NHẬP SIÊU KHIẾN GIA TĂNG ÁP LỰC LÊN TỶ GIÁ

(HQ Online)- Tuy tỷ giá những tháng đầu năm được đánh giá là tương đối ổn định, nhưng nếu so với cùng kỳ năm trước, tỷ giá đang có mức tăng cao. Điều này đặt ra lo ngại, liệu đây có phải do sự ảnh hưởng của việc nhập siêu.

Tình trạng nhập siêu khiến cầu USD tăng mạnh hơn so với năm trước. Ảnh: H.DỊU.

Tỷ giá đã tăng

Theo số liệu thống kê hàng hóa XNK của Tổng cục Hải quan, tính đến hết quý I/2017, tổng kim ngạch XNK đạt hơn 91,21 tỷ USD, tăng 19,9%, tương ứng tăng gần 15,16 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tổng kim ngạch XK của Việt Nam đạt gần 44,64 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng kim ngạch NK đạt hơn 46,57 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa cả nước 3 tháng đầu năm 2017 đã thâm hụt gần 1,94 tỷ USD, bằng 4,3% kim ngạch XK. Trong khi đó, vào cùng kỳ năm 2016, cả nước đã xuất siêu 776 triệu USD.

Tình hình nhập siêu quay trở lại đã có ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng GDP trong quý I/2017, khi GDP quý này tăng thấp đáng kể so với kỳ vọng, thấp nhất trong 3 năm qua, chỉ đạt 5,1%, trong khi cùng kỳ năm trước là 5,5%. Một trong những vấn đề đáng lo ngại của tình trạng nhập siêu là việc có thể đẩy tỷ giá ngoại tệ lên cao hơn so với thời gian trước.

Trên thực tế, tỷ giá trong 3 tháng đầu năm đã có diễn biến tăng. Tính đến ngày 17/4, tỷ giá trung tâm giữa VND và USD được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 22.322 VND/USD, tăng 3 đồng so với phiên giao dịch cuối tuần trước, nhưng đã đạt mức cao nhất kể từ khi NHNN bắt đầu công bố tỷ giá trung tâm. Đây là kết quả của việc tăng liên tiếp của tỷ giá trung tâm từ cuối tháng 3, khiến tỷ giá trung tâm liên tục đạt “đỉnh”. So với mức tỷ giá trung tâm công bố từ đầu năm 2017, tỷ giá trung tâm đã tăng lên tới 164 đồng, tương ứng tăng gần 1%.

Với biên độ ±3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng cho ngày 17/4 là 22.993 VND/USD. Trong khi đó, tỷ giá bán ra đang được các ngân hàng thương mại niêm yết đang ở quanh mức 22.730-22.750 VND/USD, còn cách mức trần khoảng 200 đồng. Báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô quý I và dự báo cả năm 2017 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại có xu hướng giảm trong tháng 1/2017, nhưng sau đó có nhiều biến động khi liên tiếp tăng cao từ nửa đầu tháng 2 cho tới nay và luôn tiệm cận sát với mức trần NHNN công bố.

Áp lực cao

Trong thông cáo phát đi, NHNN vẫn khẳng định sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, kết hợp điều tiết linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở, duy trì thanh khoản và lãi suất VND liên ngân hàng ở mức hợp lý nhằm hỗ trợ ổn định tỷ giá và không gây sức ép đến lãi suất thị trường 1 (thị trường huy động vốn từ dân cư, tổ chức). Nhờ đó, tỷ giá vẫn thấp xa so với mức trần và từ giữa tháng 3 bắt đầu giảm và ổn định. Về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, NHNN đang điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng và giữ được thế chủ động trong việc kiểm soát thị trường ngoại hối, nên đã đạt được mục tiêu giữ ổn định tỷ giá. Theo đó, NHNN đã nhiều lần chặn đà tăng và giảm của tỷ giá của các ngân hàng thương mại bằng việc điều chỉnh giá ngoại tệ giao dịch tại Sở Giao dịch NHNN.

Mặc dù vậy, với những biến động của thị trường thế giới, ngay từ đầu năm, các chuyên gia đều tỏ ra không mấy lạc quan về sự ổn định của tỷ giá trong cả năm 2017. TS. Đinh Tuấn Minh, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Nghiên cứu Thị trường MarketIntello cho rằng, trong năm 2017, tỷ giá sẽ tăng khoảng 1,5-2%. Khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng tỷ giá 2 lần nữa trong năm vào tháng 6 và tháng 9 có thể sẽ tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá. Ngoài ra tình trạng nhập siêu cũng sẽ khiến cầu USD tăng mạnh hơn năm 2016.

Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia không đánh giá cao áp lực của việc FED tăng lãi suất do hiện nay chênh lệch giữa lãi suất huy động VND và USD vẫn nghiêng về việc nắm giữ VND. Nhưng báo cáo cũng cho rằng, cung ngoại tệ có thể kém thuận lợi hơn năm 2016, nguyên nhân bởi cán cân thương mại có thể đảo chiều từ mức thặng dư trong năm 2016 sang thâm hụt dự báo ở mức cao (theo kế hoạch khoảng 3,5% tổng kim ngạch XK). Hơn nữa, áp lực còn đến từ cán cân vốn có thể chịu tác động khi vốn ODA bị hạn chế kể từ tháng 7/2017.

“Tuy nhiên, VND sẽ không bị mất giá nhiều nhờ nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào của NHNN”, TS. Đinh Tuấn Minh nhận định.

