CÁC NHÓM HÀNG PHẢI LÀM THỦ TỤC TẠI CỬA KHẨU NHẬP LÀ HÀNG CÓ RỦI RO CAO

(HQ Online)- Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 15/2017/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 ban hành Danh mục hàng hóa NK phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập bao gồm 17 nhóm mặt hàng nhạy cảm có rủi ro cao trong quản lý (như quản lý thuế, quản lý chuyên ngành, ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, môi trường…) cần tăng cường kiểm soát tại cửa khẩu. Quy định mới này sẽ khiến cho việc làm thủ tục hải quan của các DN thay đổi như thế nào?

Hoạt động XNK hàng hóa tại cảng Đà Nẵng. Ảnh: N.Linh.

Đảm bảo công tác quản lý

Theo quy định tại Điều 22 Luật Hải quan thì địa điểm làm thủ tục hải quan là nơi cơ quan Hải quan tiếp nhận, đăng ký và kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải. Trong đó: Địa điểm tiếp nhận, đăng ký và kiểm tra hồ sơ hải quan là trụ sở cục hải quan, trụ sở chi cục hải quan; Địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa bao gồm: (a) Địa điểm kiểm tra tại khu vực cửa khẩu đường bộ, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế; bưu điện quốc tế; cảng biển, cảng thủy nội địa có hoạt động xuất khẩu, NK, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; cảng xuất khẩu, NK hàng hóa được thành lập trong nội địa; (b) Trụ sở Chi cục Hải quan; (c) Địa điểm kiểm tra tập trung theo quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan; (d) Địa điểm kiểm tra tại cơ sở sản xuất, công trình; nơi tổ chức hội chợ, triển lãm; (đ) Địa điểm kiểm tra tại khu vực kho ngoại quan, kho bảo thuế, địa điểm thu gom hàng lẻ; (e) Địa điểm kiểm tra chung giữa Hải quan Việt Nam với Hải quan nước láng giềng tại khu vực cửa khẩu đường bộ; (g) Địa điểm khác do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định trong trường hợp cần thiết.

Như vậy, trong thời gian qua, trừ một số trường hợp hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành được quy định phải làm thủ tục tại cửa khẩu nhập theo luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn thì DN được lựa chọn địa điểm để làm thủ tục hải quan phù hợp với quy định tại Điều 22 nêu trên. Về cơ bản, các Luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn không quy định về cửa khẩu phải làm thủ tục NK, trừ những trường hợp sau: Một là, Nghị định số 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định rượu chỉ được NK vào Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế (Nghị định 94/2012/NĐ-CP được ban hành căn cứ  Luật Thương mại và Luật An toàn thực phẩm). Hai là, Thông tư số 19/2009/TT-BCT của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BTM-BGTVT-BTC-BCA hướng dẫn việc NK ô tô chở người dưới 16 chỗ đã qua sử dụng theo Nghị định số 12/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Ô tô đã qua sử dụng chỉ được NK về Việt Nam qua các cửa khẩu cảng biển quốc tế: Cái Lân Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu. Thủ tục hải quan được thực hiện tại cửa khẩu NK”. Ba là, Thông tư liên tịch số 25/2010/TTLT-BCT-BGTVT-BTC của liên Bộ Công Thương, Giao thông vận tải và Tài chính quy định: “Ô tô chở người chỉ được NK về Việt Nam qua các cửa khẩu cảng biển quốc tế: Cái Lân-Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu. Thủ tục hải quan được thực hiện tại cửa khẩu NK”. Bốn là, Thông tư số 37/2013/TT-BCT ngày 30/12/2013 của Bộ Công Thương quy định NK thuốc lá điếu, xì gà quy định: “Thuốc lá điếu, xì gà chỉ được phép NK vào Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế”.

Riêng đối với mặt hàng phế liệu thì Thông tư số 41/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường trong NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất quy định thủ tục kiểm tra điều kiện về bảo vệ môi trường, kiểm tra thực tế lô hàng phế liệu NK để thông quan được thực hiện tại cơ quan Hải quan cửa khẩu nhập, không quy định về địa điểm NK phế liệu.

17 nhóm hàng trọng điểm

Ngày 21/1/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, theo đó tại khoản 2 Điều 4 quy định: “Căn cứ tình hình xuất khẩu, NK trong từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ quyết định Danh mục hàng hóa NK phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập”. Căn cứ Luật Hải quan năm 2014, Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP dẫn trên, Bộ Tài chính đã báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2017/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 ban hành Danh mục hàng hóa NK phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập, bao gồm 17 nhóm mặt hàng nhạy cảm có rủi ro cao trong quản lý (như quản lý thuế, quản lý chuyên ngành, ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, môi trường…) cần tăng cường kiểm soát tại cửa khẩu.

