(HQ Online)- Việc xây dựng Cổng thông tin thương mại Việt Nam (VTIP) không chỉ đáp ứng các cam kết của Việt Nam tại Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại (TFA) của Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) mà còn là công cụ hữu hiệu giúp tạo thuận lợi hơn nữa cho các bên có liên quan đến hoạt động XNK và quá cảnh với Việt Nam.
Thúc đẩy mạnh mẽ từ Hải quan
Theo báo cáo môi trường kinh doanh năm 2017 công bố gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đã tăng 9 bậc lên vị trí 82 trên tổng số 190 nền kinh tế được đánh giá. Riêng đối với chỉ số thương mại xuyên biên giới, liên quan đến hoạt động XNK; thông quan hàng hóa; các quy định về kiểm tra chuyên ngành, Việt Nam đã tăng 15 bậc, từ hạng 108 năm 2016 lên hạng 93 năm 2017. So với các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu về môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, so với các nước có môi trường kinh doanh thuận lợi như Singapore, Thái Lan và Malaysia, thì khoảng cách giữa Việt Nam với các nước vẫn còn khá lớn. Chính vì thế, Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ đã đặt ra mục tiêu cho Việt Nam giai đoạn 2017 – 2020 phấn đấu đạt tối thiểu bằng trung bình của các nước ASEAN – 4 về các chỉ tiêu cải thiện môi trường kinh doanh.
Đại diện Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Hải quan) cho biết, để thực hiện các quy định của pháp luật cũng như các cam kết quốc tế, thời gian qua cơ quan Hải quan đã dần hoàn thiện hệ thống pháp luật ngay trong quá trình đàm phán Hiệp định TF hay các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA). Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan thường xuyên tổ chức tham vấn, đối thoại nhằm giải quyết những vướng mắc của cộng đồng DN; ứng dụng toàn diện hệ thống công nghệ thông tin hiện đại trong thủ tục hải quan như: Triển khai hệ thống VNACCS/VCIS trên toàn quốc; triển khai vận hành thí điểm hệ thống giám sát tại cảng biển; kết nối Hải quan với Kho bạc, Ngân hàng… nhằm đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho DN. Ngoài ra, cơ quan Hải quan cũng tích cực phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các thủ tục hành chính hàng hóa XNK trên hệ thống một cửa, qua đó, tạo điều kiện tối đa cho hoạt động kinh doanh, XNK của DN.
Ngoài ra, cơ quan Hải quan đã thực hiện bãi bỏ 19 thủ tục, đơn giản hóa 46 thủ tục; giảm nhiều chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan; cho phép DN nộp toàn bộ hồ sơ điện tử; minh bạch và giảm thời gian kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa. Đặc biệt, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với WB xây dựng VTIP nhằm cung cấp nguồn tham khảo đầy đủ và tổng hợp về các thông tin liên quan tới XNK, bao quát từ các biểu thuế áp dụng đối với hàng hóa NK tới chi tiết về các quy trình, thủ tục và biểu mẫu để đáp ứng các quy định kiểm tra chuyên ngành. Mục đích của VTIP là giúp các DN XNK, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ nắm rõ các quy trình và thủ tục liên quan tới hoạt động của họ, từ đó giúp tiết kiệm thời gian và chi phí hoạt động. Ngoài ra, VTIP cũng sẽ đóng vai trò là công cụ quan trọng để hỗ trợ Chính phủ hướng tới đơn giản hóa và hợp lý hóa các thủ tục hành chính liên quan.
