốc phòng bàn giao để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất – Ảnh: Phan Tư

Sáng 21/2, Bộ Quốc phòng và Bộ GTVT ký kết biên bản bàn giao phần đất sân đỗ quân sự tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất cho Bộ GTVT để triển khai đầu tư nâng cấp, xây dựng đường lăn, sân đỗ tàu bay. Đại diện hai Bộ tham dự ký kết biên bản bàn giao có Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ.

Giao gần 20ha đất quốc phòng để làm sân đỗ

Trước khi ký kết, lãnh đạo Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng trực tiếp khảo sát lại các mốc giới phân định khu đất. Đại diện Cục Hàng không Việt Nam và Cục Phòng không – Không quân sau đó ký biên bản ghi nhận các mốc giới. Khu đất Bộ Quốc phòng giao cho Bộ GTVT được xác định bởi 11 mốc. Phía Bắc giáp với đường lăn song song W11; Phía Nam giáp khu đất Công ty Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt, khu doanh trại Lữ đoàn 918, nhà xưởng hangar (nhà chứa máy bay) 917/Sư đoàn 370. Phía Đông giáp khu 7,6ha mà Bộ Quốc phòng đã bàn giao để làm sân đỗ cho tàu bay dân dụng. Phía Tây giáp Sư đoàn 370 và Công ty Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt. Tổng diện tích được kiểm đếm chính xác là 19,79ha.

Trong biên bản ghi rõ mục đích sử dụng đất là Bộ Quốc phòng tạm bàn giao mặt bằng khu đất này cho Bộ GTVT để đầu tư, nâng cấp, mở rộng sân đỗ tàu bay và hệ thống đường lăn. Khi có tình huống phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, diện tích này phải được ưu tiên cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Bộ GTVT chỉ đạo thực hiện đầu tư xây dựng công trình và quản lý sử dụng đất đúng mục đích, không được chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng, cho, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Sau khi CHK quốc tế Long Thànhhoàn thành, Bộ GTVT bàn giao lại toàn bộ diện tích mặt bằng khu đất trên để Bộ Quốc phòng sử dụng cho nhiệm vụ quốc phòng mà không phải bồi thường giá trị tài sản trên đất. Trường hợp có nhu cầu sử dụng tiếp, Bộ GTVT có văn bản gửi Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định.

2
Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ xem sơ đồ thực địa khu vực gần 20ha mà Bộ Quốc phòng bàn giao cho Bộ GTVT để xây dựng đường lăn, sân đỗ tàu bay – Ảnh: Phan Tư

Hoàn thành trước Tết 2018

Khu vực đất quốc phòng hiện hữu đang là khu sân đỗ cho tàu bay quân sự, hiện có 7 tàu bay quân sự đang đỗ ở đây. Hệ thống sân đỗ, đường lăn này đã được đầu tư từ lâu, chỉ đáp ứng cho những tàu bay nhỏ đỗ. Vì vậy, sau khi bàn giao, Cục Hàng không VN sẽ tiến hành nâng cấp toàn bộ khu đất này để đáp ứng điều kiện kỹ thuật cho những tàu bay dân dụng loại lớn có thể đỗ được.

Về giao thông kết nối bên ngoài sân bay, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, đã có kế hoạch mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (Q. Tân Bình) ra 25m. Đồng thời, thực hiện các giải pháp đồng bộ như: Xây dựng cầu vượt trên đường Trường Sơn, cải tạo đường Cộng Hòa đoạn gần khu vực Lăng Cha Cả… để đảm bảo kết nối giao thông vào sân bay, kể cả việc kết nối với nhà ga lưỡng dụng sau này.

Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không VN cho biết, với diện tích vừa được bàn giao, sau khi nâng cấp sẽ xây dựng được khoảng từ 30 – 35 vị trí đỗ tàu bay. Trong đó, sẽ dành 6 vị trí cho tàu bay quân sự làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng. “Hiện, Tân Sơn Nhất có 50 vị trí đỗ tàu bay, sau khi hoàn thành nâng cấp khu vực này có thể đáp ứng nhu cầu đỗ tàu bay khi Tân Sơn Nhất nâng công suất khai thác khoảng trên 40 triệu hành khách/năm”, ông Thanh nói và cho biết, một trong những điểm tắc của Tân Sơn Nhất là năng lực thông qua của khu bay. Tàu bay sau khi hạ cánh thoát ra khỏi đường cất/hạ cánh chậm dẫn đến việc ùn tắc trên trời. Tại khu vực gần 20ha được bàn giao, sau khi cải tạo, ngoài việc thêm các vị trí sân đỗ còn có thêm các đường lăn tạo điều kiện giải thoát nhanh tàu bay trên khu bay, từ đó giải quyết nhanh năng lực của vùng trời sân bay Tân Sơn Nhất.

Trả lời câu hỏi của PV Báo Giao thông liệu với một khu vực diện tích lớn, quá trình thi công phức tạp bao giờ thì nâng cấp xong? Ông Thanh cho biết, sau khi tiếp nhận khu đất này, Bộ GTVT giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam bắt tay lập dự án triển khai đầu tư cải tạo, nâng cấp. Về phương án thi công, đơn vị tư vấn là Công ty ADCC cũng tính toán, đưa ra các giải pháp. “Tinh thần là sẽ thực hiện cuốn chiếu theo từng khu vực nhỏ. Khu vực nào hoàn thành đưa vào khai thác luôn, nhưng tổng thể, phấn đấu hoàn thành và đưa và khai thác toàn bộ trước Tết 2018”, ông Thanh nói.

Đối với các hạng mục đầu tư nhà ga lưỡng dụng và đường kết nối vào nhà ga, ông Thanh cho biết, hạng mục này đang nghiên cứu và sẽ có quyết định sau khi Chính phủ thông qua điều chỉnh quy hoạch tổng thể sân bay Tân Sơn Nhất sắp tới.

Phan Tư

Nguồn: http://www.baogiaothong.vn/