Các hàng hóa này bao gồm: (1) Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm; (2) Rượu; (3) Bia; (4) Xe ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi; (5) Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3; (6) Tàu bay, du thuyền; (7) Xăng các loại;  (8) Điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống; (9) Bài lá; (10) Vàng mã, hàng mã; (11) Hàng hóa phải kiểm dịch động vật theo Danh mục do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định; (12) Hàng hóa phải kiểm dịch thủy sản theo Danh mục do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định; (13) Hàng hóa phải kiểm dịch thực vật theo Danh mục do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định; (14) Tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ theo Danh mục do Bộ Công Thương quy định; (15) Hàng hóa có ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng theo Danh mục do Bộ Công Thương quy định; (16) Phế liệu theo Danh mục do Thủ tướng Chính phủ quy định; (17) Hàng hóa áp dụng biện pháp thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp theo quy định của Bộ Công Thương.

Đối với hàng hóa thuộc các nhóm hàng từ (1) đến (10) tại Danh mục được ban hành chi tiết tên hàng kèm theo mã số HS. Đối với hàng hóa thuộc các nhóm hàng từ (11) đến (17) áp dụng mã số HS theo Danh mục do Thủ tướng Chính phủ và các Bộ quản lý chuyên ngành công bố, ban hành.

Quyết định cũng đã quy định rõ trường hợp hàng hóa có nhiều chủng loại (thuộc Danh mục và không thuộc Danh mục), chung vận đơn thì phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập.

Tuy nhiên, với mục đích nhằm khuyến khích DN phát triển sản xuất và tạo thuận lợi đối với một số trường hợp hàng hóa NK vì mục đích đặc biệt, Quyết định cũng đã quy định hàng hóa NK thuộc Danh mục được lựa chọn làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập hoặc tại các địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu nhập trong các trường hợp sau:

Một là, thiết bị, máy móc, vật tư NK để xây dựng nhà máy, công trình được làm thủ tục hải quan tại cơ quan Hải quan nơi có nhà máy, công trình hoặc kho của nhà máy, công trình. Hai là, nguyên liệu, vật tư, thiết bị, máy móc, linh kiện, phụ tùng để phục vụ gia công, sản xuất được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất. Ba là, hàng hoá tạm nhập để dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm được làm thủ tục hải quan tại cơ quan Hải quan nơi có hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm. Bốn là, hàng hoá NK vào cửa hàng miễn thuế được làm thủ tục hải quan tại cơ quan Hải quan quản lý cửa hàng miễn thuế. Năm là, hàng hoá NK vào khu phi thuế quan được làm thủ tục hải quan tại cơ quan Hải quan quản lý khu phi thuế quan. Sáu là, hàng hóa NK phục vụ yêu cầu cứu trợ khẩn cấp theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Hải quan được đưa về địa điểm nơi xảy ra thiên tai, dịch bệnh hoặc yêu cầu cứu trợ khẩn cấp. Bảy là, hàng hóa chuyên dùng NK phục vụ an ninh quốc phòng theo quy định tại khoản 2 Điều 50 Luật Hải quan được làm thủ tục hải quan tại cơ quan Hải quan theo đề nghị của người khai hải quan. Tám là, xăng được đưa từ kho ngoại quan đến các địa điểm làm thủ tục hải quan nơi thương nhân có hệ thống kho xăng dầu. Chín là, hàng hóa NK đóng chung container đưa về địa điểm thu gom hàng lẻ được làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan quản lý địa điểm thu gom hàng lẻ. Mười là, các trường hợp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan Hải quan tăng cường kiểm soát đối với các hàng hóa NK có rủi ro cao trong quản lý, đảm bảo yêu cầu về quản lý thuế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chất lượng hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa NK phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2017.

Lê Nguyễn Việt Hà (Phó Trưởng Phòng Giám quản 1-Cục GSQL về hải quan)

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

DOANH NGHIỆP MONG THỦ TỤC THÔNG QUAN THÔNG THOÁNG HƠN

(HQ Online)- Mặc dù ngành Hải quan đã đạt được nhiều kết quả về cải cách thủ tục và tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức hải quan được cộng đồng DN ghi nhận, đánh giá cao, song vẫn còn những vướng mắc trong quá trình thông quan hàng hóa liên quan đến các bộ ngành, DN mong muốn được giải quyết thấu đáo.

Giám sát hải quan tại kho hàng không kéo dài (khu công nghiệp Yên Phong- Bắc Ninh). Ảnh: Thu Trang​​​.

Tăng phối hợp

Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 đặt ra yêu cầu rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục thông quan hàng hóa qua biên giới còn 70 giờ đối với hàng hóa XK, 90 giờ đối với hàng hóa NK.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội DN logistics Việt Nam (VLA) thống kê năm 2016, thời gian làm thủ tục hàng hóa XK vẫn còn cao, lên tới 108 giờ và 138 giờ đối với hàng hóa NK. Thời gian vẫn còn cao rõ ràng không hoàn toàn thuộc về ngành Hải quan, bởi thời gian thực hiện thủ tục hải quan đối với một tờ khai/lô hàng tại cơ quan Hải quan chỉ chiếm khoảng 28% thời gian thông quan và không quá 1 ngày làm việc. Thời gian còn lại thuộc về DN và các cơ quan liên quan, trong đó các cơ quan quản lý chuyên ngành chiếm đến 72% thời gian thông quan hàng hóa.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký VLA cho rằng, để giảm thời gian thông quan, việc cải thiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành là vấn đề mấu chốt, nếu không các cố gắng của ngành Hải quan sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Một chuyên gia về thương mại còn cho rằng, trong công tác kiểm tra chuyên ngành, có cơ quan, bộ, ngành còn ra “oai” bằng việc đưa ra danh sách dài thủ tục, gây ảnh hưởng tới thủ tục hải quan.