Sẵn sàng đi vào hoạt động
Với vai trò chủ trì tham gia đàm phán Hiệp định TF (được thông qua tháng 11/2014 tại Bali- Indonesia), Bộ Tài chính cụ thể là Tổng cục Hải quan đã hoàn thiện thủ tục trình Quốc hội phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi tại phiên họp lần thứ 10 Quốc hội Khóa 13. Ngày 26/11/2015, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 108/2015/QH13 phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Marrakesh thành lập WTO. Đến tháng 10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1899/QĐ-TTg về việc thành lập Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (gọi tắt là Ủy ban chỉ đạo quốc gia). Tháng 11/2016, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Hiệp định TF theo quyết định số 1969/QĐ-TTg. Ngày 22/2/2017, Hiệp định TF của WTO đã chính thức có hiệu lực, sau khi đạt được sự phê chuẩn cần thiết của 2/3 trong tổng số 164 quốc gia thành viên WTO.
Theo cam kết tại Hiệp định TF, mỗi nước thành viên, trong đó có Việt Nam, cần xây dựng cho mình một trang điện tử giúp công bố và cung cấp các thông tin. Việc xây dựng trang web này không chỉ đáp ứng các cam kết của Việt Nam tại Hiệp định TFA mà còn là công cụ hữu hiệu tạo thuận lợi hơn nữa cho các bên có liên quan đến hoạt động XNK và quá cảnh với Việt Nam. Đồng thời, còn là một công cụ để minh bạch hóa chính sách, như tại các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia và cũng theo kịp xu thế của Hải quan thế giới – Hải quan kỹ thuật số 2016.
Nhằm giúp Việt Nam thực hiện tốt các nội dung đã cam kết trong Hiệp định TF, WB đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thông qua các biện pháp như hỗ trợ thành lập và nâng cao năng lực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia và xây dựng VTIP. Hoạt động xây dựng VTIP đã được triển khai từ tháng 1/2016 tại Tổng cục Hải quan, do đơn vị tư vấn của WB là PM Group tiến hành. Tới thời điểm hiện nay, các nội dung đăng tải đã được hoàn tất, với gần 2.000 mục nội dung liên quan tới các quy định pháp lí, thủ tục và quy trình… liên quan tới XNK. Song song với việc xây dựng và đăng tải nội dung, đơn vị tư vấn cũng đã tiến hành tập huấn cho các cán bộ của Tổng cục Hải quan để chuyển giao kĩ thuật nhằm đảm bảo việc vận hành và cập nhật nội dung của VTIP sau khi chuyển giao, ông Chris Lewis Jones, Quản lý dự án và Tư vấn trưởng VTIP cho biết.
Để sẵn sàng cho việc khai trương và chuyển giao VTIP cho Tổng cục Hải quan, dự kiến diễn ra vào đầu tháng 6/2017, các hoạt động chuẩn bị đang được khẩn trương hoàn thành. Cơ chế phối hợp giữa các bên hữu quan, bao gồm các bộ, ngành có quy định liên quan tới XNK được đăng tải trên VTIP, đang được xây dựng và thống nhất giữa các bên để bảo đảm rằng nội dung đăng tải trên VTIP luôn được cập nhật và chính xác. Hiện tại, quá trình rà soát các nội dung đã đăng tải trên VTIP đang được các bộ, ngành tiến hành với sự điều phối của Tổng cục Hải quan để chuẩn bị cho việc khai trương, ông Chris Lewis Jones nhấn mạnh.
Ông Chris Lewis Jones cho biết thêm, VTIP được thiết kế để trở thành điểm thông tin “một cửa”, cung cấp các thông tin liên quan tới XNK ở Việt Nam theo cách thức dễ tiếp cận, lô gic và hữu ích để các DN XNK có thể tiếp cận thông tin cơ bản về các quy định và thủ tục cần thiết cho hoạt động XNK và quá cảnh. VTIP là một công cụ hữu ích hỗ trợ Chính phủ và các bên hữu quan khác trong việc cắt giảm, hiện đại hóa và đơn giản hóa quy trình khai báo XNK theo thông lệ quốc tế. Với khối lượng nội dung phong phú và toàn diện, VTIP được kỳ vọng sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho các DN hoạt động XNK nói riêng và góp phần vào quá trình tạo thuận lợi và thúc đẩy tăng trưởng thương mại của Việt Nam nói chung.