TÍNH PHỤ PHÍ CIC TÍNH VÀO TRỊ GIÁ HÀNG NK

(HQ Online)- Trước thắc mắc của một số DN về việc tính phụ phí CIC (phí mất cân bằng vỏ container) tính vào trị giá hàng NK, Tổng cục Hải quan đã trả lời về vấn đề này.

DN làm thủ tục tại Chi cục Hải quan cảng Cái Lân. Ảnh: T.Trang.

Về việc điều chỉnh cộng phí CIC, Tổng cục Hải quan cho biết, căn cứ quy định tại Điều 5 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính thì trị giá hải quan là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên và được xác định bằng cách áp dụng tuần tự 6 phương pháp xác định trị giá hải quan.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư số 39/2Q15/TT-BTC thì các khoản điều chỉnh cộng phải cộng vào trị giá hàng NK nếu đáp ứng đủ các điều kiện: Do người mua thanh toán và chưa được tính trong trị giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán; Phải liên quan đến hàng hóa NK; Có số liệu khách quan, định lượng được, phù hợp với các chứng từ có liên quan.

Và quy định tại điểm g khoản 2 Điều 13 Thông tư số 39/2015/TT-BTC thì chi phí vận tải và chi phí có liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa đến cửa khẩu nhập đầu tiên là khoản phải cộng vào trị giá hàng NK.

Đối chiếu quy định nêu trên, trường hợp phí CIC có liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa và đáp ứng các điều kiện nêu trên thì được xem xét là khoản điều chỉnh cộng vào trị giá hàng nhập khẩu.

Riêng về việc thu thuế GTGT phụ phí phí CIC của hãng tàu, Tổng cục Hải quan cho biết, vấn đề này thuộc chức năng, thẩm quyền quản lý của cơ quan thuế nội địa. Do đó, các DN liên hệ với cơ quan thuế nội địa để được hướng dẫn cụ thể.

Thu Trang

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

HÀNG NK ĐỂ GÓP VỐN KHÔNG PHẢI NỘP THUẾ GTGT

(HQ Online)- DN góp vốn bằng tài sản NK để thành lập DN thì không phải kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định tại điểm a Khoản 7 Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC.
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cảng Cái Lân, Cục Hải quan Quảng Ninh. Ảnh: T.Trang.

Đó là trả lời của Tổng cục Hải quan trước kiến nghị của Công ty TNHH Liên doanh Nghị Phong về việc NK máy móc thiết bị về Việt Nam để góp vốn không phải nộp thuế GTGT khâu NK.

Theo phân tích của Tổng cục Hải quan, tại Điều 2 Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT quy định về đối tượng chịu thuế thì: Đối tượng chịu thuế GTGT là hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài), trừ các đối tượng không chịu thuế GTGT hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư này.

Bên cạnh đó, tại Điều 3 Thông tư 219/2013/TT-BTC cũng quy định: “Người nộp thuế GTGT là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT ở Việt Nam, không phân biệt ngành nghề, hình thức, tổ chức kinh doanh (sau đây gọi là cơ sở kinh doanh) và tổ chức, cá nhân NK hàng hóa, mua dịch vụ từ nước ngoài chịu thuế GTGT (sau đây gọi là người nhập khẩu) bao gồm…”

Như vậy, theo quy định tại Điều 2 và Điều 3 Thông tư 219/2013/TT-BTC thì khi NK hàng hóa vào Việt Nam, DN phải nộp thuế GTGT khâu NK, trừ các đối tượng không chịu thuế GTGT hướng dẫn tại Điều 4 của Thông tư này. Sau đó, DN góp vốn bằng tài sản NK đó để thành lập DN thì không phải kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định tại điểm a Khoản 7 Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC.

Thu Trang

MÁY MÓC THUÊ MƯỢN THEO LOẠI HÌNH TẠM NHẬP, TÁI XUẤT KHÔNG CHỊU THUẾ GTGT KHÂU NK

(HQ Online)- Trường hợp máy móc, thiết bị thuê mượn NK theo loại hình tạm nhập, tái xuất thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT khâu NK. Tuy nhiên, với dịch vụ thuê mượn máy móc, thiết bị, DN thực hiện kê khai, tính và nộp thuế GTGT với cơ quan Thuế nội địa.

Công chức hải quan kiểm tra máy móc NK. Ảnh: T.Trang.

Đó là hướng dẫn của Tổng cục Hải quan với Cục Hải quan Hải Phòng về việc tính thuế GTGT phí thuê, mượn đối với máy móc, thiết bị tạm nhập, tái xuất.

Theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan, tại khoản 20 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC thì: “Hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu; hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu; nguyên liệu, vật tư NK để sản xuất, gia công hàng hóa XK theo hợp đồng sản xuất, gia công xuất khẩu ký kết với bên nước ngoài thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Hồ sơ, thủ tục để xác định và xử lý không thu thuế GTGT trong các trường hợp này thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế XK, thuế NK và quản lý thuế đối với hàng hóa XK, NK”.

Theo đó, trường hợp máy móc, thiết bị thuê mượn NK theo loại hình tạm nhập, tái xuất nếu đáp ứng quy định tại khoản 20 Điều 4 Thông tư 219 thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT khâu NK. Đối với dịch vụ thuê mượn máy móc, thiết bị, DN thực hiện kê khai, tính và nộp thuế GTGT với cơ quan Thuế nội địa.

Hải Nam