Những nhận định trên cho thấy áp lực không chỉ lên tỷ giá mà còn lên hoạt động XNK tại Việt Nam thời gian tới. Theo TS. Đinh Tuấn Minh, cùng với việc cầu tiêu dùng nội địa yếu thời gian vừa qua, XK sẽ là một trong những yếu tố then chốt giúp Việt Nam theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2017. Vì thế, Chính phủ và các cơ quan quản lý phải có chính sách thương mại thích hợp, bảo đảm cho hàng hóa XK của Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới sẽ là tập trung củng cố các thị trường có tốc độ tăng trưởng cao như Hoa Kỳ và châu Âu vì tiềm năng tại các thị trường này còn lớn; ngoài ra, cần đa dạng hóa thị trường XK và hướng tới các thị trường có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) tiềm năng có tốc độ tăng trưởng cao như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản và ASEAN.

Hương Dịu

ANZ: TỶ GIÁ USD NĂM 2017 CÓ THỂ TĂNG TỚI 2%

(HQ Online)- Với tác động của nền kinh tế Hoa Kỳ, đồng USD mạnh lên cùng việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất, chuyên gia của Ngân hàng ANZ dự báo, đồng Việt Nam có thể mất giá tới 2%.

USD sẽ còn có những biến động mạnh trong thời gian tới. Ảnh: H.Dịu

Tại buổi họp báo “Điều gì sẽ đến trong năm 2017?” của  Ngân hàng ANZ ngày 24/6 tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế quốc tế đã đưa một vài nhận định và dự báo về kinh tế Việt Nam trong năm 2016.

Theo bà Eugenia Victorino, chuyên gia kinh tế khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông và ASEAN, đối với Việt Nam, dự báo tăng trưởng GDP năm 2017 sẽ cao hơn so với 2016, khoảng 6,4%, do kỳ vọng nông nghiệp sẽ phục hồi, có kết quả tốt hơn. Hơn nữa, trong những năm qua, Việt Nam đã đa dạng thị trường và mặt hàng XK nên tránh được những cú sốc bên ngoài, không bị tổn thương dù thị trường các nước có biến động.

Nói về tác động khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) bị dừng lại, các chuyên gia của ANZ vẫn tỏ ra hết sức lạc quan. Bởi TPP có tác động thực sự phải sau 10 năm nữa, nên việc mất đi TPP chỉ là việc Việt Nam mất đi một cơ hội để tăng trưởng, có thể tiếp tục kỳ vọng vào Hiệp định Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

“Rủi ro của TPP là khi bị Mỹ tuyên bố rút lui là luồng vốn đầu tư trực tiếp tại Việt Nam vào sản xuất nhằm mục đích XK sang mỹ giảm xuống, nhưng Việt Nam XK sang Mỹ chỉ chiếm 22% tổng kim ngạch, nên việc Việt Nam đang đa dạng hóa thị trường XK thì sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng”, ông Khoon Goh, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu châu Á (ANZ) đánh giá.

Đặc biệt, về lĩnh vực tài chính – ngân hàng, theo dự báo của Ngân hàng ANZ, tỷ giá USD trong năm 2017 đến cuối năm có thể lên mức trên 23.200 VND/USD và tăng lên tới 24.000 VND/USD vào đầu năm 2019. Như vậy, năm 2017, tỷ giá có thể tăng lên tới 2%.

Nói về cơ sở của dự báo này, ông Khoon Goh cho rằng, dự báo này hoàn toàn không liên quan đến những tiêu cực hay rủi ro khi đồng Việt Nam bị mất giá mạnh. Bởi với những chính sách kinh tế mới của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi và khiến đồng USD mạnh lên, khiến tất cả các đồng tiền khác đều mất giá.

“Mức mất giá 2% không phải là quá nhiều do các đồng tiền khác cũng đều mất giá. Hơn nữa, mức 2% của đồng Việt Nam còn ít hơn so với nhiều đồng tiền khác trong khu vực”, ông Khoon Goh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, việc kinh tế Mỹ phục hồi với việc thắt chặt chính sách tiền tệ cũng sẽ gây ảnh hưởng tới luồng vốn của các nhà đầu tư. Đặc biệt, việc FED còn nhiều khả năng tăng lãi suất cũng sẽ khiến luồng vốn đầu tư gián tiếp như tỷ giá, trái phiếu giảm. Nhưng theo ông Khoon Goh, luồng vốn trực tiếp vào sản xuất sẽ không ảnh hưởng.

“Mặc dù luống vốn đầu tư gián tiếp thế giới giảm đi, nhưng thành tích của Việt Nam năm 2016 tốt hơn các nước khác, do việc cổ phần hóa các DN nhà nước, bán cổ phần ra công chúng được đẩy mạnh nên mở ra cơ hội mới cho thị trường chứng khoán, thu hút các nhà đầu tư gián tiếp vào Việt Nam. Với việc đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa trong thời gian tới thì luồng vốn gián tiếp vào Việt Nam sẽ không bị xấu đi”, bà Eugenia Victorino phân tích thêm.

Bên cạnh đó, dự báo của ANZ cũng dự báo lãi suất tại Việt Nam sẽ giữ sự ổn định trong thời gian dài từ nay đến đầu năm 2019. 

Nguyên nhân của sự ổn định này, theo bà Eugenia Victorino, xu hướng tăng trưởng tín dụng sẽ được cải thiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, tình trạng nợ xấu tồn tại lâu năm mà chưa có phương án giải quyết sớm nên ngân hàng trung ương vẫn phải áp dụng chính sách thúc đẩy tăng trưởng nên phải giữ ổn định lãi suất để mở rộng tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Hương Dịu