Trong Báo cáo “Đánh giá cải cách thủ tục hành chính hải quan: Mức độ hài lòng của DN năm 2016”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, một số DN cho rằng về vấn đề kiểm tra chuyên ngành hiện có quá nhiều văn bản chồng chéo, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Hải quan và cơ quan quản lý chuyên ngành, có nhiều giấy phép con… Chính vì thế, không ít DN phản ánh những bức xúc như: Hàng hóa bị kiểm tra mất thời gian, chi phí khi sản phẩm DN mua về phải mang đi một lượng để kiểm tra, lấy mẫu, số hàng hóa còn lại không đủ cung ứng theo hợp đồng. Hoặc có DN cho hay, thông tin yêu cầu đăng ký không rõ ràng, khiến DN mất nhiều thời gian khai đi khai lại… Đây là những tồn tại lâu năm của DN đối với việc kiểm tra chuyên ngành cần được các cơ quan ngồi lại và phối hợp chặt chẽ với nhau hơn nữa.

Tăng phục vụ

“Định hướng cải cách thủ tục hành chính của ngành Hải quan đang đi đúng hướng, nhưng vẫn còn một số văn bản, quy định liên quan đến thông quan hàng hóa do chưa được DN tham gia góp ý đầy đủ nên có những vấn đề chưa sát với thực tế, dẫn đến tiêu cực, gây bức xúc cho DN”, ông Đặng Thế Lưỡng, Tổng thư ký Hiệp hội DN quận Hải An (Hải Phòng) cho hay.

Đại diện một DN hoạt động XNK vật liệu xây dựng tại Nghệ An cho biết, mặc dù việc thông quan đã áp dụng khai báo điện tử nhưng vào thời gian cao điểm, hệ thống này trở nên quá tải, từ đó phát sinh những khó khăn. Bên cạnh đó, mặc dù thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã có nhiều chỉ đạo về cải cách thủ tục hành chính, nhưng xuống tới các cục, chi cục và trực tiếp người thực hiện thì lại xảy ra vướng mắc, nhất là thái độ làm việc của công chức đối với DN, vẫn còn trường hợp chưa coi DN là đối tác.

Từ những vướng mắc này, ông Phan Thông, Tổng thư ký Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam cho rằng, bên cạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các bộ phận, ngành Hải quan nên có cơ chế giám sát chặt chẽ, nâng cao năng lực, trình độ và nhận thức của cán bộ, công chức toàn Ngành. Chi tiết hơn, vị này còn kiến nghị nên tăng chế độ lương thưởng cho cán bộ, công chức Hải quan bởi họ có khối lượng công việc nhiều, phải trực đêm, làm vào những ngày nghỉ, lễ Tết.

Cùng với vấn đề trên, bà Đặng Thị Bình An, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tư vấn thuế C&A cho biết, việc xử lý khiếu nại của DN cần được cải thiện hơn, cần có sự tách bạch để kiểm tra, tăng tính minh bạch và khách quan. Việc trả lời văn bản giải đáp cho DN được nhanh chóng và thường xuyên hơn.

Có thể thấy, những nỗ lực của ngành Hải quan cần được củng cố hơn nữa để đáp ứng nhu cầu và yêu cầu của DN, để DN thực sự đồng hành, là đối tác, là đối tượng để phục vụ. Tất nhiên, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sự quyết tâm chính trị của ngành Hải quan thì các DN cũng cần sự thay đổi trong hoạt động với sự minh bạch, hồ sơ, giấy tờ được rõ ràng, sẵn sàng đứng lên đấu tranh trước những hành vi sai trái khi thực hiện thủ tục hành chính.

Hương Dịu

HOÀN THIỆN DANH MỤC HÀNG HÓA PHẢI LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN TẠI CỬA KHẨU NHẬP

(HQ Online)- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có ý kiến chỉ đạo về Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập.

Hoàn thiện danh mục hàng hóa phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập. Ảnh: Ngọc Linh

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, bỏ hàng hóa nhập khẩu có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi, bao gồm cả thuế suất ưu đãi đặc biệt từ 20% trở lên ra khỏi Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập; không quy định tại Danh mục các dẫn chiếu đến văn bản quy phạm pháp luật cấp Bộ.

Bộ Tài chính hoàn chỉnh lại dự thảo Quyết định và Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 3/2017 theo quy định.

Hương Dịu